31/03/2018
Thứ bảy tuần thánh
Ðêm Thánh Vọng Chúa Phục Sinh
(phần II)
31/03/2018
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Mc 16,1-8
Mc 16,1-8
PHỤC SINH THAY ĐỔI MỌI SỰ
“Người đã trỗi dậy rồi,
không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!” (Mc 16,6)
Suy niệm: Ảnh hưởng của
Ki-tô giáo lan tràn khắp thế giới đến nỗi ta dễ quên niềm tin của Ki-tô giáo ấy
ngày xưa mang tính triệt để như thế nào. Việc Chúa Giê-su sống lại đã mãi mãi
thay đổi cái nhìn của người Ki-tô hữu về sự chết. R. Stark, nhà xã hội học của
Đại học Washington, cho thấy khi Đế quốc Rô-ma bị một cơn đại dịch, các Ki-tô hữu
sống sót với tỷ lệ đáng kinh ngạc. Tại sao? Trong khi đa số công dân Rô-ma đuổi
bất cứ ai bị bệnh dịch ra khỏi nhà, thì các Ki-tô hữu lại chăm sóc người bệnh
thay vì ném bệnh nhân ra ngoài đường, vì họ không sợ chết. Do đó, rất nhiều
Ki-tô hữu tồn tại sau cơn dịch” (K. Woodward, báo Newsweek ngày 29.3.1999, trg
55).
Mời Bạn: Các môn đệ vẫn tưởng rằng
mọi sự đã kết thúc với cái chết của Thầy mình: các bà đến mồ xức thuốc thơm cho
xác Ngài, hai người bỏ nhóm đi về Em-mau… Thế rồi, việc Ngài hiện ra đã làm cho
họ từ chỗ tuyệt vọng trở thành những người rạng rỡ niềm vui. Còn bạn thì sao?
Niềm tin Chúa phục sinh có phải là quả tim điều phối mọi nỗi niềm vui buồn của
đời bạn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi tập nhận ra sự
sống của Chúa Ki-tô phục sinh đang nở hoa sự sống muôn đời qua những hy sinh,
quên mình, bỏ ý riêng để sống Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Ki-tô, vì Chúa đã phục sinh, nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ. Vì Chúa đã
phục sinh, nên con hiểu cái liều của người Ki-tô hữu là cái liều chín chắn và
có cơ sở… Sự Phục Sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa và với
mọi người. Amen.
(Rabbouni)
(5 phút Lời Chúa)
Mặt trời hé mọc (31.3.2018 –
Thứ bảy Tuần Thánh, Đêm Vọng Phục sinh)
Mầu nhiệm Phục sinh thật là cao
cả, nhưng mầu nhiệm ấy vẫn gọi ta đến gần. Ta phải sống mầu nhiệm đó mới thực sự
là sống mầu nhiệm Vượt Qua.
Suy niệm:
Sau hai buổi tối chờ đợi trong
đau đớn và thấp thỏm lo âu,
sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,
ngày Chúa nhật của chúng ta,
những phụ nữ đến viếng mộ của Thầy
Giêsu, và đem theo dầu thơm để xức xác.
Các bà đã đi theo và giúp đỡ Thầy
từ hồi ở Galilê (Mc 15, 41).
Trong những ngày qua, họ đã lên
Giêrusalem chứng kiến Thầy bị đóng đinh (15, 40).
và có người còn đến xem tận mắt
chỗ mai táng Thầy (15, 47).
Chúng ta có thể cảm được nỗi đau
nơi trái tim của những phụ nữ.
Nhưng sáng sớm hôm nay, mặt trời
đã mọc, ánh sáng đã bừng lên.
Ai quên được chuyện bóng tối đã
bao phủ khắp mặt đất ngay giữa trưa?
Bóng tối ngạo nghễ chiến thắng
khi Thầy Giêsu chết trên thập giá.
Nhưng chuyện ấy đã qua rồi, hoàn
toàn qua rồi.
Bây giờ là giờ của ánh sáng, của
sự sống, của mặt trời đến thăm.
Thiên Chúa cho thấy sự hiện diện
hùng mạnh của Ngài nơi vùng chết chóc.
Một tảng đá rất lớn che cửa mộ,
ai sẽ giúp các phụ nữ yếu đuối này lăn ra?
Vậy mà vừa ngước lên nhìn, các
bà thấy nó đã được lăn ra rồi (c. 4).
Thiên Chúa làm điều tưởng như
không thể.
Các bà đi tìm xác Thầy thì không
gặp, lại gặp một thiên thần
dưới dạng một thanh niên mặc áo
trắng ngồi trong mộ (c. 5).
Thật là đáng sợ khi thấy sự linh
thánh cao cả lại gần gũi mình đến thế.
Vị thiên thần này loan báo cho
các bà Tin Mừng mà họ chẳng dám nghĩ tới.
Đây là việc Thiên Chúa đã làm
cho Thầy của họ:
“Đức Giêsu Nadarét, Đấng đã bị
đóng đinh, Đấng ấy đã được trỗi dậy rồi.”
Đấng là Con, đã khó nhọc xin
vâng ý Cha trong vườn Dầu,
Đấng đã chấp nhận uống chén đắng,
hiến mạng làm giá chuộc (Mc 10, 45),
Đấng có vẻ bị Cha ruồng rẫy khi
chịu đóng đinh trên thập giá (15, 34),
Đấng ấy nay được Cha phục sinh,
được Thiên Chúa nâng dậy rồi.
Xác Ngài không còn đây, đây chỉ
là chỗ trước đây người ta đặt Ngài nằm.
Thiên Chúa đã bất ngờ chuyển thất
bại thành chiến thắng cho Con của Ngài.
Ánh sáng đã thắng bóng tối, sự sống
đã thắng sự chết,
tình yêu đã thắng hận thù, công
lý và sự thật đã thắng bất công và dối trá.
Chiến thắng của Giêsu là chiến
thắng của những người cùng thân phận như Ngài.
Đây là khởi đầu cho chiến thắng
chung cục của Thiên Chúa vào ngày tận thế.
Vị thiên thần nhờ các bà nhắn
giùm các môn đệ
về cái hẹn sau khi ăn bữa Tiệc
Ly của Thầy Giêsu:
“Sau khi được trỗi dậy, Thầy sẽ đến
Galilê trước anh em” (14, 28).
Bây giờ “Thầy đang đến Galilê
trước các ông rồi…” (15, 7).
Nhưng theo thánh Marcô, các bà
đã không nhắn, “họ chẳng nói gì với ai.”
Họ hoảng sợ, chạy trốn khỏi mộ,
run lẩy bẩy, hết hồn hết vía (c. 8).
Như thế các phụ nữ phần nào cũng
giống các môn đệ, sợ hãi và trốn chạy.
Họ đã theo Thầy Giêsu đến tận
cùng của cái chết bi đát,
nhưng họ lại hoảng sợ trước ngôi
mộ trống, trước Tin Mừng Phục sinh.
Dầu vậy Thiên Chúa cũng thu xếp
để Đấng phục sinh gặp lại các môn đệ.
nên cuộc hẹn gặp ấy không vì các
phụ nữ mà bị đổ vỡ.
Làm sao ta không sợ hãi và chạy
trốn trước việc đi loan báo Chúa Phục sinh?
Làm sao ta không chỉ dừng lại
trước cửa mộ, trước cái chết của Chúa?
Mầu nhiệm Phục sinh thật là cao
cả, nhưng mầu nhiệm ấy vẫn gọi ta đến gần.
Ta phải sống mầu nhiệm đó mới thực
sự là sống mầu nhiệm Vượt Qua.
“Hãy về nói với môn đệ của Người…”
(c. 7).
hãy về nói với thế giới quanh ta
rằng Đức Giêsu phục sinh muốn hẹn gặp họ.
“Ở đó các ông sẽ thấy Người…”
Thế giới hôm nay cần thấy Đấng
chịu đóng đinh, Đấng đang sống biết bao!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn
gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận
người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc
tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người
kitô hữu
là cái liều chín chắn và có
cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục
vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết
thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã
hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc
đời:
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của
từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình
hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,
SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG BA
“Thầy Mà Lại Rửa Chân Cho Con
Ư?”
Việc cử hành bí tích của Bữa Tiệc
Ly gắn liền với việc rửa chân cho các tông đồ. “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha
đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về
cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài
ra, và lấy khă mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân
cho các môn đệ và lây khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,3-5).
Chính lúc ấy, Người gặp phải sự
phản kháng của Phê-rô. Phê-rô cương quyết từ chối, ông nói: “Ai đời Thầy mà lại
rửa chân cho con, không thể như vậy được !”
Trước đó, trình thuật Tin Mừng
cho thấy Phê-rô cũng đã nhiều lần phản kháng Đức Kitô tương tự như vậy. Sau khi
môn đệ này tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tiên
báo về cuộc khổ nạn của Người. Thế là, Phê-rô lên tiếng phản đối, ông nói: “Xin
Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22).
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng
sống – thế sao Người có thể nói về cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Thiên
Chúa là Chủ Tể tối cao của mọi loài. Ngài là Chúa trời đất. Vậy, làm sao Ngài lại
có thể chịu thua con người? Làm sao con người có thể bắt Ngài phảûi chết?
Lần ấy, Đức Giêsu đã nghiêm khắc
quở mắng Phê-rô. Có lẽ Người đã không hề quở mắng ai khác một cách nặng nề đến
như thế.
Nhưng tại Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu
đã không quở mắng Phê-rô. Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở ông rằng “Nếu Thầy không
rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Và Phê-rô đồng
ý để Thầy rửa chân cho mình.
Tại sao Phê-rô phản đối Đức
Giêsu khi Người báo trước cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Có lẽ bởi vì ông
đã nhận biết thần tính của Đức Kitô: “Thầy là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa hằng
sống” (Mt 16,16).
Tuy nhiên, “không ai biết Con
ngoại trừ Cha” (Mt 11,27). Chính Chúa Cha mạc khải thần tính của Chúa Con cho
Phê-rô. Song đó cũng chính là lý do tại sao Phê-rô lập luận: Thầy là Đức Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống, vậy cớ sao Thầy nói rằng Thầy sẽ bị xét xử và bị giết
chết bởi con người? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự
sao? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của sự sống sao?
Và làm sao Con Thiên Chúa hằng sống
và là Chủ Tể mọi sự lại cư xử như một tôi tớ? Làm sao Người lại có thể quì xuống
trước mặt các tông đồ và rửa chân cho họ được? Làm sao Người lại có thể quì xuống
dưới chân Phê-rô được nhỉ?
Phê-rô đang cố bảo vệ hình ảnh
Thiên Chúa do … chính ông nghĩ ra!
31 Tháng Ba
Chọn Lựa
Ðời người là một chuỗi những
chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những
chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta
ray rứt, dằn vặt.
Một chủ nông trại nọ thuê một
người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản:
chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung
bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ... Sau một ngày làm việc, người thanh niên
đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn.
Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: "Công việc của ông giao phó không
phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn
lựa".
Chọn lựa và quyết định là cả
một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế
cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp
ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.
Thú vật dường như không có chọn
lựa vàquyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản
năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học
hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như
vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.
Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định
là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng
thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất
toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên
Chúa... Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của
mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, con người là
chi màChúa phải bận tâm?".
Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và
giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh.
Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một
giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.
Chúa Giêsu đã đến trong trần
gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy
mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.
Thiên Chúa đã yêu thương con người:
đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài... Nhưng mò
mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi
cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và
không ngừng dẫn dắt chúng ta.
Lẽ Sống
Lectio Divina: Thứ Bảy Tuần Thánh
Thứ Bảy 31 Tháng Ba, 2018
Ánh sáng của Tân Lang, chiếu sáng
khắp đêm đen
Lc 23:50-56
1. Cầu nguyện
Lạy Chúa, vào ngày này, chỉ có sự
trống rỗng và cô đơn, thiếu vắng và yên lặng: một ngôi mộ, một thi thể bất
động, và bóng đêm. Chúa không còn được trông thấy nữa, không lời nói,
không hơi thở. Chúa đang giữ ngày Sabbát, hoàn toàn nghỉ ngơi. Con
biết đi tìm Chúa ở đâu, giờ đây con đã mất Chúa rồi phải không?
Con sẽ theo chân những người phụ
nữ, con cũng sẽ ngồi xuống cùng với họ, trong im lặng, để chuẩn bị các loại dầu
thơm của tình yêu. Lạy Chúa, từ trái tim con, con sẽ lấy những dầu thơm hảo
hạng nhất, quý giá nhất, giống như người phụ nữ kia đã làm, khi bà đập vỡ bình
ngọc trắng đựng dầu thơm và hương thơm của nó lan tỏa khắp nơi.
Và con sẽ kêu cầu Chúa Thánh Thần,
với những lời của tân nương, con sẽ lại nói: “Gió bấc hãy thổi lên đi, gió
nam hãy lùa tới, thổi mát vườn của tôi, cho hương thơm lan tỏa!” (Dc 4:16)
2. Bài Đọc
Trích Tin Mừng theo thánh
Luca (23:50-56)
50 Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng
Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. 51 Ông đã
không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người
thành Arimathê, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước
Thiên Chúa. 52 Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài
Đức Giêsu. 53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà
liệm, rồi đặt Người vào trong ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất
ai bao giờ. 54 Hôm ấy là ngày áp lễ, và ngày Sabbát bắt đầu
ló dạng. 55 Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ nữ đã
theo Đức Giêsu từ Galilêa. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được
đặt như thế nào. 56 Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc
thơm. Nhưng ngày Sabbát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
3. Suy gẫm Lời Chúa
“Bây giờ”, một câu nói rất đơn giản, đầy sức sống và sự thật, đánh dấu
sự hiện hữu của tiếng kêu phá vỡ sự thờ ơ, đem chúng ta ra khỏi sự tê liệt của
mình, và làm xé rách mạng che mặt. Nó đứng đối diện và như là một lối thoát
từ rất xa bởi các môn đệ của Chúa Giêsu qua cuộc Khổ Nạn của Người. Phêrô
đi theo Chúa ở đàng xa (Lc 22:54); tất cả những người quen biết Chúa và những
người phụ nữ đã đi theo Người, chứng kiến từ đàng xa (Lc 23:49), nhưng ông
Giuse thành Arimathê, tiến tới phía trước, đến gặp tổng trấn Philatô và xin thi
hài Chúa Giêsu. Ông Giuse đã ở đó, không được kể trong số những người vắng
mặt, ông ở gần, không đứng ở đàng xa, và ông sẽ không bao giờ bỏ đi.
“Đó là ngày Chuẩn Bị, và ngày
Sabbát đang bắt đầu”. Tin Mừng
này được đặt trong thời điểm phân chia bóng tối của đêm đen với ánh sáng của ngày
mới. Động từ chữ Hy Lạp được dùng bởi thánh Luca dường như mô tả rõ ràng
hoạt động của Thứ Bảy Tuần Thánh này, rằng từ từ hiện lên từ tối tăm và dần dần
xuất hiện và vượt hẳn sánh sáng. Trong sự chuyển động sống lại này, chúng
ta cũng theo sát, khi chúng ta tiếp cận với phần Kinh Thánh này trong đức tin.
Thế nhưng, chúng ta phải chọn lựa, hoặc là ở lại trong cái chết, trong sự chuẩn
bị, đó chỉ là chuẩn bị chứ không phải là thực hiện, hoặc là chấp nhận bước vào
sự chuyển động để được sống lại trong ánh sáng. Như Chúa đã xử dụng cùng
một động từ và nói: “Tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ! Từ chốn tử
vong, trỗi dậy đi nào! Và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Êp 5:14)
“Những người đến từ
Galilêa với Người, đã đi theo Người”, những
lời rất tuyệt đẹp này, đề cập đến việc di chuyển của những người phụ nữ, bởi vì
họ giúp chúng ta nắm bắt được tất cả mức độ tham gia của họ trong những gì đang
xảy ra với Chúa Giêsu. Thật vậy, thánh Luca xử dụng những sắc thái nhất định,
ví dụ, dùng một thể của động từ “đi theo” cho thấy cường độ mãnh liệt hơn.
Việc nhắc đến chữ “với Người” cũng có tác dụng tương tự. Một cách dứt khoát,
họ đi cùng với nhau, thúc đẩy bởi tình yêu của họ. Cuộc hành trình của họ,
bắt đầu từ miền Galilêa, tiếp tục, thậm chí qua cái chết, và sự vắng mặt.
Có lẽ họ cảm thấy rằng họ không đơn độc và họ bắt đầu công bố rằng Chúa đang hiện
hữu.
“Và họ đã thấy ngôi mộ”, thật
tuyệt vời khi lưu ý rằng trong mắt của những người phụ nữ này có một sự sáng mạnh
mẽ hơn đêm tối! Các bà có thể nhìn thấy xa hơn, họ quan sát, họ lưu ý, họ
nhìn chăm chú và với lòng quan tâm thực sự: nói tóm lại, họ chiêm ngắm.
Con mắt của trái tim mở ra với thực tế về những gì đang xảy ra. Như ánh mắt
của Đức Giêsu nhìn về phía họ, họ mang trong mình hình ảnh của
Người, khuôn mặt của tình yêu đã đến thăm và soi sáng toàn thể sự hiện hữu của
họ. Thậm chí ngay cả cái chết thê lương và việc chia cách thể lý cũng không
có thể dập tắt được Vầng Thái Dương không bao giờ lặn, mặc dù đó là ban đêm.
“Sau đó, họ trở về”, cũng như thế, họ vẫn còn đủ sức lực trong người để
quyết định, để làm điều gì đó, để ra đi lần nữa. Họ quay lưng lại với cái
chết, với sự thiếu vắng, và họ trở về nhà, giống như các chiến sĩ ca khúc khải
hoàn. Họ không có những chiến tích, nhưng trong con tim của họ, họ có một
sự quả quyết, lòng can đảm của một tình yêu mãnh liệt.
“chuẩn bị thuốc thơm và mộc dược”. Đây là nhiệm vụ của các thày tư tế, như Kinh Thánh
đã viết (1Sb 9:30); đó là nghĩa vụ thiêng liêng, gần như là phụng vụ, cũng gần
giống như lời kinh nguyện. Trên thực tế, những người phụ nữ của Tin Mừng
cầu nguyện và thành công trong việc biến đêm đen của cái chết trở nên nơi đầy ân
sủng, hy vọng, yêu thương và ân cần chăm sóc. Không một ánh mắt, không một
động tác hay cử chỉ nào là vô nghĩa đối với họ. Họ chuẩn bị, hay nói
chính xác hơn, như chúng ta thấy từ ý nghĩa của động từ tương ứng trong tiếng
Do Thái, họ tận dụng mọi kiến thức hiểu biết để pha trộn các nguyên liệu cần
thiết để chế biến dầu thơm, trong việc cân đo đúng liều lượng: một nghệ
thuật hoàn toàn nữ tính, hoàn toàn thuộc tình mẫu tử, từ thuở sinh ra, từ trong
lòng mẹ, nơi chốn dành cho tình yêu thương. Thật thế, thứ Bảy Tuần Thánh
cũng giống như một cung lòng đang cưu mang sự sống: cái ôm ấp để bảo vệ và
nuôi dưỡng một tạo vật sắp sửa được sinh ra.
“Vào ngày Sabbát, họ nghỉ ngơi”, chúng ta đang thực sự nói về việc nghỉ ngơi gì?
Điều gì chấm dứt, những gì sắp xảy đến trong cuộc sống của những người phụ nữ này,
trong sâu thẳm của trái tim họ? Động từ mà thánh Luca dùng cho thấy rõ ràng
gợi ra “sự im lặng”, một sự im lặng biến thành diễn viên chính trong ngày Sabbát
này, Thứ Bảy Tuần Thánh của sự chờ đợi, như cơn gió của Chúa Thánh Thần thổi đến
(xem G 38:17) và hương thơm tỏa lan. Một bản thánh ca chợt hiện về trong
tâm trí, trong đêm khuya (Tv 77:7): đó là bài thánh vịnh về tình yêu, được
lặp lại bởi những người phụ nữ, và cùng với họ, ông Giuse, và tất cả mọi người,
giống như ông ấy, không bị ràng buộc bởi các quyết định và hành động của những
người khác (câu 5) ở thế gian này. Những lời là văn từ mà Tân Nương trong
sách Diễm Ca lặp lại, những chữ cuối, được dành riêng cho Người Môn Đệ Chúa Yêu,
khi tại đoạn cuối của cuốn sách, cô ta nói rằng: “Chạy trốn mau, người yêu
hỡi, hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của em tung tăng trên núi đồi cỏ thơm bát
ngát” (Dc 8:14). Đây là tiếng kêu của sự sống lại, bài hát chiến thắng trên
sự chết.
4. Một vài câu hỏi cho việc suy niệm
- Hôm nay tôi đang ở đâu? Có phải tôi đang đứng, ở xa xa,
không muốn đến gần hơn với Chúa Giêsu, không muốn tìm kiếm Người, không muốn
chờ đợi Người không?
- Điều gì đang xảy ra bên trong con người tôi, trong thái độ của
con tim tôi? Tôi sẽ có thể nào đi theo những người phụ nữ, và bước đi
vào trong đêm tối, vào trong cái chết, vào trong sự vắng mặt, vào trong sự
trống vắng không?
- Tôi có mở mắt để nhìn thấy nơi an táng, tảng đá che giấu Chúa
Giêsu không? Tôi có thể trải nghiệm được sự chiêm niệm không, đó là,
tôi có thể nhìn thấy những điều trong chiều sâu, vượt khỏi cái lớp bề ngoài
không? Tôi có tin vào sự hiện diện của Chúa, thì mạnh mẽ hơn ngôi mộ
và tảng đá không?
- Tôi có sẵn sàng để quay trở lại, đi cùng với những người phụ
nữ không? Có nghĩa là, phải đi qua một hành trình hoán cải, thay đổi
không?
- Có một không gian nào trong tôi dành cho sự im lặng, cho sự
chú ý đến tâm hồn, để có thể chọn lựa thuốc thơm xứng hợp, những hương liệu
tốt nhất cho đời sống, cho món quà của chính thân mình, cho sự rộng mở với
Thiên Chúa không?
- Tôi có cảm thấy nảy sinh trong tôi lòng ước ao đi công bố sự
phục sinh, sự sống mới trong Đức Kitô với tất cả những người chung quanh
tôi không? Hay phần nào tối thiểu, tôi cũng có giống như những người
phụ nữ trong sách Tin Mừng, những người lặp lại lời mời của Tân Lang:
“Hãy chỗi dậy!” không?
5. Lời Nguyện kết
Lạy Chúa, đối với Chúa thì
ban đêm cũng chiếu sáng như ban ngày!
Bài ca vịnh của Lòng Tín Thác
và Cậy Trông vào Thiên Chúa
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa
con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh
phúc?”
Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp
con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về
con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả
mãn.
Con chúc tụng CHÚA hằng thương
chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn
nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng
bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và
lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an
toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con
trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát
trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi
sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng
tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!
(Trích Thánh Vịnh 16)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét