Giáo dục, chìa khóa của sự thay đổi cuộc sống
FAISALABAD. Cha Waseem Walter, giám đốc quốc gia công cuộc
truyền giáo thuộc Giáo hoàng tại Pakistan và là cha xứ ở Faisalabad, một thành
phố ở Punjab, Pakistan cho biết: "Giáo dục là cách duy nhất để giải phóng
cộng đồng Kitô hữu ở Pakistan khỏi cảnh đói nghèo. Việc thay đổi não trạng là
điều cấp bách; quá nhiều thanh thiếu niên không làm gì ngoài việc tiếp tục thay
thế cha mẹ họ với công việc của những người nhặt rác, vệ sinh hệ thống cống
rãnh, hoặc lao động trong các nhà máy".
Cái nhìn của cha Waseem Walter được Younas Ejaz, giáo lý
viên của một giáo xứ Công giáo tại khu phố Mehmood Booti ở Lahore đồng ý, anh
nói: "Não trạng không muốn thay đổi là vấn đề gây bất lợi cho họ, các Kitô
hữu ở Pakistan. Thiếu lòng tự trọng, phải sống trong các khu nhà ổ chuột; họ cần
thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc cho rằng họ chỉ thích hợp để làm sạch cống
rãnh. Nếu những người khác coi họ như vậy, vấn đề là cũng chính họ tự cho mình
là như thế". Ejaz lưu ý rằng các Kitô hữu phải là những người đầu tiên ủng
hộ việc thúc đẩy thăng tiến xã hội của họ; đây là việc cấp bách.
Younas Ejaz nói cha anh là một công nhân, nhưng ông đã thay
đổi não trạng, quan điểm. Khi có cơ hội ông đã thay đổi việc làm và điều này
cho phép ông đưa con cái đến trường và thay đổi cuộc sống cho các con.
Ngày nay, Ejaz là một kỹ sư và chịu trách nhiệm về phụng vụ
trong giáo xứ, anh cũng tham gia giảng dạy tại một trường tiểu học St. Francis
School. Anh giải thích: "Giáo dục là một nhân tố then chốt, một nhân tố
quyết định".
Vì lý do này, cộng đoàn Công giáo ở Pakistan rất nỗ lực
trong việc xây dựng và quản lý các trường học. Công cuộc này còn được trợ giúp
đắc lực từ phía các hội dòng; trẻ em Kitô hữu của các gia đình nghèo được
giúp đỡ trong việc chi tiêu.
Với cái nhìn hy vọng, lạc quan cha Waseem nói: "Sự thay
đổi bắt đầu với những người trẻ tuổi, hiện nay ở Pakistan người trẻ có một mong
muốn ngày càng tăng về quyền tự trị và tự do. Tôi tin rằng, trong hơn một thập
kỷ, tình hình xã hội có thể thay đổi”.
Trong số các thế hệ mới, sự hiểu biết ngày càng lan rộng ra
rằng giáo dục là một yếu tố thiết yếu. Các Kitô hữu ở Pakistan khoảng hai phần
trăm dân số, vượt quá hai trăm triệu dân nói: “Bây giờ chúng ta gieo, quả sẽ được
thu hoạch trong tương lai». (L’Osservatore Romano 18-02-2018)
Ngọc Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét