23/11/2017
Thứ năm tuần 33 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) 1
Mcb 2, 15-29
"Chúng tôi
tuân theo lề luật cha ông chúng tôi".
Trích sách Macabê quyển
thứ nhất.
Trong những ngày ấy,
vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành Môđin cúng tế
dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong dân Israel tuân
lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết không chịu theo.
Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng: "Ông là
thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con cái và anh
em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết thảy mọi
dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại Giêru-salem đã
thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ được nhà vua ban
cho vàng bạc và ân huệ khác". Matha-thia trả lời và nói lớn tiếng rằng:
"Cho dầu mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều chối bỏ lề
luật của cha ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh em tôi,
chúng tôi vẫn tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa thương đừng để
chúng tôi chối bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không nghe theo lệnh
vua Antiôcô, cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề luật chúng tôi,
kẻo chúng tôi đi theo con đường khác".
Ông vừa dứt lời thì có
một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người, trên bàn thờ ở thành
Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau lòng xót dạ, ông nổi
giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy trên bàn thờ. Ông cũng
giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người ta cúng tế; ông lật đổ
cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật cũng giống như lòng nhiệt
thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.
Ðoạn Mathathia kêu lớn
tiếng khắp trong thành phố rằng: "Ai nhiệt thành với lề luật, tuân giữ lời
Giao ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!" Ông và con cái ông trốn lên núi, bỏ
lại trong thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người còn nhiệt tâm với sự
công chính và lề luật, cũng trốn vào hoang địa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 1-2.
5-6. 14-15
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên
Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) Chúa là
Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống.
Từ Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng. - Ðáp.
2) Hãy tập họp cho Ta
các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời cao sẽ loan truyền
sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm phán. - Ðáp.
3) Hãy hiến dâng Thiên
Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu
cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng Ta. -
Ðáp.
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 41-44
"Chớ chi ngươi
hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến
gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng:
"Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi!
Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù
đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa,
ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá
nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Khóc thương
thành Giêrusalem
Ðoạn Phúc Âm được Giáo
Hội đề nghị cho chúng ta suy niệm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương
thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Nhìn
chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong Phúc Âm đi liền
sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải là lần vào thành
thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để
rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối cùng của nhập thể, của
cuộc đời của Chúa.
Chúa vào thành
Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa giải giữa con
người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu
rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Israel tại Giêrusalem như
chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ chối mà còn
thành công trong việc xách động toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra
lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Baraba. Như thế, dù có sự nồng nhiệt
hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giêrusalem trên lưng lừa, nhưng sự nồng nhiệt
này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi mà Ngài mang
đến hơn là sự chấp nhận.
Ðiều xảy ra cho thành
Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng
ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn
lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. "Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp
mang hòa bình lại cho ngươi". Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người,
sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn
lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại
Ngài.
Trong quan niệm Kinh
Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến thực hiện lòng
nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã nhấn
mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu sách Phúc Âm, đó là bài
ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên Chúa đến viếng thăm đang xảy
ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho cả toàn dân tộc, cho cả toàn
nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng thăm của
Thiên Chúa với những lời như sau: "Lòng thương xót Chúa lan tràn từ đời
này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã cứu Israel, tôi tớ Chúa
và nhớ lại lòng thương xót của Người".
Chỉ có lý do duy nhất
cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ của Ngài cho người
được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người
chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành
Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan
báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù. Thiên
Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con
người. Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội
lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà
thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn
luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường
nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.
Ước chi hôm nay chúng
ta lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh và đừng cứng lòng từ chối giây phút ân sủng
nơi Thiên Chúa an bài cho mỗi người chúng ta được gặp lại.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa
vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con nhiều
lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn
lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin thương giúp
chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 33 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: I Mac 2:15-29; Lk 19:41-44.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vững mạnh sẽ
không bị lung lay bởi cám dỗ của thế gian.
Rất
nhiều người trong thế giới hôm nay chủ trương tương đối hóa sự thật. Đối với
họ, không có sự thật nào tuyệt đối, ngay cả niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế,
khi nào hoàn cảnh thuận tiện cho việc giữ đạo thì giữ; khi nào hoàn cảnh không
thuận tiện, chắc Chúa cũng thông cảm! Một thái độ tin tưởng như thế sẽ từ từ
đưa đến chỗ bỏ đạo ngay khi cơn bách hại tới. Ngược lại cũng có những người
không bao giờ tương đối hóa niềm tin và sự thật. Họ chỉ thờ một Chúa và sẵn
sàng sống chết cho sự thật.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu người sẵn lòng hy sinh chết cho sự thật,
dẫu phải đương đầu với biết bao gian nan khốn khó. Trong Bài Đọc I, tác giả
Sách Maccabees tiếp tục trình bày một mẫu gương anh hùng trong việc giữ đạo là
ông Mattathias và bảy người con của ông. Vì lòng nhiệt thành bảo vệ niềm tin,
ông đã không nao núng trước cám dỗ ban quyền hành chức tước của viên quan chức;
ông giết người phản bội Thiên Chúa ngay trước bàn thờ, và tập họp nhóm người
sống chết cho Thiên Chúa đưa vào sống trong sa mạc để sinh sống. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu biết rõ những khốn khổ sẽ xảy ra cho dân thành Jerusalem, vì họ
không nhận ra Ngài đến đem bình an thật sự cho họ.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi
vẫn trung thành với Giao Ước.
1.1/
Thái độ của ông Mattathias trước cám dỗ của thế gian: Tác giả tường thuật: "Các viên chức của vua
Antiochus, những người có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái chối đạo, đã tới
thành Modein để tế thần. Nhiều người Israel đã đến theo chúng. Nhưng ông
Mattathias và các con thì họp lại thành nhóm riêng.'' Ông Mattathias và các con
phải đương đầu với những áp lực sau:
(1)
Phần đông con cái Israel đã bỏ đạo và tế thần: Người không có niềm tin vững
chắc sẽ dễ dàng bị hốt hoảng khi thấy phần đông dân chúng bỏ đạo. Họ sẽ nghi
ngờ những gì mình tin không biết có thật hay không. Điều này đã không xảy ra
cho người có một niềm tin vững vàng như ông tuyên xưng: "Cho dù tất cả các
dân tộc trong vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ
phượng của cha ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em
tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời
nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua
mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái."
(2)
Cám dỗ về uy quyền, chức tước, và bổng lộc: Đây là cám dỗ dễ làm cho những người
ham mê những lôi cuốn của thế gian rơi vào. Các viên chức của vua lên tiếng nói
với ông Mattathias: "Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng
trong thành này, lại được con cái và anh em ủng hộ. Vậy xin mời ông tiến lên
làm người đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc,
các người Judah và những người còn ở lại Jerusalem đã làm. Rồi ông và các con
sẽ được kể vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và
bổng lộc." Nhưng được lợi cả thế gian mà phải mất linh hồn, hỏi được lợi
ích gì?
(3)
Có thể phải hy sinh mạng sống: Cám dỗ này được coi là nguy hiểm nhất vì nó đe
dọa bản năng sinh tồn của con người. Một người chỉ có thể vượt qua cám dỗ này,
nếu anh tin lời của Chúa Giêsu hay bà mẹ của các con nhà Maccabees là Thiên
Chúa sẽ trả lại mạng sống cho con người cùng với vinh quang đời đời, cộng với
tình yêu anh dành cho Thiên Chúa và Đức Kitô.
1.2/
Phản ứng nhiệt thành của ông Mattathias: Ông
vừa dứt lời thì có một người Do-thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở
Modein theo như chỉ dụ của vua. Trước cảnh tượng đó, ông Mattathias bừng lửa
nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng:
ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua
có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ. Rồi ông
Mattathias rảo khắp thành và hô lớn tiếng: "Ai nhiệt thành với Lề Luật và
tuân giữ Giao Ước, hãy theo tôi!" Sau đó, ông và các con trốn lên núi, bỏ
lại trong thành tất cả tài sản. Bấy giờ, nhiều người Do-thái muốn sống công
minh chính trực đã xuống hoang địa và lập cư tại đó.
Chúng
ta đừng vội kết án hành động của ông, vì chính Chúa Giêsu cũng lấy roi đánh
đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Ngài không thể cầm lòng khi thấy con
người làm nhơ bẩn Nhà Cha của Ngài. Hơn nữa, Luật cho phép con người phải tự vệ
khi người khác muốn giết mình. Ông Mattathias và các con sẽ bị vua Antiochus
giết nếu không chịu tế thần như vua muốn.
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/
Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có
đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1)
Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương
Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành
Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta,
nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa
Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết.
Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho
chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải
gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.
(2)
Vì tiếc thương Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô
không còn sống nữa; nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản
vững chắc. Có lẽ việc ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì
ít lâu nữa ông sẽ cùng được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có
lý do để giết Chúa Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con
người. Ngài muốn Mary và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không
chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm
vui.
2.2/
Hai lý do tại sao Chúa khóc:
(1)
Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có
một nguyện đường gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây,
Chúa Giêsu đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và
Ngài đã khóc vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không
nhận ra Đấng đem bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì
đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi
không thấy được.” Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw,
có nghĩa là “thiết lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.”
Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa
họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.
(2)
Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ
chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái
đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không
nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng
nghiệm năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền
Thờ và Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của
hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta hãy có lập trường rõ rệt trong cuộc sống: Phải kính mến và thờ phượng
Thiên Chúa trên hết mọi sự; không làm tôi hai chủ cho dẫu phải hy sinh tất cả
để trung thành với Ngài.
-
Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do
tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại
sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc hay
thương tiếc.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
23/11/2017
THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Lc 19,41-44
Lc 19,41-44
NHẬN BIẾT ƠN CHÚA
“Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên
Chúa viếng thăm.” (Lc 19,44)
Suy niệm: Có câu chuyện vui kể một người đàn ông đang vất vả gom củi
trong rừng. Ông than vãn: Cuộc sống cơ cực quá, thật quá sức chịu đựng,
ước gì tôi chết quách cho rồi. Dứt lời, thần chết xuất hiện trước mặt ông,
hỏi: Ta có thể giúp gì cho ông? Thấy thần chết ông hoảng sợ
quá, lắp bắp: Ngài có thể giúp đặt bó củi này lên vai tôi được không? Có
một thực tế, đôi khi chúng ta than vãn cuộc đời này lầm than đau khổ nhưng vẫn
muốn sống, bởi vì cuộc sống là quà tặng. Thế nhưng, có thể chúng ta đã sống ích
kỉ và vô ơn, để không nhận ra tất cả những gì mình có như sự sống, tài năng,
gia đình, các mối quan hệ… đều được ban cho vì tình yêu. Thiên Chúa vẫn luôn hiện
diện và yêu thương chúng ta qua từng biến cố, trong từng phút giây của cuộc đời.
Mời Bạn: Trong xã hội vô thần và thực
dụng, việc nhìn nhận Thiên Chúa Nhập Thể thực sự là thử thách. Biết nhận ra Ơn
Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, trong hạnh phúc và cả khổ đau, để luôn sống
tâm tình biết ơn và phó thác cuộc đời mình nơi Chúa là thái độ sống đúng đắn của
người Ki-tô hữu. Bằng cái nhìn đức tin, chúng ta sẽ nhận ra Chúa vẫn đang hiện
diện và hoạt động trong thế giới này, vì yêu thương và để cứu độ chúng ta.
Sống Lời Chúa: “Anh em hãy tạ ơn trong
mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giê-su Ki-tô” (1Tx 5,18).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn nhớ mình chỉ là tạo vật
nhỏ bé và vô dụng, để con luôn biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, vì mỗi giây phút
sống là hồng ân lớn lao cho chúng con. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Đức Giêsu khóc (23.11.2017 – Thứ năm Tuần 33 Thường niên)
Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền. Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Suy niệm:
Người ta có thể khóc vì
nhiều lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc
vì tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một
điều tốt đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là
chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ
ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể
biết đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài
cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến
gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.
Trong thành Giêrusalem có
ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ
hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do
Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu
và nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo
dài từ năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công
nguyên mới hoàn tất.
Vào thời gian này, người
Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70,
thành phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị thiêu hủy sau
tám mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà
Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
Bài Tin Mừng hôm nay
nằm ngay sau biến cố Đức
Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).
Ngài biết đây là lần
cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng,
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi
đau buồn, xót xa.
Ngài sẽ là vị ngôn sứ
phải chết ở trong thành này (Lc 13, 33).
Như mọi người Do Thái
khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.
Thành phố Giêrusalem là
thủ đô của đất nước.
Đền thờ là nơi mỗi năm
Ngài lên đó dự các lễ lớn đôi ba lần.
Đây là nhà Cha của
Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).
Nhưng mọi điều tốt đẹp
Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.
“Không để hòn đá nào trên
hòn đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đã đi
thăm Dân Israel (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).
Ngài thăm Dân Ngài qua
Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).
Ngài đến thăm để đem ơn
cứu độ, đem lại bình an (c. 42).
Hôm nay Thiên Chúa vẫn
tiếp tục đi thăm nhân loại.
Ngài vẫn sai Con của Ngài
đến với chúng ta để ban ơn bình an.
Nhưng con người hôm nay
có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.
“Ngài đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận
ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).
Thế giới Tây phương hôm
nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.
Họ nhân danh tự do tôn
giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng không có Trời thì
ai ở được với ai.
Nhân loại bị kéo vào
những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Hãy để Thiên Chúa đi vào
đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.
Chỉ trong Thiên Chúa mọi
sự mới có nền tảng vững bền.
Nếu không, như
Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con
của loài người,
con của trái đất, con của
một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc
của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào
thập giá.
Xin cho chúng con biết
yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo
nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến
tranh,
một quê hương đang mở ra
trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn
bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của
cha ông.
Xin cho chúng con đừng
nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện
nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước
nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó
thật cụ thể
cho những đồng bào quanh
chúng con.
Ước gì chúng con biết
phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và
đôi tay.
Và ước gì chúng con biết
khiêm tốn
cộng tác với muôn người
thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG MƯỜI MỘT
Mở Rộng Tấm Lòng Để Đón Nhận
“Bất cứ ai đón nhận em
bé này nhân danh Thầy là đón nhận chính Thầy” (Lc 9,48). Lời ấy của Chúa Giêsu
soi sáng ý nghĩa của việc đón nhận trẻ em làm con nuôi. Quyết định nhận nuôi một
đứa trẻ luôn luôn phát xuất từ tình yêu đối với trẻ em và từ nỗi khát khao được
làm cha làm mẹ. Việc nhận con nuôi là một chứng tá độc đáo loan báo cho thế giới
thấy tấm lòng rộng mở để chia sẻ sự sống và tình yêu tự nguyện đối với một đứa
trẻ đang cần có cha mẹ và cần một mái ấm gia đình.
Dù trong thời đại
chúng ta những đám mây đen đang vần vũ trên các gia đình, chúng ta vẫn được
khích lệ bởi vô số những tấm gương quảng đại rực sáng lên trong các gia đình
Kitôhữu. Chúng ta ngập tràn hy vọng khi nhìn thấy các chứng tá ấy. Những sự chọn
lựa theo tinh thần Kitô giáo thường trái ngược với não trạng thế gian xung
quanh chúng ta. Những sự chọn lựa ấy sẽ thách đố và chất vấn những người cần
nghe Tin Mừng, những người có khuynh hướng muốn sống một cuộc sống đóng kín và
ích kỷ. Việc nhận con nuôi là một dấu hiệu qua đó các gia đình Kitôhữu tuyên bố
rằng mình không muốn khép kín nơi chính mình – trái lại, muốn mở ra đón nhận một
đứa trẻ đáng thương và nhận một trách nhiệm cao cả cách vui tươi và vô vụ lợi.
Quyết định nhận con
nuôi không bao giờ là một quyết định dễ dàng. Thật vậy, quyết định đó luôn luôn
kèm theo với nó những bổn phận hết sức quan trọng và phức tạp. Tuy nhiên, đó là
một quyết định có sức làm phong phú cộng đồng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng
trong thời đại chúng ta ngày càng có nhiều gia đình ước ao nhận con nuôi. Đây
rõ ràng là một chiều hướng tích cực. Đây là một sự đáp trả đầy yêu thương trước
một tiếng gọi cao cả. Đó là lý do tại sao tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối
với những gia đình đang đảm nhận công việc quan trọng này. Tôi cũng muốn khích
lệ công việc của những người liên hệ đến việc giới thiệu nhận con nuôi. Xin
Chúa chúc lành cho công việc đầy ý nghĩa này và chúc lành cho mọi gia đình đang
nuôi dạy những đứa con nuôi một cách đầy yêu thương và quảng đại.
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
23-11
1Mcb
3, 15-29; Lc 19, 41-44.
LỜI
SUY NIỆM: “Phải chi hôm nay ngươi cũng
nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che
khuất, mắt ngươi không thấy được.”
Chúa
Giêsu tiến về Thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia; các môn đệ và đám
đông theo Người tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình
an trên trời cao, vinh quang trên các tầng trời” (c 19,38). Nhưng những người
Pharisêu không chấp nhận Người: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ.”
Nhưng Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu
lên” (Lc 19,39-40). Khi đến gần Thành, Người đã thương khóc cho Thành;
Người biết trước một ngày kia Thành này sẽ sụp đổ; không còn hòn đá nào nằm
trên hòn đá nào; do không nhận biết Người. Đối với mỗi người tín hữu chúng ta,
Lời Chúa cũng đang cảnh báo chúng ta. Mỗi người cần phải quan tâm đến sự hiện
diện của Người trong đời sống của mình; đừng để mắt mình bị che khuất, mà chỉ
nhìn thấy những lợi lộc của trần thế và những đòi hỏi làm thỏa mãn phần thân
xác của mình.
Lạy
Chúa Giêsu. Chúa hằng yêu thương chúng con, Chúa muốn chúng con được sống trong
bình an của Chúa. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn đón
nhận Chúa qua các phép Bí Tích của Giáo Hội.
Mạnh
Phương
Hạnh Các Thánh
23 Tháng Mười Một
Thánh Giáo Hoàng
Clement I
(c. 101)
(c. 101)
Ðức Clement của giáo
phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập
niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm
101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp
nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở Rôma, là
một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa
là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo
đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong
thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho
Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức
Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Côrintô, và
ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì "đố
kỵ và ganh ghét."
Lời Bàn
Ðức Clement đã chủ
trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì "nếu
không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa." Sau Công Ðồng
Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu
mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện
lời Thánh Phao-lô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu
thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Colossê 3:14).
Lời Trích
"Ðức ái kết hợp
chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là
ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự.
Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo" (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).
Trích từ NguoiTinHuu.com
23 Tháng Mười Một
Tấm Gương Trong Lâu Ðài Versailles
Lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris là một trong những
danh lam thu hút nhiều du khách nhất. Trong lâu đài, nơi mà du khách cảm thấy bị
giữ chân lâu nhất đó là phòng khánh tiết bằng pha lê, được trang bị bằng hàng
ngàn tấm kính từ trên trần nhà đến các vách tường.
Du khách sẽ ngỡ ngàng vì một hiện tượng lạ lùng: Nếu bạn
đưa tay ra và chỉ về một phía nào đó, bạn sẽ thấy có hàng trăm ngàn cánh tay và
hàng ngàn khuôn mặt đang hướng về bạn như đang ngắm nhìn bạn. Bạn sẽ cảm thấy
như mọi người đang chú ý đến bạn. Nhưng nhìn cho kỹ thì tất cả những cánh tay,
tất cả những khuôn mặt đó đều là của bạn.
Ðó là hình ảnh của mỗi
người trong chúng ta. Ai trong chúng ta cũng cho mình là quan trọng nhất. Tất cả
mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi lời nói, đều tập trung vào bản thân chúng ta và
trong lòng chúng ta không còn một chỗ trống nào dành cho người khác.
Cái tôi trong chúng ta
có thể là một trở ngại cho tương giao giữa chúng ta và người khác cũng như
tương giao giữa chúng ta và Chúa. Sự sống của Chúa chỉ có thể lớn mạnh trong
chúng ta và sự sống của chúng ta chỉ có thể triển nở là lúc chúng ta thực sự sống
cho Chúa. Lời của Ngài phải tiêu diệt cái tôi ích kỷ trong chúng ta để chúng ta
có thể lớn lên trong Người. Nói như thánh Gioan Tẩy Giả khi gặp chúa Giêsu:
"Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Thưa bạn, đó là bí quyết
trong cuộc sống của người Kitô chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét