20/09/2017
Thứ tư tuần 24 thường niên
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo.
Lễ nhớ.
*
Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu
thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh
mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân,
cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến
xứ này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839,
1846, 1866, 1867, đã sản sinh ra 103
thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh
mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon.
Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người
tông đồ giáo dân, anh Phaolô Chung Hasan.
Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có
gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm
chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.
Bài Ðọc I: (Năm I) 1
Tm 3, 14-16
"Thật lớn lao
thay mầu nhiệm của tình thương".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha viết
cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha
còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên
Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý. Rõ thực
lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác
thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại,
kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 110, 1-2.
3-4. 5-6
Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng
Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của
Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! - Ðáp.
2) Công cuộc của Chúa
là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã
làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. - Ðáp.
3) Chúa đã ban lương
thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước.
Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được
phần sản nghiệp của chư dân. - Ðáp.
Alleluia: Tv 147, 12a
và 15a
Alleluia, alleluia! -
Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 31-35
"Chúng tôi đã
thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh
không khóc".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống
ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:
"Chúng tôi đã thổi
sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.
"Chúng tôi đã hát
những điệu bi ai, mà các anh không khóc".
Bởi vì khi Gioan Tẩy
Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ
ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con
người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng
sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Thái Ðộ Thiếu
Nhất Quán
Ngày nay, nhân danh
dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội
được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc
khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp
nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu
nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm
nay.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh
nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng
khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi
bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời
Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố
chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ
không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu
khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng
Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.
Mong chờ Ðấng Cứu Thế,
nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh,
nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái
thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời
đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập
giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ
Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo
huấn của Ngài.
Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ
thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm
tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho
Giáo Hội.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư, Tuần 24 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: I
Tim 3:14-16; Lk 7:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải lấy sự thật để xét mình; chứ không lấy
mình để xét sự thật.
Nhiều người cho mình là trung tâm điểm của vũ trụ mà mọi sự phải quy về; vì thế,
họ lấy tiêu chuẩn và cách thức suy nghĩ của họ để xét đoán Thiên Chúa và tha
nhân. Hậu quả là họ không có bình an, vì họ sẽ chẳng bao giờ đạt được điều họ
mong muốn. Để có bình an, con người cần học hỏi để tìm ra sự thật; rồi lấy sự
thật mà xét mình, và nhất là, phải sống theo sự thật. Hậu quả của việc sống
theo sự thật sẽ giải thoát con người khỏi sai lầm, và đạt được kết quả như lòng
mong ước.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở con người phải biết sống và hành động theo sự thật,
chứ không lấy mình để xét đoán sự thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên
môn đệ của Ngài là Timothy phải sống theo sự chỉ dẫn của Đức Kitô và Hội Thánh.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng thế hệ của các kinh-sư và biệt-phái, vì họ
lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán và bắt người khác phải noi theo: Ông Gio-an
Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì họ bảo: "Ông ta bị quỷ
ám." Chúa Giêsu đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì họ lại bảo:
"Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải xoay cuộc đời mình chung quanh trọng tâm là Đức Kitô.
1.1/ Sống theo sự chỉ dẫn
của Hội Thánh: Thánh Phaolô nhắn nhủ
Timothy: "Tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy vọng sớm đến với anh. Nhưng
nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của
Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của
chân lý."
Phaolô nhiều lần dùng hình ảnh Đền Thờ của Thiên Chúa, và các tín hữu như một
phần của Đền Thờ (I Cor 3:16-17; 6:19; 8:10; 9:13; II Cor 6:16; Eph 2:21; II
Thess 2:4). Trong trình thuật hôm nay, Phaolô dùng 4 hình ảnh để khuyên các tín
hữu phải cư xử thế nào trong Đền Thờ.
(1) Nhà của Thiên Chúa (oikos): nơi mà mọi người sống chung, đoàn kết và
yêu thương nhau; vì tất cả đều cùng có chung một chủ nhà là Thiên Chúa.
(2) Cộng đoàn của Thiên Chúa hằng sống (ekklesia): Cộng đoàn là tập hợp
những người đáp trả tiếng mời gọi của Thiên Chúa, để cùng chung sức lo cho một
sứ vụ là rao truyền Tin Mừng.
(3) Cột trụ của sự thật (stulos): Trong Đền Thờ, cột trụ là những gì
nâng đỡ Đền Thờ. Trong Hội Thánh, sự thật nâng đỡ mọi hoạt động của Hội Thánh.
(4) Nền tảng của chân lý (edaioma): Nhà có vững chắc phải được xây trên
một nền tảng vững chắc. Thánh Phaolô gọi nền tảng của Đền Thờ là các tông-đồ và
các tiên tri, với Đức Kitô là Tảng Đá Góc (Eph 2:20). Trong trình thuật hôm
nay, nền tảng của Đền Thờ là sự thật.
Nói cách khác, Phaolô khuyên các tín hữu phải xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng
và cột trụ của sự thật, phải yêu thương mọi người, và phải góp phần vào công cuộc
rao giảng Tin Mừng.
1.2/ Đức Kitô là trọng
tâm: Thánh Phaolô xác tín: "Phải công
nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là: Đức Kitô xuất hiện
trong thân phận người phàm." Phaolô đồng nhất sự thật và mầu nhiệm của Hội
Thánh với Đức Kitô trong thân xác con người; qua mầu nhiệm này, Ngài đã mang lại
ơn cứu độ cho con người.
(1) Người được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính: Thánh Phaolô quả quyết
không ai có thể tin vào Đức Kitô nếu không được Thánh Thần tác động (I Cor
12:3). Các tín hữu được thanh tẩy, thánh hóa, và công chính hóa là do bởi Đức
Kitô và quyền năng của Thánh Thần (I Cor 6:11). Quan niệm này được diễn tả rõ
ràng hơn trong Tin Mừng Gioan: Thánh Thần là Thần Sự Thật sẽ làm chứng những gì
Đức Kitô nói là sự thật (Jn 15:26).
(2) Người được các thiên thần chiêm ngưỡng: Các thiên thần là loài thiêng liêng
nên chắc chắn hiểu Kế Hoạch Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô. Chúa Giêsu hứa
với Nathanael, ông sẽ được nhìn thấy thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên
Con Người (Jn 1:51).
(3) Người và được loan truyền giữa muôn dân, được thế giới tin kính, và được siêu thăng cõi trời vinh hiển: Phaolô có nhiều kinh nghiệm rao truyền Tin Mừng và làm cho muôn dân nhận biết và tin vào Đức Kitô.
(3) Người và được loan truyền giữa muôn dân, được thế giới tin kính, và được siêu thăng cõi trời vinh hiển: Phaolô có nhiều kinh nghiệm rao truyền Tin Mừng và làm cho muôn dân nhận biết và tin vào Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: Không gì có thể làm hài lòng con người.
2.1/ Người ích kỷ
chỉ biết nghĩ đến mình: Trong cuộc đời rao
giảng, Chúa Giêsu nhiều lần phải đương đầu với tính ích kỷ của các kinh-sư và
biệt-phái; vì họ chỉ biết nghĩ đến mình, và từ chối đón nhận những mặc khải,
cũng như những dạy dỗ của Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Ngài trách mắng họ:
Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi
ngoài chợ gọi nhau mà nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không
nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than."
Thay vì phải chung vui với cái vui của người khác; người ích kỷ chỉ biết nghĩ đến
mình, và từ chối phải chung vui khi họ chẳng có gì để vui. Hay khi tham dự đám
táng, họ từ chối chia sẻ nỗi buồn với người khác, vịn lý ho là họ không có gì để
buồn. Chúng ta thử tưởng tượng cuộc sống con người sẽ thế nào khi chung quanh
toàn những người vô cảm như thế! Người môn đệ Đức Kitô không được có thái độ vô
cảm này, họ phải chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn với tha nhân trong cuộc sống.
2.2/ Lấy mình làm tiêu
chuẩn để đoán xét người khác: Chúa Giêsu tiếp
tục chỉ cho các môn đệ thấy tính ích kỷ của họ bằng một ví dụ cụ thể hơn:
(1) Họ không hài lòng với Gioan Tẩy Giả: Trong khi biết bao người chạy đến với
Gioan Tẩy Giả để được nghe giảng và được làm phép rửa bởi ông, thì họ kiếm lý
do từ chối và nói: "Ông ta bị quỷ ám!" vì không ăn bánh và không uống
rượu như họ.
(2) Họ cũng chẳng hài lòng với Chúa Giêsu: Khi Chúa Giêsu đến, cũng ăn cũng uống
như ai, thì họ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và
phường tội lỗi."
Nếu một người thắc mắc với họ: "Thế nào mới gọi là hoàn toàn?" Họ có
lẽ cũng chẳng biết thế nào mới gọi là hoàn toàn, nhưng luôn muốn vạch lá tìm
sâu để chê trách vì không muốn phục tùng ai cả. Chúa Giêsu cung cấp cho các môn
đệ chìa khóa để biết cách nào nên theo: "Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất
cả con cái mình biện minh cho." Hậu quả sẽ chứng minh đâu là cách tốt nhất
một người phải theo.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học hỏi và lấy sự thật từ nơi Thiên Chúa để xét mình, chứ không
lấy suy nghĩ của chúng ta để xét sự thật.
- Sự thật phải theo là những lời chỉ dẫn của Đức Kitô và của Thiên Chúa trong
Kinh Thánh. Chúng ta đừng bao giờ tin vào sự khôn ngoan của xác thịt con người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Th. An-rê Kim và các bạn tử đạo Lc 7,31-35
ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN TRẺ CON!
“Tôi phải ví thế hệ
với ai? Họ giống ai? Họ giống lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi
sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh
không khóc than.” (Lc 7,31-32)
Suy niệm: Chỉ là chuyện trò chơi của đám trẻ nơi phố chợ thôi,
nhưng nó lại phản ảnh được thói tật đã trở thành thâm căn cố đế nơi tâm thức
con người ta. Đó là bệnh “đạo diễn”: muốn biến mọi người khác thành con rối dưới
sự điều khiển của mình. Và còn tệ hại hơn, con người còn muốn đạo diễn cả Thiên
Chúa nữa. Và khi sự việc không diễn ra như lòng họ mong muốn, những “nhà đạo diễn”
mạo nhận ấy qui kết rằng tại người khác, tại Thiên Chúa đã không diễn
xuất theo đúng “kịch bản” của họ. Và đó cũng là lý do biện minh tại sao họ chưa
ăn năn sám hối.
Mời Bạn: Có hai thái độ sống cơ bản:
- thái độ của lũ trẻ con: muốn bắt ép cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của
chúng; - và thái độ của người con: sẵn sàng tìm kiếm và vâng phục ý muốn của
Chúa Cha như Chúa Giê-su đã thực hiện. Bạn chọn thái độ nào?
Chia sẻ: Xem lại cách sống của bạn, hay nhóm của bạn. Xét xem bạn
hay nhóm của bạn đang sống trong thái độ nào. Bạn hay nhóm của bạn hãy chọn một
thái độ sống và thể hiện thái độ đó bằng một việc làm cụ thể.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bước vào một ngày
mới, bạn hãy nói lên với Chúa quyết chọn cơ bản của mình: vâng phục ý Chúa Cha
như một người con thảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Người Con đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng,
xin ở với con luôn mãi và giúp con trong mọi giây phút của cuộc sống đều biết
thưa với Chúa Cha: “Xin cho ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời”. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Lũ trẻ ngồi ngoài chợ (20.9.2017 – Thứ tư Tuần 24 Thường niên)
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh. Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý, con người chẳng được tự do.
Suy niệm:
Đức Giêsu ví những người
thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi
ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í
ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi
đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để
mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không
tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi
trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng
khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi
có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến
một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng
đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám
ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức
Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ
trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời
gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị
ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không
thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không
ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp
với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác
thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị
quỷ ám,
nên ít người tin vào lời
giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế
hệ này,
Ngài đã không mang dáng
dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một
người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản
ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm
vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời
Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những
người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn
cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui
tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình
thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị
từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn
với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu
đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối
sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính
mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện
để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự
do.
Nguy cơ của con người mọi
thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm
nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi
cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung
của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế
giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
Lời nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết
cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước
Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín
20 THÁNG CHÍN
Nối Những Nhịp Cầu
Yêu Thương
Bạn hãy hăng say cộng
tác với Đấng Cứu Độ. Người bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa
Cha. Trong Đức Kitô, Chúa Cha luôn luôn chan tưới hồng ân của Ngài trên chúng
ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh. Ngài tha thứ chúng ta và đưa
chúng ta vào mối quan hệ riêng với Ngài; Ngài sai Con của Ngài đến với chúng
ta, qua Người Con ấy lòng thương xót của Ngài tuôn trào.
Vâng, bạn hãy học với
Đức Ki-tô, hình ảnh hoàn hảo (Tổng Luận Thần Học I,35) diễn tả tình yêu vô hạn
của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu, bạn hãy gần gũi với con người. Nhất là, hãy gần
gũi với những người bệnh tật, những người bị chà đạp phẩm giá. Bạn hãy trở thành
người chiến sĩ xây dựng nền văn minh tình thương, hãy nhiệt thành chia sẻ lòng
bác ái chân thực, để thăng tiến nhân loại này nên tốt hơn. Như vậy, bạn sẽ tham
dự trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.
Hội Thánh ngỏ lời với
các bạn, những người xây đắp nền văn minh tình thương: “Kinh nghiệm của quá khứ
và của chính thời đại chúng ta cho thấy rằng chỉ công bằng mà thôi thì chưa đủ
để đảm bảo cho con người được sống trên mọi chiều kích của sự sống. Chúng ta cần
phải có được năng lực sâu xa hơn nữa, đó chính là tình yêu” (Div. In Mis, 12).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 20-9
1Tm 3, 14-16; Lc 7,
31-35
LỜI SUY NIỆM: “Thật
vậy. Ông Gioan Tẩy giả đến không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo:
‘ông ta bị quỷ ám’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo:
‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Lc 7,33-34)
Trong cuộc sống ngày
hôm nay, trong xã hội vẫn còn hạng người luôn chỉ trích người khác, phê phán
người khác, chứ còn chính họ lại không chịu sống cho ra sống. Trong đời sống của
người Ki-Tô hữu. Chúng ta cần biết quan tâm đến những người sống chúng quanh
chúng ta, và đồng cảm với họ. Biết chung vui với người anh em khi họ hạnh phúc;
biết chia sẻ những nỗi buồn, đau khổ khi họ lâm phải. Biết nhìn và nhận định ra
những điều tốt đẹp nơi người anh em để bắt chước mà sống. Thấy được những khuyết
điểm và tật xấu mà tránh, để bản thân khổi bị phạm sai lầm.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Thứ Sáu 20-9
Thánh Anrê Kim
Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn
Anrê Kim Taegon là
linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài,
ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh
năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành
trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau,
ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo
biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm
vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự
kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông
Han gần thủ đô Hán Thành.
Thánh Phaolô Chong
Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Kitô Giáo được du nhập
vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người
Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền
giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành
trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777,
sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về
để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng
mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến
4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số
người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được
ban hành vào năm 1883.
Khi Ðức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và
Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo
trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết
là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.
Trong những người tử đạo
năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật
dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị
giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi
Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục
nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra
tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết
cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn
ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị
tra tấn cho đến chết.
Lời Bàn
Chúng ta bàng hoàng
khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của
giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không
có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị,
nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí
tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên Chúa đối
với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào
sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.
Lời Trích
"Giáo Hội Ðại Hàn
thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật
trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt
sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu
hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho
Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả
bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội
thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng
trong lễ phong thánh).
(nguoitinhuu.com)
20 Tháng Chín
Bởi Vì Tôi Rất Yêu Mến Bà!
Một buổi tối nọ, Mẹ
Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà
dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ
rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết
thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này
đang hấp hối... có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần
cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người đàn bà đáng
thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:
- "Tại sao bà
lại làm như vậy?"
Mẹ Têrêxa trả lời:
- "Bởi vì tôi
rất yêu mến bà..."
Một tia sáng hạnh
phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên
khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- "Ôi bà hãy
nhắc lại một lần nữa đi!"
- "Tôi rất yêu
mến bà". Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
- "Hãy nhắc lại,
hãy nhắc lại đi bà".
Người đàn bà đang
bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng
nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên
cõi đời...
Bằng chính tình yêu của
mình, Mẹ Têrêxa đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ đã biết khám phá ra
cái thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người nghèo hèn xấu số nhất.
Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn yêu thương và tôn trọng
của chính Chúa đối với mọi người...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét