Trang

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục Peru Chúa Nhật 21/1/2018

Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục Peru Chúa Nhật 21/1/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
21/Jan/2018

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày Chúa Nhật 21 tháng Giêng đã diễn ra trong phạm vi thủ đô Lima.

Ban sáng, Ðức Thánh Cha chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9h15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ.

Lúc 10h30, Đức Thánh Cha kính viếng hài cốt các thánh người Peru tại nhà thờ chính tòa Lima, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chí Lợi tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12h với các tín hữu.

Trong diễn từ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha nói:


Các hiền huynh Giám Mục thân mến,

Tôi cám ơn những lời tốt đẹp Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Lima và cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục gởi đến tôi đại diện cho tất cả các hiền huynh hiện diện nơi đây. Tôi đã mong đợi được ở đây với các hiền huynh. Tôi nhớ lại với niềm vui chuyến thăm ad-limina năm ngoái của các hiền huynh.

Những ngày tôi trải qua với các hiền huynh thật rất là nồng nhiệt và đáng hài lòng. Tôi đã có thể học hỏi và trải nghiệm những thực tại khác nhau hình thành nên những vùng đất này và có thể chia sẻ tận mắt niềm tin của người dân thánh thiện và trung thành của Chúa, điều đó làm cho chúng ta phấn chấn. Cảm ơn các hiền huynh đã cho tôi cơ hội “đụng chạm” đến niềm tin của dân Chúa đã được giao phó cho các hiền huynh.

Chủ đề của chuyến tông du này nói với chúng ta về sự hiệp nhất và hy vọng. Đây là một chương trình đầy thách thức nhưng thú vị, làm chúng ta nghĩ đến những thành quả anh hùng của Thánh Turibius thành Mogrovejo, từng là Tổng Giám Mục của Tòa này và cũng là quan thầy của các giám mục Mỹ Latinh, đó là một gương sáng của một “người xây dựng tình hiệp nhất giáo hội”, như người tiền nhiệm của tôi, là Thánh Gioan Phaolô II đã mô tả về ngài trong lần tông du đầu tiên đến vùng đất này. [1]

Điều đáng nói là vị thánh quan thầy này thường được mô tả như một “Môsê mới”. Như các hiền huynh đã biết, Vatican có một bức tranh trong đó Thánh Turibius đang vượt qua một con sông lớn, và nước mở ra trước mắt ngài như Biển Đỏ, để ngài có thể đi đến bờ bên kia, nơi một nhóm người bản địa đang chờ đợi ngài. Đằng sau Thánh Turibius là một đoàn lũ đông đảo, đại diện cho dân trung tín, những người đi theo vị mục tử của họ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. [2] Hình ảnh đẹp này có thể đóng vai trò là một chiếc neo trong suy tư của tôi với các hiền huynh. Thánh Turibius, là người đàn ông muốn đến bờ bên kia.

Chúng ta quan sát ngài từ lúc ngài chấp nhận nhiệm vụ đến vùng đất này với sứ mệnh là một người cha và một mục tử. Ngài bỏ lại sau lưng sự an toàn của môi trường quen thuộc xung quanh để bước vào một vũ trụ hoàn toàn mới, chưa biết và đầy những thách thức. Ngài đã tiến đến một vùng đất hứa được hướng dẫn bởi đức tin như một “bảo chứng cho những điều mong đợi” (Dt 11: 1). Niềm tin của ngài và lòng trông cậy của ngài vào Chúa đã thúc đẩy ngài, và suốt cả cuộc đời còn lại của ngài, để sang bờ bên kia, nơi chính Chúa đang đợi ngài ở giữa đám đông.

1. Ngài muốn đến bờ bên kia để tìm kiếm người xa đàn chiên và lạc lối. Để làm như vậy, ngài phải để lại đằng sau sự thoải mái của tòa giám mục và dọc ngang trên lãnh thổ được ủy thác cho ngài trong các chuyến viếng thăm mục vụ liên tục; ngài đã cố gắng đến thăm bất cứ nơi nào cần đến ngài, và họ cần ngài biết ngần nào! Ngài ra ngoài để gặp gỡ mọi người, theo những con đường mà theo lời người thư ký của ngài, được dành cho dê hơn là cho người. Thánh Turibius đã phải đối mặt với những thay đổi rất nhiều về khí hậu và địa hình, “trong hai mươi hai năm giám mục của ngài, 18 năm ngài đã trải qua bên ngoài thành phố, ba năm lang thang suốt dọc dài lãnh thổ của mình” [3] Ngài biết rằng đây là cách duy nhất để trở thành một mục tử: đó là gần gũi với đàn chiên của mình, ban phát các phép bí tích, và ngài thường xuyên khích lệ các linh mục mình làm như vậy. Ngài đã làm như thế không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chứng tá của ngài trên tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng. Theo kiểu ngày nay, ta sẽ gọi ngài là một giám mục “đường phố”. Một giám mục có đôi giày mòn lẳng vì lang thang, di hành liên tục, tiến ra để “rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người: mọi nơi, mọi lúc, không do dự, miễn cưỡng; vì niềm vui của Phúc Âm là dành cho mọi người: không ai có thể bị loại trừ”. [4]. Thánh Turibius biết rõ điều này biết là ngần nào! Không sợ hãi và không do dự, ngài đắm mình trong lục địa của chúng ta để loan báo tin vui.

2. Ngài muốn đến bờ bên kia không chỉ về mặt địa lý mà còn về mặt văn hoá. Thành thử, ngài đã cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để có thể truyền bá Tin Mừng bằng ngôn ngữ bản địa. Với Công Đồng Thứ Ba của Lima, ngài đã chuẩn bị để các sách giáo lý được biên soạn và dịch sang tiếng Quechua và Aymara. Ngài khuyến khích hàng giáo phẩm học ngôn ngữ của đàn chiên của họ để có thể ban phát các bí tích cho họ theo một cách thức mà họ có thể hiểu được. Khi thăm và sống với dân mình, ngài nhận ra rằng hiện diện về thể chất thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải học cách nói ngôn ngữ của người khác, chỉ bằng cách này Phúc Âm mới có thể được hiểu và làm rung động được những con tim. Tầm nhìn này cần thiết cho chúng ta, là những mục tử của thế kỷ 21 này, biết bao! Chúng ta cần phải học những ngôn ngữ hoàn toàn mới chẳng hạn như những ngôn ngữ thời kỹ thuật số để hiểu được ngôn ngữ thực sự của những người trẻ, gia đình, và con cái chúng ta... Như Thánh Turibius đã nhận ra một cách rõ ràng, có mặt và chiếm một khoảng không gian thôi thì không đủ; chúng ta phải có khả năng tạo ra các quy trình trong cuộc sống của người dân để đức tin của họ có thể bắt rễ và có ý nghĩa đối với họ. Và để làm điều đó, chúng ta phải có thể nói được ngôn ngữ của họ. Chúng ta cần phải đến những nơi có những câu chuyện và mô hình mới đang được nảy sinh để mang lời Chúa Giêsu đến tận trung tâm của các thành phố và các dân tộc của chúng ta. [5] Phúc âm hóa văn hoá đòi hỏi chúng ta phải đi vào trái tim của chính nền văn hoá đó để nó có thể được chiếu sáng từ bên trong bởi Tin Mừng.

3. Thánh Turibius muốn đến bờ bên kia của lòng bác ái. Đối với vị quan thầy của chúng ta, không thể có phúc âm hóa mà không có những công việc bác ái. Ngài biết rằng hình thức phúc âm hóa tối cao nhất chính là mô hình hóa sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô nơi chính cuộc sống của chúng ta, vì tình yêu đối với mọi người nam nữ. Cứ dấu này người ta nhận ra đâu là con cái Thiên Chúa và đâu là con cái của ma quỷ: tất cả những ai không thực hành công lý thì không đến từ Thiên Chúa, và những người không yêu mến anh chị em của mình cũng không đến từ Thiên Chúa (xem 1Ga 3:10). Trong những lần thăm viếng của mình, ngài đã có thể nhìn thấy những lạm dụng và gánh nặng mà các dân tộc đã phải chịu đựng, và vì thế vào năm 1585, không chút sợ hãi, ngài đã ra vạ tuyệt thông cho quận công Corregidor miền Cajatambo, đặt mình vào vị thế chống lại toàn bộ hệ thống tham nhũng và một mạng lưới lợi nhuận, “thu hút về phía mình sự thù hằn của bao nhiêu người”, bao gồm cả viên Thái Thú [6]. Như vậy, chúng ta thấy, người mục tử phải biết rằng lợi ích siêu nhiên không bao giờ có thể được tách rời khỏi những thiện ích vật chất, và đặc biệt là khi sự liêm chính và phẩm giá của con người gặp nguy cơ. Tính chất tiên tri trong tinh thần của một giám mục phải là: không sợ tố cáo những lạm dụng và dã man đối với dân của chúng ta. Bằng cách này, Thánh Turibius nhắc nhở toàn thể xã hội, và mỗi cộng đồng, rằng lòng bác ái phải luôn đi kèm với công lý. Và rằng không thể có một cuộc phúc âm hoá chân chính mà không chỉ ra và tố cáo mọi tội lỗi chống lại cuộc sống của anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người rốt nhất

4. Ngài muốn đến bờ bên kia trong việc đào tạo các linh mục của mình. Ngài thành lập chủng viện đầu tiên sau Công Đồng Tridentinô ở phần đất này của thế giới, nhờ đó ngài đẩy mạnh việc đào tạo các giáo sĩ địa phương. Ngài nhận ra rằng viếng thăm mọi nơi và nói cùng ngôn ngữ với người dân cũng chưa đủ đâu: Giáo Hội cần phải nuôi nấng những mục tử địa phương của mình và trở nên một người mẹ hiền. Để đạt được mục đích này, ngài bảo vệ việc truyền chức linh mục cho những thổ dân – là một vấn đề gây tranh cãi vào thời điểm đó - và tìm cách làm cho người khác thấy rằng nếu cần phải có sự đa dạng trong hàng giáo sĩ ở mọi khu vực, thì sự đa dạng ấy phải dựa trên sự thánh thiện chứ không phải là nguồn gốc chủng tộc của họ [7]. Việc đào tạo này không chỉ dừng lại ở khuôn viên các chủng viện mà còn được tiếp tục qua những chuyến viếng thăm liên tục của ngài. Ở đó, ngài có thể nhìn thấy “tình trạng của các linh mục của mình” và bày tỏ sự quan tâm của ngài đối với họ. Chuyện kể rằng vào đêm Giáng sinh, em gái ngài tặng cho ngài một chiếc áo sơ mi để ngài có thể mặc trong dịp lễ. Cùng ngày đó, ngài đi thăm một linh mục, và nhìn thấy điều kiện sống của vị linh mục ấy, ngài cởi ngay chiếc áo sơ mi mới tinh và tặng cho vị này. [8] Ngài là mục tử biết đàn chiên của mình. Một mục tử cố gắng thăm họ, đồng hành với họ, khuyến khích họ và khuyên bảo họ. Ngài nhắc nhở các linh mục của mình rằng họ là các mục tử, chứ không phải người bán hàng, và vì vậy họ phải chăm sóc và bảo vệ người dân như con cái mình [9]. Tuy nhiên, ngài đã không làm điều này từ bàn làm việc, và vì thế ngài biết những con chiên của mình và họ cũng nhận ra giọng nói của vị mục tử của họ.

5. Ngài muốn đến bờ bên kia của sự hiệp nhất. Trong một cách đáng khâm phục và đầy tính tiên tri, ngài hoạt động để mở ra khả năng hiệp thông và dự phần giữa các thành viên khác nhau của dân Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc đến điều này khi nói chuyện với các giám mục ở vùng đất này. Ngài lưu ý rằng: “Công Đồng thứ ba của Lima là kết quả của nỗ lực do Thánh Turibius hướng dẫn, khuyến khích và chỉ đạo; nó đem lại kết quả là một sự phong phú tình hiệp nhất trong đức tin, các tiêu chuẩn mục vụ và tổ chức, và những hiểu biết hữu ích cho sự hội nhập hằng được mong muốn của Mỹ Latinh “[10]. Chúng ta biết rất rõ rằng tình hiệp nhất và sự đồng thuận này đã ngoi lên được từ những căng thẳng và xung đột. Chúng ta không thể phủ nhận những căng thẳng và khác biệt; cuộc sống không thể không có xung đột. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi chúng ta, nếu chúng ta là những người đàn ông và những Kitô hữu, phải dám đối mặt với chúng và đối phó với chúng. Nhưng phải đối phó với chúng trong tinh thần liên đới, đối thoại chân thành và thẳng thắn, mặt đối mặt, cẩn thận để không bị cám dỗ để lờ đi quá khứ, hoặc giam hãm mình trong quá khứ, thiếu tầm nhìn để có thể phân định được đâu là những nẻo đường hiệp nhất và hòa bình. Một nguồn động viên, trong cuộc hành trình của chúng ta như là một Hội Đồng Giám Mục, đó là biết rằng sự hiệp nhất sẽ luôn luôn chiếm ưu thế hơn [11] Các hiền huynh thân mến, hãy hoạt động cho tình hiệp nhất. Không nên cứ mãi là những tù nhân của những chia rẽ đang tạo ra những bè phái và cản trở ơn gọi của chúng ta là trở nên một bí tích hiệp thông. Hãy nhớ rằng: điều thu hút của Giáo Hội tiên khởi chính là các Kitô hữu yêu thương nhau. Đó là - và luôn luôn là - cách tốt nhất để loan báo Tin Mừng.

6. Đã đến lúc Thánh Turibius lên bờ cuối cùng, đến vùng đất mà ngài đã nhiều lần nếm trước trên tất cả các bờ biển mà ngài đã bỏ lại sau lưng. Lần này, tuy nhiên, ngài không cô đơn. Như trong bức tranh mà tôi đã đề cập trước đây, ngài đã đi gặp các thánh bao quanh bởi một đoàn lũ thật đông đảo. Ngài là một mục tử chất đầy “túi xách của mình” với những tên và khuôn mặt. Họ là hộ chiếu của ngài để lên trời. Tôi không muốn vượt qua giai điệu cuối cùng này, là thời điểm khi vị mục tử trao phó linh hồn mình cho Chúa. Ngài đã ra đi giữa dân mình, và một người bản xứ đã hát một bài hát bằng chiếc tù và của mình để linh hồn người mục tử của anh cảm thấy bình an. Các anh em, xin cho khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình cuối cùng này của mình, chúng ta cũng có thể có cùng trải nghiệm này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều này [12]

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

[1] Diễn từ trước các Giám mục Peru (2 tháng 2 năm 1985), đoạn 3.
[2] x. Phép lạ của Thánh Turibius, Vatican Pinacoteca.
[3] Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Bài giảng Thánh Lễ, Aparecida (16 tháng 5 năm 2007).
[4] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 23.
[5] X. thượng dẫn., 74.
[6] x. Ernesto Rojas Ingunza, El Perú de los Santos, Kathy Perales Ysla (biên soạn), Cinco Santos del Perú. Vida, obra y tiempo, Lima (2016), 57.
[7] x. Joséantonio Benito Rodríguez, Santo Toribio de Mogrovejo, Kathy Perales Ysla (ed.), Cinco Santos del Perú. Vida, obra y tiempo, Lima (2016), 178.
[8] x. thượng dẫn, 180.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét