Trang

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Wanda Błeńska, người Ba lan, mẹ của những bệnh nhân phong cùi ở châu Phi

Wanda Błeńska, người Ba lan, m ca nhng bnh nhân phong cùi châu Phi
Một bệnh nhân bệnh phong

“Là một bác sĩ truyền giáo thật là tuyệt vời. Bởi vì bạn không chỉ chữa lành bệnh tật nhưng còn chữa lành tâm hồn. Tôi không biết đã chữa lành bao nhiêu bệnh nhân bằng thuốc men và bao nhiều bệnh nhân được chữa lành nhờ lời cầu nguyện của tôi…”. Đó là những lời bác sĩ Wanda Błeńska viết khi còn sống, nhưng giờ đây, chắc chắn bác sĩ Błeńska biết điều này. Bác sĩ đã qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 2014, hưởng thọ 103 tuổi, sau những năm tháng dài nói về Chúa với mọi người bằng công việc chăm sóc các bệnh nhân.
Wanda Błeńska sinh năm 1911. Khi Błeńska vừa chào đời, bà nội của Błeńska nói với cha của Błeńska: “Con biết đó, con trai, mẹ rất tiếc phải nói điều này là con bé sẽ không sống sót lâu đâu. Tuy thế, lời tiên báo này không ứng nghiệm. Dù trải qua những hiểm nguy tù tội, dù có nguy cơ lây nhiễm bệnh khi chăm sóc cho các bệnh nhân. Ngay từ khi còn là một cô gái nhỏ, Błeńska đã muốn trở thành bác sĩ và là một nhà truyền giáo. Khi cha của Błeńska đến Poznań để đăng ký cho cô vào ngành y của đại học Poznań, vì cô chưa tròn 17 tuổi, giáo sư khoa trưởng đã hỏi ông: “Ông không sợ khi để cho đứa con gái trẻ trung của ông đi học y khoa sao?” Cha của Błeńska đã trả lời: “Con tôi nói với tôi là nó sẽ không theo học một ngành nào khác ngoại trừ ngành y.” Vị khoa trưởng im lặng và cuối cùng đã nhận Błeńska vào trường.
Năm đó, ngành y có khoảng 300 sinh viên theo học năm nhất, nhưng chỉ có 15 trong số này là nữ. 15 nữ sinh viên đã lập gia đình, 15 người khác đã đính hôn, chỉ còn lại 5 người vẫn độc thân như Błeńska. Thật ra Błeńska không bao giờ lập gia đình, vì cô cảm thấy minh không yêu một người nam nào đó đủ để đi đến thành hôn với nhau. Trong thời gian còn là sinh viên, Błeńska đã tham gia vào các hoạt động của Hội truyền giáo. Nhưng cô không thể trở thành một nhà truyền giáo vì vào thời đó, các nữ giáo dân không được sai đi truyền giáo.
Sau khi hoàn tất chương trình y khoa, bác sĩ Błeńska đã trở lại Toruń và làm việc tại Bộ Y tế. Rồi thế chiến thứ hai bùng nổ. Bác sĩ Błeńska hoạt động trong tổ chức Pomeranian Griffin, một tổ chức bí mật chống phát xít, trong cương vị đội trưởng đội phụ nữ. Một ngày kia, quân Đức bắt được sĩ quan liên lạc của nhóm và giải mã được bản tin mà người này đang mang theo. Kết quả là vào ngày 23 tháng 6 năm 1944, bác sĩ Błeńska bị bắt. Błeńska đã có thể bị kết án tử hình. Cuối cùng, sau hơn 2 tháng ở tù, cô đã được trả tự do để đổi lấy thực phẩm.
Lúc đó, Roman, một người anh của bác sĩ Błeńska cũng đang bị giam tù ở Đức. Khi nghe tin anh mình bệnh nặng, Błeńska đã sang Đức để thăm anh. Cô kể lại: “Khi tôi đến nhà tù, tôi phải hỏi người chỉ huy hay chính quyền … Ông ta nhìn tôi và hỏi: ‘Làm sao cô đến đây được?’ Làm thế nào tôi đến đó? Tôi suy nghĩ. Tôi không biết, Chúa đã giúp tôi. Tôi chỉ nói rằng tôi đến được đó là nhờ mọi nơi tôi đến tôi đều gặp những người tốt. … Đây chính là đức tính tốt của bác sĩ Błeńska, luôn tìm thấy điều tốt nơi người khác và tránh nói xầu về người khác.
Khi bác sĩ Błeńska được đưa đến gặp anh mình, cô hỏi anh điều gì anh cần. Anh của cô trả lời là rất muốn được ăn trái việt quất. Thế là Błeńska đi vào thành phố để tìm mua cho anh mình trái cây anh thích. Người đầu tiên Błeńska gặp là một phụ nữ đang mang những trái việt quất thật tươi, mới hái. Cô đến gần và nói với ngừoi phụ nữ này: ‘Bà có thể bán cho tôi một ít không? Anh của tôi đang ở tù và xin tôi mang cho anh một ít trái việt quất.’ Người phụ nữ đáp lời rằng con trai của bà đang ở trong quân đội. Con bà cũng có thể bị bắt làm tù nhân bất cứ lúc nào. Và bà đã cho Błeńska một ít việt quất mà không lấy tiền. Błeńska kết luận: ‘Bà ta là một người Đức. Người tốt có ở mọi nơi.”
Năm 1946, bác sĩ Błeńska trở lại Đức để thăm anh mình sắp qua đời. Thời điểm đó, biên giới Đức và Ba lan đã bị đóng và không thể vượt qua biên giới được. Błeńska đã cố gắng lên một chiếc tàu ở Lübeck và trốn trong hầm than để đến Đức. Sau khi anh của Błeńska qua đời, cô không thể trở về Ba lan được. Cô đã ở lại Đức và năm sau đó cô di chuyển đến Anh. Tại Anh, bác sĩ Błeńska đã tiếp tục và hoàn thành khóa học về y học nhiệt đới. Năm 1950, một giám mục Ugan đã mời bác sĩ Błeńska đến làm việc tại nước này và cô đã nhận lời. Và kể từ đó, cuộc đời của bác sĩ Błeńska hoàn toàn gắn liền với những người mắc bệnh phong cùi.
Bác sĩ Błeńska đi đến Buluba ở Lake Victoria và làm việc tại bệnh viện thánh Phanxicô do các nữ tu dòng thánh Phanxicô đang truyền giáo tại châu Phi điều hành, đồng thời cũng làm việc tại một trung tâm săn sóc sức khỏe ở Nyenda. Trong nhiều năm trời, Błeńska là bác sĩ duy nhất trong vùng, chăm sóc cho hàng ngàn bệnh nhân phong cùi. Để các bệnh nhân không cảm thấy bị kỳ thị, cảm thấy bị khinh khi, bác sĩ Błeńska đã khám bệnh cho họ mà  không cần mang găng tay. Chỉ khi phải xử lý một vết thương mở hay phải mổ cho bệnh nhân thì bác sĩ mới mang găng tay. Bác sĩ Błeńska muốn vượt qua nỗi sợ hãi bệnh phong cùi và cảm giác bị loại trừ mà các bệnh nhân trong cộng đồng này cảm thấy. Các bệnh nhân ở đây đã gọi bác sĩ Błeńska là mẹ của các người cùi.
Dù hoạt động tận tình và cứu giúp cho nhiều bệnh nhân ở Phi châu, nhưng bác sĩ Błeńska không được người dân Ba lan biết đến nhiều. Chỉ vào đầu những năm 1990, khi đã hơn 80 tuổi, bác sĩ Błeńska trở về Ba lan và bắt đầu giảng dạy tại trung tâm đào tạo truyền giáo ở thủ đô Vác sa va, thăm viếng các trường học và các trung tâm chăm sóc mục vụ, bác sĩ mới được biết đến và trở thành nguồn gợi hứng cho nhiều người khác. Một trong những người được gương sáng của bác sĩ Błeńska đánh động chính là Anna Wojtacha, Khi Anna Wojtacha 14 tuổi, cô đã nghe biết về bác sĩ Błeńska, lúc ấy vẫn còn đang truyền giáo tại Buluba. Anna đã viết một lá thư cho bác sĩ Błeńska và hai tháng sau đó, cô nhận được thư trả lời của bác sĩ, trong đó bác sĩ Błeńska kể cho cô nghe về công việc bác sĩ đang làm tại làng người phong cùi và nói với cô về sự quan trọng của việc thực hiện nguyện ước của mình. Anna Wojtacha cũng theo học ngành y, trở thành bác sĩ và đến làm việc  truyền giáo tại các nước Zambia, Bolivia và Angola. (Aleteia 04/12/2017)
Hồng Thủy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét