Trang

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

ĐTC gặp Tổng thống và chính quyền dân sự của Estoni


ĐTC gặp Tổng thống và chính quyền dân sự của Estoni

Bắt đầu ngày viếng thăm Estoni, ĐTC đã ngỏ lời với Tổng thống, chính quyền dân sự của Estoni và ngoại giao đoàn.
Giuse Trần Đức Anh - Vatican
 Sau lễ nghi tiếp đón chính thức diễn ra tại Phủ Tổng thống Estoni và hội kiến riêng với bà Tổng thống, ĐTC cùng bà Tổng thống tiến ra Vườn Hồng của Phủ Tổng thống để gặp gỡ 200 người, gồm các quan chức chính quyền, đại diện các tầng lớp xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
 Lên tiếng sau lời chào mừng của Bà tổng thống Estoni ĐTC nhận xét rằng:
"Đất của Đức Mẹ"
”Từ nhiều thế kỷ, phần đất này được gọi là ”Đất của Mẹ Maria” - Maarjamaa, một danh hiệu không phải chỉ thuộc về quốc gia, nhưng còn thuộc về văn hóa của quí vị. Nghĩ đến Mẹ Maria gợi lên trong tôi hai từ: ký ức và sự phong phú. Mẹ là phụ nữ ký ức, giữ gìn trong tâm hồn như một kho báu tất cả những gì Mẹ sống (Xc Lc 2,19), và Mẹ là người Mẹ phong phú sinh ra sự sống cho Con của Mẹ.
 Sự phong phú phải gắn liền với ký ức
ĐTC lần lượt khai triển 2 ý tưởng trên đây và nhắc đến những thời kỳ đau thương sầu khổ trong lịch sử Estoni, nhưng từ 25 năm nay, Estoni đã trở lại trong gia đình các dân nước với đầy đủ danh nghĩa. Xã hội Estoni đã thực hiện những bước tiến rất dài. ĐTC nói: ”Đất nước của quí vị tuy nhỏ bé nhưng thuộc vào những nước đứng hàng đầu về chỉ số phát triển nhân bản, nhờ khả năng đổi mới, cũng như đang chứng tỏ mức độ cao về tự do báo chí, dân chủ và tự do chính trị... Nhớ đến quá khứ và hiện tại, chúng ta có những lý do để nhìn về tương lai với niềm hy vọng, đứng trước những thách đố đang xuất hiện.
 Về chiều kích phong phú, ĐTC đặc biệt ghi nhận một trong những hiện tượng trong các xã hội kỹ thuật hiện nay, đó là sự đánh mất ý nghĩa cuộc sống, niềm vui sống, và vì thế dần dần và âm thầm, xã hội đánh mất khả năng kinh ngạc, thường dìm con người trong cuộc sống mệt mỏi vất vả. Ý thức mình là thành phần của một dân tộc và chiến đấu cho tha nhân, được ăn rễ trong một dân tộc, một nền văn hóa, một gia đình, có thể dần dần bị mất đi, làm cho con người, đặc biệt là những người trẻ, bị mất gốc, mất những căn cội từ đó xây dựng hiện tại và tương lai của mình, vì họ không còn khả năng mơ ước, không dám chấp nhận liều, và thiếu khả năng sáng tạo.
 Kiến tạo các liên hệ giữa con người với nhau
Trong bài diễn văn, ĐTC cũng cảnh giác rằng ”đặt trọn niềm tín thác nơi tiến bộ kỹ thuật, có thể làm mất khả năng kiến tạo những liên hệ giữa con người với nhau, giữa các thế hệ và các nền văn hóa với nhau, nghĩa là mất đi những phần rất quan trọng, để có thể cảm thấy mình là thành phần của nhau và tham gia vào một dự án chung, theo nghĩa rộng nhất của từ này. Vì thế, - ĐTC nói - một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của chúng ta, khi lãnh nhận trách vụ xã hội, chính trị, giáo dục, tôn giáo hệ tại cách thức chúng ta trở thành những người kiến tạo các liên hệ giữa con người với nhau”.
 Mất gốc rễ là sự tha hóa tồi tệ nhất
Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh thêm rằng ”Không có sự tha hóa nào tệ hơn là cảm thấy mình không có gốc rễ, không thuộc về ai. Một lãnh thổ chỉ phong phú, một dân tộc chỉ mang lại nhiều thành quả và có khả năng mang lại tương lai theo mức độ họ có khả năng mang lại cho các phần tử của mình cảm thức họ thuộc về lãnh thổ và dân tộc ấy, kiến tạo những liên hệ giữa các thế hệ và các cộng đoàn thuộc lãnh thổ và dân tộc đó, và có khả năng phá vỡ những cái vòng lẩn quyển làm cho giác quan bị u tối và ngày càng xa lìa nhau”.
Kết thúc cuộc gặp gỡ chính quyền lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC đã đến nhà thờ Kaarli, hay là Carlo, của Giáo Hội Tin Lành Luther cách đó gần 4 cây số rưỡi để gặp gỡ các bạn trẻ Kitô, thuộc các hệ phái khác nhau. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét