Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Giáo Hội Công Giáo Úc trả lời các khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia Bảo Vệ Trẻ Em


Giáo Hội Công Giáo Úc trả lời các khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia Bảo Vệ Trẻ Em
Vũ Văn An
01/Sep/2018

Theo tin của tạp chí Crux (bản tin 31-08-2018), Giáo Hội Công Giáo Úc tuyên bố sẽ đồng ý làm theo 98 phần trăm các khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia Điều Tra Các Đáp Ứng Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, tuy nhiên, cương quyết bác bỏ lời kêu gọi của Ủy Ban nhằm bãi bỏ ấn tín tòa giải tội. 
Thực vậy, lời tuyên bố trên đã được đưa ra tại cuộc họp báo ở Sydney hôm thứ Sáu, 31 tháng Tám, trong đó, Đức Tổng Giám Mục Coleridge, đại diện Hội Đồng Giám Mục Úc (ACBC) và Nữ Tu Cavanagh, đại diện Các Tu Sĩ Công Giáo Úc (CRA) đã cho công bố phúc trình dài 57 trang gồm các câu trả lời cho các khuyến cáo của Ủy Ban.

Phúc trình cho thấy Giáo Hội Úc sẵn sàng nghiên cứu việc thay đổi luật độc thân của linh mục cũng như tu chính giáo luật để bỏ điều khoản tiêu hủy tài liệu sau khi một giáo sĩ qua đời 10 năm hoặc sau 10 năm kết án.

Phúc trình nói rằng việc làm của Ủy Ban phục vụ cả Giáo Hội lẫn đất nước và các câu trả lời của mình là phù hợp với lá thư gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi toàn thể dân Chúa, trong đó, ngài nhìn nhận các thiếu sót của Giáo Hội trong việc bảo vệ trẻ em cũng như việc che đậy lạm dụng và đoan hứa sẽ cải tổ khắp thế giới.

Phúc trình viết: “Câu trả lời của chúng tôi ở Úc tạo hình dáng cho hành động cần có để giải quyết sự thiếu sót đó và việc cần có sự thay đổi văn hóa”.

Trong số 189 khuyến cáo của Ủy Ban, hết 80 khuyến cáo được ngỏ cùng Giáo Hội Công Giáo Úc. Phúc trình trả lời các khuyến cáo này bằng các thuật ngữ “chấp thuận”, “không chấp thuận” hoặc “ghi nhận, Hội Đồng Giám Mục Úc đã thông tri cho Toà Thánh”

Phúc trình thuật lại chi tiết từng khuyến cáo, mô tả các đề nghị và hành động của Hội Đồng Giám Mục Úc.

Về khuyến cáo bãi bỏ ấn tín tòa giải tội, phúc trình gọi khuyến cáo này là “thù nghịch đối với tự do tôn giáo”, không những đối với Giáo Hội Công Giáo mà đối với các tôn giáo khác nữa.

Tuy nhiên, Giáo Hội đoan hứa tòa giải tội sẽ là nơi an toàn cho trẻ em và Giáo Họi sẽ huấn luyện kỹ hơn các vị giải tội cũng như các chủng sinh về thực hành này.

Phúc trình nhận định rằng “Trẻ em sẽ ít được an toàn chứ không được an toàn hơn nếu việc bắt buộc phải phúc trình các vụ giải tội trở thành luật lệ. Trường hợp hiếm hoi trong đó một kẻ phạm tội hay nạn nhân có thể nêu việc này trong Lúc Xưng Tội sẽ ít có xác suất diễn ra nếu sự tin tưởng vào ấn tín bí tích bị phá hoại; và do đó, ta sẽ mất cơ hội khuyến khích kẻ phạm tội tự đi tường trình cho các nhà cầm quyền dân sự hay các nạn nhân tìm sự an toàn”.

Còn về việc độc thân của linh mục, Giáo Hội thoả thuận, với sự tham khảo với Tòa Thánh, sẽ khảo sát việc luật buộc phải độc thân phù hợp với Giáo Luật và các cố vấn thần học.

Tuy nhiên, phúc trình nhận định rằng “Ủy Ban Hoàng Gia không tìm được một nối kết có tính nguyên cớ nào giữa luật độc thân và việc lạm dụng tình dục trẻ em” dù phúc trình viết thêm rằng “việc độc thân nhiệm ý là một thực hành đã có từ lâu và rất tích cực của Giáo Hội cả ở Đông Phương lẫn ở Tây Phương, nhất là đối với các giám mục và đời sống tu trì”.

Phúc trình viết tiếp: “việc đào tạo khởi đầu và tiếp diễn không thỏa đáng các linh mục và tu sĩ để sống độc thân có thể đã góp phần vào nguy cơ gia tăng lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng không phải chính việc độc thân như một bậc sống xét trong nó và từ chính nó”.

Dưới đây, xin trích nguyên văn các câu trả lời liên quan đến hai khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia về luật độc thân linh mục và ấn tín tòa giải tội: 

1.Khuyến cáo 16.18: Hội Đồng Giám Mục Úc nên yêu cầu Tòa Thánh xem xét việc đưa ra luật độc thân nhiệm ý cho các giáo sĩ giáo phận.

Trả lời khuyến cáo: Ghi nhận; Hội Đồng Giám Mục Úc đã thông tri cho Tòa Thánh.

Ý kiến của Hội Đồng Chân Lý Công Lý và Hàn Gắn (1): Trong phần dẫn nhập, Hội Đồng thảo luận ý niệm tổng quát của việc Hội Đồng Giám Mục Úc tiếp cận Tòa Thánh về các thay đổi giáo luật và các sắp xếp hiện có giữa hai bộ phận đối với việc truyền đạt các vấn đề liên quan đến Ủy Ban Hoàng Gia.

Vấn đề này nên được trình bầy để nhóm làm việc của Tòa Thánh lưu ý, nhất là yêu cầu tổ chức một cuộc nghiên cứu về tác động của luật buộc độc thân đối với tác phong những người phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em và đối với ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo sĩ trị trong đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng bởi Giáo Hội (Vol. 2, p. 220).

Hành động: Hội Đồng Giám Mục Úc đang tìm kiếm ý kiến chuyên môn về thần học và giáo luật và đang tham khảo với Tòa Thánh. Hội Đồng Giám Mục Úc nhận định rằng Ủy Ban Hoàng Gia không tìm được nối kết có tính nguyên cớ nào giữa việc độc thân và việc lạm dụng tình dục trẻ em; Hội đồng cũng nhận định rằng độc thân nhiệm ý là một thực hành đã có từ lâu đời và rất tích cực của Giáo Hội ở cả Đông Phương lẫn Tây Phương, nhất là đối với các giám mục và đời sống tu trì; và việc đào tạo khởi đầu và tiếp diễn không thỏa đáng các linh mục và tu sĩ để sống độc thân có thể đã góp phần vào nguy cơ gia tăng lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng không phải chính việc độc thân như một bậc sống xét trong nó và từ chính nó.

2.Khuyến cáo 7.4: Các luật lệ liên quan đến việc buộc phải tường trình cho các nhà chức trách bảo vệ trẻ em không nên miễn chước các người trong các thừa tác vụ tôn giáo khỏi buộc phải tường trình việc mình biết các nghi ngờ được hình thành, trọn vẹn hay từng phần, dựa vào các thông tin tiết lộ trong hay liên quan với việc xưng thú tội lỗi tôn giáo.

Trả lời khuyến cáo: Không chấp thuận.

Ý kiến của Hội Đồng Chân Lý Công Lý và Hàn Gắn:

Ấn tín 

Nhóm Cố Vấn Thi Hành nên ủy nhiệm một cuộc tìm tòi, có thể cùng với Hội Giáo Luật của Úc và Tân Tây Lan, liên quan đến:

a) Nền tảng thần học và các thực hành liên quan đến việc ban bí tích, đặc biệt lưu ý đến ấn tín tòa giải tội và phạm vi có thể làm theo nghĩa vụ phải tường trình và cùng với tìm tòi này, là nền thần học về trẻ em.

b) Các cải thiện trong việc đào tạo và huấn luyện các giáo sĩ về các vấn đề này và các chương trình giáo dục tín hữu về bí tích.

c) Các cách và phương thế trong đó các quan ngại do Ủy Ban Hoàng Gia nhận diện về các nguy cơ đối với trẻ em vốn cố hữu trong cung cách thực hành bí tích hiện nay và liên quan đến việc Ủy Ban này nói đến việc xưng tội của những kẻ vi phạm và việc trẻ em tiết lộ bị lạm dụng.

Nhóm Cố Vấn Thi Hành cũng nên ủy nhiệm một cuộc tìm tòi, kể cả ý kiến của một luật sư cao cấp, về phạm vi luật lệ thuộc loại được đề nghị trong Khuyến Cáo 7.4 có thể thù nghịch đối với tự do tôn giáo. Hội Đồng Giám Mục Úc nên thiết lập một ủy ban hay nhóm làm việc để khai triển các chiến lược để nói rõ lập trường của Giáo Hội liên quan đến ấn tín và để đương đầu với các chính phủ nếu (khi) luật lệ được đề ra.

Hồ đồ về bí tích 

Ngoài các truyền đạt do Đức TGM Wilson khởi diễn và phái đoàn tháng Mười năm 2017 qua Tòa Thánh, mọi khuyến cáo này nên đệ trình để nhóm làm việc của Tòa Thánh lưu ý với gợi để chúng được sự tham khảo của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên và nhiều cơ quan khác.

Nhóm Cố Vấn Thi Hành cũng nên ủy nhiệm việc nghiên cứu cải tiến cách giáo huấn các chủng sinh và phát triển chuyên nghiệp cho các giáo sĩ về các nền tảng thần học và các yếu tố mục vụ và thực tiễn. Cũng sẽ có một vai trò cho Nhóm Tiêu Chuẩn Chuyên Nghiệp Công Giáo [Catholic Professional Standards Limited (2)] trong phương diện này khi xét đến các khía cạnh rộng lớn hơn của việc đào tạo và học trình của chủng viện.

Môi trường thể lý của tòa giải tội

Nhiều giáo phận đã công bố các chỉ dẫn hoặc chỉ thị phù hợp với Khuyến Cáo 16.48 (3). Một lần nữa, Nhóm Cố Vấn Thi Hành nên khuyến khích các giáo phận khác theo gương đó và để một phương thức nhất quán được chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều việc sẽ cần phải làm về khía cạnh thực tiễn để bảo đảm ‘đường nhìn’ và sự hiện diện của một người lớn độc lập tại các buổi tham dự bí tích thường lệ của giáo xứ (cũng như do các trường khởi diễn).

Các chế độ buộc phải tường trình 

Các vấn đề liên quan đến các khuyến cáo 33, 35 và 36 (4) phần lớn tùy thuộc các tiểu bang và lãnh thổ. Tuy nhiên, có những vấn đề nguyên tắc được áp dụng chung. Nhóm Cố Vấn Thi Hành nên ủy nhiệm một cuộc tìm tòi về các vấn đề này vì lợi ích của từng giáo phận cá thể (hay giáo tỉnh) nếu (khi) vấn đề được nêu ra.

Như đã đề cập, Hội Đồng ủng hộ, và tiếp tục ủng hộ, việc duy trì sự che chở của dân luật đối với ấn tín tòa giải tội. Về việc buộc phải tường trình, Hội Đồng đã ủng hộ, và còn ủng hộ, việc đạt được sự nhất quán của mọi quyền tài phán và, tùy thuộc việc bảo vệ ấn tín tòa giải tội, việc bao gồm các người trong các thừa tác vụ tôn giáo vào loại những người bắt buộc phải tường trình.

Các lập trường liên quan đến chính sách được Hội Đồng cổ vũ đã được mô tả trong chương dẫn nhập tựa là “Bí Tích Xưng Tội” (Vol. 2, pp. 76-77).

Hành động: Giáo Hội Công Giáo cam kết rằng, trong mọi việc làm của mình với trẻ em và những người lớn dễ bị tổ thương, mọi nơi và dịp thờ phượng và sinh hoạt bí tích sẽ phản ảnh các nguyên tắc giữ an toàn do Ủy Ban Hoàng Gia nhận diện và khai triển qua các tiêu chuẩn của Nhóm Tiêu Chuẩn Chuyên Nghiệp Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo cam kết bảo đảm rằng các tòa giải tội và mọi noi khác nơi bí tích Thống Hối được ban bố sẽ là các nơi an toàn cho trẻ em.

Các giáo phận sẽ khảo sát các nơi chốn và các thực hành xưng tội và cung cấp việc giáo dục cho các cha giải tội và các chủng sinh về việc thực hành xưng tội tốt đẹp nhất.

Các thẩm quyền Giáo Hội sẽ cố gắng nhằm bảo đảm việc các lo ngại của Liên Bang, Các Tiểu Bang và Lãnh Thổ được giải quyết bao nhiêu có thể liên quan đến các nguyên tắc an toàn trong lúc xưng tội. Tuy nhiên, ‘ấn tín tòa giải tội’ là điều không thể bị vi phạm đối với cha giải tội.

Trẻ em sẽ ít được an toàn chứ không phải được an toàn hơn nếu việc bắt buộc phải phúc trình các vụ giải tội trở thành luật lệ. Trường hợp hiếm hoi trong đó một kẻ phạm tội hay nạn nhân có thể nêu việc này trong Lúc Xưng Tội sẽ ít có xác suất diễn ra nếu sự tin tưởng vào ấn tín bí tích bị phá hoại; và do đó, ta sẽ mất cơ hội khuyến khích kẻ phạm tội tự đi tường trình cho các nhà cầm quyền dân sự hay các nạn nhân tìm sự an toàn.

Việc buộc phải tường trình các cuộc xưng tội cũng là một sự vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo và thờ phượng.

Nhóm Cố Vấn Thi Hành sẽ tham khảo Ủy Ban Giám Mục cạnh Nhóm Tham Chiếu Giáo Luật và sẽ cung cấp ý kiến thêm về các khuyến cáo liên quan đến giáo luật (tham chiếu Khuyến Cáo 7.3, 16.26 và 16.48)
___________________________________________________________________________________________________________

Chú thích

(1) Là ủy ban phối trí các đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với Ủy Ban Hoàng Gia Điều Tra Các Đáp Ứng Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, do Hội Đồng Giám Mục và Các Tu Sĩ Công Giáo Úc thành lập.

(2) Là cơ quan cổ vũ nền văn hóa an toàn và chăm sóc trẻ em cùng người lớn dễ bị tổn thương bằng cách khai triển các Tiêu Chuẩn Duy Trì An Toàn Công Giáo Toàn Quốc. Được 2 định chế trên thành lập để đáp ứng các khám phá của Ủy Ban Hoàng Gia.

(3) Khuyến cáo này nói: “các định chế tôn giáo lo nghi thức xưng tội tôn giáo cho trẻ em nên thi hành một chính sách đòi nghi thức chỉ được tiến hành ở một nơi công khai bên trong đường nhìn rõ ràng của một người lớn khác. Nếu không có người lớn này, thì không được tiến hành nghi thức.

(4) Các khuyến cáo liên quan đến việc thi hành nhất quán Mười Tiêu Chuẩn An Toàn Trẻ Em của Ủy Ban Hoàng Gia.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét