Trang

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Bí Tích Rửa Tội khai mào năng động của một cuộc tái sinh


Bí Tích Ra Ti khai mào năng đng ca mt cuc tái sinh

** Bí Tích Rửa Tội làm nảy sinh một năng động tinh thần xuyên suốt cuộc sống tín hữu, bằng cách khai mào một tiến trình cho phép họ sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Giáo Hội, và thắp lên trong họ ơn gọi kitô hữu, cần phát triển và đáp trả mỗi ngày trong suốt cuộc đời.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 18-4-2018.
Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục giải thích ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội bằng cách quảng diễn lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3,5-6). ĐTC nói: ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội nổi bật rõ ràng trong việc cử hành. Khi tìm hiểu các cử chỉ và lời nói của phụng vụ, chúng ta có thể lãnh hội được ơn thánh và dấn thân của Bí Tích, cần luôn luôn tái khám phá này. Chúng ta nhớ tới nó trong việc rảy nước thánh mở đầu thánh lễ ngày Chúa Nhật, cũng như trong việc lập lại các lời hứa rửa tội trong nghi thức Vọng Phục  Sinh. Thật thế, những gì xảy ra trong việc cử hành Bí Tích Rửa Tội khơi dậy một năng động tinh thần xuyên qua toàn cuộc sống của những người được rửa tội. Nó là  khởi đầu của  một tiến trình cho phép chúng ta sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Giáo Hội. Vì thế, trở lại với suối nguồn của cuộc sống kitô đưa chúng ta tới chỗ hiểu biết hơn ơn đã nhận lãnh trong ngày Rửa Tội của chúng ta, và canh tân dấn thân sống tương xứng trong điều kiện của cuộc sống ngày nay. Canh tân dấn thân, hiểu biết hơn ơn này là Bí Tích Rửa Tội, và nhớ ngày Rửa Tội của chúng ta. Thứ tư tuần trước tôi đã xin anh chị em làm bài tập ở nhà, đó là mỗi người hãy nhớ lại xem mình đã được rửa tội ngày nào. Tôi biết là vài người trong anh chị em biết ngày ấy, những người khác thì không. Những ai không biết, thì hãy hỏi cha mẹ, những người khác, cha mẹ đỡ đầu… “Con được rửa tội ngày nào?” Bởi vì Rửa Tội là một cuộc tái sinh và nó như thể là một ngày sinh nhật thứ hai. Anh chị em đã hiểu chưa? Hãy làm bài tập này ở nhà bằng cách hỏi: “Ngày Rửa Tội của con là ngày nào?”
** Trước hết là nghi thức tiếp đón, trong đó tên của ứng viên được hỏi, bởi vì tên gọi ám chỉ căn cước của một người. Khi trình diện chúng ta nói ngay tên của mình: “Con tên như vậy”, như thế là ra khỏi sự vô danh, vô danh là kẻ không có tên gọi. Để ra khỏi sự vô danh chúng ta nói ngay tên của mình ra. Không có tên thì ở trong số những kẻ không được biết đến, không có các quyền lợi và các bổn phận. Thiên Chúa gọi tên từng người trong chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta một cách riêng tư trong lịch sử cụ thể của chúng ta. ĐTC giải thích thêm như sau.
Bí Tích Rửa Tội thắp sáng lên ơn gọi cá nhân sống như các kitô hữu, và sẽ phát triển trong suốt cuộc đời. Và nó bao hàm một câu trả lời cá nhân, chứ không phải cho mượn, với một “bản sao và dán vào bên ngoài”. Thật ra, cuộc sống kitô được đan dệt bằng một chuỗi các lời mời gọi và đáp trả: Thiên Chúa tiếp tục gọi tên chúng ta dọc dài các năm tháng, bằng cách làm vang lên trong hàng nghìn cách thế lời Ngài kêu gọi chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu Con Ngài. Như vậy, tên gọi thật là quan trọng! Nó rất là quan trọng! Các cha mẹ đã nghĩ tới tên cần đặt cho con trước khi con sinh ra: cả điều này nữa cũng là một phần của việc chờ đợi đứa con, mà trong tên gọi riêng nó sẽ có căn cước độc đáo, cả đối với cuộc sống kitô gắn liền với Thiên  Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chắc chắn rồi, trở thành kitô hữu là một ơn đến từ trên cao (x. Ga 3.3-8). Đức tin không thể mua được, nhưng là xin, phải. “Lậy Chúa, xin ban tặng cho con ơn đức tin”, đây là một lời cầu nguyện đẹp! “Ước chi con có đức tin”, đây là một lời cầu đẹp. Xin ơn đức tin, nhưng không thể mua đâu, phải xin. Thật ra “Bí Tích Rửa Tội là bí tích của đức tin, với nó con người được soi sáng bởi ơn của Chúa Thánh Thần, đáp trả lại Tin Mừng của Chúa Kitô” (Lễ nghi rửa tội trẻ em, Dẫn nhập tổng quát, s. 3). Việc đào tạo tân tòng và chuẩn bị các cha mẹ như lắng nghe Lời Chúa trong chính việc cử hành Bí Tích Rửa Tội hướng tới chỗ khơi dậy và thức tỉnh một đức tin chân thành trong việc đáp trả lại Tin Mừng.
Nếu các tân tòng người lớn chính họ bầy tỏ ước muốn lãnh nhận ơn từ Giáo Hội, thì các trẻ em được cha mẹ đại diện với các cha mẹ đỡ đầu. Cuộc đối thoại với họ cho phép họ bầy tỏ ý muốn cho các trẻ em nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội và cho Giáo Hội ý hướng cử hành bí tích ấy. “Dấu thánh giá mà vị chủ sự và cha mẹ vẽ trên trán các bé diễn tả tất cả những điều đó” (Lễ nghi… s. 16). “Dấu thánh giá diễn tả dấu ấn của Chúa Kitô trên người sắp thuộc về Ngài, và có nghĩa là ơn thánh cứu độ mà Chúa Kitô đã chiếm được cho chúng ta qua thập giá của Ngài” (GLGHCG, 1235).
** Trong lễ nghi chúng ta làm dấu thánh giá trên các trẻ em. Tôi muốn trở lại đề tài này, mà tôi đã trình bầy. Các trẻ em của chúng ta có biết làm dấu thánh giá đúng đắn không vậy? Biết bao nhiêu lần tôi đã trông thấy các trẻ em không biết làm dấu thánh giá. Và anh chị em là cha mẹ, ông bà nội ngoại, cha mẹ đỡ đầu, anh chị em phải dậy chúng làm dấu thánh giá tử tế, bởi vì đó là lập lại điều đã được làm trong Bí Tích Rửa Tội. Anh chị em đã hiểu rõ chưa? Dậy cho các trẻ em biết làm dấu thánh giá đúng đắn. Nếu chúng ta học khi còn bé, thì sau đó khi lớn lên chúng ta làm dấu thánh giá đúng đắn.
ĐTC quảng diễn thêm ý nghĩa thập giá như sau:
Thập giá là huy hiệu diễn tả chúng ta là ai: lời nói, tư tưởng, cái nhìn, việc làm của chúng ta ở dưới dấu thập giá, hay dưới dấu tình yêu của Chúa Giêsu cho tới cùng. Các trẻ em được làm dấu trên trán. Các tân tòng người lớn cũng được ghi dấu trên các giác quan, với các lời này: “Hãy nhận lấy dấu thánh giá trên tai để lắng nghe tiếng nói của Chúa”; “trên mắt để nhìn thấy ánh quang gương mặt của Thiên Chúa”; “trên miệng để đáp trả lời của Chúa”; “trên ngực để Chúa Kitô ở giữa đức tin trong con tim của chúng ta” (Lễ nghi…s. 85). Chúng ta trở thành kitô hữu trong mức độ trong đó thập giá được in trong chúng ta  như dấu ấn “phục sinh” (x. Kh 14,1; 22,4) bằng cách khiến cho kiểu kitô đương đầu với cuộc sống trở thành hữu hình, ngay cả bên ngoài nữa.
Làm dấu thánh giá khi chúng ta thức dậy, trước các bữa ăn, trước một nguy hiểm, chống lại sự dữ, ban chiều trước khi đi ngủ, có nghĩa là nói với chính chúng ta và người khác chúng ta thuộc về ai, chúng ta muốn là ai. Vì vậy thật quan trọng dậy trẻ em làm dấu thánh giá. Và như chúng ta làm khi vào nhà thờ, chúng ta cũng có thể làm ở nhà bằng cách giữ trong một bình nhỏ thích hợp một chút nước thánh – vài gia đình làm như thế: như vậy mỗi lần chúng ta ra vào, bằng cách làm dấu thánh giá với nước thánh chúng ta nhở rằng mình đã được rửa tội. Xin đừng quên, tôi xin lập lại: hãy dậy trẻ em làm dấu thánh giá.
** ĐTC đã chào các nhóm nói tiếng Pháp, đặc biệt phái đoàn Trường thần học Apostoliki Diakonia của Giáo Hội Hy Lạp, cũng như các nhóm nói tiếng Anh đến từ Ailen, Hoà Lan, Thụy Điển, Australia, Indonesia, Malaysia và Hoa Kỳ. ĐTC đặc biệt cám ơn nhóm các ân nhân Ailen đóng góp cho cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới tại Dublin.
Ngài cũng chào tín hữu nói tiếng Đức, đặc biệt Tổ chức Pro Oriente và nhóm phát thanh truyền hình Homburg, và phát thanh truyền hình KRO của Hoà Lan. Ngài xin Chúa Thánh Thần giúp mọi người sống ơn Rửa Tội mỗi ngày xác tín, và khiến cho tình yêu Chúa trở thành hữu hình giữa những người khác.
Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC đặc biệt chào tín hữu các giáo phận Cascavel, Natal, Sao Jose do rio Preto và Sao Jose dos Campos, và cầu mong mọi người ý thức rằng thập giá là dấu chỉ tình yêu của Chúa đối với nhân loại và của một cuộc sống tươi vui tận hiến cho tha nhân.
ĐTC cũng chào các tín hữu đến từ các nước vùng Trung  Đông và xin Chúa Thánh Thần giúp mọi người vun trồng hạt giống đức tin vững mạnh nhờ Lời Chúa, các Bí Tích, lời cầu nguyện và các việc bác ái.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc tới Tuần Kinh Thánh lần thứ X với khẩu hiệu “Chúng ta được tràn đầy Chúa Thánh Thần” đang diễn ra tại Ba Lan. Ngài khích lệ mọi gia đình hãy biết tìm ra một chút thời giờ để đọc Thánh Kinh và suy niệm hầu kín múc được sức mạnh cần thiết cho cuộc sống đức tin.
Ngài cũng chào đoàn hành hương Croat do ĐHY Vinko Puljic TGM Vrhbosna bên Bosni Erzegovine, hướng dẫn và cầu mong cuộc gặp gỡ thường ngày với Chúa hâm nóng con tim giúp họ làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội.
Trong các nhóm Ý ĐTC chào hàng trăm tham dự viên khoá học do Đại học giáo hoàng Thánh Giá tổ chức, cũng như các tham dự viên đại hội của phong trào Tổ Ấm, và các thành viên của Uỷ ban linh mục Italia, cũng như các phó tể tổng giáo phận Milano, các thành viên dòng Mẹ Thiên  Chúa nhân kỷ niệm 80 năm phong thánh cho đáng sáng lập Giovanni Leonardi, các giáo xứ, các học viện, và các nhạc sĩ tỉnh Asti, và hiệp hội “Âm nhạc chung” Roma.
Thứ bẩy tới đây Ngân hàng thế giới nhóm khoá họp mùa xuân tại Washington, ĐTC khích lệ các nỗ lực nhằm thăng tiến cuộc sống của dân nghèo qua việc trợ giúp tài chánh, tạo thuận tiện cho một phát triển đích thật toàn diện và tôn trọng phẩm giá con người.
Ngài cũng lôi kéo sự chú ý của mọi người trên số phận của ông Vincent Lambert và bé Alfie Evans, mạnh mẽ nêu bật và khẳng định rằng chỉ có Thiên Chúa là chủ nhân của sự sống. Nhiệm vụ của chúng ta là làm tất cả mọi sự để giữ gìn sự sống, từ lúc khởi đầu cho tới khi kết thúc tự nhiên. Chúng ta hãy thinh lặng và cầu nguyện để sự sống của tất cả mọi người, đặc biệt của hai người anh em này của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.
Ông Vincen Lambert 41 tuổi người Pháp từ 10 năm nay sống trong tình trạng thực vật và được điều trị trong nhà thương ở Reims. Vợ ông muốn các bác sĩ rút ống cho ông chết nhưng cha mẹ ông tranh đấu để cho ông sống. Trong khi bé Alfie Evans 23 tháng tuổi được điều trị tại Liverpool vì một chứng bệnh não bộ trầm trọng. Các thẩm phán đã cho phép rút máy móc, nhưng cha mẹ em không chấp nhận và xin cho em sang nhà thương Nhi Đồng Roma để chữa trị, nhưng bị Toà Thượng Thẩm Anh quốc từ chối. Anh Thomas Evans cha của bé Alfie đã gặp ĐTC ít phút trước khi bắt đầu cuộc tiếp kiến và xin ĐTC cứu con mình.
Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC mời gọi họ sống trong sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh, vị Thầy đích thực của cuộc sống, Đấng ban an bình và thanh thản cho mọi người trên con đường cuộc sống thường ngày.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét