22/01/2018
Thứ Hai tuần 3 thường niên
Thánh Vinh Sơn, Phó tế, Tử đạo
Bài Ðọc I: (năm
II) 2 Sm 5, 1-7. 10
"Chính ngươi sẽ
chăn dắt Israel dân Ta".
Trích sách Samuel quyển
thứ hai.
Trong những ngày ấy,
toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: "Ðây chúng
tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng
tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng:
"Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh
Israel". Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron,
và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu
phong Ðavít làm vua Israel. Khi Ðavít lên làm vua, ngài được ba mươi tuổi, và
cai trị được bốn mươi năm. Tại Hebron, ngài cai trị Giuđa được bảy năm rưỡi.
Còn tại Giêrusalem, ngài cai trị toàn cõi Israel và Giuđa được ba mươi ba năm.
Nhà vua và tất cả quân
sĩ theo ngài kéo đến Giêrusalem, đánh đuổi dân cư Giêbusê. Người ta nói với
Ðavít rằng: "Ông đừng vào đây, bằng không những người mù què sẽ đánh đuổi
ông". Như thế có nghĩa là: "Ðavít sẽ không vào được nơi này".
Nhưng Ðavít đã chiếm đóng đồn Sion làm kinh thành của Ðavít.
Và Ðavít vào thành,
càng ngày càng trở nên cường thịnh, và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phù hộ
nhà vua.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 20.
21-22. 25-26
Ðáp: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người (c.
25a).
Xướng: 1) Xưa trong cuộc
thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: "Ta đội mão triều thiên cho vị
anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. - Ðáp.
2) Ta đã gặp Ðavít là
tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người
luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. - Ðáp.
3) Thành tín và ân sủng
của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Ta đặt
tay người trên mặt biển, và tay hữu người, Ta đặt lên sông ngòi. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! -
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 22-30
"Satan phải diệt
vong".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ
từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói
thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ". Khi đã gọi họ lại,
Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu
một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy
lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà
phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu
không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các
ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha
hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được
tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ nói "Người bị thần ô uế
ám".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tội ngoan cố
Hoạt động của Chúa
Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là
trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ
phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới
cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua
trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng
một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu
chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng
minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai
hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn
giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan
cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã
thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa
người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ
ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.
Trước những hành động
kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị
quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự
ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán
cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì
là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi
nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước
ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa
Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 3 TN2
Bài đọc:
2 Sam 5:1-7, 10; Mk 3:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đến để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của
ma quỉ.
Trong hành trình đi
tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là
đương sự cố tình ngoan cố trong sự sai trái của mình vì kiêu ngạo, lợi nhuận,
lười biếng... Những nguyên do này dễ dẫn đưa con người tới việc nói xấu, nói
hành, hay tố cáo người công chính.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con
người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm
chẵn, David thay thế Saul làm vua để bắt đầu một triều đại mới. Triều đại của
David là một triều đại huy hoàng nhất của Israel, vì nhà vua thống nhất tất cả
12 chi tộc của con cái Israel, và mở mang bờ cõi đất nước. Trong Phúc Âm, các
kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương
mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua David ngày càng mạnh
thế, và Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, ở với vua.
2.1/ David được mọi chi tộc
Israel tôn làm vua tại Hebron: Một trong những
lý do đe dọa sự hiệp nhất quốc gia là tính kiêu hãnh cá nhân, làng mạc, hay xứ
sở. Trong lịch sử Do-thái, nhiều lần sự hiệp nhất bị đe dọa vì lý do này. Ví dụ,
ngay sau khi vua Saul băng hà, cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc đã xảy ra. Sau
thời vua Solomon, lãnh thổ bị phân chia làm hai: miền Bắc là vương quốc Israel,
đặt thủ đô tại Samaria; và miền Nam là vương quốc Judah, đặt thủ đô tại
Jerusalem.
David thuộc chi tộc của
miền Nam và thường bị coi nhẹ bởi các chi tộc của miền Bắc. Sự kiện Thiên Chúa
chọn David, một chi tộc nhỏ bé của miền Nam, làm vua cai trị Israel, chắc chắn
sẽ gây ra ghen tị cho các chi tộc miền Bắc. Nhưng trong trình thuật hôm nay,
toàn thể các chi tộc Israel đến gặp vua David tại Hebron và thưa: "Chúng
tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Saul làm vua cai trị
chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Israel. Đức Chúa đã
phán với ngài: "Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là
người lãnh đạo Israel.""
Khi con người loại bỏ
được tất cả lý do đe dọa sự hiệp nhất như: kiêu hãnh, ghen tị, lười biếng, như
các kỳ mục của Israel hôm nay; họ nhận ra tất cả đều là đồng bào trong một nước,
cùng chung một "cốt nhục." Điều này dẫn tới sự hiệp nhất để cùng nhau
chung sức phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước. Toàn thể kỳ mục Israel và
vua David đã lập giao ước với nhau tại Hebron, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức
dầu tấn phong David làm vua Israel. "Vua David được ba mươi tuổi khi lên
làm vua, và trị vì bốn mươi năm. Tại Hebron, vua trị vì Judah bảy năm sáu tháng.
Tại Jerusalem, vua trị vì toàn thể Israel và Judah ba mươi ba năm."
2.2/ Vua David chiếm
thành Jerusalem và lập kinh đô tại đó: Jerusalem
là trung tâm quan trọng, không những về phương diện chính trị mà cả về phương
diện tôn giáo. Đền Thờ tương lai sẽ được thiết lập tại đây, và Jerusalem sẽ trở
thành nơi qui tụ các dân tộc trên mặt đất.
Jerusalem là một thành
nằm trên núi Sion, rất khó để đánh chiếm vì phải leo lên đỉnh núi. Đó là lý do
khi nghe tin vua David và người của vua tiến về Jerusalem đánh người Jebusites
là dân bản xứ, chúng nói với vua David: "Ông sẽ không vào đây được, vì người
mù người què sẽ đẩy lui ông." Nhưng vua David đã chiếm được đồn luỹ Sion,
và thành lập kinh đô tại đó. Jerusalem được mệnh danh là "Thành vua
David." Kể từ đó, thế lực của David càng ngày càng bành trướng; vì Thiên
Chúa ở với nhà vua.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của
Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ
Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do vì Chúa Giêsu đã quá yêu thương con
người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng; đến nỗi
Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ
kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các kinh-sư địa phương, họ buộc
tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
3.1/ Chúa Giêsu trả lời 2
tố cáo của họ:
(1) Bị quỷ vương
Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-thái Baalzebub. Trong
Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở
đây và trong Mt 10:25, nhưng không thông dụng bằng từ Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận
triệt tam: "một vật không thể vừa có vừa không một lúc;" điều này ám
chỉ Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn
mà nói với họ: "Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy
không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống
Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu
không thể bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để
tiêu diệt chúng và giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
(2) Dựa thế quỷ vương
mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là vua, người cai trị dân
chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với
quyền lực của nhà vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào
nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước
đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo
các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa
Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan,
huống hồ gì là các tay sai của nó. Vì thế, các tố cáo của các kinh-sư không có
lý do vững chắc.
3.2/ Tội phạm đến Chúa
Thánh Thần: "Tôi bảo thật anh em: mọi tội
của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến
mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng
đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời."
(1) Tội nào là tội phạm
đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài
là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa
Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật, hay
tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ:
trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền
năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được Chúa
Giêsu cắt nghĩa cẩn thận và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các kinh-sư
vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã
phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến
Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải nhận
ra những tội của mình, ăn năn sám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người
phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn
sám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người
thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và
không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố
như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Thượng
Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho
con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải với
nhau.
- Chúng ta phải suy
xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác, để tránh những mâu thuẫn và phán xét
không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tị và sợ người khác hơn
mình.
- Để xây dựng và bảo vệ
hiệp nhất, chúng ta cần loại bỏ các chủ nghĩa cá nhân, kiêu hãnh, tự mãn, lợi
nhuận, để cùng chung sức xây dựng lợi ích chung cho gia đình, cộng đoàn, và xã
hội.
- Chúng ta phải luôn mở
rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần bên trong. Đừng bao giờ cố tình tố cáo những người công chính.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
22/01/2018
THỨ HAI TUẦN 3 TN
Mc 3,22-30
Mc 3,22-30
BƯỚC ĐI TRONG THÁNH THẦN
“Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được
tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc
3,29)
Suy niệm: “Ta trở thành kẻ tự
kiêu, ngạo mạn và bất khoan dung, xấu xa hay lười biếng hoặc nhát sợ khi không
nhạy cảm với sự hướng dẫn của Thánh Thần trong ta” (C. Stanley). Thánh Thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn
ta nhận biết sự thật về Chúa, về mình để nhờ đó, ta có thể nhận lãnh ơn cứu độ,
sự tha thứ của Chúa. Khi không nhạy bén với sự soi sáng, hướng dẫn ấy là ta
khép lòng, từ chối sự tha thứ của Ngài, là liều mình sống trong tình trạng tội
lỗi. Khoa luân lý có đề cập đến lương tâm phóng túng là loại lương tâm phán
đoán lệch lạc: coi một tội là hợp pháp, hay tội nặng thành tội nhẹ; hoặc lương
tâm chai lỳ khi ta quá quen phạm tội nên không nhận thức được tội của mình nữa,
hoặc coi thường tội, dù là tội nặng.
Mời Bạn: Nhận ra sự soi sáng, thúc
đẩy của Thánh Thần để nhận biết sự thật về Chúa và về mình. Chúa là Cha nhân
lành yêu thương bạn; còn bạn là con cái, là thụ tạo do Ngài dựng nên, được bao
phủ bằng tình yêu thương của Ngài, nhưng bạn thường xúc phạm đến Ngài qua tội lỗi.
Nhận thức được sự thật ấy sẽ giúp bạn sống bình tâm trong thân phận thụ tạo và
con cái của mình.
Sống Lời Chúa: Tôi tập cảm thức về sự
hiện diện thánh thiêng của Thánh Thần nơi mình, để nghe theo sự soi sáng và
thúc đẩy của Ngài mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Thánh Thần, con xin lỗi Chúa vì con thường quên sự hiện diện gần gũi của Ngài
trong cuộc sống đời thường. Xin cho con mau mắn vâng theo lời dạy bảo của Ngài;
xin cho con đừng khép lòng trước những gợi ý dấn thân tích cực hơn trong việc sống
niềm tin trong đời sống. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Vào nhà một người mạnh (22.01.2018 – Thứ Hai Tuần 3 Thường niên)
Suy niệm:
Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),
nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.
Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bê-en-dê-bun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.
Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bê-en-dê-bun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.
Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện
và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,
đó là Xatan hay Bê-en-dê-bun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.
Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước :
từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,
rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện
và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,
đó là Xatan hay Bê-en-dê-bun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.
Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước :
từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,
rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.
Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.
Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.
Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),
nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bê-en-dê-bun,
thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.
Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bê-en-dê-bun,
thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.
Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG GIÊNG
Tin Mừng Lao Động
Lao động, đó trước hết
là một ơn gọi của con người. Lao động là dấu hiệu cho thấy bản tính của con người:
những hữu thể có lý trí! Mỗi người đều được ban cho trí tuệ và ý chí. Con người
được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – và được mời gọi làm chủ mọi tạo vật.
Để đáp trả tiếng gọi
này, chúng ta có mẫu gương tuyệt hảo là Đức Giêsu. Người đã lao động suốt ba
mươi năm hàn vi ở thị trấn nghèo Na-da-rét, với Thánh Giu-se, trong nghề thợ mộc.
Ba mươi năm âm thầm
này – và cái nghề rất đỗi khiêm hạ này trong cuộc đời của Đức Giêsu – có chất
chứa một sứ điệp nào đó gọi mời chúng ta học hỏi. Ba mươi năm ấy, có thể nói,
là trường đào tạo chàng trai Giê-su: càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, và
càng dồi dào ân sủng. Con Thiên Chúa – là Con Người – đã đảm nhận lấy lao động,
một loại lao động cơ bản, là chính tiếng gọi mà Thiên Chúa đã ủy trao cho con
người ngay từ thuở ban sơ.
Ngôi nhà Na-da-rét ấy
và xưởng mộc đơn sơ ấy của Thánh Giu-se và chàng trai Giêsu là trọng tâm và là
tiêu điểm của Tin Mừng Lao Động. Mẫu gương lao động này muốn nhắc nhở chúng ta
rằng điều thật sự đáng cho ta chú ý không phải là loại công việc được làm nhưng
là chính những con người làm việc. Tiêu điểm ấy sẽ cho phép chúng ta nhận thức
rõ hơn về giá trị nhân bản và siêu nhiên của lao động.
Hạnh Các Thánh
22 Tháng Giêng
Thánh Vinh Sơn ở Saragossa
(c. 304)
Khi
Ðức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Người đến sự chết, Thánh
Sử Luca viết Người "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Ðây là sự can đảm
không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Những
gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành
vi" của thánh nhân đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người
biên soạn. Nhưng Thánh Augustine, trong một bài giảng về Thánh Vinh Sơn, đã nói
về sự tử đạo của ngài. Tối thiểu chúng ta được biết chắc chắn về tên của ngài,
về chức vụ phó tế, về cái chết và nơi chôn cất ngài.
Theo truyền thuyết (và cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều ngài được tán tụng
phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài), Thánh Vinh Sơn được phong chức
phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây
Ban Nha. Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ chống đối hàng giáo sĩ, và
chống đối giáo dân vào năm kế tiếp. Phó Tế Vinh Sơn và Ðức Giám Mục Valerius bị
giam ở Valencia. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được các ngài.
Ðức
Valerius bị đi lưu đầy, và hoàng đế Dacian dồn mọi sự tức giận lên Phó Tế Vinh
Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm
rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ.
Sau
cùng ông đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ
của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ.
Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn
can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng Phó Tế
Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù.
Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được
tĩnh dưỡng đôi chút.
Các
tín hữu đến thăm Phó Tế Vinh Sơn, nhưng ngài không còn thì giờ để nghỉ ngơi ở
trần thế, khi họ đặt ngài lên chiếc giường êm ả thì ngài đã đi vào nơi an nghỉ
đời đời.
Lời Bàn
Các
vị tử đạo là gương mẫu anh hùng mà chỉ quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện
được. Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh
Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả
thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc
bị đau khổ. Thiên Chúa không đến giải cứu chúng ta vào những giây phút cô đơn
"đặc biệt". Ngài luôn luôn hỗ trợ người mạnh cũng như kẻ yếu.
Trích từ NguoiTinHuu.com
22 Tháng Giêng
Người Hành Khất Quảng Ðại
Bangladesh là một trong những quốc gia
nghèo nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong một nước nghèo, thì hành khất vẫn là
nghề thịnh hành nhât. Một nhà truyền giáo đã thuật lại một trường hợp hành khất
lạ lùng như sau:
Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một
người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi
chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều
tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ
qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy
chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.
Vừa thức giấc, người đàn ông ngạc
nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Ông đếm từng đồng xu nhỏ: số tiền
còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về nghề hành khất
bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người hành khất
đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều cho họ số
tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.
Adam Smith, kinh tế gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một
câu mà K.Marx đã lập lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: "Một
nước giàu có là một nước trong đó có nhiều người nghèo". Câu định nghĩa về
sự phồn thịnh ấy vừa nói lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống
trong một nước giàu có thể cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội
mà những người nghèo trong một nước giàu phải gánh chịu.
Bần
cùng thường sinh ra đạo tặc. Những nước nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã
hội. Tuy nhiên, cũng chính trong cảnh nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều
tấm lòng vàng. Cảnh nghèo có thể đưa con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng
cũng có thể khiến cho con người dễ cảm thông với người khác và san sẻ quảng đại
hơn. Nhưng dĩ nhiên, chỉ có ai có tinh thần khó nghèo đích thực mới hiểu được
giá trị của cảnh nghèo và sự thôi thúc của lòng quảng đại. "Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó". Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản
ấy của Hiến Chương Nước Trời. Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được
sự chóng qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể
mở mắt để nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới
dễ cảm thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét