31/01/2018
Thứ Tư tuần 4 thường niên
Thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục
lễ nhớ
*Chào đời năm 1815 tại Cát-ten-nô-vô,
giáo phận Tô-ri-nô, Gio-an đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì
thế khi làm linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên. Người lập
dòng các tu sĩ Sa-lê-diêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để huấn luyện
thanh thiếu niên về nghề nghiệp và đời sống đạo. Người qua đời năm 1888.
Bài Ðọc I (Năm II): 2
Sm 24, 2. 9-17
"Chính con đã phạm tội, nhưng những người này là những con chiên, họ
có làm gì đâu?"
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng:
"Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm
tra dân chúng, để ta biết dân số".
Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm
ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.
Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: "Con
đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho
tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột". Sáng hôm sau, khi Ðavít thức
dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng:
"Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi
hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành". Gad đến cùng Ðavít và
tâu rằng: "Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong
ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài
phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều
nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi". Ðavít trả lời cho Gad rằng:
"Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người
phàm, vì Chúa rất nhân từ".
Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian
đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải
chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc
trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng:
"Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại". Bấy giờ thiên thần Chúa đang
ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng,
Ðavít thưa cùng Chúa rằng: "Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm
điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy
xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5.
6. 7
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ
tội lỗi cho con (c. 5c).
Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được
ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người
đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.
2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã
không che giấu. Con nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và
Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.
3) Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi
khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người
này. - Ðáp.
4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc
tôi trong niềm vui ơn cứu độ. - Ðáp.
Alleluia: Ga 8,12
Alleluia, Alleluia. - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo
Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6,1-6
"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.
Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng
sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao
ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông
nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và
Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?"
Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở
quê hương, gia đình họ hàng mình".
Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh
nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.
Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Cuộc sống âm
thầm
Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục
giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như
sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và
nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em
ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé
lại và nói:
- Này Gioan, muốn biến những
con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay,
mà hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, chắc con không làm
được đâu.
Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan
Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
- Ðây là mẹ của con và cũng là
mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một
thế giới tốt đẹp hơn.
Quả thật, về sau, cả công cuộc
giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của
Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo
và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời
căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh
nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến
thăm con nữa".
Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi
Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã
không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như
mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài
đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm,
Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn
không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã
không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một
cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải
thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà
Maria sao?"
Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại
Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã
không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào,
nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con
Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia
đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả
những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng
ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi
để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống
một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt
mọi người.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 4 TN
Bài đọc: II Sam 24:2, 9-17; Mk 6:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có tình
yêu với những người thân cận của mình.
Con người thường bị chi phối bởi ba tật xấu: tính ngoan cố, tính kiêu ngạo,
và tính ghen tị.
Tính ngoan cố làm con người từ chối nhận ra sự thật và sự sửa dạy. Tính
kiêu ngạo làm mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân bị thiệt
hại. Tính ghen tị làm con người không còn sáng suốt để nhận ra những điều hay lẽ
phải của người khác.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những mối tương quan của con người và
nêu bật sự quan trọng của tình yêu. Trong Bài đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa phải
sửa phạt vua David vì tính kiêu ngạo của nhà vua, Vua đã cho kiểm kê dân số để
xem tài năng của mình đã làm cho đất nước được hùng mạnh thế nào; vua quên đi
người làm cho vương quốc được hùng mạnh chính là Thiên Chúa. Trong Phúc Âm,
Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường và ghen tị của những người đồng
hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp
và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu
báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng, và
quê hương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Lạy Đức Chúa, con đã hành động rất
ngu xuẩn!
2.1/
Vua David hối hận vì đã cho kiểm tra dân số: Việc kiểm tra dân số tự nó không có gì là xấu; nhưng
ý hướng của David là nguyên do làm cho việc kiểm tra thành xấu trước nhan Thiên
Chúa. Vua David nghĩ ông là nguyên do của sự phát triển phồn thịnh của Israel.
Chính vua David đã cảm thấy áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy.
Vua David thưa cùng Đức Chúa: "Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ
đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất
ngu xuẩn."
Đã phạm tội, cần phải được sửa phạt. Thiên Chúa cho David chọn hình phạt:
"hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt
kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch." Vua David không biết chọn điều
nào, nên nói với ông Gath, người của Thiên Chúa: "Tôi lâm vào cảnh rất ngặt
nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Đức Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao
la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm!"
2.2/
Vua David xin Đức Chúa phạt mình thay vì toàn dân: Đức Chúa giáng ôn dịch xuống
Israel từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Dan tới Beer Sheba, có bảy
mươi ngàn người trong dân đã chết. Khi thấy sự việc xảy ra, vua David thưa với
Đức Chúa: "Chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã
làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!"
Nhiều người sẽ đồng ý với David, vì tội ai làm người ấy chịu; chứ tại sao
Thiên Chúa bắt người vô tội cũng phải chịu hình phạt. Điều con người dễ quên là
cả tội và phúc đều mang tính cộng đoàn. Nếu mọi người đều phải chịu hình phạt
do tội nguyên tổ, mọi người cùng được hưởng phúc do công nghiệp của Đức Kitô. Tội
kiêu ngạo không chỉ gây thiệt hại cho đương sự, nhưng còn ảnh hưởng đến sự đoàn
kết của gia đình, cộng đoàn, và xã hội. Thiên Chúa muốn cho vua David và mọi
người chúng ta nhận thức rõ điều này; để biết nghĩ đến sự thiệt hại cho tha
nhân khi chúng ta cố tình trong tính kiêu ngạo của mình.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê
quán của Ngài.
3.1/
Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy
của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách
quan họ đã phải thốt lên: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn
ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa
là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến
ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa
hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa
vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hoàn cảnh xã hội.
3.2/
Họ khinh thường Chúa Giêsu vì 2 lý do:
(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá
của các tông-đồ, nghề thợ mộc được coi như nghề lao động tay chân và ít học thức.
Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ những người làm những việc này. Nói theo
kiểu Việt-nam, “con vua thì lại làm vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”
(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta không phải con bà Maria, và là anh em của
các ông James, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối
xóm với chúng ta sao?" Có lẽ Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố
này xảy ra, nên không thấy họ nhắc tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ.
Những tên được đề cập tới có lẽ là các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn
nói: một người sinh ra từ một gia tộc tầm thường như thế, không thể nào làm được
những công việc như Chúa Giêsu đã làm.
3.3/
Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ không được nhờ,
không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường của những người
trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và giúp đỡ những người
thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của họ, “Người đã
không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân
và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để lại cho các
ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1) chính quê
hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có thể thành công trong cuộc đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và
chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của chúng ta có thể vượt qua những thử
thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt những khi chúng ta lầm lỗi.
- Kiêu ngạo là tội được liệt kê đầu tiên trong "Bảy Mối Tội Đầu."
Chúng ta phải khiêm nhường nhận ra và tận diệt mọi mầm mống kiêu ngạo nếu có
trong bản thân. Kiêu ngạo không chỉ hành hạ cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia
đình, cộng đoàn, và xã hội.
- Ghen tị làm chúng ta mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo
toàn sự công bằng, chúng ta cần loại bỏ ghen tị và vui mừng với những gì người
khác đã làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này nhất là với những người
trong gia đình và cộng đoàn.
Lm. Anthony ĐINH MINH
TIÊN, OP.
1/01/18 thứ tư tuần 4 tn
Mc 6,1-6
Mc 6,1-6
CÓ PHÚC VÌ ĐÃ ĐỨC TIN
“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy,
nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2)
Suy niệm: “Ta hãy chấp nhận sự thật, ngay cả khi sự thật ấy làm ta ngạc nhiên và
thay đổi cái nhìn của ta”(nhà văn G. Sand). Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng
Na-da-rét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giê-su rao giảng trong hội đường, và kết
thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không
ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy
quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi định
kiến của họ về Ngài: Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng
hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể
chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên
Chúa, là Đấng Ki-tô. Hạnh phúc được tin vào Đức Ki-tô, đáng lẽ họ nhận được lại
bị mất vì một định kiến.
Mời Bạn: Đức Ma-ri-a được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc
1,45). Bạn cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhập thể làm
người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc
đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem
lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ lòng tri ân Chúa ban cho mình ơn đức tin
qua việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, cũng như tham dự
Thánh Lễ không chỉ ngày Chúa Nhật mà cả các ngày thường trong tuần.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa Giê-su, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin
Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Quê quán của Người (31.1.2018 – Thứ tư Tuần 4 Thường niên)
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Suy niệm:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng
Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng
vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có
môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách
thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c.
2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc
làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng
với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những
chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên
Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng
của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông
Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác
thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh
chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà
con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của
ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về
một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không
thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao
trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người,
ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói
trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới
biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người
Nadarét xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình
thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen
gặp mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con
không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh
mong manh,
nơi một linh mục yếu
đuối,
trong một Hội thánh còn
nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn
mình
nơi những gì thế gian chê
bỏ,
để chúng con tập nhận ra
Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho
chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường
giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG GIÊNG
Hợp Tác Và Liên Đới
Nếu như trong quá khứ
có một khuynh hướng xem lao động như chuẩn mực duy nhất đo lường giá trị con
người, thì trong thời đại chúng ta lại thấy xuất hiện một nhãn quan mới: đánh
giá con người theo chức năng. Theo cách nhìn này, lao động chỉ có ý nghĩa thông
qua thu nhập trong một nghề nghiệp nào đó. Trước một trào lưu như vậy, chúng ta
càng phải khẩn cấp hơn bao giờ hết để nắm bắt lại niềm xác tín rằng “lao động
là một chiều kích căn bản của hiện sinh con người trên trái đất” (Laborem
exercens 4). Nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng lao động không phải là cứu
cánh cuối cùng. Vâng, lao động phải luôn luôn phụ thuộc vào con người – và
chính con người mới là mục tiêu và là cứu cánh cuối cùng của lao động (Laborem
exercens 6).
Xuất phát từ sự thật
đó, một yêu cầu quan trọng đặt ra cho tất cả mọi người: yêu cầu phải cộng tác
và liên đới với nhau. Người ta vốn phải luôn luôn cần sự giúp đỡ và cộng tác của
nhau để có thể cùng nhau thăng tiến. Liên đới có luật của nó: không ai có thể
áp đặt nó lên một người khác. Trái lại, mỗi bên đều sẵn lòng đón nhận sự cộng
tác của bên kia trong một đường lối xây dựng. Điều này áp dụng cả cho những
doanh nghiệp cá thể lẫn cho toàn bộ tiến trình sản xuất. Nó cũng áp dụng – theo
một nghĩa rộng – cho tất cả đời sống xã hội.
Khi nhìn lao động và sản
xuất trong tinh thần hợp tác và liên đới, chúng ta có thể nhận ra những vai trò
thiết yếu của mỗi bên liên hệ. Các chủ xí nghiệp và các vị lãnh đạo đảm nhận
vai trò đưa ra các quyết định để bảo vệ mối thống nhất, sự hợp tác và điều hành
hoạt động của xí nghiệp.
Những người lao động độc
lập thì tự nhận lấy các trách nhiệm, những mối ràng buộc và những rủi ro trong
công việc. Họ đem lại sự uyển chuyển cho toàn tiến trình sản xuất và họ được đền
bù thích đáng bởi nguyên tắc phụ trợ. Theo nguyên tắc này, cả nhà nước lẫn xã hội
đều không thể hạn chế sáng kiến và sự lựa chọn tự do của của cá nhân (Huấn thị
của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tự Do và Giải Phóng theo Kitô giáo, số 73).
Về phần mình, những
công nhân trực thuộc các xí nghiệp không chỉ có quyền nhận được món tiền lương
công bằng – tức bảo đảm mức sống cho bản thân họ và gia đình họ; nhưng một cách
liên đới trách nhiệm, họ cũng tham gia vào các sáng kiến và các quyết định có ảnh
hưởng đến đời sống của xí nghiệp, nghĩa là các quyết định có ảnh hưởng đến
chính tương lai của họ. Hơn nữa, họ sẽ làm việc bằng một cung cách sao cho luôn
luôn bảo đảm tôn trọng phẩm giá và khả năng sáng tạo của mình. Như vậy, họ có
thể thực sự cảm nhận được vai trò làm chủ của mình trong môi trường lao động
(Laborem exercens 14 – 15).
Chúng ta biết rằng mọi
quyền đều gắn liền với bổn phận. Nguyên tắc công bằng và bình đẳng không chỉ
chi phối đến các mối quan hệ giữa chúng ta với nhau, nhưng cũng chi phối cả đến
sự đóng góp của mọi người vào thiện ích chung. Nếu chúng ta muốn một xã hội
công bằng hơn và một cuộc sống có chất lượng hơn, mọi người chúng ta đều phải
biết nhìn xa hơn những ích lợi nhất thời của riêng mình. Chúng ta phải sẵn lòng
dự phần vào trách nhiệm chung, vì thiện ích của mọi người.
Hạnh Các Thánh
31 Tháng Giêng
Thánh Gioan Bosco
(1815 - 1888)
Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong
các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể
xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội.
Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha
trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời
sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.
Ðược khuyến khích đi
tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc
phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị
Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.
Sau
thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà
trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo
trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy
nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.
Vào
năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một
máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục
và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và
các nhà xuất bản Công Giáo.
Tiếng
tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện
các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì
ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người
theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales".
Với
sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập
dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công
cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.
Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.
Lời Bàn
Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin
rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm
nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với
Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một
tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong
sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh
Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng
như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện
các người trẻ trong các ngành nghề.
Lời Trích
"Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi
sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên
hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về
đời sống, thì đó không phải là giáo dục" (G.K. Chesterton, The Common
Man).
Trích từ NguoiTinHuu.com
31 Tháng Giêng
Kỳ Quan Của Thế Kỷ 19
Ngày 31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ,
thế giới mất đi một người mà ông Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ
nổi tiếng là người chống báng Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan
vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh
Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ". Con người đó chính là Thánh Don Bosco.
Thánh nhân chào đời năm 1815 tại miền
Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italia. Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước cho Ngài
được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra trong nghèo
khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó. Nếu con muốn
làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với con".
Don
Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ
sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèo. Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm,
thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ.
Nếu
mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng
lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã
tranh đấu cho giới công nhân rồi.
Thời
của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Thánh
nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần
hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco
đã được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngày nay.
Phương pháp sư phạm được Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt.
Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy
ra. Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư
xử của Thánh Don Bosco.
Hiền
lành và vui vẻ là hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don
Bosco. Với sự hiền lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái
nhìn của Chúa Giêsu. Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu
xa nào rằng: "Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu
thương bạn. Bạn đừng ngã lòng".
Ði
đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là:
Phụng sự Chúa trong vui tươi. Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu
hiệu nhất cho thời đại đầy ohiền muộn và chán nản của chúng ta. Niềm vui của
Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên
Chúa là Tình Yêu. Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn
thảm được.
Sứ
điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của
chúng ta. Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận,
nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảo. Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng:
Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng.
Giữa
một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ
cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin
tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúa. Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco
mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét