Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Bangladesh
Trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 12 tới đây sau khi
công du Myanmar ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Bangladesh. Nhân dip này chúng tôi
xin giới thiệu cùng quý vị vài nét về Giáo Hội và đất nước Bangladesh.
Cộng hoà nhân dân Bangladesh rộng 147.570 cây số vuông, có
hơn 170 triệu dân, giáp giới với Myanmar và quay ra vịnh Bengala. Trong
tiếng Bengale Bangladesh có nghĩa là Quê huơng của Bengala. Ranh giới hiện nay
của Bangladesh bắt nguồn từ việc phân chia năm 1947 khi vùng này trở thành phần
phía đông của nưuớc Pakistan mới thành lập, bị chia cách với phần còn lại bởi
1.600 cây số ngang qua Ấn Độ. Các kỳ thị ngôn ngữ, chính trị và kinh tế khiến
cho Bangladesh luôn ở trong tình trạng dân chúng giao động chống lại Tây
Pakistan dẫn đưa tới chiến tranh giành độc lập năm 1971 và việc thành lập nước
Bangladesh. Tuy nhiên, quốc gia mới này đã phải gánh chịu các thiên tai và hạn
hán mất mùa đói kém và cảnh nghèo túng triền miên, cũng như các giao động chính
trị và các cuộc đảo chánh của quân đội. Việc tái lập nền dân chủ năm 1991 đã là
kết quả của một sự ổn định tương đối và tiến bộ kinh tế.
Bangladesh là một trong các quốc gia có mật độ dân số đông
nhất thế giới và có cũng là nước có nhiều người nghèo nhất. Trên bình diện địa
lý Bangladesh nằm trong vùng đồng bằng lưu vực sông Gange và sông Brahmaputra,
nhưng hằng năm cũng là nạn nhân của lụt lội và bão táp. Là thành viên của tổ chức
Khối Thịnh Vượng Chung từ năm 2005 Bangladesh đã đạt được các tiến triển đáng kể
trên bình diện phát triển nhân bản, xóa bỏ nạn mù chữ, thăng tiến giáo dục và
giảm nạn gia tăng dân số.
Các dấu tích của các nền văn minh cổ xưa cho biết lịch sử
vùng Bengala đã có từ 4.000 năm trước, khi vùng này do các dân tộc Dravidic,
Tibeto-birmane và Austro-asiatico sinh sống. Gốc gác tên gọi Bangla hay Bengala
có lẽ phát xuất từ chữ “Bang” là bộ lạc nói tiếng Dravidic đến định cư trong
vùng này vào năm 1.000 trước công nguyên.
Sau khi người indo ariani đến Bangladesh vương quốc
Gangaridai được thành hình vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên. Tiếp đến nó bị
sát nhập vào vương quốc Magadha, rồi vào đế quốc Maurya, và từ thế kỷ thứ III tới
thứ VI sau công nguyên trở thành phần của đế quốc Gupta. Sau khi đế quốc Gupta
sụp đổ, ông Shashanka thành lập vương quốc mới và được coi là cha đẻ của nền độc
lập Bangladesh. Sau một thời gian vô chính phủ triều đại Pala cai trị vùng này
trong 4 thế kỷ liên tiếp. Sau đó là triều đại Ấn Sena. Vào thế kỷ XII Hồi giáo
được du nhập vào Bangladesh và lan tràn trong toàn vùng. Tướng Thổ Nhĩ Kỳ là
Bakhtiar Khiji chiến thắng Lakshman Sen của triều đại Sena và chiếm cứ phần lớn
Bangladesh. Vùng này bị các Sultan Hồi và các quan phong kiến cai trị trong 100
năm. Vào thế kỷ XVI đế quốc Moghul thống trị Bengala và Dakhca trở thành trung
tâm thương mại quan trọng của đế quốc.
** Các thương gia âu châu đặt chân lên Bangladesh vào cuối
thế kỷ XV và gia tăng thanh thế, khi Công ty Anh đông Ấn Độ kiểm soát Bengala
sau trận chiến năm 1757. Cuộc nổi loạn đẫm máu năm 1857 khiến cho quyền bính được
giao cho phó vương người Anh. Dưới thời thuộc địa của Anh quốc đã xảy ra nhiều
thiên tai hạn hán mất mùa, bao gồm cả nạn hạn hán năm 1943 khiến cho hơn 3 triệu
người phải đói khát.
Giữa các năm 1905-1911 nỗ lực tách rời Bengala thành 2 vùng
bị thất bại. Khi Ấn Độ bị chia cắt năm 1947 vùng Bengala bị chia đôi bởi một
ranh giới tôn giáo với phía tây có dân theo Ấn giáo nằm dưới quyền cai trị của Ấn
Độ, và phiá đông có dân theo Hồi giáo bị sát nhập vào Pakistan như là một tỉnh
và được gọi là Đông Bengala. Việc tách rời này đã làm nảy sinh ra các cuộc xuất
hành đông đảo và quan trọng nhất trong lịch sử. Hàng triệu người theo Ấn giáo rời
bỏ vùng Đông Pakistan, trong khi hàng triệu người theo Hồi giáo lại tìm về sinh
sống tại đây. Cuộc di cư vĩ đại này đã là lý do của cuộc khủng hoảng nhà ở và
lương thực kéo dài 30 năm trời. Các chính quyền sau đó đã cố gắng giải quyết vấn
đề, nhưng đã không bao giờ thành công, và trong vài trường hợp nó đã làm nảy
sinh ra các phong trào chính trị, xã hội kinh tế và chủng tộc.
Năm 1950 đã có cuộc cải cách huỷ bỏ chế độ phong kiến
Zamidari. Mặc dù sức nặng kinh tế và dân số ở phiá Đông nhưng quyền bính chính
trị và quân sự lại nằm trong tay các tầng lớp sống ở phiá Tây. Năm 1952 phong
trào tiếng nói Bengale ghi dấu một khúc quanh mới, và khai sinh ra Liên minh
nhân dân Bengale. Trong thập niên 1960 phong trào nay đòi độc lập và năm 1966 tổng
thống Sheik Mujibur Rahman bị cầm tù và rời bỏ quyền bính sau vụ nổi loạn của
dân chúng năm 1969. Năm 1970 một trận bão lớn tàn phá vùng duyên hải Đông
Pakistan, nhưng chính quyền trung ương phản ứng rất kém khiến cho dân chúng giận
dữ, và Sheikh Mujibur Rahman tuy đã thắng cử năm 1970 nhưng không thể lên nắm
quyền. Tháng 3 năm 1971 tổng thống Yahya Khan bắt giữ ông Mujibur và phát động
cuộc hành quân Tìm ánh sáng xua quân đánh vùng Đông Pakistan. Chiến tranh bạo lực
đã khiến cho rất nhiều thường dân bị thiệt mạng và làm cho 10 triệu người phải
đi lánh nạn bên Ấn Độ. Đã không có thống kê chính xác nhưng người ta ước tính
có từ 300.000 tới 3 triệu người chết. Đa số hàng lãnh đạo đảng Liên minh nhân
dân Bengale hay Awami trốn sang Ấn độ, và thành lập chính phủ lưu vong tại
Calcutta. Chiến tranh giải phóng Bangladesh kéo dài 9 tháng, và cuối cùng nhận
được sự trợ giúp của quân đội Ấn. Quân Ấn chiến thắng quân Pakistan vào tháng
12 năm 1971 và bắt giữ 90.000 tù binh chiến tranh. Sau khi được độc lập
Bangladesh trở thành một nước dân chủ và đảng Liên minh Awami chiếm đa số tuyệt
đối trong Quốc Hội với ông Mujib làm thủ tướng.
Trong các năm 1973-1974 và đầu năm 1975 Bangladesh bị hạn
hán mất mùa trầm trọng. Ngày 15 tháng 8 năm 1975 thủ tướng Mujib và gia đình bị
các tướng lãnh ám sát. Sau nhiều cuộc đảo chánh tướng Ziaur Rahman, người thành
lập đảng Quốc gia Bangladesh, lên nắm quyền và cai trị cho tới khi ông bị ám
sát năm 1981. Sau một cuộc đảo chánh đẫm máu tướng Hossein Mohammad Ershad lên
nắm quyền từ năm 1982 tới 1990, và bị bó buộc từ chức sau khi chế độ cộng sản sụp
đổ. Kể từ đó Bangladesh lại có chính quyền dân chủ. Bà Khaleda Zia, vợ của tướng
Ziaur, đưa đảng của chồng tới chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1991, và
trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Bangladesh. Nhưng đảng Quốc gia
Bangladesh do Sheikh Hasina, một trong những con gái còn sống sót của tướng Mujib,
lãnh đạo thắng cử năm 1996 nhưng mất quyền năm 2001.
Năm 2007 tiếp theo nạn bạo lực làn tràn một chính quyền mới
được thành lập với mục đích nhổ tận gốc rễ nạn gian tham hối lộ và các hỗn loạn
chính trị.
** Đa số dân Bangladesh nói tiếng Bengale là một ngôn ngữ
Indoeuropeo thuộc gia đình Indoiraniano của nhóm Indoario nam Á châu, và đã tiến
triển như là dòng dõi tiếng Phạn Sanscrito, tiếng Pali và các thứ tiếng
Pracrite. Ngoài ra người dân còn nói nhiều thứ tiếng khác như: Chakma,
Assamese, Tippera, Hajong, Atong, Rakhine, Mizo và Marma.
Trên bình diện tôn giáo 90,4% tổng số dân theo Hồi giáo,
8,2% theo Ấn giáo, 0,7% theo Phật giáo đa số là Tiểu Thừa, 0,6% theo Kitô giáo
đa số theo công giáo, và 0,1% theo các tôn giáo khác, trong đó có đạo thờ vật
linh.
Đa số tín hữu hồi theo hệ phái Sunnít, nhưng cũng có một
nhóm theo hệ phái Sciít và một nhóm theo hệ phái Ahmadiyya. Đa số tín hữu Sciít
sống trong các thành phố. Cả khi chính quyền Bangladesh chọn ý thức hệ quốc gia
đời, Hiến pháp vẫn coi Hồi giáo là quốc giáo. Tuy Hiến pháp khẳng định quyền tự
do tôn giáo, mỗi công dân được tự do lựa chọn và thực hành niềm tin của mình,
nhưng trên thực tế các cộng đoàn tôn giáo thiểu số khác như kitô, phật
giáo và hồi giáo ahmadiyya vẫn bị ít nhiều kỳ thị. Giữa các năm 2001-2006 chính
quyền liên hiệp bao gồm 4 đảng phái chính trị: đảng quốc gia Bangladesh, đảng
Jamat-e-Islami Bangladesh, đảng Islami Oilya Jote và đảng Jatiyo Bangladesh, đã
ra lệnh cấm phổ biến các tác phẩm văn chương Ahmadi. Các quyền gia đình
liên quan tới ly dị, nhận con nuôi vv. thay đổi tuỳ theo tôn giáo. Nhưng không
có luật cuỡng bách hôn nhân giữa các thành phần thuộc các tôn giáo khác nhau.
Kitô giáo đã đến Bangladesh giữa cuối thế kỷ XVI đầu
thế kỷ XVII qua các thương gia Bồ Đào Nha và các thừa sai. Các linh mục thừa
sai thuộc Hội Truyền Giáo nước ngoài Milano đã đến rao giảng Tin Mừng tại
Bangladesh năm 1855. Giáo Hội công giáo Bangladesh gồm hai cộng đoàn chính: một
cộng đoàn gồm con cháu các kitô hữu đầu tiên, hoa trái công việc truyền giáo của
các thừa sai Bồ Đào Nha trong hai thế kỷ XVI-XVII; một cộng đoàn khác chiếm đa
số gồm các thổ dân từ đạo thờ vật linh theo Kitô giáo, bao gồm các chủng tộc
Oraon, Garo và Santhal.
Hiện nay số tín hữu kitô chiếm 0,6% tổng số dân, đa số theo
công giáo và có một số nhỏ theo tin lành. Giáo Hội công giáo có khoảng 300.000
giáo dân sống trong 2 tổng giáo phận và 6 giáo phận. Giáo tỉnh Dacca bao gồm tổng
giáo phận Dacca và 4 giao phận Dinajpur, Mymensingh, Rajshahi và Sylhet, trong
khi giáo tỉnh Chittagong bao gồm tổng giáo phận Chittagong và 2 giáo phận
Barisal và Khulna. Ngoài các Giám Mục của 8 giáo phận nhân lực của Giáo Hội gồm
khoảng 250 linh mục, hơn 1.000 nữ tu, hơn 400 chủng sinh và 1.500 giáo lý viên.
Công tác rao truyền Tin Mừng được dễ dàng hơn sau khi HĐGM cho in bản dịch
Thánh Kinh năm 1999 bằng tiếng Bengali là ngôn ngữ của 98% dân chúng. Năm 2000
các Giám Mục cũng cho in sách Giáo lý Giáo Hội công giáo bằng tiếng Bengali.
** Từ năm 2011 ĐHY Patrick D’ Rozario là chủ tịch HĐGM
Bangladesh. Từ năm 1973 tới 1992 Bangladesh chỉ có Đức Khâm Sứ. Nhưng sau đó
chính quyền Bangladeh và Toà Thánh đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao
trên bình diện toà đại sứ và sứ thần Toà Thánh. Từ năm 2013 Đức Sứ Thần Toà
Thánh là ĐTGM George Kochery.
Vì Bangladesh là một trong 49 nước nghèo nhất thế giới theo
danh ách của Liên Hiệp Quốc, nên Giáo Hội tập trung mọi công tác mục vụ
vào các lãnh vực thăng tiến giáo dục, y tế và an sinh cho dân. Hiện nay Giáo Hội
điều khiển hơn 550 trường học: từ mẫu giáo cho tới trung học và đại học. Giáo Hội
cũng điều hành 360 cơ sở y tế và bác ái xã hội, gồm các nhà thương, các bệnh
xá, các trạm phát thuốc, các trung tâm mồ côi và nhà cho người tàn tật. Sự kiện
70% dân không được học hành và đa số dân là người trẻ khiến cho Giáo Hội tập
trung nỗ lực vào công việc thăng tiến giáo dục và củng cố mục vụ cho giới trẻ
và dấn thân rao truyền Tin Mừng. Các cơ sở giáo dục của Giáo Hội tiếp nhận tới
80% học sinh sinh viên không công giáo. Qua đó người trẻ hồi giáo, phật giáo và
ấn giáo cũng học biết Chúa Kitô.
Tại Bangladesh các tương quan của Giáo Hội công giáo với Hồi
giáo rất tốt. Cuộc đối thoại liên tôn không gặp khó khăn như tại nhiều quốc gia
khác, vì các liên lạc giữa giới lãnh đạo các tôn giáo và các tín hữu với nhau rất
hài hoà và khoan nhượng. Một đàng chính quyền Bangladesh là chính quyền đời,
đàng khác Hồi giáo Bangladesh hoà hoãn và có tinh thần tu đức cao. Thách đố
chính của Giáo Hội là việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hoá. Vì cho tới nay
Kitô giáo vẫn bị coi là tôn giáo ngoại lai. Cộng đoàn công giáo trẻ tuổi, và đức
tin và truyền thống kitô chưa được đâm rễ sâu trong cuộc sống tín hữu. Trong số
các khó khăn Giáo Hội vẫn còn gặp phải có sự kiện các thừa sai không được cấp
giấy phép vào Bangladesh dễ dàng vì vẫn bị nghi ngờ. Bên cạnh đó là sự lan tràn
của các giáo phái giả kitô, khiến cho chính quyền có các thái độ thù nghịch với
Kitô giáo. Sự kiện hàng giáo sĩ tu sĩ và giáo dân phải dấn thân nhiều trong các
sinh hoạt thăng tiến cuộc sống cho dân nghèo cũng ngăn cản phần nào việc lôi cuốn
họ vào các chương trình đào tạo thiêng liêng.
Trong số các nỗ lực Giáo Hội cần thực hiện có việc đào tạo
tôn giáo cho anh chị em giáo dân và lôi cuốn họ dấn thân trong các công tác
tông đồ, để họ nỗ lực rao giảng Tin Mừng, và có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ
hơn trong mọi sinh hoạt của Giáo Hội.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét