Trang

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Cuộc gặp gỡ giữa các hoàng đế và các linh mục, hay cuộc đối thoại khó khăn giữa Tòa Thánh và Trung Hoa


Cuộc gặp gỡ giữa các hoàng đế và các linh mục, hay cuộc đối thoại khó khăn giữa Tòa Thánh và Trung Hoa
Vũ Văn An
17/Jul/2018
Về cuộc đối thoại lâu dài và đầy khó khăn của Tòa Thánh với Trung Hoa, nhiều cây viết nổi danh đã nói lên tâm tình tha thiết của họ đối với tương lai Giáo Hội tại nước này và đưa ra nhiều nhận định lý thú. Gần đây, http://www.settimananews.it có đăng tải một bài phân tích cặn kẽ về lập trường của hai bên để đi đến kết luận cho rằng: khía cạnh chính trị của cuộc đối thoại phải được lưu ý mới có thể vượt qua được cửa ải bế tắc.

Bài phân tích trên là của Francesco Sisci, một nhà Trung Hoa Học người Ý, với bằng tiến sĩ về Ngữ Học và Triết Học Cổ Điển Trung Hoa, hiện sống và làm việc tại Bắc Kinh và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại Học Nhân Dân Trung Hoa. Năm 2016, ông từng được Đức Phanxicô dành cho một cuộc phỏng vấn về Trung Hoa và cuộc phỏng vấn này được phổ biến rộng rãi tại Trung Hoa, một biến cố đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Chúng tôi xin lược dịch bài phân tích rất cặn kẽ của ông còn kết luận của ông thì tùy thuộc sự phê phán của độc giả:


Cuộc Gặp Gỡ của Các Hoàng Đế - và Các Linh Mục 

Cuộc gặp gỡ, xích lại gần nhau, giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, dĩ nhiên, có cả ngàn bộ mặt. Có các vấn đề đức tin, tôn giáo, các linh hồn tiến lại gần nhau, căng thẳng tiến về đời sau, và truyền thông với những người còn ở đời này. Tất cả đều là những điểm quan trọng, có lẽ là những điểm nền tảng và sâu xa hơn cả. Nhưng từ Trung Hoa mà nhìn, vấn đề, trong yếu tính, đơn giản chỉ là quyền lực và chính trị. Thành thử, vì lợi ích của cuộc gặp gỡ và tiếp cận, có lẽ điều thích đáng là tìm hiểu lập trường của Trung Hoa. Việc này gồm 3 tuồng như trong các bi kịch cổ điển.

So sánh giữa các đế quốc

Đối với Trung Hoa, Tòa Thánh trước hết và trên hết là một đế quốc cần được so sánh với điều trên thực tế chính là đế quốc Trung Hoa. Cái đẹp của Trung Hoa nằm ở nét đơn giản của nó như là một đế quốc. Ngày nay, nó có khoảng 1.4 tỷ người. Khoảng 95% những người này thuộc Hán tộc và nói và hiểu thông thạo tiếng quan thoại Trung Hoa.

Từ năm 1980, Bắc Kinh nghiêm khắc áp đặt chính sách 1 con, chính sách này, trong 40 năm qua, đã làm Trung Hoa thiệt mất gần 400 triệu tân công dân. Trong những ngày tới, chính sách 1 con này sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Việc loại bỏ này tái phát động các vụ sinh nở và do đó, gia tăng dân số, nhờ thế tránh được nạn lão hóa từ từ của quốc gia, một điều cũng có tác dụng đối với việc phát triển kinh tế. Nói cách khác, Trung Hoa là khối lớn nhất về dân số thế giới, về kinh tế, gia tăng 8% mỗi năm trong hơn 40 năm qua; con số này bảo đảm tăng tổng sản lượng quốc nội lên gấp đôi mỗi 8 năm. Điều này có nghĩa trong 40 năm qua, sự thịnh vượng của khối 1.4 tỷ người này đã gia tăng khoảng 30 lần, hay 3,000%.

Đế quốc chính trị duy nhất khác có thể so sánh về phương diện con số là Ấn Độ. Tổng dân số của Ấn Độ có thể nay mai sẽ vượt tổng dân số Trung Hoa. Hơn nữa, dân số Ấn Độ, vì không hề bị giới hạn bởi chính sách kế hoạch hóa gia đình, nên trẻ trung hơn. Nhưng so sánh với Trung Hoa, Ấn Độ chia rẽ hơn trong nội bộ.

Ở Ấn Độ, có nhiều chia rẽ lớn về ngôn ngữ giữa Bắc và Nam. Bắc là ngôn ngữ Ấn Âu, nam là ngôn ngữ Dravidian. Các chia rẽ về đẳng cấp còn chia rẽ sâu xa hơn xã hội Ấn Độ. Ngoài ra còn có sự thù ghét giữa người Hồi Giáo và người Ấn Giáo, thậm chí giữa người Ấn Giáo cũng có các nghi lễ và cả các tôn giáo hoàn toàn khác nhau nữa: người thì tin thần tối cao Brahma, người khác tin Vishnu, người khác nữa tin Shiva, và người khác nữa thích các vị thần hoàn toàn khác. Ấy là chưa kể giữa người Ấn Âu và Dravidian, còn có những bản sắc mạnh mẽ và tách biệt: người Bengal cảm nhận khác với các cư dân miền Bắc, thậm chí họ còn phân rẽ thành 2 quốc gia khác nhau: một ở trong liên hiệp Ấn, theo Ấn Giáo, và một theo Hồi Giáo ở bên ngoài Ấn Độ, tại Bangladesh. Hơn nữa, việc phát triẻn của Ấn Độ không ồ ạt, dù hiện đang gia tốc.

Ở Trung Hoa, các chia rẽ như trên không hề có. Có những phân rẽ cổ xưa có tính vùng miền. Người ta nhận ra mình một cách thâm hậu tại tỉnh mình thuộc về. Nhưng cảm quan trổi vượt vẫn là trước nhất hãnh diện được làm người Trung Hoa trước khi làm người Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Đông.

Với cái khung trí quen thuộc ấy, người Trung Hoa khó có thể chấp nhận các biện pháp của Tòa Thánh. Còn Tòa Thánh thì sao? Trong yếu tính, Tòa Thánh chỉ là một lãnh thổ rộng chừng nửa cây số vuông giữa trung tâm thủ đô Nước Ý, với vài ngàn công dân. Thoạt nhìn, nó là một thứ thực tại địa dư kỳ lạ giống như các tiểu quốc San Marino hay Andorra.

Nhưng nó có một chiều kích khác là Giáo Hội: nó là thực thể tôn giáo thuần nhất hơn hết trên thế giới. Giáo Hội tự hào với 1.3 tỷ thành viên đã nhận phép rửa. Con số này gia tăng nhanh chóng, nhất là tại Châu Phi, lục địa với tỷ lệ gia tăng dân số nhanh nhất. Ngoài ra, hàng trăm triệu Kitô hũu Chính Thống và Thệ Phản, cho dù đứng ngoài sự hợp nhất của Giáo Hội Công Giáo, nhưng có một lòng kính trọng sâu xa đối với Giáo Hội và vị giáo hoàng của nó.

Lòng kính trọng và ngưỡng phục đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng cũng càng ngày càng tìm thấy nơi hơn tỷ người Hồi Giáo khắp thế giới. Điều này có những lý do lịch sử của nó: bất chấp các cuộc chiến tranh tôn giáo trong quá khứ, Hồi Giáo vẫn nhìn nhận Kitô Giáo là người có trước mình. Hơn nữa, trong những năm gần đây, khi Hồi Giáo bị tấn công từ bên trong bởi những người cực đoan và từ bên ngoài bởi “các chiến sĩ văn minh” muốn có những va chạm mới về tôn giáo và văn hóa, Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội luôn lên tiếng bênh vực việc đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Và các vị cũng là những người duy nhất hành động và vận động cho người tị nạn (thường là người Hồi Giáo) chạy trốn các vùng có chiến tranh. Điều này làm tăng uy tín của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng nơi mọi người Hồi Giáo, những người phần đông chỉ muốn có cuộc sống hòa bình cho hôm nay và ngày mai.

Bởi thế, Tòa Thánh là một thứ đế quốc nhẹ, mềm, với các vòng tròn đồng tâm, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp nhưng vẫn thực chất trên quá nửa dân số của hành tinh, gần 4 tỷ người. Hơn nữa, vị Giáo Hoàng hiện nay không ngừng nhấn mạnh rằng ngài không chỉ lưu tâm tới người “của ngài” mà thôi. Ngài lên tiếng khắp thế giới, với cả 3 tỷ người Trung Hoa và Ấn Độ vốn không phải là Kitô hữu hay người Hồi Giáo và với rất nhiều người duy linh (animists) khắp thế giới. 



Tuy nhiên, thử hỏi Đức Giáo Hoàng có thứ thế giá nào đối với khối người trên? Ở Trung Hoa, rõ ràng là Chủ Tịch Tập Cẩn Bình, hay các người tiền nhiệm và kế nhiệm ông, có thẩm quyền tối hậu đối với sự sống hay sự chết của mọi thần dân của ông ta. Viên chức nào không vâng phục ông có thể bị bỏ tù, bị sa thải, thậm chí bị xử tử. Còn Đức Giáo Hoàng, như đã thấy trong chuỗi dài các tai tiếng và những rì rỏ đúng sai từng làm rúng động Tòa Thánh, nhưng nào ngài có thi hành, hay có quyền hay muốn có quyền sa thải các cộng sự viên thiếu hẳn những qui định căn bản nhất về an ninh và tin tưởng.

Thành thử, đúng là một thứ quyền lực vô quyền lực, nếu nhìn theo cái nhìn giản đơn của Trung Hoa. Một quyền lực gần như vô dụng.

Nhưng thực ra không phải thế.

Tất cả các tranh cãi được báo chí thế giới theo dõi tận tình liên quan tới các thiếu sót của Đức Giáo Hoàng hay của giáo triều của ngài và các tranh cãi gay gắt liên quan đến việc bình thường hóa các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Trung Hoa chứng minh điều này: Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội có một quyền lực phi thường và đặc biệt. Với một số người, quyền lực này có khi còn lớn hơn cả quyền lực của Chủ Tịch Trung Hoa. Thực vậy, năm 2015, khi các cuộc công du chính thức Hoa Kỳ của Chủ Tịch Trung Hoa và của Đức Giáo Hoàng trùng nhau, các chính khách và công chúng Hoa Kỳ đã dành tầm quan trọng lớn hơn cho Đức Giáo Hoàng, chứ không cho Chủ Tịch Tập. Đây là một cú sốc văn hóa đối với người Trung Hoa.

Trong cuộc chập mạch (short-circuiting) quyền lực bởi Tòa Thánh này, người ta cũng thấy Trung Hoa cảm thấy lúng túng khi đương đầu với Vatican. Nếu Tòa Thánh không phải là một quyền lực có thực chất, thì nó không đáng kể, vô dụng, đâu cần nói chuyện với. Nếu nó là một quyền lực có thực chất, đáng kể, thì nó là một quyền lực cực mạnh và do đó cần phải tiếp cận một cách hết sức thận trọng vì nó có thể đập thẳng vào mặt mình. Trong mấy thập niên trước đây, thái độ trổi vượt của Bắc Kinh là thái độ trước, nhưng trong mấy năm gần đây, thái độ đó bắt đầu là thái độ sau. Điều này có nghĩa ở Bắc Kinh, người ta tin rằng: chúng ta phải nói chuyện với Tòa Thánh, nhưng chúng ta cũng phải cực kỳ thận trọng, kẻo các thay đổi ý kiến trong tương lai ở Rôma có thể trực tiếp tác động lên nền chính trị nội bộ của Trung Hoa.

So sánh giữa các quyền lực

Có một thứ chập mạch thứ hai trong việc so sánh quyền lực. Quyền lực Trung Hoa, một quyền lực từ truyền thống đế quốc, vốn tuyệt đối trong lãnh thổ của nó, phải tìm cách sống với quyền lực của Giáo Hội. Vấn đề này rất sâu xa và đụng tới các vấn đề thuộc bản sắc của Nhà Nước Trung Hoa. Đế quốc thống nhất đầu tiên vốn đã dành cho hoàng đế một thẩm quyền gần như thần thiêng. Tuy nhiên, các tiền nhiệm của hoàng đế vốn là những người có chủ quyền tại các nhà nước biệt lập khác nhau.

Ký tự (ideogram) mô tả ông, chữ Hoàng, vốn có ba nét ngang song song kết hợp với nhau ở giữa bởi một nét dọc. Nó cho thấy một thực thể thống nhất hóa ba thế giới: trời, xã hội con người và thiên nhiên. Do đó, từ thời cổ đại, nó đã là một quyền lực thống nhất hóa các khía cạnh tôn giáo và chính trị nơi cùng một con người, có lẽ tương tự như cách của các Pharaô Ai Cập, nhưng rất khác với cách của thành bang Hy Lạp và cộng hoà La Mã, vốn cung cấp căn bản cho quan niệm của Tây Phương về nhà nước.

Không đi sâu vào các vấn đề xưa cũ và phức tạp, ta chỉ cần nghĩ rằng ở Tây Phương, cả hàng ngàn năm nay, một nhị phân đã được thừa nhận giữa quyền lực tôn giáo của Giáo Hội và quyền lực chính trị của nhà nước. Sự nhị phân này không hề có ở Trung Hoa. Đàng khác, ở Trung Hoa, không hề có thứ tôn giáo nhà nước thực sự như Hồi Giáo tại các nước Hồi Giáo dưới thời caliph. Người Trung Hoa trong nhiều thế kỷ được tự do thực hành và theo bất cứ tôn giáo nào họ ưa thích.

Nhưng nguyên tắc vẫn là thẩm quyền toàn diện sau cùng đối với bất cứ tôn giáo nào bên trong Trung Hoa là thuộc về Hoàng Đế. Nguyên tắc này đã là nền tảng trong cuộc tranh luận về nghi lễ từng phân rẽ các cha Dòng Tên và các Cha Dòng Phanxicô và Đa Minh thế kỷ 16 và 17. Dòng Tên đánh cuộc rằng muốn giải quyết mâu thuẫn phải làm cho hoàng đế trở lại rồi sau đó mới làm cho toàn bộ Trung Hoa trở lại. Nói cách khác, đây là một thứ đánh cuộc kiểu Tân Constantinô, áp dụng vào hoàng đế và đế quốc Trung Hoa điều các Kitô hữu thế kỷ thứ tư đã làm với hoàng đế Constantinô và Đế Quốc La Mã. Lần đánh cuộc này, Dòng Tên thua vì họ không vượt qua được hai gọng kìm đối nghịch và tương phản nhau.

Hoàng đế không trở lại vì Kitô Giáo không thích ứng đủ với thực tại Trung Hoa, và mặt khác, Giáo Hội sợ bị hoen ố quá đáng trong việc thích ứng này. Ngày nay, xét về một số phương diện, tình thế rất khác, nhưng vẫn có những điểm trùng hợp sâu xa với quá khứ. Điều khác biệt nền tảng là ngày nay, chủ tịch Trung Hoa không còn đòi bất cứ thẩm quyền tôn giáo nào. Ý thức hệ đang thống trị trong nước là ý thức hệ Mácxít, một ý thức hệ vô thần, và do đó, không có tính tôn giáo. Do đó, chính phủ không có thẩm quyền nào đối với việc chọn lựa tôn giáo. Về phần mình, với việc kết liễu Lãnh Thổ Giáo Hoàng, Giáo Hội đã ngưng, không còn đòi quyền lực chính trị nữa, nên “các khu vực thẩm quyền” của chính phủ Trung Hoa và Tòa Thánh không còn đụng nhau nữa: một bên là chính trị-dân chính, một bên là thiêng liêng-tôn giáo.



Điều trên tạo ra một không gian lý thuyết trong đó Trung Hoa và Tòa Thánh có thể sống với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, có cả một vùng lẫn lộn (gray) mênh mông, nơi đụng nhau và giáp mặt nhau của hai quyền lực. Thí dụ, vấn đề căn bản của Giáo Hội về việc chọn các giám mục. Các ngài là điểm gặp gỡ tôn giáo giữa cộng đồng địa phương và Đức Giáo Hoàng. Nhưng trên thực tế, các giám mục cũng là điểm gây ảnh hương xã hội mạnh mẽ, và, do đó, trên thực tế, các ngài thi hành một thứ thẩm quyền nào đó trên lãnh thổ Trung Hoa. Đối với Giáo Hội, vấn đề này vẫn là một vấn đề gai góc và xưa cũ. Trước đây, đã có vấn đề chỉ định giáo chức (investiture), một vấn đề từng làm căng thẳng các mối liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng và hoàng đế của Đế Quốc Rôma Thánh Thiện thời Trung Cổ.

Trong hai thập niên 1980 và 1990, lúc Giáo Hội tìm cách nối lại các mối liên hệ với Trung Hoa, thì vấn đề trên được đề cập và lo toan bởi Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa, một hội được “hoàng đế” tân thời ban cho các quyền tự trị đặc biệt trong các liên hệ với “ngoại nhân” (trong trường hợp này là Vatican). Thời đế quốc cũng tương tự như thế, thẩm quyền đế quốc tối cao duy trì quyền lực đại thể nhưng đã ban tư cách “nhượng địa” (enclaves) về văn hóa – tôn giáo – chính trị cho một số thực thể. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các nhượng bộ vừa nói đã tạo ra sự mơ hồ sâu xa, như thấy rõ ở đầu thập niên 2000. Tất cả các giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm đều đã xin Đức Giáo Hoàng tha thứ, dù là giấu giếm, không cho nhà cầm quyền hay. Bởi thế, trên quan điểm hoàn toàn lý thuyết, Bắc Kinh vẫn nghĩ họ có một nửa số giám mục, còn nửa kia là của Đức Giáo Hoàng, và họ có thể thương thảo với Đức Giáo Hoàng trên căn bản chia đôi này. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh ngỡ ngàng thấy rằng Đức Giáo Hoàng có hết mọi giám mục, và do đó, họ không có gì để mặc cả. Sự kiện này khiến Trung Hoa suy nghĩ lại toàn bộ vấn đề Vatican.

Việc hiểu ra rằng vấn đề hợp nhất giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng không thể nào vượt qua, và sự kiện Đảng Cộng Sản là một đảng vô thần dần dần đã dẫn tới nguyên tắc thừa nhận thẩm quyền tôn giáo của Đức Giáo Hoàng tại Trung Hoa.

Ở đây, vấn đề Trung Hoa đụng đến một việc chập mạch khác về quyền lực của Đức Giáo Hoàng và của Giáo Hội. Nếu quyền lực của Đức Giáo Hoàng đối với các giám mục, và đối với Giáo Hội, yếu ớt, như ta thấy ở phần đầu, thì tại sao Đức Giáo Hoàng lại nhấn mạnh đến thế và một cách chi tiết đến thế về việc chọn lựa các giám mục? Nếu quyền lực của Đức Giáo Hoàng và của Giáo Hội đối với các giám mục mạnh mẽ, thì tại sao Đức Giáo Hoàng không lập lại trật tự và áp đặt cuộc đối thoại của ngài với Trung Hoa lên nhiều phần tử Công Giáo “lang bang” nhưng ngày nào cũng hoạt động tích cực trong các bài vở chống Trung Hoa?

Lẽ dĩ nhiên, Trung Hoa không trực tiếp nêu ra các câu hỏi trên, nhưng những câu hỏi này, về khách quan, rất khó tìm được câu trả lời từ Giáo Hội vì chúng không thuộc “trật tự chính trị với chính trị” ( “political-political order”), nhưng chúng được khoác cho nhiều khía cạnh tôn giáo đặc thù, vốn xa lạ trong một thế giới như Trung Hoa, một thế giới vốn không liên hệ đến truyền thống Kitô Giáo. Khi không có các câu trả lời đầy đủ và dễ hiểu từ Tòa Thánh về vấn đề này, Bắc Kinh đòi cho được nhiều bảo đảm hơn về hành chánh đối với lãnh thổ mình từ phía sinh hoạt của Giáo Hội. Nhưng việc này tạo ra nhiều vấn đề và chia rẽ cho Giáo Hội trong đó vấn đề Trung Hoa tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là một phần của một vấn đề lớn hơn nhiều cần được lưu ý.

Nền chính trị vì chính trị (Political politics) và Luther Quốc Tế thời nay? [1]

Ở đây, từ các chập mạch giữa chính trị và tôn giáo, ta chuyển qua các vấn đề chủ yếu có tính chính trị thực sự. Trong khi trong quá khứ, các cuộc nói chuyện giữa Trung Hoa và Tòa Thánh trước đây đã diễn ra trong một bầu khí quốc tế hòa bình quanh Trung Hoa và bên trong Tòa Thánh, nhưng cả hai khía cạnh này đã thay đổi trong những năm gần đây.

Hiện đang có sự căng thẳng quốc tế gia tăng đối với Trung Hoa. Nhiều giới trong thế giới Tây Phương sợ rằng việc bình thường hóa các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Trung Hoa sẽ gây trở ngại cho việc đối đầu cứng rắn được một số nước muốn có hay ước ao muốn có, đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, dù Giáo Hội, trong căn bản, vốn hợp nhất trong mấy thập niên qua, nhưng ngày nay, các vấn đề luân lý đang xé nát Giáo Hội. Các vấn đề này tập trung vào các vấn nạn luân lý mà đa số người thời nay coi là lỗi thời và khó hiểu. Việc cho phép các người ly dị rước lễ và việc khoan dung nhiều hơn đối với người đồng tính là những cởi mở phản ảnh sâu xa xã hội hiện đại. Nhưng chúng cũng là những vấn đề đã và đang có nguy cơ phân hóa các thực hành và cách nhìn của nền chính thống cổ xưa của Giáo Hội.

Đàng khác, vấn đề Trung Hoa hoàn toàn trái ngược với các vấn đề luân lý.

Tầm quan trọng về tôn giáo và chính trị trong vụ việc Trung Hoa khá tinh tế, tế nhị, và trên thực tế, khó hiểu đối với đa số công luận vốn coi Trung Hoa càng ngày càng là một quái vật cộng sản toàn trị, một định nghĩa đúng sách vở bi hài kịch, dù thế nào cũng rất thích hợp với tình hình giữa Trung Hoa và các nước khác trên thế giới vào ngay lúc này. Nhưng nó lại quan trọng và có tính nền tảng đối với một nhóm nhỏ người Công Giáo coi viễn tượng tương lai như là điều căn bản để Giáo Hội có một chỗ đứng trên thế giới trong các thập niên hay thế kỷ sắp tới. Bởi thế, trong tình huống này, thật dễ dàng cho một số người chống đối sử dụng lập trường của Đức Giáo Hoàng về Trung Hoa (khó hiểu đối với đại chúng) để chứng minh cả việc ngài thất bại và sai lầm trong các vấn đề luân lý (cũng khó hiểu đối với đại chúng).


Trong khía cạnh này, toàn bộ vụ việc Trung Hoa và luân lý đã vượt quá các vấn đề tôn giáo. Năm 1517, lúc Luther công bố các luận đề thời danh của ông chống lại Rôma, có thể ông đã được tái nhập và thánh hóa như đã xẩy ra với Thánh Phanxicô trước đó 3 thế kỷ. Hoặc đơn giản hơn, ông có thể bị đè bẹp và cho ra rìa như những người thuộc phái Waldo, gần cùng thời với Thánh Phanxicô Assisi. Việc Luther trở thành cha đẻ của phong trào cải cách Thệ Phản, “người đỡ đẻ” cho cuộc phân ly chính trị và văn hóa vĩ đại giữa bắc và Nam Âu Châu, là nhờ một vấn đề hoàn toàn có tính chính trị. Các ông hoàng Đức muốn có sự tự trị và độc lập, thoát khỏi hoàng đế của nhà Habsburg. Luther cung cấp cho họ một lá cờ và một ý thức hệ. Nghĩa là, nếu không có các tham vọng chính trị của các ông hoàng Đức, Giáo Hội đã không bị phân chia. Nói cách khác, ngày nay, vấn đề của Giáo Hội có lẽ không phải là vấn đề tôn giáo (thảo luận với Trung Hoa về việc bổ nhiệm giám mục cách nào và khi nào) nhưng là vấn đề chính trị: làm thế nào giữ được sự hợp nhất cho một giáo hội trong đó nhiều tín hữu tỏ ra thù nghịch đối với Bắc Kinh trong bầu khí nói chung là kình chống giữa Tây Phương và Trung Hoa.

Ở đây, một lần nữa, ta lại trở lại với câu hỏi dành cho Bắc Kinh. Nếu Giáo Hội tiếp tục hợp nhất và duy trì được mối liên hệ với các người bảo thủ Hoa Kỳ, những người muốn gây chiến với Trung Hoa và không muốn các cải tổ luân lý của Đức Giáo Hoàng) thì Giáo Hội có một giá trị đối với Trung Hoa, là nước hiện đang muốn tránh chiến tranh với Tây Phương. Đàng khác, nếu Giáo Hội không chung đường với các người bảo thủ Hoa Kỳ về Trung Hoa, thì giá trị của Giáo Hội đối với Trung Hoa sẽ giảm đi. Nghĩa là, Trung Hoa sẽ ráng nói chuyện với các người bảo thủ Hoa Kỳ mà không cần chi tới vai trò của Giáo Hội. Nên Giáo Hội phải tránh, đừng bước vào một tình huống trong đó, càng nói với Bắc Kinh càng tách xa Hoa Kỳ.

Nói cách khác, vấn đề tôn giáo của nền luân lý mới và cách tiếp cận mới với Trung Hoa có lẽ chỉ có thể giải quyết bằng chính trị. Nếu Giáo Hội có thể lo liệu để trở thành cây cầu chính trị giữa Trung Hoa và phần còn lại của thế giới, không những có thể giải quyết nhiều vấn đề nội bộ mà còn tạo được một không gian mênh mông trong tương lai cho vai trò của mình trong các thiên niên kỷ sắp tới. Nếu Giáo Hội thất bại trong việc làm môi giới chính trị cao cấp này, thì Giáo Hội có nguy cơ xé nát hoặt ít nhất giảm tầm quan trọng một cách nhân thừa. Đối với Giáo Hội, nguy cơ này ngàn lần, triệu lần so với các tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Kết quả của việc quản trị tốt vụ việc này cũng lớn lao không kém. Dĩ nhiên, đây là chính trị, một điều Giáo Hội vẫn coi là ít quan hệ, vì quen sống và có thể sống nhờ một điều khác hẳn. Nhưng đây là một không gian có thực chất, rất thời sự mà ta nên xem xét.

[1] Xem Giancarlo Pani, Paolo, Agostino, Lutero: alle origini del mondo moderno, Rubettino, Soveria Mannelli 2005.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét