Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

05-08-2018 : (phần II) CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN năm B


05/08/2018
Chúa Nhật tuần 18 Thường Niên năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 18 Thường niên, năm B
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - B
(Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35)
ĐỨC GIÊSU KITÔ – BÁNH HẰNG SỐNG

“Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” 
(Ga 6,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Xh 16,2-4.12-15)
Bài đọc I bắt đầu với lời kêu trách của dân Do Thái với nỗi nhớ Ai Cập, khi họ khởi sự những ngày đầu tiên trong hành trình sa mạc (cc.2-3). Đây là hình ảnh thường thấy trong hành trình đức tin, khi cảm thấy nghi nan nơi Chúa trong một đời sống mới, và có khuynh hướng quay trở lại thời nô lệ tội lỗi xưa kia của mình.
Trước những lời kêu than đầy vô lý, thay vì phản ứng trừng trị thái độ nghi nan và cứng lòng của họ, Thiên Chúa lại đáp trả bằng cách ban cho họ manna và thịt chim cút ăn thỏa thích.
Ân ban này, một mặt được xem như là sự trợ lực dưỡng nuôi dân Do Thái trong hành trình sa mạc, mặt khác, còn là một dấu chỉ cho dân Israel, giúp họ thăng tiến trong đức tin và tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa.
Vì thế, hành trình sa mạc như là một trường học khi họ phải học biết cách hài lòng với lương thực manna hàng ngày, và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong nhu cầu của ngày sắp đến.
2. Bài đọc II (Ep 4,17.20-24)
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Êphêsô rời bỏ con người cũ của mình với nếp sống xưa, và mặc lấy con người mới, là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện.
Con người mới này chính là Đức Kitô. Chúng ta phải mặc lấy Người (x. Rm 13,14; Gl 3,27), vì Đức Kitô chính thật là con người mới, Đấng ban cho chúng ta một tâm hồn mới và thông truyền Thần Khí mới cho chúng ta.
Vì thế, chúng ta phải từ bỏ nếp sống nhân loại xưa cũ; chúng ta cũng đừng bận tâm quá nhiều về những nhu cầu vật chất, nhưng biết tìm kiếm và tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Người chính thật là nguồn sống thỏa mãn mọi ước muốn thâm sâu của chúng ta, và nhất là nguồn vui sống trọn hảo đích thật trên trời.
3. Bài Tin Mừng (Ga 6,24-35)
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng lũ lượt tìm đến Đức Giêsu. Cuộc đối thoại trong bài Tin Mừng hôm nay phản ánh rõ đâu là mục đích của việc kiếm tìm và điều mà Chúa Giêsu muốn mạc khải.
Trong phần đầu (cc.24-27), Đức Giêsu đã giải tỏa sự hiểu lầm của dân chúng. Người đến không phải để ‘hóa đá thành cơm bánh’, nhưng là để dạy rằng cơm bánh được tạo nên bởi tình yêu và sự sẻ chia.
Qua sự hiểu lầm này, tác giả Tin Mừng cũng muốn hướng mỗi người môn đệ của Chúa biết nhận ra sự hiểu lầm của riêng mình, và tự hỏi đâu là mục đích và động cơ mỗi lần đến tìm gặp và theo Chúa. Nhiều người trong số họ cũng đã nhiều lần xác nhận ước mong tìm thấy nơi Chúa ‘lương thực hư nát’.
Nhưng Đức Giêsu đã khẳng định rằng chính Người là ‘lương thực trường tồn’ mà con người cần phải kiếm tìm.
Vậy ‘chúng tôi phải làm gì’ để có được thứ lương thực này? Câu trả lời nằm trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng (28-33), đó là phải tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến.
Trong Tin Mừng Gioan, hạn từ ‘tin’ chỉ được tìm thấy duy nhất dưới dạng động từ, để diễn tả hành vi sống động và mạnh mẽ của người thể hiện niềm tin vào Đức Giêsu, và đón nhận Tin Mừng của Người, đồng thời xem đó như là lương thực nuôi sống chính mình. Và đây cũng chính là mục đích Tin Mừng này được viết ra, “là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31); ai tin theo cách thức này sẽ có sự sống đời đời (Ga 3,16; 6,40.47).
Chúng ta không chỉ ‘tin’ đơn giản là có Chúa tồn tại, sống và rao giảng những lời hay ý đẹp; những điều này các anh em tôn giáo bạn hay những người vô thần cũng tin; nhưng ‘tin’ ở đây là xác tín vào sự lựa chọn của mình, sẵn sàng trao phó đời mình cho Chúa, và tín thác rằng ngoài Người ra, chúng ta sẽ chẳng thể tìm thấy hạnh phúc.
Vậy làm sao để ‘tin’? Người Do Thái đòi nơi Chúa Giêsu một dấu lạ, như Môsê đã làm năm xưa. Nhưng Chúa Giêsu đã đính chính hai điều căn bản: (1) việc năm xưa, không phải Môsê, ‘mà chính là Cha tôi’ đã làm, và cũng chính Người tiếp tục thực hiện hôm nay; (2) không phải manna năm xưa, mà bánh hôm nay mới là ‘bánh bởi trời đích thực’.
Nghe vậy, người Do Thái mới bảo Đức Giêsu rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu trả lời: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. Đức Giêsu Kitô cũng như Lời Người chính là lương thực duy nhất có thể lấp đầy cơn đói khát của nhân loại.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Thiên Chúa quan phòng đã không bỏ mặc dân Người trong cảnh lầm than, nhưng luôn yêu thương và ban cho họ đủ những ơn lành cần thiết. Từ kinh nghiệm sa mạc của dân Do Thái năm xưa, nhìn lại đời mình, nhất trong những nghịch cảnh của cuộc sống, tôi có biết tín thác vào Chúa hay tìm cách than van và xa lánh Người?
2. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu ở Êphêsô phải từ bỏ lối sống cũ và mặc lấy con người mới, con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa. Qua bí tích rửa tội, tôi cũng được mặc lấy Chúa Kitô và tháp nhập vào trong thân thể Người. Vậy tôi có như người Do Thái năm xưa, khi vẫn muốn quay về với thuở Ai Cập nô lệ của tội lỗi, hay luôn biết sống đời sống mới trong ân sủng Thiên Chúa hôm nay?
3. Dân Do Thái đã tìm đến Chúa với mong muốn được thỏa những cơn đói khát trần thế. Còn tôi, đâu là động cơ và mục đích mỗi lần tôi tìm đến với Chúa? Là bởi manna hư nát hay bánh đích thật bởi trời, bánh mang lại sự sống đời đời? Có bao giờ tôi cảm thấy đói khát Chúa Giêsu và ước ao trở nên như Người trong yêu thương, phục vụ và dấn thân, để trở nên tấm bánh bẻ ra cho tha nhân?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót đã trao tặng chính Con Một yêu dấu của Người làm “bánh ban sự sống” cho nhân loại. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn quan tâm chăm sóc đoàn chiên Chúa trao bằng lương thực thần linh, qua việc cử hành và cổ vũ lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể.
2. Chúa Giêsu nói: “Các ngươi hãy tin vào Ðấng Thiên Chúa sai đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia chưa đón nhận hay có thành kiến với niềm tin Kitô giáo, biết khao khát tìm kiếm chân lý và mở lòng trước Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo.
3. “Hãy ra công làm việc vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, biết trân trọng và quan tâm đến những nhu cầu thiêng liêng hầu tìm thấy hạnh phúc đích thực và trường tồn.
4. “Hãy lột bỏ con người cũ và trở nên mới trong lòng trí anh em.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi siêng năng tham dự thánh lễ và sốt sắng rước Chúa, được ơn thánh biến đổi trở nên những con người mới trong đời sống chứng tá.
Chủ tếLạy Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và rộng ban muôn ơn lành giúp chúng con biết nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, hầu đáng được thông phần sự sống Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.


SCĐ Chúa nhật XVIII TN.B
Chủ đề :
Lương thực Chúa ban


“Chính Ta là bánh trường sinh”
(Ga 6,35)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (Xh 16,2-4.12-15) : Chúa ban manna cho dân do thái trong sa mạc.
– Đáp ca (Tv 77) : “Chúa ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ”
– Tin Mừng (Ga 6,24-35) : Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu bắt đầu bài giảng về bánh hằng sống.
I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Chúa nhật vừa qua chúng ta đã thấy Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê. Nhưng hôm sau họ lại tìm đến Ngài, mong được ăn bánh nữa, thì Ngài nói với họ về một thứ bánh khác : “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh”.
Chúng ta đến đây vì chúng ta biết rằng chúng ta cần một thứ lương thực khác, thứ lương thực mà chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng con quá lo tìm lương thực vật chất, đến nỗi sao lãng lương thực thần linh.
– Ngay cả khi chúng con dự Thánh Lễ, chúng con cũng chỉ xin Chúa ban lương thực vật chất cho chúng con.
– Chúng con chưa đủ lòng phó thác để tin rằng Chúa sẽ lo cho chúng con lương thực hằng ngày.
III. Lời Chúa
1.     Bài đọc I (Xh 16,2-4.12-15)
Phép lạ manna xảy ra trong sa mạc. Sa mạc là nơi trơ trụi, thiếu thốn mọi thứ, cho nên sa mạc cũng là nơi thử thách. Mà một trong những thử thách lớn nhất đối với con người là đói, không có thức ăn. Bởi vậy, Chúa đã nói với Môsê : “Ta muốn thử lòng chúng”
Tuy nhiên, thử thách này cũng có cái lợi là nhắc con người nhớ rằng lương thực họ ăn hằng ngày là do Chúa ban. Chính vì thế, Thiên Chúa bảo dân do thái chỉ được lượm một phần bánh đủ ăn trong ngày.
2.                 Đáp ca (Tv 77)
Phép lạ manna vẫn được các thế hệ về sau nhắc tới như là một trong những công cuộc lẫy lừng của Thiên Chúa, cho người ta thấy quyền phép và tình thương to lớn Chúa dành cho dân Ngài.
3.                 Tin Mừng (Ga 6,24-35)
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, hôm sau người do thái lại tìm đến với Đức Giêsu mong được ăn bánh nữa. Đức Giêsu hướng họ lên cao hơn một bước : “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh”. Họ tưởng đó là manna ngày xưa trong sa mạc. Đức Giêsu nói rõ : “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói. Ai tin vào Ta chẳng khát bao giờ”.
4.                 Bài đọc II (Êp 4,17-20.24) (Chủ đề phụ)
Thánh Phaolô khuyên tín hữu một khi đã theo Đức Kitô thì phải từ bỏ nếp sống cũ, tư tưởng cũ và tinh thần cũ như hồi còn là dân ngoại. Thay vào đó, hãy mặc lấy con người mới, tinh thần mới và cách sống mới như Đức Kitô.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Nhiều thứ đói
Năm 1885 Vincent van Gogh đến viện bảo tàng Amsterdam để được ngắm một họa phẩm nổi tiếng của họa sĩ Rembrandt, bức “Cô dâu do thái”. Sau khi ngắm xong, van Gogh thố lộ : “Tôi thà giảm thọ 10 năm để được ngồi 2 tuần trước bức danh họa này, chỉ cần ăn bánh mì khô thôi cũng được. Thực ra, thứ mà tôi đói nhất không phải là thức ăn mà là hội họa. Mỗi khi tôi có tiền tôi liền đi săn tìm các mẫu vẽ cho tới khi nhẵn túi”.
Không phải chỉ cơ thể mới biết đói, mà con tim và tinh thần cũng biết. Cơm bánh không thể nào thỏa mãn cơn đói của con tim và tinh thần. Nuôi sống một người không giống như nuôi một con vật, chỉ cần cho nó ăn no. Chúng ta là người, chúng ta không chỉ có một thứ đói mà có hàng trăm thứ đói. Ngoài cơm bánh ra chúng ta còn đói rất nhiều thứ :
– đói được người ta tôn trọng : không ai muốn bị coi là đồ bỏ ; ai cũng muốn có người khác trọng mình, ít ra là một người.
– đói được người ta chấp nhận : nếu không ai chấp nhận chúng ta thì chúng ta không sao thể hiện chính mình được.
– đói những tương giao : không được tương giao với người khác thì chúng ta sẽ trở nên cô độc buồn sầu.
– đói nguồn động viên : không có gì động viên chúng ta thì chúng ta giống như những cánh buồm không gió.
– đói niềm tin : ai cũng cần đức tin hay ít ra là một số điều mình tin tưởng. Nếu không thì dòng đời chúng ta bị trôi dạt như những con thuyền không định hướng.
– đói hy vọng : bao lâu con người còn hy vọng thì còn có thể làm được nhiều việc ; một khi đã mất hy vọng thì mất tất cả.
– đói tình yêu : nếu cơn đói này được thỏa mãn thì hầu hết những cơn đói khác sẽ biến mất.
Và còn một thứ đói nữa, sâu xa nhất, hàm chứa trong mọi cơn đói khác, kể cả đói tình yêu. Đó là đói sự sống đời đời, hay nói cách khác, đói Thiên Chúa. Cảm nghiệm đói Thiên Chúa không phải là một bất hạnh nhưng là một phúc lành, vì nó giúp cho đời ta khỏi bị tù hãm trì trệ, nhưng đưa thuyền đời chúng ta hướng tới đại dương mênh mông. (Viết theo Flor McCarthy)
* 2. Cậy trông nơi Chúa
Khi ban Manna cho dân do thái, Thiên Chúa nói với Môsê rằng : “Ta sẽ cho lương thực từ trời rơi xuống cho các ngươi. Mỗi ngày, dân hãy ra khỏi trại để nhặt lấy phần lương thực cho ngày đó. Băng cách này, Ta muốn thử xem họ có tuân theo lề luật của Ta hay không”. Những lời này của Thiên Chúa có nghĩa gì ?
Nếu bạn hỏi một tín hữu là có tin rằng Thiên Chúa là Chúa duy nhất của vũ trụ không, thì người đó sẽ trả lời ngay không chút ngần ngại : “Dĩ nhiên là tôi tin thế”. Nhưng nếu bạn lại hỏi người đó có tin rằng Thiên Chúa ấy thấy mọi nhu cầu đời sống của họ và sẽ lo cho họ có mọi thứ họ cần không, thì họ sẽ chần chừ không dám trả lời xác quyết.
Đức tin và đức Cậy liên hệ chặt chẽ với nhau. Người nào tin vững vàng thì cũng trông cậy hoàn toàn. Còn ai không trông cậy trọn vẹn vào Chúa thì đức tin của họ cũng bị lung lay.
Kinh nghiệm trong sa mạc là cơ hội giúp dân do thái trông cậy vào Chúa. Bởi thế Chúa bảo họ chỉ lượm manna cho đủ ăn một ngày thôi, ngày mai để Thiên Chúa lo. Đức Giêsu cũng dạy như thế : “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Ngày nay, những lời dạy như thế xem ra xa lạ và thậm chí điên khùng nữa, bởi vì nhiều người rất phòng xa bằng cách để dành tiền, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm v.v. Họ trông cậy vào những thứ đó hơn là vào Chúa.
Xét cho cùng thì cái nâng đỡ dân do thái trong sa mạc không phải là manna mà là đức tin và đức cậy. Đối với chúng ta cũng thế, lương thực nuôi chúng ta chính là đức tin và đức cậy. Nhất là khi chúng ta gặp khó khăn thử thách, khi đó không phải chúng ta giữ đức tin và đức cậy, mà ngược lại hai nhân đức ấy gìn giữ chúng ta.
Dù cho cuộc sống có khó khăn thế nào đi nữa thì đối với người trông cậy vào Chúa và biết sống từng ngày từng giờ trong niềm trông cậy ấy, manna vẫn rơi xuống mỗi ngày. (Viết theo Flor McCarthy)
3.                 Cái giá của tự do
Hình như có một quy luật của cuộc sống là trong lúc khó khăn thì nghị lực của con người lên tới đỉnh cao nhất, nhưng khi khó khăn qua rồi thì nghị lực lại tuột xuống mức thấp nhất. Primo Levi, một người sống sót sau nhiều năm ở trong trại giam Auschwitz của Đức quốc Xã, đã viết : “Trong đa số trường hợp, giờ được giải phóng chẳng vui mà cũng chẳng mừng gì cả. Nhiều vụ tự tử đã xảy ra ngay sau ngày giải phóng. Ngược lại, những cuộc tự tử rất hiếm trong thời gian bị giam cầm”. Elie Wiesel, một cựu từ nhân Auschwitz khác cũng nói : “Trong cơn thử thách, tôi sống trong sự mong chờ, mong chờ một phép lạ hoặc mong chờ cái chết. Nhưng khi cơn ác mộng đã qua thì tôi bị rơi vào cơn khủng hoảng rất đau đớn và dằn vật, tôi đặt lại vấn đề về tất cả những niềm tin của tôi”. Còn Oscar Wilde thì viết : “Sự tàn bạo của ngục tù chỉ bắt đầu khi bạn ra khỏi đó”.
Tại sao vậy ? Vì trong lúc khó khăn, ước mơ được giải thoát đã giúp cho người ta có nghị lực để sống. Nhưng khi được tự do rồi, thực tế không phải luôn luôn đúng như họ đã ước mơ.
Dân do thái cũng trải qua kinh nghiệm ấy. Ngày họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập, họ đã vui mừng ra đi và tràn đầy hy vọng một tương lai tươi sáng. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, họ lãi đòi trở lại Ai cập, họ muốn làm nô lệ nữa. Lý do là những khó khăn họ gặp phải trong cuộc xuất hành. Sự tự do đã không biến hết những ước mơ của họ thành sự thật. Có lẽ họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng để sống cái ơn ban tự do ấy. Phải chờ thế hệ sau mới sẵn sàng qua sông Giođan và vào Đất hứa. Bởi vậy có người đã nói : “Dân do thái chỉ cần một ngày để ra khỏi Ai cập, nhưng phải cần đến 40 năm để hình ảnh Ai cập thoát khỏi đầu óc của họ”.
Tự do có những thách thức của nó. Tự do nghĩa là phải tự gánh lấy trách nhiệm của đời mình. Điều này thật không dễ đối với những ai đã quen để cho người khác quyết định thay mình, còn mình chỉ biết vâng lời thôi. Tự do còn đòi phải có kỷ luật bản thân. Tuân theo kỹ luật do người khác đặt ra cho mình thì dễ hơn là làm theo kỹ luật do chính mình tự đặt ra. Biến một người tự do thành người nô lệ thì dễ hơn giúp một người nô lệ thành người tự do.
Dân do thái nhìn lại quá khứ và nghĩ : “Sống ở Ai cập còn tốt hơn, vì ít ra mình cũng có đủ ăn”. Thế là họ cằn nhằn với Môsê. Lẽ ra, họ phải mang theo họ những đức tính đã từng giúp họ chịu đựng những khó khăn thời làm nô lệ. Nhưng lúc được tư do họ đã không xử dụng nghị lực như khi còn làm nô lệ.
May thay Thiên Chúa đã ban manna cho dân do thái để nâng đỡ cuộc sống của họ trong cuộc hành trình về Đất Hứa.
Qua Bí Tích Rửa tội, chúng ta cũng được giải phóng : giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi và giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào những bảo đảm vật chất (xem bài đọc II). Tuy nhiên cuộc hành trình của chúng ta cũng rất gian truân. Nhiều khi chúng ta muốn trở lại kiếp sống nô lệ. Chúng ta thà làm nô lệ cho thế gian và tội lỗi hơn là làm những người con tự do của Thiên Chúa. May thay Đức Giêsu đã nâng đỡ cuộc hành trình của chúng ta. Đặc biệt Ngài đã ban manna mới cho chúng ta là bí tích Thánh Thể. Không phải chúng ta gìn giữ đức tin, mà chính đức tin gìn giữ chúng ta.
Dù cho cuộc sống có khó khăn thế nào đi nữa thì đối với người trông cậy vào Chúa và biết sống từng ngày từng giờ trong niềm trông cậy ấy, manna vẫn rơi xuống mỗi ngày. (Viết theo Flor McCarthy)

4.                 Theo Chúa, nhưng vì động lực nào ?
Chúng ta nên đặt đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của nó. Đó là thời kỳ Đức Giêsu đang được quần chúng ngưỡng mộ nhất : Ngài đi đâu dân chúng cũng đông đảo ùa theo đến đó, thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua khiến Ngài phải trốn đi. Nhưng dù Ngài trốn đi họ cũng vẫn tìm ra được chỗ Ngài và sáng hôm sau lại ùa tới vây quanh Ngài.
Nhưng tại sao quần chúng ùa theo Ngài như thế ? Thưa vì lợi lộc vật chất :
. Chúa đã chữa nhiều bệnh tật : mù, què, câm, điếc, cả kẻ chết Ngài cũng làm cho sống lại được. Thậm chí có những người chỉ cần chạm tới gấu áo của Ngài hay chỉ cần chờ Ngài đi qua cho cái bóng của Ngài cho phủ lên họ thì cũng được khỏi bệnh.
. Ngài lại vừa mới làm cho họ có bánh ăn : hàng mấy ngàn người đi theo Ngài, Ngài chỉ dùng có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà biến ra cho đủ lương thực cho họ ăn no nê thừa thải. Chắc là họ nhủ thầm : Giá mà có ông này bên cạnh ta mãi thì ta chẳng bao giờ sợ đói khát, cũng chẳng cần phải làm lụng cực nhọc mà vẫn luôn no đủ. Chính vì có ý nghĩ như thế, cho nên họ mới định tôn Ngài lên làm vua. Đức Giêsu biết ý họ nên trốn đi. Nhưng sáng hôm sau họ cũng tìm được chỗ và lại đến vây quanh Ngài.
. Khi đó Đức Giêsu nói thẳng : “Các ngươi tìm ta là vì đã được ăn no”. Rồi Đức Giêsu muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài nói “Các người đừng theo Ta vì của ăn vật chất, nhưng hãy tìm của ăn tinh thần không hư nát”.
. Nghe lời đó, dân chúng chán nản, bỏ Ngài mà đi gần hết. Chỉ còn lại 12 tông đồ. Đức Giêsu hỏi các tông đồ “Chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không ?” Phêrô lên tiếng đáp thay anh em “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời”.
Con người ta là thế đấy : Hễ thấy có lợi lộc vật chất thì chạy theo, khi không có lợi thì bỏ đi. Ngay trong việc theo đạo cũng vậy. Trong một quyển truyện mang tựa đề “Chìa khóa Nước Trời”, nhà văn A.J.Cronin kể lại có một Linh mục kia đi truyền giáo tại một vùng quê nước Trung Hoa, ông truyền giáo bằng cách phân phát đồ viện trợ nào tiền nào gạo nào thuốc men, những người giúp việc tông đồ cũng được trả lương tháng rộng rãi. Kết quả là chỉ trong vòng có một năm đã có tới 5000 người theo đạo. Nhưng sau khi ông về hưu thì hầu như tất cả đều bỏ đạo, thậm chí Nhà thờ cũng bị những giáo dân bỏ đạo ấy tháo gở đập phá về sửa nhà riêng. Vị Linh mục thứ hai được gởi đến, tưởng mình sẽ gặp được một họ đạo đông đúc và sốt sắng theo như bản báo cáo, nhưng đến nơi ông thấy chẳng có gì cả : Không một giáo dân, không còn nhà thờ. Cuối cùng có hai người đến tự xưng là các giảng viên giáo lý của Linh mục trước, họ đòi lương 15.000 đồng một tháng. Linh mục mới này quá nghèo không có tiền trả nên cả hai giáo dân đó cũng bỏ đi hết. Cha ấy phải khởi sự tất cả lại từ con số không.
Truyền đạo bằng mồi vật chất là xây nhà trên cát – Theo đạo chỉ vì lợi lộc vật chất cũng là xây nhà trên cát !
Suy lại phần mình, chúng ta cũng theo đạo, nhưng thử hỏi vì động lực nào ? Chắc hẳn không ai trong chúng ta quá tệ theo đạo chỉ vì những lợi lộc vật chất đâu. Tuy nhiên trong cuộc đời sống đạo của chúng ta, có lẽ nhiều lần chúng ta bị yếu tố vật chất tác động mạnh mẻ : nghĩa là khi sung túc thì sốt sắng, còn khi túng thiếu thì nguội lạnh. Biết bao lần khi lâm cảnh túng thiếu, chúng ta không muốn dự lễ, không muốn cần nguyện nữa, và thậm chí không muốn tin có Chúa nữa.
Đó là một thứ cám dỗ, nói mạnh hơn, đó là một mưu mô thâm độc của ma quỷ : Ma quỷ luôn muốn làm hại ta. Khi chúng ta túng thiếu, kể như chúng ta không còn một chỗ dựa nào hết, chỉ còn mỗi một nơi nương tựa là Thiên Chúa. Ma quỷ cám dỗ ta bỏ Chúa luôn để ta hoàn toàn không còn một chỗ dựa nào hết. Nghèo nàn hoàn toàn : Nghèo cả vật chất và nghèo cả tinh thần. Đó thật là một mưu mô thâm độc, những ai xưa nay chỉ theo đạo vì lợi lộc vật chất chắc chắn sẽ mắc bẫy của nó.
Chính vì thế, Đức Giêsu khuyến cáo chúng ta “Các ngươi đừng chỉ tìm những của ăn hay hư nát, nhưng hãy tìm những của ăn tinh thần không bao giờ hư nát”.
Những của ăn tinh thần ấy là gì ?
. Là một cuộc sống lương thiện : Người ta thì bần cùng sinh đạo tặc, nhưng kẻ theo Chúa thật thì dù nghèo cũng vẫn thanh cao, công bình.
. Là một cuộc sống bác ái : Người ta thì có phú quý mới sinh lễ nghĩa, còn nghèo túng thì lục đục với nhau : Nhưng kẻ theo Chúa thật dù nghèo túng cũng biết thương yêu chia sốt cho nhau.
. Là một quan niệm sống đầy đủ : không chỉ lo cho thân xác mà còn lo cho phần hồn nữa.
Trở lại với câu chuyện truyền giáo của Linh mục kia. Vì Cha nghèo, không có tiền nhiều để làm mồi câu những người tòng giáo – mà dù có Cha cũng không muốn truyền giáo theo kiểu đó – Cha chỉ đem tinh thần bác ái của Tin Mừng ra để sống với người khác : Cha thăm viếng những người bệnh, Cha cư xử với những người khác tín ngưỡng như những người bạn, Cha nuôi những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Một hôm đứa con trai duy nhất của một ông điền chủ bị bệnh nặng. Nhờ có hiểu biết chút ít về Tây Y, Cha đã cứu cho nó sống. Ông điền chủ chiều hôm ấy tìm đem cha về xin theo đạo. Nhưng Cha thẳng thắn từ chối vì thừa hiểu rằng ông ta chưa có niềm tin. Cha chỉ giữ liên hệ láng giềng tốt với ông ta thôi. Phần ông ta càng ngày càng có cảm tình với Cha. Sau 30 năm truyền giáo như thế, vị Linh mục nghèo tiền nhưng giàu lòng bác ái ấy đã có được số giáo dân khoảng 500 người, nhưng đều là những giáo dân có niềm tin vững chắc. Một ngày trước khi Cha giả từ họ đạo để về hưu, Cha nhận được một niềm vui to lớn : ông nhà giàu kia lại xin theo đạo, và lần này vì một lý do rất vững chắc, ông nói : Thưa Cha, cách đây 30 năm tôi xin theo đạo để trả ơn Cha đã cứu sống con trai tôi, khi đó Cha không nhận vì thấy tôi chưa có niềm tin. Hôm nay, 30 năm sau tôi lại xin theo đạo, lần này không phải để trả ơn Cha, mà vì tôi thấy tôi cần có đạo. Cuộc sống của Cha trong 30 năm đã giúp tôi thấy đạo rất là đẹp, rất là tốt và rất là cần cho con người. Vậy lần này tôi mong Cha đừng từ chối nữa. Dĩ nhiên là Vị Linh mục già ấy nhận lời. Buổi lễ tiễn biệt được trở thành lễ Rửa tội thật là cảm động.
Xin Chúa giúp chúng ta theo đạo vì lý do vững chắc như ông ấy, và biết sống đạo như vị Linh mục ấy. Chúng ta hãy ghi nhớ Lời Chúa “Các người đừng chỉ tìm của ăn vật chất hay hư nát, nhưng hãy tìm của ăn tinh thần không hư nát bao giờ” ; cũng đừng bao giờ vì khó khăn vật chất mà bỏ Chúa : “Bỏ Ngài con biết theo ai vì Ngài có Lời ban sự sống”.
* 5. Bánh Ban Sự Sống
Ngày 20 tháng 10 năm 1995, hơn 200 triệu người trên 100 quốc gia đã theo dõi cuộc phỏng vấn đặc biệt công nương Diana – vợ hoàng tử Charles Anh quốc do hãng thông tấn BBC thực hiện.
Diana nhìn nhận đã ngoại tình với sĩ quan kỵ binh James Hewitt. Lý do dẫn đến việc bất trung ấy là vì hoàng tử Charles đã dan díu với nàng Camilla Packer Bowles. Diana nói : “Tôi biết điều đó nhưng không làm gì được. Có tới ba người trong hôn nhân của chúng tôi. Và điều đó khiến nó trở nên chật chội”.
*
Hôm nay dân chúng lên thuyền nỗ lực tìm kiếm Đức Giêsu, chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Miếng ăn là nỗi ưu tư của những người nghèo, nên Đức Giêsu không trách cứ họ. Người chỉ hướng dẫn họ đến với Bánh Trường Sinh : nuôi dưỡng tâm hồn, và đem lại sự sống đời đời.
Con người thời nay không khác gì dân chúng ngày xưa. Người nghèo thì bị cuốn hút vào cơm áo gạo tiền, để thỏa mãn nhu cầu cấp bách của thể xác. Người giàu lại chạy theo xa hoa vật chất, để hưởng thụ nhu cầu cao cấp của con người. Để rồi kẻ giàu người nghèo đều có chung một nguy cơ : là quên đi cái đói khát tâm linh.
Thật ra, càng hưởng thụ con người càng khao khát hơn, thỏa mãn đấy rồi lại khao khát. Mọi thứ của cải trần gian, con người không cho làm đủ. Dù có tiền bạc, thế lực, chức quyền và danh vọng nhưng hoàng tử Charles và công nương Diana vẫn là những con người bất hạnh. Họ vẫn còn đói khát một của ăn tâm hồn. Tiên tri Amos đã nói về niềm khao khát ấy như sau : “Có lúc cả xứ bị đói, không phải đói cơm bánh, không phải là khát nước uống là mà đói khát Lời Chúa” (Am.8,11).
Thấu hiểu cơn đói khát ấy, Đức Giêsu đã không cho Manna từ trời rơi xuống, để mỗi ngày người ta phải lượm mà ăn. Nhưng Người đã cho họ Bánh Ban Sự Sống, để những ai ăn Bánh thì được sống đời đời : “Chính Ta là Bánh ban Sự Sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga.6,35).
Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 47 có viết : “Khi lãnh nhận Đức Kitô, tâm hồn được tràn đầy ân sủng, đồng thời cũng được bảo đảm cho vinh quang đời đời”.
Quả thật, nếu người thứ ba trong cuộc hôn nhân của Diana và Charles không phải là Camilla mà chính là Đức Kitô, thì gia đình ấy sẽ no thỏa hạnh phúc biết bao. Cha Mark Link viết : “Trái tim chúng ta có một khoảng trống mà chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy”.
Đức Giêsu chính là Tấm Bánh cho tâm hồn đói nghèo, là cánh tay cho người yếu đuối, là bạn đồng hành cho kẻ cô đơn, là ánh lửa hy vọng cho tất cả mọi người.
*
Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa mới đem lại cho chúng con sự no thỏa tâm hồn và niềm vui đích thực.
Xin cho chúng con luôn biết khao khát Chúa là Bánh ban Sự Sống, là nguồn hạnh phúc đích thực của đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
V.               Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, dân Do thái xưa đã tìm đến Đức Giêsu vì được ăn no. Đức Giêsu bảo họ : “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh”. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :
1. Chúng ta cầu nguyện cho Hội thánh đang chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật và chậm tiến / cùng giúp cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là nguồn gốc gây ra mọi đau khổ.
2. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà cầm quyền đừng chỉ chuyên tâm đến vấn đề vật chất và kinh tế / mà bỏ quên vấn đề nhân phẩm, giáo dục, và tự do của mỗi người.
3. Chúng ta cầu nguyện cho những người đang chạy theo tiền bạc và ham mê hưởng thụ vật chất / biết nhận ra rằng con người còn có tâm hồn và tình yêu / để hướng tới những gì là cao thượng và linh thiêng hơn.
4. Chúng ta cầu nguyện cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / đừng vì âu lo sinh sống vật chất mà bỏ quên bổn phận là con của Chúa, và là anh em của mọi người.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa hằng thương lo cho mọi người chúng con cả hồn xác, xin cho chúng con biết nghe lời Chúa, để ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh. Chúa là đấng hằng sống hiển trị muôn đời.
VI.           Trong Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Khi chúng ta cầu xin cho có “lương thực hằng ngày”, một mặt chúng ta xin Chúa quan tâm đến những nhu cầu đời sống chúng ta, nhưng mặt khác chúng ta cũng hãy xin cho mình biết phó thác cuộc sống trong tay Chúa quan phòng.
– Trước Rước lễ : Mình Thánh Chúa mà chúng ta sắp rước còn quý giá gấp bội so với những chiếc bánh và những con cá mà dân do thái ngày xưa được ăn. Chúng ta hãy rước lễ trong tâm tình yêu mến và tạ ơn sốt sắng.
VII. Giải tán
Chúa đã nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh lễ này và hằng nuôi dưỡng chúng ta mãi mãi. Chúng ta cũng hãy rộng rãi chia xẻ với anh chị em chúng ta.
Lm. CaroloHỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật XVIII Thường Niên (B)
Chủ Nhật 5 Tháng Tám, 2018

Chúa Giêsu Bánh Hằng Sống
Ga 6:24-35

1.     Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.                 Bài Đọc

1.     a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài giảng về Bánh Hằng Sống không phải là một văn bản để được đem ra bàn thảo và mổ xẻ, mà là nó phải được nghiền ngẫm và suy niệm.  Đây là lý do tại sao, ngay cả khi nó không được hiểu thấu đáo, chúng ta cũng không nên lo lắng.  Văn bản về Bánh Hằng Sống này đòi hỏi cả đời để suy niệm và đào sâu về nó.  Một văn bản như thế, người ta phải đọc, suy niệm, cầu nguyện, suy nghĩ về nó, đọc lại lần nữa, lặp lại và suy tư về nó, như một người nhâm nhi miếng gì ngọt ngào trong miệng.  Chúng ta nhai đi nhai lại cho đến khi nó nhừ nhuyễn tan hết.  Nếu một người đọc sách Tin Mừng Thứ Tư một cách hời hợt bên ngoài, có thể nghĩ rằng Gioan luôn lặp lại cùng một điều.  Nếu đọc nó một cách chăm chú hơn, người ta sẽ nhận thức được rằng đó không phải là vấn đề của việc lặp đi lặp lại.  Tác giả của quyển Tin Mừng Thứ Tư có cách riêng của mình về lặp đi lặp lại cùng một chủ đề, nhưng luôn ở một trình độ cao hơn và sâu sắc hơn.  Nó có vẻ giống như là một cầu thang hình trôn ốc. Bằng cách xoay vòng, người ta đạt đến cùng một chỗ, nhưng luôn luôn ở một mức độ cao hơn hay một trình độ sâu sắc hơn.
1.     b) Phần phân đoạn chương sáu:
Thật là có ích khi chú ý phần phân đoạn của chương này để hiểu rõ hơn ý nghĩa của nó:
Ga 6:1-15:  Việc bánh hóa nhiều
Ga 6: 16-21:  Đi ngang qua biển hồ, và Chúa Giêsu đi trên mặt nước
Ga 6:22-71:  Những cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với đám đông dân chúng, với những người Do Thái và với các môn đệ
Cuộc đối thoại thứ nhất:  6:22-27 với đám đông dân chúng:  người ta đi tìm Chúa Giêsu và thấy Người ở Cápharnaum.
Cuộc đối thoại thứ hai:  6:28-34 với đám đông dân chúng:  đức tin là công việc của Thiên Chúa và bánh bởi trời trong sa mạc.
Cuộc đối thoại thứ ba:  6:35-40 với dân chúng:  bánh đích thực là làm theo ý muốn Thiên Chúa.
Cuộc đối thoại thứ tư:  6:41-51 với những người Do Thái:  lời phàn nàn của người Do Thái.
Cuộc đối thoại thứ năm:  6:52-58 với những người Do Thái:  Chúa Giêsu và người Do Thái.
Cuộc đối thoại thứ sáu:  6:59-66 với các môn đệ:  phản ứng của các môn đệ.
Cuộc đối thoại thứ bảy:  6:67-71 với các môn đệ:  lời tuyên xưng lòng tin của Phêrô.

1.     c) Phúc Âm: Ga 6:24-35
Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”
Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.
Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.
Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môisen đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.
Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
3.                 Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.                 Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

1.     a) Khi đám đông đói, họ được ăn bánh và họ đi kiếm thêm bánh nữa. Họ đi tìm phép lạ và không tìm kiếm dấu chỉ của Thiên Chúa, Đấng được ẩn dấu bên trong đó.  Tôi đi tìm kiếm gì thêm trong cuộc sống của tôi:  phép lạ hay dấu chỉ?
2.     b) Cái đói vì bánh và đói vì Thiên Chúa. Cơn đói nào của hai điều này chiếm lĩnh trong tôi?
3.     c) Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh ban sự sống”.  Người cất đi hết mọi cơn đói và khát.  Tôi có những kinh nghiệm nào về điều này trong đời sống của tôi?
4.     d) Hãy giữ im lặng trong một lúc và tự hỏi: “Tín thác vào Đức Giêsu:  Điều này có ý nghĩa cụ thể gì trong đời sống hằng ngày của tôi?”


5.                 Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

1.     a) Bối cảnh:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt đầu bài Thuyết Giảng về Bánh Trường Sinh (Ga 6:22-71).  Sau sự kiện bánh hóa ra nhiều, đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu.  Họ đã trông thấy phép lạ; họ đã ăn, đã no nê và muốn có thêm nữa!  Họ không quan tâm đến việc tìm kiếm dấu chỉ hay ơn gọi của Thiên Chúa được chất chứa trong tất cả những điều này.  Khi đám đông tìm thấy Chúa Giêsu trong Hội Đường tại Cápharnaum, Người đã có một cuộc trò chuyện dài với họ, được gọi là bài Thuyết Giảng về Bánh Trường Sinh.  Đây không hẳn là một bài Thuyết Giảng, nhưng nó là một loạt của bảy cuộc đối thoại ngắn giải thích ý nghĩa của việc bánh hóa ra nhiều, dấu hiệu của cuộc Xuất Hành mới và của bữa Tiệc Ly Thánh Thể.
Cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với đám đông, với những người Do Thái và với các môn đệ là một cuộc đối thoại tốt đẹp, nhưng cũng là một cuộc đối thoại đòi hỏi khắt khe.  Chúa Giêsu cố gắng mở mắt người ta trong cách mà họ sẽ tìm hiểu để phân tách các sự kiện và khám phá trong đó bước ngoặt mà đời sống nên trải qua.  Bởi vì chỉ chạy theo đàng sau những phép lạ kỳ diệu trong đó bánh hóa ra nhiều để nuôi cơ thể thì chưa đủ.  Người ta sống không riêng bởi bánh.  Việc tranh đấu cho cuộc sống mà không có sự thần bí thì không đến được cội rễ.  Đám đông dân chúng, tuy khi nói chuyện với Chúa Giêsu, trong lòng vẫn còn luôn khó chịu hay bực mình bởi những lời nói của Người.  Nhưng Chúa Giêsu đã không bỏ cuộc, hoặc thay đổi những sự đốc thúc.  Bài thuyết giảng giống như một cái phễu.  Trong tiến trình khi mà cuộc trò chuyện càng tiến triển, thì càng ít người ở lại với Chúa Giêsu.  Cuối cùng chỉ có mười hai người vẫn còn ở đó, nhưng Đức Giêsu cũng không thể tin tưởng họ!  Ngày nay, điều tương tự cũng xảy ra.  Khi bản chất Tin Mừng đòi hỏi sự dấn thân, có nhiều người đã rút lui, đã bỏ đi.

1.     b) Lời bình luận về văn bản:

Ga 6:24-27:  Người ta đi tìm Chúa Giêsu vì họ muốn có thêm bánh.
Người ta đi theo Chúa Giêsu.  Họ thấy Người đã không đi xuống thuyền với các môn đệ, và bởi vì điều này, họ không hiểu được Người đã làm gì để đến được Cápharnaum.  Thậm chí họ cũng không hiểu phép lạ bánh hóa nhiều.  Người ta nhìn thấy những gì đã xảy ra, nhưng họ không thể hiểu được tất cả những điều này như là dấu chỉ của một việc gì đó sâu sắc hơn.  Họ chỉ dừng lại ở bề ngoài; trong việc được no nê với thức ăn.  Họ đi tìm của ăn và sự sống, nhưng chỉ là cho thể xác.  Đối với đám đông, Chúa Giêsu thực hiện những gì ông Môisen đã làm trong quá khứ: nuôi sống tất cả mọi người trong sa mạc. Đối với Chúa Giêsu, họ chỉ muốn quá khứ được tái diễn.  Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi mọi người tiến tới thêm một bước nữa.  Ngoài chuyện làm việc để có bánh hay hư mất, họ còn nên lo tìm kiếm thức ăn không thể hư nát.  Thức ăn mới này sẽ được ban cho bởi Con Một Thiên Chúa, được cho biết bởi chính Thiên Chúa.  Người mang lại sự sống muôn đời.  Người mở ra cho chúng ta một chân trời mới về ý nghĩa của sự sống và về Thiên Chúa.

Ga 6:28-29:  “Đâu là công việc của Thiên Chúa?”
Người ta thắc mắc:  chúng ta phải làm gì để thực hiện công việc của Thiên Chúa?  Chúa Giêsu đáp lại rằng công việc tuyệt vời của Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải “tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến”.  Đó là tin vào Chúa Giêsu!

Ga 6:30-33:  “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì?”
Người ta đã hỏi:  Chúng tôi phải làm gì để thực hiện công việc của Thiên Chúa?  Chúa Giêsu đáp lại:  “Công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng mà Ngài đã sai đến”, đó là tin vào Chúa Giêsu.  Đây là lý do tại sao người ta lại có câu hỏi kế tiếp:  “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài?  Ngài làm được việc gì?”  Điều này có nghĩa là họ đã không hiểu được việc bánh hóa nhiều như là một dấu chỉ từ Thiên Chúa hợp thức hóa Đức Giêsu trước mặt mọi người, như là Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa!  Họ tiếp tục lý luận:  Trong quá khứ, cha ông chúng tôi đã ăn bánh manna mà ông Môisen đã ban cho họ!  Họ đã gọi đó là “bánh bởi Trời” (Kn 16:20), có nghĩa là, “bánh của Thiên Chúa”. Môisen tiếp tục là nhà lãnh đạo tuyệt vời mà người ta tin tưởng.  Nếu Chúa Giêsu muốn người ta tin vào Chúa, thì Người phải làm một dấu lạ tuyệt vời hơn của ông Môisen.  “Ngài làm được việc gì?”
Chúa Giêsu đáp lại rằng bánh được ban bởi ông Môisen không phải là bánh bởi trời thật.  Đến từ trên trời cao thì có, nhưng đó không phải là bánh bởi Thiên Chúa, bởi vì nó không bảo đảm sự sống cho bất kỳ một ai.  Tất cả họ đều đã chết trong sa mạc (Ga 6:49).  Bánh bởi trời thật, bánh bởi Thiên Chúa, là bánh chiến thắng cái chết và ban sự sống!  Đó là bánh từ Trời xuống và ban sự sống cho thế gian.  Đó chính là Chúa Giêsu!  Chúa Giêsu cố gắng giúp cho người ta tự giải thoát bản thân họ khỏi cách suy nghĩ về quá khứ.  Đối với Người, sự trung thành với quá khứ không có nghĩa là tự đóng khung trong những điều cổ xưa và không chấp nhận sự đổi mới.  Lòng trung thành với quá khứ có nghĩa là chấp nhận tính mới mẻ đem đến như hoa trái của hạt giống được trồng trong quá khứ.

Ga 6:34-35: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi!”  Chúa Giêsu đáp lại một cách rõ ràng: “Chính Ta là bánh ban sự sống!”  Ăn bánh bởi trời có cùng ý nghĩa như tin vào Đức Giêsu và chấp nhận đi theo con đường mà Người dạy chúng ta, đó là:  “Lương thực của Thầy là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người!” (Ga 4:34).  Đây là thức ăn đích thực nuôi dưỡng người ta, biến đổi đời sống và mang lại sức sống mới.

6.                 Cầu nguyện với Thánh Vịnh 111
Allêluia!  Tôi xin hết lòng cảm tạ CHÚA,
trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội.
Việc CHÚA làm quả thật lớn lao,
người mộ mến ra công tìm hiểu.
Sự nghiệp Chúa oai phong hiển hách,
đức công chính của Người tồn tại thiên thu.
Chúa đã truyền tưởng niệm những kỳ công của Người.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu.
Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn;
giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.
Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,
khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân.
Những công trình tay Chúa thực hiện
quả là chân thật và công minh.
Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn,
bền vững đến muôn đời muôn thuở,
căn cứ vào sự thật lẽ ngay.
Người đem lại cho dân ơn giải thoát,
thiết lập giao ước đến muôn đời.
Tôn danh Người thánh thiêng khả uý.
Kính sợ CHÚA là đầu mối khôn ngoan.
Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.
Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người.

7.                 Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét