Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ, Phần 1, Chương 1


Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ, Phần 1, Chương 1
Vũ Văn An
22/Dec/2018


PHẦN I: "NGƯỜI CÙNG ĐI VỚI HỌ"

5. "Và, kìa, cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Chúa Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ"(Lc 24: 13-15).
Trong đoạn văn trên, tin mừng gia như chụp hình hai người hành hương đang cần tìm ý nghĩa cho các sự kiện họ đã sống qua. Ngài nhấn mạnh thái độ của Chúa Giêsu, Đấng cùng đi với họ. Đấng Phục sinh muốn cùng bước đi với mỗi người trẻ, khi đón nhận các kỳ vọng của họ, kể cả các kỳ vọng hão, và các hy vọng của họ, kể cả các hy vọng không phù hợp. Chúa Giêsu cùng bước đi, lắng nghe, chia sẻ.

Chương I: Một Giáo Hội lắng nghe

Nghe và nhìn một cách tương cảm

Giá trị của việc lắng nghe

6. Lắng nghe là cuộc gặp gỡ của tự do, một cuộc gặp gỡ đòi sự khiêm tốn, kiên nhẫn, sẵn sàng có đó để hiểu và cam kết triển khai các đáp ứng một cách mới mẻ. Lắng nghe biến đổi trái tim của những người sống nó, nhất là khi người ta tự đặt mình vào thái độ hài hòa nội tâm và ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần. Do đó, đây không chỉ là vấn đề thu thập thông tin hay chiến lược đạt mục tiêu, mà là hình thức qua đó chính Thiên Chúa bước vào tương quan với dân Người. Thật vậy, Thiên Chúa nhìn thấy sự khốn cùng của dân Người và Người lắng nghe tiếng than van của họ, Người tự để mình bị xúc động bên trong và xuống thế để giải thoát họ (xem Xh 3: 7-8). Do đó, Giáo hội, nhờ việc lắng nghe, bước vào sự chuyển dịch của Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Con, đã đến gặp gỡ từng con người nhân bản.

Các người trẻ muốn được lắng nghe

7. Những người trẻ liên tục được kêu gọi thực hiện các lựa chọn có thể hướng dẫn cuộc sống của họ; họ bày tỏ ước muốn được lắng nghe, được công nhận, được đồng hành. Nhiều người cho rằng tiếng nói của họ không được coi là đáng nghe hoặc hữu ích trong các môi trường xã hội và giáo hội. Trong một số tình huống, người ta ít chú ý đến tiếng than của họ, nhất là tiếng than của những người nghèo nhất và bị bóc lột, và ít người lớn nào tự chứng tỏ là sẵn có đó và có khả năng lắng nghe họ.

Lắng nghe trong Giáo hội

8. Trong Giáo hội, không thiếu những sáng kiến và kinh nghiệm đã được củng cố qua đó người trẻ có thể cảm nghiệm được việc chào đón, lắng nghe và làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe. Tuy nhiên, Thượng hội đồng công nhận rằng cộng đồng giáo hội không phải lúc nào cũng làm hiển hiện thái độ mà Đấng Phục sinh đã có đối với các môn đệ Emmau khi, trước lúc dùng Lời Chúa soi sáng cho họ, Người đã hỏi họ: "Các bạn đang trao đổi điều gì khi khi đi đường vậy? "(Lc 24, 17). Xu hướng thjịnh hành lúc đó là cống hiến các câu trả lời có sẵn và đề ra các công thức làm sẵn, không để các câu hỏi của những người trẻ tuổi xuất hiện trong sự mới lạ của chúng hoặc nắm bắt những gì chúng có tính khiêu khích.

Lắng nghe làm khả hữu việc trao đổi ơn phúc trong bối cảnh tương cảm. Nó cho giúp người trẻ cống hiến một điều gì đó cho cộng đồng, bằng cách giúp cộng đồng nhận thức được các nhạy cảm mới mẻ và tự đặt cho mình các câu hỏi chưa ai hỏi. Đồng thời, nó đặt ra các điều kiện cho một việc công bố Tin Mừng có thể thực sự làm mủi lòng người, một cách thấm thía và phong phú.

Lắng nghe các mục tử và giáo dân có tư cách

9. Lắng nghe là một khoảnh khắc làm tăng giá trị thừa tác vụ của các mục tử và, trước nhất, thừa tác vụ của các giám mục, những người thường quá bận bịu và khó có thể tìm ra thì giờ cần thiết cho việc phuịc vụ không thể thiếu này. Nhiều vị nêu lên việc thiếu các chuyên gia chuyên chăm việc đồng hành. Việc tin vào giá trị thần học và mục vụ của lắng nghe ngụ ý phải duyệt lại và đổi mới các hình thức qua đó, thừa tác vụ linh mục thường được thể hiện, cũng như phải biện phân các ưu tiên của nó. Ngoài ra, Thượng hội đồng nhận ra sự cần thiết phải chuẩn bị các người tận hiến và các giáo dân, cả đàn ông lẫn đàn bà, để họ có đủ điều kiện để đồng hành với người trẻ. Đặc sủng lắng nghe, mà Chúa Thánh Thần làm xuất hiện trong các cộng đồng, cũng có thể nhận được một hình thức công nhận có tính định chế mhằm việc phục vụ giáo hội.

Sự đa dạng của các bối cảnh và các nền văn hóa

Một thế giới ở số nhiều

10. Chính thành phần của Thượng hội đồng đã làm hiển thị sự hiện diện và cống hiến của các miền khác nhau trên thế giới, bằng cách làm nổi bật vẻ đẹp của việc trở thành một Giáo hội hoàn vũ. Mặc dù bối cảnh hoàn cầu hóa ngày càng gia tăng, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu làm nổi bật nhiều sự khác biệt giữa các bối cảnh và nền văn hóa khác nhau, ngay trong một quốc gia. Có rất nhiều thế giới người trẻ, đến nỗi ở một số quốc gia, người ta có xu hướng sử dụng thuật ngữ "tuổi trẻ" ở số nhiều. Hơn nữa, nhóm tuổi được Thượng hội đồng này lưu tâm (16-29 tuổi) không đại diện cho một khối đồng nhất, nhưng bao gồm các nhóm sống trong các tình huống đặc thù.

Tất cả những dị biệt này tác động sâu sắc đến trải nghiệm cụ thể của người trẻ: thực thế, chúng liên quan đến các giai đoạn khác nhau của tuổi biến hóa, các hình thức kinh nghiệm tôn giáo, cấu trúc gia đình và tầm quan trọng của nó đối với việc thông truyền đức tin, các tương quan liên thế hệ - thí dụ, vai trò của người lớn tuổi và sự tôn trọng phải có đối với họ - các phương thức tham gia vào đời sống xã hội, thái độ đối với tương lai, vấn đề đại kết và liên tôn . Thượng hội đồng công nhận và hoan nghênh sự phong phú của tính đa dạng nơi các nền văn hóa và tự đặt mình vào việc phục vụ sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Những thay đổi hiện có

11. Sự khác biệt liên quan đến các động lực giữa các quốc gia có sinh suất cao, nơi người trẻ chiếm tỷ lệ đáng kể và ngày càng gia tăng trong dân số, và các quốc gia đang chú trọng đến việc giảm dân số, mang một tầm quan trọng đặc biệt. Một sự khác biệt khác bắt nguồn từ lịch sử, theo đó các quốc gia và lục địa thuộc truyền thống Kitô giáo cổ xưa, nơi văn hóa mang một ký ức cần được bảo tồn, thật khác với các quốc gia và lục địa được đánh dấu, ngược lại, bằng các truyền thống tôn giáo khác, nơi Kitô giáo chỉ hiện diện như một thiểu số, và đôi khi, chỉ mới có gần đây. Vả lại, tại các lãnh thổ khác, các cộng đồng Kitô giáo và người trẻ thuộc các cộng đồng này còn bị đàn áp.

Loại trừ và bị đẩy ra bên lề

12. Cũng có những khác biệt giữa các quốc gia và trong từng quốc gia do cấu trúc xã hội và sự sẵn có về kinh tế phát sinh nhằm tách biệt, đôi khi rất rõ nét, giữa những người càng ngày càng có quyền nhận được các cơ hội do việc hoàn cầu hóa cung cấp, và những người sống bên lề xã hội hoặc trong thế giới nông thôn và chịu tác dụng của các hình thức loại trừ và bác bỏ khác nhau. Nhiều can thiệp đã báo động rằng Giáo hội cần phải can đảm đứng về phía họ và tham gia vào việc thực hiện các giải pháp thay thế nhằm loại bỏ các hình thức loại trừ và đẩy họ ra bên lề, bằng cách tăng cường việc tiếp nhận, đồng hành và hội nhập. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ý thức được sự thờ ơ vốn là đặc điểm của lối sống nơi nhiều Kitô hữu, để vượt qua nó bằng cách thâm hậu hóa chiều kích xã hội của đức tin.

Đàn ông và đàn bà

13. Người ta không nên quên sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, với những ơb phúc đặc thù, các nhạy cảm chuyên biệt và các trải nghiệm của họ về thế giới. Trong khuôn khổ khác nhau này có thể phát sinh các hình thức thống trị, loại trừ và kỳ thị mà các xã hội và Giáo hội cần phải tự giải phóng khỏi.

Sách thánh trình bày người đàn ông và người đàn bà như đối tác bình đẳng trước Thiên Chúa (St 5: 2): mọi thống trị và kỳ thị dựa trên giới tính đều xúc phạm đến phẩm giá con người. Sách Thánh cũng cho thấy sự khác biệt giữa hai giới tính như một mầu nhiệm cấu thành ra hữu thể con người mà ta không thể giản lược theo các tiên mẫu (stéréotypes). Mối tương quan giữa nam và nữ cũng được hiểu theo nghĩa của một ơn gọi cùng sống với nhau trong tính hỗ tương và đối thoại, trong sự hiệp thông và sinh hoa trái (xem St 1: 27-29, 2: 21-25), và việc này trong mọi khía cạnh của kinh nghiệm con người: cuộc sống lứa đôi, việc làm, giáo dục và các khía cạnh khác. Chính Thiên Chúa đã giao phó trái đất cho liên minh của họ.

Thực dân văn hóa

14. Nhiều Nghị Phụ Thượng Hội Đồng phát xuất từ các môi trường không phải là Tây Phương cảnh báo rằng, tại đất nước họ, việc hoàn cầu hóa mang theo nó các hình thức thực dân văn hóa thực sự; các hình thức này nhằm làm mất gốc người trẻ, xa rời các thống thuộc văn hóa và tôn giáo mà từ đó họ vốn phát sinh. Cam kết của Giáo hội là điều cần thiết để đồng hành với họ trong giai đoạn chuyển tiếp này để họ không đánh mất các đặc điểm quý giá nhất trong bản sắc của họ.

Diễn trình thế tục hóa dẫn đến những cách giải thích rất khác nhau. Trong khi một số người sống nó như một cơ hội quý giá để tự thanh lọc bản thân mình khỏi thứ lòng đạo theo thói quen, hoặc dựa trên bản sắc sắc tộc và quốc gia, thì nhiều người khác lại coi đó như một trở ngại cho việc thông truyền đức tin. Trong các xã hội đã tục hóa, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tái khám phá về Thiên Chúa và linh đạo. Điều này khuyến khích Giáo hội tái khám phá tầm quan trọng của năng động tính thích hợp với đức tin, việc công bố và đồng hành mục vụ.

Kỳ Sau: Phần I, Chương 1 tiếp theo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét