01/03/2018
Thứ năm đầu tháng, tuần 2 Mùa Chay
Bài Ðọc I: Gr 17, 5-10
"Khốn thay cho
kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa".
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Ðây Chúa phán:
"Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người,
còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy
khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không
người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy
trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt,
không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà
vẫn sinh hoa kết quả luôn. Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được? Còn
Ta, Ta là Chúa, Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người
tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4
và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39,
5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai
không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân,
không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa,
và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng
bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả
công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được
như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công
chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta
không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".
Phúc Âm: Lc 16, 19-31
"Con đã được sự
lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm
vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là
Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ
bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến
liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các
thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem
chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng
xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
"Lạy Cha Abraham,
xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi
tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: "Hỡi con,
suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây
giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các
ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua
đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được".
Người đó lại nói:
"Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người
anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này".
Abraham đáp rằng: "Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các
Ngài". Người đó thưa: "Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai
trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải". Nhưng Abraham bảo người ấy:
"Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại
đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Người Phú Hộ
Với Lazarô
Tất cả lề luật và các
lời tiên tri đều quy về hai điều này: "Mến Chúa và Yêu Người". Ðó là
cốt tủy của đạo Chúa truyền cho con người trong thời Cựu Ước của dân Do thái
cũng như trong Tân Ước qua mạc khải trọn hảo của Chúa Giêsu Kitô.
Tuy nhiên, câu nguyện
ngụ ngôn trên của Chúa Giêsu nói về người giàu có và người ăn mày Lazarô xem ra
muốn nhấn mạnh vào việc sử dụng tiền của như thế nào? Người giàu có trong dụ
ngôn chỉ dùng tiền của mà ông có, để phục vụ những nhu cầu riêng của mình mà
thôi. Ông vận toàn gấm vóc, lụa là và ngày ngày yến tiệc linh đình. Ông không
biết chia sẻ với người anh em ăn xin nằm trước cửa nhà, ông không biết sống
liên đới với kẻ khác. Ông đã không yêu Chúa mà cũng chẳng biết yêu người. Tiền
của dư thừa đã làm cho ông bỏ quên Chúa và anh em đồng loại. Tiền của dư thừa
là một nguy hiểm cho những ai không có lòng yêu mến Chúa. Ngược lại, người có
lòng yêu mến Chúa thật thì sẽ biết sử dụng tiền của Chúa ban mà làm muôn điều
ích lợi cho tha nhân.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô
Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã lưu ý các
người con tinh thần của mình về tinh thần thanh bần trong Phúc Âm như sau: Của
cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu. Của cải làm bệ chân con, nếu con đứng
trên nó. Không có của mà tham vẫn chưa phải là thanh bần. Có của mà không dính
bén có thể có lòng khó khăn thực sự. Dùng của cải cách quảng đại, chính là của
Chúa trao cho con sử dụng để trao ban cho những người nghèo. Con là quản lý của
Chúa, Ngài trao nhiều cho con giữ nhiều, trao ít cho con giữ ít. Ngài thu lại
con bằng lòng, nhưng con chịu trách nhiệm về của Ngài. Thanh bần ghen ghét,
thanh bần chỉ trích, thanh bần bất lực... không phải là thanh bần Phúc Âm.
Ðể có thanh bần theo
Phúc Âm, nhất là để sống thanh bần Phúc Âm cần có tràn đầy tình thương Chúa:
"Con hãy về bán tất cả những gì con có, lấy tiền của phân phát cho người
nghèo rồi hãy đến theo Thầy". Chàng thanh niên không thể đáp lại lời mời gọi
sống thanh bần Phúc Âm trên bước đường theo Chúa, nên đã êm đềm rút lui, vì anh
ta có nhiều của cải mà không có nhiều tình yêu Chúa.
Thật là một trường hợp
đầy ý nghĩa khi chính trong mùa Chay Thánh này, vào ngày 19 tháng 03, Giáo Hội
mừng kính thánh Giuse, một vị thánh nghèo đầu tiên của những người rất giàu niềm
tin vào tình yêu đối với Chúa.
Nguyện xin Thánh Cả
Giuse cầu cùng Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng con sống trọn vẹn ơn gọi của
mình cho đến cùng trong âm thầm, trong nghèo khó để chúng con phục vụ Chúa
trong chương trình cứu rỗi của Ngài.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần II MC
Bài đọc: Jer
17:5-10; Lk 16:19-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin
Thiên Chúa hơn tin người đời.
Nếu một người tin ai
hay tin điều gì thì họ sẽ cậy dựa vào điều đó. Ví dụ, nếu một người tin có tiền
mua tiên cũng được, họ sẽ ra sức làm sao cho có nhiều tiền; hay nếu một người
tin có uy quyền sẽ có tất cả, họ sẽ lo làm sao cho được một địa vị cao trong xã
hội. Nhưng nếu một người tin hạnh phúc không lệ thuộc vào những lợi lộc vật chất,
họ sẽ đi tìm những giá trị tinh thần qua những lời khôn ngoan của bậc thánh hiền.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc phải tin và cậy dựa vào Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri
Jeremiah đưa ra hai mẫu người với hai niềm tin khác nhau. Tiên tri nói: Phúc
thay cho những ai cậy dựa vào Thiên Chúa. Họ như cây trồng bên suối nước, sẽ
luôn sinh hoa kết quả và không bao giờ bị khô héo. Nhưng khốn thay cho kẻ tin
vào sức phàm nhân, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, và lúc nào cũng như
đang sống trong đồng khô cỏ cháy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu
gương để dạy cho dân một bài học: một người giàu có và Lazarus, người nghèo
khó. Người giàu có dùng tiền bạc của mình để sống phung phí trên sự nghèo khó của
Lazarus. Khi cả hai chết đi, cuộc sống hai người bị đảo ngược: Lazarus được ngồi
trong lòng tổ-phụ Abraham trên trời; trong khi người giàu có phải chịu cực hình
trong lửa đời đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải đặt niềm tin nơi nào cho đúng.
1.1/ Hai niềm tin: Tục ngữ Việt Nam có câu: “chọn mặt gởi vàng, chọn người để
tin.” Để lập gia đình cũng thế, nếu một người biết lựa chọn kỹ lưỡng người để kết
hôn theo những giá trị tinh thần, cuộc sống gia đình tương lai sẽ bền vững;
nhưng nếu chỉ “vơ bèo vạt tép,” làm sao có thể ở với nhau suốt đời được? Tương
tự như thế trong khi chọn người để ký thác cả phần hồn lẫn phần xác, con người
phải lựa chọn giữa Thiên Chúa, phàm nhân, hay của cải vật chất. Khi con người
chọn tin vào ai, họ sẽ làm quyết định theo niềm tin của họ. Tiên tri Jeremiah
đưa ra hai lựa chọn căn bản và những hậu quả của chúng.
(1) Tin ở người đời:
“Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,
và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được
thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi
đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người.”
Tiên tri Jeremiah sống
trong thời gian lịch sử mà đa số dân tộc Israel, vua cũng như dân, quay lưng lại
với Thiên Chúa. Hezekiah, Vua Judah đã chọn tin tưởng nơi Vua Ai-cập hơn là tin
tưởng nơi Thiên Chúa. Hậu quả là vương quốc bị rơi vào tay Vua Babylon và tòan
dân bị lưu đày. Điều khờ dại nhất của con người là chọn những tạo vật của Thiên
Chúa làm ra thay vì chọn chính Đấng đã tạo dựng nên mọi sự. Điều ma quỉ dùng để
cám dỗ con người là làm cho con người chỉ chú trọng đến hậu quả hiện tại tạm thời,
mà quên đi quá khứ và không cần nhìn đến tương lai.
(2) Tin ở Thiên Chúa:
“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người
ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến
cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại,
và không ngừng trổ sinh hoa trái.”
Khi một người khôn
ngoan sống theo niềm tin của mình, chọn Thiên Chúa là điều quá hiển nhiên, vì
Ngài là nguồn gốc mọi sự. Làm sao một người có uy quyền để bảo vệ một người như
Thiên Chúa? Thánh Polycarp, khi được quyến dũ để bỏ Thiên Chúa, đã khẳng khái trả
lời: “Trong 86 năm tôi đã phục vụ Ngài, Ngài đã không bao giờ gây ra bất kỳ thiệt
hại gì cho tôi: Làm sao tôi có thể xúc phạm đến Vua và Đấng Cứu Chuộc của tôi?”
1.2/ Thiên Chúa thấu suốt
lòng con người: Tin thế nào sẽ sống như vậy;
cuộc sống con người biểu tỏ những gì con người tin. Họ sẽ phải ra trước tòa
phán xét để trả lời với Thiên Chúa về cuộc sống của họ. Khi đó, họ không thể
nói họ đã tin Thiên Chúa trong lòng hay tuyên xưng Ngài bằng miệng lưỡi được,
vì đời sống của họ sẽ là bằng chứng tố cáo họ. Lời tiên tri Jeremiah cũng cảnh
cáo những con người hai lòng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai
dò thấu được? Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ
thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.”
2/ Phúc Âm: Lazarus tin nơi Thiên Chúa.
2.1/ Ông nhà giàu tin nơi
sự giàu có của mình: Chỉ trong ít lời ngắn
ngủi, Thánh sử Lucas đã lột tả được sự bất công giữa lòai người: một ông nhà
giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người,
vừa nghèo khó lại vừa bệnh tật, tên là Lazarus, nằm trước cổng ông nhà giàu.
Lazarus thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại
thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Cuộc đời sau đảo lộn
thứ tự của cuộc đời này. Người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng
ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang
khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và
thấy anh Lazarus trong lòng tổ phụ. Ông kêu cứu: "Lạy tổ phụ Abraham, xin
thương xót con, và sai anh Lazarus nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi
con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”
2.2/ Lazarus tin nơi tình
yêu Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên mọi sự
trong trời đất cho mọi người hưởng dùng. Con người không phải là chủ nhân, mà
chỉ là những người quản lý của cải của Thiên Chúa. Vì thế, con người không được
quyền phung phí của cải trong khi những người nghèo không có của ăn. Nếu họ
không san sẻ của cải cho người nghèo, họ sẽ phải nghe những lời như Abraham nói
với người giàu có: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần
phước của con rồi; còn Lazarus suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ,
Lazarus được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng
ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con
cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”
2.3/ Bài học cho người
còn sống: Sống thế nào sẽ phải lãnh nhận hậu
quả như vậy. Nếu chưa biết cách sống, con người phải tìm tòi học hỏi để biết sống,
nhất là qua Kinh Thánh. Việc hóan cải đòi nhiều nỗ lực và thời gian, chứ không
phải khi muốn là được. Người giàu có xin Abraham sai Lazarus đến nhà để cảnh
cáo cho năm người anh em của ông cũng đang sống bất công như vậy, nhưng Abraham
đáp: "Nếu Moses và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết
có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta chỉ có thể
lựa chọn một trong hai điều: tin nơi Thiên Chúa hay nơi phàm nhân. Chúng ta
không thể làm tôi hai chủ: “cả Thiên Chúa lẫn tiền tài.”
- Tin thế nào sẽ sống
thế ấy; cuộc sống là biểu tỏ những gì con người tin. Chúng ta không thể chỉ tin
trong lòng hay nơi “chót lưỡi đầu môi.”
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
01/03/2018 - THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Lc 16,19-31
DỤ NGÔN PHIÊN BẢN HIỆN ĐẠI
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày
yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy
mình, nằm trước cổng ông nhà giàu…” (Lc 16,19-20)
Suy niệm: Ngày 3/7/1980 Đức Giáo
Hoàng Gio-an Phao-lô II đến thăm Sao Paolo nước Bra-xin, ngài đã áp dụng dụ
ngôn này vào thế giới hiện đại: “Hàng ngàn làn sóng di dân chen chúc nhau trong
những khu nhà ổ chuột ở thành phố. Cuộc sống đầy thất vọng và tới tận cùng khốn
khổ. Những trẻ em, thiếu niên, thanh niên không tìm được khoảng không gian sinh
hoạt để phát triển mạnh mẽ những nghị lực thể lý và tinh thần, đành phải sống
lang thang trên hè phố, giữa cảnh ồn ào náo nhiệt và những cao ốc bao quanh san
sát. Bên cạnh cuộc sống tiện nghi hiện đại lại tồn tại những con người quá thiếu
thốn – Sự phát triển hiện đại thường biến thành một bản sao kỳ lạ của bài dụ
ngôn Người Phú hộ và Lazarô.”
Mời Bạn: Tội của ông nhà giàu không
phải là tội lỗi phạm mà là tội thiếu sót. Mời bạn suy nghĩ cũng lời Thánh Giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II nói tại sân vận động Yankee, New York trong chuyến viếng
thăm Mỹ ngày 02/10/1979: “Chúng ta không thể vui hưởng của cải và tự do của
chúng ta nếu ở bất cứ một nơi nào đó, người hành khất La-za-rô của thế kỷ 20 vẫn
còn đang đứng chờ chúng ta ngoài cửa…”
Chia sẻ: Thảo luận trong nhóm để tìm ra cách tốt nhất chia sẻ cụ
thể với một gia đình đang gặp khó khăn trong nhóm của bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bớt lại một chút
phần ăn của mình (gạo, tiền) dành để giúp đỡ người nghèo khi cần thiết.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 Phút Lời Chúa)
Có một vực thẳm (1.3.2018 – Thứ năm Tuần 2 Mùa Chay)
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình...
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.
Suy
niệm:
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới
còn lớn hơn tài sản của
48 nước kém phát triển.
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chỉ cần 40 tỉ đô la của
ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu
cho giáo dục cơ bản, sức
khỏe, nước sạch và vệ sinh
cho cả thế giới trong một
thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch
giữa ông nhà giàu và Ladarô,
chúng ta thấy bức tranh
hiện thực của thế giới.
Hố sâu ngăn cách giữa
giàu nghèo ở đô thị,
giữa đô thị và nông thôn,
càng lúc càng lớn.
Có 800 triệu Ladarô đang
đói nghèo cùng cực.
Hơn một tỉ Ladarô bệnh
tật không được chăm sóc.
Vẫn có bao người chết đói
mỗi ngày,
vì không được hưởng gì từ
các bàn tiệc rơi xuống.
Ông nhà giàu trong dụ
ngôn có thấy, có biết Ladarô,
nhưng thấy mà như không
thấy có Ladarô trên đời.
Tiện nghi vật chất đã
thành bức tường kín.
Ông sống an toàn mãn
nguyện trong khoảng không gian riêng.
Chính ông đã tạo ra một
vực thẳm ngăn cách.
Không cần Chúa, cũng
chẳng cần biết đến anh em.
Có thể nói vực thẳm đó
lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.
Hỏa ngục là sự tự cô lập
mình không thể đảo ngược được.
Chẳng ai có thể cho tôi
một giọt nước.
Vực thẳm ngăn cách con
người ở đời sau
là do chính con người đã
tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt,
không phải vì ông đã bóc lột ai,
nhưng vì ông không bị sốc
chút nào
trước sự chênh lệch ghê
gớm giữa ông và Ladarô.
Từ sốc mới nẩy sinh thức
tỉnh, và dẫn đến hoán cải.
Nhiều nước giàu vẫn trợ
giúp các nước nghèo,
nhưng không muốn loại bỏ
sự bất bình đẳng.
Các nước nghèo vẫn bị bóc
lột về tài nguyên, nhân công,
và bị nô lệ cho những món
nợ không sao trả hết.
Ông nhà giàu bị phạt
không phải vì ông đã nhận nhiều,
nhưng vì ông đã không san
sẻ những gì mình nhận.
Giàu không phải là một
tội, của cải tự nó không xấu.
Có bao người giàu tốt như
Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.
Nhưng giàu sang có thể
dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:
Tích trữ, tham lam, hà
tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,
bị ám ảnh bởi đồng tiền,
bị mê hoặc bởi lợi nhuận.
Chúng ta có thể nghèo của
cải, nhưng giàu có về các mặt khác:
giàu kiến thức chuyên
môn, giàu thế lực ảnh hưởng,
giàu sức khỏe, giàu tình
bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.
Hãy tập nhìn xuống để
thấy bao người dưới mình.
Chia sẻ là lấp vực thẳm,
nâng người khác lên bằng mình.
Ước gì chúng ta để cho
Lời Chúa hoán cải,
để thấy trách nhiệm của
mình trước những Ladarô
nằm ngay nơi cửa, trong
khu xóm...
Chỉ cần bớt chút dư thừa,
xa xỉ của chúng ta
cũng đủ làm nhiều người
no nê hạnh phúc.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con
thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ
thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu
thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô
túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của
người khác,
có bao điều con định mua
sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép
kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã
hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất
cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi
người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san
sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người
đói nghèo
là vì chúng con giữ quá
điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG BA
Một Hình Bóng Của Đất
Hứa
Trong Mùa Chay, chúng
ta được mời gọi một cách đặc biệt bước vào thực tại vượt qua. Thực tại này được
tìm thấy nơi Đức Kitô. Đồng thời, thực tại này cũng dành cho chúng ta. Nó phải
bao trùm lấy chúng ta, như đám mây đã bao trùm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên
núi Hiển Dung (Lc 9,34).
Lời hứa của giao ước mới
được hoàn thành xuyên qua mầu nhiệm vượt qua – một mầu nhiệm chạm đến con người.
Trong mầu nhiệm đó, chúng ta nhận thấy lời cam kết của Thiên Chúa được hoàn
thành trọn vẹn: lời cam kết đưa dẫn Abraham và con cháu ông vào miền Đất Hứa.
Trong nhiều thế hệ, miền đất này đã trở thành It-ra-en của Giao Uớc Cũ. Tuy
nhiên, đó chỉ là một bóng hình báo trước miền đất mà Thiên Chúa đã trao ban cho
chúng ta trong Đức Kitô.
Vì Thiên Chúa của Giao
Ước Mới không hạn định lời hứa của Ngài nơi bất cứ một đất nước riêng rẽ nào
hay bất cứ một nơi chốn chất thể nào. Không một nơi chốn nào trên trần gian có
thể chứa đựng được hoạt động cứu độ của Thiên Chúa đối với những ai qui tụ lại
trong Đức Kitô. Về mầu nhiệm này, Thánh Phao-lô viết: “Còn chúng ta, quê hương
chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Kitô từ trời đến
cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy
mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”
(Pl 3,20-21).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/3
Gr 17, 5-10; Lc 16,
19-31.
LỜI SUY NIỆM: “Môsê và các
Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe; thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu
tin.”
Sống trên đời này, mỗi
con người cần phải tin có sự sống đời sau, nếu không có niềm tin này, con người
chỉ tìm kiếm những gì để phục vụ làm thỏa mãn cho thân xác mình mà thôi, dẫn đến
sự dững dưng trước mọi hoàn cảnh, không thấy sự liên đới với những người chung
quanh, kể cả các tạo vật khác.
Lạy Chúa Giêsu, Kinh
Thánh, giáo lý và giáo huấn của Hội Thánh luôn là những lời hướng dẫn đời sống
đức tin và luân lý cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe, học hỏi
và áp dụng vào đời sống của chúng con, để ngày sau được vui hưởng hạnh phúc
trong Nước Trời.
Mạnh Phương
01 Tháng Ba
Tro Tàn Của Lịch Sử
Một buổi sáng dạo đầu
tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng
trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov
ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự
nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ
của mẹ ông.
Georgi Dimitrov đã
từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập
Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt
vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá
khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...
Người ra lệnh đưa
ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản
Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con người bởi đâu mà
ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái
chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những câu hỏi lớn ấy thì
có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn
nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của
lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp
xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là người có niềm tin,
chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người.
Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết
mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không
là điều chúng ta đang tìm kiếm?
Tin Mừng ghi lại phép
lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói,
chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát.
Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại
no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ
mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho
con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và
danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là
lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn
vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy
hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Luca 16:19-31
Thứ Năm 1 Tháng Ba,
2018
Thứ Năm Tuần II Mùa
Chay
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa
chúng con,
Nhiều người trong
chúng con, cuộc đời chưa bao giờ được khá giả như thế
Vì vậy chúng con đã trở
nên tự mãn và hài lòng, hạnh phúc trong thế giới nhỏ bé của chúng con.
Lạy Chúa, nguyện xin
cho tai chúng con vẫn mở ra để lắng nghe Lời Chúa
Xin cho lòng chúng con
vẫn hướng về Chúa
Và hướng về anh chị em
chúng con.
Xin Chúa đừng để cho
chúng con quên Chúa,
Hoặc đặt để niềm tin của
chúng con vào chính mình.
Xin hãy làm cho chúng
con thao thức vì Chúa,
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm
– Luca 16:19-31
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng những người Biệt Phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc,
lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là
Lagiarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ
bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến
liếm ghẻ chốc của người ấy.
Nhưng xảy ra là người
hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú
hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hỏa ngục, phải chịu cực hình, nhà phú
hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Lagiarô trong lòng Ngài, liền cất
tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lagiarô nhúng đầu
ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa
này.” Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn
Lagiarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lagiarô được an ủi ở chốn này, còn
con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một
vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không
thể từ đó qua đây được.” Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lagiarô
đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải
sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môisen và các tiên
tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham!
Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo
người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết
sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.
3. Suy Niệm
– Mỗi khi mà Chúa Giêsu có điều gì quan trọng cần phải
thông tri, Người tạo ra một câu chuyện và kể dụ ngôn. Bằng cách này, qua việc
suy gẫm về một thực tại vô hình, Người dẫn dắt những ai đang lắng nghe Người
khám phá ra lời mời gọi vô hình của Thiên Chúa, Đấng hiện hữu trong đời sống. Dụ
ngôn được tạo nên để chúng ta nghĩ và suy gẫm. Vì lý do này, điều quan trọng là
phải chú ý, ngay cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Câu chuyện dụ ngôn trong
bài Tin Mừng hôm nay có ba nhân vật. Người hành khất tên Lagiarô, nhà phú hộ vô
danh và Tổ Phụ Abraham. Trong bài dụ ngôn, ông Abraham đại diện cho tư tưởng của
Thiên Chúa. Nhà phú hộ vô danh đại diện cho hệ thống tư tưởng thống trị thời
đó. Lagiarô đại diện cho tiếng khóc thầm lặng của những người nghèo khó vào thời
của Chúa Giêsu và của tất cả mọi thời đại.
– Lc 16:19-21: Tình cảnh của nhà phú hộ và người hành
khất. Hai thái cực của xã hội. Một mặt, sự giàu có thừa thãi; còn mặt khác, một
người nghèo không cơm ăn, không quyền lực, mình đầy ghẻ chốc, không ai đoái
hoài, ngó ngàng tới anh ta, ngoại trừ những con chó đến liếm ghẻ chốc của người
ấy. Vật ngăn cách giữa họ là cánh cổng đóng kín của nhà phú hộ. Về phần nhà phú
hộ, không có sự chấp nhận cũng chẳng có lòng thương xót đến tình cảnh của người
hành khất ngoài cửa nhà ông ta. Nhưng người hành khất thì có tên và nhà phú hộ
thì không có. Có nghĩa là, người hành khất có tên mình được viết vào trong sách
hằng sống, mà nhà phú hộ thì không. Tên của người hành khất là Lagiarô. Nó có
nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp. Và qua người hành khất, Thiên Chúa giúp cho nhà
phú hộ có thể có tên trong sách hằng sống. Nhưng nhà phú hộ không chấp nhận việc
được giúp đỡ bởi người hành khất, bởi vì cánh cổng nhà ông ta đóng kín. Khởi đầu
của bài dụ ngôn này mô tả tình trạng, là một tấm gương trung thực của những gì
đã xảy ra trong thời của Chúa Giêsu và thời ông Luca. Nó cũng là tấm gương của
mọi việc đang xảy ra hiện nay trên thế giới!
– Lc 16:22: Việc thay đổi mặc khải sự thật ẩn dấu.
Người hành khất chết đi và được các thiên thần đem lên nơi lòng tổ phụ Abraham.
Nhà phú hộ cũng chết và được đem chôn. Trong bài dụ ngôn, người hành khất chết
trước nhà phú hộ. Đây là một lời báo trước cho nhà phú hộ. Cho đến khi người
hành khất vẫn còn sống và nằm bên cổng, thì vẫn còn cơ hội cứu rỗi cho nhà phú
hộ. Nhưng sau khi người hành khất chết đi, công cụ duy nhất của ơn cứu rỗi cho
nhà phú hộ cũng chết theo. Giờ đây, người hành khất được ở trong lòng ông
Abraham. Lòng ông Abraham là nguồn mạch của sự sống, từ nơi đó Dân Thiên Chúa
được sinh ra. Lagiarô, người hành khất, là một phần tử của Dân Tộc Abraham, từ
nơi ấy anh ta bị loại trừ trước đó, khi anh ta nằm bên cổng nhà phú hộ. Nhà phú
hộ tin tưởng rằng ông ta là dòng dõi của Abraham thì lại không được tiến về
phía vòng tay ôm của ông Abraham! Lời giới thiệu về bài dụ ngôn kết thúc ở đây.
Bây giờ ý nghĩa của nó bắt đầu được mặc khải, qua ba lời đối thoại giữa nhà phú
hộ và Tổ Phụ Abraham.
– Lc 16:23-26: Lời đối thoại thứ nhất. Trong bài dụ
ngôn, Chúa Giêsu mở ra một cánh cửa ở phía bên kia của đời sống, phía bên Thiên
Chúa. Đó không phải là một thắc mắc về Thiên Đàng. Đó là một thắc mắc về sự sống
mà chỉ có đức tin mới tạo ra được và nhà phú hộ lại không có đức tin nên không
thể cảm nhận được. Chỉ dưới ánh sáng của cái chết mà ý thức về sự khống chế bị
tan rã và xuất hiện cho ông ta giá trị đích thực của cuộc sống là gì. Về phần
Thiên Chúa, không hề có tuyên truyền lừa dối về tư duy, mọi thứ thay đổi. Nhà
phú hộ trông thấy người hành khất Lagiarô ở trong lòng Tổ Phụ Abraham và yêu cầu
được giúp đỡ trong sự đau khổ của mình. Người phú hộ khám phá ra rằng chỉ có
Lagiarô mới có thể là ân nhân của mình. Nhưng, bây giờ thì đã quá muộn! Người
phú hộ vô danh trở nên lễ độ, vì ông ta nhận ra ông Abraham và gọi ông, Tổ Phụ
Abraham đáp lại và gọi ông ta là con. Trong thực tế ngôn từ này của ông Abraham
được gửi đến tất cả những người giàu có còn đang sống. Khi mà họ còn đang sống,
họ có thể là con cái của ông Abraham, nếu họ biết mở cửa cho Lagiarô, người
hành khất, người duy nhất có thể nhân danh Thiên Chúa mà giúp họ. Ơn cứu rỗi
cho người giàu có không ở trong việc Lagiarô có cho ông ta một giọt nước để làm
mát lưỡi ông ta hay không, mà đúng hơn là, ông ta, nhà phú hộ, phải mở cửa nhà
mình cho người nghèo khó để lấp đầy hố sâu to lớn đang hiện hữu.
– Lc 16:27-29: Lời đối thoại thứ hai. Nhà phú hộ nài
nỉ: ““Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lagiarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người
anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Nhà phú
hộ không muốn anh em mình sẽ phải đến cùng một chỗ đau khổ. Lagiarô, người hành
khất, là người trung gian thực sự duy nhất giữa Thiên Chúa và người giàu có.
Ông ta là người duy nhất bởi chỉ vì người nghèo mà người giàu phải trả lại những
gì họ có, và do đó, tái thiết lập nền công lý đã bị tổn hại! Nhà phú hộ lo lắng
cho các anh em của mình, nhưng không bao giờ quan tâm đến người nghèo! Câu trả
lời của ông Abraham thì rõ ràng: “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy
nghe các Ngài!” Họ có Kinh Thánh! Nhà phú hộ có Kinh Thánh. Ông ta thuộc nằm
lòng nó. Nhưng ông ta không bao giờ nhận thức được sự thật rằng Kinh Thánh có
điều gì đó liên quan đến người nghèo. Chìa khóa mà nhà phú hộ có để có thể hiểu
được Kinh Thánh là người hành khất đang ngồi bên cổng nhà mình!
– Lc 16:30-31: Lời đối thoại thứ ba.
“Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ
sẽ hối cải!” Nhà phú hộ nhận ra rằng ông ta đã sai lầm, ông ta đã phạm một lỗi,
bởi vì ông ta nói đến ăn năn, một điều gì đó mà ông chưa bao giờ nghe đến trong
đời. Ông ta muốn có một phép lạ, một sự sống lại! Nhưng kiểu sống lại này không
hề có. Sự sống lại duy nhất là Chúa Giêsu. Đức Giêsu, sống lại từ cõi chết đến
với chúng ta trong con người của những người nghèo khó, những kẻ không có quyền
làm người, những kẻ không có đất đai, những kẻ không có thức ăn, những kẻ không
có nhà ở, những kẻ không có sức khỏe. Trong câu trả lời cuối cùng, ông Abraham
đã minh bạch và quả quyết, mạnh mẽ: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các
tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu!”
Cuộc đối thoại kết thúc theo cách này! Đến đây chấm dứt bài dụ ngôn!
– Chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của Kinh Thánh là
người hành khất Lagiarô, đang ngồi trước cổng nhà! Thiên Chúa tự giới thiệu
mình trong con người của kẻ nghèo khó, ngồi tại cửa nhà chúng ta, để giúp chúng
ta lấp đầy hố sâu to lớn mà người giàu có đã tạo ra. Lagiarô cũng là Chúa
Giêsu, kẻ nghèo khó và là Đấng Cứu Thế tôi tớ, Đấng đã không được chấp nhận,
nhưng Đấng mà cái chết đã hoàn toàn thay đổi mọi thứ từ gốc rễ. Và mọi việc
thay đổi trong ánh sáng của cái chết của người nghèo khó. Thậm chí nếu nhà phú
hộ nghĩ rằng ông ta có tôn giáo và đức tin, trong thực tế, thì ông ta đã không ở
cùng với Thiên Chúa, vì ông đã không mở cửa cho người nghèo khó, như ông Giakêu
đã làm (Lc 19:1-10).
4. Một vài
câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Tôi cư xử với người nghèo khó ra sao? Họ có tên gọi
cho chúng ta không? Trong thái độ mà tôi có trước mặt họ, tôi đã cư xử giống
như Lagiarô hay giống như là nhà phú hộ?
– Khi người nghèo khó tiếp cận với chúng ta, họ có cảm nhận
được có cái gì đó khác thường không? Họ có cảm nhận được Tin Mừng không? Và
tôi, tôi có xu hướng thiên về bên nào, hướng về phép lạ hay hướng về Lời Chúa?
5. Lời nguyện
kết
Phúc thay người chẳng
nghe theo lời bọn ác nhân,
Chẳng bước vào đường
quân tội lỗi,
Không nhập bọn với phường
ngạo mạn kiêu căng,
Nhưng vui thú với lề
luật CHÚA,
Nhẩm đi nhẩm lại suốt
đêm ngày.
(Tv 1:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét