Tường thuật các sinh hoạt ngày cuối cùng của ĐTC tại Chile và ngày
đầu tiên tại Perù
ĐTC Phanxicô bế một em bé thổ dân trong buổi gặp gỡ các thổ dân Amazzonia tại Calisso Puerto Maldonado sáng 19-01-2018. - AP |
Sáng hôm thứ sáu 19 tháng giêng ĐTC đã bắt đầu các sinh hoạt
viếng thăm tại Perù, ban sáng với buổi gặp gỡ các dân tộc vùng Amazzonia, với
dân chúng và viếng thăm Hogar Principito, và ban chiều với cuộc gặp gỡ các giới
chức lãnh đạo, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
Nhưng sau đây xin kính mời quý vị cùng chúng tôi trở lại với
các sinh hoạt của ĐTC chiều thứ năm 18 tháng giêng cũng là ngày cuối ĐTC viếng
thăm Chile.
Sau khi dâng Thánh Lễ kính Đức Bà Camêlô, Bổn Mạng nước
Chile, tại Campus Lobito tỉnh Iquique, lúc 1 giờ rưỡi trưa ĐTC đã tới thăm Nhà
tĩnh tâm của đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, do các cha dòng Hiến Sinh trông coi cách
đó 21 cây số.
Nhà tĩnh tâm này được xây gần hang đá Đức Mẹ Lộ Đức
trong khu phố Cavancha. Đền thánh tọa lạc gần một trường học cho trẻ em nghèo
được xây vào các năm đầu của thế kỷ XIX bởi ĐC Jose Maria Caro, ,Giám quản tông
toà, sau này trở thành Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội Chile. Hang đá do bà Adela
Cisternas cho xây giống hang đá Đức Mẹ Lộ Đức bên Pháp, để tạ ơn Đức Mẹ đã làm
phép lạ chữa lành bệnh nan y cho chồng của bà. Hang đá được khánh thành ngày 27
tháng 5 năm 1923 trước sự hiện diện của bà, ĐGM giám quản Jose Maria Caro, hàng
giáo sĩ và đông đảo tín hữu đi rước kiệu tới đây, mở màn cho các cuộc hành
hương vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay. Nhà thờ bên trên hang đá đã được xây
năm 1933 theo lời xin của tín hữu để tránh nóng và gió. Từ năm 1949 đền thánh Đức
Bà Lộ Đức được giao cho các cha thừa sai dòng Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm,
viết tắt là OMI, trông coi. Dòng này đã được thánh Eugène de Mazenod thành lập
bên Pháp năm 1816 để rao giảng Tin Mừng cho dân nghèo vùng quê, và có Bổn Mạng
là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Giám đốc đền thánh hiện nay là cha Garcia
Lussier.
ĐTC đã được cha và hai linh mục khác của nhà tĩnh tâm
đón chào và tháp tùng viếng thăm nhà thờ. Có ba em bé tặng hoa cho ĐTC. Hiện diện
trong nhà thờ cũng có 10 bệnh nhân và hai thân nhân của các nạn nhân các cuộc
đàn áp của chính quyền hồi thập niên 1970. Họ đã trao cho ĐTC một bức thư.
Sau khi dùng bữa trưa với đoàn tuỳ tùng tại nhà tĩnh tâm của
các cha dòng Hiến Sinh lúc 4 giờ kém 15 phút chiều ĐTC đã đi xe ra phi trường
Iquique cách đó 42 cây số, từ biệt Chile để đáp máy bay sang Perù. Trước khi
lên xe ĐTC đã chụp hình lưu niệm với một nhóm chủng sinh, các nữ tu thừa sai
Salesien và vài nhân viên Uỷ ban tổ chức địa phương và chào từ giã mọi người.
Tại phi trường Diego Aracena Iquique ĐTC đã đuợc bà tổng thống
Michelle Bachelet tiếp đón trong phòng khách ít phút trước khi bắt đầu lễ
nghi tiễn biệt với quốc thiều Vaticăng và Chile, duyệt qua hàng chào danh
dự, và chào từ biệt giữa hai phái đoàn. ĐTC là người cuối cùng lên máy bay với
chiếc cặp đen của ngài trong tay.
Máy bay chở ĐTC đã cất cánh lúc sau 5 giờ chiều giờ Chile và
đã đến sân bay quốc tế thủ đô Lima của Perù sau 2 giờ 10 phút bay, vượt chặng
đường dài 1.200 cây số.
** Perù là một nước cộng hoà dân chủ, bắc giáp giới với
Ecuador và Colombia, đông giáp giới với Brasil, đông nam giáp giới với Bolivia,
nam giáp giới với Chile và phiá tây với Thái Bình Dương. Tên gọi Perù bắt nguồn
từ “Viru” là tên của một con sông địa phương chảy gần vịnh San Miguel của
Panama hồi tiền bán thế kỷ XVI. Perù rộng hơn 1 triệu 265 ngàn cây số vuông, có
hơn 33 triệu dân, 45% là thổ dân Amerindi, 37% lai giống, 15% da trắng, 2% da
đen lai giống và người Zambos, và 1% gốc Á châu. Ngôn ngữ chính của người dân
Perù là tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có hai thứ tiếng khác là Quechua và
Aymara và nhiều thổ ngữ khác.
Trên bình diện tôn giáo 81,3% theo Công giáo, 12,5% theo Tin
lành, 3,3% theo các tôn giáo khác và 2,9% không theo tôn giáo nào. Giáo Hội
công giáo Perù hiện có 58 Giám Mục, 3.361 linh mục, 55 Phó tế, 587 tiểu chủng
sinh, 1.539 đại chủng sinh, 422 tu huynh, 5.568 nữ tu, 179 thành viên tu hội đời,
11.120 thừa sai giáo dân và 51.367 giáo lý viên. Tính trung bình mỗi linh mục
phải trông coi hơn 8.300 giáo dân. Giáo Hội điều khiển 995 trường tiểu học với
hơn 248.000 học sinh, 524 trường trung học với hơn 196.000 học sinh, 90 trường
cao học và đại học với gần 59.000 sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều hành
38 nhà thương, 323 trạm y tế, 4 trung tâm phong cùi, 90 nhà dưỡng lão, 244 trại
mồ côi, 145 văn phòng cố vấn gia đình, 36 trung tâm giáo dục cải huấn và 581 cơ
sở bác ái xã hội.
Từ ngày 28 tháng 6 năm 2016 tổng thống cộng hoà dân chủ Perù
là ông Pedro Pablo Kuczynski. Các sinh hoạt kinh tế chính của Perù là
nông nghiệp và đánh cá, khai thác các quặng mỏ và kỹ nghệ dệt vải.
Lima thủ đô Perù có hơn 9 triệu 886 ngàn dân cư, nằm trên bờ
Thái Bình Dương, trên độ cao 124 mét, giữa các thung lũng của các con sông
Chillón, Rimac, Surco và Lurio. Tuy có sa mạc kế bên nhưng khí hậu dễ chịu vì ẩm
và có sương mù. Thành phố do ông Francisco Pizarro thành lập ngày 18 tháng
giêng năm 1535 với tên gọi là “Thành phố của các vua” trong một vùng nông nghiệp
mà các thổ dân gọi là Limaq. Nhờ có hải cảng Callao cách đó không xa thành phố
phát triển và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại quan trọng. Dưới
thời đô hộ của Tây Ban Nha nó là thủ đô của phó vương quốc Perù, và là thành phố
lớn và quan trọng nhất toàn miền nam châu Mỹ. Khi Perù được độc lập, Lima trở
thành thủ đô cộng hoà Perù. Khi đường xe lửa được xây cất vào giữa thế kỷ XIX
thành phố phát triển mạnh, và hiện có 43 quận. Nhưng trong lịch sử của nó Lima
đã bị các trận động đất làm hư hại nhiều. Ngày nay Lima là trung tâm chính trị,
văn hoá, tài chánh và thương mại. Tại quảng trường chính của thủ đô có tượng kỷ
niệm ông Francisco Pizarro. Chung quanh quảng trường có các dinh thự với lối kiến
trúc cổ xưa nổi tiếng như Dinh chính quyền, dinh Arzobispal và nhà thờ chính
toà. Chính giữa quảng trường có phông ten nước bằng đồng được trang hoàng với
nhiều cây và các luống hoa. Toàn vùng này dành cho người đi bộ. Trong các thời
gian gần đây quảng trường cũng được dùng cho các cuộc đấu bò, họp chợ hay tổ chức
các lễ hội khác nhau. Năm 1988 trung tâm thủ đô Lima được Liên Hiệp Quốc đưa
vào danh sách gia tài văn hoá của nhân loại.
** Tổng giáo phận Lima được thành lập này 12 tháng 2 năm
1546, có gần 2 triệu 900 ngàn dân đa số theo công giáo. Giáo phận có 121 giáo xứ,
22 nhà thờ, 206 linh mục, 3 phó tế vĩnh viễn, 65 đại chủng sinh, 424 nữ tu, 761
thành viên các dòng nam, 1.223 thành viên các dòng nữ. Giáo hội điều khiển 186
cơ sở giáo dục và 188 trung tâm bác ái xã hội. ĐTGM Lima là ĐHY Juan Luis
Cipriani Thorne, 75 tuổi.
Sau khi máy bay dừng, ĐTGM Nicola Girasole, Sứ Thần Toà
Thánh và vị chưởng nghi lễ đã lên máy bay chào ĐTC.
Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski và phu nhân đã đón ĐTC tại
chân thang máy bay. Hai trẻ em mặc sắc phục truyền thống đã dâng hoa cho ĐTC.
Cùng chào đón ĐTC có ĐHY TGM Lima, ĐGM Callao, ĐGM chủ tịch HĐGM Perù, các giới
chức chính trị dân sự, vài Giám Mục và một nhóm giáo dân và dàn nhạc “Hoà tấu
cho Perù”. Đại bác đã bắn 21 phát chào vị quốc khách. ĐTC và tổng thống đã duyệt
qua hàng chào danh dự. Tiếp đến ban nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc
thiều Perù, rồi tới phần giới thiệu phái đoàn hai bên. Tổng thống và phu nhân
đã tháp tùng ĐTC tới xe, trong khi các nhóm dân ca vũ cử hành các
bài ca và vũ điệu truyền thống.
ĐTC đã đi xe về Toà Sứ Thần Toà Thánh cách đó 13 cây số để
dùng bữa tối và nghỉ đêm. Dọc đường đã có rất đông tín hữu chào mừng ĐTC.
Thứ sáu hôm qua ĐTC đã bắt đầu chương trình viếng thăm với
thánh lễ riêng cử hành lúc 7 giờ sáng trong nhà nguyện Toà Sứ Thần. Sau đó ngài
đi ra phi trường “Nhóm 8 Lima” đáp máy bay đi Puerto Maldonado cách đó 850 cây
số. ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã dùng điểm tâm trên máy bay.
Sau 1 giờ 45 phút bay ĐTC đã tới phi trường Jose Aldamiz của
thành phố Puerto Maldonado. Tiếp đón ĐTC tại phi trường có ĐC David Martinez de
Aguirre Guinea, dòng Đa Minh, Giám quản tông toà Puerto Maldonado, thống đốc và
thị trưởng thành phố vài trăm tín hữu và một ca đoàn 150 thiếu nhi.
** Puerto Maldonado là một thành phố nhỏ có gần 75.000 dân
cư thuộc vùng Tambopata, và tọa lạc ở điềm giao thoa giữa hai con sông Madre de
Dios và Tambopata. Thành phố này tiêu biểu cho sự khác biệt sinh thái, và là điểm
khởi hành tốt cho việc khám phá và viếng thăm các tài nguyên thiên nhiên phong
phú không thể tưởng tượng được của vùng Amazzonia. Người thám hiểm đầu tiên đi
tìm vàng và khám phá ra các vùng đất này hồi năm 1567 là ông Juan Alvarez
Maldonado. Sau khi đã mất hơn 200 người của đoàn thám hiểm vì bệnh tật và các
cuộc tấn công của các thổ dân ông đã phải rời bỏ vùng này. Phải đợi cho tới giữa
thế kỷ XIX mới có một người Tây Ban Nha thứ hai tới thám hiểm vùng này và vẽ bản
đồ đầu tiên: đó là đại tá Faustino Maldonado. Với việc phát triển cao su năm
1902, và việc xây một con đường nối liền Thái Bình Dương với nguồn sông
Tambopata thành phố phát triển nhanh chóng, cũng nhờ các sinh hoạt khai thác quặng
mỏ và phá rừng lấy gỗ, vẫn tiếp tục cho tới nay, nhưng chính quyền cũng đưa ra
các biện pháp nhằm hạn chế các hoạt động này để bảo vệ môi sinh. Ngày nay
nghành du lịch và sinh hoạt trồng và sản xuất hạt dẻ trở thành hai nguồn lợi
kinh tế quan trọng của dân chúng toàn vùng. Khí hậu nhiệt đới ẩm và mưa nhiều với
nhiệt độ trung bình rất dễ chịu là 20 độ C trong mùa khô từ tháng 5 tới tháng
10, nhưng trong mùa lạnh có thể xuống tới 9 độ C và vọt lên 36-39 độ trong mùa
mưa giữa các tháng 12 và tháng 4.
Toà Giám Quản Puerto Maldonado được thành lập ngày mùng 10
tháng 3 năm 1949 rộng 150.000 cây số vuông, có
hơn 334 ngàn dân cư, đa số theo công giáo. Giáo đoàn địa
phương có 21 giáo xứ, 4 nhà thờ, 40 linh mục triều, 3 đại chủng sinh, 18 nữ tu,
21 tu huynh và 33 thành viên các dòng nữ. Giáo hội điều khiển 65 cơ sở giáo dục
và 11 trung tâm bác ái xã hội.
Từ phi trường ĐTC đã đi xe về trung tâm thể thao Coliseo Mẹ
Thiên Chúa cách đó hơn 4 cây số để gặp gỡ các dân tộc vùng Amazzonia. Trung tâm
thể thao này ba tầng có 5.000 chỗ đã đuợc xây năm 2010 và khánh thành năm 2013.
ĐTC đã đi một vòng để chào 4.000 tín hữu thuộc nhiều bộ tộc thổ dân quy tụ về
đây.
Chương trình gặp gỡ mở đầu với vũ điệu chào đón của các trưởng
lão Arambut. Tiếp đến là lời chào mừng của ĐC David Martinez de Aguirre Guinea,
giám quản Puerto Maldonado, rồi chứng từ của một cặp vợ chồng đại diện các dân
tộc vùng Amazzonia. Sau đó là lễ nghi trao bản dịch Thông điệp Laudato si trong
các ngôn ngữ địa phương, trong khi ca đoàn trình tấu một bài ca Machirenga.
** Ngỏ lời với mọi người ĐTC đã mạnh mẽ tố cáo các đường lối
phát triển khai thác chỉ nhắm các lợi nhuận gây thiệt hại cho các thổ dân và nền
văn hoá của họ. Ngài đề cao các giá trị văn hoá phong phú và tinh thần cao quý
của các thổ dân và khích lệ họ cộng tác với Giáo Hội trợ giúp các giám mục và
các thừa sai nam nữ trong việc đối thoại với tất cả mọi người, và nhào nắn một
Giáo Hội với gương mặt Amazzonia, một Giáo Hội với gương mặt thổ dân, duy trì
căn tính và bênh vực các quyền lợi của thổ dân.
ĐTC cám ơn các lời chào mừng của ĐC David Martinez de
Aguirre Guinea, và chứng từ của ông Hector, hai bà Yescica và Maria
Luzmila. Qua họ ngài cám ơn và chào thăm tất cả mọi người dân toàn vùng
Amazzonia. Họ đến từ nhiều dân tộc của vùng này: Harakhut, Esse-ejas,
Matsiguenkas, Yines, Shipibos, Ashaninkas, Yaneshas, Kahintes, Nahuas,
Yaminahuas, Juni Kuin, Madija, Manchineris, Kukamas, Kandozi, Quichuas,
Huitotos, Shawis, Achuar, Boras, Awajun, Wampis. Cũng có các dân tộc đến từ
vùng núi Andine sinh sống và trở thành dân Amazzoni. ĐTC nói Sự hiện diện của
anh chị em giúp tôi trông thấy gần, nơi gương mặt của anh chị em, phản ánh của
vùng đất này. Một gương mặt đa diện, một khác biệt vô tận, và một sự phong phú
sinh thái, văn hoá và tinh thần. Những người không ở trong vùng này cần tới sự
khôn ngoan, các hiểu biết của anh chị em có thể vào sống tại đây mà không tàn
phá kho tàng của vùng này. Tôi nghe vang lên các lời Thiên Chúa nói với sông
Môshê: “Hãy cởi dép ra, vì đất trên đó ngươi đang đứng là thánh địa” (Xh 3,5)
Xin anh chị em cho phép tôi lập lại một lần nữa “Lạy Chúa,
chúc tụng Chúa vì công trình kỳ điệu của các dân tộc Amazzoni và toàn sinh thái
khác biệt mà các vùng đất này chứa đựng!.
Bài ca chúc tụng này bị bẻ gẫy, khi chúng ta lắng nghe và
trông thấy các vết thương sâu đậm mà vùng Amazzonia và các dân tộc của nó đang
mang trong mình. Tôi đã muốn đến để viếng thăm và lắng nghe anh chị em, để ở
trong con tim của Giáo Hội, hiệp nhất với các thách đố của anh chị em, và tái
khẳng định việc lựa chọn xác tín bênh vực sự sống, bảo vệ đất đai và các nền
văn hoá.
Có lẽ chưa bao giờ các dân tộc vùng Amazzonia bị đe dọa như
hiện nay trong chính vùng đất sống của mình. Amazzonia là vùng đất bị tranh luận
trên nhiều phiá: một đàng là tân chủ trương khai thác và áp lực mạnh của các lợi
nhuận kinh tế lớn hướng dẫn các tham lam của chúng đối với dầu hoả, hơi đốt,
vàng, các trồng tiả chuyên nhất của kỹ nghệ nông nghiệp; đàng khác là sự đe dọa
chống lại đất đai của anh chị em, cũng đến từ vài đường lối chính trị thăng tiến
“việc duy trì” thiên nhiên, mà không chú ý tới con người, và cụ thể là không
chú ý tới các anh chị em Amazzoni sống trong đó. Chúng ta biết là có những lúc
nhân danh việc duy trì rừng già người ta chiếm hữu các vùng rùng đất rộng và
thương lượng chúng bằng cách tạo ra các tình trạng áp lực đối với các dân tộc sống
trong đó nhưng lại không thể hưởng đất đai và các tài nguyên của nó. Vấn đề này
bóp nghẹt các dân tộc của anh chị em, vì tạo ra các cuộc di cư của các thế hệ mới
trước việc thiếu các cơ may tại địa phương. Chúng ta phải bẻ gẫy mô thức
lịch sử này coi vùng Amazzonia như là một quán bán thực phẩm vô tận của các quốc
gia, mà không chú ý tới các người dân của nó.
** Cần phải cố gắng tạo ra các không gian cho các cơ cấu biết
tôn trọng, biết thừa nhận và đối thoại với các dân tộc bản địa, bằng cách tiếp
nhận và cứu vãn nền văn hoá, tiếng nói, các truyền thống, các quyền lợi và giá
trị tinh thần của họ. Một cuộc đối thoại liên văn hoá, trong đó anh chị em là
các tác nhân chính đối thoại, nhất là trong lúc có các dự án lớn liên quan tới
các không gian sống. Việc thừa nhận và đối thoại sẽ là con đường tốt nhất để biến
đổi các tương quan cũ đã bị ghi dấu bởi sự loại trừ và kỳ thị.
Đàng khác cũng phải thừa nhận các sáng kiến hy vọng nảy sinh
từ các thực tại địa phương và các tổ chức của anh chị em tìm cách khiến cho các
dân tộc bản địa và các cộng đoàn trở thành những người giữ gìn rừng già và các
tài nguyên phát xuất từ đó sinh lợi cho gia đình của anh chị em, cải thiện các
điều kiện sống, sức khoẻ và nền giáo dục trong các cộng đoàn của anh chị em.
Hành động tốt này phù hợp với các thực hành sống tốt trong sự khôn ngoan của
các dân tộc anh chị em. Và nếu có ai coi anh chị em như là một chướng ngại hay
một cản trở, thì với cuộc sống của mình anh chị em là một tiếng kêu hướng tới
lương tâm của một kiểu sống không có khả năng đo lường các giá mắc mỏ của nó.
Anh chị em là ký ức sống động nhắc nhớ sứ mệnh mà Thiên Chúa dã tín thác
cho tất cả chúng ta: đó là săn sóc căn nhà chung.
Tiếp tục bài nói chuyện ĐTC khẳng định: việc bảo vệ trái đất
không có mục đích nào khác hơn là bảo vệ sự sống. Chúng ta biết có người trong
anh chị em đã đau khổ vì dầu hoả chảy ra ngoài, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống
gia đình anh chị em và gây ô nhiễm môi sinh.
Song song cũng có một sự tàn phá sự sống khác nữa gây ô nhiễm
môi sinh đó là việc khai thác bất hợp pháp: tôi muốn nói tới việc buôn người:
công nhân làm việc như nô lệ và việc lạm dụng tính dục. Bạo lực chống lại các
người trẻ và phụ nữ là một tiếng kêu thấu tới trời. Tình trạng của những người
trở thành đối tượng của các hình thức buôn người đã luôn luôn khiến tôi đau đớn.
Tôi muốn người ta lắng nghe tiếng kêu của Thiên Chúa hỏi tất cả chúng ta: “Em
con đâu?” (St 4,9) Người anh em nô lệ cuả con đâu… Chúng ta đừng giả bộ như
không có gì. Có rất nhiều đồng lõa. Câu hỏi này là cho tất cả mọi người.
Làm sao không nhớ tới thánh Toribio, khi ngài đau đớn nhận
ra trong công đồng Lima thứ ba rằng “không phải chỉ trong các thời đại quá khứ
người ta đã gây ra biết bao xúc phạm và bạo lực quá đáng cho các anh chị em
nghèo này, mà ngay cả ngày nay nữa nhiều người vẫn tiếp tục làm cùng các điều ấy”.
Rất tiếc sau 5 thế kỷ các lời này vẫn còn thời sự. Anh Hector và chị Yesica
cũng nhắc cho chúng ta biết đó là tiếng kêu của dân chúng bị bắt buộc phải im lặng
không được nói. Lời tiên tri nói trên của những người có đức tin phải tiếp tục
hiện diện trong Giáo Hội để bênh vực các người đau khổ.
** Từ sự lo lắng này phát xuất ra việc lựa chọn bênh vực sự
sống của những người không đuợc bênh vực. Tôi đang nghĩ tới các dân tộc gọi là
“các dân tộc thổ dân tự cô lập”. Chúng ta biết họ là những người dễ bị tổn
thương nhất trong những người bị tổn thương. Những gì xảy ra trong quá khứ đã bắt
buộc họ bị cô lập bởi chính các chủng tộc của họ và bị gạt bỏ trong những nơi
xa xăm nhất của rừng già để có thể sống tự do. Anh chị em hãy tiếp tục bênh vực
các anh chị em bị tổn thương này. Sự hiện diện của họ nhắc cho chúng ta biết
chúng ta không thể tuỳ tiện sử dụng của chung theo nhip độ tham lam của tiêu thụ.
Cần có các hạn chế giúp chúng ta bảo vệ mình khỏi việc tàn phá môi sinh hàng loạt.
Chúng ta không phải là chủ nhân của tạo vật. Cần cấp bách tiếp
nhận phần đóng góp nòng cốt của các dân tộc này cho toàn xã hội… Quan niệm của
họ về vũ trụ, sự khôn ngoan của họ có thể dậy chúng ta nhiều điều.
Nền văn hoá của các dân tộc chúng ta là một dấu chỉ của sự sống.
Ngoài việc là một vùng sinh thái, Amazzonia cũng là một kho tàng văn hoá cần dược
duy trì trước các chủ trương thực dân mới. Gia đình là và sẽ luôn luôn là cơ cấu
xã hội góp phần nhiều nhất vào việc duy trì sống động các nền văn hoá của chúng
ta. Trong các thời điểm khủng hoảng của quá khứ, đứng trước các đế quốc mới,
gia đình các dân tộc thổ dân đã là cơ cấu tốt nhất bảo vệ sự sống. Chúng ta được
mời gọi đặc biệt săn sóc gia đình đừng để cho mình bị bắt bởi các chủ trương thực
dân ý thức hệ, mang mặt nạ tiến bộ từ từ phá tán các căn tính văn hoá và
thiết lập một tư tưởng đồng nhất, một chiều… yếu kém.
ĐTC cũng khích lệ mọi người biết lắng nghe các người già, vì
họ có sự khôn ngoan khiến cho họ tiếp xúc với siêu việt và khám phá ra nòng cốt
sự sống. Chúng ta đừng quên rằng một nền văn hoá bị mất đi cũng trầm trọng như
việc biến mất của một loài vật hay một loài thảo mộc. Điều chị Yesica và anh
Hector đã chia sẻ thật quan trọng: “Chúng con muốn con cái của chúng con học
hành, nhưng không muốn rằng nhà trường xoá bỏ các truyền thống, tiếng nói của
chúng con, chúng con không muốn quên đi sự khôn ngoan của tổ tiên”.
ĐTC đặc biệt xin mọi người dành ưu tiên cho việc giáo dục,
vì giáo dục giúp chúng ta bắc các nhịp cầu và làm nảy sinh ra nền văn hoá gặp gỡ.
Trường học và giáo dục các dân tộc bản địa phải là một ưu tiên và là một dấn
thân của chính quyền, dấn thân toàn diện và hội nhập văn hoá có các tôn
trọng toàn vẹn như thiện ích của toàn quốc gia.
ĐTC xin các GM Perù tiếp tục thăng tiến việc giáo dục liên
văn hoá và hai thứ tiếng trong các trường học và các cơ cấu giáo dục sư
phạm và đại học. ĐTC chúc mừng các sáng kiến của Giáo Hội Perù đối với việc
thăng tiến các dân tộc bản địa: qua các trường học, nhà nội trú cho sinh viên học
sinh, các trung tâm nghiên cứu và thăng tiến như Trung tâm văn hoá Jose Pio
Aza, và nhiều trung tâm khác. ĐTC cũng chúc mừng các bạn trẻ thổ dân cố gắng soạn
thảo một nền nhân chủng học mới và đọc lại lịch sử các dân tộc của họ từ các
quan điểm mới. Ngài cũng khích lệ mọi sinh hoạt nghệ thuật hội họa, văn chương,
thủ công nghệ, âm nhạc diễn tả sư phong phú và vẻ đẹp văn hoá của họ.
Sau cùng ĐTC nhắc tới phần đóng góp và các hy sinh của biết
bao nhiêu các thừa sai nam nữ dấn thân bênh vực quyền lợi của các thổ dân và
thăng tiến cuộc sống của họ. Ngài nhắn nhủ mọi người đừng ngã quỵ trước các âm
mưu nhổ mất gốc rễ đức tin công giáo của họ. Mọi nền văn hoá đều làm giầu cho
Giáo Hội. Vì thế ĐTC kêu gọi các thổ dân trợ giúp các GM và các thừa sai trong
việc nhào nắn một Giáo Hội có gương mặt Amazzoni.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét