07/01/2018
Chúa Nhật Chúa Hiển Linh năm B
(Phần I)
Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
"Vinh quang
Chúa xuất hiện trên ngươi".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Hãy đứng lên, hãy toả
sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã
bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc
địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy,
vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự
sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên
chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến
với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng
dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn
coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những
kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay
ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ
Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và
họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8.
10-11a. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa
(x. c. 11b).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử,
để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách
chính trực. - Ðáp.
2) Sự công chính và nền
hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng
không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông
cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.
3) Vì người sẽ giải
thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai
giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng
sống kẻ cùng khổ. - Ðáp.
4) Chúc tụng danh người
đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ
đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a.
5-6
"Bây giờ được
tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, (chắc)
anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho
anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà
con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho
các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin
Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần
với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 2, 2
Alleluia, alleluia! -
Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để
triều bái Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 2, 1-12
"Chúng tôi từ
phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ
tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông
phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện
đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng
tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả
Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật
sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng:
"Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi
nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì
của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi
Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm
triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện
ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn
thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng
đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ
xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ
Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ
đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người.
Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.
Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở
về xứ sở mình.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hạnh Phúc Của
Dân Chúa
Câu chuyện các nhà đạo
sĩ đi thờ lạy Chúa vừa hay vừa dễ hiểu; nhưng không phải vì vậy mà hôm nay Lễ
Ba Vua, cho dù chúng ta muốn đồng hóa các đạo sĩ với ba vua. Phúc Âm không nói
rõ con số người đi thờ lạy Chúa và nhất là những người ấy không nhất thiết phải
là vua. Có lẽ họ là những nhà chiêm tinh. Nhưng vì bài Tin Mừng kể họ dâng 3 thứ
lễ vật, nên người ta đã muốn có mỗi người mang một thứ (?). Và khung cảnh câu
chuyện một phần đã xảy ra trong đền vua, nên dân chúng dễ coi họ là vua. Hơn nữa
Thánh vịnh 72 nói đến các vua Tarsis, Ảrập và Saba đến dâng lễ cho Chúa, lại
thêm một cớ cho người ta khẳng định các người đến thờ lạy Chúa trong câu chuyện
hôm nay là các vua.
Dù sao, nếu hiểu lễ
hôm nay là lễ kính nhớ câu truyện các vua đi thờ lạy Chúa, thì không đúng tí
nào. Ngay từ đầu, Phụng vụ đã gọi tên ngày lễ hôm nay là Hiển Linh, tức là Chúa
vinh hiển hiện ra, tỏ mình cho chúng ta, mà việc soi sáng cho lương dân đến thờ
lạy chỉ là một diện, mặc dầu là diện quan trọng hơn cả. Như vậy Chúa đã hiển
linh khi giáng sinh, để cho người ta thấy Người nơi máng cỏ; Người đã hiển linh
cho các mục đồng và Người cũng đã hiển linh trong ngày chịu cắt bì và nhận Tên
là Yêsu. Nhưng hôm nay Phụng vụ nhấn mạnh đến việc Người tỏ mình ra cho lương
dân. Mà vì Giáo hội gồm hầu hết các dân tộc trước kia là lương dân, nên Giáo hội
mừng lễ này thật lớn, vì thấy Chúa thương yêu mình quá đỗi.
A. Hạnh Phúc Của Dân
Chúa
Hai bài đọc Kinh Thánh
đầu tiên nói lên hạnh phúc của Dân Chúa. Isaia say sưa nhìn ngắm vinh quang của
Yêrusalem. Ðang khi các dân tộc chìm đắm trong u tối, một mình Yêrusalem nổi
lên rực sáng. Không phải tự sức mình nhưng đó là ánh sáng của Chúa chiếu soi,
vinh quang của Người tỏa xuống. Các dân tộc liền châu về Yêrusalem: nào thuyền
bè từ đại dương, nào lạc đà từ sa mạc, chở muôn dân đến thờ lạy Chúa.
Isaia có bao giờ nhìn
thấy một cảnh tượng tưng bừng như thế không? Lịch sử Israel được mấy lúc như thời
Salomon, là vua mà bà Saba nghe tiếng đã tìm tới? Chắc chắn Isaia đã tiên báo về
thời cứu thế. Những lời tiên tri của ông sẽ chỉ thực hiện hoàn toàn khi, như lời
Chúa nói: người phương Ðông phương Tây sẽ tuôn vào Nhà Chúa, trong khi con cái
trong nhà sẽ bị đuổi ra ngoài. Chỉ trong ngày Chúa quang lâm mới thực hiện hoàn
toàn những lời tiên tri trên.
Nhưng hiện nay đã khởi
sự thực hiện rồi! Ngôi sao đã đứng lại trên nhà Hài Nhi ở; Yêrusalem bừng sáng
chính là con người Ðức Kitô mà các đạo sĩ đến thờ lạy; và việc muôn dân ngày
nay gia nhập Giáo hội để thờ lạy Chúa làm chứng Hội Thánh là Yêrusalem mới; mỗi
giáo đoàn, mỗi nhà thờ, mỗi người tín hữu - đền thờ của Chúa - là một Yêrusalem
được rực sáng nhờ mang trong mình sự thánh thiện của Chúa. Ðó là ân sủng đã được
ban phát cho ta, như lời thư Phaolô nói; và là mạc khải đặc biệt của Tân Ước.
Như vậy, khi nói đến hạnh
phúc của Dân Chúa, phải nghĩ đến vinh dự của người dân tín hữu của hết thảy
chúng ta, để mỗi người cảm mến hồng ân của Chúa đã đoái thương chọn mình làm
nơi cho Người hiển linh. Từ ngày chịu phép Rửa tội, mọi tín hữu đã được trao
cây nến cháy để trở thành ánh sáng của Chúa giữa thế gian, để nên Yêrusalem rực
sáng trước mắt tiên tri Isaia. Hôm nay chúng ta hãy nhận ra vinh quang của
mình, tức vinh quang của Chúa sáng trên ta, để chúng ta sáng lên trước mắt mọi
người.
Nhưng đặc biệt chúng
ta phải nghĩ đến Hội Thánh, đến các giáo hội và giáo đoàn. Chúng ta phải cầu
xin, phải xây dựng để mọi cộng đoàn Kitô giáo làm tròn sứ mệnh của mình; trở
nên các Yêrusalem rực sáng cho mọi người mang lễ vật đến thờ lạy Chúa, kết hợp
mọi dân vào gia nghiệp Lời Hứa. Và cho được như vậy, cho được có những Giáo hội
bừng sáng, phải có những đạo sĩ đi thờ lạy, phải có chúng ta nối tiếp truyền thống
các đạo sĩ. Và vì thế phải suy nghĩ câu truyện Tin Mừng hôm nay.
B. Các Ðạo Sĩ Ði Thờ Lạy
Chúa
Các bài tường thuật
trong Phúc Âm thường vắn tắt, không thỏa mãn mọi thắc mắc vụn vặt của ta. Các đạo
sĩ kia từ bên Ðông tới nhưng thuộc nước nào? Hêrôđê đã cặn kẽ hỏi họ về thời
gian ngôi sao đã hiện ra khi nào, nhưng thánh Matthêô không ghi lại câu trả lời.
Và nhất là làm sao họ đã nhận ra ngôi sao lạ đó, biết ngay là dấu chỉ một vua
Dothái mới sinh ra, và vì sao lại phải thờ lạy vua đó? Thánh Matthêô dường như
không để ý đến những chi tiết chúng ta vừa nêu lên. Ngài chỉ khẳng định một điều:
các đạo sĩ tin chắc chắn Hài Nhi mới sinh là Vua và là Chúa, tức là Chúa Cứu thế
mà muôn dân trông đợi. Thế nên họ đã mang theo vàng, nhũ hương và mộc dược làm
lễ vật. Ðó là những sản phẩm quý giá của miền Ảrập, dùng trong đền vua. Mà ở
phương Ðông, vua cũng là chúa nên đền vua sơn son thiếp vàng thường phảng phất
mùi hương. Và mộc dược được dùng trong việc ướp hoặc liệm xác các hoàng đế.
Các đạo sĩ tin như vậy
chỉ vì một ánh sao, đang khi các tư tế và luật sĩ Dothái có sách Thánh và thuộc
Thánh Kinh lại không nhận ra Chúa vừa giáng sinh. Ðó là điều thánh Matthêô muốn
nhấn mạnh trong bài trường thuật này, với một cảm tình chua chát trong lòng.
Ngài như muốn phác họa trước câu truyện tử nạn của Chúa ở đây. Hêrôđê đóng vai
chính quyền sẽ ra lệnh giết Chúa, nhưng chính hàng tư tế và luật sĩ sẽ cung cấp
cho ông tài liệu để thi hành tội ác kia. Trong khi đó, lương dân được Ơn Chúa
soi sáng, đã nhận biết Chúa và thờ lạy Người. Các đạo sĩ ở đây tiêu biểu cho họ.
Các ông diễn tả khuôn mặt đức tin của những người được Chúa kêu gọi và soi
sáng. Thấy ánh sao, các ông đã bỏ hết mọi suy nghĩ cũ kỹ, từ giã mọi sự để lên
đường hân hoan và đơn thật đến nỗi dường như không đoán biết ý đồ đen tối của
Hêrôđê, cũng như không ngần ngại sấp mình thờ lạy một Hài Nhi mà bề ngoài xem
ra chẳng có gì khác thường.
Chúng ta có thể bắt
chước niềm tin như vậy không?
C. Nếp Sống Ðức Tin
Không những chúng ta
có thể mà còn phải bắt chước niềm tin của các đạo sĩ, vì mục tiêu của ngày lễ
hôm nay là vậy. Chúng ta chỉ cần từ bỏ thái độ của hàng tư tế và luật sĩ Dothái
là có thể theo chân các đạo sĩ. Thật ra, nếu không cẩn thận, chúng ta luôn sống
như các tư tế và luật sĩ Dothái. Như họ, chúng ta có Thánh Kinh ở trong tay;
chúng ta thuộc giáo lý của Chúa nữa; ai hỏi chúng ta tư tưởng đạo đức nào,
chúng ta có thể trả lời ngay. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ thực hành, chẳng muốn
sống theo lời Chúa dạy bảo. Chúng ta chỉ muốn quên các đòi hỏi của Tin Mừng để
sống theo bản năng, dục vọng; cố gắng hưởng đời theo các phương tiện ích kỷ.
Chúng ta mất rồi lòng nhiệt thành của hồi được Chúa soi sáng, như khi rước lễ lần
đầu, chịu phép Thêm sức, hoặc Hôn phối, tĩnh tâm và được những ơn đặc biệt. Những
hồi ấy, chúng ta đã quên mình, chỉ nhiệt thành mến Chúa và muốn cứu giúp các
linh hồn, dấn thân xây dựng Giáo hội và xã hội theo công bình bác ái. Thái độ
nhiệt thành của những người mới theo đạo nhắc lại cho ta nhớ tâm tình và nếp sống
của mình trong những hồi sốt sắng kia. Và chắc chắn chúng ta phải công nhận con
người chúng ta lúc đó thật rực sáng, khác nào Yêrusalem được bừng sáng dưới
vinh quang của Chúa.
Xã hội mới đang thúc
giục ta từ bỏ con người và nếp sống cũ kỹ. Giáo hội Việt Nam đang muốn vươn lên
trong giai đoạn mới. Phụng vụ Thánh Thể luôn luôn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Phục
sinh, tức là sống lại, sống mới. Mỗi Thánh lễ là một cuộc hiển linh của Chúa. Ở
đây, hương nến đang mời chúng ta đến thờ lạy Chúa. Phụng vụ của chúng ta sẽ
chân thật, khi bắt chước các đạo sĩ, hôm nay chúng ta ra về "bằng con đường
khác", tức là vào đời với thái độ mới, nhiệt thành xóa bỏ cái cũ, xây dựng
cái mới để như lời thư Êphêsô: mọi dân, mọi người đồng thừa kế, đồng tham dự, đồng
chia sẻ Lời Hứa của Thiên Chúa nhờ Tin Mừng cứu độ của Ðức Yêsu Kitô.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật Lễ Hiển Linh, Năm
ABC
Bài đọc: Isa
60:1-6; Eph 3:2-3, 5-6; Mt 2:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Kitô là ánh sáng cho muôn dân.
Đứng trước cùng một biến
cố xảy ra, con người có những phản ứng khác nhau, tùy thuộc vào sự cần thiết và
hy vọng của con người: có người dửng dưng, có người đàn áp, và có người nhiệt
thành đón nhận. Biến Cố Nhập Thể của Đức Kitô cũng thế, dù được báo trước và dặn
phải chuẩn bị sẵn sàng, nhiều người Do-Thái vẫn không chuẩn bị để đón nhận Chúa
Cứu Thế; nhưng các Mục-đồng và Ba Nhà Đạo Sĩ từ phương xa nhiệt thành đi tìm và
họ đã tìm thấy Đấng Cứu Thế.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung vào Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah cho
thấy trước Ngày Thiên Chúa sẽ ban Ơn Cứu Độ của Ngài như vinh quang cho
Jerusalem và như ánh sáng cho muôn dân. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô nhắc nhở
cho các tín hữu của ngài về Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Theo Mầu Nhiệm
này, Thiên Chúa chọn Dân Do-Thái như Dân Riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra
đời; nhưng khi Ngài đến, Ngài sẽ ban Ơn Cứu Độ cho tất cả mọi người qua niềm
tin của họ vào Đức Kitô. Trong Phúc-Âm, Thánh Matthew tường thuật 3 phản ứng
chính của con người khi phải đối diện với Tin Mừng của Đấng Cứu Thế: thờ ơ lạnh
nhạt, lập kế tiêu diệt, và nhiệt thành đi tìm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Kitô là vinh quang của Israel và là ánh sáng cho muôn
dân.
1.1/ Sự sáng của Thiên
Chúa đã chiếu tỏa trên Jerusalem: “Đứng lên,
bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình
minh chiếu toả trên ngươi.”
Chương 60 của Sách
Tiên Tri Isaiah được viết sau thời gian Lưu Đày Babylon; lúc đó Jerusalem còn
là một thành trì hoang phế bởi chiến tranh. Vì thế, đọan văn này không có ý nói
về Thành Jerusalem cách thể lý, nhưng nói về một Jerusalem tinh thần, tượng
trưng cho dân tộc Israel. Người làm cho Jerusalem được đứng dạy, được bừng
sáng, là Thiên Chúa; chứ không phải dân tộc Israel. Ánh sáng và vinh quang của
Đức Chúa đây chính là Ơn Cứu Độ, mà Ngài đã hứa ban cho Jerusalem qua các
Tiên-tri. Ơn Cứu Độ nói tới ở đây không chỉ là việc giải thóat và cho dân
Israel được trở về Jerusalem từ chốn Lưu Đày Babylon; nhưng còn bao gồm cả việc
gỉai phóng Israel khỏi nô lệ của tội lỗi qua Đấng Thiên Sai.
Tác giả nêu bật sự
tương phản giữa ánh sáng của Jerusalem và bóng tối của chư dân qua câu: “Kìa
bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa
như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.” Trước khi Đấng
Cứu Thế xuất hiện, người Do-Thái quan niệm: chỉ có họ mới là Dân Riêng của
Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng Ơn Cứu Độ; còn tất cả các dân tộc khác (Dân
Ngọai) là những người ngồi trong bóng tối tăm sự chết, và không được hưởng Ơn Cứu
Độ. Bóng tối và mây mù tác giả muốn nói tới ở đây là việc không biết Thiên
Chúa, không biết Ơn Cứu Độ, và không sống theo đường lối của Thiên Chúa.
1.2/ Chư dân từ khắp nơi
sẽ tuôn đến Jerusalem: Nhưng một khi Đấng Cứu
Thế tới, mọi sự đều đổi khác: Ơn Cứu Độ không còn giới hạn trong dân tộc
Israel, nhưng mở rộng tới mọi dân tộc (còn được gọi chung là Dân Ngọai), như viễn
tượng mà Tiên-tri Isaiah đã nhìn thấy hôm nay: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng
của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến
bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con
trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.” Như đã nói ở
trên, ánh sáng của Jerusalem chính là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Ánh sáng này
soi tỏa cho các dân tộc trên địa cầu, và mọi người sẽ tuôn đến Jerusalem tinh
thần để được hưởng Ơn Cứu Độ này. Tiên-tri Isaiah liệt kê các thành phần tiến đến
Jerusalem bao gồm: (1) Các vua chúa của các quốc gia; và (2) các con trai và
các con gái. Các người con này không có liên hệ với Jerusalem bằng máu mủ,
nhưng bằng niềm tin vào Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Khi những điều này xảy
ra, Jerusalem sẽ tràn đầy niềm vui như Tiên-tri loan báo: “Trước cảnh đó, mặt
mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ
về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che
rợp đất, lạc đà Median và Ephah: tất cả những người từ Sheba kéo đến, đều mang
theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.”
Trong thế giới thời đó, giàu sang được đo lường bằng những đòan vật, và lạc đà
được coi là thú vật có giá trị nhất trong việc di chuyển đồ đạc qua sa mạc cho
các quốc gia vùng Trung Đông. Theo Sáng Thế Ký 25:4, Ephah là con trai của
Midian, và là cháu của Jokshan, cha của Sheba. Sheba ngày nay là Nước Yemen.
Vàng và nhũ hương là 2 món hàng đắt nhất thời bấy giờ. Điều này chúng ta sẽ đề
cập tới trong Phúc Âm, khi Ba Vua dâng những quà này cho Chúa Hài Đồng.
2/ Bài đọc II: Các Dân Ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người
Do-Thái.
2.1/ Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Hẳn anh em đã được
nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến
anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô như tôi vừa trình
bày vắn tắt trên đây.” Thánh Phaolô viết Thư này cho các tín hữu Philiphê, khi
ngài đang bị cầm tù tại Rome. Ngài nhắc lại cho họ biết về “kế họach ân sủng”
mà Thiên Chúa đã ủy thác cho ngài. Kế họach này bao gồm hai việc: biến cố trở lại
trên đường Damascus và sứ vụ rao truyền Tin Mừng cho Dân Ngọai được ủy thác cho
ngài. Giữa 2 biến cố này là khỏang thời gian Thánh Phaolô đi vào tĩnh tâm trong
sa mạc Arabia, để được Thiên Chúa mặc khải về mầu nhiệm Đức Kitô cho thánh
nhân. Sở dĩ có sự kiện này là vì Thánh Phaolô đã không được giao tiếp với Đức
Kitô như các Tông-đồ khác khi Chúa Giêsu còn sống trên dương gian.
2.2/ Dân Ngọai cũng được
thừa hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa: “Mầu
nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết,
nhưng nay Người đã dùng Thánh Thần mà mặc khải cho các thánh Tông-đồ và Tiên-tri
của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các Dân Ngoại
được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-Thái, cùng làm thành một thân thể và
cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” Qua những hàng vắn tắt này, Thánh Phaolô tường
thuật cho chúng ta biết 2 giai đọan chính của Mầu Nhiệm Cứu Độ: (1) Thiên Chúa
chọn Dân Do-Thái là Dân Riêng của Thiên Chúa để được huấn luyện và chuẩn bị cho
Đấng Cứu Thế đến; và (2) Khi Đấng Cứu Thế đến, Ơn Cứu Độ được lan rộng tới mọi
người qua việc rao truyền Tin Mừng và niềm tin của mọi người vào Đức Kitô. Qua
việc tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa, tất cả cùng được tháp nhập vào thân
thể của Đức Kitô.
3/ Phúc Âm: Con người phản ứng trước ánh sáng của Thiên Chúa.
3.1/ Con người buộc phải
có thái độ trước Tin Mừng về Đức Kitô: Thiên
Chúa có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho Ba Nhà Đạo Sĩ một mạch tới Bethlehem,
mà không cần phải đi qua Jerusalem; nhưng để cho mọi người cư ngụ tại Jerusalem
có cơ hội đồng đều để lắng nghe Tin Mừng, Ngài làm mất dấu ngôi sao để Ba Nhà Đạo
Sĩ phải vào Jerusalem để loan tin. Thánh Matthew tường thuật: “Khi Đức Giêsu ra
đời tại Bethlehem, miền Judah, thời vua Herode trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ
phương Đông đến Jerusalem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-Thái mới sinh, hiện ở
đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng
tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Herode bối rối, và cả thành
Jerusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các Thượng-tế và Kinh-sư
trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời:
"Tại Bethlehem, miền Judah, vì trong sách Tiên-tri, có chép rằng: "Phần
ngươi, hỡi Bethlehem, miền đất Judah, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của
Judah, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời."
3.2/ Ba phản ứng của con
người trước ánh sáng: Đứng trước Tin Mừng được
loan báo bởi Ba Nhà Đạo Sĩ, chúng ta tổng hợp được 3 thái độ chính của con người:
(1) Thái độ thờ ơ của
Dân Thành Jerusalem cách chung và của các Thượng-tế và các Kinh-sư nói riêng:
Thánh Matthew ám chỉ Dân Thành biết biến cố Chúa Cứu Thế ra đời trong câu:
“Nghe tin ấy, vua Herode bối rối, và cả thành Jerusalem cũng xôn xao.” Họ xôn
xao để tìm ra nơi chốn sinh ra của Đấng Cứu Thế, rồi âm thầm lên giường đắp
chăn ngủ tiếp! Họ có thể sợ vì trời tối, đường xa, và lạnh lẽo; nhưng đơn giản
là vì họ đã có mọi thứ và không cần tới Đấng Cứu Thế. Các Thượng-tế và các
Kinh-sư mang tội nặng hơn, vì họ là những người thông hiểu Kinh-Thánh và sự cần
thiết của việc Đấng Cứu Thế đến; nhưng họ dùng Kinh-Thánh để tìm ra và chỉ đường
cho người khác đến gặp Ngài; phần họ, gấp sách lại và từ chối không lên đường
đi tìm Ngài.
(2) Thái độ muốn tiêu
diệt ánh sáng của Vua Herode: Bấy giờ Vua Herode bí mật vời các nhà chiêm tinh
đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi
Bethlehem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và
khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Đã
không tiếp nhận ánh sáng, Vua Herode còn toan tính tiêu diệt ánh sáng. Trong cuộc
đời, chúng ta cũng gặp nhiều thái độ như Vua Herode. Họ muốn tiêu diệt ánh sáng
vì sợ ánh sáng sẽ phơi bày những ích kỷ, toan tính, và những xấu xa trong tâm hồn
của họ.
(3) Thái độ nhiệt
thành đi tìm ánh sáng của Ba Nhà Đạo Sĩ: Trớ trêu thay cho dân tộc Do-Thái, họ
trông chờ từng ngày từng giờ và chuẩn bị cho việc đón Đấng Cứu Thế ra đời;
nhưng khi Người xuất hiện, lại chỉ có Ba Nhà Đạo Sĩ là những người Dân Ngọai, từ
phương trời xa xôi đi tìm Người theo dấu một vì sao. Họ không sợ đường xa, trời
tối, nguy hiểm, gió lạnh mùa Đông, và nhất là theo dấu một vì sao mong manh. Họ
không nản lòng khi mất dấu ngôi sao, họ vào Thành Jerusalem với hy vọng sẽ tìm
được Ngài trong lịch sử. Và khi được hướng dẫn của Kinh Thánh (Micah 5:1), họ lại
tiếp tục lên đường. Họ mừng vui khi thấy ngôi sao tái xuất hiện, và họ đã thấy
Hài Nhi. Mở túi hành trang ra, họ dâng 3 lễ vật quí giá nhất cho Hài Nhi: vàng
chỉ sự thần phục Hài Nhi là Vua; nhũ hương chỉ sự thần phục Hài Nhi là Chúa; mộc
dược tiên báo trước Cuộc Thương Khó và cái chết của Hài Nhi. Sau đó, họ được
báo mộng là đừng trở lại gặp vua Herode nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đã tỏ
tình thương qua việc ban Người Con Một của Ngài cho chúng ta, phản ứng của
chúng ta làm sao khi lãnh nhận Tin Mừng này?
- Chúng ta có hăng hái
nhiệt thành lên đường đi tìm Ngài, hay ngại ngùng phải rời bỏ ốc đảo bình an của
chúng ta vì sợ nguy hiểm, tốn thời gian, và lười biếng?
- Rất nhiều lần chúng
ta đã quay lưng lại với sự thật và ánh sáng, không phải vì chúng ta không biết
đó là sự thật hay ánh sáng; nhưng chúng ta sợ: nếu chấp nhận sự thật, chúng ta
phải sống điều sự thật đòi hỏi; nếu phải đến gần ánh sáng, chúng ta phải bỏ những
tội lỗi mà chúng ta đã quá quen thuộc!
Chia sẻ
Đoạn Tin Mừng Lc 2,6b-20
vẽ lên ba bức tranh chính: (1) Đức Ma-ri-a hạ sinh Đức Giê-su ở Bê-lem. (2)
Chuyện những người chăn chiên được báo tin và tìm đến gặp Hài Nhi. (3) Lời ca
ngợi Thiên Chúa của các sứ thần.
Xin chia sẻ câu chuyện
về những người chăn chiên trong bức tranh thứ hai, liên quan đến các động từ
“nghe”, “thấy”, “nói” và “tôn vinh Thiên Chúa”. Có thể hành trình của những người
chăn chiên cũng là hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su qua mọi thời đại.
Bức tranh về nhân vật
những người chăn chiên thật sinh động. Sứ điệp mà sứ thần dành cho những người
chăn chiên là audio-visuel, nghĩa là vừa nghe bằng tai vừa thấy bằng mắt.
Trước hết những người
chăn chiên thấy sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả, khiến
họ kinh khiếp hãi hùng (2,9). Kế đến là họ nghe lời sứ thần với hai ý. Một là
báo tin vui: Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Thứ đến
là dấu chỉ để nhận ra Hài Nhi: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm
trong máng cỏ” (2,12). Như thế, lời loan báo của sứ thần không phải chỉ để nghe
cho biết, nhưng là một sứ điệp có khả năng biến “sợ hãi” thành “niềm vui”, có
khả năng biến “lời nói” thành “hành động”: đứng dậy và lên đường.
Đáp trả lời mời gọi,
những người chăn chiên bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy
ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (2,15). Họ đã “gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng
với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (2,16) như lời sứ thần loan báo. Nhờ kiểm chứng
“lời đã nghe” bằng “mắt” đã thấy”, những người chăn chiên xác tín sự kiện đã xảy
ra, từ đó trình thuật chuyển sang đề tài đối thoại với ba khía cạnh:
1) Đối thoại với người
khác. Những người chăn chiên đã kể lại những điều họ đã nghe sứ thần Chúa nói với
mình về Hài Nhi.
2) Đối thoại với chính
mình qua hình ảnh Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại
trong lòng. Tự đối thoại với chính mình bằng cách sống với biến cố, tự đặt câu
hỏi và tìm câu trả lời để hiểu ý nghĩa của biến cố.
3) Đối thoại với Thiên
Chúa bằng cách “tôn vinh và ca tụng” (2,20) như những người chăn chiên đã làm.
Câu kết cho thấy điểm
nhấn của câu chuyện: “Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng
Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với
họ” (2,20). Nhắc lại những gì đã thấy và lời loan báo để kết câu chuyện, làm lộ
ra ý nghĩa trình thuật nhắm tới:
Thấy vinh quang Chúa,
nghe tin vui và dấu chỉ của sứ thần, vội vã lên đường; khi đã gặp thì kể cho mọi
người biết và rồi lại ra đi tôn vinh Thiên Chúa.
Đó là hành trình của
người tin, hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su. Nghe, biết, đón nhận, tin
vào Người để rồi ra đi chia sẻ cho người khác và không ngừng ca tụng tình
thương của Thiên Chúa dành cho loài người.
Người chăn chiên là hạng
người thấp nhất trong xã hội, nhưng họ lại là người được loan báo tin vui trước
hết. Không những Thiên Chúa không loại trừ một ai mà Người còn dành ưu ái cho hạng
người thấp nhất trong xã hội. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính
mình hay nghĩ là Chúa bỏ rơi mình. Thực ra, chỉ có con người bỏ rơi Thiên Chúa
chứ Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người.
Đoạn Tin Mừng Lc
2,6b-20 gợi lại hành trình trở thành người môn đệ và hành trình sứ vụ của chúng
ta. Xin cho chúng ta biết cách nhìn để thấy những gì đã và đang xảy ra trong lịch
sử; biết cách lắng nghe Lời mặc khải để đón nhận tin vui trọng đại cho loài người,
để từ đó xác tín và lên đường, hân hoan loan báo tin vui và cất lời ca tụng
Thiên Chúa như những người chăn chiên đã làm. Để được như thế, ước gì chúng ta
luôn suy đi nghĩ lại trong lòng giáo huấn của Đức Giê-su trong suốt hành trình
làm người, như Mẹ đã làm./.
Giu-se Lê Minh
Thông, O.P.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
07/01/2018
CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH – B
Mt 2,1-12
Mt 2,1-12
THẤY CHÚA VÀ ĐẾN THỜ LẠY
“Chúng tôi đã
nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người.” (Mt 2,2)
Suy niệm: “Thấy” và “đến” là
hai hành vi đã thúc đẩy các nhà chiêm tinh dấn bước vào hành trình tìm kiếm Đấng
Cứu Thế. “Thấy ngôi sao”, hành vi không chỉ đơn thuần là những xung
động của giác quan mà còn bao hàm cả một quá trình suy tư, phân định để đi tới
nhận thức: đây chính là “ngôi sao của Ngài”. Lời trần tình của các
nhà chiêm tinh -“chúng tôi thấy” và “chúng tôi đến”- nghe thật
giản đơn và dễ dàng; thế nhưng, trong thực tế, họ đã phải trải qua biết bao gian
nan, nguy hiểm, có lúc đã tưởng chừng như tuyệt vọng, mới có thể “đến để
thờ lạy” Vị Vua mới sinh này.
Mời Bạn: Có những người, những việc tưởng chừng như rất gần ngay bên cạnh, ngay
trước mắt chúng ta nhưng thực ra lại cách xa ngàn trùng: thấy người bị tai nạn,
nhưng thật khó khăn để đến đem họ tới bệnh viện; thấy bất công, nhưng tranh đấu
cho công lý là cả một hành trình diệu vợi; thấy người nghèo đói, nhưng để giúp
đỡ họ đến nơi đến chốn là một con đường dài thăm thẳm; “Ngôi Lời đã đến
nhà mình” hơn hai ngàn năm qua, nhưng người nhà vẫn chưa đón nhận (x.
Ga 1,11). Phần bạn, bạn đã nhận ra “ngôi sao” của Ngài và mau
mắn đến thờ lạy Ngài với cả khối óc và con tim của bạn hay chưa?
Sống Lời Chúa: Hãy loan báo niềm vui cứu độ cho mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con mắt đức tin để con nhận ra “ngôi
sao” là những dấu chỉ của Chúa hiện diện nơi tha nhân và xin ban sức mạnh
thiêng liêng cho con để con mau mắn đến phục vụ Chúa ở nơi họ bằng những hành động
bác ái yêu thương.
(5 phút Lời Chúa)
NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG (7.1.2018 – Chúa nhật: Chúa Hiển linh)
Hãy để Chúa làm lung lay ngai vàng của bạn, đưa bạn vào sự bấp bênh, mong manh, để rồi cuối cùng bạn gặp được sự vững vàng trong Chúa.
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên nói về
các nhà chiêm tinh dân ngoại
theo ánh sao mà tìm đến
bái yết Hài Nhi
Một loạt câu hỏi thường
được đặt ra hôm nay.
Làm sao một ngôi sao có
thể dẫn đường cho họ đi?
Nếu đó là một ngôi sao
sáng lạ lùng
thì tại sao thành
Giêrusalem lại không nhận biết?
Bởi đâu ngôi sao lại
không đi thẳng tới Bêlem?
Có tin được chuyện ngôi
sao ngừng lại trước cửa nhà không?
Các câu hỏi trên đều xoay
quanh ngôi sao lạ.
Một ngôi sao như thế có
thật không
hay đây chỉ là một truyền
thuyết?
Thánh Mátthêu đã viết
đoạn Tin Mừng này
theo một thể văn đặc biệt
của người Do Thái.
Chúng ta không nên hiểu
mọi chi tiết theo nghĩa đen.
Ðiều quan trọng không
phải là có một ngôi sao lạ,
một ngôi sao thông minh
biết dẫn lối chỉ đường.
Ðiều quan trọng là điều
Mátthêu muốn nói với ta:
Ðức Giêsu không phải chỉ
là Mêsia cho dân Do Thái,
Ngài còn là Ðấng Cứu Ðộ
cho cả nhân loại.
Các nhà chiêm tinh là dân
ngoại.
Họ đại diện cho mọi dân
tộc, cho chính chúng ta.
Họ khao khát tìm ơn cứu
độ.
Qua những dấu chỉ kỳ diệu
hay đơn sơ trong vũ trụ,
họ nghe thấy lời mời gọi
lên đường.
Chấp nhận lên đường là
chấp nhận bỏ lại tất cả
và bước đi trong đêm tối.
Các nhà chiêm tinh không
dựa vào điều gì khác
ngoài ánh sao khi tỏ khi
mờ.
Cần có đức tin cứng cáp
mới dám dựa vào một dấu
chỉ mong manh như thế.
Cũng cần có đức tin mạnh
mẽ
mới dám tin rằng vị vua
mới sinh
đang khiêm tốn sống trong
một ngôi nhà ở Bêlem,
chứ không uy nghi ngự
giữa hoàng cung lộng lẫy.
Cần có một đức tin khiêm
tốn biết chừng nào
mới có thái độ sấp mình
bái lạy trước Hài Nhi,
và tiến dâng lễ vật quý
giá.
Thiên Chúa vẫn không
ngừng lôi kéo cả nhân loại
đến với Con Một của Ngài
là Ðức Giêsu Kitô.
Ngài vẫn không ngừng cho
những ánh sao dẫn đường.
Không phải là ánh sao
trên trời cao,
mà là ánh sáng Ngài gieo
vào lòng người.
Mỗi người chúng ta phải
trung thành với ánh sáng đó,
và bước vào cuộc hành
trình đức tin đầy mạo hiểm,
như các nhà chiêm tinh
ngày xưa.
Ðôi khi chúng ta có nét
giống Hêrôđê,
sợ hãi bối rối trước sự
xuất hiện của Ðấng Cứu Ðộ.
Hãy để Chúa làm lung lay
ngai vàng của bạn,
đưa bạn vào sự bấp bênh,
mong manh,
để rồi cuối cùng bạn gặp
được sự vững vàng trong Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng
con
ánh sáng mặt trời, mặt
trăng,
và ánh sáng từ những
nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con
là ánh sáng.
Đó là vinh dự
và cũng là một trách
nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất
vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong
lòng chúng con,
và biết vâng theo những
soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của
cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng
và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong
lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
7 THÁNG GIÊNG
Hành Trình Trực Chỉ
Giê-ru-sa-lem
Các nhà thông thái
phương Đông là những người ngoại giáo đầu tiên đón nhận mạc khải đức tin vào
Chúa Kitô. Họ là những người đầu tiên tiếp cận mầu nhiệm thừa tự mà Thiên Chúa
đã mở ra cho mọi người nơi Đức Giêsu Kitô: cuộc Nhập Thể của Con đời đời của
Thiên Chúa.
Mầu nhiệm ấy, nhờ Chúa
Thánh Thần vén mở, đã được các nhà thông thái tiếp cận ngay cả trước khi nó được
mạc khải cho các tông đồ – và ngay cả trước khi Tin Mừng được nhận biết như là
con đường dẫn tới đức tin. Nơi các nhà thông thái này, chúng ta tìm thấy một
hình mẫu của công cuộc tiền-Phúc-Âm hóa. Chúng ta thấy rõ linh hồn họ đã được
Thiên Chúa chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ. Đây cũng là một công trình của Chúa
Thánh Thần, Đấng mạc khải ý nghĩa của ánh sao mà các nhà thông thái đã dõi bước
theo trên hành trình trực chỉ Giê-ru-sa-lem. Aùnh sao ấy biểu trưng ý nghĩa rằng
ơn cứu độ của họ vẫn còn ở xa xa, réo gọi.
Trong ngày Lễ Hiển
Linh, phụng vụ của Giáo Hội cũng muốn dẫn dắt chúng ta trên hành trình của mình
tiến về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta hướng lòng về thành Thánh, “thành đô của Đại
Vương”. Cho dẫu cư dân Giê-ru-sa-lem không hề hay biết rằng vị Vua Vinh Quang
đã được sinh ra giữa họ, thì phần mình, chúng ta vẫn vui mừng hoan hỉ hướng về
thành Thánh. Bởi đó là ‘thành đô của Đại Vương’.
Hạnh Các Thánh
7 Tháng Giêng
Thánh Raymond ở Penafort
(1175 - 1275)
Ðược
Thiên Chúa cho hưởng thọ đến 100 tuổi, Thánh Raymond có cơ hội để thực hiện được
nhiều điều trong đời.
Là
một phần tử của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, ngài có đầy đủ tài nguyên và nền
tảng giáo dục vững chắc để bước vào đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã yêu quý
và sùng kính Ðức Mẹ. Vào lúc 20 tuổi, ngài dạy triết. Trong khoảng 30, ngài đậu
bằng tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Tuy nhiên, ngài đã từ bỏ tất cả để gia
nhập Dòng Thuyết Giáo (Ða Minh) và là một linh mục năm 47 tuổi. Ðức Giáo Hoàng
Grêgôriô IX gọi ngài về Rôma làm việc cho đức giáo hoàng và cũng là cha giải tội
cho người. Môät trong những điều đức giáo hoàng yêu cầu ngài thi hành là thu thập
tất cả các sắc lệnh của các giáo hoàng và công đồng trong 80 năm, kể từ lần sưu
tập sau cùng của Gratianô. Cha Raymond biên soạn thành năm cuốn sách được gọi
là "Bộ Giáo Lệnh" (Decretals). Những cuốn này được coi là bộ sưu tập
giáo luật có giá trị nhất của Giáo Hội mãi cho đến năm 1917 khi giáo luật được
hệ thống hóa.
Trước
đó, Cha Raymond đã viết một cuốn sách dành cho các cha giải tội, được gọi là
"Summa de Poenitentia et Matrimonio". Cuốn sách này không chỉ kể ra
các tội và việc đền tội, mà còn thảo luận các luật lệ và học thuyết chính đáng
của Giáo Hội liên hệ đến vấn đề hay trường hợp mà cha giải tội phải giải quyết.
Khi
Cha Raymond được 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Tarragona,
thủ phủ của Aragon nằm về phía đông bắc Tây Ban Nha. Ngài không thích vinh dự
này chút nào nên kết quả là ngài bị đau yếu và đã từ nhiệm sau đó hai năm.
Tuy
nhiên, ngài không được hưởng sự an bình đó bao lâu, vì khi 63 tuổi ngài được
anh em tu sĩ dòng chọn làm bề trên của toàn thể nhà dòng, chỉ sau Thánh Ða
Minh. Cha Raymond phải vất vả trong các công việc như đi thăm các tu sĩ dòng, cải
tổ lại hiến pháp dòng và cố đưa vào hiến pháp dòng điều khoản cho phép vị bề
trên có thể từ chức. Khi bản hiến pháp mới được chấp nhận, Cha Raymond, lúc ấy
65 tuổi, đã xin từ nhiệm.
Nhưng ngài vẫn còn phải làm việc trong 35 năm nữa để chống với bè rối và hoán cải
người Moor ở Tây Ban Nha. Và theo lời yêu cầu của ngài, Thánh Tôma Aquina đã viết
cuốn "Summa Contra Gentes".
Mãi
cho đến khi ngài được 100 tuổi thì Thiên Chúa mới cho ngài về hưu dưỡng. Năm
1601, Cha Raymond được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên xưng là thánh.
Lời Bàn
Thánh Raymond là một luật gia và là nhà giáo luật. Thói vụ luật (legalism) là một
trong những điều mà Giáo Hội cố tránh trong Công Ðồng Vatican II. Có sự khác biệt
lớn lao giữa các điều khoản với tinh thần và mục đích của luật lệ. Luật lệ tự
nó có thể trở thành cùng đích, do đó giá trị mà luật lệ muốn nhắm đến đã bị
quên lãng. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đừng ngả về thái cực bên kia,
coi luật lệ như vô ích hoặc cho đó là một điều tầm thường. Một cách lý tưởng,
luật lệ được đặt ra là vì lợi ích của mọi người và phải đảm bảo quyền lợi của mọi
người được tôn trọng. Qua Thánh Raymond, chúng ta học được sự tôn trọng luật lệ
như một phương tiện phục vụ công ích.
Lời Trích
"Ai ghét bỏ luật lệ thì không khôn ngoan, và sẽ bị nghiêng ngả như con tàu
giữa cơn phong ba" (Sách Huấn Ca 33:2).
Trích từ NguoiTinHuu.com
7 Tháng Giêng
33 Năm Sau
Với
tựa đề "33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại như sau: "Những
gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do
Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc
hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ
dẫn ông đến hang đá Bêlem.
Câu
hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?". Làm cho nhà
vua bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết
định lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến
những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy.
Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua
biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm
thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử "tử
hình thập giá".
Thất
vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại
Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn
Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người. Tò mò
ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy
tên say rượu nói tầm xàm".
Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng
ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên
Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua
chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?". Ðại
diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: "Ngài đang ở
giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt,
là đôi tay, là đôi chân của Ngài".
Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một
lần nữa thổi tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần
này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người. Trong tâm hồn,
nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi
người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.
Câu
chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể
với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ðồng thời câu chuyện cũng
nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở
nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi
người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét