Trang

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

19-09-2017 : THỨ BA - TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

19/09/2017
Thứ ba tuần 24 thường niên

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 1-13
"Vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không ai trách cứ được: các vị phụ tá cũng vậy, phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Ðây là lời chân thật: Nếu ai ao ước chức chủ tịch giáo đoàn, thì đó là ước ao một nhiệm vụ tốt đẹp. Vậy vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không có ai trách cứ được, người chỉ kết hôn một lần, ăn ở tiết độ, khôn ngoan, thanh lịch, đoan trang, hiếu khách, biết giảng dạy, không mê rượu chè, không gây gỗ, nhưng hoà nhã: không cạnh tranh, không tham lam, nhưng biết cai quản gia đình mình, dạy con cái biết vâng phục và tiết hạnh. Nếu ai không biết cai quản gia đình mình, thì làm sao coi sóc được cộng đoàn Thiên Chúa? Vị chủ tịch giáo đoàn không phải là tân tòng, kẻo cậy mình kiêu căng mà sa vào án phạt của ma quỷ. Người phải có tiếng tốt nơi người ngoại, kẻo bị ô danh và sa lưới ma quỷ.
Cũng thế, những người phụ tá phải đoan trang, không ăn nói nước đôi, không nghiện rượu, không tìm lợi cách đê tiện, nhưng phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm thanh sạch. Những kẻ ấy phải được thử thách trước, rồi nếu không có gì đáng trách, thì mới được phục vụ. Người phụ nữ cũng vậy, phải đoan trang, không nói hành, phải tiết độ và trung tín trong mọi sự. Các vị phụ tá phải là người chỉ kết hôn một lần: biết coi sóc con cái và nhà cửa mình. Vì những phụ tá khi thi hành đứng đắn chức vụ, sẽ được lên bậc cao trọng và sẽ đầy hiên ngang trong lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 100, 1-2ab. 2cd-3ab. 5. 6
Ðáp: Con sẽ sống theo lòng vô tội (c. 2b).
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương và đức công minh, lạy Chúa, con sẽ đàn hát mừng Ngài. Con sẽ tiến thân trên đường liêm khiết, khi nào Chúa sẽ đến viếng thăm con? - Ðáp.
2) Con sẽ sống theo lòng vô tội trong nơi cung thất của con. Con sẽ không để bày ra trước mắt một chút chuyện chi gian trá. - Ðáp.
3) Ai bí mật nói xấu người lân cận, con sẽ tiêu diệt thứ người này. Hạng người mắt nhìn cao và lòng kiêu hãnh, hạng người đó con cũng không dung. - Ðáp.
4) Mắt con theo dõi những người trung thành trong đất nước, để họ cùng được cư ngụ với con. Ai sinh sống theo đường liêm khiết, con người đó sẽ được hầu hạ con. - Ðáp.

Alleluia: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 11-17
"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ý Nghĩa Của Cuộc Sống
Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.
Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả".
Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 24 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: I Tim 3:1-13; Lk 7:11-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành trong ơn gọi và bổn phận của mình.

Cả Thiên Chúa lẫn con người đều đề cao sự trung thành: Thiên Chúa đòi con người phải trung thành với nhau trong đời sống hôn nhân, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để tôn trọng và yêu thương nhau suốt đời. Chúa Giêsu cũng hứa với các môn đệ: "Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu rỗi." Khi chọn người lãnh đạo, con người cũng muốn chọn những người khả dĩ có thể tin cậy được, như trung thành với quốc gia và những gì họ đã hứa khi tranh cử.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những trường hợp khác nhau của những người trung thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô liệt kê những điều kiện cần thiết để chọn Giám-quản và Trợ-tá để điều khiển các giáo-đoàn. Điều kiện quan trọng nhất là phải trung thành với Thiên Chúa, với những người trong gia đình, và với những người mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Trong Phúc Âm, bà góa phụ thành Nain đã làm Chúa Giêsu thổn thức vì những tiếng khóc ai oán của Bà cho người con trai độc nhất. Bà nghĩ anh sẽ là người săn sóc và chôn cất Bà trong lúc tuổi già xế bóng; nhưng nay Bà phải chôn cất con, một điều Bà không ngờ có thể xảy ra. Chúa Giêsu đã an ủi Bà, và Ngài làm cho cậu con trai của Bà sống lại và trao lại cho Bà.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giám quản phải là người không ai chê trách được.

1.1/ Điều kiện để trở thành Giám-quản (episcopoi): Thánh Phaolô liệt kê nhiều đức tính cần thiết phải có để trở thành Giám-quản, chúng ta có thể sắp xếp theo 3 phạm trù sau:

(1) Trung thành với Thiên Chúa: Người Giám-quản không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. Đây là lời khuyên rất khôn ngoan, vì đức tin cần phải được thử thách bằng đau khổ và thời gian. Điều thánh Phaolô lo sợ nhất là sự kiêu căng, tự mãn, vì ma quỉ có thể dùng tính kiêu căng để phá hủy không chỉ cá nhân Giám quản, mà còn cả gia đình và cộng đoàn.

(2) Trung thành với gia đình: chỉ có một đời vợ, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh; vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được?

(3) Trung thành với tha nhân: không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, phải nhã nhặn, hiếu khách, và có khả năng giảng dạy.

1.2/ Điều kiện để trở thành Trợ-tá (deacon): Vẫn theo 3 phạm trù trên, người Trợ-tá phải:

(1) Trung thành với Thiên Chúa: họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.

(2) Trung thành với gia đình: phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt.

(3) Trung thành với tha nhân: không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn, không bị ai khiếu nại, không nói xấu, và đáng tin cậy mọi bề.

2/ Phúc Âm: Chúa động lòng thương và cho con trai duy nhất của Bà mẹ Nain sống lại.

Đứng trước cái chết con người hòan tòan bất lực và hỏang sợ khi phải đương đầu với cái chết, nhất là những cái chết trẻ, nhiều người, và đột ngột. Như Bà mẹ Nain hôm nay, Bà đã góa chồng và chỉ có một con duy nhất là niềm hy vọng để nâng đỡ Bà trong cuộc sống trên dương gian; thế mà anh cũng vĩnh viễn ra đi. Chắc Bà không bao giờ nghĩ là Bà sẽ phải chôn con.

Người Hy-Lạp, nhất là những người theo chủ thuyết Khắc Kỷ, họ tin có Đấng Tối Cao; nhưng không tin Ngài có cảm xúc trước những đau khổ của con người. Họ lý luận: Nếu con người có thể làm cho Ngài vui hay buồn, tức là con người có ảnh hưởng trên Ngài; khi con người có ảnh hưởng trên Ngài là con người lớn hơn Ngài; nhưng không ai có thể lớn hơn Đấng Tối cao. Vì vậy, Đấng Tối Cao phải là Đấng không có cảm xúc. Niềm tin này hòan tòan ngược lại với niềm tin của người Công Giáo, Thiên Chúa cảm thương với nỗi đau khổ của con người. Thánh Luca tường thuật Chúa Giêsu chạnh lòng thương Bà mẹ góa chỉ có đứa con côi mà giờ đây cũng không còn nữa, Ngài an ủi: "Bà đừng khóc nữa!" Trước khi cho Lazarus sống lại, Gioan tường thuật “Chúa khóc” (Jn 11:35) và “Chúa thổn thức trong lòng” (Jn 11:38).

Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Trong Cựu Ước, chỉ có tiên tri Elisha làm cho con trai của Bà góa miền Shunem sống lại bằng cách kề miệng ông trên miệng nó (2 Kgs 4:34-37). Trong Phúc Âm, có ít nhất 3 lần Chúa làm cho kẻ chết sống lại: Cho con gái của ông trưởng hội đường Giaia sống lại (Mt 9:18-26, Mc 5:35-43, Lk 8:40-56); Chúa Giêsu làm cho anh thanh niên sống lại và trao anh lại cho bà mẹ Nain hôm nay (Lk 7:11-17); và Chúa cho Lazarus chết 3 ngày được sống lại (Jn 11:38-44). Khi chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại, con người kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần phải trung thành với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời: khi ấm no hạnh phúc cũng như lúc buồn thảm lệ rơi; vì chỉ có ai trung thành mới được cứu thoát.

- Thiên Chúa là Đấng thương xót những người bất hạnh, những mẹ góa con côi. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài trong những lúc gian lao khốn khó.

- Đức Kitô muốn chúng ta nhận Đức Mẹ như người Mẹ thiêng liêng của chính mình. Đây là điều lợi ích cho phần linh hồn. Chúng ta hãy đối xử với Đức Mẹ cho hết tình con thảo.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Th. Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo Lc 7,11-17

THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG


Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa.” Rồi Người lại gần sờ vào  quan tài. (Lc 7,13)

Suy niệm: “Bà goá” là một trong những thành phần được Chúa Giê-su ưu đãi và đặc biệt dành nhiều tình cảm nhất, vì họ thuộc nhóm những người nghèo hèn, cùng khốn của xã hội. Họ là đối tượng được Chúa Giê-su quan tâm. Ở đây, trước nỗi đớn đau khôn cùng của bà goá thành Na-im về cái chết của đứa con trai duy nhất, Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương. Ngài không trì hoãn. Ngài đã đến an ủi bà và làm tan đi nỗi đau nơi bà bằng cách cho cậu con trai của bà sống lại. Không chỉ con của bà được sống lại, tâm hồn của bà và của mọi người chứng kiến sự sống lại này cũng được sống lại, niềm tin của họ vào Thiên Chúa được nảy sinh. “Bà đừng khóc nữa”. Phải, rất cần một thái độ cậy trông hơn là thái độ than vãn trong khi chờ lòng thương xót của Chúa.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta phải vững tin vào Chúa, dù là lúc đau đớn nhất trong đời. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa rất dễ chạnh lòng thương. Cần tiếp tục “chạnh lòng thương” như Chúa Giê-su đối với những người bị xã hội lãng quên.

Chia sẻ: Cùng với Chúa Giê-su, chúng ta đi bước trước để đến với những người đang cần ta. Bằng một chút chia sẻ vật chất, một lời an ủi, khích lệ, và nhất là bằng chính đời sống cầu nguyện mỗi ngày của ta.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi nghiền ngẫm lời dạy của Chúa Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thiên Chúa đã yêu thương anh em.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con con tim của Chúa, để con biết yêu thương và cảm thông với hết mọi người, nhất là những người đang cần đến con.
(5 phút Lời Chúa)

Thiên Chúa viếng thăm dân Người (19.9.2017 – Th ba Tun 24 Thường niên)
Thiên Chúa Ba Ngôi vn đến thăm tôi qua bao người khác, và Ngài mun tôi đi thăm đ lau khô nước mt cho người bn gn bên.


Suy nim:
Thánh Luca đã viết câu chuyện này như một người quay phim.
Ngài bắt đầu từ cảnh Đức Giêsu và các môn đệ cùng đi với một đám đông.
Thầy trò và mọi người đang trên đường tiến vào thành Nain.
Khi gần đến cửa thành thì lại gặp một đám đông khác đi ra.
Đây là một đám tang lớn có đông người theo ra mộ.
Sau đó là cận cảnh Đức Giêsu gặp bà mẹ của người chết.
Cuối cùng trở lại với cảnh của hai đám đông kinh sợ ngỡ ngàng,
và câu chuyện kỳ diệu lan ra khắp Giuđê và các vùng lân cận.
Chuyện Đức Giêsu gặp đám tang là chuyện tình cờ trên đường.
Nhưng điều đánh động trái tim Ngài lại không phải là chuyện người chết,
dù anh thanh niên này chết khi còn cả một tương lai.
Điều thu hút cái nhìn và mối quan tâm của Đức Giêsu chính là bà mẹ.
Đó là một bà góa không còn chỗ nương tựa.
Bà đã dự đám tang của người chồng.
Và bây giờ bà lại dự đám tang của đứa con trai duy nhất.
Chỗ dựa còn lại và cuối cùng cũng bị lấy đi.
Đức Giêsu hiểu rất nhanh về nỗi đau của người phụ nữ.
Bà biết mình bị trắng tay cả về tình cảm lẫn vật chất.
Có lẽ bà đã nhiều lần tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu?
Đức Giêsu trông thấy bà, thấy nỗi đau và nước mắt.
Ngài bảo: Bà đừng khóc nữa (c. 13).
Dường như Ngài không có khả năng chịu được nước mắt của người khác.
Khi thấy cô chị Maria khóc em là Ladarô đã chết (Ga 11, 33),
Đức Giêsu đã thổn thức và xao xuyến, rồi Ngài bật khóc (Ga 11, 34).
Sau này Ngài hỏi chị Maria Mađalêna khóc bên mộ vì mất xác Thầy:
Này bà, tại sao bà khóc? (Ga 20, 15).
Đức Giêsu hiểu rõ nỗi đau của sự chia ly bởi cái chết.
Ngài cũng hiểu rõ về nước mắt của phận người, dù vì bất cứ lý do gì.
Nhiệm vụ của Ngài là lau khô nước mắt và làm cho con tim vui trở lại.
Đức Giêsu đã chạm đến quan tài, hay đúng hơn,
chạm vào cái cáng khiêng xác được chôn theo kiểu người Do Thái.
Ngài nói với anh như ra lệnh: Tôi bảo anh, hãy trỗi dậy (c.14).
Anh thanh niên ngồi dậy và bắt đầu nói: anh đã được hoàn sinh.
Như Êlia ngày xưa, Ngài trao anh cho bà mẹ (1 V 17,23).
Ai là người vui nhất? Bà mẹ, người con, đám đông, hay Đức Giêsu?
Có lẽ là Đức Giêsu, người đã đem lại hạnh phúc cho người khác.
Khi đứa con lao vào vòng tay mẹ,
khó lòng Ngài giấu được giọt nước mắt vì vui.
Đám đông kêu lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (c.16).
Thiên Chúa không chỉ thăm dân Do Thái qua Đức Giêsu (Lc 1, 68.78; 19, 44),
Chương trình làm việc mỗi ngày của Ngài là thăm cả thế giới.
Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn đến thăm tôi qua bao người khác,
và Ngài muốn tôi đi thăm để lau khô nước mắt cho người bạn gần bên.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN

19 THÁNG CHÍN

Thường Xuyên Lãnh Nhận Các Bí Tích

Chương trình mục vụ mà Hội Thánh đã triển khai kể từ sau Công Đồng cung ứng cho chúng ta những sự giúp đỡ kịp thời để củng cố việc huấn luyện tu đức và canh tân tình yêu đối với con người. Trước hết, tôi mời gọi anh chị em tham dự vào các nỗ lực phúc âm hoá mọi người cho Đức Kitô và hướng dẫn các tín hữu sống đời sống bí tích. Sống đời sống bí tích, đó là cách để anh chị em hiểu và đón nhận những ân sủng mà Đức Kitô muốn thông ban cho anh chị em.
Bằng việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích với ý ngay lành, anh chị em sẽ trở thành những chứng nhân dạt dào niềm vui trong đời sống Kitô hữu đích thực. Anh chị em sẽ tìm thấy sự đỡ nâng mà mình cần để bước theo Chúa của sự sống. Ngài sẽ sử dụng anh chị em để mạc khải cho con người của thời đại đầy xao xuyến này dung mạo đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn “chan chứa lòng xót thương” (Ep 2,4).
Trong khi năng lãnh nhận các bí tích, anh chị em cũng hãy cộng tác với các mục tử của mình, vì chính sự hiệp nhất với các ngài là điều kiện để anh chị em nhận được tràn trào sức sống của Chúa Thánh Thần. Nhờ vậy, các mục tử sẽ có thể hướng dẫn anh chị em trong công cuộc xây dựng Hội Thánh trên trần gian này, một Hội Thánh đúng nghĩa là cộng đoàn yêu thương, phản ảnh chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. (Thánh Augustinô, De Trinitate, 4,9).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 19-9
Thánh Januariô, giám mục tử đạo
1Tm 3, 1-13; Lc 7, 11-17


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu cho con trai một bà góa thành Na-in sống lại. Qua hình ảnh một bà góa đưa dám con trai mình. Chúa Giêsu đã nhìn thấy và thấu hiểu hoàn cảnh và nỗi đau của bà, nên đã chạnh lòng thương. Ngài đã lấy quyền năng mà cho người thanh niên được sống lại và trao lại người thanh niên này cho bà. Điều này cũng cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu trước đó chưa hề gặp người thanh niên. Nhưng qua bà mẹ của anh ta, Chúa đã cho anh được diễm phúc là đã chết mà được sống lại. Giúp cho chúng ta biết quý trọng những người chung quanh của chúng ta; những ân phúc mà chúng ta đang có; nhiều khi chính là nhờ đời sống của những người chung quanh chúng ta. Qua họ mà chúng ta nhận lãnh ân phúc từ Thiên Chúa.


Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

NGÀY 19-09 THÁNH GIANUARIÔ GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO (THẾ KỶ IV)

Thánh Gianuariô danh tiếng không vì cuộc sống hay cái chết của ngài mà chỉ vì việc máu Ngài được lưu giữ tại Naples tan loãng định kỳ.
Câu chuyện Ngài chịu tử đạo còn rất mù mờ vì không được kể từ sớm trong sách các vị tử đạo, mà có lẽ chỉ được đưa vào đó do các tác phẩm của Bêđê viết năm 733. Người ta tin rằng: Ngài là giám mục Bênêventô nước Ý, thời hoàng đế Diôclêtianô. Khi nghe 4 Kitô hữu bị tống giam vì đức tin, Ngài đã tới thăm họ. Bọn người dò xét sau đó đã khám phá ra và Ngài bị bắt giam. Những tường thuật về cái chết của Ngài không giống nhau.
Xem như Ngài cùng các bạn bị ném cho thú dữ xâu xé tại vận động trường Puzzuoli.... nhưng thú dữ đã không xâm phạm tới các Ngài. Thánh nhân sau đó bị xử trảm vào năm 305. Thoạt đầu thi thể Ngài được lưu giữ tại Bênêven tô, nhưng sau này vì sợ chiến tranh tàn phá nên được dời về Monte Vergine và sau này về Naples. Dấu chứng đầu tiên về Ngài dường như là của Uraniô (431) là người cho rằng: nhờ sự chuyển cầu của Ngài mà núi lửa Vesuviô không phun nữa.
Tới thế kỷ XV những hiểu biết trên là bối cảnh cho lòng sùng kính thánh nhân. Nhưng từ đó về sau, máu Ngài được lưu giữ tại Naples đã làm tăng sự chú ý của rất nhiều người. Thánh tích được chứa trong ống nghiệm có hình một chiếc bình và lại được đặt trong một ống kính đặt trên giá trang hoàng lộng lẫy. Như vậy thánh tích được đặt trong hai lớp kính và được gắn kín, không tiếp xúc với khí trời. Chính thánh tích là một chất đen đục chiếm nửa bình đựng. Mỗi năm khoảng 18 lần được trưng bày cho dân chúng, cùng với một thánh tích khác được coi là đầu của vị thánh tử đạo.
Sau một khoảng thời gian thay đổi từ ít phút đến vài giờ, trong khi vị linh mục đảo ngược vài lần bình đựng và cầu nguyện xin trời cao làm phép lạ, thì khối đặc tan loãng ra, đổi thành mầu đỏ, thỉnh thoảng còn sôi lên và sủi bọt nữa. Rất nhiều người nghi ngờ sự kiện này nhưng không có sự đồng nhất trong việc giải thích. Vấn đề chưa được chứng minh.


(daminhvn.net)


19 Tháng Chín

Ôi Lạy Ðấng Tối Cao

Ðể nói lên tình yêu vô biên và mầu nhiệm của Thiên Chúa, người Hồi Giáo thường kể câu chuyện sau đây:

Một hôm, Ðấng Allah cho gọi một thiên sứ đến và sai xuống trần gian. Ngài truyền lệnh cho vị thiến sứ như sau: "Ngươi hãy xuống trần gian và đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ".
Vị thiên sứ ra đi. Ngài gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài hết nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, lại ngước mắt lên nhìn về Ðấng Allah như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm để tách biệt người mẹ với những đứa con thơ còn lại... Nhưng ánh mắt van xin của vị sứ thần đã không mảy may đánh động được Ðấng Allah. Cuối cùng, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Ðấng Allah để cướp lấy người đàn bà khỏi đám con thơ và đưa về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần không thể vui được. Vui thế nào được trước cảnh chia cách giữa mẹ và con. Thấy vị sứ thần buồn bã, Ðấng Allah mới cho gọi ngài lại và đưa ngài vào giữa sa mạc. Ðấng Allah chỉ cho vị sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo ngài hãy đập vỡ nó ra...
Tảng đá vừa vỡ ra, vị sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong đó, một con sâu nhỏ từ từ bò ra... Hiểu được ý nghĩa của cử chỉ ấy, vị sứ thần thốt lên: "Ôi lạy Ðấng tối cao, màu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự không ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật nhỏ bé như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa bé mồ côi là con cái của Ngài".

Ðâu là hình ảnh chúng ta có về Chúa? Ngài là Thiên Chúa từ nhân, luôn tha thứ, Ngài là người Cha nhân hậu luôn yêu thương săn sóc cho từng đứa con, hay trái lại, Ngài chỉ là một ông thần độc ác mà vì sợ hãi chúng ta phải chạy đến để khỏi bị trừng phạt...?

Trở về với Thiên Chúa, trước tiên là phải gạt bỏ ra khỏi tâm hồn chúng ta hình ảnh bất xứng mà chúng ta gán cho Chúa. Hãy phục hồi lại trong tâm hồn chúng ta hình ảnh của một Thiên Chúa mà Tin Mừng đã mạc khải cho chúng ta: đó là một người Cha luôn yêu thương và không ngừng tha thứ cho chúng ta, một người Cha mà tình thương vượt hẳn những tính toán cân lường của trí khôn loài người chúng ta...
Có những lúc chúng ta cảm thấy tội lỗi đang đè nặng trong tâm tư ư? Hãy mau mắn chạy đến với Ngài.
Có những lúc đau khổ, mất mát che phủ khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài ư? Hãy tin tưởng rằng, Ngài đang nhìn thấy và cảm thông với từng nỗi khốn khổ của chúng ta và tình yêu nhiệm màu của Ngài luôn nhào nặn để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho chúng ta.


(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét