06/12/2017
Thứ Tư tuần 1 mùa vọng
Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a
"Chúa mời đến
dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Ngày ấy, Chúa các đạo
binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì
béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và
tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên
Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi
hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa
chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Ðây là Chúa, nơi
Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu
độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a.
3b-4. 5. 6
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất
ư lâu dài. (c. 6cd).
Xướng: 1) Chúa chăn
nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.
Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi
dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua
những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi
trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái
gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con
mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén
rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân
sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định
cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Alleluia: Is 33, 32
Alleluia, alleluia! -
Chúa là Ðấng xét xử, là Ðấng ban luật và là Vua chúng ta: Chính Người sẽ cứu độ
chúng ta. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 15, 29-37
"Chúa Giêsu chữa
nhiều người và hoá bánh ra nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến
gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người,
đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người.
Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què
bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.
Còn Chúa Giêsu kêu gọi
các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với
Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc
đàng". Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa
này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các con
có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ".
Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con
cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều
ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn
lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước
lên thuyền và đến địa phận Magađan.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hóa Bánh Ra
Nhiều
Khi bàn về đoạn Tin Mừng
hôm nay, một học giả Kinh Thánh đã viết: "Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời
rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng một bữa ăn khoản đãi dân
Ngài". Trước hết là phép lạ bánh hóa ra nhiều cho 5,000 người ăn, được coi
như biến cố chấm dứt sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Vì từ đây Ngài không còn giảng
dạy tại các Hội Ðường cũng như làm những phép lạ, chữa bệnh tật tại đó nữa. Thứ
đến là phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống 4,000 người, đánh dấu trong một giai
đoạn ngắn giảng dạy tại các vùng dân ngoại biên giới Palestina, miền Tirô và
Sidon và miền thập tỉnh. Sau cùng là bữa tiệc ly tại Jérusalem, nơi đây đã kết
thúc cuộc đời rao giảng của Ngài ở trần gian.
Với cái nhìn phân
tích, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi bữa ăn đều nằm trong một bối cảnh khác nhau,
thành phần tham dự cũng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả cùng phát xuất từ một động
lực chính, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Hai lần hóa bánh ra
nhiều đều do sự lo lắng của Chúa Giêsu: "Nếu để họ ra về e rằng có những
người sẽ bị đói lả dọc đường". Và riêng bữa tiệc cuối cùng, đó là bữa tiệc
ly, Chúa Giêsu đã phải thực hiện một phép lạ vĩ đại để cho mọi người được đủ sức
mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian. Nếu là một trong 5,000 người
của đám dân chúng được Tin Mừng nói đến hôm nay, chắc chắn tâm trạng của chúng
ta cũng chẳng khác gì tâm trạng của đám dân chúng lúc bấy giờ, là bụng đói lả
sau ba ngày theo ngài nhưng lại không dám lên tiếng cứ giữ thái độ yên lặng.
Có thể họ im lặng vì
chưa đủ lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Thắc mắc của họ phần nào tương
tự như thắc mắc của các tông đồ: "Lấy đâu ra bánh trong hoang địa này cho
ngần ấy người ăn". Mặc dù các môn đệ đã thấy Ngài chữa lành các bệnh tật
như làm cho kẻ điếc được nghe, què được đi, cùi được sạch... Tuy nhiên, có thể
họ nghĩ rằng mình không thuộc về những hạng người cần đến Chúa Giêsu, vì thân
thể đang khỏe mạnh đâu cần gì đến thầy thuốc. Sự đói mệt chỉ là một nhu cầu thể
lý chứ không phải là một căn bệnh làm gì phải bắt Ngài bận tâm. Thế nhưng họ
đâu có thể ngờ rằng, tuy không phải là căn bệnh thì chúng có thể làm hại con
người hoặc có thể vì chút tự ái cá nhân mà họ đành im lặng mặc cho cơn đói hành
hạ. Tại sao không chịu lo xa chuẩn bị chút ít lương thực phòng thân để giờ này
lại mở miệng lên tiếng kêu ca.
Nhìn chung thái độ im
lặng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và quá
quy trách vào bản thân.
Thiếu tin tưởng vào
Thiên Chúa khiến con người không thấy Ngài đầy quyền năng và đầy lòng thương
xót. Ngài thấu hiểu hết mọi người và hằng quan tâm đến tất cả mọi nhu cầu của
con người, ngay cả những nhu cầu nhỏ nhặt nhất cũng đều được Ngài đáp ứng. Mặt
khác, quá thiên về bản thân cũng khiến cho con người xa cách Thiên Chúa. Con
người luôn phải cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Về phần Chúa Giêsu, dù
cho đám dân chúng im lặng, Ngài không chấp lẽ thái độ của họ, Ngài luôn quan
tâm đến họ, Ngài sợ họ đói lả té xỉu dọc đàng, và Ngài đã cho họ ăn một cách dư
giả đến nổi ăn xong còn dư được bảy thúng đầy. Con số này tượng trưng cho cái
vô biên không đo lường nổi.
Cuộc lữ hành nào mà chẳng
mệt nhoc, không lương thực thì chắc chắn sẽ có kẻ rơi rụng dọc đường. Chúa
Giêsu đã thấy trước điều này ngay trong cuộc lữ hành trần gian, vì thế Ngài đã
ban Mình Ngài để làm lương thực nuôi dân Ngài. Tuy nhiên, căn bệnh im lặng của
đám dân chúng ngày xưa còn là căn bệnh của thế giới hôm nay. Căn bệnh đó xem ra
còn trầm trọng hơn, vì bàn tiệc đã bày sẵn nhưng chẳng mấy ai đến hưởng dùng.
Mùa vọng là mùa đợi
trông, dân Do Thái ngày xưa trông đợi ngày Chúa đến, ngày mà Chủ các cơ binh sẽ
thiết đãi một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Sống trong
tâm tình của Mùa Vọng, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu được giá
trị trổi vượt của bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa đã thiết đãi dân Ngài để rồi
trong cuộc đời lữ hành trần gian chúng ta sẽ được no đủ và vững bước tiến về
quê trời, không lo sợ phải mệt lả dọc đường.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần I MV2
Bài đọc: Isa
25:6-10; Mt 15:29-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chính Chúa sẽ chăm sóc dân Người.
Sống trong cuộc đời,
con người thường xuyên bị đe dọa bởi đói khát, bệnh tật, chiến tranh, hận thù,
chết chóc. Con người ước mơ một “thiên đàng trần gian,” khi tất cả những đe dọa
này không còn nữa. Nỗi ước mơ này có thể thực hiện hay không? Các Bài đọc hôm
nay cho thấy ước mơ này có thể hiện thực trong tương lai. Trong Bài đọc I, Tiên
Tri Isaiah nhìn thấy trước Ngày đó, Ngày mà chính Thiên Chúa sẽ thân hành chăm
sóc dân chúng, lau khô mọi giòng lệ, và nhất là vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, được sai tới để làm những việc
này. Ngài chữa lành mọi tật nguyền và làm phép lạ để có của ăn nuôi dân chúng
theo Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.
Tiên tri Isaiah là
tiên tri đã thấy trước 2 cuộc lưu đày của dân Do-Thái: vương quốc miền Bắc bị
thất thủ và lưu đày tại Assyria vào năm 721 BC, và vương quốc miền Nam bị thất
thủ và lưu đày tại Babylon vào năm 587 BC. Nước mất, nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy,
nhưng tiên tri được Thiên Chúa cho thấy trước Ngày Thiên Chúa sẽ giải phóng
Israel, cho nhóm người còn sót lại được hồi hương, tái thiết quốc gia, và xây dựng
lại Đền Thờ. Hơn nữa, Tiên Tri còn được Thiên Chúa cho thấy trước Ngày Đấng
Thiên Sai sẽ tới cai trị dân. Thị kiến hôm nay tường thuật những gì Đấng Thiên
Sai sẽ thực hiện:
(1) Ngài sẽ cho dân ăn
uống: không phải là những thức ăn tầm thường, nhưng là những cao lương mỹ vị và
rượu ngon tinh chế: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn
dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh
chế.”
(2) Ngài sẽ vĩnh viễn
tiêu diệt thần chết: Kẻ thù lớn nhất của con người là sự chết vì nó lấy đi tất
cả những gì con người có. Đối diện với cái chết, con người không thể làm gì
khác là đành chấp nhận. Nhưng khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đánh bại thần chết,
và đem lại sự sống muôn đời cho con người như Tiên Tri tuyên bố: “Trên núi này,
Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người
sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.” Bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá,
Chúa Giêsu đã sống lại khải hòan, và cho mọi người chết sống lại.
(3) Ngài sẽ tiêu diệt
mọi khổ đau: “Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô giòng lệ trên khuôn mặt mọi
người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức
Chúa phán như vậy.” Đau khổ của con người có nhiều nguyên nhân: bệnh tật, tội lỗi,
phân ly. Người sẽ tiêu diệt mọi nguyên nhân gây đau khổ cho con người.
(4) Ngài sẽ tiêu diệt
mọi kẻ thù: Tiên tri chỉ đề cập đến Moab ở đây: “Còn Moab sẽ bị giày đạp ngay tại
chỗ, như rơm bị nghiền nát trong hố phân.” Có lẽ Moab chỉ là một biểu tượng được
dùng để chỉ tất cả các địch thù của con người.
Khi chứng kiến tất cả
các điều trên xảy ra, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng
ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức
Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."
Và chỉ khi nào hòan tất mọi sự, “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.”
2/ Phúc Âm: Triều đại của Thiên Chúa đã đến: Đấng Thiên Sai chính là
Chúa Giêsu.
Tất cả những gì Tiên
Tri Isaiah loan báo hơn 700 năm trước được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Hai điều
Chúa Giêsu làm được tường thuật trong Tin Mừng hôm nay:
2.1/ Chúa Giêsu chữa mọi
bệnh họan tật nguyền cho dân: Thánh sử
Matthêu tường thuật: “Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilee.
Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem
theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa.
Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh
ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người
mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel.” Không có bệnh gì Chúa Giêsu
không chữa lành được; cũng không có một quyền lực nào ngăn cản Ngài không được
chữa bệnh.
2.2/ Chúa Giêsu cho dân
ăn: Sau khi đã dạy dỗ dân chúng 3 ngày trong
nơi hoang vắng, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng
thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy
không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường."
Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh
cho đám đông như vậy ăn no?" Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc
bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ." Bấy
giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh
và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám
đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được
bảy thúng đầy.
2.3/ Bàn tiệc Thánh Thể: Phép lạ “Hóa Bánh ra nhiều” là phép lạ duy nhất được tường
thuật bởi cả 4 Thánh Sử (x/c Mt 14:13-21, Mk 6:30-44, Lk 9:10-17, Jn 6:1-15);
và được Thánh Sử Gioan dùng để làm chất liệu cho Bài Giảng về Thánh Thể trong
chương 6. Theo Gioan, Chúa Giêsu chính là Bánh Hằng Sống từ trời xuống để trở
thành của ăn uống nuôi sống muôn dân; ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ không phải
chết, nhưng được sống đời đời (Jn 6:53-58).
Một điều cần đề cập tới
nữa là việc Chúa Giêsu thành lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly: Cả ba
Thánh Sử tường thuật biến cố này đều tường thuật lời Chúa Giêsu nói sau cùng:
“Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây
nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”
(x/c Mt 26:29, Mk 14:25, Lk 22:18). Lời tường thuật này nhắc nhở Bữa Tiệc trong
Vương Quốc Thiên Chúa mà Tiên Tri Isaiah đã có thị kiến trong Bài đọc I.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đối diện với những
đau khổ và bất tòan trong cuộc sống, chúng ta trông mong sẽ có một ngày con người
sẽ không còn phải đói khát, đau khổ, chiến tranh, hận thù, chết chóc.
- Chỉ nơi Đấng Thiên
Sai là Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm được tất cả những gì Tiên Tri Isaiah đã
loan báo trong Bài đọc I.
- Chúa Giêsu sẽ chữa
lành chúng ta khỏi mọi tật bệnh hồn xác, và chính Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta bằng
chính thân thể của Người. Nhờ Ngài, chúng ta được tham dự vào cuộc sống thần
linh của Thiên Chúa ngay từ đời này, và sẽ được hưởng trọn vẹn tất cả trong cuộc
sống mai sau.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
06/12/2017
THỨ TƯ TUẦN I MV
Mt 15,29-37
Mt 15,29-37
ĐỂ SỐNG DỒI DÀO HƠN
“Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng
họ bị xỉu dọc đường.” (Mt 15,32)
Suy niệm: Trong một xã hội theo chủ nghĩa tiêu thụ như hiện nay,
người ta đua nhau tiêu sài, coi như đó là một tiêu chí để thể hiện đẳng cấp, sự
thành đạt của mình. Tiêu sài càng nhiều thì càng phải sản xuất nhiều hơn. Và
ngược lại, để sản xuất không bị ngừng trệ, phải thúc đẩy tiêu sài mua sắm. Cứ
thế, trên thương trường, kẻ nào không biết đua tranh, chiếm lĩnh, sẽ lập tức bị
loại ra khỏi cuộc chơi. Chính vì thế, tương quan giữa con người với nhau ngày
càng trở nên ích kỷ vì lợi ích của mình và vô cảm với tha nhân. Chúa Giê-su dạy
chúng ta sống ngược lại xu thế đó. Ngài đến và ở lại với chúng ta là để chữa
lành, cứu sống. Khi nuôi sống đám đông bằng năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa
Giê-su muốn chúng ta là đoàn chiên của Chúa “được sống và sống
dồi dào” (Ga 10,10). Hơn nữa, Ngài và dạy các môn đệ thực hành theo
tinh thần của Ngài: Ngài giao cho họ nhiệm vụ phân phát lương thực cho mọi người.
Mời Bạn: Chúa Giê-su đến để
chiên được sống và sống dồi dào. Sự nối
kết, hiện diện của bạn trên phương tiện truyền thông, lên “phây” chẳng hạn, có
làm giàu những mối tương quan, có giúp ích cho chính bạn và bạn bè không?
Sống Lời Chúa: Bão lũ tàn phá miền Trung,
tôi trích một số tiền để tiếp tục chia sẻ cho nạn nhân vùng bão.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sự hiện diện của Chúa là cứu chữa, là chữa
lành, là an ủi, là khích lệ, là nuôi sống. Xin cho con học cung cách sống của
Chúa, để sự hiện diện của con làm cho gia đình con được hạnh phúc, rộn rã và
hân hoan. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Ăn no nê (6.12.2017 – Thứ tư Tuần 1 Mùa Vọng)
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở quanh ta. Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để nuôi được họ.
Suy niệm:
Khi mô tả về thời cánh chung, thời thiên sai, thời của
Đấng Mêsia,
ngôn sứ Isaia nghĩ đến một bữa tiệc lớn cho muôn dân
tộc
do Đức Chúa của Ítraen khoản đãi trên núi thánh.
Không phải chỉ đãi thịt béo, rượu ngon,
Đức Chúa còn lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,
Khổ đau không còn nữa, chỉ còn tiếng reo vui (Is 25,
6-10).
Nơi Đức Giêsu, lời của ngôn sứ Isaia đã được ứng
nghiệm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lên một ngọn núi
thuộc miền Thập Tỉnh của dân ngoại (x. Mc 7, 31).
Dân chúng kéo đến cùng với những người bệnh hoạn tật
nguyền.
Trên ngọn núi ấy, Ngài đã đem đến niềm vui cho bao
người.
Kẻ câm nói được, người què đi được, người mù sáng mắt.
Đức Giêsu không giảng về một Nước Trời xa xôi.
Ngài cho thấy một Nước Trời gần gũi khi thân xác được
lành mạnh.
Kitô giáo không duy tâm, duy linh hay duy vật.
Đức Giêsu quan tâm đến trọn cả con người với xác và
hồn.
Chính vì thế Ngài vừa rao giảng, vừa chữa bệnh.
Ngài biết chạnh lòng thương đám đông,
vì họ đã ở lại với Ngài từ ba ngày qua mà không có gì
ăn.
Ngài hiểu thế nào là cái đói và hậu quả của nó
nên Ngài không muốn để họ đi về mà bụng lại rỗng
không.
“Sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (c. 32).
Đức Giêsu đã nghĩ đến việc cho họ ăn như một nhu cầu
cấp thiết.
“Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn
no” (c. 33).
Trước vấn đề lương thực cho một đám đông ở nơi hoang
vắng,
các môn đệ thấy mình bất lực và bế tắc.
“Bảy cái bánh và ít cá nhỏ”, đó là tất cả những gì họ
có.
Để nuôi đám đông, các môn đệ phải cộng tác với Đức
Giêsu,
trao cho Ngài tất cả những gì mình có,
để rồi nhận lại tất cả từ Ngài, và đem chia sẻ cho đám
đông.
Bữa ăn ở nơi vắng này không phải là một đại tiệc với
rượu thịt,
nhưng rõ ràng là rất cần thiết, đem lại no đủ và thậm
chí dư thừa.
Thế giới hôm nay có hơn một tỉ người đói, đa số ở Á
châu.
Những bữa ăn đầy đủ vẫn là nỗi khát khao ám ảnh nhiều
người.
Đói chẳng những làm ngất xỉu hay dẫn đến cái chết,
nhưng còn làm người ta mất nhân cách, sống không ra
người.
Bận tâm của Đức Giêsu về cái đói cũng là mối bận tâm
của Giáo Hội.
Phép lạ bánh hóa nhiều của Đức Giêsu phải được nhân
lên khắp nơi,
để không còn ai phải đói trên thế giới.
Bữa tiệc cánh chung, nơi muôn người từ đông sang tây
đến dự,
phải được chuẩn bị từ những bữa ăn cho kẻ nghèo hôm
nay.
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở
quanh ta.
Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để
nuôi được họ.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG MƯỜI HAI
Sinh Bởi Thánh Thần
“Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Giáo Hội nhận
Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, làm nguyên mẫu (prototype) của mình. Chân lý này được
diễn tả bởi Công Đồng trong chương cuối Hiến Chế Giáo Hội. Hôm nay, một lần nữa,
chúng ta ý thức về chân lý này.
“Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Trong ánh sáng của những
lời ấy, Mẹ Thiên Chúa đã không được nhìn thấy như là nguyên mẫu và là hình ảnh
của Giáo Hội đó sao?
Giáo Hội được khai
sinh qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần
ngự xuống trên các Tông Đồ khi các vị đang tề tựu trong Căn Gác Thượng cùng với
Đức Ma-ri-a. Giáo Hội được khai sinh khi “quyền năng Đấng Tối Cao” tuôn tràn
Thánh Thần trên các Tông Đồ để giúp họ vượt thắng những yếu đuối của mình và khỏi
vấp ngã khi phải đương đầu với sự bách hại vì Tin Mừng.
Mừng kính Đức Ma-ri-a
Vô Nhiễm, phụng vụ dẫn chúng ta trở về với buổi ban đầu của lịch sử sáng tạo và
cứu độ. Thật vậy, thậm chí phụng vụ đưa chúng ta trở về trước cả buổi bình minh
sáng tạo nữa.
Hạnh Các Thánh
6 Tháng Mười Hai
Thánh Nicholas
(c. 350?)
(c. 350?)
Việc thiếu những dữ kiện
"xác thực" của lịch sử không ảnh hưởng đến sự nổi tiếng của các
thánh, như trường hợp của Thánh Nicholas cho thấy. Cả hai giáo hội Ðông Phương
và Tây Phương đều vinh danh ngài, có thể nói, sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường
được các nghệ sĩ Kitô Giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta
chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicholas là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư --
Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á.
Tuy nhiên, như
nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và
Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô Hữu dành cho ngài -- sự ngưỡng mộ được
diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều
thế kỷ.
Có lẽ câu truyện nổi
tiếng nhất về Thánh Nicholas là lòng bác ái của ngài đối với một gia đình nghèo
khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không
muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicholas đã bí mật ném ba
gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô con
gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng
quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicholas
trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là ông già Noel. Ông già Noel
ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu
truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị giám mục thánh thiện này.
Lời Bàn
Cái nhìn có tính cách
phê phán của lịch sử hiện đại giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa sâu xa hơn của các
huyền thoại về Thánh Nicholas. Có lẽ, bài học thiết thực nhất của ngài là lòng
bác ái. Hãy nhìn đến thái độ của chúng ta đối với vật chất trong mùa Giáng
Sinh, và hãy tìm ra các phương cách để chia sẻ của cải ấy cho những người có
nhu cầu.
Lời Trích
"Ðể có thể nhận
ra các nhu cầu phúc lợi thích hợp cho tín hữu tùy theo hoàn cảnh của mỗi người,
vị giám mục phải cố gắng quen thuộc với nhu cầu của họ trong các hoàn cảnh xã hội
mà họ sinh sống... Ngài phải bày tỏ sự lưu tâm đến tất cả mọi người, bất kể tuổi
tác, tình trạng, hay quốc tịch, dù họ là người bản xứ, người xa lạ, hay người
nước ngoài" (Sắc Lệnh về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục, 16).
Trích từ
NguoiTinHuu.com
6 Tháng Mười Hai
Hai Cánh Cửa Sổ
Từ cánh cửa sổ nhìn
vào thiên nhiên, người ta có thể có nhiều cái nhìn khác nhau về cuộc sống.
Trong một vở kịch của
Samuel Beckett, một nhân vật đã kể lại như sau: "Tôi biết có một tên chán
đời lúc nào cũng nghĩ rằng ngày tận thế đang đến. Tôi thường đến thăm hắn trong
dưỡng trí viện. Tôi nắm tay hắn và dìu hắn đến bên cửa sổ. Tôi nói với hắn:
"Nhìn kìa, cả một cánh đồng bắp xanh tươi... Nhìn kìa, những cánh bướm
đang phất phới. Còn gì đẹp bằng!". Nhưng hắn gỡ tay tôi ra và trở về góc
phòng. Mặt mày hắn hớt hải tái mét. Tất cả những gì tôi chỉ cho hắn chỉ là một
đống tro tàn xám xịt".
Có một cánh cửa sổ
khác từ đó người ta chỉ có thể nhìn thấy cảnh đẹp mà thôi. Ðó là cánh cửa sổ nhỏ
tại một nhà nguyện ở phía Nam Ái Nhĩ Lan. Tất cả mọi cánh cửa sổ trong nhà nguyện
này đều được làm bằng kính trên đó có vẽ Ðức Kitô và các môn đệ của Ngài. Duy
chỉ có một cánh cửa sổ là không có hình vẽ. Xuyên qua tấm kính trong suốt của
cánh cửa sổ này, người ta có thể nhìn thấy một quang cảnh thật tươi mát, đó là
một cái hồ nước trong xanh nằm giữa những ngọn đồi cỏ lúc nào cũng xanh tươi.
Bên dưới cánh cửa sổ, người ta đọc được câu kinh thánh như sau: "Trời cao
tường thuật vinh quang Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp của Ngài".
Câu chuyện của hai
cánh cửa sổ trên đây gợi lên cho chúng ta vần thơ: Hai người cùng nhìn xuyên
qua chấn song cửa của nhà tù. Một người chỉ thấy có bùn nhơ, một người lại nhìn
thấy những vì sao.
Mùa Vọng là thời gian
của hy vọng.
Chúng ta được mời gọi
để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ
cuộc. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Tiếp theo bao nhiêu vấp
phạm và phản bội của con người, Thiên Chúa vẫn đeo đuổi chương trình của Ngài.
Người vẫn tiếp tục yêu thương con người. Nơi hình ảnh đã hơn một lần hoen ố vì
tội lỗi, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy phản chiếu vẻ đẹp cao sang của chính Ngài.
Xuyên qua cánh cửa sổ nhỏ của mỗi người, Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy cảnh đẹp
của lòng người.
Chúng ta cũng được mời
gọi để tiếp tục tin tưởng nơi con người. Dù thấp hèn tội lỗi đến đâu, dù hung
hãn độc ác đến đâu, mỗi một con người đều là hình ảnh cao vời của Thiên Chúa, mỗi
một con người đều xứng đáng để tiếp tục tin tưởng, được yêu thương.
Tin tưởng phó thác nơi
Thiên Chúa, tin yêu nơi con người, chúng ta cũng được mời gọi để không thất vọng
về chính bản thân. Ðau khổ có chồng chất, tội lỗi có ngập tràn, mỗi người chúng
ta vẫn là đối tượng của một tình yêu cá biệt... Thiên Chúa yêu thương tôi,
Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi những gì là thiện hảo nhất: đó phải là tư tưởng
cơ bản hướng dẫn tất cả Mùa Vọng của chúng ta. Từ bên cánh cửa sổ của tâm hồn
nhìn vào cuộc đời, chúng ta hãy nhận ra những vì sao của hy vọng, những cánh đồng
xanh tươi của lạc quan.
Trích sách Lẽ Sống
Lectio Divina:
Mátthêu 15:29-37
Thứ Tư, 6 Tháng 12, 2017
Thứ Tư Tuần thứ nhất Mùa Vọng
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi dân tộc,
Chúa biết người ta đói khát sự thật, yêu thương và sự tán thưởng như thế
nào.
Nếu chúng con chấp nhận và tin tưởng vào Chúa,
Chúng con sẽ thấy được niềm tin sâu xa nhất và những khát vọng của chúng
con
Được thực hiện bởi tay Chúa
Như khi chúng con làm việc cho Nước Chúa đang đến.
Xin Chúa hãy giúp chúng con để chén mà Chúa ban cho chúng con
Được tràn đầy trên tất cả mọi dân tộc của Chúa,
Để cho tất cả mọi người có thể ngợi ca Chúa
Bây giờ và mãi mãi.
2.
Phúc Âm – Mátthêu 15:29-37
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân
chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người
khác, và đặt họ dưới chân Người. Người
đã chữa lành họ: dân chúng kinh ngạc
nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn
vinh Thiên Chúa Israel. Còn Chúa Giêsu
kêu gọi các môn đệ mà phán: “Ta thương
xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn: Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu
dọc đường.” Các môn đệ thưa Người: “Chúng con lấy đâu cho đủ bánh trong hoang địa
này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no.”
Chúa Giêsu nói với họ: “Các ngươi
có bao nhiêu chiếc bánh?” Họ thưa: “Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ.” Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ
ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no và mảnh vụn còn lại, người
ta thu lượm được bảy thúng đầy.
3.
Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay giống như buổi bình minh. Vẫn luôn cùng một vầng thái dương, mỗi ngày,
làm vui mừng đời sống và làm cho cây cối xanh tươi. Điều nguy hiểm lớn nhất là thói quen. Thói quen giết chết Tin Mừng và dập tắt mặt
trời của sự sống.
- Các yếu tố tạo thành hình ảnh của
Tin Mừng luôn giống nhau: Chúa Giêsu,
núi, biển, đám đông, người bệnh, kẻ nghèo khó, các vấn đề của cuộc sống. Dù rằng dữ kiện về các điều này rất phổ quát,
giống như mặt trời mỗi ngày, nhưng cùng những yếu tố này luôn mang lại một
thông điệp mới.
- Giống như ông Môisen, Chúa
Giêsu đi lên núi và dân chúng tụ tập xung quanh Người. Họ đem theo những vấn nạn của họ: người bệnh, kẻ què, người mù, người câm, kẻ
điếc, và rất nhiều vấn nạn… Không chỉ những
vấn nạn lớn mà cũng có những chuyện nhỏ.
Họ là sự khởi đầu cho Dân Riêng mới của Chúa, là những người tụ tập xung
quanh ông Môisen mới. Đức Giêsu chữa
lành cho tất cả bọn họ.
- Chúa Giêsu gọi các Môn Đệ. Người thương xót dân chúng là những người
không có gì để ăn. Theo ý kiến của các
môn đệ, giải pháp phải đến từ bên ngoài:
“Lấy đâu cho đủ bánh mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” Theo ý kiến của Chúa Giêsu, giải pháp phải đến
từ phía dân chúng: “Các ngươi có bao
nhiêu chiếc bánh?” “Có bảy chiếc bánh và
ít con cá nhỏ”. Với vài chiếc bánh và ít
cá nhỏ này, Chúa Giêsu cho mọi người ăn no nê, và thế mà vẫn còn dư một số bánh
vụn. Nếu ngày nay mọi người chia sẻ những
gì họ có, thì trên thế giới sẽ không còn nạn đói. Nhiều khi sẽ còn dư là khác! Quả thật, một thế giới khác là điều có thể!
- Câu chuyện bánh hóa ra nhiều gợi
nhớ đến Bí Tích Thánh Thể và mặc khải giá trị của Bí Tích khi nói rằng: “Chúa Giêsu, cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và
trao cho các Môn Đệ”.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Chúa Giêsu chạnh lòng thương
xót. Khi đối mặt với những vấn đề của
nhân loại, có lòng thương xót nào trong tôi không? Tôi có làm một điều gì đó cho các vấn đề ấy
không?
- Các Môn Đệ mong muốn giải pháp
phải đến từ bên ngoài. Chúa Giêsu đòi hỏi
giải pháp phải đến từ bên trong. Còn tôi
thì sao?
5. Lời
nguyện kết
Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
(Tv 23)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét