Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

03-12-2017 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm B

03/12/2017
Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, năm B
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B

(Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

CHỜ NGÀY CHÚA ĐẾN


“Điều Thầy nói với anh em đây,
Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là:
phải canh thức!” (Mc 13,37)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Isaia đệ tam, trong bối cảnh khôi phục đất nước và tôn giáo sau lưu đày, đã tha thiết nài xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống” (63,19b), vì tình thương mà mau trở lại với dân Ngài (63,17b).

Một đàng, ngôn sứ nhìn nhận Thiên Chúa mới thật là Cha, là Đấng cứu độ (63,16b), Đấng dựng nên dân Người như người thợ gốm dùng tay mà nặn nên họ từ đất sét (64,7). Là Đấng thưởng phạt công minh, Thiên Chúa cứu thoát những ai đi theo đường lối của Người (64,4b), Đấng “lấy làm vui” khi “gặp kẻ sống đời công chính”, nhưng lại tỏ ra “phẫn nộ vì tội lỗi chúng con” (64,4a). Khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu chuộc, Đấng thưởng phạt công minh, ngôn sứ mở ra viễn ảnh về sự trở lại của Thiên Chúa trong đời sống của dân Chúa.

Đàng khác, ngôn sứ cũng thay mặt dân Chúa mà thừa nhận rằng họ vẫn không thể hiểu tại sao Thiên Chúa lại để họ “lạc xa đường lối Ngài”, lại để họ “lòng ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài” (63,17a). Một khi xa rời Thiên Chúa, dân Chúa “như người nhiễm uế”, “mọi việc lành khác nào chiếc áo dơ”; họ trở nên “héo tàn như lá úa”, và tội ác đã phạm tựa cơn gió cuốn họ đi (64,5). Trong hoàn cảnh bi đát đó, “không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài”. Một khi Thiên Chúa ngoảnh mặt không nhìn đến, tội ác của dân Chúa mặc sức hành hạ họ (64,6).

Như vậy, một đàng ngôn sứ Isaia đệ tam đại diện cho dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm của họ, những lầm lỗi đã đẩy họ xa rời Thiên Chúa và phải chịu cảnh héo tàn, đau khổ; đàng khác, ngôn sứ cũng mở ra niềm hy vọng lớn lao khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu độ, và xin Ngài vì tình thương “xé trời mà ngự xuống” để cứu độ họ.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Côrintô về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho họ, đồng thời mời gọi họ hãy nhận ra và nắm chắc ân huệ ấy cho đến ngày Đức Kitô trở lại.

Trước hết, thánh Phaolô thay lời cho các tín hữu Côrintô cảm tạ Thiên Chúa vì ân huệ Người đã ban nơi Đức Kitô Giêsu (1 Cr 1,4). Ân huệ đó là: nhờ Đức Kitô mà họ “được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”, và được “trở nên phong phú về mọi phương diện” (1 Cr 1,5). Như thế, nhờ nghe và hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, các Kitô hữu được nên phong phú vì được hiệp thông với Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô và chia sẻ sự sống thần linh của Người (1 Cr 1,9).

Sau nữa, nhờ được liên kết chặt chẽ với Đức Kitô, các Kitô hữu được kiên vững “trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô mặc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1,6-7). Chỉ khi được kết hợp với Đức Kitô, các Kitô hữu mới được Thiên Chúa làm cho “nên vững chắc đến cùng” đến nỗi không ai có thể trách móc được điều gì trong ngày Đức Kitô quang lâm (1 Cr 1,8). Như vậy, trong khi chờ “ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”, các tín hữu được Thiên Chúa mời gọi đến hiệp thông với Đức Kitô, Con của Ngài, và nhờ đó mà được kiên vững cho đến cùng.

3. Bài Tin Mừng:

Cuối bài giảng về cánh chung (chương 13), tác giả Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien (Đn 7,13-14) mà trình bày về ngày quang lâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉnh thức.

Trước hết, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy tỉnh thức. Vì không ai biết ngày Chúa đến “ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không” (Mc 13,32), nên cách thích hợp nhất để chờ ngày Chúa đến là luôn tỉnh thức, nghĩa là, ý thức ngày đó có thể xảy ra bất cứ khi nào và cố gắng để không bị bất ngờ.

Hơn nữa, sự tỉnh thức không chỉ là sự chờ đợi mang tính thụ động. Dụ ngôn ông chủ đi xa, để lại nhà và trao quyền cho các đầy tớ của mình mỗi người một việc cho thấy ý nghĩa tích cực của sự tỉnh thức. Tỉnh thức cách chủ động là sự ý thức về bổn phận được giao phó và dù ông chủ đi xa thì người đầy tớ vẫn phải chu toàn phận vụ của mình; nhờ vậy bất cứ khi nào ông chủ về, dù lúc chập tối hay nửa đêm, gà gáy hay tảng sáng, người đầy tớ đều phải sẵn sàng để tính sổ với ông chủ.

Sau cùng, trái với thái độ tỉnh thức là sự mê ngủ. Người đầy tớ không canh thức mà khi chủ đến bất thần và bắt gặp đang ngủ thì quả là điều không may. Các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cũng từng bị Người trách khi không thể “canh thức với Thầy” (x. Mc 14,37-41). Sự mê ngủ của người môn đệ không chỉ đơn giản là quên ra đón Chúa khi Người đến, mà là nguy cơ “sa chước cám dỗ” (x. Mc 14,38).

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Ngôn sứ Isaia đệ tam đại diện cho dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm của họ, những lầm lỗi đã đẩy họ xa rời Thiên Chúa và phải chịu cảnh héo tàn, đau khổ. Hơn nữa, ngôn sứ cũng mở ra niềm hy vọng lớn lao khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu chuộc của dân, đồng thời xin Ngài vì tình thương “xé trời mà ngự xuống” để cứu độ họ. Nhìn nhận thân phận con người bất toàn, tội lỗi trước tình thương của Thiên Chúa là khởi đầu của một sự đổi mới dẫn đến ơn cứu độ. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước vào hành trình cứu độ đó nhờ Đức Kitô.

2/ Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Côrintô về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho họ trong Đức Kitô; nhờ Người mà họ được nên phong phú về mọi phương diện. Đồng thời, thánh nhân mời gọi họ hãy khám phá và nắm chắc ân huệ ấy cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Đây cũng là lời mời gọi cho mọi Kitô hữu: giữ sự hiệp thông với Đức Kitô và kiên vững trong đức tin cho đến khi Người quang lâm.

3/ Cuối bài giảng về cánh chung, tác giả Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien (7,13-14) để khẳng định về ngày quang lâm của Đức Giêsu và cho thấy cần có thái độ tỉnh thức trong khi chờ đợi ngày đó. Tỉnh thức không đơn giản chỉ là thụ động chờ đợi mà là chủ động và tích cực làm tròn trách nhiệm mà chủ giao phó. Mùa Vọng nhắc nhớ các Kitô hữu về ngày Chúa Kitô trở lại và mời gọi sống tỉnh thức: vừa nỗ lực xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp, vừa chu toàn trách nhiệm của người Kitô hữu.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giáo Hội cử hành Mùa Vọng hằng năm nhằm nhắc nhở người kitô hữu chúng ta phải luôn có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng chào đón Chúa. Trong tâm tình hân hoan chờ mong Chúa đến, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. “Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nêu cao tinh thần tỉnh thức sẵn sàng, hầu chu toàn trách vụ chăm sóc đàn chiên đã được Thiên Chúa ủy thác.

2. Ngôn sứ Isaia cầu khẩn: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người trong thế giới hôm nay đang ngủ quên trong lối sống bon chen hưởng thụ biết nhận ra các nhu cầu tâm linh và khát khao tìm kiếm chân lý.

3. “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, luôn ý thức chu toàn bổn phận làm con cái Chúa qua các cử hành phụng vụ, tuân giữ lề luật Chúa và thực thi công bình bác ái.

4. “Trong Đức Giêsu Kitô, anh em được tràn đầy mọi ơn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm Mục vụ Gia đình này, biết không ngừng canh tân đời sống trong Đức Giêsu Kitô, và luôn quan tâm đồng hành với các gia đình trẻ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sống tư cách là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

SỢI CHỈ ĐỎ MÙA VỌNG NĂM B
"Tất cả các bài đọc (…) đều quy tụ quanh việc loan báo Chúa sẽ đến vào ngày thế mạt"(Gélineau, sđd trang 172). Nhưng mỗi Chúa nhật triển khai một khía cạnh :
- Chúa nhật I : Kêu xin và chờ mong Chúa đến
- Chúa nhật II : Tích cực chuẩn bị đón Chúa đến
- Chúa nhật III : Vui mừng vì Chúa sắp đến
- Chúa nhật IV : Chuẩn bị gần cho việc Chúa đến

SỢI CHỈ ĐỎ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B
Chủ đề :
KÊU XIN VÀ CHỜ MONG CHÚA ĐẾN

"Anh em hãy canh thức"  (Mc 13,33)

Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Is 63.16b-17.19) : Lời nguyện của ngôn sứ Isaia "Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống"
- Đáp ca (Tv 79) : "Lạy Chúa tể càn khôn, xin đoái lại… Xin trở về thăm nom vườn nho cũ"
- Tin Mừng (Mc 13,33-37) : Đức Giêsu kêu gọi "Anh em hãy canh thức"
- Bài đọc II (1 Cr 1,3-9) : "Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Ngài".
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Khi thương ai thì người ta thích đến thăm người đó. Thiên Chúa rất yêu thương loài người nên rất thích đến thăm loài người.
Ngày xưa dân do thái đã chuẩn bị đón Chúa đến viếng thăm họ trong một mùa vọng dài hàng bao thế kỷ. Đáp lại, Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu, Con Một của Ngài đến ở với họ và cứu chuộc họ.
Ngày nay, Chúa lại muốn đến viếng thăm chúng ta, để ban cho chúng ta vô vàn ơn thánh của Ngài. Chúng ta hãy tận dụng Mùa Vọng này để chuẩn bị tâm hồn cho Ngài đến thăm chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta không xứng đáng với Chúa vì đức tin của chúng ta càng ngày càng yếu đi theo dòng thời gian.
- Chúng ta cũng không xứng đáng với Chúa vì lòng mến của chúng ta ngày càng lạnh nhạt.
- Nếu bất ngờ Chúa đến kiểm tra, chắc Ngài sẽ thất vọng vì chúng ta không chu toàn những bổn phận Ngài giao.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I : Is 63.16b-17.19
Đoạn này nằm trong phần thứ ba của sách Isaia (các chương 56-66). Các chuyên viên Thánh Kinh chưa nhất trí về thời gian soạn thảo của phần thứ ba này. Một số chuyên viên cho rằng phần này được soạn vào cuối thời kỳ dân do thái bị lưu đày bên Babylon.
Tình trạng bị lưu đày nơi đất khách quê người rất là khốn khổ. Nhưng vào cuối thời lưu đày, dân do thái đã ý thức rằng họ khốn khổ là do họ tội lỗi. Trong đoạn trích này, Isaia đã thay mặt dân bày tỏ 2 điều :
- Một mặt, thú nhận tình trạng tội lỗi của dân : "Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ"
- Mặt khác, nài xin Chúa đến để tha thứ và cứu thoát họ : "Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống".
2. Đáp ca : Tv 79
Cũng là một lời van xin Chúa đến. Mặc dù ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình, nhưng dân do thái vẫn dám van xin Chúa đến. Cơ sở của lời kêu xin tin tưởng này là : bởi vì Israel chính là vườn nho mà Chúa đã trồng và là đoàn chiên do Ngài chăn dắt.
3. Tin Mừng : Mc 13,33-37
Bài đọc Cựu Ước và bài Đáp ca nhắm tới việc Chúa đến lần thứ nhất (Đấng Messia đến). Còn bài Tin Mừng nhắm đến việc Chúa đến lần thứ hai (Đức Giêsu trở lại). Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu chỉ rõ thái độ cần phải có để chờ Chúa trở lại là Tỉnh thức sẵn sàng (như người đầy tớ thức chờ chủ về đột ngột giữa đêm khuya). Đức Giêsu cũng cho biết lý do tại sao phải tỉnh thức sẵn sàng : vì Ngài sẽ trở lại cách bất ngờ.
4. Bài đọc II : 1 Cr 1,3-9
Sang tới thời Giáo Hội sơ khai.
Đối tượng của đoạn thư này là Giáo đoàn Côrintô, một cộng đoàn sinh động nhưng cũng gặp nhiều khó khăn nội bộ : chia rẻ, kiện tụng, luân lý suy đồi v.v.
Trước hết Thánh Phaolô nhắc họ nhớ biết bao ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Ngài muốn họ tự hiểu ngầm là trong hiện tại, họ đã không đáp lại xứng đáng những ân sủng đó. Và cũng một cách gián tiếp rất tế nhị, Ngài muốn họ tỏ ra xứng đáng hơn với những ân sủng đó, kiên trì trong những ân sủng ấy, để khi Chúa lại đến thì họ không có gì phải bị khiển trách.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Chờ đợi
Những giây phút chờ đợi là thời gian căng thẳng nhất nhưng cũng có ý nghĩa nhất. Những người yêu nhau chờ tới ngày cưới, cha mẹ chờ đứa con ra đời, gia đình chờ một người thân trở về, người lao động chờ công việc mình sinh kết quả… Trong cuộc sống hàng ngày, người ta luôn chờ đợi một cái gì đó. Khi không còn chờ gì nữa, không còn mong gì nữa thì đời kể như sắp chết.
Lịch sử Israel cũng là một cuộc chờ đợi. Chờ Đấng Messia đến thiết lập nền công chính trên trái đất này. Sự chờ đợi của Israel lên đến cao điểm khi họ bị lưu đày bên Babylon (Bài đọc 1).
Rồi Đấng Messia đã đến. Phải chăng không còn phải chờ đợi nữa ? Không, mỗi người vẫn còn phải chờ đợi, chờ cho sự công chính được hoàn thành nơi bản thân mình. Bởi đó, Đức Giêsu nói "Phúc cho ai đói khát điều công chính". Đói khát điều công chính và chờ đợi công chính thực hiện chính là một mối phúc.
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi : chờ Đức Giêsu đến thăm chúng ta vào dịp lễ Giáng sinh, và chờ Ngài đến với chúng ta mỗi ngày trong Bí tích Thánh Thể.
Chờ đợi như thế nào ? Bài Tin Mừng hôm nay dạy : chờ đợi bằng cách tỉnh thức và cầu nguyện.
* 2. Đất sét trong tay người thợ gốm
Bài đọc I dạy chúng ta một cách tỉnh thức chờ đợi rất hay : như miếng đất sét trong tay người thợ gốm.
Trong bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Isaia đã nói lên một sự thật : "Chúng tôi là đất sét, Còn Chúa là người thợ gốm". Sự thật này đã được sách Sáng thế nói lên ngay từ đầu (St 2,7). Kiểu diễn tả cụ thể của tác giả sách Sáng thế và của ngôn sứ Isaia có ý rằng : con người lệ thuộc Thiên Chúa.
Sự lệ thuộc chỉ toàn có lợi. Miếng đất sét chịu lệ thuộc bàn tay uốn nắn của người thợ gốm thì sẽ trở thành những vật dụng rất hữu ích, thậm chí thành những tác phẩm mỹ thuật rất đẹp.
Vậy, tỉnh thức và chờ đợi Chúa trong Mùa Vọng là làm như miếng đất sét trong tay người thợ gốm : ngoan ngoãn vâng theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để cho Chúa uốn nắn mình thành những tác phẩm tuyệt vời đúng ý Chúa.
* 3. Mong đợi Chúa đến
Vào một ngày đẹp trời, ông già ngồi trên ghế xích đu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ, một em bé gái đang chơi banh để lọt vào sân nhà ông, cô gái chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen :
- Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên chiếc xích đu này, ông đang chờ ai vậy ?
- Cháu còn nhỏ quá làm sao hiểu được điều ông mong đợi.
- Có lẽ cháu nhỏ thật, nhưng mẹ cháu nói : có điều gì trong lòng thì hãy nói ra, có nói ra mới hiểu rõ hơn.
Nghe cô bé nói có lý, ông liền thố lộ :
- Ông đang chờ đợi Chúa đến.
Cô bé tròn xoe đôi mắt kinh ngạc. Ông già mới giải thích :
- Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa, ông cần một dấu hiệu cháu à !
Bấy giờ cô bé mới lên tiếng :
- Ông chờ một dấu hiệu ư ? Thưa ông, Chúa đã cho ông một dấu hiệu : mỗi khi ông hít thở không khí, mỗi khi ông nghe tiếng chim hót, mỗi khi ông nhìn hạt mưa rơi. Chúa đã cho ông một dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ, trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu, không cần phải tìm kiếm, vì Người luôn ở đó.
*
"Tất cả là hồng ân". Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin nhìn tất cả chỗ nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc "Chúa đến viếng thăm".
Bài Tin mừng đầu năm Phụng vụ hôm nay, nhắc nhở chúng ta dọn mình : đón nhận ơn Chúa trong mỗi giây phút hiện tại, chờ đón Chúa đến trong giờ chết, và trong ngày cánh chung của nhân loại.
Mùa Vọng là mùa của mong đợi. Mong đợi nào cũng làm cho con người mỏi mòn. Nhưng chính sự mòn mỏi đó càng làm cho cuộc gặp gỡ thêm nồng thắm hơn.
Thái độ cần phải có là hãy "tỉnh thức và cầu nguyện" để "nhận biết thời gian Chúa đến viếng thăm" (c.19,44). Nếu Chúa đã nhắn nhủ : "Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ sẽ về" thì không có lời khuyên nào khôn ngoan hơn lời Cha Charles de Foucauld : "Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay".
Nếu những cuộc viếng thăm là những hồng ân của Chúa, thì chúng ta đừng để mất những hồng ân ấy chỉ vì sự thờ ơ, thiếu chuẩn bị, không sẵn sàng. Chúng ta có quyền ước mơ, dự tính xây dựng tương lai, nhưng đừng bao giờ quên mục đích cuối cùng là phải "gặp được Chúa".
Nhưng có một sự thực này, nó rất thực, và đó là sự thực nhất trên đời là nếu chúng ta không thường gặp Chúa trong cuộc sống, thì chúng ta cũng sẽ không thể gặp Người vào giây phút cuối cuộc đời.
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết "tìm gặp Chúa" trong mọi ơn lành Chúa ban, trong các bí tích, trong các việc lành và trong người anh em, để chúng con sẽ gặp được Chúa trong ngày Chúa đến viếng thăm. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
4. Hãy thức dậy đi
Người ta nói rằng tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ tín đồ. Tuy nói thế là không đúng, nhưng sở dĩ có người nói thế một phần cũng là do chúng ta : nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo là một nơi an ủi (chỉ đến với Chúa khi gặp chuyện buồn phiền) và một chỗ bảo hiểm an toàn (đọc kinh cầu nguyện để được Chúa che chở, cứu nguy). Họ đến nhà thờ để tìm kiếm những chuyện siêu nhiên (phép lạ, ơn đặc biệt) trong khi quá lơ là với những trách nhiệm trần thế. Đạo như thế đúng là thuốc phiện và người giữ đạo như thế đúng là người đang ngủ.
Hãy đọc kỹ lại bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đâu có bảo chúng ta ngủ, đâu có bảo chúng ta đừng làm việc. Trái lại Ngài bảo chúng ta luôn tỉnh thức làm việc. Kitô hữu giống như những đầy tớ mà Chúa là chủ đã giao cho mỗi người một việc và Ngài sẽ trở về bất cứ lúc nào để xem họ có đang làm việc đàng hoàng hay không.
Thế nhưng con người hay buồn ngủ và thường ngủ gật. Trong việc sống đạo cũng thế. Sau đây là một số lý do :
- Quen lờn về tội : "Điều gì thường xảy ra thì được coi là bình thường". Thường phạm tội hay thường thấy người khác phạm tội nên quen lờn không còn thấy bị cắn rứt nữa. Bài đọc I nói đó là "lương tâm đã trở nên chai đá". Lương tâm con người thời nay đã chai đá (đã "ngủ gật") trước những tội phạm đến công bình, đến tính dục, "không còn biết kính sợ Chúa nữa".
- Lười biếng cầu nguyện. Bài đọc I nói "không còn ai kêu cầu danh thánh Chúa nữa".
- Cảm thấy như Chúa đi đâu xa. Bài đọc I nói "Chúa đã ẩn nấp không cho chúng tôi thấy Chúa nữa". Bài Tin Mừng thì nói Chúa như "ông chủ đi xa, để nhà cửa lại".
Dù bởi lý do nào đi nữa, điều cần thiết là mỗi người hãy biết rằng mình đang mê ngủ, hoặc ít ra là đang ngủ gà ngủ gật. Vì thế, mỗi người hãy đáp lại tiếng Chúa gọi "Hãy thức dậy đi".
5. Ngủ mê trong thói quen
Tất cả chúng ta, chỉ trừ những đứa trẻ, đều không nhiều thì ít sống theo thói quen. Người ta nói rằng chúng ta sống một nửa cuộc đời phần sau dựa vào những thói quen đã có từ nửa cuộc đời phần trước. Như thế thật có lợi cho những ai đã tập được những thói quen tốt, tuy nhiên cũng thật tai hại cho những ai đã nhiễm phải những thói quen xấu.
Một việc được lập đi lập lại nhiều lần sẽ thành thói quen, khi đó người ta sẽ làm việc đó một cách rất dễ dàng và còn khéo léo nữa. Có thể nói thói quen là bản năng thứ hai của con người.
Tuy nhiên cứ làm theo thói quen riết rồi người ta sẽ trở thành một chiếc máy vô hồn, không ý thức mình đang làm gì nữa, không suy nghĩ, không tâm tình.
Nếu bạn để một con nhái vào một bình nước nóng, nó sẽ lập tức phóng ra ngay. Nhưng nếu bạn để nó trong một bình nước lạnh, rồi đun nóng lên từ từ. Con nhái không cảm thấy gì lạ cả nên cứ ở yên trong đó. Vì nó đã quen dần nên không thấy nguy hiểm gì cả. Muốn nó nhảy ra thì cần phải lấy một cái gì đó chọc vào nó.
Với thời gian, cuộc sống đạo của chúng ta dần dần trở thành thói quen. Nhiều việc đã không còn ý thức, huống chi nhiều thói xấu đã bám rễ dần dần. Ước gì Mùa vọng là một cú chọc mạnh khiến chúng ta giật mình ý thức lại và sửa đổi cho tốt hơn.
6. Hy vọng và cuộc sống
Người ta nói rằng bao lâu còn sống thì còn hy vọng
Tuy nhiên, đúng hơn phải nói : bao lâu còn hy vọng thì còn sống.
- Hy vọng là sức mạnh
- Nó chiếu sáng những trái tim chán chường
- Nó kích thích ý muốn sinh tồn
- Nó là trợ tá đắc lực cho các bác sĩ
- Nó là khiên thuẫn che chở những thất bại
- Nó hồi sinh những lý tưởng và làm mới những ước mơ
Bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu không tình huống nào là bất khả.
Mùa Vọng là thời gian cho chúng ta hy vọng
Và Đức Kitô chính là hy vọng của chúng ta. (Viết theo Flor McCarthy)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay vào Mùa Vọng, Hội thánh muốn nhắc cho ta nhớ rằng Chúa sắp đến, chúng ta phải tỉnh thức. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
1. Chúng ta cầu xin cho Hội thánh thực sự là cộng đoàn luôn tỉnh thức / để chu toàn trách nhiệm Đức Giêsu đã trao phó là làm chứng về tình yêu của Chúa / và hết lòng phục vụ con người.
2. Chúng ta cầu xin cho các nhà cầm quyền trên thế giới luôn tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm của mình / là cộng tác với nhau để xây dựng một thế giới trong công lý hòa bình, và chia sẻ giúp đỡ nhau.
3. Chúng ta cầu xin cho những người ngủ mê trong tội lỗi / giả điếc làm ngơ với trách nhiệm của mình trong gia đình và trong đất nước / biết tỉnh thức để trở về với bổn phận của mình.
4. Chúng ta cầu xin cho cộng đồng xứ đạo chúng ta luôn tỉnh thức / để giúp nhau từ bỏ thói xấu, say sưa trễ nải / và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã trao cho mỗi người chúng con một trách nhiệm trong gia đình, trong họ đạo, trong đất nước, và dạy chúng con phải tỉnh thức... Xin Chúa giúp chúng con luôn tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm Chúa đã trao và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh lễ
- Kinh Tin Kính : Trước câu "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng con, Người đã từ trời xuống thế", có thể tạm dừng và đọc lại một lời của Isaia trong bài đọc I : "Ước chi Ngài xé trời mà ngự xuống"
- Trước Kinh Lạy Cha : Ngôn sứ Isaia đã ví : "Chúng tôi là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm". Phần Đức Giêsu, Ngài cho chúng ta biết thêm Thiên Chúa chính là Cha chúng ta. Vậy chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha do chính Đức Giêsu dạy.
- Sau Kinh Lạy Cha : "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ nào làm cho chúng con không thấy được mặt Cha. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin Cha giúp chúng con luôn tỉnh thức để đón rước Con Cha sắp đến. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…"
VII. Giải tán
Chúa là người chủ nhà, giao cho chúng ta là tôi tớ mỗi người một việc. Anh chị em hãy trở về mỗi người lo chu toàn công việc của mình trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện. Chúc anh chị em bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Vọng (B)

Chúa Nhật, 3 Tháng 12, 2017
Hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng
Thiên Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào
Mc 13:33-37


1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu: 
Lạy Cha chúng con ở trên trời, lòng chúng con ước ao sự nồng ấm của tình yêu Chúa và tâm trí chúng con đang tìm kiếm ánh sáng của Lời Chúa.  Xin Chúa hãy tăng thêm lòng khát khao của chúng con đối với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con, và ban cho chúng con sức mạnh để được tăng trưởng trong tình yêu, để vào buổi rạng đông ngày quang lâm của Người có thể thấy chúng con mừng vui trong sự hiện diện của Người và chào đón ánh sáng chân lý của Người.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.



b)  Phúc Âm theo thánh Máccô: 13:33-37

33 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào.  34 Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức.  35 Vậy chúng con hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng;  36 kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp chúng con đang ngủ.  37 Điều Ta bảo cho chúng con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là hãy tỉnh thức!”



c)  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.



2.  Suy Gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
“Hãy coi chừng!”  Đây là chữ chính trong đoạn Phúc Âm ngắn mà Giáo Hội đưa ra trong phần phụng vụ của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.  Coi chừng, tỉnh thức, chờ đợi sự trở về của chủ nhà, đừng ngủ mê, đây là những gì Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người Kitô hữu.  Bốn câu này của Tin Mừng theo thánh Máccô là một phần của bài giảng về ngày cánh chung trong chương thứ mười ba.  Chương này nói về việc Đền Thờ và thành phố Giêrusalem bị phá hủy.  Chúa Giêsu đề cập đến nhận xét của một trong các môn đệ:  “Thưa Thầy, Thầy xem những hòn đá kia lớn thật!” (Mc 13:1).  Khi ấy, Chúa Giêsu mới làm rõ ý tưởng:  “Anh nhìn ngắm những công trình vĩ đại đó ư?  Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13:2).  Đền Thờ, dấu hiệu hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân riêng của Người, Giêrusalem “được xây như một thành phố, trong một sự thống nhất toàn bộ” nơi đó “các chi tộc trẩy hội lên, các chi tộc của Đấng Gia-Vê, dấu hiệu cho dân Israel tạ ơn danh Đức Chúa” (Tv 122:4), tất cả điều này, dấu hiệu chắc chắn của lời hứa ban cho tổ phụ Đavít, dấu  hiệu của sự giao ước, tất cả dấu hiệu này sẽ bị phá hủy … nó chỉ là dấu hiệu của một điều gì khác sắp xảy đến.  Các môn đệ đã tỏ ra tò mò hỏi Chúa, Đấng đang ngồi trên núi Cây Dầu đối diện với Đền Thờ:  “Thưa Thầy, xin Thầy cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi kết thúc, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13:4). Dựa theo phong cách khải huyền của dân Do Thái được linh ứng bởi tiên tri Đanien, Chúa Giêsu trả lời rất ít về việc công bố những dấu hiệu cảnh báo (những Kitô giả và tiên tri giả xuất hiện, những kẻ sẽ đánh lừa bằng cách tiên đoán về việc sắp xảy ra trong tương lai, các cuộc bách hại, làm các dấu lạ và những việc phi thường.  Xem Mc 13:5-32), “Nhưng về ngày ấy hay giờ ấy thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không, hoặc Chúa Con cũng không, không ai ngoại trừ chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:32).
Điều này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự chờ đợi thận trọng và chu đáo về những dấu chỉ của thời gian hầu giúp chúng ta đón chào “chủ nhà” (Mc 13:35).  Khi ông chủ đến, tất cả mọi việc sẽ biến mất, “quyền hành của các đầy tớ” (Mc 13:34) cũng là những dấu chỉ để giúp chúng ta nhớ đến lòng nhân từ của Người (đền thờ, Giêrusalem, nhà).  Khi ông chủ đến, các “đầy tớ” và “người giữ cửa” (Mc 13:34) không còn lo lắng đến các dấu chỉ nữa mà lấy làm mừng rỡ vì sự hiện diện của ông chủ:  “Kìa, Chàng Rể đến!  Hãy ra đón Người” (Mt 25:6 và Mc 2:19-20).
Chúa Giêsu thường yêu cầu các môn đệ của Người phải canh chừng.  Trong vườn Cây Dầu, vào tối thứ Năm ngay trước ngày Thương Khó, Chúa Giêsu nói với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan:  “Các con ở lại đây mà canh thức”  (Mc 14:34; Mt 26:38).   Sự canh chừng giúp chúng ta không bị rơi vào sự cám dỗ (Mt 26:41) mà để tỉnh thức.  Trong vườn Cây Dầu, các môn đệ đã ngủ thiếp đi bởi vì thể xác thì yếu đuối dù rằng tinh thần thì hăng hái (Mc 14:38).   Hễ những ai ngủ thiếp đi thì bị hư mất, giống như ông Samson, người đã để cho mình bị ngủ thiếp đi, vì thế đã mất đi sức mạnh của ông, hồng ân của Thiên Chúa (Gđt 16:19).  Chúng ta phải luôn tỉnh thức và không được ngủ thiếp đi; canh chừng và cầu nguyện để chúng ta không bị lừa dối và do đó đi đến sự diệt vong của chúng ta (Mc 13:22 và Ga 1:6).  Vì vậy, “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!  Từ chốn tử vong, hãy trỗi dậy đi nào!  Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Êp 5:14).  

b)  Những câu hỏi để quy hướng cho phần suy gẫm và làm cho thích hợp:

·      Sự canh chừng có ý nghĩa gì đối với bạn?
·      Chúa đã báo trước việc phá hủy Đền Thờ và thành Giêrusalem, niềm tự hào của dân tộc được Chúa chọn và là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa.  Tại sao Chúa Giêsu lại báo trước sự hủy diệt của chúng?
·      Đền Thờ và thành thánh là những dấu hiệu cụ thể của sự giao ước giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người.  Nhưng những vật thể này đã bị phá hủy.  Những dấu hiệu cụ thể của sự giao ước của chúng ta là gì?  Bạn có nghĩ rằng chúng cũng sẽ có cùng một số phận như thế không?
·    Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta vượt qua tất cả mọi hình thức và gắn bó với Người.  Những vật gì, hình thức và dấu hiệu gì mà bạn nghĩ rằng Chúa đang đòi hỏi bạn vượt qua để bạn có thể gắn bó chặt chẽ với Chúa hơn?
·      Bạn có đang ngủ mê không?  Trong ý nghĩa nào?
·      Bạn có luôn sống kỳ vọng vào ngày quang lâm của Chúa không?  Mùa Vọng có phải là lúc để cho bạn nhớ đến yếu tố của sự chờ đợi trong đời sống của người Kitô hữu không?    


3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 96:

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,
vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Lạy Chúa là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Chúa, vì Đức Giêsu Con Cha, Đấng đã đến để nâng chúng con dậy và đặt chúng con trên đường ngay nẻo chính.  Khi Chúa đánh thức tâm hồn chúng con một niềm khát khao cầu nguyện và phục vụ trong yêu thương, Chúa đã chuẩn bị cho chúng con buổi bình minh của ngày mới đó là lúc vinh quang của chúng con sẽ được thể hiện với tất cả các thánh trong sự hiện diện của Con Thiên Chúa.

4.  Chiêm Niệm
  
Chiêm niệm có nghĩa là biết làm thế nào để gắn bó với tất cả tâm hồn và trí khôn của mình vào Chúa, Đấng mà qua Lời của Người biến đổi chúng ta trở thành những con người mới, những người luôn làm theo thánh ý Người.  “Bây giờ các con đã biết những điều này, nếu các con thực hành tương xứng, thì thật phúc cho các con!” (Ga 13:17)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét