Trang

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

02-10-2018 : THỨ BA - TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN - CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ


02/10/2018
Thứ Ba tuần 26 thường niên
Các thiên thần hộ thủ.
Lễ nhớ.


* Các thiên thần được ơn gọi trước hết là để chiêm ngưỡng ánh huy hoàng của thánh nhan Thiên Chúa và không ngừng ca hát ngợi khen Người. Nhưng theo Kinh Thánh, Chúa cũng trao cho các thiên thần sứ mạng hiện diện bên cạnh con người để giúp đỡ con người. Ngày lễ kính các thiên thần bản mệnh nhắc cho ta nhớ lại điều đó.

BÀI ĐỌC I: G 3, 1-3. 11-17. 20-23
“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?”
Trích sách ông Gióp.
Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: “Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: ‘Con người chịu thai’. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?
“Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.
“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8
Đáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu. – Đáp.
2) Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế. – Đáp.
3) Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương. – Đáp.
4) Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 102, 21
– Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 18, 1-5. 10
“Các thiên thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Thiên thần Hộ Thủ
Hôm nay Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về người bạn thân thiết của mỗi người, đó là vị Thiên thần Hộ Thủ của chúng ta. Mỗi người từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ đều được Thiên Chúa cắt cử một vị Thiên thần để che chở hộ phù bằng một cách thế chúng ta không chờ đợi và cũng chẳng tưởng tượng được. Đây là chân lý Giáo Hội muốn nhắc nhở và mời gọi chúng ta đào sâu hôm nay.
Mỗi người đều có một vị Thiên thần luôn sát cánh nhắc nhở chỉ bảo, hướng dẫn và gìn giữ trong từng đường đi nước bước của chúng ta. Dạy điều đó, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta đi vào tình yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu vượt lên trên mọi dự đoán, tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà chúng ta vừa mừng kính hôm qua đã tìm ra được bí quyết hạnh phúc và đã mở ra một con đường nên thánh đơn sơ nhất đó là "hãy chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương". Thảm kịch bi thảm nhất của con người đó là không cảm nhận hay không đón nhận tình yêu của Thiên Chúa; trái lại, ai đón nhận tình yêu của Thiên Chúa họ sẽ thấy rằng cuộc sống của họ là một chuỗi những phép lạ.
Theo định nghĩa thông thường phép lạ là một biến cố hay một hiệu quả xem ra nghịch với định luật khoa học, do đó được gán cho các nguyên nhân siêu nhiên. Giáo Hội chỉ nhận là phép lạ khi một biến cố này khoa học không thể lý giải được mà thôi. Đây là tiêu chuẩn được áp dụng một cách rất khắt khe tại trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức. Từ hơn 100 năm qua, mặc dù không biết bao nhiêu người đã tuyên bố cảm năm được sự can thiệp của Chúa, Giáo Hội chỉ nhận được có 65 trường hợp được xem là phép lạ thực sự sau khi ủy ban y tế tuyên bố không thể giải thích sự lành bệnh theo phương diện y khoa.
Tuy nhiên, nếu hiểu phép lạ theo một ý nghĩa rộng rãi hơn như là một sự can thiệp quan phòng trường kỳ của Chúa vào cuộc sống mỗi ngày của từng người chúng ta, con mắt Đức tin sẽ cho chúng ta thấy được vô số phép lạ Chúa đang thực hiện trong mỗi biến cố của cuộc sống. Phép lạ không chỉ là sự kiện lạ lùng ở bên kia, ngoài các định luật khoa học, phép lạ không chỉ diễn ra tại những trung tâm Thánh Mẫu nổi tiếng trên thế giới. Phép lạ là từng hơi thở và nhịp đập của trái tim, phép lạ là từng tia sáng mặt trời hay từng cơn gió mưa mỗi ngày, phép lạ là một cuộc gặp gỡ đang có mỗi ngày, phép lạ ở mọi nơi và mọi lúc, bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta từng giây phút trong cuộc sống.
Các Thiên thần không chỉ là những vị có cánh đến từ trời cao, các Ngài đang ở bên cạnh chúng ta trong giây phút này đây, các Ngài không ngừng nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, các ngài không ngừng gợi lên cho chúng ta những tâm tình trong sạch và cao quí cũng như xua đuổi khỏi những tư tưởng mê muội và bắt chính. Nếu biết lắng nghe tiếng nói của các Ngài, chúng ta sẽ tiến bước trên đường ngay nẻo chính và sẽ gặp được hạnh phúc đích thực.
Với đoạn Tin Mừng chúng ta suy niệm trong ngày kính nhớ các Thiên thần Hộ Thủ hôm nay, một lần nữa Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ. Trẻ thơ luôn biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống, trẻ thơ chỉ nghĩ đến chuyện thần tiên. Thế giới của người lớn cũng còn là thế giới thần tiên, bởi vì mỗi người đều có một Thiên thần hộ thủ gìn giữ bao bọc và hướng dẫn. Thế giới ấy sẽ thực sự thần tiên khi con người biết lắng nghe sự hướng dẫn của vị Thiên thần Hộ Thủ và cảm nghiệm được tình yêu bao bọc chở che của Thiên Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa yêu thương, còn gì đơn sơ cho bằng những giây phút ấy.
Câu chuyện minh chứng bàn tay Thiên thần Hộ Thủ hộ phù, chở che
Một Cha sở miền quê bên Pháp thuật lại công chuyện này:
Khi đó ngài đang ở một xứ đạo hẻo lánh. Một đêm kia được tin một người đau nặng, đang hấp hối, muốn xin Ngài tới xức dầu. Trời về khuya, với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau, Ngài phải băng qua khu rừng vắng. Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, Ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên thần Hộ Thủ, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối.
Câu chuyện đã qua 10 năm rồi, nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng:
Một tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cử một ai. Người ta báo tin cho ngài: có người tử tù sắp bị hành quyết. Vì là Cha sở địa phương, ngài đến nhà tù thăm viếng. Nhưng vừa thấy bóng linh mục, người tử tù phản ứng và từ chối không muốn gặp ngài, nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài: " Có phải cha là cha sở họ X không?". Vị linh mục ngạc nhiên trả lời: "Trước đây 10 năm tôi làm Cha sở ở họ đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác".
Thì ra cách đây 10 năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người bị tầm nã, đang lẩn trốn ở khu rừng mà ngài đi qua. Hắn dự định sẽ giết chết bất cứ khách bộ hành nào băng qua đoạn đường đó, để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, và đánh lừa lưới của pháp luật. Người tử tù kể lại: "Lúc đó y muốn giết vị linh mục, nhưng bên cạnh ngài có một thanh niên lực lưỡng. Thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho ngài và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự".
Vị linh mục kết luận: "Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên hết sức. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng, lúc đó, tôi có dừng lại một lúc để cầu nguyện xin Thiên thần Hộ Thủ giúp đỡ. Và như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên thần Hộ Thủ của tôi, đã giữ gìn, bảo vệ tôi qua cơn nguy hiểm”
Câu chuyện trên minh chứng Thiên thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu, xin ngài giúp đỡ, can thiệp. (trích nguoitinhuu.com)
Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí để chúng con biết nhìn ra sự hướng dẫn của vị Thiên thần hộ thủ hầu cảm nếm được tình yêu của Ngài. Amen.


Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thiên Thần Hộ Thủ
Các Thiên Thần Hộ Thủ
Bài đọcJob 19:21-27;  Mt 18 :1-5, 10

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các thiên thần sẽ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.
            Nhìn lại sự quan phòng của Thiên Chúa, con người không thể kêu trách Ngài được điều gì; vì Ngài đã làm mọi sự để con người có thể sống bình an và hạnh phúc. Ngài đã ban hành Lề Luật để con người biết sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Khi con người bất tuân Lề Luật, Ngài sai ngôn-sứ đến để khiển trách và kêu gọi con người quay về nẻo chính đường ngay; trước khi sửa phạt con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn ban cho mỗi tín hữu một thiên thần bản mệnh để cùng đồng hành, săn sóc, và bảo vệ con người.
            Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đặc biệt đến sự quan phòng của Thiên Chúa và sự cứng lòng trong tội lỗi của con người. Trong Bài Đọc I, ông Job vẫn một mực tin tưởng nơi Thiên Chúa cho dù bị các bạn buộc tội sở dĩ ông phải chịu nhiều đau khổ do Thiên Chúa trừng phạt là vì tội của ông; và ông cũng xác tín trong lòng là không phải bởi tội của ông mà những đau khổ xảy đến cho ông và gia đình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ phải tránh khuynh hướng muốn được quyền cao chức trọng theo kiểu loài người, nhưng phải biết khiêm nhường như trẻ nhỏ và phục vụ những người cô thân cô thế. Hơn nữa, người môn đệ phải tuyệt đối tránh đối xử bất công với những hạng người này, vì thiên thần của họ hằng bảo vệ họ trước ngai của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp.
1.1/ Niềm tin vào lòng thương xót Chúa thay vì lên án và xét xử tha nhân: Các bạn của ông Gióp nghĩ hình phạt là do tội gây nên; nên khi họ thấy ông phải chịu nhiều đau khổ, họ kết luận ông đã phạm tội. Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa không đơn giản như thế, chịu đau khổ không nhất thiết là vì đã phạm tội. Độc giả của Sách Gióp đã biết ngay từ đầu lý do tại sao ông Gióp phải chịu đau khổ trong khi ông Gióp và các bạn ông không hề hay biết: Đó là để chứng minh cho Satan biết Gióp yêu Thiên Chúa không phải vì được Chúa chúc lành trên con cái và tài sản. Satan cũng là một ví dụ của sự suy bụng ta ra bụng người, lấy những gì mình suy nghĩ và đem áp dụng cho Gióp. Khi thấy các bạn mình cứ chửi bới và buộc tội, ông Gióp nài xin lòng thương của các bạn nếu không hiểu và thông cảm được thì hãy để ông yên: “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn không thoả mãn?”
1.2/ Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp: Mặc dù phải chịu mất hết tài sản đã gầy dựng và mất hết tất cả các con cái, đồng thời phải chịu tất cả các bệnh tật phần xác và đau khổ tinh thần do các bạn thân mang tới; ông Gióp đã không bao giờ dám than phiền hay chửi Thiên Chúa như Satan chờ đợi. Trái lại, ông vẫn một mực tin tưởng nơi lòng thương xót Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.”           
2/ Phúc Âm: Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy.
2.1/ Phục vụ trẻ nhỏ là điều kiện vào Nước Trời: Mong ước được nổi tiếng nhất, được trở thành người quan trọng nhất, là ước mơ của nhiều người trong thế gian. Mong ước này cũng xảy ra nơi các môn đệ của Chúa Giêsu, khi các ông lại gần hỏi Ngài rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
            Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.” Qua câu rả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra hai điều quan trọng:
            (1) Phải khiêm nhường, tự hạ, mới được vào Nước Trời: Trẻ thơ không mong được quyền cao chức trọng, chúng bằng lòng với sự yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ của cha mẹ chúng. Người môn đệ của Đức Kitô cũng thế, tại sao cần phải có quyền cao chức trọng khi đã được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và quan phòng cho mọi sự! Mong ước được nổi tiếng chẳng những không giúp gì cho người môn đệ, mà còn làm cho người môn đệ dần dần xa Chúa. Mọi người chúng ta đã quá rõ lý do sự sa ngã của Lucifer và của cặp vợ chồng đầu tiên rồi.
            (2) Phải phục vụ trẻ nhỏ vì danh Chúa: Một tính xấu nữa nơi con người là muốn được phục vụ, chứ không muốn phải phục vụ người khác. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phải khử trừ thói xấu này bằng cách xả thân phục vụ trẻ nhỏ, và những người cô thân cô thế vì danh Đức Kitô. Những người này không có gì để trả lại cho các môn đệ; đó chính là động lực mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phục vụ: để Thiên Chúa trả công cho anh em.
2.2/ Mỗi người tín hữu đều có một thiên thần bản mệnh: Niềm tin vào thiên thần bản mệnh được Giáo Hội dựa trên những gì Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
            (1) Mọi người đều được Thiên Chúa bảo vệ: Thiên Chúa dùng các thiên thần để giúp Ngài trong việc điều khiển thế giới và con người. Mỗi tín hữu, không cần biết nhỏ bé và tầm thường đến đâu, đều có một thiên thần để bảo ban, dạy dỗ, và phù hộ trong cuộc đời. Mỗi tín hữu phải biết lắng nghe tiếng thiên thần của mình, để có thể tránh hậu quả tai hại xảy ra trong cuộc đời.
            (2) Động đến họ là động đến Thiên Chúa: Nhiều người có khuynh hướng ức hiếp kẻ cô thân cô thế, vì nghĩ họ không có đủ khôn ngoan và sức mạnh chống lại mình. Những lời của Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay là lời cảnh cáo cho những ai suy nghĩ như thế. Cho dẫu họ có thể ức hiếp người cô thân cô thế ở đời này, nhưng họ sẽ không thoát nổi lời tố cáo của thiên thần bản mệnh trước tòa án của Thiên Chúa.           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            – Chúng ta hãy vâng nghe những lời chỉ dạy của Thiên Chúa qua Thập Giới và hướng dẫn của Giáo Hội; để có thể tránh tội lỗi và hình phạt gây ra bởi tội.
            – Chúng ta hãy luôn ý thức sự hiện diện và lắng nghe tiếng của thiên thần bản mệnh, để tránh được chước cám dỗ của ma quỉ và nhưng nguy hiểm của cuộc đời.
            – Chúng ta hãy bằng lòng với sự yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ của Thiên Chúa. Mơ ước được quyền cao chức trọng chẳng sinh lợi ích gì cho phần rỗi linh hồn của chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


02/10/18 – THỨ BA TUẦN 26 TN
Các thiên thần hộ thủ
Mt 18,1-5.10

HÃY TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ
“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)
Suy niệm: “Trở nên như trẻ nhỏ” là sống theo con đường thơ ấu thiêng liêng, phương thế hữu hiệu và thiết yếu mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước theo để trở nên hoàn thiện. Trẻ thơ thì trinh nguyên đơn sơ, hồn nhiên trong cung cách, chân thành trong tương quan, cậy dựa hoàn toàn và phó thác tất cả trong tay cha mẹ. Chúa Giê-su yêu thích các trẻ thơ và Ngài mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần của các trẻ nhỏ. Ngài khẳng định sống tinh thần trẻ thơ chính là cửa ngõ, là chìa khóa để được vào Nước Trời.
Mời Bạn: Chúa Giê-su, là “Người Con Chí Ái, đẹp lòng Chúa Cha,” nêu gương cho chúng ta, sống tinh thần trẻ thơ khi Ngài “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Chúng ta noi gương Chúa  Giê-su, đặt niềm tin yêu, đơn sơ, chân thành phó thác nơi Chúa để sống tinh thần trẻ thơ trong tương quan với Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Chia sẻ: Bạn có thấy khó khăn khi thực hiện việc sống tinh thần trẻ thơ như Chúa Giê-su mời gọi không?
Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su sống tinh thần trẻ thơ bằng cách: cầu nguyện trước khi làm việc gì, xin cho biết thánh ý Chúa, và xin Chúa thánh hoá công việc sắp làm đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho chúng con biết tin yêu phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa để chúng con luôn an vui vững bước trên hành trình đức tin của mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Chiêm ngưỡng nhan Cha (2.10.2018 – Thứ Ba, Các thiên thần hộ thủ)

Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay vừa nói đến trẻ nhỏ,
vừa nói đến những kẻ bé mọn trong cộng đoàn.
Ai là những kẻ bé mọn trong cộng đoàn ?
Đó là những người tin vào Đức Giêsu (Mt 18, 6),
nhưng đức tin của họ còn non yếu, mong manh.
Đức Giêsu đã nặng lời với ai làm cho một kẻ bé mọn sa ngã.
“Thà cột cối đá lớn vào cổ và ném nó dưới biển còn hơn.”
Rõ ràng Đức Giêsu quý những kẻ bé mọn trong cộng đoàn.
Ngài không muốn họ bị tổn thương vì gương mù gương xấu.
Câu cuối của bài Tin Mừng là một lời nhắc nhở nữa.
“Anh em chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này” (c. 10).
Lý do Đức Giêsu đưa ra khá đặc biệt:
“Vì các thiên thần của họ ở trên trời
không ngừng thấy khuôn mặt của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Như thế ngay cả những người bé mọn cũng có thiên thần riêng.
Người bé mọn có thể lầm lạc, sa ngã,
nhưng không vì thế mà họ bị coi thường hay khinh miệt.
Thiên thần của họ vẫn ở gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho họ.
Thật thú vị khi người Kitô hữu tin mình có một thiên thần hộ thủ.
Thánh Basiliô viết: “Mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ,
để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời.”
Vị thiên thần này vừa được phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa,
vừa đồng hành suốt đời với từng người cho đến nơi quê thật.
Thiên thần hộ thủ là một quà tặng của lòng nhân hậu Chúa.
Là sứ giả được Chúa sai,
thiên thần là sự hiện diện của Chúa với từng người chúng ta.
Thiên thần đã bảo vệ ông Lót (St 19),
đã cứu Agar và con của bà (St 21, 17),
đã giữ tay Abraham không cho cụ giết con (St 22, 11).
Một vị thiên thần ban đêm đã cứu Phêrô khỏi tù ngục (Cv 12, 15).
Như thế thiên thần là bạn đường bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.
Khi sống trong một bầu khí vắng bóng Thiên Chúa,
con người khó tin vào những thực tại vô hình.
Các thiên thần có khi chỉ là những hình trang trí nơi hang đá,
hay những bức tượng thạch cao đặt hai bên bàn thờ.
Chúng ta khó tin mình được trợ giúp bởi một thiên thần có thật,
và không dám tin mình đáng quý đến thế,
để Chúa ban cho mình một người hướng đạo và đỡ nâng.
Làm sao để chúng ta ra khỏi sự cô quạnh của chính mình,
khi chấp nhận niềm tin vào thiên thần hộ thủ?
Làm sao để ta cảm được hoạt động kín đáo của người trong đời ta?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG MƯỜI
Được Người Làm Vườn Cắt Tỉa
Nhìn trong ánh sáng của dụ ngôn cây nho và cành nho, chúng ta thấy Thánh Thể trở thành tiêu điểm chính trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa đối với con người. Công trình này được tóm tắt trong những lời sau đây: “Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Người trồng nho ấy quan tâm chăm sóc từng cành nho. Là Đấng Tạo Hóa và đồng thời là Cha chúng ta, Ngài muốn tất cả mọi người – vốn được dựng nên giống hình ảnh Ngài – sẽ nhận được sự sống của Ngài qua Chúa Con.
Từ khi tạo dựng, công việc của Chúa Cha là chăm sóc và đáp ứng cho tất cả những gì Ngài đã dựng nên. Ngài chăm sóc ưu tiên nhất cho con người mà Ngài đã dựng nên giống hình ảnh Ngài. Trong dụ ngôn, con người được gọi là những cành nho mà Chúa Cha cắt tỉa để có thể lớn lên và có được sự sống dồi dào.
Người Trồng Nho ấy tự tỏ hiện chính Ngài là Thiên Chúa tình yêu. Ngài đối xử với chúng ta như một người Cha và Ngài muốn chúng ta đáp lại bằng tấm tình con thảo. Tất cả điều này nhắc nhở chúng ta về tính cao cả của đời sống thiêng liêng chúng ta, về sự sung mãn của ơn cứu độ.
Như vậy, Thiên Chúa vẫn không ngừng quan tâm và thúc đẩy chúng ta biết khao khát tình yêu thông truyền sức sống của Ngài. Với sự quan tâm của người Cha, Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng mình không hề sống trong một vũ trụ với định mệnh mù quáng. Không, chúng ta luôn sống dưới đôi mắt của Cha trên Trời, Đấng luôn mong muốn điều tốt lành cho chúng ta. Ngài vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.
Thiên Chúa mời gọi ta cộng tác phần mình trong chương trình yêu thương và cứu độ của Ngài. Ngài biến đổi chúng ta nên mới bằng ân sủng tái sinh của các bí tích tinh luyện và canh tân. Đó là Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể. Qua các bí tích này, Ngài cắt tỉa chúng ta và thể hiện lại mầu nhiệm Vượt Qua vĩ đại là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Con Một Ngài.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/10
Các Thiên Thần hộ thủ
Xh 23, 20-23;  Mt 18, 1-5.10.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
          Trong ngày kính nhớ Các Thiên Thần Hộ Thủ, Chúa Giêsu nhắc nhủ con cái của Người biết là mỗi con người đều có một vị thiên thần ở cùng với họ trong sự gắn kết việc  chiêm ngưỡng nhan Cha Người trên trời. Điều này trong thư Do-thái còn cho chúng ta biết thêm: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?”.
Lạy Chúa Giêsu.  Chúa cho chúng con biết về sứ vụ các thiên thần là người phụ tá của Chúa trong việc cứu rỗi nhân loại. Xin cho chúng con luôn nghĩ đến thiên thần hộ thủ của mình trong những lúc khẩn nguyện, cũng như được sự bảo vệ của các ngài trước những cơn cám dỗ hằng ngày.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 02-10
Các thiên thần bản mệnh

Đức tin cho chúng ta biết rằng: có những thiên thần gìn giữ chúng ta. Cựu Ước cũng như Tân Ước đầy những chứng cớ làm chứng cho chân lý này, khiến thánh Giêrônimô đã phải thốt lên: “Phẩm giá các linh hồn cao quý dường nào vì mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa trao cho một thiên thần để săn sóc”.
Thánh Tôma nói: “Có các thiên thần hộ thủ cho các vương quốc, các dân tộc, các thành thị, các cộng đoàn tu sĩ và cho mỗi người tín hữu”
Chúa Giêsu hẳn đã giải thích điều đó khi Người nói về các trẻ nhỏ: “Thiên thần của chúng hằng chiêm ngắm nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10)
Thánh Giêrônimô thành Nyssa nói: “Chúa biết ác tâm của các thần dữ đang tìm cách ngăn trở không cho ai vào chỗ của chúng đã mất trên trời, nên Người ban cho mọi người chúng ta một thiên thần bản mệnh, để chống lại các nỗ lực của kẻ thù phần rỗi chúng ta”
Các thiên thần bản mệnh dẫn dắt chúng ta trên đường phần rỗi mọi nơi mọi lúc, đêm cũng như ngày, khi đi đường cũng như khi ở nhà. Các ngài không rời bỏ chúng ta, cả khi chúng ta phạm tội làm các ngài phải run sợ, hay khi chúng ta chống lại những điều các ngài hướng dẫn.
Các ngài có sứ mệnh lo lắng cho lợi ích của chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, các ngài chuyển lời lên Thiên Chúa và kéo ơn Chúa xuống. Các ngài săn sóc chúng ta trong mọi hoàn cảnh, như người mẹ thương con, như người dẫn đường, như bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, như mục tử dẫn dắt đoàn chiên…
Các ngài là bạn thiết của tâm hồn. Hãy nhới lạ Aga trong sa mạc (St 16, 7-12), Lót ở Sôđôma (St 19, 1-17), Isaac trên núi Moria (St 22, 11-18), các trẻ em trong lò lửa ở Babylon (Đn 3, 46-50), Đaniel trong hang sư tử (Đn 6, 18-23) và thánh Phêrô ở trong tù (Cv 12, 6-11).
Chúng ta lại chẳng kinh nghiệm thấy như vậy trong cuộc sống thường ngày sao ? Những tia sáng làm cho đức itn sống động ? Những tác động bất chợt đưa chúng ta đến sự thánh thiện ? Những phút giây tâm hồn muốn hiến trọn cho Chúa ?
Nhận biết bao ơn phúc của các thiên thần, chúng ta phả tỏ lòng cung kính vâng phục các ngài, Chính để nhắc nhở bổn phận này, mà Giáo hội dành ngày 2 tháng 10 mỗi năm để đặc biệt kính nhờ các thiên thần bản mệnh.
(daminhvn.net)


02 Tháng Mười
Những Lá Thư Của Người Mẹ
Trong trận đệ nhị thế chiến, có một văn sĩ Hungari gốc Do Thái bị Ðức Quốc Xã bắt làm tù binh, trong khi tham gia trong quân đội Pháp. Qua những tác phẩm chống Ðức Quốc Xã, văn sĩ gốc Do Thái này khó mà che dấu được tung tích của mình. Một người lính Pháp cùng bị bắt làm tù binh đã đề nghị là hai người nên sử dụng chung một tên và lý lịch, bởi vì họ sẽ bị thuyên chuyển đến các trại khác nhau. Quân Ðức Quốc Xã khó mà nhận ra sự kiện hai người cùng đồng tên và có chung một lý lịch. Người lính Pháp đã trao cho văn sĩ gốc Do Thái thẻ bài cũng như một số thư của mẹ anh. Anh dặn dò văn sĩ gốc Do Thái như sau: “Nếu có ai điều tra anh về lý lịch, anh hãy cho họ xem những lá thư này”.
Sau này, người văn sĩ gốc Do Thái có dịp đọc những lá thư của người mẹ lính Pháp. Nhìn những tờ giấy viết thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được rằng người mẹ này có lẽ là một người đàn bà nhà quê già yếu, nhưng thương con với tất cả sự đậm đà của tình mẫu tử. Chung quy những lá thư ấy đều có dặn dò giống nhau như: “Con hãy giữ gìn sức khỏe… Cố gắng đắp chăn cho thật ấm nghe con… Xin Chúa chúc lành cho con và chóng đưa con về đến nhà bình an”.
Mang lấy tên tuổi và lý lịch của người lính Pháp, người văn sĩ gốc Do Thái đọc lên những lời dặn dò trên đây như chính người mẹ ruột thịt của mình. Cũng chính những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng dạt dào tình mẹ ấy đã trở thành một bảo chứng cứu thoát ông.
Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cho chúng ta mang lấy tên tuổi và lý lịch của Ngài. Người cũng trao ban cho chúng ta chính người Mẹ của Ngài. Tâm tình của một người Mẹ đã cưu mang, đã cho bú mớm, đã dõi theo từng bước chân của con, đã câm lặng bên thập giá, đã đón lấy tấm thân không hồn của người con: tâm tình ấy của Mẹ Maria, Chúa Giêsu cũng muốn trao cho chúng ta. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là người mẹ trọn vẹn của mỗi người trong chúng ta.
“Hỡi Bà, đây là con Bà!”. Trao ban thánh Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật: mỗi người chúng ta đều được Mẹ đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ dành cho tất cả tâm tình mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.
Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy tin tưởng điều đó… Người lính trận đã luôn mang những lời dặn dò của mẹ anh như một báu vật, như một hành trang giữa những nguy ngập của cuộc chiến. Chúng ta cũng hãy mang lấy tâm tình của Mẹ. Hãy luôn chạy đến với Mẹ. Hãy luôn ôn lại những lời dặn dò của Mẹ, nhất là mỗi khi chúng ta gặp thử thách, u buồn trong cuộc sống.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh
Thứ Ba 2 Tháng Mười, 2018
Mùa Thường Niên


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, xin Cha cho chúng con thấy sức mạnh toàn năng của Cha trong lòng thương xót và khoan dung của Người.  Xin Cha tiếp tục đổ đầy chúng con với ân sủng tình yêu của Cha.  Xin cha giúp chúng con mau mắn hướng tới cuộc sống vĩnh cửu với lời hứa của Cha và xin hãy đến để chia sẻ niềm hạnh phúc của nước Cha.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha, Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
2.  Bài Đọc Tin Mừng – Mátthêu 18:1-5,10 
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi đức Giêsu rằng:  “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông vào bảo:  “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.  Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.  Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

3.  Suy Niệm
  Bài Tin Mừng hôm nay trình bày văn bản trích từ Bài Giảng về Giáo Hội (Mt 10:1-35), trong đó thánh Mátthêu tập hợp một số câu nói của Chúa Giêsu để giúp cho các cộng đoàn trong thế kỷ thứ nhất vượt qua được hai vấn đề mà họ phải đối mặt tại thời điểm đó:  lìa bỏ hoặc tránh xa các kẻ bé mọn bởi vì việc tai tiếng gây ra bởi một số người (Mt 10:1-14) và nhu cầu đối thoại để vượt qua các xung đột nội bộ (Mt 18:15-35).  Bài Giảng về Giáo Hội nói về một số chủ đề:  việc thực thi quyền hạn trong cộng đoàn (Mt 18:1-4), vụ tai tiếng vì khinh thường những kẻ bé mọn (Mt 18:5-11), nhiệm vụ phải phấn đấu để đưa những kẻ bé mọn trở lại, đưa họ trở về (Mt 18:12-14), việc sửa lỗi anh em (Mt 18:15-18), hiệp lời cầu nguyện (Mt 18:19-20) và tha thứ cho nhau (Mt 18:21-35).  Trọng tâm được đặt trên sự chấp nhận và hòa giải, bởi vì căn bản của tình anh em là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa chấp nhận chúng ta và tha thứ cho chúng ta.  Chỉ qua phương cách này cộng đoàn sẽ là dấu hiệu của Nước Trời.
  Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta suy niệm về phần nói đến việc chấp nhận những kẻ bé mọn.  Nhóm chữ, những kẻ bé mọn, hoặc những kẻ thấp hèn nhất không chỉ nói về các trẻ nhỏ, mà là nói đến những kẻ thấp kém trong xã hội, kể các trẻ nhỏ.  Chúa Giêsu đòi hỏi rằng những kẻ bé mọn phải là tâm điểm của mối quan tâm của cộng đoàn, bởi vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14).
  Mt 18:1:  Thắc mắc của các môn đệ đưa đến lời giảng dạy của Chúa Giêsu.  Các môn đệ muốn biết ai là người cao trọng nhất trong Nước Trời.  Thực tế đơn giản khi hỏi câu hỏi này cho thấy rằng các ông đã không hiểu rõ sứ điệp của Chúa Giêsu.  Câu trả lời của Chúa Giêsu, đó là, toàn bộ Bài Giảng về Giáo Hội, nhằm giúp cho chúng ta hiểu được rằng trong số những người theo Chúa Giêsu, tinh thần phục vụ, tha thứ, hòa giải và tình yêu nhưng không, không màng đến lợi ích cho riêng mình, phải được đặt ưu tiên.
–  Mt 18:2-5:  Tiêu chuẩn căn bản; ai tự hạ, coi mình nhỏ bé như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.  “Rồi Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông”; các môn đệ muốn có một tiêu chuẩn để đánh giá tầm quan trọng của ngôi thứ trong cộng đoàn.  Chúa Giêsu trả lời rằng tiêu chuẩn là làm những kẻ bé mọn!  Trẻ nhỏ không được coi trọng trong xã hội; chúng không thuộc về thế giới của những kẻ cao trọng.  Các môn đệ, thay vì tăng trưởng theo chiều cao và hướng tới trung tâm, nên trở thành nhỏ bé và hướng về phía bên ngoài!  Bằng cách này, các ông sẽ trở thành người cao trọng nhất trong Nước Trời!  Và lý do cho điều này là: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”  Tình yêu của Chúa Giêsu đối với các trẻ nhỏ thì không thể giải thích được.  Các trẻ nhỏ không có công trạng gì; chúng được cha mẹ và mọi người yêu thương vì chúng là trẻ nhỏ.  Đây là một tình yêu cho không thuần khiết của Thiên Chúa được thể hiện nơi đây và có thể được làm theo trong cộng đoàn của những người tin vào Chúa Giêsu.
–  Mt 18:6-9:  Đừng làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã.  Bài Tin Mừng hôm nay bỏ qua các câu 6 đến câu 9 và tiếp tục với câu 10.  Chúng ta đưa ra một chìa khóa ngắn gọn để đọc những câu này, từ câu 6 đến câu 9.  Làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã có nghĩa là:  làm cho họ có lý do để mất niềm tin vào Thiên Chúa và lìa bỏ giáo hội.  Việc câu nệ khăng khăng quá mức về các quy tắc, luật lệ, như một số người Biệt Phái đã làm, đã khiến cho các kẻ bé mọn tránh xa, bởi vì họ không còn thấy sự tự do mà Chúa Giêsu đã mang đến.  Trước đó, thánh sử Mátthêu ghi lại những câu nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu, chẳng hạn như câu buộc cối đá vào cổ, và câu “Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã!”  Đây là dấu hiệu cho thấy rằng vào thời ấy những kẻ bé mọn không còn nhận mình thuộc về cộng đoàn nữa và tìm kiếm một nơi trú thân khác.  Còn ngày nay thì sao?  Riêng ở nước Ba-Tây, mỗi năm có khoảng một triệu người lìa bỏ Công Giáo và chuyển sang giáo phái Ngũ Tuần.  Và đó là những người nghèo khó lại làm việc này.  Họ rời bỏ bởi vì người nghèo và những kẻ bé mọn không cảm thấy thoải mái ở ngay trong nhà của họ!  Tại sao vậy?  Để tránh việc điều tiếng này, Chúa Giêsu ra lệnh chặt chân hoặc chặt tay và móc mắt.  Những lời khẳng định này của Chúa Giêsu không thể được hiểu theo nghĩa đen.  Những điều đó có nghĩa là cần phải có nhiều sự đòi hỏi trong việc chống trả lại các điều tiếng, những điều đã xô đẩy kẻ bé mọn ra đi.  Trong bất kỳ cách nào, chúng ta không thể để cho những kẻ bé mọn cảm thấy bị hắt hủi trong cộng đoàn chúng ta; bởi vì trong trường hợp này, cộng đoàn sẽ không là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa.  Nó sẽ không thuộc về Chúa Giêsu Kitô.  Nó sẽ không phải là Kitô giáo.
–  Mt 18:10:  Các thiên thần của những kẻ bé mọn luôn hiện diện trước nhan Chúa Cha.  “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết:  các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiếm ngưỡng nhan Cha Thầy”.  Ngày nay, đôi khi chúng ta nghe thấy câu hỏi:  “Thế nhưng, các thiên thần có hiện hữu hay không?”  Có lẽ chúng là một phần của nền văn hóa xứ Ba-Tư, nơi mà dân Do Thái sống hàng nhiều thế kỷ trong thời kỳ lưu vong ở Babylon?  Có thể lắm, nhưng đó không phải là điều quan trọng, điều này không phải là khía cạnh chính.  Trong Kinh Thánh, các thiên thần có một ý nghĩa khác biệt.  Có văn bản nói về Thiên thần của Đức Giavê hay là Thiên Thần của Chúa và sau đó đột nhiên lại nói về Thiên Chúa.  Chúng hoán đổi lẫn nhau (St 18:1-2,9-10,13,16; xem thêm St 13:3,18).  Trong Kinh Thánh, Thiên thần là khuôn mặt của Đức Giavê hướng về phía chúng ta.  Khuôn mặt của Thiên Chúa đã hướng về tôi, hướng về bạn!  Câu nói sâu xa nhất về đức tin của chúng ta, đó là, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và cùng với tôi!  Đó là cách làm cho tình yêu Thiên Chúa trở thành cụ thể trong đời sống chúng ta, thậm chí đến chi tiết nhỏ nhặt nhất.

4.  Một vài câu hỏi cá nhân
  Những kẻ bé mọn có được chấp nhận trong cộng đoàn của chúng ta không?  Những người nghèo nhất có tham gia vào cộng đoàn của chúng ta không?
–  Các thiên thần của Chúa, Thiên Thần Bản Mệnh của chúng ta, và nhiều lần Thiên Thần của Chúa là kẻ giúp đỡ người khác.  Có nhiều thiên thần trong cuộc đời bạn không?

5.  Lời nguyện kết
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
(Tv 139:13-14)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét