Thao thức giới trẻ Công giáo Phi
châu mang đến Thượng HĐGM thế giới
Trong số 300 bạn trẻ đại diện đến từ các khu vực khác nhau
trên thế giới tham dự khóa họp tiền Thượng HĐGM, được tổ chức từ ngày 19-24
tháng 3 vừa qua tại Roma, có 31 bạn trẻ đến từ châu Phi.
Đối với các bạn trẻ đến từ châu Phi, khóa họp tiền Thượng
HĐGM là cơ hội để họ được người khác lắng nghe và điều này mang lại cho họ can
đảm để đối mặt với các thử thách họ gặp phải ở quê nhà và tham dự khóa họp này
cũng giúp họ cảm thấy mình là thành phần của Giáo hội hơn.
Cùng với các bạn trẻ thuộc các châu lục khác, các bạn trẻ đại
diện cho châu Phi cũng mang đến kỳ tiền Thượng HĐGM những băn khoăn thao thức,
mong mỏi của họ về Thượng HĐGM. Đồng thời các bạn cũng chia sẻ những thách thức
gặp phải ở quê nhà và đưa ra những vấn đề mà các bạn muốn Giáo hội ý thức đến
khi gặp gỡ người trẻ.
Điểm chung của các bạn trẻ đến từ châu Phi là họ thường phải
mang trách nhiệm ở độ tuổi còn quá trẻ và thiếu những gương mẫu trưởng thành
hơn có thể giúp hướng họ theo đường hướng đúng đắn, giữa những bất an về xã hội
và chính trị. Một số bạn trẻ đã chia sẻ với hãng tin Công giáo Hoa kỳ về các vấn
đề và thao thức của mình.
Vincent Paul Nneji là một bạn trẻ đến từ Nigieria. Anh chia
sẻ: “Ở độ tuổi còn trẻ, chúng tôi đã phải là người lớn. Chúng tôi không có chọn
lựa khác ngoài việc là người lớn bởi vì chúng tôi có quá nhiều thách thức và có
ít người giúp chúng tôi. Vì vậy ở đây chúng tôi muốn nói về các thách đố và
cách Giáo hội có thể giúp chúng tôi, cảm được nỗi đau của chúng tôi và cảm
thông với chúng tôi, và cố gắng nối kết với chúng tôi cả khi chúng tôi xa lìa
Giáo hội.” Theo Nneji, những thử thách lớn nhất mà các bạn trẻ phải đối mặt ở
quê nhà chính là tình trạng bất công xã hội và nạn thất nghiệp.
Nneji cũng cho biết rằng thường thì một bạn trẻ, phải lo
nuôi sống, phải được bảo đảm về tài chính thật nhiều, phải cảm thấy được an
toàn, để tuyên xưng niềm tin của mình. Vì thế, theo anh, “đó là một thử thách
to lớn, bởi vì đất nước anh có vấn đề về nạn điều hành kém và lãnh đạo tệ và
các bạn trẻ được nghĩ là những nhà lãnh đạo tương lai. Anh nói: “Chúng tôi được
nghĩ là những người sẽ nhận lấy chiếc áo lãnh đạo trong xã hội và cả trong Giáo
hội.” Anh lưu ý là vẫn thiếu những gương mẫu lãnh đạo trong chính Giáo hội. Anh
muốn mang những thách đố này để gây sự chú ý với Đức Thánh Cha và ủy ban Thượng
HĐGM để các ngài có thể tìm ra những cách thức để giúp người trẻ làm tốt hơn,
ngay cả giữa tất cả thách đố; làm tốt hơn và vẫn là một người trẻ.
Một bạn trẻ khác, Tendai Karombo, 26 tuổi, đến từ Zimbawe.
Karombo chía sẻ rằng cô muốn Giáo hội tại đất nước cô có sự tôn trọng hơn với
người trẻ. Cô chia sẻ: “Khi chúng tôi đến nhà thờ chúng tôi không có sự tôn trọng
đó… Chúng tôi thường bị gạt ra một bên với những điều nhỏ nhặt, chúng tôi không
thể làm nhiều, chúng tôi bị xem là yếu kém, vì thế chúng tôi không thể làm nhiều
thứ. Tôi hy vọng và đánh giá cao nếu Giáo hội có thể nhìn thấy sức mạnh nơi
chúng tôi, cho chúng tôi lãnh trách nhiệm và chúng tôi có thể cứu nhiều linh hồn.”
Một phụ nữ Nam Phi, cô Tinyiko Joan Ndaba, đang hoạt động để
nâng cao nhận thức về nạn buôn người, muốn chia sẻ về một vấn đề quan trọng, đó
là nạn buôn người và cô cảm thấy trách nhiệm chia sẻ kiến thức cô học được từ vấn
đề này. Cô cho biết người dân không biết về nạn buôn người vì vậy cô và nhóm của
cô đã thực hiện những chiến dịch quảng bá. Cô nhận định: “Buôn người là hiện tượng
đáng buồn, nó vô nhân đạo.” Cô kêu gọi sự cộng tác của các tổ chức, vì nếu chỉ
một nhóm hành động thôi thì không đạt được kết quả. Cô nói: “Chúng ta cần các cộng
đoàn thực hiện, vì đây là một vấn đề xã hội.” (CNA 24/03/2018)
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét