01/02/2018
Thứ Năm đầu tháng, tuần 4 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm
II): 1 V 2, 1-4. 10-12
"Cha sắp bước
vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh
nam nhi".
Trích sách Các Vua quyển
thứ nhất.
Gần ngày băng hà,
Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: "Cha sắp bước vào con đường
chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ
các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy
tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi
chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm,
để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: "Nếu con cái ngươi tuân
giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì
ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel".
Vậy vua Ðavít yên giấc
với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm vua Israel được bốn
mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba
mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10.
11ab. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài (c. 12b).
Hoặc đọc: Giàu sang là
của Chúa, và vinh quang là của Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Ðavít đã
chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy Chúa là
Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn
muôn thuở". - Ðáp.
2) Lạy Chúa, cao sang,
quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả
những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa ngự trên tất cả
những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. - Ðáp.
4) Chúa thống trị trên
tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi
uy phong và vững bền.- Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống
đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu
sai các ông đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi
mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên
các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy,
không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng
mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho
đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy
ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng
sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sứ mệnh tông
đồ
Một tôn giáo chỉ tồn
tại, nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người gia nhập. Kitô giáo do Chúa
Giêsu thiết lập cũng nằm trong diện đó. Dưới con mắt Chúa, mỗi linh hồn đều có
giá trị như nhau và mỗi người đều được sai đi tìm những con chiên lạc và dẫn
chúng về đồng cỏ xanh tươi. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người,
không phải để bị vất vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu vào kho lẫm. Do
đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến thế gian chính là đem Tin Mừng cứu độ
cho mọi người.
Từ trước tới giờ, Ngài
vẫn làm việc đó một mình, nhưng nay vì tính cách khẩn thiết của việc tông đồ,
Ngài cần có những con người cộng tác: Mùa gặt bề bộn, mà thợ gặt thì ít. Sứ mệnh
tông đồ từ nay được trao cho họ. Sứ mệnh đó thật cao cả và cấp bách, vì thế
Chúa đòi hỏi nơi họ sự thoát ly trọn vẹn, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa
quan phòng. Ra đi một cách thảnh thơi, không bồn chồn, không bối rối, không bận
tâm đến bị, đến tiền. Không những thế, họ còn phải hy sinh tất cả cho sứ mệnh,
đo lường mọi sự theo lợi ích của Nước Thiên Chúa. Họ chấp nhận giao tiếp với thế
gian nếu đó là cơ hội để phổ biến sứ điệp, họ không mưu cầu tư lợi, nhưng dũ bỏ
hết những gì không liên quan đến sứ mệnh, chỉ như thế, họ mới có thể đạt tới
trình độ siêu thoát và dễ dàng chinh phục các linh hồn về cho Nước Chúa.
Mỗi người chúng ta
cũng được kêu gọi vào sứ mệnh tông đồ, chúng ta có ý thức sứ mệnh cao cả ấy
không? Các linh hồn được cứu rỗi hay bị luận phạt, một phần lớn tùy thuộc vào đời
sống của chúng ta. Ðiều đó có thể làm chúng ta run sợ, nhưng nếu chúng ta nhiệt
tâm mở rộng Nước Chúa nơi các tâm hồn, chúng ta sẽ được an tâm, không ai có thể
trách chúng ta đã đùa giỡn với số phận đời đời của họ, và các linh hồn sẽ là
triều thiên cho chúng ta trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.
Chúng ta hãy sống kết
hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không
bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng ta càng có khả
năng chu toàn bổn phận người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy chắc chắn chúng
ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt tình cho Nước
Chúa trị đến.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 4 TN
Bài đọc:
I Kgs 2:1-4, 10-12; Mk 6:7-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vâng lời những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả
lớn lao.
Để một người có thể hy
sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người
nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người
học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có
ngày ra trường thành tài.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong Bài đọc I, năm chẵn,
vua cha David, sau khi đã trải qua mọi sự trong cuộc đời, muốn truyền lại cho
con là Solomon hai điều: kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các
ông đừng chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có
nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của
con.
2.1/ Phải biết kính sợ
Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy dỗ.
(1) Kinh nghiệm của
cha mẹ là kho tàng khôn ngoan vô giá: Tục ngữ Việt-nam dạy: "Cá không ăn
muối cá ươn; con cãi cha mẹ trăm đường con hư." Khi dạy những lời này, chắc
chắn cha mẹ đã dùng những kinh nghiệm huy hoàng cũng như đau thương của mình, để
truyền lại cho con cái, vì họ yêu thương con cái. Đọc trình thuật của vua David
hơn tuần qua, một người nhận ra ngay vua David đã có quá nhiều kinh nghiệm
thành công cũng như đau thương trong cuộc đời. Khi vua đi theo đường lối của
Thiên Chúa, vua gặt hái được hết thành công này đến thành công khác. Khi vua lầm
lẫn làm theo ý mình, biết bao đau thương đã xảy ra cho cá nhân, gia đình, và quốc
gia. Giờ đây khi sắp từ giã cuộc đời, vua muốn truyền hết kinh nghiệm cho con
mình là Solomon. Vua David hy vọng Solomon sẽ không lầm lẫn đi vào bước chân tội
lỗi của vua; nhưng luôn biết kính sợ và vâng lời Thiên Chúa.
(2) Những thái độ hiểu
biết sai lầm về những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của cha mẹ:
Nhiều người nông nổi
cho rằng nếu làm theo những lời dạy dỗ này, họ sẽ bị hạ giá hay tự do của họ sẽ
bị giới hạn; nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu không làm theo, họ sẽ phải trả một
giá đắt để học được kinh nghiệm của cha mẹ. Luật lệ của Thiên Chúa ban ra vì
Ngài yêu thương và muốn bảo vệ con người. Có người ví luật lệ như hàng rào để bảo
vệ con người khỏi những nguy hiểm từ bên ngoài đưa tới; nếu con người vượt ra
ngoài hàng rào luật lệ, đau khổ và chết chóc sẽ xảy đến cho con người. Luật lệ
của Thiên Chúa không giới hạn tự do của con người; nhưng bảo vệ và chỉ đường
cho con người để đừng rơi vào bẫy của ma quỉ và làm nô lệ cho chúng.
2.2/ Tuân giữ những gì
Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.
(1) Thành công trong mọi
công việc: Thiên Chúa là Người duy nhất thấy được mọi sự tương lai; đó là lý do
Ngài truyền cho con người những gì phải làm để bảo đảm thành công và tránh khỏi
mọi nguy hiểm. Nếu con người chịu vâng lời Thiên Chúa, họ sẽ "thành công
trong mọi việc họ làm và trong mọi hướng họ đi;" nhưng nếu họ cãi lời
Thiên Chúa và làm những gì họ nghĩ, tai ương và đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra,
như đã từng xảy ra cho David và các nhân vật trong lịch sử. Trình thuật hôm nay
kết thúc bằng câu "vua Solomon ngự trên ngai vua David, thân phụ ông, và
vương quyền của ông thật là vững chắc," như một lời bảo đảm cho Solomon nếu
ông theo lời vua cha và đi trong đường lối của Thiên Chúa.
(2) Lời hứa của Thiên
Chúa sẽ không bao giờ vô hiệu: Đọc lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm nhiều
giao ước với các tổ phụ và Ngài không bao giờ vi phạm. Trong giao ước với vua
David, Thiên Chúa hứa: "Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo là hết lòng hết
dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự
trên ngai Israel." Giao ước thường bị vi phạm từ phía con người, qua việc
họ không thi hành những gì Thiên Chúa truyền. Dù con người vi phạm nhiều lần,
tình thương Thiên Chúa vẫn thắng vượt tội lỗi con người, Ngài tìm dịp để đưa
con người ăn năn trở lại và giao ước được tiếp tục hiệu nghiệm.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với 2 lời truyền:
3.1/ Hành trang mang theo
trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các
ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực,
bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Có nhiều cách giải
nghĩa lệnh truyền này của Chúa, nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các tông-đồ
phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá
quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin
tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng
công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những
người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng,
các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới.
Cám dỗ về lợi lộc vật
chất thường xuyên đe dọa những người rao giảng Tin Mừng. Nếu không biết chống
trả, họ sẽ chỉ làm những việc gì mang lại lợi nhuận vật chất; chứ không rao giảng
cách nhưng không như Chúa Giêsu đòi hỏi. Thay vì chú trọng đến phần rỗi linh hồn
của đàn chiên, họ lại chú trọng đến lông chiên và thịt chiên. Khi người rao giảng
bắt đầu chú trọng đến lợi nhuận vật chất, lời rao giảng của họ sẽ không còn hiệu
quả nữa.
3.2/ Thái độ của người
rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu,
khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người
ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ
ý phản đối họ."
Cùng một lối giải
thích như trên, người tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ
không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người tông-đồ nhắm
đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc
hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những
người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong
mùa gặt.
Những việc làm chính của
các tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (2) Trừ
quỷ: Giúp con người thóat khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho ma quỉ, để sống đời
sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu cho nhiều người
đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có một lý
tưởng cao cả để theo đuổi là được đoàn tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác
trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh
để chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng. Chúng ta không
thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau,
vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm sẽ
mất tất cả.
- Lời của Thiên Chúa
là đèn soi cho chúng ta tất cả những nguy hiểm của cuộc đời. Chúng ta đừng
khinh thường để rồi bị sa vào những chước cám dỗ của ma quỉ và làm nô lệ cho tội
lỗi. Kinh nghiệm của cha mẹ và những người đi trước là những bài học quí giá
cho chúng ta học hỏi, để khỏi phải trả giá nặng nề như họ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
01/02/18 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,7-13
HỌC LÀM TÔNG ĐỒ VỚI CHÚA
Chúa Giê-su gọi Nhóm Mười
Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. (Mc 6,7)
Suy niệm: Các
tông đồ đã được Chúa kêu gọi để ở với Ngài, nay đã đến lúc họ được sai đi, tiếp
nối công việc của Ngài. Chúa giao cho ba việc: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ và
chữa lành bệnh tật. Thói thường người ta vẫn hiếu kỳ, nghe đâu có chuyện lạ liền
đổ xô đến. Đối với Chúa Giê-su ưu tiên hàng đầu không phải là đánh vào tính hiếu
kỳ mà là rao giảng Tin Mừng. Trừ quỷ, chữa bệnh cũng như các phép lạ khác chỉ để
minh hoạ cho lời rao giảng mà thôi. Nước Trời đã gần đến, “rao giảng, kêu gọi
người ta ăn năn sám hối” là việc hết sức cần kíp, không được để những bận tâm
khác làm cản trở. Vì thế, Chúa ban những chỉ thị cần thiết: hành trang gọn nhẹ,
làm việc tập thể chứ không hành động đơn độc, điều quan trọng khác cũng cần biết
trước: đó là người rao giảng có thể sẽ gặp thất bại.
Mời Bạn: Từ
khi nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được sai đi rao giảng Tin Mừng. Những
chỉ thị truyền giáo này cũng là dành cho bạn đó: “Không mang lương thực, bao bị,
tiền giắt lưng, không mặc hai áo…” những điều đó có ý nói gì trong sứ mạng của
bạn hôm nay? Bạn rao giảng lòng ăn năn sám hối thế nào, bằng lời nói hay bằng
cuộc sống? Bạn “giũ bụi chân” như thế nào khi lời rao giảng của bạn rơi vào cõi
không? Bạn làm chứng về Tin Mừng một mình riêng lẻ hay với cộng đoàn?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn cầu nguyện với Chúa và dâng
việc bạn sắp làm với ý hướng tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho
chúng con biết luôn thay đổi đời sống của mình để làm chứng về Tin Mừng cho mọi
người ở chung quanh.
(5 phút Lời Chúa)
Không được mang gì (1.2.2018 – Thứ năm Tuần 4 Thường niên)
Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo hội đến phục vụ con người, luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.
Suy niệm:
Đức
Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai
để
họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng và trừ quỷ (Mc 3, 14-15).
Bây
giờ, sau một thời gian sống gần gũi bên Thầy,
đã
đến lúc họ được sai đi để làm những điều họ thấy Thầy làm:
kêu
gọi người ta hoán cải, trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh nhân (cc. 12-13).
Các
môn đệ trở nên cánh tay nối dài của Thầy.
Họ
được Thầy Giêsu tin tưởng cho chia sẻ cùng một sứ mạng.
Các
môn đệ mang gì khi lên đường?
Một
lệnh sai đi, một người bạn đồng hành, một quyền lực trên thần ô uế.
Đức
Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa.
Tất
cả hành trang chỉ có thế!
Những
thứ bị cấm mang khi đi đường
là
những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết:
lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong.
Như
thế người được sai đi phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa lo liệu,
và
phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng tốt mỗi ngày của tha nhân.
Nhẹ
nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi.
Siêu
thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất.
Người
tông đồ cũng không dính bén đến cơ sở hay tiện nghi.
Họ
không tìm cách đổi chỗ ở để có chỗ tốt hơn (c. 10).
Hơn
nữa họ chấp nhận sự thất bại, sự từ chối không muốn đón tiếp (c.11),
vì
chính Thầy của họ cũng đã chịu cảnh ngộ tương tự ở quê nhà.
Nhóm
Mười Hai đã ra đi theo lệnh Thầy Giêsu
và
đã làm được những điều họ không dám mơ (cc. 12-13).
Họ
đã học được kinh nghiệm về tin tưởng, khó nghèo, siêu thoát.
Họ
đã thấy sức mạnh của Nước Trời đang thu hẹp lại mảnh đất của Satan.
Họ
đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân và người khao khát Tin Mừng.
Giáo
Hội mọi thời vẫn được nhắc nhở từ đoạn Lời Chúa trên đây.
Chẳng
ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ.
Sự
nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo hội đến phục vụ con người,
luôn
kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.
Hôm
nay Chúa cho phép tôi được mang gì
và
cấm tôi mang gì?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đuờng
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm
đuợc những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ
quỷ,
chữa lành những người ốm
đau.
Xin cho chúng con biết
chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người
tìm đuợc viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói
về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả
năng
đẩy lui bóng tối của sự
dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau
khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể
xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá
nhỏ.
Xin dạy chúng con biết
nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đuờng,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG HAI
Sức Mạnh Giấu Ẩn
Trong Sự Bất Lực
Thiên Chúa hiện diện ở
giữa mọi nền văn hóa của con người, bởi vì Ngài hiện diện nơi chính con người –
là tạo vật mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa không ngừng hiện
diện nơi những ai – bằng kinh nghiệm và bằng cảm hứng của mình – đóng góp vào
việc hình thành những giá trị, những tập tục và những cơ chế làm nên di sản văn
hóa của toàn thế giới này.
Nhưng vị Vua Vinh Hiển
còn muốn đi vào trong những nền văn hóa này bằng một cách thế trọn vẹn hơn nữa.
Ngài muốn đi vào trong cung lòng của bất cứ ai sẵn sàng mở rộng để đón nhận
Ngài: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên! Cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức
Vua vinh hiển ngự vào!” Trong biến cố dâng Đức Giêsu vào đền thờ, Thiên Chúa đã
vào đền thánh của Ngài trong tư cách là “Vua Vinh Hiển”.
Nhưng – “Đức Vua vinh
hiển đó là ai?” (Tv 24, 7 – 8). Lễ Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thờ trao cho chúng
ta câu trả lời. Chúng ta nhìn ngắm Maria và Giu-se ẵm một hài nhi vào đền thờ
Giê-ru-sa-lem. Hôm ấy là bốn mươi ngày sau biến cố hài nhi chào đời.
Và hai người đã trình
diện hài nhi cho các tư tế trong đền thờ để chu toàn lề luật. Nhưng, với thái độ
tuân phục ấy, hai người đang chu toàn một cái gì đó còn hơn cả lề luật. Mọi sấm
ngôn thuở xưa giờ đây đang được hiện thực trọn vẹn, vì Maria và Giu-se đang
mang vào đền thờ “ánh sáng của mọi dân tộc.”
Thiên Chúa đi vào đền
thánh không phải trong tư cách của một đấng quyền lực mạnh mẽ, nhưng là trong
dáng dấp của một em bé trên đôi cánh tay mẹ mình. Vua Vinh Hiển không đến trong
uy phong lẫm liệt của nhân loại, không rình rang đình đám ồn ào. Ngài không gây
giật gân, khiếp hãi. Ngài vào đền thờ vẫn với cung cách như khi Ngài vào thế giới:
là một bé thơ. Ngài vào đền thờ trong lặng lẽ, nghèo hèn, và hiện diện với Ngài
là những kẻ nghèo hèn và những người khôn ngoan.
Hạnh Các Thánh
1 Tháng Hai
Thánh Ansgar
(801 - 865)
Thánh Ansgar sinh trưởng
trong một gia đình quý phái gần Amiens, sau đó trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức
ở Corbie. Ba năm sau, ngài tháp tùng Vua Harold của Ðan Mạch trở về nước sau thời
gian lưu đầy và ngài đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây. Tuy nhiên không
đạt được những thành quả đáng kể. Vua Bjorn của Thụy Ðiển xin các nhà truyền
giáo đến hoạt động, và Thánh Ansgar đã đến đây, phải chịu đau khổ vì nạn hải tặc
và những gian truân trên đường. Ngài thành lập Giáo Hội Kitô Giáo đầu tiên ở Thụy
Ðiển. Chưa đầy hai năm sau, ngài được gọi về để làm tu viện trưởng ở New Corbie
và là Ðức Giám Mục đầu tiên của Hamburg. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IV đặt ngài
làm Ðại Diện Tòa Thánh ở các quốc gia Scandinavia. Sau khi hoàng đế Louis từ trần,
ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt. Và sau 13 năm gầy dựng
Hamburg, Thánh Ansgar phải chứng kiến cảnh tàn lụi của giáo phận khi giặc
Northmen xâm lăng vào năm 845; nước Thụy Ðiển và Ðan Mạch lại trở về ngoại
giáo.
Khoảng năm 848, ngài
được bổ nhiệm là Ðức Tổng Giám Mục của Bremen, và Ðức Giáo Hoàng Nicôla I đã
sát nhập Hamburg vào làm một với Bremen. Bởi đó, Thánh Ansgar lại trở lại Thụy
Ðiển và Ðan mạch để phát động công cuộc truyền giáo khác và đã thành công trong
việc hoán cải Erik, Vua của Jutland.
Nhật ký của Thánh
Ansgar để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục
khiêm tốn và khổ hạnh. Ngài tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương
Ðức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân. Ngài từ trần cách êm ái ở
Bremen, nước Ðức, mà không đạt được ước nguyện là được tử đạo.
Sau khi ngài từ trần,
cả vùng Scandinavia lại rơi vào tay ngoại giáo mãi cho đến hai thế kỷ sau. Tên
của ngài có khi còn được viết là Anskar.
Trích từ
NguoiTinHuu.com
1 Tháng Hai
Rừng Mắm
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Rừng
Mắm", cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu
đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:
- Cây mắm sao con không nghe nói đến
bao giờ?
- Con không nghe nói vì cây mắm không
dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.
- Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ
vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?
Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi
thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ
thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một
mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm,
đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu,
Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: "Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam
trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần
rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng
không uổng đâu con".
Mỗi
lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi: "Tôi đã làm gì được
cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?". Ý nghĩ về sự vô tích sự của mình
có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng cay, thất vọng.
Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện trên đây. Cần
phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó cây tràm và
các lọai câu khác mới có thể mọc lên.
Mỗi
một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu,
cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ
đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên.
Ước
gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính bản
thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một chỗ
đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu sót của
người khác.
Với
ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân, cảm
mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm tạ
ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu dụng
trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét