28/11/2017
Thứ Ba tuần 34 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn
2, 31-45
"Thiên Chúa
khiến một vương quốc dấy lên và tàn phá hết các vương quốc".
Trích sách Tiên tri
Ðaniel.
Trong những ngày ấy,
Ðaniel tâu vua Nabukôđônôsor rằng: "Tâu đức vua, đức vua chiêm bao thấy một
tượng to lớn; tượng ấy rất cao sang rực rỡ, đứng trước mặt vua, hình dung thật
đáng sợ hãi. Ðầu tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và
đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt, bàn chân nửa sắt nửa sành. Ðang lúc vua trông
thấy thế, thì có tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải do tay người ta làm, tảng
đá ấy rớt trúng chân tượng nửa sắt nửa sành, làm nó đổ nát tan tành: Bấy giờ sắt,
sành, đồng, bạc, vàng, đều tan nát một trật, bị gió cuốn đi mất, không còn tìm
thấy đâu nữa: như bụi mùa hè trên sân lúa; còn tảng đá làm vỡ bức tượng, đã trở
thành núi lớn choán khắp địa cầu.
Chiêm bao là như thế:
tâu đức vua, thần xin giải thích chiêm bao trước mặt đức vua. Hoàng thượng là
vua các vua. Thiên Chúa trên trời đã ban cho hoàng thượng vương quốc, sức mạnh,
quyền thế, và vinh quang. Người còn trao vào tay hoàng thượng nhân dân các nước,
thú đồng và chim trời, để hoàng thượng cai quản mọi sự. Vậy chính đức vua là đầu
bằng vàng. Sau đức vua, thì có một vương quốc khác bằng bạc, kém hơn đức vua, sẽ
dấy lên. Sau đó, có một vương quốc thứ ba bằng đồng, sẽ cai trị khắp địa cầu. Kế
đó là vương quốc thứ tư bằng sắt. Sắt tàn phá và chế ngự mọi vật thế nào, thì
nước này cũng tàn phá và chế ngự mọi sự như vậy. Ðức vua trông thấy chân và
ngón chân nửa sành nửa sắt, đó là nước sẽ phân rẽ; đức vua trông thấy sắt sành
lẫn lộn với nhau, đó là nền tảng nước kiên cố như sắt. Ngón chân nửa sắt nửa
sành, là vương quốc sẽ nửa mạnh nửa yếu. Ðức vua trông thấy sắt lộn với sành:
(chúng sẽ pha loại lai giống người với nhau), nhưng không thể hoà hợp với nhau,
như sắt chẳng hoà hợp với sành vậy.
Trong thời đại có những
vương quốc ấy, Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không
hề bị tàn phá và không bị trao cho dân tộc khác, sẽ tàn phá và huỷ hoại các nước
này; nó sẽ đứng vững muôn đời. (Cũng như) Ðức vua trông thấy tảng đá từ ngọn
núi tách ra, không phải (do) người ta làm, nó đã tàn phá sành, sắt, đồng, bạc
và vàng. Ấy Thiên Chúa cao cả đã tỏ ra cho vua những sự sẽ xảy đến sau này: Ðây
mới thật là chiêm bao, là lời giải thích rất chân thành".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 57. 58.
59. 60. 61
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Hãy chúc tụng
Chúa đi, mọi công cuộc của Chúa, hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời. -
Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa đi,
các thiên thần của Chúa. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa đi,
muôn cõi trời cao. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa đi,
ngàn nước trên cõi cao xanh. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa đi,
muôn đạo thiên binh của Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! -
Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt
Con Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 5-11
"Không còn hòn
đá nào nằm trên hòn đá nào".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người
trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa
Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày
không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các
ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu
nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo
bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng:
"Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng.
Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy
phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán
cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ
chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói
khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ngôn ngữ khải
huyền
Trong thời điểm tuần lễ
cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình suy niệm những đoạn
Kinh Thánh trình bày chủ đề cánh chung trong một ngôn ngữ riêng biệt, gọi là
ngôn ngữ Khải huyền. Ðoạn Phúc Âm hôm nay là đoạn mở đầu cho những lời dạy của
Chúa Giêsu về cánh chung và về việc Chúa sẽ trở lại trong vinh quang. Những người
nghe Chúa Giêsu giảng dạy về biến cố này thì xem ra như muốn biết rõ về thời
gian, lúc biến cố xảy ra. Nhưng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài xem ra
nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ sống của những đồ đệ của Chúa: phải sống thế
nào để có thể đón Chúa ngự đến vào lúc kết thúc lịch sử nhân loại và vũ trụ.
Ngôn ngữ được Chúa
Giêsu dùng ở đây là ngôn ngữ Khải huyền, một lối diễn tả đặc biệt thường được
dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Ngôn ngữ Hy Lạp và tiếng Việt dịch ra
là Khải huyền, có nghĩa là mạc khải, mạc khải điều huyền nhiệm. Mọi chi tiết, mọi
sự cố diễn ra và được mô tả trong ngôn ngữ Khải huyền đều không nên được chúng
ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng là một biểu tượng, một hình bóng cho một ý tưởng
nào đó. Những biến cố, những tai ương được dùng trong ngôn ngữ Khải huyền muốn
nói lên cho chúng ta biết vũ trụ, thế giới chúng ta đang sống không tồn tại đời
đời mãi mãi, nhưng sẽ đi đến một lúc kết thúc và cuộc đời mỗi người chúng ta
cũng như toàn thể nhân loại cũng sẽ đến lúc kết thúc, và giây phút kết thúc cuối
cùng đó, là giây phút Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, nhờ qua
Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngôn ngữ Khải huyền không phải là để làm cho người
ta lo sợ, lo sợ tận thế, lo sợ cái chết, nhưng như là một lời kêu gọi, một lời
thức tỉnh, thôi thúc người ta hãy sống tỉnh thức một cách tích cực để lãnh nhận
ơn cứu rỗi của Chúa. Ðó là những lời của niềm hy vọng. Hy vọng một cuộc biến đổi
hoàn toàn và đầy vinh quang của con người cũng như của thế giới. Một niềm hy vọng
về trời mới và đất mới, nơi công bằng và hòa bình của Thiên Chúa ngự trị. Tuy
nhiên, trong khi chờ đợi giây phút Chúa ngự đến trong vinh quang, mỗi người đồ
đệ Chúa cần sống giây phút hiện tại một cách can đảm, kiên trì giữa những thử
thách xảy đến, và nhất là cần sống gắn bó mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Chúa
để vượt thắng được những cám dỗ chối bỏ Chúa mà chạy theo những vị tiên tri giả,
những chúa kitô giả, những kẻ tự phụ muốn thay thế chỗ của Chúa nơi tâm hồn con
người, những kẻ mạo danh Chúa để lường gạt và hưởng lợi. Mỗi người chúng ta cần
trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến, để có thể khám
phá ra Chúa đang ngự đến hàng ngày trong mọi biến cố lớn nhỏ, để cứu rỗi chúng
ta vì Ngày yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con
chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con
và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng
của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa
dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người
anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 34 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Dan
2:31-45; Lk 21:5-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa
làm chủ mọi quyền lực thế gian.
Con người thế gian dồn
mọi nỗ lực để chiếm cho được những cái nhất của thế giới: tước vị hoàng đế, bá
chủ cường quốc, danh vọng tột đỉnh, tỉ phú, hoa hậu đẹp nhất thế giới... Nhưng
cho dẫu con người có đạt đến những tuyệt đỉnh này, họ cũng phải chấp nhận một
thực tế của con người: Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất. Điều gì
còn lại sau cuộc sống đời tạm này mới là đích điểm mà con người nên mơ ước. Các
Bài Đọc hôm nay cho con người thấy những phũ phàng của thực tế và hướng lòng
con người đến thực tại vĩnh cửu đời sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu
diệt.
1.1/ Pho tượng là hình ảnh
của các đế quốc chóng qua của trần gian: Vua
Babylon Nabuchadnezzar mơ một giấc chiêm bao, nhưng Nhà Vua không nhớ gì về giấc
chiêm bao đó. Sáng dậy, vua cho triệu tập tất cả các pháp sư tới để xin giải
nghĩa điềm chiêm bao; nhưng không một ai giải thích được vì Nhà Vua không nhớ
chi tiết nào về giấc chiêm bao đó cả. Sau cùng, Vua cho gọi Daniel, một thanh
niên Do-thái làm việc cho triều đình tới. Trước tiên, Daniel thuật lại giấc
chiêm bao của Nhà Vua: "Tâu bệ hạ, giấc chiêm bao ấy như thế này: một pho
tượng, một pho tượng lớn, sáng chói, đứng sừng sững trước mặt ngài, coi thật dễ
sợ. Đầu pho tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và hai cánh tay bằng bạc, bụng và hai
bắp đùi bằng đồng, hai bắp chân bằng sắt, hai bàn chân nửa sắt nửa sành. Ngài
đang mải nhìn thì bỗng có một tảng đá tách ra, dù không có bàn tay nào đụng tới,
nó đập vào pho tượng trúng hai chân nửa sắt nửa sành, khiến hai bàn chân vỡ tan
ra. Bấy giờ tất cả cùng vỡ tan: cả sắt, sành, đồng, bạc lẫn vàng, giống như rơm
rác trên sân phơi lúa mùa hè bị gió cuốn đi không để lại dấu vết gì. Còn tảng
đá làm vỡ pho tượng thì trở thành một hòn núi lớn choán hết mặt đất."
Còn ý nghĩa của nó thì
thần xin tâu bệ hạ. Đế quốc của Vua Babylon chính là cái đầu bằng vàng của bức
tượng. Sau đế quốc Babylon là đế quốc Ba-tư, tượng trưng bằng ngực và hai cánh
tay bằng bạc. Sau khi đế quốc Ba-tư hết thời là đến đế quốc Hy-lạp, tượng trưng
bằng bụng và hai bắp đùi bằng đồng. Sau đó là đế quốc Rôma, tượng trưng hai
chân bằng sắt. Tảng đá bất thình lình bay đến đập nát pho tượng là biểu tượng
uy quyền của Thiên Chúa. Ngài có thể để cho các đế quốc thành hình, và có quyền
tiêu diệt mọi đế quốc do con người thiết lập.
1.2/ Thiên Chúa sẽ thiết
lập một vương quốc vĩnh cửu: Sau thời đại
các vua này, Đức Chúa Trời sẽ lập "một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt,
vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt
tất cả mọi vương quốc này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững." Đây chính là
vương quốc vững bền muôn đời của Đức Kitô, vì chính Thiên Chúa đã trao uy quyền,
vinh quang, và vương vị vào tay của Ngài (Dan 7:14). Mọi quốc gia, dân tộc, và
ngôn ngữ sẽ phụng thờ Ngài, và triều đại của Người sẽ vô tận (Dan 7:15). Tảng
Đá bay tới đập vỡ pho tượng rồi trở thành Núi Đá lớn tượng trưng cho uy quyền của
Đức Kitô; không một quyền lực thế gian nào có thể phá vỡ được.
2/ Phúc Âm: Ngày của Đấng Thiên Sai đến
Người Do-Thái quan niệm
họ đang sống giữa 2 thời đại: thời hiện tại rất xấu xa, không thể chữa trị, và
xứng đáng bị tiêu diệt; và thời tương lai huy hòang của Thiên Chúa và sự thống
trị của người Do-Thái. Giữa 2 thời này sẽ có Ngày của Đấng Thiên Sai, Ngày mà
những sự kinh hòang trong trời đất sẽ xảy ra. Trong Ngày này, trái đất sẽ bị
tiêu hủy và các tội nhân sẽ bị tiêu diệt (Isa 13:9, Joel 2:1-2, Amo 5:18-20,
Zep 1:14-18). Ngày này sẽ xảy ra bất thình lình như kẻ trộm vào nhà lúc ban đêm
(I Thes 5:2, II Pet 3:10). Các ngôi sao và thái dương hệ sẽ không còn chiếu
sáng, trái đất sẽ rung chuyển, và cơn giận của Thiên Chúa sẽ tràn xuống con người
(Isa 13:10-13, Joel 2:30-31).
2.1/ Tất cả những huy
hòang của thế gian là tạm bợ: ngay cả sự huy
hòang của Đền Thờ Jerusalem. Nếu khách hành hương đứng từ Đồi Olive nhìn xuống
Thành Jerusalem, Đền Thờ và cảnh huy hòang lộng lẫy của nó là cảnh đầu tiên đập
vào mắt khách hành hương. Ngày nay, tuy Đền Thờ không còn nữa, nhưng vẻ huy
hòang của nó vẫn còn sót lại qua những tảng đá khổng lồ và Bức Tường Than Khóc.
Vào thời của Chúa Giêsu, Đền Thờ là niềm kiêu hãnh của người Do-Thái; vì thế,
không lạ gì khi có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá
đẹp và những đồ dâng cúng, nhưng Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang
chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá
nào."
Đền Thờ Jerusalem bị
quân đội Rôma phá hủy hòan tòan vào năm 70 AD: Chỉ hơn 30 năm sau, lời tiên tri
của Chúa Giêsu về Thành Jerusalem được ứng nghiệm. Quân đội Rôma đã đem quân
vây hãm thành: dân chúng không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống,
có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành
Jerusalem đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá
nào.” Sử gia Josephus ước chừng khỏang 1,100,000 người chết trong biến cố này,
và 97,000 người khác bị đem đi lưu đày. Nước Do-Thái hòan tòan bị xóa sổ trên bản
đồ cho đến thời hiện đại.
2.2/ Những tiên đóan của
Chúa Giêsu về Ngày Tận Thế: Họ hỏi Người:
"Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì
có điềm gì báo trước?" Chúa Giêsu không cho biết bao giờ Ngày Tận Thế sẽ xảy
ra, nhưng Ngài liệt kê 2 điều báo trước:
(1) Sẽ có các tiên tri
giả và những người đóan mò: Những người mạo nhận là Chúa Giêsu đến lần thứ hai:
Từ khi Chúa Giêsu lên trời tới giờ, nhiều người mạo nhận là tiên tri từ trời
sai tới: Mohamed của Hồi Giáo, Smith của Mormon. Những người đóan mò Ngày Tận
Thế sắp tới: Thời nào cũng có người đóan mò Ngày này; nổi danh hơn cả là ông
Nostradamus. Ngày đầu của Năm 2000 được nhiều người tiên đóan là Ngày Tận Thế,
và nhiều người đã chuẩn bị cho ngày này; thế mà chúng ta sắp sửa bước qua năm
2009 rồi, mà chưa thấy gì cả. Chúa Giêsu đã đề phòng: "Anh em hãy coi chừng
kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta
đây," và: "Thời kỳ đã đến gần;" anh em chớ có theo họ.
(2) Những dấu lạ của đất
trời:
- Sẽ có chiến tranh và
lọan lạc: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi; vì những
việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu… Dân này sẽ nổi
dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.” Chiến tranh vẫn xảy ra ở mọi nơi và
mọi thời, ngay cả trong thời đại chúng ta. Điều này chỉ xác nhận con người đang
ở giữa 2 thời như người Do-Thái tin tưởng, chúng ta không thể dựa vào chiến
tranh để tiên đóan Ngày Thiên Chúa gần đến.
- Sẽ có những trận động
đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém: Những trận động đất lớn vẫn xảy
ra ở mọi nơi và mọi thời; gần chúng ta nhất là trận động đất ở Sichuan, Trung
Quốc, 2008, đã cất đi gần 70,000 người. Ngòai ra, các thiên tai như sóng thần,
lũ lụt, dịch gà, dịch bò điên, dịch cúm heo, hạn hán là những lý do làm mất
mùa, gây đói khát, vẫn xảy ra hàng năm.
- Sẽ có những hiện tượng
kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện: Đây có lẽ là điềm báo rõ hơn cả
vì từ thời Chúa Giêsu về trời đến nay, con người chưa bao giờ được chứng kiến những
điềm lạ lớn lao từ trời như các tiên tri loan báo như: mặt trời, mặt trăng, và
các ngôi sao trong thái dương hệ không còn chiếu sáng. Khi tất cả các điềm lạ
trên xảy ra, Ngày Tận Thế sau cùng mới tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bám víu
vào bất cứ gì của ma quỉ và thế gian dâng tặng, vì nó sẽ bị gió cuốn đi như những
vỏ trấu. Hãy tìm tình yêu Thiên Chúa và những lời dạy dỗ chân thật của Ngài.
- Chúng ta đừng hốt hoảng
khi nhìn thấy những điềm lạ xảy ra, nhưng hãy lo sao cho Nước Chúa thực sự ngự
đến trong tâm hồn. Khi đã có Chúa, chúng ta sẽ không còn sợ hãi gì nữa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
28/11/2017 - THỨ BA TUẦN 34 TN
Lc 21,5-11
NHÌN NHẬN THIÊN CHÚA LÀ VẺ ĐẸP VÀ CÙNG ĐÍCH MỌI SỰ
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá
hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)
Suy niệm: Các nhà thiên
văn học dự đoán năm 2017 này sẽ có “siêu trăng” xuất hiện vào tối ngày 3/12;
hay “mưa sao băng đẹp” mê hồn vào đêm 13/12, mà họ gọi là “Vua của mọi cơn mưa
sao băng!” Nhiều người sẽ ngóng trông và mong chờ hiện tượng thiên nhiên kỳ thú
này. Thật vậy, con người thường thích ngắm nhìn những điều lạ và trầm trồ khen
nó nhưng dường như lại lãng quên Đấng Tạo Hóa làm ra điều đó. Hơn 2000 năm trước,
dân Do Thái thời Chúa Giê-su cũng tấm tắc khen về đền thờ lộng lẫy, nguy nga với
kiến trúc đẹp cùng những đồ dùng thờ phượng tinh xảo. Nhưng Chúa cảnh báo
Giê-ru-sa-lem “sẽ bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” vì
“ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc
19,44).
Mời Bạn: Thiên Chúa mới là vĩnh cửu,
và giúp con người đạt tới cuộc sống thường hằng. Còn những thụ tạo của Ngài, dù
có xinh đẹp và vững bền đến mấy một ngày nào đó sẽ không còn hiện hữu, tức là
biến mất khỏi trần gian này. Mời bạn chiêm ngắm những kỳ công Thiên Chúa đã tạo
dựng để nhận ra Ngài là vẻ đẹp viên mãn và là cùng đích mọi sự, và nhờ đó chúng
ta luôn biết tôn vinh và ngợi khen Ngài.
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm những thụ tạo của
Thiên Chúa để khám phá vẻ đẹp và sự kỳ diệu Ngài đã đặt nơi chúng và ngợi khen
tôn vinh Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy
con luôn tỉnh thức, cầu nguyện vì cuộc sống hôm nay có sức mê hoặc con, làm con
không nhìn nhận Thiên Chúa là vẻ đẹp viên mãn và là cùng đích mọi sự. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Anh em làm chứng cho Thầy (28.11.2017 – Thứ ba Tuần 34 Thường niên)
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không
đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.
Suy niệm:
Trong số 117 vị Tử Ðạo
Việt Nam, được phong thánh năm 1988,
có một phụ nữ duy nhất,
mẹ của 6 người con.
Ðó là bà Anê Lê Thị
Thành, còn gọi là bà Ðê.
Trước khi là một anh hùng
tử đạo,
bà đã là một người mẹ
hiền gương mẫu.
“Thân mẫu chúng tôi rất
chăm lo việc giáo dục các con.
Chính người dạy chúng tôi
đọc chữ và học giáo lý,
sau lại dạy cách dự thánh
lễ và xưng tội rước lễ.”
Ðó là lời khai của cô con
gái út trước giáo quyền.
Nhà bà Ðê là nơi các linh
mục trú ẩn.
Buổi sáng lễ Phục Sinh
năm 1861,
quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh
cho quân bao vây làng của bà.
Bà Ðê bị bắt lúc đã 60
tuổi.
Bà bị đánh đập tra tấn,
bị ép phải chối đạo,
bị lôi qua Thánh Giá, bị
bỏ rắn độc vào người.
Khi con gái đến thăm bà
trong nhà giam,
đau đớn vì thấy quần áo
mẹ loang đầy vết máu,
bà đã an ủi con với một
niềm lạc quan lạ lùng:
“Con đừng khóc, mẹ mặc áo
hoa hồng đấy,
mẹ vui lòng chịu khổ vì
Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”
Sau ba tháng chịu đủ mọi
cực hình,
người phụ nữ ấy đã hiến
đời mình cho Chúa.
Cuộc đời của vị thánh nữ
tiên khởi của Việt Nam
là một sức nâng đỡ lớn
cho chúng ta.
Thiên Chúa đã làm điều
phi thường
nơi một người phụ nữ già
nua, yếu đuối.
Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam
Ðịnh cũng phải bó tay
trước sự yếu đuối kiên
vững của bà.
Khôn ngoan và đơn sơ, can
đảm chịu đau khổ,
bà thánh Ðê đã phó mặc
cho Chúa đời mình.
Bà chẳng lo phải nói gì,
phải làm gì trước tòa án,
vì sức mạnh của Thánh
Thần ở với bà.
Hội Thánh thời nào cũng
cần những người dám sống vì đức tin,
dám làm chứng cho Chúa
trước mặt người đời.
Sống đức tin là một loại
tử đạo không đổ máu,
không đòi hy sinh mạng
sống,
nhưng lại đòi hy sinh cả
tương lai vững vàng ổn định.
Mỗi ngày, chúng ta thường
bị đặt trước những chọn lựa,
trước thập giá của Ðức
Giêsu,
y hệt như các vị tử đạo
ngày xưa.
Có khi chúng ta đã bước
qua thập giá, khi chọn mình,
đã chối Chúa bằng chính
cuộc sống.
Càng có tự do, ta lại
càng dễ sa sút đức tin.
Tiền bạc, tiện nghi,
khoái lạc vẫn là những thụ tạo
gây ra những cuộc bách
hại êm ả và khủng khiếp
mà cuối cùng chúng ta
cũng phải đối diện.
Ước gì chúng ta không để
mất đức tin
được mua bằng giá máu của
bao vị tử đạo,
và ước gì chúng ta không
ngừng chuyển giao đức tin ấy
cho hơn 80 triệu đồng bào
trên quê hương.
Cầu nguyện:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức
tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng
bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm
chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân
phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái
chết,
được bừng tỏa trên Tổ
quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG MƯỜI MỘT
Lạy Chúa Giêsu, Xin
Hãy Đến!
Nhận thức được rằng
Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng, Ngài toàn năng, Ngài là sự khởi đầu và là cứu
cánh của mọi tạo vật, Giáo Hội lại mời gọi chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến.
Đây là Đấng hoàn toàn ở
trên mọi tạo vật. Ngài là Thần Khí bất diệt. Tuy nhiên, Ngài đồng thời ôm lấy tất
cả những gì đã được dựng nên và tất cả những gì có hơi thở. Trong Ngài, chúng
ta sống, cử động và nhận lấy hữu thể của mình” (Cv 17, 28).
Như vậy, Ngài không chỉ
ở bên ngoài thế giới tạo vật. Ngài còn ở trong chính thế giới của chúng ta. Tạo
vật tràn ngập sự hiện diện của Ngài. Và sự hiện diện ấy luôn luôn công bố cho
ta biết rằng Ngài đang đến. Thiên Chúa, trong tư cách là Đấng Sáng Tạo và là Chủ
Tể mọi loài, đang đến với thế giới này, thế giới mà Ngài đã gọi vào hiện hữu từ
hư vô.
Ngài cũng nâng đỡ mọi
sự mà Ngài đã tạo thành. Ngài là chính sự quan phòng thần linh. Nơi Ngài, thế
giới có được vận mệnh đích thực của nó. Tất cả những gì đã được hiện hữu nhờ
quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ vẫn tiếp tục hiện hữu qua Ngài.
Mọi tạo vật đều “tường
thuật vinh quang Thiên Chúa”, đều làm chứng cho sự hiện diện của Ngài và cho sự
đến của Ngài. Sự đến của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chính sự hiện hữu của thế
giới, nơi nguồn gốc của nó và nơi sự phát triển của nó.
Chúng ta phải luôn sống
trong niềm mong đợi Chúa đến, như Đức Kitô nói trong Tin Mừng Luca (21,
25-28.34-36).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28-11
Đn 2, 31-45; Lc 21,
5-11.
Lời suy niệm: “Nhân có mấy người
nói về Đền Thờ trang hoàng bằng những viên đá đẹp và đồ dâng cúng. Đức Giêsu bảo:
những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng
đá nào trên tảng đá nào.”
Đứng trước một công
trình vĩ đại và đẹp như Đền Thờ Giêrusalem, ai ai cũng phải ngưỡng mộ và tấm tắc
khen ngợi bền vững và đáng quý. Nhưng dưới con mắt của Chúa Giêsu: nó có ngày sẽ
sụp đổ tan tành, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào và đã xãy ra như vậy.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa
đang mong chờ nơi mỗi người chúng con xét mình lại: đã xây dựng đời mình bao
nhiêu năm với những vật liệu nào? mô hình nào? Và đã trang hoàng như thế nào?
Có đúng với những ân sủng và tình yêu thương tha thứ của Chúa?
Mạnh Phương
28 Tháng Mười Một
Bà Vợ Của Socrate
Nhà hiền triết Hy Lạp
Socrate chẳng may có một người vợ khó tính như chằng tinh. Nhưng ông đã chịu đựng
tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu. Một ngày nọ, ông đang làm đạo với
các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả
ông. Nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi
cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ
một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: "Sau cơn
sấm sét thì lại có mưa giông".
Thánh Basiliô khuyên dạy
như sau: "Ðừng ăn miếng trả miếng". Kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến
phi lý là người bất hạnh nhất, bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi Hãy
để cho kẻ thù ta là thầy dạy ta. Ðừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Ðừng trở nên
gương soi cho một kẻ đang giận dữ bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận dữ
của người đó.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét