24/03/2018
Thứ bảy tuần 5 mùa Chay
Bài Ðọc I: Ed 37, 21-28
"Ta sẽ làm cho
chúng trở nên dân tộc duy nhất".
Trích sách Tiên tri
Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa
phán: "Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư
ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương. Ta sẽ làm
cho chúng trở nên dân tộc duy nhất sống trong đất của chúng, ở trên núi Israel;
chỉ có một vua cai trị chúng; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, cũng chẳng còn
chia làm hai nước nữa.
Chúng sẽ không còn dơ
nhớp vì thần tượng, vì các điều ghê tởm và mọi tội lỗi của chúng. Ta sẽ cứu
thoát chúng khỏi mọi nơi tội lỗi. Ta sẽ thanh tẩy chúng; chúng sẽ là dân Ta, và
Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Ðavit tôi tớ Ta sẽ là vua của chúng, chúng sẽ chỉ
có một chủ chăn mà thôi. Chúng sẽ tuân giữ và thực thi các giới răn của Ta.
Chúng sẽ cư ngụ trong đất mà Ta đã ban cho Giacóp tôi tớ Ta, và là đất tổ phụ
chúng đã cư ngụ; chúng và con cái cùng cháu chắt của chúng sẽ cư ngụ ở đó đến
muôn đời. Và Ðavit, tôi tớ Ta, sẽ là vua của chúng đến muôn đời. Ta sẽ ký kết với
chúng một giao ước hoà bình: Ðó sẽ là một giao ước vĩnh cửu đối với chúng. Ta sẽ
gầy dựng chúng, sẽ cho chúng sinh sản ra nhiều và sẽ thiết lập nơi thánh Ta giữa
chúng cho đến muôn đời. Nhà Tạm Ta sẽ ở giữa chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và
chúng sẽ là dân Ta. Các dân tộc sẽ biết rằng Ta là Chúa, Ðấng thánh hoá Israel,
khi đã lập nơi thánh Ta ở giữa chúng đến muôn đời".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Gr 31, 10.
11-12ab. 13
Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn
chiên mình (c. 10d).
Xướng: 1) Hỡi các dân
tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng:
"Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử
chăn dắt đoàn chiên mình". - Ðáp.
2) Vì Chúa đã giải
phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến
và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Ðáp.
3) Bấy giờ người thiếu
nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ
biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết
đau khổ. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta
không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".
Phúc Âm: Ga 11, 45-56
"Ðể quy tụ con
cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong những
người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào
Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc
Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói:
"Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng
ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến
phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng
tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng
thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không
phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói
tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ
quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người
Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở
lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều
người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa
Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người
có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai
biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Người công
chính
Tác giả thánh vịnh 58
đã có lời cầu nguyện như sau:
Lạy Thiên Chúa của
con
Xin cứu con khỏi kẻ
địch thù
Bênh đỡ con chống lại
kẻ tấn công
Cứu vớt con khỏi
vòng gian ác,
Giải thoát con khỏi
bọn giết người.
Kìa mạng con, chúng
rình hãm hại,
Lũ cường quyền xúm
lại chống con.
Ðây là tâm trạng của một
người công chính bị kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với tâm
trạng của Chúa Giêsu trong những ngày cuối cùng của Người ở trần gian. Sau ba
năm vất vả để rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ và thi ân giáng phúc, Chúa Giêsu phải đối
diện với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Người chỉ được những kẻ
thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh.
Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống
đối Người. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển.
Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại
kết quả bao nhiêu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa bị
những người Do Thái tìm cách khử trừ, vì Chúa không những không đáp ứng nguyện
vọng của họ mà lại còn tạo nên xáo trộn bất lợi cho cuộc sống của họ nữa. Họ
mong chờ một vị cứu tinh, nhưng vị cứu tinh này phải phù hợp với sở thích của họ,
phải mang lại cho họ thấy được những quyền lợi trước mắt, phải làm cho cuộc sống
trần thế của họ trở nên thoải mái hơn. Chúa làm cho họ thất vọng thế là họ loại
trừ Chúa ra khỏi cuộc sống. Ngày hôm nay, hai mươi thế kỷ sau ngày Chúa chịu chết
và sống lại, Chúa vẫn tiếp tục bị tẩy chay, bị loại trừ và điều đáng buồn nhất
là Chúa bị loại trừ bởi chính những người mang danh hiệu là người Kitô, trong số
đó có con. Con loại trừ Chúa khi con không sống theo tinh thần Tám mối phúc thật;
con loại trừ Chúa khi con chạy theo những thú vui vật chất, khi con tôn vinh những
gì thỏa mãn ước mơ trần thế của con. Con xưng mình là người có đạo, nhưng con lại
đi tìm một cứu Chúa không phải là Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, xin
thương cứu con khỏi những ràng buộc hư ảo ấy. Xin cho con luôn luôn tôn thờ và
tin yêu Chúa là Cứu Chúa duy nhất chân thật của con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần V MC
Bài đọc: Eze
37:21-28; Jn 11:45-57.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ
ban cho Dân Người một Đấng Cứu Độ.
Nhìn lại lịch sử nhân
lọai và lịch sử Cứu Độ, chúng ta thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa con người
và Thiên Chúa: Con người gây thiệt hại tàn phá, Thiên Chúa xây dựng và tái tạo.
Con người gây hận thù chia rẽ, Thiên Chúa tạo đoàn kết yêu thương. Con người
gây chiến tranh chết chóc, Thiên Chúa ban hòa bình an lạc.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta thấy hai thái độ tương phản giữa Thiên Chúa và con người. Trong
Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel tuy còn đang sống trong nơi lưu đày, nhưng đã nhìn
thấy trước ngày mà Thiên Chúa sẽ làm hai việc cho dân Israel: (1) “Ta sẽ cứu
chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở, đã phạm tội, và sẽ thanh tẩy chúng;” và
(2) “Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng.” Trong
Phúc Âm, những người Pharisees triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn tính kế họach
giết Chúa Giêsu. Thượng Tế Caiaphas đã “vô tình” nói lên hai mục đích về cái chết
của Chúa Giêsu: (1) Ngài phải chết thay cho tòan dân; và (2) cái chết của Ngài
sẽ quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ quy tụ dân thành một đoàn chiên, được chăn dắt
bởi một Chúa Chiên.
1.1/ Thiên Chúa sẽ quy tụ
dân Người về một mối: Ba điều tiên-tri
Ezekiel tuyên sấm:
(1) Dân Do-thái sẽ được
hồi hương: Vì không vâng lời Thiên Chúa dạy, dân tộc Do-thái bị mất quê hương
và bị lưu đày: miền Bắc bị thất thủ và lưu đày sang Assyria năm 721 BC; miền
Nam bị thất thủ và lưu đày sang Babylon năm 587 BC. Sống cực khổ nơi lưu đày,
tiên-tri Ezekiel được Thiên Chúa cho thấy và tuyên phán: “Đức Chúa là Chúa Thượng
phán như sau: Này chính Ta sẽ lấy con cái Israel từ giữa các dân tộc chúng đã
đi tới. Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng.”
(2) Dân Do-thái sẽ thống
nhất: Dân tộc Do-thái bị chia đôi thành hai vương quốc Bắc và Nam trước Thời
Lưu Đày. Tiên-tri Ezekiel cũng nhìn thấy cảnh đòan tụ hai miền Nam Bắc: “Ta sẽ
làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ, trên các núi Israel; tất cả
chúng chỉ có một vua duy nhất; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, không còn
chia thành hai vương quốc.”
(3) Dân Do-thái sẽ được
thanh tẩy: Dân chúng bị lưu đày là vì họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ
phượng các thần ngọai, và các tội bất công xã hội. Thời gian lưu đày là để
thanh luyện các tội của dân, và để Thiên Chúa tha thứ cho dân khi họ thật lòng
quay trở về với Ngài: “Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ
gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng
đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta
sẽ là Thiên Chúa của chúng.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ cho
David, lãnh đạo dân chúng đến muôn đời.
(1) Vua David lãnh đạo
dân: Vua David được coi như một vị vua nổi tiếng nhất trong các vua của
Do-thái. Thời của Vua, tất cả 12 chi tộc sống bình an và lãnh thổ được thái
bình thịnh trị. Vị Vua sẽ lãnh đạo dân cũng thuộc giòng dõi và nổi tiếng như
Vua David. Vị Vua này “sẽ làm vua cai trị chúng; sẽ chỉ có một mục tử duy nhất
cho chúng hết thảy. Chúng sẽ sống theo các phán quyết của Ta, sẽ tuân giữ các
thánh chỉ của Ta và đem ra thực hành. Chúng sẽ định cư trên đất Ta đã ban cho
tôi tớ Ta là Jacob, phần đất mà tổ tiên các ngươi đã cư ngụ. Chính chúng và con
cháu chúng sẽ định cư mãi mãi trên đó. David, tôi tớ Ta, sẽ là ông hoàng lãnh đạo
chúng cho đến muôn đời.”
(2) Thiên Chúa sẽ thiết
lập giao ước mới với nhà Israel: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó
sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi
nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà của
Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta.”
(3) Dân Chúa sẽ mở rộng
đến các dân tộc: “Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng
thánh hoá Israel, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời.”
2/ Phúc Âm: Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị
tiêu diệt.
2.1/ Thiên Chúa dùng Chúa
Giêsu để quy tụ dân Người về một mối: Việc
Chúa Giêsu truyền cho Lazarus đã chết ba ngày sống lại làm cho nhiều người tin
vào Ngài. Đây là lý do chính để những người Pharisees lập kế giết Ngài. Họ nói:
"Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để
ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả
nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Những gì họ lo nghĩ đã thành hiện thực
vào năm 70 AD, nhưng Chúa Giêsu không phải là lý do người Roma phá hủy nước
Do-thái. Thượng Hội Đồng (Sandherin) bao gồm những người Pharisees, giữ cẩn thận
Lề Luật, và những người Sadducees, quan tâm đến chính trị và xã hội.
(1) Chúa Giêsu chết
thay cho tòan dân: Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caiaphas, làm thượng
tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến
điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị
tiêu diệt." Có một sự trùng hợp giữa những gì Caiaphas nói và Kế Họach Cứu
Độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu phải chết để tòan dân được hưởng ơn cứu độ.
(2) Chúa Giêsu chết để
quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối: Có một sự trùng hợp
khác nữa giữa thánh ý của Thiên Chúa và những gì Caiaphas nói. Thiên Chúa dùng
ông để mặc khải ý định của Ngài: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì
ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay
cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên
Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” Như lời tiên-tri Ezekiel báo trước
trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu đến để quy tụ dân thành một đòan chiên, và Ngài
chính là Mục Tử Tốt Lành duy nhất chăn giữ đòan chiên này.
2.2/ Chúa Giêsu chuẩn bị
chết thay cho toàn dân: Chúa Giêsu biết ý định
của họ và biết ngày của mình trên dương gian sắp hòan tất, nên Ngài không đi lại
công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang
địa, tới một thành gọi là Ephraim (gần Bethel). Người ở lại đó với các môn đệ.
Khi ấy sắp đến lễ Vượt
Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Jerusalem để cử hành các
nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ
bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế
không?" Họ nghĩ Chúa Giêsu không có can đảm để đối đầu với các thế lực
chính trị và tôn giáo. Họ đã lầm, vì Chúa Giêsu không những dám vào, mà còn
long trọng vào Thành Jerusalem với dân từ Bethany, trong Chủ Nhật Lễ Lá mà
chúng ta sẽ cử hành để nhớ lại biến cố này ngày mai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy học để
làm như Thiên Chúa: xây dựng thay vì phá hoại, tạo đòan kết thay vì gây chia rẽ,
yêu thương thay cho hận thù.
- Chúa Giêsu đã chết
thay cho tất cả chúng ta. Ngài chết để đưa tất cả nhân lọai về cho Thiên Chúa.
Đây là Tin Mừng mà chúng ta cần tin tưởng và loan báo cho mọi người.
- Thiên Chúa điều khiển
mọi người và mọi sự. Tất cả những gì Ngài muốn sẽ hiện thực. Con người không thể
làm bất cứ gì để vô hiệu hóa dù chỉ một kế họach của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/03/2018 - THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-56
QUY TỤ VỀ MỘT MỐI
Ông đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho
dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa
đang tản mát khắp nơi về một mối. (Ga 11,51-52)
Suy niệm: Những vị lãnh đạo giỏi là
những người có khả năng quy tụ: huấn luyện viên với cầu thủ, giám đốc với nhân
viên... Vua Quang Trung, Trần Hưng Đạo là những danh tướng nhờ biết quy tụ sức
mạnh của quân sĩ dưới quyền. Đức Giê-su đến trần gian với sứ mạng quy tụ tất cả
mọi người thuộc mọi dân tộc trên khắp thế giới thành một dân: dân Thiên Chúa.
Làm thế nào để hoàn thành sứ mạng gay go này? Bằng sức mạnh quân sự? Bằng khôn
khéo chính trị? Bằng kinh tế phồn vinh? Thưa không, mà bằng cái chết của Ngài
trên thập giá. Một cái chết cho thấy lòng hiếu thảo tận tuỵ với Chúa Cha, cũng
như vui lòng chịu vắt kiệt sự sống vì yêu thương con người. Nhờ cái chết ấy, mọi
người, dù khác biệt về màu da, ngôn ngữ... có thể quy tụ với nhau và thân thưa:
Lạy Cha chúng con.
Mời Bạn: Năng suy gẫm cái chết quy
tụ nhân loại của Đức Giê-su, đặc biệt trong những ngày còn lại của mùa Chay, để
tâm hồn bạn được hoán cải và nỗ lực quy tụ người khác về với Chúa. Tôi sẽ có những
đóng góp tích cực nào để quy tụ người chung quanh về với Chúa ?
Sống Lời Chúa: Để hiệp thông với cái chết
của Đức Giê-su, trong mùa Chay này mỗi khi bị đau khổ, bị hiểu lầm... tôi sẽ
dâng cho Chúa, không lẩm bẩm kêu ca.
Cầu nguyện: Lạy hồn Chúa
Ki-tô, xin thánh hóa con. Lạy xác thánh Chúa Ki-tô, xin cứu độ con. Lạy máu
thánh Chúa Ki-tô, xin cho con say mến. Lạy nước bởi cạnh sườn Chúa Ki-tô, xin
thêm sức cho con. Amen. (Th. I-nhã)
(5 Phút Lời Chúa)
Chết thay cho dân (24.3.2018 – Thứ bảy Tuần 5 Mùa Chay)
Trên thế giới, có nhiều nhà truyền giáo đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn,
nguy hiểm, và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.
Suy niệm:
Đức Giêsu đã từng nhiều
lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.
Nhưng đây là lần đầu tiên
các thượng tế, các người Pharisêu
và Thượng Hội Đồng của Do
thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).
Theo Tin Mừng Gioan, lý
do gần nhất đưa đến quyết định đó
là việc Đức Giêsu làm cho
anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).
Sự sống lại của anh đã
khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo
sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,
mọi người sẽ tin, và quân
Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).
Caipha là vị thượng tế
đương nhiệm năm ấy.
Đứng trước sự lúng túng
và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,
đột nhiên ông phát biểu
như không cần suy nghĩ thêm gì nữa :
“Thà một người chết thay
cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).
Lời phát biểu bộc phát
như thế,
nào ngờ lại là một lời tiên
tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.
Caipha chỉ muốn loại trừ
Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,
nhưng ông lại vô tình nói
tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.
Cái chết ấy sẽ cứu cả dân
tộc Do thái khỏi bị tiêu diệt,
Đức Giêsu chết thay cho
dân của Ngài.
Nhưng Caipha không ngờ
ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.
Ngài chết “không chỉ thay
cho dân (Do thái) mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con
cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Cái chết ấy có khả năng
quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu
về một đoàn chiên duy
nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).
Cái chết ấy có khả năng
kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).
Đức Giêsu đã bị kết án
ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.
Ngài bị kết án tử vì đã
trao ban sự sống cho một con người.
Cái chết của Ngài không
ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem
và sự tan hoang của cả
đất nước Do thái vào năm 70.
Nhưng cái chết ấy đã đem
lại ơn cứu độ cho mọi người tin.
Hiệu quả của cái chết ấy
vẫn còn mãi đến tận thế.
Đức Giêsu đã hiến mạng
sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).
Năm 2017 người ta xác
định được 23 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới,
gồm 13 linh mục, 1 tu sĩ
nam, 1 nữ tu và 8 giáo dân.*
Họ đã can đảm sống trong
những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,
và đón nhận cái chết như
cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.
Có bao tín hữu vô danh
khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,
chỉ vì muốn theo gương
Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như
chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng
của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời
mọc
mà con người lại yếu đuối
mong manh.
Hạnh phúc thường được
trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe
dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và
xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng
trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết
được.
Nếu có lúc con thấy bóng
tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng
trên thập giá
Chúa đã thốt lên : Sao
Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để
con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.
––––––––––––––––––––––––
* Nguồn: http://www.fides.org
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG BA
Xin Cứu Chúng Con
Khỏi Sự Dữ
“Ta là Đức Chúa, là
Thiên Chúa của các ngươi; Ta đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh
nô lệ” (Xh 20,2). Thiên Chúa, Đấng đã dẫn đưa It-ra-en ra khỏi Ai-cập, vẫn
không ngừng giải thoát con người khỏi tội lỗi của họ. Lề luật của Thiên Chúa –
tức Thập Giới và mệnh lệnh yêu thương – là con đường giải phóng cho chúng ta.
Đức Kitô cho biết
chính Người là con đường giải phóng ấy cho loài người khi Người tuyên bố: “Hãy
phá hủy đền thờ này đi, và nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19).
Người có ý nói về “đền thờ thân thể Người” (Ga 2,21) – nghĩa là, Người đang nói
đến cuộc Phục Sinh.
Trong Mùa Chay, chúng
ta hãy rà soát lại lương tâm mình dưới ánh sáng các huấn lệnh của Thiên Chúa –
để chúng ta có thể dứt bỏ tội lỗi. Chúng ta hãy đổi mới trong mình niềm hy vọng
gắn kết với cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, cuộc Phục Sinh ấy mở ra cho chúng ta
khả năng đoạn tuyệt hoàn toàn khỏi sự dữ – khỏi tội lỗi và sự chết.
Cuộc giải phóng
It-ra-en khỏi Ai-cập – khỏi cảnh nô lệ – thực sự là một tiên báo về cuộc giải
phóng chúng ta khỏi tội lỗi nhờ giá Máu Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/3
Ed 37, 21-28; Ga
11, 45-56.
LỜI SUY NIỆM: “Một người
trong Thượng Hội Đồng tên là Cai pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông
không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một
người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt.”
Mỗi người trong Thượng
Hội Đồng Do-thái luôn nhắm đến quyền lợi cá nhân và phe nhóm của họ, và họ luôn
muốn chiếm ưu thế chính trị và xã hội trong dân. Nên sau bao nhiêu phép lạ Chúa
Giêsu đã làm trong dân, đặc biệt, sau khi Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại,
đám đông dân chúng càng tin và đi theo Người đông thêm, làm cho Thượng Hội Đồng
lo lắng, nghĩ ngay đến: “Hậu quả sẽ ra sao đối với uy tín và địa vị của họ”.
nên họ đã đi đến quyết định tìm cách giết chết Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, các
thượng tế và người Pharisêu muốn kiềm chế các hoạt động của Chúa, ngày hôm nay
Giáo Hội cũng đang như vậy. Xin cho chúng con có nhiệt tâm sống Tin Mừng, để
đem tình thương của Chúa đến với hết mọi người, để phá tan sự kiềm chế của thế
gian.
Mạnh Phương
24 Tháng Ba
Vững Niềm Tin
Vào năm 1856 các
nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino tại
thành phố Roma. Khi đào bới những lớp đất bao phủ một trại lính Roma cổ, trên
vách một bức tường, họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó
dùng đinh hay mũi dao khắc vụng về vào tường. Bên cạnh là hình một chàng thanh
niên giơ tay chào kính cây thập giá. Trên cây thập giá có vẽ hình một người,
nhưng đầu người ấy là hình một con lừa. Dưới hai hình vẽ, người ta thấy có viết
hàng chữ: Alexamenos thờ lạy Chúa của hắn.
Các nhà khảo cổ cho
rằng: Có thể bức tranh đã được thực hiện vào những năm 123 đến năm 126. Nếu sự
phỏng đoán về niên hiệu này là đúng thì đây có lẽ là hình vẽ thập giá cổ nhất,
nhưng lại là hình thập giá bị nhạo báng, chê cười: Nếu Thiên Chúa lại chết trên
thập giá thì đây là hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa và
cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng thế.
Vào năm 1870, các
nhà khảo cổ lại tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên
mang niềm tin Kitô tên là Alexamenos. Ở một cột trụ bằng đádựng hình thần Mars
tức là vị thần chiến tranh, người ta khám phá thấy được khắc vào đó dòng chữ:
"Alexamenos vẫn vững tin".
Vâng, hình ảnh Thiên
Chúa chết treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp, yếu đuối, dại khờ.
Nhưng Thánh Phaolô đã biện hộ cho hành động có thể gọi được là điên rồ của
Thiên Chúa như sau:
"Tiếng nói của thập
giá đối với những kẻ hư hỏng là điên dại, còn đối với các người được cứu rỗi, tức
là chúng ta, thì là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi
phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa
Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho điều đó là xấu xa, còn các
người ngoại giáo thì cho là dại dột. Song với tất cả được Thiên Chúa tuyển chọn
thì Chúa Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên
Chúa".
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 11:45-46
Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn vật và là Cha của muôn loài,
Các con cái của Chúa
Vẫn còn tản mác khắp nơi và còn chia rẽ: Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo,
Các Giáo Hội và giáo phái khác nhau
Tự nhận mình độc quyền là con cái của Chúa,
Và mỗi người trong số họ đầy rẫy các phe phái.
Xin Chúa hãy cho chúng con
được mơ giấc mơ một lần nữa
Chỉ có Chúa mới có thể làm được:
Rằng tất cả chúng con có thể nên một
Nếu chúng con tin
và đi theo Người
Đấng đã chịu chết để hiệp nhất tất cả những ai đang tản mác,
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con đến muôn đời.
2.
Phúc Âm – Gioan 11:45-56
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và được chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp Người Biệt Phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm.
Do đó. Các thượng tế và Biệt Phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo
và quân Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta”.
Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã đến gần Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong Đền Thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và Biệt Phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
3.
Suy Niệm
– Bài
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta phần cuối của câu chuyện dài về sự sống lại của Lagiarô tại làng Bêtania, trong ngôi nhà của các bà Máctha và Maria (Ga 11:1-56). Việc sống lại của ông Lagiarô là dấu chỉ (phép lạ) thứ bảy của Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng Gioan và cũng là tột đỉnh và điểm quyết định của sự mặc khải mà Người đã làm về Thiên Chúa và về chính mình.
– Cộng đoàn nhỏ bé tại Bêtania, nơi Chúa Giêsu thường lui tới, phản ánh tình trạng và phong cách sống của cộng đoàn nhỏ bé của người Môn Đệ Chúa Yêu vào cuối thế kỷ thứ nhất tại miền Tiểu Á. Bêtania có nghĩa là “Ngôi nhà của Người Nghèo”. Chúng là những cộng đoàn nghèo khó, bần cùng, Máctha có nghĩa là “Bà Quản” (điều hợp viên): người phụ nữ điều phối việc cộng đoàn. Lagiarô có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”: cộng đoàn nghèo khó nên tất cả đều trông đợi từ Thiên Chúa. Maria có nghĩa là “người được Đức Giavê yêu mến”: bà là người môn đệ Chúa yêu, hình ảnh của cộng đoàn. Câu chuyện Lagiarô sống lại thông tri điều chắc chắn này: Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống cho tất cả những ai tin
vào Ngài.
– Ga
11:45-46: Dư âm của Dấu Lạ Thứ Bảy trong dân chúng. Sau việc sống lại của Lagiarô (Ga 11:1-44), có lời mô tả về dư âm của dấu lạ này trong dân chúng. Người ta bị chia rẽ: “trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria, và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người”. Nhưng lại có một số trong bọn họ đã đi gặp người Biệt Phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm.
Nhóm thứ hai đã đi tố cáo Chúa. Để có thể hiểu được phản ứng này của một phần dân chúng, chúng ta là cần phải biết rằng một nửa dân thành Giêrusalem hoàn toàn phụ thuộc vào Đền Thờ để có thể sống còn. Bởi vì điều này, sẽ rất khó cho họ hỗ trợ một tiên tri vô danh tiểu tốt từ xứ Galilêa là kẻ đã chỉ trích Đền Thờ và giới chức thẩm quyền. Điều này cũng giải thích tại sao có một số người thậm chí đã sẵn sàng để đi tố cáo với các giới chức thẩm quyền.
– Ga
11:47-53: Dư âm của Dấu Lạ Thứ Bảy trong số những giới chức thẩm quyền. Tin tức về sự sống lại của Lagiarô đã làm gia tăng thanh thế của Chúa Giêsu. Đây là lý do mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đã triệu tập một cuộc họp thượng công nghị (Synedrium), cơ quan tối cao, để xử trí việc loại trừ Người; bởi vì: “Người này đã làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo
và quân La Mã sẽ kéo đến phá hủy Thánh Địa và dân tộc ta”. Họ sợ quân La Mã. Và bởi vì trong quá khứ đã cho thấy điều này nhiều lần bởi các cuộc xâm lăng của người La Mã vào khoảng thời gian từ năm 64 trước Công Nguyên cho đến thời Chúa Giêsu, người La Mã đã đàn áp thô bạo với bất kỳ nỗ lực nổi dậy nào của công chúng (Xem Cv 5:35-37). Trong trường hợp của Chúa Giêsu, phản ứng của người La Mã có thể dẫn đến việc mất mát tất cả mọi thứ, thậm chí cả Đền Thờ và địa vị đặc quyền của các tư tế. Bởi vì điều này, Caipha,
vị Thượng Tế, quyết định: “thà một người chết thay cho
dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Và Thánh Sử còn chú thích: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.” Vì vậy, bắt đầu từ lúc đó, các thượng tế lo âu bởi vì ảnh hưởng của Chúa
Giêsu tăng dần và họ bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi người La Mã, nên đã quyết định giết Chúa Giêsu.
– Ga
11:54-56: Dư âm của dấu lạ thứ bảy trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Kết quả cuối cùng là Chúa Giêsu đã phải sống ẩn mình. “Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ.” Lễ Vượt Qua của người Do Tái đã gần kề. Vào thời điểm này trong năm, dân số thành Giêrusalem tăng gấp ba bởi vì số lượng lớn khách hành hương. Tất cả những cuộc bàn tán đã xoay quanh về Chúa Giêsu: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Trong cùng một cách, tại thời điểm mà sách Tin Mừng này được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất, thời kỳ đàn áp của Hoàng Đế Đômitian (năm 81-96), các cộng đoàn Kitô hữu là những người sống vào công quả của người khác đã bị buộc phải sống lẩn tránh như thế.
– Chìa khóa
để hiểu được dấu chỉ thứ bảy sự sống lại của Lagiarô. Lagiarô bị ốm. Các chị của ông là Máctha và Maria đã cử người đến mời Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng!” (Ga 11:3-5). Chúa Giêsu đáp lại lời yêu cầu và giải thích cho các môn đệ: ‘Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11:4). Trong Tin Mừng Gioan, sự tôn vinh của Chúa Giêsu đi qua cái chết của Người (Ga
12:23; 17:1). Một trong những nguyên nhân của việc bị lên án tử của Chúa là sự sống lại của Lagiarô (Ga 11:50; 12:10). Nhiều người Do Thái đang ở trong nhà của Máctha
và Maria để an ủi họ vì sự mất mát của người em các bà. Người Do Thái, đại diện cho Cựu Ước, chỉ có biết an ủi. Họ không cho cuộc sống mới… Chúa Giêsu là Đấng mang lại sự sống mới! Như thế, một mặt, mối đe dọa án tử cho Chúa Giêsu. Mặt khác, Chúa Giêsu chiến thắng sự chết! Trong bối cảnh này của sự mâu thuẫn giữa sự sống và cái chết là dấu lạ thứ bảy sự sống lại của Lagiarô xảy ra. Máctha nói rằng bà tin vào sự sống lại. Những người Biệt Phái và đa số người dân nói rằng họ tin vào sự Phục Sinh (Cv 23:6-10; Mc 12:18). Họ tin, nhưng họ không mặc khải điều ấy. Đó chỉ là đức tin vào sự sống lại vào ngày tận thế mà không tin vào sự sống lại hiện diện trong lịch sử, ngay bây giờ và tại đây. Đức tin cổ xưa này đã không đổi mới sự sống. Nó chưa đủ để tin vào sự sống lại sẽ đến vào ngày tận thế, mà nó còn cần thiết tin vào sự Phục Sinh đã hiện diện ở đây và bây giờ trong con người của Chúa Giêsu và trong những ai tin vào Chúa Giêsu. Trên những người này, sự chết không còn có bất cứ một năng lực nào, bởi vì Đức Giêsu là “sự sống lại và là sự sống”. Ngay cả khi không nhìn thấy dấu chỉ cụ thể sự sống lại của Lagiarô, bà Máctha đã tuyên xưng đức tin của mình: “Con tin rằng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:27).
Chúa Giêsu ra lệnh lăn tảng đá sang một bên. Bà Máctha phản ứng: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày!” (Ga 11:40). Người ta lăn tảng đá sang bên. Trước ngôi mộ mở và trước những kẻ không tin, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Trong lời cầu nguyện của Người, trước hết, Người dâng lời tạ ơn: “Lạy Cha, Con
cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần Con, Con
biết Cha hằng nhậm lời Con!” (Ga 11:41-42). Đức Giêsu biết Chúa Cha và tin tưởng vào Ngài. Nhưng giờ đây Người cầu xin một dấu lạ bởi vì dân chúng đứng chung quanh Người, để họ có thể tin rằng Người, Đức Giêsu, đã được Chúa Cha sai đến. Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!” Lagiarô liền đi ra (Ga 11:43-44). Đây là chiến thắng của sự sống trước cái chết, của đức tin trước sự vô tín. Một nông phu đã nhận xét: “Tự chúng ta phải lăn bỏ tảng đá. Và tùy thuộc vào Thiên Chúa để phục sinh cộng đoàn. Có những người không biết cách để loại bỏ tảng đá, và vì thế cộng đoàn của họ không có sự sống!
4.
Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Đối với tôi, tin vào sự sống lại có ý nghĩa cụ thể gì?
– Một phần dân chúng đã chấp nhận Chúa Giêsu, và một phần đã không chấp nhận. Ngày nay, một phần nhân loại chấp nhận sự canh tân của Giáo Hội và một phần thì không. Còn bạn thì sao?
5.
Lời nguyện kết
Lạy CHÚA, chính Ngài là Đấng con trông đợi,
Lạy ĐỨC CHÚA, chính Ngài là Đấng con tin tưởng
Ngay từ độ thanh xuân.
Từ thuở sơ sinh, con
nương tựa vào Ngài,
Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ,
Con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi.
(Tv 71:5-6)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét