Trang

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Tông du Miến Điện: Đức Phanxicô Gặp Hội Đồng Tăng Già

Tông du Miến Điện: Đức Phanxicô Gặp Hội Đồng Tăng Già
Vũ Văn An
29/Nov/2017

Ngày 29 tháng 11, 2017, tức ngày thứ ba trên đất Miến Điện, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các tăng sĩ thuộc Ủy Ban Sangha Maha Nayaka Quốc Gia, kêu gọi họ hàn gắn các vết thương của xứ sở, không rút lui hay cô lập trước các thách đố, nhưng bảo đảm để “mỗi tiếng nói đều được lắng nghe”.

Đức Giáo Hoàng rời Tòa Tổng Giám Mục Yangon, nơi ngài cư ngụ, và dùng xe tới Trung Tâm Kaba Aye, một trong các ngôi chùa Phật Giáo được tôn kính nhất tại vùng Đông Nam Á. Bộ Trưởng Tôn Giáo Sự Vụ và Văn Hóa, Thura U Aung Ko, đã đón tiếp ngài lúc ngài tới Trung Tâm. Đức Thánh Cha cởi giầy trước khi bước vào ngôi chùa.

Cuộc gặp gỡ Hội Đồng Tối Cao “Tăng Già” (Sangha) diễn ra lúc 4 giờ 15 chiều trong một đại sảnh của quần thể. Các tăng sĩ của Ủy Ban Sangha Maha Nayaka Quốc Gia đại biểu cho thẩm quyền cao nhất của hàng tăng sĩ cả nước mà có tới 88 phần trăm dân số theo Phật Giáo. Thành lập năm 1980 bởi Hội Đồng Quân Sự đang cầm quyền lúc ấy, Ủy Ban Trung Ương này gồm 47 thành viên đại diện 9 ngành của Phật Giáo Miến Điện.

Sau phát biểu của vị Chủ Tịch Ủy Ban “Tăng Già”, ngài Bhaddanta Kumarabhivamsa, Đức Thánh Cha đã tỏ bầy “lòng cảm mến đối với mọi người ở Miến Điện đang sống theo các truyền thống tôn giáo của Phật Giáo”.

Ngài nói tiếp: “Qua các lời dậy của Đức Phật và các chứng tá nhiệt tình của rất nhiều tăng già và tăng nữ, nhân dân của lãnh thổ này đã được đào tạo về các giá trị kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng sự sống, cũng như về linh đạo, một linh đạo biết lưu ý tới môi trường thiên nhiên của chúng ta và tôn trọng nó một cách sâu sắc”.

Ngài nhấn mạnh: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một dịp quan trọng để làm mới và củng cố các mối dây thân hữu và tôn trọng nhau giữa người Phật Giáo và người Công Giáo. Nó cũng là cơ hội để khẳng định cam kết của chúng ta đối với hòa bình, tôn trọng nhân phẩm và công lý cho mọi con người nam nữ”.

Ngài nói tiếp: “Không những chỉ ở Miến Điện mà là ở khắp nơi trên thế giới, người ta đang cần chứng tá chung này của các nhà lãnh đạo tôn giáo”. Đây là việc giúp “Người Phật Giáo, Công Giáo và mọi người chiến đấu cho một sự hòa hợp lớn hơn trong các cộng đồng của họ”.

Đức Phật và Thánh Phanxicô

Đức Giáo Hoàng ngỏ lời khuyến khích “Không bao giờ ta nên rút lui” hay “giữ mình cô lập đối với nhau”. Ngài kêu gọi việc “hàn gắn các vết thương do tranh chấp gây ra, những tranh chấp trong các năm qua đã chia rẽ người dân thuộc các nền văn hóa khác nhau, các nhóm sắc tộc và các xác tín tôn giáo khác nhau: để “thắng vượt mọi hình thức thiếu hiểu biết, bất khoan dung, thiên kiến và hận thù”. Công lý chân chính và hòa bình lâu bền chỉ có thể đạt được khi chúng được mọi người bảo đảm”.

Để đạt được điều đó, Đức Phanxicô trích dẫn chính lời của Đức Phật: “loại bỏ giận dữ bằng cách không giận dữ, thắng người làm điều xấu bằng điều tốt, hạ người tham lam bằng lòng đại lượng, thắng người dối trá bằng sự thật” (Dhammapada, XVII, 223). Và lời của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa. Nơi hận thù, xin cho con gieo yêu thương, nơi lăng nhục, xin cho con gieo tha thứ… nơi tối tăm, xin cho con đem ánh sáng, và nơi buồn sầu, xin cho con đem niềm vui tới”.

Ngài kết luận: “Trách nhiệm đặc biệt của các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo là bảo đảm để mỗi tiếng nói đều được lắng nghe ngõ hầu các thách đố và nhu cầu của lúc này được hiểu rõ ràng và giải quyết trong tinh thần vô tư và liên đới hỗ tương”.

Bồ câu hòa bình 

Cuối cuộc gặp gỡ, lúc trao tặng quà theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng đã tặng bức điêu khắc “Bồ Câu Hòa Bình” mầu trắng, mà tác giả của nó nhấn mạnh rằng hai cánh xòe ra dẫn ta tới hòa bình.

Được coi như biểu tượng đặc biệt của thần tình yêu trong các nền văn hóa ngoài Thánh Kinh, chim bồ câu nói lên tình yêu “thương xót” của Thiên Chúa, một biểu tượng “rất thân thương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người, từ đầu triều giáo hoàng đã cố gắng làm mới các mối liên hệ hòa bình giữa mọi quốc gia”.

Mọi người cùng đi một nẻo đường

Theo nữ ký giả Inés San Martin của Tập San Crux, người tháp tùng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại Miến Điện, Đức Phanxicô được vị Chủ Tịch của Hội Đồng Tăng Già, Bhaddanta Kumarabhivamsa, tiếp đón.

Vị tăng già này nói rằng cho dù tuyên xưng các tôn giáo khác nhau, “mọi người đều cùng đi một nẻo đường dẫn tới hạnh phúc của nhân loại”.

Vị tăng già cho hay mọi tôn giáo, một cách nào đó, đều dẫn tới hòa bình và thịnh vượng, và đây là lý do tại sao vẫn có những tín ngưỡng khác nhau trên thế giới.

Ngài Kumarabhivamsa cũng nói rằng “điều chẳng may là phải chứng kiến ‘chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan’ được đưa ra nhân danh các niềm tin tôn giáo”, một điều mà ngài cho là “không thể chấp nhận được”. Ngài nói: “Chúng tôi vững tin rằng chủ nghĩa khủng bố và cực đoan xuất phát từ việc giải thích sai các giáo huấn nguyên thủy của tôn giáo họ, vì một số tín đồ đã đưa vào những tu chính đối với các giáo huấn nguyên thủy do thúc đẩy của lòng dục, các bản năng, các nỗi sợ sệt và thất vọng của họ”.

Chính vì thế, ngài nói thêm, các nhà lãnh đạo tôn giáo ngày nay phải có trách nhiệm truyền bá các giáo huấn chân thực của mỗi tín ngưỡng.

Lần thứ hai

San Martín nhận định rằng đây là lần thứ hai, Đức Phanxicô tới thăm một nước đa số theo Phật Giáo. Nước đầu tiên là Sri Lanka, năm 2015. Hồi ấy, theo chương trình, đáng lẽ không có cuộc viếng thăm một ngôi chùa Phật Giáo nào cả. Nhưng nể lời mời của một vị tu sĩ Phật Giáo gặp tại Phi Trường, Đức Phanxicô đã bất ngờ quyết định tới thăm ngôi chùa của vị tu sĩ này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét