Trang

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Chiến lược truyền thông của Tòa Thánh: Để Đức Giáo Hoàng tự nhiên như nhiên


Chiến lược truyền thông của Tòa Thánh: Để Đức Giáo Hoàng tự nhiên như nhiên
Vũ Văn An
02/Jul/2018

Nữ ký giả Cindy Wooden của Catholic News Service, ngày 14 tháng Sáu, 2018 tường trình rằng tại Hội Nghị Truyền Thông Công Giáo ở Green Bay, Wisconsin, Hoa Kỳ, Natasa Govekar, giám đốc phân bộ thần học mục vụ của Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã đọc một diễn văn quan trọng trong đó, bà xác nhận rằng chiến lược truyền thông của Tòa Thánh là để Đức Giáo Hoàng Phanxicô là chính ngài. 

Govekar cho rằng để “thành công” trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ cần là chính ngài; mánh lới tô bóng là điều không cần thiết. “Người ta muốn Đức Giáo Hoàng là Đức Giáo Hoàng”. Thí dụ, theo bà, các hình chụp Đức Giáo Hoàng “với các diễn viên đoàn xiếc hay đội chiếc nón kỳ dị cũng không khác chi các hình chụp ngài đang cầu nguyện”. Người ta tụ tập quanh các trang mạng truyền thông xã hội, nên Giáo Hội Công Giáo cũng phải có mặt ở những chỗ ấy với các sứ điệp Tin Mừng về cứu rỗi, yêu thương và âu yếm.

Được hỏi về diễn trình xác định “lời hót” (tweet) nào sẽ được gửi đến 47 triệu người theo dõi chương mục @Pontifex bằng 9 thứ tiếng, Govekar nói rằng một nhóm có nhiệm vụ đưa ra các gợi ý, nhưng chính Đức Phanxicô có quyết định sau cùng.

Tuy nhiên, theo bà, xét cho cùng “không phải là chuyện về chúng tôi. Cũng không phải là chuyện về Đức Giáo Hoàng, mà là chuyện về Chúa Giêsu”.

Ngỏ lời với phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị từ ngày 12 tới ngày 15 tháng Sáu, Govekar nói về việc tái tổ chức đại thể các cố gắng truyền thông của Tòa Thánh và về tầm quan trọng của việc chuyển dịch các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh vào lãnh vực kỹ thuật số, một diễn trình mà nhiều cơ sở nhật báo và truyền thông giáo phận cũng đang trải nghiệm.

Bà cho hay: Nhiệm vụ chính của Vụ Truyền Thông với một nhà truyền thông như Đức Phanxicô, “là cố gắng không gây trở ngại cho điều nhà truyền thông vĩ đại này vốn đã đang làm”.

Nhìn vào các dữ kiện từ tháng Ba qua suốt tháng Năm năm 2018, bà cho rằng chương mục tiếng Anh của Đức Giáo Hoàng cho thấy một sự ưa thích hơn đối với những “lời hót” tương phản tình yêu với bạo lực, trong khi chương mục tiếng Tây Ban Nha cho thấy sự ưa thích hơn đối với những “lời hót” liên quan tới Mùa Chay, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh.

Xét chung cả 9 chương mục, Govekar cho hay, “các lời hót” của Đức Giáo Hoàng thu hút được nhiều tương tác (engagement) cao nhất, tức khiến người theo viết nhận xét hay nói “thích” (like), là các lời hót có thể mô tả là gợi hứng hay mời gọi người ta suy niệm.

Mặt khác, theo bà, các lời hót liên quan đến tình hình chính trị tại một quốc gia chuyên biệt hiếm khi nào lôi cuốn được nhiều chú ý và có lượng chia sẻ thấp.

Govekar nhận định rằng: Với kiểu Tweeter tối đa 280 mẫu tự, chương mục @Pontifex cung cấp “nhiều thuốc viên khôn ngoan” và “thuốc nhộng (capsules) yêu thương” trong phong thái được chính Đức Phanxicô khuyến cáo cho việc truyền giảng Tin Mừng hữu hiệu trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài.

Như Đức Phanxicô từng viết “Nếu ta chấp nhận một mục tiêu mục vụ và một phong thái truyền giáo nhằm thực sự vươn tới mọi người không trừ ai hay loại bỏ ai, thì sứ điệp phải tập trung vào những điểm cốt yếu, những điểm đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Sứ điệp phải được đơn giản hóa, trong khi không để mất chút sâu sắc và sự thật nào, và nhờ thế, trở nên càng mạnh mẽ và có sức thuyết phục hơn”.

Govekar cũng nhắc đến chương mục mới hơn là @Franciscus Instagram, hiện có hơn 5.6 triệu người theo. Nhóm người theo lớn nhất là Ba Tây, sau đó, là Hoa Kỳ. Và nhóm tuổi người theo lớn nhất là nhóm 24 tới 34 tuổi.

Nhân viên của Vụ Truyền Thông theo dõi các nhận định trên các chương mục truyền thông xã hội “vì đó là cách để biết các vấn đề người ta đang đặt ra”. Bà cho rằng đáp ứng các câu hỏi hay quan tâm người ta không hề đặt ra quả là điều vô nghĩa.

Nhiều người nhận định một cách thuận lợi về việc Đức Giáo Hoàng tỏ ra và hành động rất “bình thường” cũng như ngài tỏ ra âu yếm và rất nhân bản. Họ cho rằng “tính bình thường phải được một người ở địa vị Đức Giáo Hoàng mong muốn một cách mạnh mẽ”.

Bà nhận định rằng: Các cử chỉ, nhất là những cái ôm hôn, từng khiến Đức Phanxicô được người ta lưu ý một cách tích cực hơn cả, “không phải là kết quả của một chiến lược truyền thông; mà đơn giản chỉ là ngôn ngữ của yêu thương”. Bà cũng cho rằng bà rất ngạc nhiên khi rất nhiều người bình luận cho rằng Đức Giáo Hoàng “rất đẹp” nhưng khi tình yêu rạng chiếu qua một con người hay một sự vật, thì kết quả quả là đẹp đẽ”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét