09/08/2017
Thứ tư tuần 18 thường niên.
BÀI ĐỌC I: Ds 13,
1-3a. 26 -- 14, 1. 26-29. 34-35
"Đất ngon lành họ đã không thèm" (Tv 77, 24)
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy,
Chúa phán cùng Môsê (ở trong hoang địa Pharan) rằng: "Ngươi hãy sai đàn
ông, mỗi chi tộc một người (thuộc hàng vương công trong chúng), đi xem đất
Canaan mà Ta sẽ ban cho con cái Israel".
Sau bốn mươi ngày, những
người dò thám đất đi khắp miền, đoạn trở về. Họ đi gặp
Môsê, Aaron và toàn thể cộng đồng con cái Israel ở sa mạc Pharan, tại Cađê. Và
họ đã báo cáo với các ông và toàn thể cộng đồng, và cho người ta thấy thổ sản đất
ấy. Họ đã tường thuật và nói: "Chúng tôi đã vào đất, nơi các ông sai chúng
tôi đến, và thật là đất chảy tràn sữa và mật, và đây là thổ sản đất ấy. Hiềm một
nỗi là dân cư trong xứ hùng cường! Thành trì kiên cố (và) lớn lắm, và chúng tôi
đã thấy ở đó cả những con cháu Anaq. Có Amalec ở vùng Namsa; có dân Hit-tit,
Giơbusi và Amori ở trên núi; còn dân Canaan thì ở gần biển và bờ sông
Giođan".
Bấy giờ Caleb truyền
cho dân nín bặt trước Môsê. Ông nói: "Ta cứ lên chiếm đất ấy, vì ta sẽ thắng
nổi nó!" Những người cùng lên với ông đáp lại: "Ta không thể lên đánh
dân ấy, vì nó mạnh hơn ta". Và họ buông lời chê bai giữa con cái Israel về
đất họ đã dò thám, họ nói: "Đất chúng tôi đã băng qua để dò thám là đất
làm tiêu diệt cả những người ở trên ấy; dân chúng tôi đã thấy trong xứ toàn là
những người vóc dạng. Chúng tôi đã thấy ở đó những người khổng lồ (con cháu của
Anaq thuộc hạng người khổng lồ). Quay nhìn lại mình, thật chúng tôi chỉ như những
con châu chấu, và trước mắt họ, chúng tôi chỉ như thế đó".
Và toàn thể cộng đồng
kêu la; họ lên tiếng, và đêm ấy toàn dân la lối khóc lóc. (Họ trách móc Môsê và
Aaron, và nói rằng: "(...) Phải chi chúng tôi chết quách ở trong sa mạc
này!").
Chúa phán cùng Môsê và
Aaron rằng: "Dân bạc ác này kêu trách Ta cho đến bao giờ? Ta đã nghe tiếng
kêu trách của con cái Israel. Ngươi hãy nói với chúng rằng: Chúa phán: Ta hằng
sống, như các ngươi đã nói, Ta đã nghe, nên Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy.
Xác chết của các ngươi sẽ nằm trên rừng vắng này. Tất cả các ngươi, tính từ hai
mươi tuổi trở lên, đều đã kêu trách Ta. Các ngươi đã xem thấy đất, trong bốn
mươi ngày, (thì) một năm kể thay cho một ngày; các ngươi mang lấy cái khổ của sự
gian ác các ngươi, và sẽ biết sự thù ghét của Ta: vì Ta đã phán thế nào, thì Ta
sẽ làm cho dân bạc ác này dấy lên chống lại Ta như vậy: nó sẽ hao mòn và chết
trên rừng vắng này". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 105, 6-7a.
13-14. 21-22. 23
Đáp: Lạy Chúa, xin
nhớ đến chúng con (c. 4a).
Xướng: 1) Chúng con đã
phạm tội cũng như tổ phụ chúng con, chúng con đã làm điều gian ác và ăn ở bất
nhân. Tổ phụ chúng con khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ
lùng của Chúa. - Đáp.
2) Nhưng họ đã mau
quên công việc của Chúa khi gia ân huệ cho dân Ngài, họ không tin cậy vào định
kế của Ngài. Họ chiều theo dục vọng ở nơi hoang địa, và thử thách Thiên Chúa
trong cõi cô liêu. - Đáp.
3) Họ đã quên Thiên
Chúa là Đấng cứu độ mình, Đấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Đấng đã
làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Đỏ.
- Đáp.
4) Chúa đã nghĩ tới
chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là Người Chúa chọn, không đứng ra cầu
khẩn với Người, để Người nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự
sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 15, 21-28
"Này bà, bà có lòng mạnh tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, ra khỏi đó,
Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy
đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót
tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm".
Nhưng Người không đáp
lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy
về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ
được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel".
Nhưng bà kia đến lạy
Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không
nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy
Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống".
Bấy giờ, Chúa Giêsu trả
lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy".
Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Sống Niềm
Tin
Mahatma Gandhi, người
có công giành độc lập cho Ấn Ðộ bằng con đường bất bạo động, đã có lần tuyên bố:
"Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu".
Câu nói của con người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ
trương bất bạo động đáng làm cho chúng ta suy nghĩ.
Giáo lý của Chúa Kitô
thì cao đẹp, nhưng nhiều Kitô hữu làm cho bao nhiêu người xa lánh Giáo Hội, chỉ
vì cuộc sống của họ đi ngược lại với những gì họ tuyên xưng. Người ta thường
nói: "Bà con xa không bằng láng giềng gần". Ðôi khi chúng ta cảm thấy
gần gũi với những người láng giềng hơn là với những người thân thuộc. Trong
liên hệ với Chúa Giêsu cũng thế, có biết bao người chưa từng được nghe nói đến
Chúa Giêsu, có biết bao người không mang danh hiệu Kitô, nhưng lại gần gũi với
Chúa Kitô và sống tinh thần Kitô hơn chính những người Kitô hữu.
Trong Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người
ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên
Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả
những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.
Thời Chúa Giêsu, có biết
bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết,
tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: "Dân
này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta". Thời Chúa Giêsu, có
biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng
không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng
sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh
cáo: "Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời;
nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa".
Người đàn bà Canaan có
lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách
mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng
của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa
Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự
khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin,
không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng
tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào
tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người,
đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người
gặp gỡ Chúa Giêsu.
Trong một hoàn cảnh mà
cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết
được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản
sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời
gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán
nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng
vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 18 TN1,
Năm Lẻ
Bài đọc: Num
13:1-2, 25 -14:1, 26ª-29ª, 34-35; Mt 15:21-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên trì
vượt qua gian khổ mới hy vọng được thành công.
Nhiều người thích được
thành công, thích ngồi mơ mộng để dệt đời mình bằng những tương lai huy hoàng rực
rỡ, được trở nên những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hay ngoài xã hội; nhưng
khi giật mình tỉnh giấc và phải đương đầu với những hy sinh gian khổ, những mơ
ước bị tan biến như bọt biển bị sóng đánh tan tành. Họ quên đi một thực tế là ai
cũng phaỉ trải qua những hy sinh gian khổ trước khi đạt được những kết quả tốt
đẹp.
Các Bài Đọc hôm nay
đưa ra hai thái độ tương phản của nhân loại. Trong Bài Đọc I, con cái Israel
thích thú khi nghe các thám tử tường thuật chuyến đi xem xét tình hình Đất Hứa
miền Canaan; nhưng khi nghe đến binh lính to lớn và thành trì kiên cố của họ
thì họ hết mong Đất Hứa, vì họ sợ phải trả giá bằng gian khổ và chết chóc. Họ bắt
đầu toa rập nhau và gào thét điệp khúc "chúng tôi muốn trở về Ai-cập,"
để kêu trách Thiên Chúa và ông Moses. Trong Phúc Âm, người đàn bà xứ Canaan muốn
xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái bị quỉ ám. Mặc dù bị thử thách nặng nề bởi
các môn đệ và bởi Chúa Giêsu, Bà nhất định vượt qua mọi thử thách để kiên trì
van xin cho tới khi được. Chúa Giêsu phải ngạc nhiên trước cách biểu lộ niềm
tin này, nên đã ban cho Bà điều Bà xin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cho tới bao giờ cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm
kêu trách Ta?
1.1/ Lý do con cái Israel
kêu trách Thiên Chúa: Hai mục đích Thiên
Chúa muốn làm cho con cái Israel: thứ nhất, Ngài muốn giải phóng con cái Israel
khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập; thứ hai, Ngài muốn đưa họ vào Đất Hứa mà Ngài
đã hứa với các tổ-phụ của họ.
Để chuẩn bị tinh thần,
Đức Chúa phán với ông Moses: "Ngươi hãy sai người đi do thám đất Canaan, đất
mà Ta sẽ ban cho con cái Israel. Các ngươi sẽ sai đi mỗi chi tộc một người và tất
cả phải là kỳ mục trong dân." Sau bốn mươi ngày do thám đất, họ trở về và
tường thuật những gì mắt thấy tai nghe cho ông Moses và toàn thể dân chúng. Muốn
hiểu chi tiết những gì họ tường thuật, xin đọc Sách Dân Số, chương 13 và 14. Một
cách tổng quát, con cái Israel mắt sáng rỡ khi nghe đến vùng đất tràn đầy sữa
và mật, những chùm nho phải hai người khiêng; nhưng mắt họ tối sầm lại khi nghe
đến binh lính to lớn và thành trì kiên cố. Nỗi lo sợ phải hy sinh gian khổ và
có thể phải chết thắng vượt ước mơ được định cư trong Đất Hứa, nên toàn thể cộng
đồng lớn tiếng kêu la, dân chúng khóc lóc cả đêm ấy. Họ muốn trở về Ai-cập hay ở
lại trong sa mạc để chết cách an toàn!
Nghe những tiếng kêu
la than khóc, Đức Chúa lại phán với ông Moses và ông Aaron:
"Cho tới bao giờ
cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm kêu trách Ta? Ta đã nghe thấy toàn
những lời cằn nhằn, đám con cái Israel này cứ lẩm bẩm chống Ta."
1.2/ Hậu quả của việc
than trách: Chúa truyền cho ông Moses và ông
Aaron: "Ngươi hãy nói với chúng: Ta thề - sấm của Đức Chúa - Ta sẽ xử với
các ngươi như lời các ngươi kêu thấu tai Ta. Trong sa mạc này, thây các ngươi sẽ
ngã gục: trong các ngươi, tất cả những người đã được kiểm tra đăng ký, từ hai
mươi tuổi trở lên, mà đã cằn nhằn chống Ta, Theo số ngày các ngươi đã đi do
thám đất - bốn mươi ngày - mỗi ngày tính là một năm, các ngươi sẽ phải gánh chịu
tội ác của các ngươi bốn mươi năm, và các ngươi sẽ biết Ta trừng phạt những kẻ
bất tuân như thế nào.
Ta, Đức Chúa, Ta đã
phán; Ta quyết sẽ thi hành như thế cho toàn thể cộng đồng hư đốn này đã cấu kết
với nhau chống lại Ta. Trong sa mạc này chúng sẽ bị tiêu diệt và sẽ chết hết."
Theo những lời này, con
cái Israel sẽ phải lãnh nhận những hậu quả như sau:
(1) Họ phải sống lang
thang trong sa mạc 40 năm, mặc dù từ Biển Đỏ, nơi họ xuất hành khỏi Ai-cập chỉ
mất khoảng ít ngày tới Đất Hứa. 40 ngày dọ thám trở thành bản án 40 năm lưu đày
trong sa mạc; và tất cả những thám tử phản động xúi giục dân làm phản bị giết
chết hết, ngoại trừ ông Caleb và ông Joshua, những người không chống lại Thiên
Chúa và Moses.
(2) Thế hệ của họ (từ
hai mươi tuổi trở lên) sẽ dần dần chết hết trong sa mạc theo như lời họ than
trách; mặc dù ông Moses đã hết lòng cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.
(3) Thế hệ con cháu của
họ sẽ được vào hưởng Đất Hứa vì chưa chống lại Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ
được vậy."
2.1/ Thái độ kiên trì của
người đàn bà Dân Ngoại: Trong cuộc đời hành
đạo, Chúa Giêsu rất ít ra khỏi lãnh thổ của Palestine. Trình thuật hôm nay là một
ngoại lệ, thánh Matthew tường thuật: "Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền
Tyre và Sidon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng:
"Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ
ám khổ sở lắm!"
Người đàn bà Canaan
này phải đương đầu với ít nhất 3 thử thách lớn như sau:
(1) Nạn kỳ thị chủng tộc:
Người Do-thái khinh thường những người Dân Ngoại, họ không muốn có bất cứ liên
hệ gì với Dân Ngoại cả. Bà phải can đảm lắm mới vượt qua được bức tường kỳ thị
chủng tộc này.
(2) Các môn đệ coi Bà
như một gánh nặng cần trút bỏ càng sớm càng tốt: Thấy Chúa Giêsu không đáp lại
một lời, các môn đệ thưa với Ngài: "Xin Thầy bảo Bà ấy về đi, vì Bà ấy cứ
theo sau chúng ta mà xin mãi!" Chúa Giêsu tỏ thái độ cho các môn đệ và cho
cả Bà: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà
thôi."
(3) So sánh Bà với
chó: Đây có lẽ là một thử thách to lớn nhất về đức tin. Nhiều nhà chú giải có
khuynh hướng làm dịu lại bằng cách đề cập tới chó nhà hay chó con; nhưng điều
chính yếu là con người phải làm chứng cho đức tin cho dù bị xỉ nhục. Hãy nghe lời
Bà đối thoại với Chúa Giêsu:
- Bà ấy đến bái lạy mà
thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
- Người đáp:
"Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con."
- Bà ấy nói:
"Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên
bàn chủ rơi xuống."
2.2/ Sự ngạc nhiên của
Chúa Giêsu: Lời đối đáp của Bà nói lên một sự
thật: mặc dù không được ăn bánh dành cho con cái, nhưng "lũ chó con cũng
được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." Tuy Chúa Giêsu không trực
tiếp rao giảng cho Dân Ngoại, nhưng Ngài đang huấn luyện các môn đệ để làm việc
đó. Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chọn dân Do-thái trước khi
bành trướng ơn cứu độ đến tất cả Dân Ngoại.
Vì Bà biểu lộ đức tin
cách vững chắc, nhiệt thành, và khôn ngoan; nên Đức Giêsu trả lời Bà: "Này
bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó,
con gái bà được khỏi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trải
qua gian khổ trước khi đạt tới vinh quang Nước Trời. Nếu chúng ta cùng chịu
gian khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng thống trị vinh quang với Ngài.
- Chúng ta phải nghe lời
Đức Kitô để đi qua đường hẹp; vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới diệt
vong. Cuộc đời chúng ta có thể ví như cuộc đời con cái Israel 40 năm trong sa mạc.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
09/08/2017 - THỨ TƯ
TUẦN 18 TN
Th. Bê-nê-đi-ta Thánh
Giá, nữ tu, tử đạo
Mt 15,21-28
ƠN CỨU ĐỘ CHO MỌI NGƯỜI
“Thưa Ngài, đúng thế,
nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” … “Này
bà, lòng tin của bà mạnh thật.” (Mt 15,27.28)
Suy niệm: Cho đến nay, lối sống
đạo của nhiều Ki-tô hữu chúng ta khiến người khác nghĩ rằng Đạo chỉ giới hạn
trong khuôn viên nhà thờ, trong hàng rào nhà người công giáo, không thể ra xa
hơn. Bỗng dưng, người ta tự rào kín Nước Thiên Chúa trong một mảnh đất nhỏ, một
nhóm người quen thuộc. Người Do Thái ngày xưa cũng tưởng rằng lời Chúa hứa dành
cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông, như thể ân sủng của Thiên Chúa là độc quyền của
họ. Hậu quả là họ đã lánh xa các anh chị em khác và tự làm nghèo đi các ân sủng
mình được nhận lãnh. Thực ra, Thiên Chúa muốn mọi dân nước cũng được hưởng ân
phúc từ dòng dõi của Áp-ra-ham. Đức Giê-su cũng không giới hạn sứ mạng của
Người chỉ nơi biên giới Do Thái, mà mở rộng ra đến mọi dân tộc. Hơn nữa, Ngài
còn nêu lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an này như một gương mẫu cho các tín
hữu. Bởi ý muốn của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người (x. 1Tm 2,4), và những
người chưa biết Chúa đã là mảnh đất tốt sẵn chờ hạt giống Tin Mừng gieo vào (x.
Vat II, Lumen Gentium 16).
Mời Bạn: góp phần mở rộng các sinh hoạt giáo xứ tới
những gia đình chưa biết Chúa và chưa đón nhận Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Chúng ta không ngại giới
thiệu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô bằng lời nói và nhất là bằng chứng tá đời sống
của mình tại những môi trường mình hiện diện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, này con
đây, xin sử dụng con tuỳ Chúa muốn, để qua con, Chúa có thể đi đến, gặp gỡ, yêu
thương và phục vụ nhiều anh chị em còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa hôm nay.
(5 Phút Lời Chúa)
Lòng tin của bà lớn thật (9.8.2017 – Thứ tư Tuần 18 Thường niên)
Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối. Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kể
lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,
tại Tia và Xiđon, vùng
đất của dân ngoại.
Nhưng chuyện chữa bệnh
không quan trọng lắm.
Chuyện quan trọng là lòng
tin của người phụ nữ Canaan.
Hẳn bà biết ít nhiều về
Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.
Con Vua Đavít là tước
hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.
Bà tin Đức Giêsu có thể
chữa lành con gái của bà.
Người phụ nữ trực tiếp
gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:
“Xin thương xót tôi… con
gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”
Người mẹ đau vì con của
mình đau.
Bà kêu xin Đức Giêsu
thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.
Nhưng bà chỉ gặp sự thinh
lặng như thể Người không nghe thấy.
Dầu vậy bà vẫn không
ngừng đi sau và kêu to.
Tiếng kêu dai dẳng của bà
đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.
Khi không chịu nổi được
nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.
“Xin Thầy cho bà ấy đi
đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”
Có vẻ các môn đệ muốn
Thầy gặp bà và cho điều bà cần.
Cho đến nay vẫn chưa có
cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.
Người phụ nữ vẫn là người
độc thoại.
Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa
muốn nói chuyện với bà.
Người chỉ nói với các môn
đệ và xác định sứ vụ của mình:
“Thầy chỉ được sai đến
với những chiên lạc nhà Israel thôi.”
Đây là lời từ chối đầu
tiên, rõ ràng và dứt khoát.
Nó như đặt một dấu chấm
hết cho mọi hy vọng của người mẹ.
Đức Giêsu như muốn nói:
Đừng kêu la vô ích.
Chị không phải là chiên
của nhà Israel.
Dân ngoại lúc này không
phải là sứ vụ của tôi,
vì Cha tôi chưa sai tôi
đến.
Lòng tin của người phụ nữ
bị thử thách đến tột độ.
Chắc bà bị cám dỗ
bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,
và sự từ chối cương quyết
của Đức Giêsu.
Nhưng trái tim của một
người mẹ không cho phép bà làm thế.
Bà trở nên táo bạo hơn và
dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.
Trong thái độ cung kính
bái lạy, bà tiếp tục nài xin:
“Lạy Ngài, xin giúp tôi”
(c. 25);
khác với lúc nãy: “Lạy
Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).
Cả hai lời nài xin đều
nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.
Xin giúp tôi bằng cách
giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.
Hạnh phúc của người mẹ
gắn liền với hạnh phúc của con,
vì tình yêu nối
kết cả hai nên một.
Tuy vậy lời nài xin này
của trái tim người mẹ
dường như vẫn chưa đụng
được vào trái tim Thầy Giêsu.
Người đưa ra lời từ chối
thứ hai
quyết liệt hơn và có thể
gây tổn thương nghiêm trọng:
“Không nên lấy bánh dành
cho con mà ném cho chó.”
Con ở đây là dân Israel,
là người trong nhà, có quyền hành.
Dân ngoại đôi khi được ví
với chó nuôi trong nhà.
Hai bên không ở trên cùng
một mặt phẳng.
Câu nói này của Đức Giêsu
phản ánh cái nhìn của người Do Thái.
Họ tự hào về tính ưu việt
của mình
trong tư cách là Dân
riêng của Chúa.
Nói chung họ cho rằng chỉ
họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.
Người phụ nữ không phản
đối cái nhìn của Đức Giêsu
Bà không cảm thấy mình bị
xúc phạm và giận dữ bỏ đi.
Trái lại, bà đón nhận cái
nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:
“Thưa Ngài đúng thế.
Nhưng chó con cũng được
ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”
Bà chấp nhận mình chỉ là
chó con nuôi trong nhà,
không phải là ông chủ
đang ngồi tại bàn ăn.
Bà tin rằng dù mình không
đủ tư cách
để ngồi dự bàn tiệc cánh
chung như những người Do Thái,
bà vẫn có thể được hưởng
chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.
Bà vẫn giữ niềm hy vọng
ngay khi bị từ chối thẳng thừng.
Chính lời từ chối của Đức
Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.
Đức Giêsu bị ấn tượng bởi
lòng tin của bà.
Người kêu lên: “Này bà,
lòng tin của bà lớn thật.”
Đức Giêsu từng ngỡ ngàng
trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).
Giờ đây Người đối diện
với lòng tin của một người mẹ thương con.
Chính tình thương thêm
sức mạnh cho lòng tin,
khiến lòng tin trở nên
kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.
Lòng tin không mất hy
vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm
hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,
và cuối cùng đã
chạm được vào trái tim của Người.
Đức Giêsu đã
để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…
Bây giờ Người mới
thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”
Người sẽ làm điều trước
đây Người không định làm.
Người sẽ đáp lại lòng tin
của bà, lòng ao ước của bà
chỉ bằng một lời nói từ
xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt:
“Hãy xảy ra cho bà như bà
muốn”.
Cô bé đã được chữa lành
kể từ lúc đó.
Mẹ cô đã được thương xót
và trợ giúp.
Đức Giêsu không cứng nhắc
và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.
Người vẫn nghe tiếng kêu
của con người và chấp nhận những ngoại lệ.
Ngoại lệ cũng nằm trong Ý
Cha.
Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng
ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.
Ngoại lệ hôm nay sẽ mở
đường cho sứ vụ ngày mai:
“Các con hãy đi, hãy làm
cho mọi dân tộc thành môn đệ,”
để “nhiều người từ Đông
sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”
Xã hội hôm nay không
thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.
Ám vì đủ thứ
nghiện ngập do cuộc sống đem lại.
Các bà mẹ thấy mình bất
lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.
Nhiều khi có cảm tưởng
Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.
Hãy có lòng tin lớn của
người phụ nữ Dân ngoại,
tiếp tục tin, tiếp tục
yêu, tiếp tục hy vọng
và biết mình có thể chạm
được vào trái tim của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin
lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi
lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt
thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì
con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thuong của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG TÁM
Sự Quan Phòng Của
Thiên Chúa Trong Aùnh Sáng Của Mạc Khải
Chân lý về sự quan
phòng của Thiên Chúa, vốn nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm sáng tạo, phải được hiểu
trong bối cảnh của toàn bộ mạc khải, toàn bộ những tín điều mà chúng ta tuyên
xưng trong tư cách là Kitôhữu. Bằng cách này, chúng ta nhận ra một mối liên kết
hữu cơ giữa sự quan phòng và mạc khải. Trong chân lý về sự quan phòng có chứa đựng
mạc khải về sự tiền định đối với con người và thế giới trong Đức Kitô. Trong đó
cũng có mạc khải về toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi và sự hoàn thành của nhiệm cục ấy
xuyên qua lịch sử.
Chân lý về sự quan
phòng của Thiên Chúa cũng gắn kết chặt chẽ với chân lý về Vương Quốc của Thiên
Chúa. Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng có
một tầm quan trọng nền tảng cho đời sống chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi sự khác cũng sẽ được ban cho anh
em” (Mt 6,33; Lc 12,13).
Vâng, chân lý về sự
quan phòng của Thiên Chúa được mạc khải trong sự cai quản của Thiên Chúa trên
toàn thể thế giới thụ tạo. Chân lý ấy trở thành hoàn toàn có thể nhận hiểu được
đối với con người xuyên qua chân lý về Nước Thiên Chúa. Xuyên qua Nước ấy –
ngay cả trong thế giới thụ tạo của chúng ta – Thiên Chúa thiết lập vĩnh viễn “sự
tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là “Trưởng Tử của mọi loài thọ sinh” (Cl 1,15).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09- 8
Thánh Têrêxa
Bênêđicta, Thánh giá, nữ tu, tử đạo
Ds 13, 1-2.25-14,1.26-29.34-35;
Mt 15, 21-28.
Lời suy niệm: “Ra khỏi đó, Đức
Giêsu lại về miền Tia và Xiđon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy
đi ra, kêu lên rằng: Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con
gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”
Trong câu chuyện người
đàn bà ngoại giáo đến bái lạy Chúa Giêsu để xin Người chữa lành cho con gái của
bà bị quỷ ám, cho chúng ta thấy những tình huống đức tin bị thử thách. Trước hết
Chúa Giêsu đã không đáp lại lời nào, thứ đến là sự xua đuổi của các môn đệ của
Chúa. Với sự năn nỉ của bà thì được nghe chính Chúa nói với bà một cách phủ
phàng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lủ chó con.” Nhưng rồi với
thân phận và tình thương đối với người con gái của bà và bà đã cúi xuống thưa
lên cùng Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lủ chó con cũng được ăn những
mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa
đã khen người đàn bà ngoại giáo ấy: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn
sao thì được vậy.” Xin cho chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống luôn có
được lòng tin cho mạnh, lòng trông cậy cho vững bền và lòng yêu mến được sốt sắng
để mọi lời cầu xin của chúng con được Chúa chúc phúc.
Mạnh Phương
09 Tháng Tám
Xin Hãy Dùng Con Như Khí Cụ Bình An!
Ngày 09/8 hàng năm,
hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại
Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng 11 giờ 03
phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh
lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang
để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày 09/8/1945, quả
bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn
vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống
trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần 140,000 người. Và
gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của
phóng xạ.
Lên tiếng trong một
tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau:
"Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố
Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại.
Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân". Bài
diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên
thủ quốc gia trên thế giới.
Cũng trong bài diễn
văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn
hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa
Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân...
Ðoạn trường ai có qua
cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những
người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của
bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời kêu gọi trên đây của
ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ
quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được
truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là vấn đề của
một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng người. Nó
là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.
Nhưng hòa bình không
chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới
có thể trao tặng cho con người... Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho
hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều
kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.
Con người cần phải cầu
nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con
người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi
vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ
khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét