Phỏng vấn độc quyền Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh của Église d’Asie về
tình hình Giáo Hội tại Việt Nam
Theo nhận định ngày 3 tháng 7 của Église d’Asie, tổng giáo
phận Huế đang là tâm điểm thời sự Việt Nam, sau khi một nhóm gồm 150 người tấn
công Đan Viện Thiên An của Dòng Biển Đức ngày 28 tháng Sáu vừa qua. Đức Cha
Giuse Nguyễn Chí Linh, 67 tuổi, là Tổng Giám Mục của Huế từ ngày 29 tháng 10
năm ngoái và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5 tháng 10 cùng
năm. Nhân dịp tới Paris, ngài đã chấp nhận trả lời các câu hỏi của ban biên tập
Église d’Asie.
Eglises d’Asie : Thứ Tư, 28 tháng Sáu vừa rồi, một nhóm 150
người đã xâm nhập tài sản của đan viện Biển Đức Thiên An, tọa lạc cách Huế mấy
kilômét, và đã phá hủy một tượng Chúa Kitô trên Thập Giá. Đây không phải là lần
đầu tiên những bạo lực như thế đã diễn ra, các bạo lực này đã có trong khuôn khổ
cuộc tranh chấp ruộng đất ngày xưa. Đức Cha có thể giải thích cho chúng con biết
tình hình được không?
Đức Cha Giuse Nguyễn
Chí Linh : Trước đây, Đan Viện có một khu đất diện tích khoảng 107 mẫu tây.
Nhưng Bộ Dân Luật Việt Nam không thừa nhận quyền tư hữu. Thành thử, các nhà cầm
quyền không thừa nhận quyền sở hữu của đan viện đối với khu đất này.
Vụ tranh cãi này đã bắt đầu từ một thập niên qua; nó đã trở
thành một cuộc tranh cãi thực sự. Các nhà cầm quyền đã ăn cắp tài sản của các
đan sĩ, tức khu đất này, để bán cho các doanh nghiệp ngoại quốc, các doanh nghiệp
du lịch [Chú thích của ban biên tập: các nhà cầm quyền chiếm 50 mẫu tây, để làm
một công viên giải trí]. Và rồi, đây là cách họ làm thế: nhà cầm quyền muốn tạo
thế dễ dàng cho việc đầu tư của các doanh nghiệp, cả địa phương lẫn ngoại quốc,
nên đã bán các tài sản này đi. Họ chế giễu quyền lợi của các tổ chức tôn giáo,
và, trong trường hợp này, các quyền lợi của Đan Viện.
Người Công Giáo của tổng giáo phận Huế là thiểu số và vẫn
còn bị thương tích bởi các vụ tàn sát diễn ra trong cuộc Tấn Công Tết [Chú
thích của ban biên tập: cuộc tấn công bất ngờ của các cán binh Bắc Việt nhân dịp
Tết năm 1968; trong thành phố này, các trận chiến đặc biệt lâu dài, chúng kéo
dài 28 ngày, và sát hại nhiều người], nên không ai dám lên tiếng. Người ta để
các đan sĩ phải tự xoay xở lấy. Và nhà cầm quyền dân sự mặc tình muốn làm gì
thì làm. Tôi đã viếng Đan Viện [ngày 16 tháng Sáu vừa qua], và các đan sĩ cho rằng
tòa tổng giám mục nên nâng đỡ việc đòi lại đất đai của họ. Tôi đoán rằng các
đan sĩ đã dựng lại cây thập giá [ngày 26 tháng Sáu, 2017], điều này đã gây ra một
phản ứng, có tính bạo lực, về phía nhà cầm quyền [ngày 28 tháng Sáu]. Các ông
biết đấy, ở xứ này, 77% các vụ tranh chấp liên quan tới đất đai.
Hỏi: Cũng trong tuần này, một “blogger” Công Giáo
Việt Pháp, Ông Phạm Minh Hoàng, đã bị tước mất quốc tịch và bị đuổi khỏi xứ sở.
Ngày 29 tháng Sáu, một “blogger” Công Giáo, Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được
biết nhiều hơn dưới tên “Mẹ Nấm”, đã bị kết án 10 năm tù vì đã “tuyên truyền chống
chính phủ Cộng Sản”. Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, cha xứ Giáo Xứ Thái Hà, ở
Hà Nội, một linh mục dấn thân, nhất là trong các vấn đề đất đai, đã bị cấm rời
lãnh thổ, trong khi ngài có việc phải qua Úc. Tất cả những điều này gợi ý gì với
Đức Cha?
Trả lời: Chế độ Cộng
Sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp
các tiếng nói đối lập. Các “bloggers” bị coi như những người khiêu khích,
chuyên xúi giục các vụ nổi loạn.
Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã bị trừng phạt vì tác
phong chống cộng sản của ngài. Trong các bài nói của ngài, trong các bài giảng
của ngài, ngài thường hay kết án các nhà cầm quyền. Điều này từ lâu khiến ngài ở
trong sổ bị theo dõi của Công An. Thành thử đây không phải là lần đầu tiên. Nhiều
người đối lập đã bị trừng phạt như thế để họ không nói xấu chế độ với người ngoại
quốc.
Hỏi: Các linh mục tự động viên mình ủng hộ các
người Việt Nam chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường do doanh nghiệp Formosa
khiêu khích tạo ra đã bị biến thành đối tượng để đe dọa. Các cuộc biểu tình đã
bị dẹp tan một cách dã man. Mới đây, ban biên tập của Église d’Asie đã gặp Đức
Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, người hướng dẫn một phái đoàn qua Âu Châu để mẫn cảm
hóa dư luận quốc tế lấy thảm hoạ môi trường này làm chủ đề. Hội Đồng Giám Mục
cũng đã lên tiếng công bố.Tình trạng môi trường có diễn biến ở Việt Nam không?
Đáp: Không có gì
đã thay đổi. Vì chính phủ luôn luôn sợ phải thừa nhận sự thật liên quan tới vụ
tai tiếng Formosa. Nhưng từ trước đến nay, họ nhìn nhận rằng đây là một thảm họa
và nhận định rằng Việt Nam chưa có đủ trải nghiệm để xử lý các vụ việc như thế.
Xứ sở chưa có đủ chuyên viên, và đây là cái giá rất cao mà xứ sở phải trả.
Liên quan đến việc bồi thường, người ta luôn đương đầu với
cùng một vấn đề tham nhũng. Số tiền không cao lắm, vì các thiên kiến sẵn có, và
bị các nhà cầm quyền dân sự bác bỏ. Vả lại, theo tin đồn, chính người Trung Quốc
đầu tư; người Đài Loan chỉ là những người cho muợn tên mà thôi.
Còn về Đức Cha Hợp, ngài đã làm phật lòng các nhà hữu trách
của Phòng Tôn Giáo Sự Vụ rất mạnh. Những người này đã đề nghị “miễn chấp”
(excuser) cho Đức Cha Hợp. Nghĩa là họ mong Tòa Thánh triệu Đức Cha Hợp về
Rôma, hoặc gửi ngài đi nghỉ dưỡng.
Hội Đồng Giám Mục gần đây đã gửi “các nhận xét thành thực và
thẳng thắn” của mình liên quan đến Đạo Luật về các tín ngưỡng và tôn giáo, ngày
1 tháng Sáu vừa qua, lên các nhà cầm quyền.
Nói một cách tổng quát, với đạo luật này, người ta thấy nhiều
thụt lùi, chứ không phải tiến bộ; chúng tôi không luôn được hưởng sự tự do đích
thực. Thí dụ, có nhiều lãnh vực trong đó Giáo Hội không có quyền dấn thân vào,
như sức khỏe, giáo dục, v.v… Người ta vẫn chưa ra khỏi não trạng của hệ thống gọi
là “xin cho” [Ghi chú của ban biên tập: kiểu nói này mô tả sự kiện: Giáo Hội tự
thấy mình có nghĩa vụ phải xin phép đối với tất cả mọi việc mình làm, chế độ ở
địa phương có ban phép ấy hay không là tùy ở họ].
Đấy là mối thất vọng, được các tôn giáo khác chia sẻ, mặc dù
không công khai nói ra. Dù sao, các tôn giáo này cũng hỗ trợ Hội Đồng Giám Mục.
Hỏi: Còn về việc cử nhiệm các giám mục, từ trước
đến nay, quý Đức Cha có được tự do không?
Đáp: Không, không
hề có. Nhà Nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một
vụ bổ nhiệm. Khi một ứng viên được đề cử làm giám mục, họ cần sự chấp thuận của
Nhà Nước. Trên thực tế, không có quá nhiều vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm tại
các giáo phận ở tỉnh. Nhưng có vấn đề với việc bổ nhiệm giám mục ở ba tổng giáo
phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Hỏi: Ngày 29 tháng Sáu, Đức Cha đã ở Rôma.
Đáp: Mới đây, tôi
được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế [ngày 29 tháng 10 năm ngoái]. Trong truyền thống
của Giáo Hội Công Giáo, các tân Tổng Giám Mục tới Rôma để lãnh dây palium từ
tay Đức Giáo Hoàng. Nghi lễ này diễn ra ngày 29 tháng Sáu, dịp Lễ Hai Thánh
Phêrô và Phaolô. Ba mươi sáu Tổng Giám Mục đã nhận dây pallium năm nay.
Đối với tôi, đó là một niềm vui lớn. Một cách hết sức hữu
hình, người ta cảm thức được sự hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ. Điều này gây ấn
tượng hết sức. Và có nhiều khách mời: đại diện của các tôn giáo khác, hồi giáo,
chính thống giáo, các nghi lễ đặc biệt, cả các nhà ngoại giao nữa, đủ các cấp,
và cả các thủ tướng nữa. Bầu khí rất “hoàn cầu”. Tất cả đã được Đức Giáo Hoàng
Phanxicô hoàn cầu hóa.
Hỏi: Hôm trước đó, tức ngày 28 tháng Sáu, Đức
Giáo Hoàng đã bổ nhiệm 5 vị Hồng Y, trong đó, có Đức Cha Louis-Marie Ling
Mangkhanekhoun, giám mục Paksé, ở Lào. Một vài tháng sau khi 17 vị tử đạo của
Lào được phong chân phúc. Một nguồn hân hoan?
Đáp: Tôi chia sẻ niềm vui của Giáo Hội Lào vì đây là các vị
tử đạo đầu tiên được phong chân phúc. Tôi đã ở Vạn Tượng để dự lễ ấy vì, trong
số các vị được phong chân phúc, có một linh mục của giáo phận cũ của tôi là Thanh
Hóa, Cha Thoa Tien. Ngài vốn là thành viên của linh mục đoàn Thanh Hóa.
Ở Việt Nam, diễn trình phong chân phúc cho Đức Hồng Y
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang diễn tiến tốt đẹp.
Đức Hồng Y Thuận đã được nâng lên bậc đáng kính. Ngài là
giám mục cũ của tôi ở Nha Trang, một đại biểu chân chính của Giáo Hội lúc ấy.
Tôi hãnh diện về ngài và tôi cũng hãnh diện về sự thăng tiến thiêng liêng của
ngài.
Hỏi: Năm 2018, Giáo Hội Việt Nam sẽ mừng 20 năm lễ
phong chân phúc cho các vị tử đạo của mình. Qúy vị sẽ chuẩn bị việc này ra sao?
Đáp: Hiện nay,
các cử hành đã được tổ chức, liên kết với việc các giám mục viếng mộ hai Thánh
Phêrô và Phaolô (ad limina) ở Rôma hồi tháng Ba vừa rồi. Chắc chắn sẽ có những
cuộc cử hành và buổi cầu nguyện lớn lao; người ta sẽ cố gắng làm nổi bật đời sống
và tiểu sử các vị tử đạo. Các nghi lễ này sẽ luôn nhắm tới người trẻ.
Về người trẻ, Các Ngày Giới Trẻ Á Châu sẽ diễn ra tại Nam
Dương vào mùa hè này.
Đối với người trẻ Việt Nam, có vấn đề lớn về ngôn ngữ vì đa
số không hiểu tiếng Anh hay tiếng Pháp. Nhưng Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên,
giám mục phụ tá của Vinh, người chịu trách nhiệm mục vụ giới trẻ, đang tổ chức
một nhóm người Việt tham dự Các Ngày Giới Trẻ nói trên.
Hỏi: Miến Điện và Tòa Thánh đã chính thức thiết lập
các liên hệ ngoại giao nhân cuộc gặp gỡ ở Vatican giữa Tòa Thánh và Aung San
Suu Kyi, Cố Vấn Nhà Nước Miến Điện, ngày 4 tháng 5 vừa qua. Liệu việc này có một
tác động nào đối với sự hiện diện của vị đại diện không thường trực của Tòa
Thánh tại Việt Nam không?
Đáp: Cho tới nay,
người ta có thể nói chúng tôi khá thất vọng: chúng tôi vốn mong đợi nhiều ở
giây phút trong đó Việt Nam sẽ tạo được các liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh ở
cấp sứ thần. Nhưng vị đại diện của Tòa Thánh ở Việt Nam, Đức Cha Leopoldo
Girelli, không luôn được quyền cư ngụ thường trực ở Việt Nam. Ngài luôn là “đại
diện không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam”; ngài ở Tân Gia Ba và chỉ có
quyền ở Việt Nam một tháng rồi phải rời xứ sở.
Mọi di chuyển của ngài ở Việt Nam phải được chấp thuận, được
bộ ngoại giao của Việt Nam cho phép. Sự trông chờ của chúng tôi có chừng mực,
nhưng chính phủ không dám tiến tới nếu không có sự bảo lãnh của các nhà cầm quyền
Trung Hoa. Trong lúc tình thế bị trở ngại, người ta luôn kiếm cớ để khước từ sự
hiện diện thường trực của Đức Cha Girelli ở Việt Nam.
Hỏi: Từ ngày 5 tháng 10 năm 2016, Đức Cha là chủ
tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hôm trước ngày Đức Cha được bầu, Nguyễn Thiện
Nhân, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Yêu Nước, và là thành viên của cấp
chính trị cao nhất của Đảng, tức Bộ Chính Trị, đã tới chào thăm Đức Cha. Đức
Cha có những mối liên hệ nào với các nhà cầm quyền trung ương?
Đáp: Cuộc viếng
thăm của Nguyễn Thiện Nhân diễn ra dưới sự chủ tọa của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc,
Tổng Giám Mục Sài Gòn. Tôi không biết có phải ngài mời ông ấy hay đó là sáng kiến
của Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng các cuộc viếng thăm này không được chào đón trong
khuôn khổ hội đồng giám mục.
Tôi không dấu giếm điều gì, tôi phát biểu điều tôi suy nghĩ.
Chúng tôi ít dè dặt hơn trước. Chúng tôi được tự do hơn. Và các thế hệ trẻ,
thành viên của Đảng, thành viên của chính phủ, được thông tri nhiều hơn trước,
cởi mở hơn. Họ ra khỏi xứ sở và có cơ hội quan sát cách xử lý các vụ việc tôn
giáo ở các nước khác. Các não trạng, cách suy nghĩ đã diễn biến, thay đổi.
Hỏi: Giáo Hội ở Việt Nam xử sự ra sao?
Đáp: Tôi lạc quan
vì, sau một thời kỳ lâu dài chung sống, các thành phần xã hội đã tìm cách xích
lại gần nhau. Người Cộng Sản và Người Công Giáo hiểu nhau tốt hơn trước khá nhiều.
Người Công Giáo ngày càng ít bị ngờ vực hơn. Trước đây, người
ta quá bị điều khiển bởi điều tuyên truyền dạy. Từ nay, người ta có khả thể
quan sát bằng chính mắt mình, và họ đã khám phá ra rằng người Công Giáo không xấu
như trước đây người ta vốn nghĩ. Và rồi, việc làm chứng của người Công Giáo trở
nên mỗi ngày một tích cực hơn. Thù ghét và oán hận đã giảm đi. Các liên hệ ngày
càng thân ái hơn.
Phải can đảm lắm mới vượt qua được giai đoạn đó. Phải kiên
nhẫn, người ta không thể thay đổi được xứ sở trong 5 phút.
Hỏi: Đức Cha có thể cho chúng con biết thêm về Học
Viện Công Giáo Việt Nam không?
Đáp: Nó đã được
khai giảng ngày 14 tháng 9 năm ngoái, các kỳ thi tuyển cho khóa học mới đã diễn
ra trong các ngày 7 và 8 tháng Sáu vừa rồi.
Đức Cha Đinh Đức Đạo, của giáo phận Xuân Lộc, là viện trưởng
của học viện Công Giáo này. Chúng tôi có nhiều hy vọng nhưng, vào lúc này,
chúng tôi chưa thành công tạo được nơi chốn: chưa có đất, nên phải thuê một
ngôi trường và bắt đầu với một lớp duy nhất. Chúng tôi cũng chưa có đủ các giáo
sư chuyên môn, và các sinh viên chưa đạt trình độ mong muốn. Cần chờ đợi thêm một
chút, với thời gian, mọi sự sẽ tốt hơn thôi.
Trước khi người Cộng Sản nắm quyền [năm 1975], chúng tôi vốn
có hai đại học Công Giáo [ở Đà Lạt và ở Sài Gòn]. Tất cả đã bị người Cộng Sản cấm,
đóng cửa; các chủng viện và các đại học bị trưng dụng. Nên đây không phải là một
điều mới mẻ gì, chỉ là việc phục hồi điều chúng tôi đã mất trong mấy chục năm
qua mà thôi.
Hỏi: Còn ơn gọi, cả linh mục lẫn đời sống tu trì,
thì sao?
Đáp: Các ơn gọi
này hiện khá dư dật tại Việt Nam. Bất kể trong các chủng viện hay trong các hội
dòng. Người ta đã nhận được một chút tự do nào đó trong việc tổ chức sinh hoạt
của các trung tâm đào tạo. Trước đây, người ta áp dụng một thứ chính trị chỉ
tiêu (quota): để gửi một người trẻ vào chủng viện, cần phải có sự chuẩn y của
Nhà Nước. Mỗi giáo phận có quyền gửi sáu hoặc tám ứng viên, mỗi hai năm. Thứ
chính trị này vẫn còn trên lý thuyết nhưng không bị áp dụng nữa.
Trước đây, người ta cũng không có quyền gửi các linh mục hay
các nữ tu ra nước ngoài để được đào tạo thành các nhà đào tạo; nay, người ta có
thể xuất ngoại khá dễ dàng. Đó chính là niềm hy vọng của chúng tôi. Ước mong những
người từ ngoại quốc trở về sẽ trở về để làm việc trong các trung tâm đào tạo của
chúng tôi và dần dần, từng chút một, cải thiện phẩm chất của việc đào tạo này.
Hỏi: Còn về vị trí của giáo dân trong lòng cộng đồng
Công Giáo?
Đáp: Nói chung,
việc tham gia của các giáo dân rất được các mục tử đánh giá cao. Đặc biệt khi họ
dấn thân không điều kiện, nhất là tại các giáo xứ miền quê. Họ làm việc dễ dàng
và không công, hoàn toàn tự nguyện. Thậm chí, đôi khi, còn có quá nhiều thiện
nguyện viên. Mọi người đều khả dụng. Đó là cảm thức của Giáo Hội ở Việt Nam. Bản
thân tôi, tôi đánh giá cao việc tham dự của các giáo dân.
Điều chúng tôi chưa có thể làm được là đào tạo các giáo dân;
các điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo họ vẫn chưa thu thập được. Đây là điều
chúng tôi phải tiến tới chỗ làm được trong tương lai.
Hỏi: Ngày 20 tháng 12 tới, Đức Cha sẽ cử hành 25
năm thụ phong linh mục. Trong 25 năm này, nhiều điều đã thay đổi ở Việt Nam.
Đáp: Vâng, nhiều
điều đã thay đổi, trong một chiều hướng nhất định tích cực, về mọi phương diện.
Đối với tôi, điều này rất có ý nghĩa, vì Chúa Quan Phòng đã dẫn dắt chúng tôi,
đã giúp đỡ chúng tôi vượt qua mọi khó khăn của Lịch Sử, vượt thắng mọi điều bất
tiện mà thế hệ chúng tôi từng biết.
Hai mươi lăm năm linh mục, đây là một dịp tạ ơn Thiên Chúa
cho Giáo Hội nói chung và cho chính bản thân tôi. Tôi đã phải chờ đợi chức linh
mục trong 16 năm trời. Tôi chỉ được thụ phong linh mục ở tuổi 42. Tuổi ấy quá
già đối với một linh mục ở Việt Nam! Thông thường, người ta được thụ phong ở tuổi
27, 28 hay 29, cùng lắm thì 30 là tối đa. Tôi, tôi đã phải chờ đợi quá lâu. Khi
được thụ phong, tôi hoàn toàn thỏa mãn, điều này quá đủ đối với tôi. Tôi chỉ chờ
đợi có thế. Tôi không bao giờ dám nghĩ tới một đoạn đường xa hơn; thời gian qua
đi thật nhanh, đã tới lễ cưới bạc rồi. Quả tình là một lễ cưới, tôi hết sức hân
hoan.
Vũ Văn An – Vietcatholic
(Nguồn: Eglises d’Asie, 3 tháng Bẩy năm 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét