Trang

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Ý niệm tội lỗi trong một thế giới phức tạp về luân lý, tiếp theo

Ý niệm tội lỗi trong một thế giới phức tạp về luân lý, tiếp theo

Vũ Văn An
31/Oct/2017

Thần học đương thời về tội lỗi và tha thứ

Với cuộc cải tổ bí tích của Vatican II, ít là trong lý thuyết, ta đã trở lại với việc tập chú nhiều hơn vào diễn trình chữa lành và hồi tâm liên tục, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách cộng đồng. Chiều kích cộng đồng được thấy rõ hơn trong các nghi thức thứ hai và thứ ba, trong đó, việc xưng tội và cử hành sự tha thứ của Thiên Chúa được cộng đồng thi hành như một toàn thể. Điểm nổi bật nhất của thời sau Vatican II này là không tội lỗi nào tư riêng hay cá nhân cả, mà luôn có hậu quả xã hội, dù tội này phạm tư riêng bởi một người trong thẳm sâu tâm hồn họ. Bởi thế, đáp ứng phụng vụ và bí tích đối với tội lỗi cũng nên có một chiều kích cộng đồng.

Chắc chắn một trong các khai triển gần đây nhất trong cái hiểu của ta về tội là nhìn nhận rằng nó vượt quá các con người cá thể; nó có thể lây nhiễm các cộng đồng, các nền văn hóa, và nhất là các cơ cấu và định chế xã hội và kinh tế của ta. Cho dù mô hình tội lỗi cá nhân có lẽ vẫn còn nổi bật trong tâm trí người ta, tội lỗi và thất bại luân lý đã được tri cảm là phức tạp hơn việc giải thích thông qua bất cứ tập hợp cá nhân nào. Những người làm thần học trong bối cảnh có những cơ cấu áp bức hoặc đẩy người ta ra bên lề, như các nền thần học giải phóng và duy nữ, nhìn thực tại có thể rõ ràng hơn phần lớn chúng ta, những người quá quen với thẩm quyền, quyền hành dù là quyền hành trong học thuật, trong xã hội, trong chính trị, kinh tế, văn hóa hoặc giáo hội. Ngôn từ luân lý hiện nay thường có chiều kích thuật truyện. Giống mọi câu truyện khác, trình thuật luân lý cũng có phía tối của nó. Điều chắc chắn là chúng ta đã thấy các điển hình khắc nghiệt và bi thảm của những câu truyện tối tăm trong các trình thuật từng hỗ trợ cho nạn nô lệ, kỳ thị chủng tộc, apartheid, thanh trừng sắc tộc, và Diệt Chủng. Nhưng tất cả chúng ta đều có những câu truyện che dấu (cover stories) với xu hướng che đậy khỏi chính ta và người khác khía cạnh đích thực của thực tại như Thiên Chúa trông thấy. Đây là nơi việc liên tục nối kết với câu truyện của Thiên Chúa trong Thánh Kinh và dùng phê phán áp dụng nó vào đời sống ta có thể là nguồn ơn thánh để xử lý tội lỗi và sai sót của chính ta, tội lỗi và sai sót của những người khác, và các cơ cấu và định chế xã hội tội lỗi và bất toàn trong đó, ta bắt buộc phải sống. Không tưởng không phải là thiên đường; nói một cách đơn giản, nó không hề hiện hữu.

Cho dù ngữ vựng về tội xã hội và cái ác cơ cấu là những điều tương đối mới, nhưng chúng vốn đã có một số vết tích trong truyền thống tiên khởi của Giáo Hội. Điển hình rõ ràng nhất có lẽ là toàn bộ nền thần học về nguyên tội. Tín lý này dạy rằng có một sự ác luân lý thực sự trong thế giới nơi chúng ta sinh ra và không ai thoát khỏi, ngoại trừ Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Mà cả Đức Maria cũng chịu ảnh hưởng của nguyên tội theo nghĩa ngài chắc chắn trải nghiệm sự ác trong đời ngài, nhất là lúc ngài phải mục kích con trai duy nhất của mình bị phạt tử hình. Các nhà thần học tiên khởi như Thánh Augustinô, từng thắc mắc về việc làm thế nào nguyên tội lại có thể lưu truyền suốt trong lịch sử nhân loại và dù vấn đề đặc thù này không làm bận tâm các nhà thần học đương thời cùng một cách như thế, nhưng ta vẫn tin rằng điều quan trọng là phải thận trọng xem xét mọi tội lỗi một cách nghiêm túc nếu muốn an tâm chuyển vần trong thế giới phức tạp về luân lý này.

Ngoài tội nguyên tổ, còn có một số nguyên tắc luân lý quan trọng nữa trong truyền thống sách cẩm nang (manualist), là truyền thống, ta có thể nói, đã mặc nhiên thừa nhận tội xã hội và sự ác cơ cấu. Các nhà viết sách cẩm nang luân lý thực sự rất thông thạo trong việc nhận ra tính phức tạp và tính hàm hồ của thế giới thực, và họ biết rõ chúng ta thường không có khả năng tuyệt đối tránh được mọi cái ác. Cách riêng, một số nguyên tắc đã được khai triển nhằm giúp người ta đương đầu một cách có trách nhiệm trong các tình huống cụ thể, trong đó, ta đơn giản không thể làm điều đúng và có được toàn kết quả tốt. Nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc hậu quả kép, theo đó, một hành động có hai hậu quả thấy trước, một hậu quả tốt và có ý nhắm tới, còn hậu quả kia thì xấu, nhưng chịu đựng được. Cắt bỏ một tứ chi bị bệnh để cứu sống là thí dụ cổ điển của nguyên tắc này.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên tắc khác phức tạp hơn trong các tình huống y khoa. Ba trong số này có liên hệ với nhau đó là nguyên tắc dung tha (tolerance), nguyên tắc thỏa hiệp (compromise) và các qui định để có thể hợp tác cứ sự (material cooperation) vào sự ác. Có bao giờ bạn dung tha sự ác hay thỏa hiệp điều bạn nhận thấy nên thực hiện một cách lý tưởng trong một tình huống nhất định nào đó, hoặc thậm chí, trong một số hoàn cảnh chính bạn phải hợp tác cách nào đó vào sự ác đang được thực hiện chưa? Câu trả lời vắn ngọn là có, đã đành là một tiếng có có điều kiện, nhưng vẫn là một tiếng có. Các nguyên tắc dung tha, thỏa hiệp và hợp tác cứ sự vào sự ác này không phải là các sáng chế gần đây để lý giải hay làm sạch các xu hướng tội lỗi của ta; chúng cũng không được dùng như một thứ đường ngang ngõ tắt luân lý. Đúng hơn, các nguyên tắc này đã được thiết lập vững vàng trong truyền thống luân lý và nhờ thận trọng căn cứ vào chúng, ta có thể được trợ giúp để đương đầu với các thất bại thuộc loại không luân lý, cũng như an toàn khỏi rơi vào thứ chủ nghĩa giáo điều luân lý và/hoặc thứ chủ nghĩa nhị phân giả tạo chia thế giới thành các phạm vi hay các con người “xấu” và “tốt”. Các nguyên tắc này lưu ý tới tính hữu hạn và giới hạn của ta, điều mà triết học gọi là tính thực, tính dữ kiện (facticity) của ta. Chúng ta sống trong một thế giới tội lỗi và không ai trong chúng ta là toàn năng về luân lý. Do đó, tất cả chúng ta đều sẽ phải hợp tác và/hoặc dung tha các hoàn cảnh ác ở một lúc nào đó trong đời. Điều này nói thì dễ, nhưng kinh nghiệm cho hay phần lớn người ta ngần ngừ trong việc chấp nhận cho mình và cho người khác rằng dung tha một hoàn cảnh ác hay thậm chí thay thế điều ta thích làm với điều họ có thể làm là điều trung thực, đúng về luân lý, và thậm chí có khi còn là giải pháp tốt nhất nữa.

Thỏa hiệp trong một vấn đề luân lý, tự nó, không phải là một điều nhất thiết nguy hiểm hay phản bội một sự thiện luân lý. Tốt hơn, nên nhìn thỏa hiệp như một cố gắng trung thực để thể hiện bao nhiêu có thể một sự thiện đặc thù trong một hoàn cảnh cụ thể. Thỏa hiệp liên hệ tới một hành vi luân lý làm cho “điều khả hữu trở thành thực tại. Các khả thể thực tiễn như thế thường có giới hạn, và các giới hạn này không phải là một thiếu sót do chính việc thỏa hiệp tạo ra. Mục đích của thỏa hiệp không phải là giảm thiểu sự thiện, mà đúng hơn là tìm sự thể hiện tối đa nhất có thể trong một hoàn cảnh cụ thể hiện có. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tái khẳng định các nguyên tắc luân lý truyền thống về thỏa hiệp và hợp tác vào sự ác này trong thông điệp của ngài tựa là Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) khi ngài quả quyết rằng sẽ hợp luân khi các chính trị gia ủng hộ một đạo luật đặc thù cho phép việc phá thai, miễn là đạo luật này là đạo luật tốt nhất có thể có vào thời điểm đặc thù này và có triển vọng giảm thiểu cách nào đó việc thấy cần phải sử dụng phá thai (xem EV, các số 73-74).

Một linh đạo để sống trong một thế giới luân lý phức tạp

Muốn bàn đầy đủ về các nguyên tắc luân lý vừa nói và các hệ luận của chúng, chắc chắn cần tới cả một pho sách. Tuy nhiên, bàn tới chúng ở đây chỉ là tái khẳng định thực tại của thế giới luân lý phức tạp. Thế giới này gần như không bao giờ hoàn toàn trắng hay đen, tốt hay xấu, đúng hay sai. Đôi khi , điều tốt nhất ta có thể làm được là tối thiểu hóa sự ác. Làm điều tốt nhất ta có thể làm trong bất cứ và mọi hoàn cảnh cụ thể nào luôn hợp luân. Có một câu phương châm thần học rất xưa về việc này: “Deus impossibilia non iubet”, nghĩa là, Thiên Chúa không truyền điều bất khả. Nếu điều gì đó thực sự bất khả, thì đơn giản, nó không thể do Thiên Chúa muốn có cho chúng ta.

Khi nói tới sự bất khả ở đây, ta không có ý nói tới sự bất khả thể lý theo nghĩa vi phạm một luật vật lý như luật trọng lượng chẳng hạn, mà đúng hơn là điều có thể gây hại cho ai cách trầm trọng hoặc tạo cho họ những đau đớn lớn lao. Thiên Chúa không thể là tác giả của những lệnh truyền như thế, và đây là một kiểm nghiệm thực tại (reality check) cần phải ghi nhớ khi cố gắng tìm ra đường đi nước bước trong một thế giới phức tạp về luân lý. Cũng trong tinh thần này, ta thấy Lời Kinh Thanh Thản (Serenity Prayer) được nhiều người quen đọc đáng để ta suy niệm ở đây: “Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con ơn can đảm để con thay đổi những điều con có thể thay đổi; xin ban cho con ơn thanh thản để con biết chấp nhận những điều con không thể thay đổi; và xin ban cho con ơn khôn ngoan để con nhận ra sự khác biệt”. Can đảm , thanh thản và khôn ngoan tất cả đều là các nhân đức để ta sống một cách có trách nhiệm trong tư cách Kitô hữu ở đây và lúc này, trong khi vẫn duy trì một đức tin vững vàng và một lòng hy vọng ở sự viên mãn của Nước Thiên Chúa đang tới.

Mang lời kinh trên ra sống đòi ta phải có một thứ linh đạo nào đó. Một trong các phương châm truyền thống nói về bản chất chân thực của Giáo Hội là ecclesia semper reformanda, Giáo Hội luôn cần cải cách. Đây không phải chỉ là một thứ khiêm nhường giả tạo. Giống bất cứ cơ cấu nhân bản nào khác, cho dù thừa nhận tư cách định chế thần linh của nó, Giáo Hội gồm các cá nhân có thể sai lầm và tội lỗi ở mọi bình diện, và Giáo Hội như một toàn thể luôn cần dấn thân vào diễn trình metanoia hay hồi tâm. Dù ta luôn nhắm việc phải làm tốt bao nhiêu có thể, nhưng ta không nên thất vọng khi thấy mình đôi đi không làm được như thế. Thực thế, sự thiếu sót này chính là một trong các từ vựng chỉ tội lỗi trong nền văn hóa vụ Hy Lạp của thế giới Tân Ước. Chữ Hy Lạp là hamartia và nguyên thủy là một từ ngữ của môn bắn cung với nghĩa “không trúng đích” hay đúng hơn, không trúng điểm đen của bia bắn (bull’s eyes). Và quả thực, môn thần học về tội lỗi vốn được gọi là hamartologia (học về việc không trúng đích). Môn học này quả là một phần trong lời than của Thánh Phaolô ở Rm 7:15: “Vì tôi không làm điều mình muốn, mà lại làm chính điều mình không muốn”.

Có một hạn từ Hy Lạp nữa nói lên một khía cạnh khác của tội đó là hubris mà người ta quen dịch là kiêu ngạo. Tuy nhiên, đối với người Hy Lạp, hubris không có nghĩa là kiêu ngạo cho bằng quên rằng mình chỉ là phàm nhân chứ không phải thần thánh. Ở đền thờ Delphi, nơi người Hy lạp tới để lãnh ý thần minh, có hàng chữ viết nổi tiếng “Hãy biết chính bạn”. Một lần nữa, đây không phải là lời khuyên nội suy, tự đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của mình, mà là lời cảnh tỉnh để ta nhớ rằng là một người phàm, bạn đang bước vào nơi thánh thiêng, chỗ cư ngụ của các thần minh. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không tin các thần minh của người Hy Lạp, nhưng với chúng ta, một khía cạnh của điều thần học Kitô Giáo coi như tương đương với hubris có thể là việc tin rằng ta chịu trách nhiệm đối với sự cứu rỗi của mình và chính nhờ các cuộc sống chính trực và việc làm tốt, chúng ta đáng được cứu rỗi. Dù quan điểm này có tính lôi cuốn về luận lý, nhưng nó vốn bị Giáo Hội kết án khi lên án lạc thuyết Pêlagiô (tự sức mình, không cần Thiên Chúa) mà có người gọi là lạc giáo Hoa Kỳ.

Trên đây đã nói đến thư thứ nhất của Thánh Gioan. Thư này nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, và do đó, ta phãi chấp nhận thánh ý cứu rỗi của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Nói các khác, trước hết và trên hết, chúng ta được mời gọi thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, chứ không phải được mời gọi thoát khỏi mọi bất toàn. Xét tội một cách nghiêm túc là xét nó như Thiên Chúa xem xét, nghĩa là một điều có thực và gớm ghiếc. Xét tội một cách nghiêm túc cũng đòi chúng ta điều này: ta phải nhớ rằng xiềng xích tội lỗi đã bị Chúa Giêsu bẻ gẫy và một phần ơn gọi làm người của chúng ta là chấp nhận lời mời gọi nhận lãnh ơn phúc này. Đó là cái nhìn thông sáng chính của Martin Luther, điều mà ông phát biểu thành phương châm coi con người nhân bản vừa công chính vừa là kẻ có tội, simul justus et peccator. Không phải các hành động của ta làm ta ra công chính, mà đúng hơn là ơn thánh của Thiên Chúa đổ xuống qua Chúa Giêsu Kitô, điều được Luther hiểu là sola gratia (chỉ ơn thánh mà thôi) và solus Christus (chỉ Chúa Kitô mà thôi).

Có lẽ điều ta cần là việc phục hồi tội lỗi, không theo nghĩa thăng tiến việc thực hành nó, mà là phục hồi ý thức rằng tội lỗi là điều muốn thống trị ta. Như nhà giáo sử người Anh, Norman Tanner, từng nói, sự yếu đuối của xã hội đương thời, “được nuôi dưỡng bởi các phương tiện truyền thông và quảng cáo tiêu thụ, là người ta bị phỉnh gạt để tin rằng họ có thể, và do đó, đến một mức nào đó, nên làm mọi chuyện. [Điều này] đã khiến người ta quá nhấn mạnh tới việc đạt được hoàn thiện bằng cố gắng bản thân; người ta quá dễ dàng bỏ cuộc hoàn toàn khi không thể đạt được mọi chuyện, một não trạng tất cả hay không gì cả, mà, trong mấy năm gần đây, đã đem lại một hệ quả đáng buồn đối với những người Công Giáo thôi không thực hành tôn giáo của mình nữa”. Một hiệu quả phụ của cố gắng muốn tránh đối chất với tội lỗi và thất bại thực sự trong đời là nhìn thế giới theo cách phân chia nó thành hai loại tốt và xấu…

Thiển nghĩ, không những nên trở lại với ý niệm trung cổ về tội lỗi, thậm chí còn xa hơn thế nữa, tức trở lại thời Chúa Giêsu và thời Thánh Phaolô. Thánh Tông Đồ nói với ta rằng “Thiên Chúa đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su” (2Tm 1:9). Nếu ta thực sự tin sứ điệp này, ta sẽ ở một vị trí tốt hơn để phục hồi được mối tương quan chân thực của tội lỗi và ơn thánh, và được giải thoát thực sự khỏi tội lỗi. Chúng ta sẽ đạt được điều này, không phải bằng cách tái tạo mình thành những nhái theo (clones) của Vô Nhiễm Thai mà bằng cách chấp nhận ơn phúc nhưng không của sự sống đích thực mà ta phải đem ra sống bằng diễn trình “xưng tội” theo ý nghĩa nguyên thủy tức là trước hết ý thức được và ca ngợi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa; chính tình yêu và lòng thương xót này sẽ đem đến cho ta sức mạnh để ta nhìn nhận các tội lỗi và thất bại của ta. Nhưng, việc nhìn nhận này không bao giờ là lời nói cuối cùng cả, mà chỉ là lời nói tiếp theo mà thôi. Sau việc “xưng tội” này, ta sẽ được ơn thánh lên sinh lực để sẵn sàng dấn thân vào diễn trònh hồi tâm kéo dài suốt đời.

Tại Vatican II, đã có một cuộc tranh luận kéo dài về việc phải nói làm sao về Giáo Hội. Sơ đồ chuẩn bị do Giáo Triều soạn thảo thích lặp lại điều họ coi là giáo hội học đã được thử nghiệm và chân thực của Công Đồng Trent; giáo hội học này coi Giáo Hội như một “xã hội hoàn hảo” từ trong yếu tính vốn có tính phẩm trật. Nhưng sau cùng, khi các Nghị Phụ chấp nhận “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium), đặc điểm nền tảng của Giáo Hội không trước hết và trên hết là khía cạnh phẩn trật, mà là chiều kích bao gồm mọi con người bình thường tức Dân Thiên Chúa (Lumen Gentium, ch.2).

Do Phép Rửa, tất cả chúng ta đều tham dự vào chức linh mục vương giả của mọi tín hữu và do đó, nền linh đạo của ta phải phản ảnh tri cảm thay đổi này là không còn các công dân bậc nhất, bậc nhì hay bậc ba trong Giáo Hội nữa. Lumen Gentium chương 5 cũng nhấn mạnh rằng mọi người trong Giáo Hội đều được mời gọi nên thánh. Do đó, “nên thánh” không thể được coi như ơn gọi đặc biệt của giai cấp tu trì chuyên nghiệp trong Giáo Hội nữa, nhưng là ơn gọi của mọi tín hữu. Môi trường trong đó các tín hữu sống thực ơn gọi của mình, dĩ nhiên, khác nhau, nhưng có một yếu tố chung, tức là, ơn gọi này phải được thực sự sống trong cõi đời này. Thế giới thực trong đó ta đang sống đây rất phức tạp, chắc chắn như thế, nhưng tính phức tạp của nó đem lại một thách thức Kitô giáo phải sống trong sự trung thành nhưng trung thành một cách sáng tạo, và tự do, đối với viễn kiến và các giá trị của Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu Kitô không những đã công bố mà còn khai mở nữa.

Dù ta không còn mong Người tiếp tục tiến bước trên trần gian bằng xương bằng thịt nữa, nhưng ta tin lời Người hứa ban Chúa Thánh Thần cho ta và ở với ta cho tới cùng, không phải tận cùng đời sống trần thế cá nhân của ta, mà là tận cùng thế giới (Mt 28:18-20). Ơn Chúa Thánh Thần là ơn cho tòan thể Giáo Hội chứ không phải cho nhóm này hay nhóm nọ trong Giáo Hội. Lời Chúa Giêsu hứa ở lại đã được ngỏ với mọi người thế nào, thì ủy nhiệm thư để ta ra đi giảng dậy muôn dân cũng được ngỏ với mọi môn đệ chúng ta như vậy. Chúng ta làm việc này với nhau như một Dân Hành Hương trong một ecclesia semper reformanda, một Giáo Hội luôn cần cải cách. Hành hương gợi lên một mục tiêu thánh thiện, nhưng nó cũng bao hàm điều này: dù đang ở trên đường, nhưng chúng ta chưa tới đích. Là các người hành hương, nếu tin Chúa Kitô, chu toàn sự ủy thác của Người, và làm tất cả các điều này trong một Giáo Hội chưa hoàn hảo, thấy mình còn đang hiện diện trong một thế giới rối rắm, thì ta cần phải có một nền linh đạo cho thế gian này, một nền linh đạo biết nhận thế giới như nó hiện có, trong mọi nét phức tạp, hàm hồ, rối rắm của nó, với mọi thất bại, thậm chí cả tội lỗi và tội lệ của nó. Tuy nhiên, nền linh đạo này không chỉ nhận thế giới này như nó hiện là và cứ để nó như thế, nhưng nối kết với thế giới trong một sự chính trực đầy can đảm, đầy hy vọng, khôn ngoan, và yêu thương, tất cả là các nhân đức nền tảng giúp ta sống trung thành trong một thế giới phức tạp về luân lý.

Viết theo Linh Mục James T. Bretzke, S.J. trong “A Morally Complex World, Engaging Contemporary Moral Theology”, Liturgical Press, 2003


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét