27/12/2018
Thứ Năm
Ngày thứ ba trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Thánh Gio-an tông đồ, thánh sử.
Lễ kính
* Thánh Gioan
là người đã được sống thân mật với Chúa Kitô. Thánh nhân đã gặp gỡ Chúa Giêsu
bên bờ sông Giođan, được diễm phúc làm nhân chứng khi Chúa hiển dung trên núi
và hấp hối trong vườn Ghếtsêmani. Sáng ngày phục sinh, thánh Gioan là người đầu
tiên đã tin. Thánh nhân đã truyền lại chứng từ sáng ngời ấy trong các tác phẩm
của Người.
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 1, 1-4
“Chúng tôi loan truyền cho anh
em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy”.
Bắt đầu thư thứ nhất
của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, điều
đã có từ thuở ban sơ, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã sờ đến về Ngôi Lời hằng sống:
là sự sống đã tỏ hiện, và chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi làm chứng và chúng
tôi loan truyền cho các con sự sống đời đời đã có nơi Chúa Cha và đã tỏ hiện
cho chúng ta. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi loan truyền cho
các con, để các con hiệp nhất với chúng tôi, và chúng ta hiệp nhất với Chúa Cha
và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người. Chúng tôi viết các điều này để các con
vui mừng và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2.
5-6. 11-12
Đáp: Người hiền đức,
hãy vui mừng trong Chúa (c. 12a).
1) Chúa hiển trị, địa
cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả
chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Đáp.
2) Núi non vỡ lở như mẩu
sáp trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan
truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. – Đáp.
3) Sáng sủa bừng lên
cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy vui mừng
trong Chúa và hãy ca tụng thánh danh Người. – Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia!
– Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các
tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 2-8
“Môn đệ kia chạy nhanh hơn
Phêrô và đến mộ trước ông”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày thứ nhất trong tuần,
Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà
nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.
Bấy giờ Phêrô ra đi với
môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến
mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn,
nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy
khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với
khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến
trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Lễ Kính
Thánh Gioan Tông Ðồ
Thông thường người ta
đi chứ không chạy, người ta chỉ chạy khi có một xúc động mạnh thúc đẩy. Có nhiền
nguyên nhân gây nên xúc động: Có thể xúc động vì sợ hãi, kẻ thù đang đuổi bắt
sau lưng thì chẳng ai mà lại không chạy, hay tai họa sắp giáng xuống thì không
cần bảo người ta cũng tìm đường thoát thân. Xúc động còn do một sự lôi cuốn
thôi thúc như đang rảo bước nhưng bất chợt có điều lạ xảy ra trước mặt thì các
bước chân đều rầm rập chạy tới cho kịp để xem điều lạ ấy. Và xúc động hơn là
khi nghe tin người thân yêu đang gặp tai nạn hay nguy hiểm, nếu ở xa thì bằng mọi
giá phải quay về cho kịp thời, nếu ở gần thì tức tốc chạy đến nơi.
Trình thuật Tin Mừng
hôm nay cũng nói về hai cuộc chạy đua của hai Tông Ðồ Gioan và Phêrô. Tại sao họ
lại chạy mà không đi? Ðiều gì đã buộc họ chạy như thế? Các Tông Ðồ khi đến mồ
thấy mất xác Chúa Giêsu, bà Maria Madalena đã chạy đi báo tin cho các môn đệ.
Nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng
Gioan chạy đến trước. Hẳn là vì sức thanh niên trai tráng mà Gioan có thể chạy
nhanh hơn. Tuy nhiên, không đơn thuần như thế nhưng còn có một động lực khác buộc
ông phải chạy nhanh, đó là vì lòng yêu mến. Ðể được nhìn thấy Thầy đã sống lại,
tất cả các môn đệ đều nao nức bàng hoàng, nhưng sự bàng hoàng mang nhiều cường
độ sắc thái khác nhau, và dù sao đi nữa người được gọi là môn đệ yêu dấu thì sự
bàng hoàng phải lên đến tột độ. Sự bàng hoàng đã làm ông quên mất người bên cạnh,
chỉ khi đến mồ ông mới sực nhớ ra và ông đã nhường bước cho Phêrô.
Chỉ một thoáng diễn tả
của đoạn Tin Mừng trên, chúng ta cũng thấy được lòng mến của Thánh Gioan Tông Ðồ
đối với Chúa Giêsu như thế nào. Tin Mừng không nói lý do tại sao có sự mến yêu
đặc biệt này mà chỉ thuật lại diễn tiến.
Từ bước đầu, Gioan
cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là
Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã
từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy
và được biệt danh là con của "sấm sét" được gán cho hai anh em khi
hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp
đón Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách
này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ
không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài
hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã
sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ
còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn
kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối
Thầy.
Nhờ lòng kiên trung
này mà Gioan đã được thay mặt cho cả nhân loại và cho Chúa Giêsu. Thay mặt nhân
loại khi ông được gọi là "con của Mẹ", và thay mặt cho Chúa Giêsu khi
ông lãnh nhận trách nhiệm săn sóc cho Mẹ "Gioan đón nhận Bà về nhà mình".
Và cứ thế mà tình yêu chuyển lướt vào nơi ông, làm cho ông chỉ có một lòng
khăng khít sống mật thiết với Chúa, sẵn sàng bước theo Thầy mình đến cùng trong
cuộc sống của mình.
Sau khi xác Chúa được
táng trong mồ, lòng thánh nhân còn luôn hướng về đó. Vừa nghe tin xác Thầy bị mất,
ông liền vội vã chạy đến mồ, ông đã thấy và ông đã tin. Trong lúc các môn đệ
khác còn nghi ngờ vì tình yêu đã tạo một mối liên kết vô hình, không đòi hỏi
nhiều diễn tả. Thoạt nghe tiếng Ngài gọi ở trên bờ hồ Tibéria, ông đã nhận ra
Ngài. Tuy nhiên, Phêrô nhanh nhẹn nhận ra Thầy mình, và ông liền nhảy xuống biển
nhưng Phêrô lại không nhạy cảm bằng Gioan.
Trong ngày mừng kính
thánh Gioan Tông Ðồ hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết hun
đúc tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, để rồi chúng ta cũng sẽ nhạy cảm trước
những tiếng gọi của Ngài. Ðặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, lúc Vua tình yêu
đang giáng hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Ước gì chúng ta sẽ nghe tiếng gọi của
Ngài, và đến quì chầu bên máng cỏ để chiêm ngắm Vua Tình Yêu. Vì càng chiêm ngắm
chúng ta sẽ càng yêu mến Ngài, càng học biết được sự hiền lành và khiêm nhượng
của Ngài.
(Trích trong ‘Suy Niệm
Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 27 tháng 12, Lễ Thánh Gioan Tông Đồ
Bài đọc: I Jn
1:1-4; Jn 20:2-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Gioan
làm chứng cho Thiên Chúa.
Con người hành động là
hành động cho một mục đích. Thánh Gioan tuyên bố rất rõ ràng mục đích tại sao
ngài viết Sách Tin Mừng là để cho mọi người tin vào Đức Kitô; và vì tin, họ đạt
được cuộc sống đời đời” (Jn 20:31). Mục đích này cũng là mục đích tại sao ngài
làm chứng cho Đức Kitô trong Bài đọc I, để hiệp thông với con người và để con
người được hiệp thông với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi nhìn thấy Ngôi Mộ Trống,
người môn đệ Chúa Giêsu thương mến đã thú nhận: “Ông đã thấy và đã tin.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả
anh em nữa.
1.1/ Đức Kitô hiện hữu “từ
lúc khởi đầu:” Nếu chúng ta so sánh Sách Tin
Mừng (Jn 1:1) với câu đầu tiên của Thư Gioan I, chúng ta sẽ nhận ra ngay ý của
ngài khi nói về “lúc khởi đầu.”
Không phải chỉ bắt đầu
với sự hiện diện của Đức Kitô trong thế gian, nhưng sự hiện hữu từ nguyên thủy
của Ngài.
1.2/ Gioan làm chứng cho
Đức Kitô: “Điều chúng tôi đã nghe, điều
chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã
chạm đến, đó là Lời sự sống.” Thánh-sử Gioan dùng các động từ: nghe, thấy,
chiêm ngưỡng, chạm tới, ở thời quá khứ kép để làm chứng cho Đức Kitô. Để lời chứng
được hiệu nghiệm, người rao giảng cần có tất cả những kinh nghiệm này:
(1) Điều chúng tôi đã
nghe: Các tín hữu mong muốn nơi người rao giảng không phải là sự khôn ngoan hay
ý kiến cá nhân của người rao giảng, nhưng là Lời Chúa. Giống như các tiên-tri,
người rao giảng phải là người đã lắng nghe Thiên Chúa nói trước, rồi sau đó
chuyển thông lại cho dân chúng.
(2) Điều chúng tôi đã
nhìn thấy: Có một tín hữu sau khi nghe giảng, đã nói với vị linh mục: “Cha giảng
hôm nay như cha vừa nhìn thấy Chúa.” Dĩ nhiên, người rao giảng không được nhìn
Đức Kitô tận mắt như Thánh Gioan, nhưng ông có thể nhìn thấy Ngài bằng cặp mắt
đức tin.
(3) Điều chúng tôi đã
chiêm ngưỡng: Cái gì khác biệt giữa 2 động từ: nhìn thấy và chiêm ngưỡng Đức
Kitô? Động từ “nhìn thấy” trong tiếng Hy-Lạp (horan) chỉ cái nhìn thể
lý, nhìn thấy đối vật. Nhưng động từ “chiêm ngưỡng” trong tiếng Hy-Lạp (theasthai)
đòi thời gian lâu hơn để nhận ra những gì chính yếu nơi đối vật. Khi nói về
vinh quang của Thiên Chúa, Gioan cũng dùng động từ này: “Chúng tôi chiêm ngưỡng
vinh quang của Ngài” (Jn 1:14).
(4) Điều chúng tôi đã
chạm tới: Nhiều người cho lý do tại sao Thánh-sử Gioan viết những lời này là để
chống lại bè rối Docetism, những người cho Đức Kitô không thực sự mang thân xác
của con người. Một lý do nữa, để lời rao giảng có hiệu quả, người rao giảng cần
có kinh nghiệm sống thiết thực thì mới hiểu vấn đề, và dễ cảm thông với khán giả
hơn.
1.3/ Mục đích của việc
làm chứng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã
nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp
thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu
Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta
được nên trọn vẹn.”
(1) Để hiệp thông với
nhau và với Thiên Chúa: Khi Thánh Gioan rao giảng Tin Mừng, bằng bài giảng hay
bằng viết sách, ngài luôn có mục đích để hiệp thông với khán giả và đưa khán giả
tới Thiên Chúa.
(2) Để niềm vui được
trọn vẹn: Niềm vui là điều cốt tủy của Tin Mừng rao giảng. Nếu người rao giảng
chỉ mang tin buồn và gây thất vọng trong khán giả, đó không phải là Tin Mừng của
Đức Kitô. Dĩ nhiên, nhiều khi người rao giảng phải đánh thức lương tâm khán giả
để thúc đẩy họ tới việc ăn năn hối cải; nhưng một khi họ đã thú nhận tội lỗi, họ
phải cảm thấy niềm vui vì tội được tha và họ được giao hòa với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Ông đã thấy và đã tin.
Trình thuật hôm nay bắt
đầu Tin Mừng Phục Sinh theo Thánh Gioan: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,
lúc trời còn tối, bà Maria Magdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói:
“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia
chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những
băng vải còn ở đó, nhưng không vào.” Có 2 câu hỏi quan trọng liên quan đến
trình thuật này:
2.1/ Ai là người môn đệ
Chúa Giêsu thương mến? Đọc Tin Mừng Gioan, độc
giả sẽ thấy 6 lần tác giả dùng thành ngữ “người môn đệ yêu quí của Đức Giêsu”
(Jn 13:23-26, 19:25-27, 20:2-10, 21:7, 21:2-23, 21:24). Ai là người môn đệ này?
Có hai giả thuyết nêu ra:
(1) Chính là Gioan: Vì
không muốn nêu tên mình hay vì khiêm nhường, tác giả dùng thành ngữ này để ám
chỉ mình. Gioan là một trong ba người môn đệ gần gũi nhất với Chúa Giêsu, hai
người kia là Phêrô và Giacôbê, anh ruột của ông. Đây là giả thuyết có nền tảng
hơn cả.
(2) Có thể là bất cứ
môn đệ nào được Chúa yêu: Có người cho đây là hình ảnh của một Kitô hữu hòan
tòan: gần gũi với Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và giờ chết của Ngài, và là người
đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài sống lại.
2.2/ Tại sao người môn đệ
này lại để cho Phêrô vào trước?
(1) Vì Phêrô là người
lãnh đạo các Tông-đồ: Hành động của người môn đệ, tuy tới trước nhưng không
vào, nói lên sự tôn trọng quyền bính của ông. Giả thuyết này không có cơ sở vững
chắc lắm, vì trong Tin Mừng Gioan, không thấy nói tới quyền bính của Phêrô. Ngược
lại, Phêrô đã nhiều lần không nhận ra Chúa Giêsu ngay, và cần được nhắc khéo bởi
“người môn đệ yêu quí của Chúa Giêsu.”
(2) Vì tuyệt đỉnh của
trình thuật là người môn đệ tin Đức Kitô đã sống lại: “Bấy giờ người môn đệ
kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” Có người cho đây
là kiểu viết văn của Gioan: vì muốn chấm dứt trình thuật bằng lời tự thú của
người môn đệ, nên để cho Simon Phêrô vào trước. Hơn nữa, tác giả cũng muốn gởi
tới độc giả một lời khuyên nhủ: người nào yêu mến Đức Kitô nhiều bao nhiêu dễ
chạy nhanh hơn và nhận ra Ngài dễ hơn (Jn 21:7).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta có bổn phận
làm chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng và bằng cuộc sống chứng
nhân.
– Mục đích của việc
làm chứng là để cảm thông với con người và dẫn họ tới niềm tin vào Đức Kitô.
– Để lời rao giảng có
hiệu quả, chúng ta cần có một niềm tin mạnh mẽ và vững vàng nơi Đức Kitô, qua việc
lắng nghe, ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, và cảm nghiệm Ngài trong cuộc sống.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
27/12/2018 – THỨ NĂM, NGÀY 3 TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Gio-an, tông đồ
Ga 20,2-8
GẶP ĐẤNG PHỤC SINH
“Bấy giờ người môn đệ
kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,8)
Suy niệm: Truyền thống vẫn tin rằng
“người môn đệ kia,” “môn đệ được Chúa yêu” là chính thánh Gio-an tông đồ. Đối với
ông, tấm băng vải liệm xác Chúa xếp gọn một nơi bên trong mộ đá là bằng chứng Đức
Giê-su phục sinh như lời Ngài phán trước. Trong khi Ma-ri-a Mác-đa-la hốt hoảng,
Phê-rô không biểu cảm gì, thì Gio-an cho biết cách vắn gọn và chắc nịch: “Ông
đã thấy và đã tin.” Ông đáng yêu và được Chúa yêu một phần là vì lòng tin đơn
sơ và nhanh nhạy ấy.
Mời Bạn: Ơn đức tin được ban một
cách thật nghịch lý theo cái nhìn tự nhiên: Những kinh sư thông thạo Thánh Kinh
biết rõ Đấng Cứu Thế giáng sinh tại Bê-lem lại không đến kính thờ; Hê-rô-đê thì
tìm cách thủ tiêu Đấng Cứu Thế mới giáng sinh. Đang khi đó các mục đồng đơn sơ
nghèo hèn lại đến thờ lạy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Chúa mạc khải mầu
nhiệm của Ngài không phải cho những người thông thái mà cho những ai bé mọn (x.
Mt 11,25). Có thể vì ích kỷ, không muốn ai khuấy động sự an tĩnh của mình, có
thể vì sợ mất đặc quyền đặc lợi, và cũng có thể vì lười biếng không chịu tìm hiểu
dấu chỉ của thời đại… mà nhiều người đã không nhận ra Đấng Em-ma-nu-en, Thiên
Chúa ở cùng chúng ta. Bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Để có thể tìm gặp Đấng Phục Sinh hoặc Hài Nhi Giêsu
trong cuộc sống, bạn cần giữ được một tâm hồn trong trắng, yêu mến như Gio-an
và thái độ hăm hở vì Chúa như chị Ma-ri-a Mác-đa-la.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở
cặp mắt đức tin để con nhìn thấy những điều lạ lùng Chúa đang thực hiện trong
cuộc sống hằng ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Ông đã thấy và đã tin (27.12.2018
– Thứ Năm - Thánh Gioan, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng)
Suy niệm:
Gioan, ông là ai?
Tôi là một ngư phủ ở hồ Galilê, con ông Dêbêđê, người vùng Bếtsaiđa.
Tôi được Thầy Giêsu gọi khi đang vá lưới với cha trong thuyền (Mc 1, 20).
Tôi là người khá nóng tính, nên có lần đã bực bội và phản ứng mạnh mẽ
khi có người ngoài nhóm trừ quỷ nhân danh Thầy Giêsu (Mc 9, 38).
Cũng có lần tôi định xin lửa bởi trời xuống đốt cháy một làng Samaria
chỉ vì họ không đón tiếp Thầy trò chúng tôi (Lc 9, 54).
Thầy Giêsu gọi hai anh em tôi là con của thiên lôi cũng đúng (Mc 3, 17).
Ngoài ra chúng tôi cũng có nhiều tham vọng khi theo Thầy Giêsu.
Có lần chúng tôi xin Thầy cho hai anh em ngồi hai bên tả hữu (Mc 10, 37).
Tôi biết mình nhiều lần làm cho Thầy buồn,
nhưng Thầy vẫn chịu đựng và yêu mến tôi cách đặc biệt.
Thầy cho tôi được vào số các môn đệ thân tín (Mc 5, 37; 9, 2; 14, 33).
Gioan, ông là ai?
Nếu bạn muốn thì tôi xin tự nhận
tôi là người môn đệ được Thầy Giêsu mến thương.
Dĩ nhiên Thầy thương mọi môn đệ,
nhưng tôi vẫn cảm được tình thương đặc biệt Thầy dành cho tôi.
Trong bữa ăn tối, khi Thầy rửa chân cho môn đệ, tôi dám tự hào,
có ai được diễm phúc nằm gần ngực Thầy như tôi (Ga 13, 23. 25; 21, 20).
Tôi đã sống trọn vẹn với Thầy trong những giờ phút vượt qua.
Tôi đã cùng Phêrô vào dinh thượng tế (Ga 18, 15),
và đứng gần bên thập giá của Thầy để đón lời trăng trối (19, 26-27).
Tôi đã nhìn thấy tận mắt mũi giáo đâm cạnh sườn Thầy
khiến máu và nước chảy ra (19, 35).
Tôi cũng là người hốt hoảng chạy đến mộ lúc sáng sớm
khi nghe Maria Mácđala báo tin mất xác Thầy (20, 2).
Nhưng khi đi vào trong mộ, thấy các băng vải quấn xác Thầy còn để đó,
và khăn che đầu được cuốn lại và xếp gọn một bên (20, 7),
tôi được ơn soi sáng để hiểu ngay Thầy đã sống lại (20, 8),
bởi vì tôi chợt nhớ lúc Ladarô được hoàn sinh ra khỏi mồ,
anh còn bị lúng túng trong mớ khăn và băng vải (Ga 11, 44).
Tôi đã thấy và đã tin Thầy của tôi được Thiên Chúa phục sinh,
giải thoát Thầy khỏi phiến đá che mộ và đồ liệm xác vướng víu.
Tôi đã tin dù lần ấy tôi chưa gặp Thầy.
Sau này có lần tôi gặp lại thầy ở Biển Hồ quen thuộc (Ga 21, 2. 7).
Qua một đêm trắng tay, chúng tôi đánh được một mẻ cá lớn bất ngờ,
tôi cũng được ơn nhận ra Thầy trước tiên, và nói với Phêrô: Chúa đó!
Thật ra, tôi cũng chẳng hơn gì anh Phêrô,
nhưng vì Chúa thương tôi, nên đôi khi tôi bén nhậy hơn anh ấy.
Gioan, ông là ai?
Tôi là một ngư phủ vùng Galilê, ít học, ít suy nghĩ chuyện cao siêu.
Nhưng tôi biết mình được một ơn mà nhiều người thèm muốn.
Đó là ơn được sống cận kề với Thầy Giêsu.
Thầy là một mầu nhiệm mà tôi nào có hiểu ngay từ đầu khi ở bên Thầy.
Nhờ được sống lâu, nhờ suy niệm dưới ánh sáng của Thánh Thần,
tôi thấy mình dần dần được đưa vào mầu nhiệm sâu hun hút và lôi cuốn.
Từ từ tôi nhận ra Thầy là ai: Thầy quá lớn lao nhưng lại rất gần gũi.
Tôi tin Thầy là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Lời, mang thần tính như Cha,
nhưng Ngôi Lời ấy đã mang xác thịt yếu đuối như tôi (Ga 1, 14).
Ngài đã ở bên chúng tôi như một người thầy, một người bạn.
Không ai đã thấy Thiên Chúa vinh quang bao giờ,
nhưng chúng tôi đã có thể thấy tận mắt và chiêm ngưỡng (1 Ga 1,1),
và tay chúng tôi có thể chạm đến một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt.
Hạnh phúc khôn tả này, tôi không thể giữ riêng cho mình.
Tôi muốn loan báo cho anh em để hiệp thông và chung vui (1 Ga 1, 3-4).
Tôi muốn làm chứng về mầu nhiệm và muốn viết ra thành sách (Ga 21, 24).
Xin mọi người biết cho rằng mọi điều được viết là xác thực.
Tôi đã không làm chứng bằng cái chết như anh Phêrô,
nhưng tôi làm chứng bằng lời tôi viết.
Dù ai có nói gì về tôi, có ca ngợi về sự biến đổi kỳ diệu nơi tôi,
từ một kẻ nóng tính, háo danh, thô thiển,
đến một người đắm chìm trong chiêm niệm về một tình yêu quá lớn,
tôi cũng chỉ xin mình được mãi mãi nhìn nhận
như người được Thầy Giêsu mến thương.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG MƯỜI HAI
Chúng Ta Phải Học Lấy
Tấm Lòng Của Chúa Hài Nhi
Trẻ em nắm bắt mầu nhiệm
Giáng Sinh khá dễ dàng, dù mầu nhiệm này sâu xa đến nỗi một người lớn cũng sẽ
chẳng bao giờ thấu triệt được nó. Để hiểu mầu nhiệm Giáng Sinh, về một số
phương diện nào đó, chúng ta phải là trẻ em mãi mãi. Chúng ta phải nên giống như
trẻ em bé bỏng – như lời Chúa Giêsu – thì mới có thể vào được Nước Trời (cf. Mt
10,15). Chúng ta phải có tấm lòng của trẻ em – để có thể hiểu được mầu nhiệm
Giáng Sinh.
Vì Giáng Sinh tiên vàn
là ngày lễ của tấm lòng. Nó nói cho chúng ta về tấm lòng của Thiên Chúa trong
việc trao ban Đức Kitô cho chúng ta. Thật vậy, Đức Kitô đã trở thành một em bé
để dạy cho chúng ta về tấm lòng.
Tấm lòng này bao gồm
tình yêu và niềm vâng phục của chúng ta trong tư cách là con cái Thiên Chúa. Nó
có nghĩa là yêu mến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, yêu mến mọi người,
và tuân phục các điều răn của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27/12
NGÀY THỨ BA TUẦN BÁT
NHẬT GIÁNG SINH.
THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ,
TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
1 Ga 1: 1-4; Ga 20:
1a. 2-8
LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ người
môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”
Trong ngày kính Thánh Gioan Tông Đồ, Giáo Hội cho người tín hữu nghe câu chuyện
Chúa Giêsu Phục Sinh, trong câu chuyện này cho chúng ta thấy được tình yêu của
bà Maria Mácđala và tình yêu của thánh Gioan Tông Đồ đối với Chúa Giêsu. Với bà
Maria Mácđala, bà trong chờ cho trời sáng để ra mộ và khi thấy ngôi mộ trống bà
đã chạy về gặp Phêro và Gioan, còn Gioan đi vào trong mộ, quan sát kỷ, hồi tưởng
lại những điều Chúa Giêsu đã nói trước đó, Gioan đã tin.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con có con mắt và tâm tình luôn
hướng về Chúa để nhận ra sự hiện hữu của Chúa, qua những tạo vật trong thiên
nhiên, những biến cố đang xãy ra trong cuộc sống và trong xã hội.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-12: Thánh
GIOAN TÔNG ĐỒ
THÁNH SỬ ( ? -100)
Gioan là tông đồ yêu dấu,
tông đồ tình yêu mà trong bữa tiệc ly đã dựa đầu vào lòng Chúa Giêsu. Mọi điều
Ngài viết là tình yêu. Nhưng Ngài cũng là ngư phủ thô kệch hăng hái và bồng bột
khi Chúa gọi làm môn đệ, đến nỗi Chúa Giêsu gọi là “con cái sấm sét” (Mc 3,7).
Gioan là ngư phủ ở
Galilê, con của ông Giêbêđê và bà Salomê. Năm 20 tuổi, Ngài là môn đệ của thánh
Gioan tẩy giả đang giảng dạy trong sa mạc. Ngài tìm kiếm sự hoàn thiện. Gioan tẩy
giả đã thấy Chúa Thánh Thần xuống trên Chúa Kitô và loan báo cho mọi người rằng
Người ở giữa họ, nhưng người ta không nhận biết Người. Ngày kia, Chúa Giêsu đi
qua, Gioan tẩy giả chỉ cho Gioan và Anrê: “Đây là chiên Thiên Chúa”. Lập tức,
hai ông đã theo Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã yêu
thương Gioan cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và thành tín của Ngài. Ở
trường học Thần Linh, Ngài tự biến đổi, thủ đắc tinh thần hiền hậu, học được đức
ái chân thật và tiến tới tinh thần hy sinh. Gioan cùng với anh là Giacôbê, cũng
như mỗi người đều tin rằng, Chúa Giêsu sắp tái lập vương quyền và họ xin Người
cho họ được giữ những chỗ danh dự trong ngày vinh quang của thày. Nhưng Chúa
Giêsu đã từng nói vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này và đã trả lời bằng
việc trao thánh giá cho họ: “Các con có thể uống chén Ta không ?” Đầy nhiệt
tâm, họ trả lời: “Dạ được”. Như thế là họ biết rằng, việc chia sẻ vinh quang sẽ
tiếp sau việc chia sẻ đau khổ.
Suốt ba năm sống công
khai của Chúa Giêsu, Gioan không rời thày mình. Ngài có mặt khi thầy làm phép lạ
và tâm sự với thày bằng những lời mang lại sự sống. Ngài đã thấy thầy chói sáng
trên núi Tabor. Với kỷ niệm này, Gioan viết rằng: “Chúng tôi đã thấy vinh quang
Con Một Thiên Chúa Cha: Chúa Giêsu đã chọn Ngài với Phêrô để dọn lễ Vượt qua,
và trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói những lời mà Gioan không bao giờ quên
được. Ngài sẽ ghi lại diễn từ ấy trong sách Phúc âm của mình.
Chỉ có một mình Gioan
trong số 12 tông đồ trung thành theo Chúa Giêsu tới thánh giá. Ngài đứng cạnh Mẹ
Maria. Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Maria: “Này là con bà”, và với Gioan: “này là Mẹ
con”. Và mọi người đã trở thành con mẹ trong con người của Gioan.
Sau phục sinh. Maria
Madalêna không thấy xác thày và hớt hả đi báo tin. Tình yêu như chắp cánh thêm,
Gioan đã chạy tới mồ trước, nhưng vì tôn trọng thủ lãnh các tông đồ, nên đã dừng
lại trước khi cúi nhìn mộ (Ga 20,1-8)
Vì ngày sau, khi Gioan
cùng với các môn đệ khác đi đánh cá, Chúa Giêsu hiện ra. Được tình yêu soi
sáng, Gioan đã nhận ra thày và thốt lên: “Chúa đấy” (Ga 21,1-8)
Sau khi nhận lấy Chúa
Thánh Thần trong dịp lễ Ngũ Tuần, Gioan ở lại Giêrusalem, người ta nghĩ rằng,
Ngài sống với Đức Trinh nữ. Ngày kia, Ngài cùng với thánh Phêrô vào đền thờ cầu
nguyện. Một người què xin bố thí, các tông đồ đã chữa lành anh ta (Cv 3,1-8).
Các thủ lãnh bắt giam các Ngài, cấm không được rao truyền danh Chúa Giêsu, các
tông đồ đã trả lời: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người ” (Cv
4,1-20). Một lần khác, Gioan bị bắt và bị đánh đòn, Ngài hãnh diện khi thấy
mình được chịu đau khổ vì Chúa Kitô.
Gioan sống rất thọ và
trải qua nhiều thử thách gian khổ. Những người chung quanh không biết Chúa Kitô
bớt lần. Chắc hắn Ngài sống ở Antiokia rồi ở Ephêssô. Hoàng đế Domitianô đã
truyền bách hại các Kitô hữu. Từ đây, tường thuật không có mấy giá trị lịch sử.
Sử sách kể lại rằng, khi biết còn một môn đệ chót của Chúa Giêsu sống và giảng
dạy ở Á Châu, ông truyền đem về Roma để kết án tử. Người ta đánh đòn Ngài rồi dẫn
tới cửa La-tinh và dìm vào vạc dầu sôi. Thật lạ lùng, Ngài đi ra không hề hấn
gì. Quan án xúc động không dám hành hạ Ngài nữa và truyền đày ải ở đảo Patnmô.
Vị tông đồ rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho dân trên đảo. Chính ở đây mà Ngài
có được thị kiến và lãnh mệnh lệnh ghi lại trong sách “Khải huyền”. Những cao
siêu mà vị tông đồ vươn tới, đã làm cho Ngài được ví như cánh chim phượng hoàng
bay bổng trên trời cao. Dầu vậy, có thể sách Khải huyền đã cho một môn đệ của
Gioan viết.
Khi hoàng đế bằng hà,
những người bị lưu đày được gọi trở về, và Gioan trở lại Ephêsô. Một kỷ niệm cảm
động liên quan tới những chuyến hành trình của Ngài. Trong một cuộc du hành,
Ngài đã rửa tội cho một thiếu niên, rồi trao phó cho vị giám mục sở tại. Nhưng
khi trở về, Ngài được vị giám mục buồn sầu cho biết rằng con trẻ này đã thành kẻ
cướp. Lập tức, dầu già nua, Gioan đã và cỡi ngựa đi tìm đứa con.
Khi thấy Ngài, người
đó chạy trốn. Vị tông đồ đuổi theo và khuyên nhủ: – “Con ơi, tại sao con chạy
trốn cha già không có khí giới ? Còn hy vọng được cứu rỗi, cha sẽ vui lòng chết
cho con như Chúa Giêsu sai cha đến với con”.
Tên cướp xúc động ngừng
lại, bởi khí giới: chàng khóc trong tay cha già đang ôm chặt chàng vào lòng và
dẫn chàng về với Giáo hội.
Gioan trở thành ánh
sáng vùng Tiểu á, đến lúc đó Ngài vẫn lớn tiếng giảng dạy, nhưng những lạc thuyết
đang lộ diện giữa Giáo hội sơ khai. Nhưng kiến sĩ giả hiệu làm biến tính Phúc
âm của thánh Matthêu, chối Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Để bác bỏ những
sai lầm, vừa để bổ túc ba Phúc âm đã xuất hiện, Ngài viết cuốn thứ tư, trong
đó, tình yêu Chúa Kitô đốt cháy lòng Ngài. Còn ba bức thư nữa thuộc về Ngài. Bức
thư thứ I tóm tắt trọn mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu”. “Chúng ta biết rằng:
Thiên Chúa đã có, bây giờ chúng ta biết Ngài là ai. Ngài là cha yêu thương ta hết
lòng và đòi ta yêu nhau”. Và hướng ta về thực tại không thể kể ra được, Ngài
nói: “các con thân yêu, ngay từ giờ này, chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng ngày
mai chúng ta như thế nào thì chưa tỏ lộ ra”.
Về già, không đi được
nữa, Ngài được mang tới nhà thờ. Ngài thường lặp lại: “các con hãy yêu thương
nhau”. Thấy Ngài nói mãi một điều, người ta kêu ca và Ngài trả lời: “Đó là lệnh
truyền của Chúa, và như vậy là đủ”.
Thánh Gioan là bổn mạng
các văn sĩ và mọi người cầm viết.
(daminhvn.net)
27 Tháng Mười Hai
Ngạc Nhiên
Tại miền Provence
thuộc miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Ða số các nhân vật
trong máng cỏ, du khách thường để ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở
ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế
mà người ta đặt tên cho nhân vật này là “ngạc nhiên”.
Người địa phương
thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu
chuyện như sau: Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa,
đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là “ngạc nhiên” này, bởi vì anh ta
không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ
sỉ vả anh như sau: “Mày không biết xấu hổ sao? Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà
không mang theo gì cả?”.
Nhưng con người có
tên là “ngạc nhiên” ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt của anh vẫn mở to
và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.
Những lời rủa sả cứ
tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho
anh như sau: “Quả thực anh “ngạc nhiên” đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn
tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của
anh! Ðiều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của
anh”.
Và Ðức Mẹ kết luận
như sau: “Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh
“ngạc nhiên”, biết ngây ngất vì ngạc nhiên”.
Người ta thường nói:
“ngạc nhiên” là khởi đầu của khám phá. Có biết ngạc nhiên, có biết đặt câu hỏi,
người ta mới đặt ra giả thuyết rồi mới tìm tòi, khảo sát và khám phá… Sự tiến bộ
của loài người bắt nguồn từ chính sự ngạc nhiên.
Trong lĩnh vực siêu
nhiên cũng thế, Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng biết ngạc nhiên, biết
chiêm ngắm để khám phá ra Tình Yêu bao la của Ngài. Cả vũ trụ là một quyển sách
luôn được mở ra để mời gọi con người tìm đọc được Lời Ngỏ yêu thương của Chúa.
Lịch sử của nhân loại, cuộc đời của mỗi người cũng là một kỳ công, qua đó Thiên
Chúa không ngừng bày tỏ Tình Yêu của Ngài.
Ðức Kitô Phục Sinh
mang lại cho chúng ta sức sống mới với đôi mắt mới. Với đôi mắt mới ấy, chúng
ta không ngừng được mời gọi để đi vào sự ngạc nhiên và ngây ngất trước Tình Yêu
của Thiên Chúa. Tình Yêu ấy nhiệm màu đến nỗi chúng phải vượt qua nhãn giới
bình thường của chúng ta để nhìn thấy được và cảm nếm được những gì không nằm
trong sự đo lường, tính toán của chúng ta. Do đó, người có cái nhìn ngạc nhiên
và ngây ngất luôn phó thác cho Tình Yêu của Chúa… Trong lúc thịnh vượng, họ thốt
lên lời ca chúc tụng tri ân đã đành, mà đứng trước thất bại, khổ đau, mất mát,
họ vẫn có thể nhìn ra dấu ấn Tình Yêu của Chúa.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina:
Thánh Gioan Tông Đồ, Phúc Âm Thánh Sử
Thứ Năm 27 Tháng Mười
Hai, 2018
Tuần Bát Nhật Giáng
Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa
chúng con, Chúa chính là tình yêu.
Chúng con biết rằng
Chúa yêu thương chúng con trước, trước cả khi chúng con có thể yêu thương Chúa.
Xin hãy để cho kinh
nghiệm không thể quên này của “người tông đồ Chúa yêu” Gioan cũng trở thành
kinh nghiệm sâu sắc và lâu dài của chúng con.
Nguyện xin cho tình
yêu mà Chúa đã cho chúng con thấy trong Con của Chúa, Đức Giêsu Kitô, khiến cho
chúng con đáp trả lại tình yêu Chúa một cách thiết tha và đổ tràn đầy trên tất
cả những người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Gioan 20:2-8
Ngày thứ nhất trong tuần,
lúc trời con tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến.
Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ
để Người ở đâu.”
Ông Phêrô và môn đệ
kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh
hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm
khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào.
Bấy giờ Simon Phêrô
theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó,
và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với khăn liệm xác, nhưng
đã cuốn lại, xếp riêng ra một chỗ.
Bấy giờ người môn đệ
kia, đã đến mộ trước, cũng đi vào; ông đã thấy và đã tin.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một
đoạn văn từ sách Tin Mừng Gioan nói về Người Môn Đệ Chúa Yêu. Có lẽ, văn
bản này đã được lựa chọn để đọc và suy niệm vào ngày hôm nay, lễ kính thánh
Gioan Tông Đồ, Phúc Âm Thánh Sử, để xác định ngay rằng, tất cả chúng ta đều là
người môn đệ Chúa yêu cùng với thánh Tông Đồ Gioan. Nhưng điều lạ là
trong sách Tin Mừng Gioan không có một đoạn văn nào nói rằng người môn đệ Chúa
yêu là Gioan. Nhưng sau đó, từ thời Giáo Hội sơ khai, nó đã luôn được khẳng
định trong việc xác định cả hai người. Đây là lý do tại sao mà trong khi
nhấn mạnh vào sự tương đồng giữa hai người, chúng ta có rủi ro làm mất đi một
khía cạnh rất quan trọng của sứ điệp Tin Mừng liên quan đến người môn đệ Chúa
yêu.
– Trong Tin Mừng Gioan, người môn đệ Chúa yêu đại diện
cho cộng đoàn mới được thành lập chung quanh Chúa Giêsu. Chúng ta thấy
Người Môn Đệ Chúa Yêu đứng dưới chân Thánh Giá, cùng với Đức Maria, mẹ Chúa
Giêsu (Ga 19:26). Đức Maria đại diện cho Dân Chúa của Cựu Ước. Vào
cuối thế kỷ thứ nhất, khi mà việc soạn thảo cuối cùng của Tin Mừng Gioan được
biên soạn, đã có cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Hội Đường Do Thái giáo
và Giáo Hội. Một số Kitô hữu đã muốn từ bỏ Cựu Ước và chỉ duy trì hay giữ
lại phần Tân Ước. Dưới chân Thánh Giá, Chúa Giêsu nói với Đức
Maria: “Thưa Bà, đây là con Bà!” và nói với Người Môn Đệ Yêu Dấu:
“Này anh, đây là mẹ của anh!” Và cả hai phải đi cùng với nhau như mẹ và
con. Tách rời Cựu Ước ra khỏi Tân Ước, vào thời bấy giờ mà ngày nay chúng
ta gọi là tách rời đức tin (Tân Ước) và sự sống (Cựu Ước).
– Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô và Người Môn
Đệ Chúa Yêu, được thông báo bởi lời chứng của bà Maria Mađalêna, cùng nhau chạy
ra Mộ Thánh. Người thanh niên thì chạy nhanh hơn người già và
đến mộ trước. Ông nhìn vào ngôi mộ, quan sát mọi việc, nhưng không bước
vào. Ông để cho ông Phêrô vào trước. Điều này chỉ ra rằng cách mà
Tin Mừng mô tả phản ứng của hai môn đệ trước những gì mà cả hai người cùng nhìn
thấy: “Ông vào thẳng trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che đầu
Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn lại, xếp
riêng ra một chỗ. Bấy giờ người môn đệ kia, đã đến mộ trước, cũng đi vào;
ông đã thấy và đã tin.” Cả hai ông đều đã nhìn thấy cùng một sự việc,
nhưng Tin Mừng lại chỉ nói về Người Môn Đệ Chúa Yêu rằng ông
đã tin: “Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã
tin.” Tại sao vậy? Chẳng lẽ ông Phêrô đã không tin?
– Người Môn Đệ Chúa Yêu nhìn, thấy theo một cách
khác, ông cảm nhận nhiều hơn những người khác. Ông có một cái nhìn yêu
thương cảm nhận được sự hiện diện mới lạ của Chúa Giêsu. Buổi sáng sau một đêm
làm việc, tìm lưới cá và, rồi thì việc lưới được cá cách kỳ diệu, chính ông,
người môn đệ Chúa yêu đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu và nói rằng:
“Chính Chúa đó!” (Ga 21:7). Nhân dịp đó, ông Phêrô được thông báo bằng lời
khẳng định của Người Môn Đệ Chúa Yêu, cũng nhận ra được và bắt đầu hiểu.
Phêrô học được từ Người Môn Đệ Chúa Yêu. Sau đó, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần:
“Phêrô, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21:15,16,17). Cả ba lần Phêrô đều
trả lời rằng: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy!” Sau lần thứ
ba, Chúa Giêsu giao phó đoàn chiên cho ông Phêrô chăm sóc, và trong giây phút đó,
ông Phêrô cũng trở thành “Người Môn Đệ Chúa Yêu”.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Tất cả chúng ta hôm nay, những người tin vào Chúa
Giêsu, là Các Môn Đệ Chúa Yêu. Tôi có cùng cái nhìn yêu thương để cảm nhận
được sự hiện diện của Thiên Chúa và tin vào sự Phục Sinh của Người không?
– Tách rời Cựu Ước ra khỏi Tân Ước thì cũng giống như
tách rời Đức Tin và Sự Sống. Tôi hành động và sống điều này như thế nào
hôm nay?
5. Lời nguyện kết
Núi tan chảy như sáp,
khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể toàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người
là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy
vinh quang Người.
(Tv 97:5-6)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét