26/01/2019
Thứ Bảy tuần 2 thường niên
Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục.
Lễ nhớ
* Cùng với thánh
Luca, thánh Timôthê và thánh Titô là những cộng tác viên trung thành của thánh
Phaolô. Mẹ thánh Timôthê là người Do thái, còn chính ông thì đã được thánh
Phaolô thanh tẩy. Ông đã theo thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo, rồi
sau được đặt làm thủ lãnh giáo đoàn Êphêxô.
Còn thánh Titô đã
được thánh Phaolô nhận ở Antiôkhia ngay từ đầu sứ vụ tông đồ. Sau đó, ông được
trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Thư thánh Phaolô gửi
cho ông Timôthê và thư gửi cho ông Titô được gọi là các thư mục vụ, vì trong đó
có nhiều lời khuyên dành cho cả những người lãnh đạo cũng như cho hết mọi thành
phần trong giáo đoàn.
BÀI ĐỌC I: 2 Tm 1, 1-8
"Nhớ lại đức
tin trung thành của con".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, theo lời hứa
ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu.
Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta.
Cha cảm tạ ơn Chúa, Đấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn trong trắng,
khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước mắt con đã chảy
ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại đức tin trung thành
của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là
Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc nhở con điều
này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt
tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ,
mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng
cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người; nhưng hãy cộng
tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Tt 1, 1-5
"Gởi lời thăm
Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi cho Titô.
Phaolô, đầy tớ của Thiên Chúa, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô, theo đức tin của những
người được Chúa chọn, và sự hiểu biết chân lý theo lòng đạo đức, trong hy vọng
được sống đời đời mà Thiên Chúa là Đấng không lừa dối, đã hứa từ muôn đời; và
khi đến giờ đã định, Người bày tỏ lời Người qua việc rao giảng mà Người đã giao
phó cho cha theo lệnh của Thiên Chúa Đấng Cứu độ chúng ta: gởi lời thăm Titô,
người con chân thật trong cùng một đức tin. Nguyện chúc cho con được ân sủng và
bình an của Thiên Chúa Cha, và của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng ta. Đây là
lý do cha để con ở lại Crêta, là để con tổ chức cho xong xuôi tất cả, và thiết
lập hàng niên trưởng trong mỗi thành phố, như cha đã truyền dạy cho con. Đó là
lời Chúa.
Hoặc đọc 2 Sm 7, 18-19.
24-29
"Lạy Chúa là
Thiên Chúa, tôi là ai và gia đình tôi là chi?"
Trích sách Samuel quyển
thứ hai.
Sau khi Nathan nói với Đavít xong, vua Đavít đến ngồi trước Thiên Chúa mà nói rằng:
"Lạy Chúa là Thiên Chúa, con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con
đến đây? Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa, như thế Chúa còn cho là ít, nên Chúa còn
nói đến nhà tôi tớ Chúa trong tương lai lâu dài, vì lạy Chúa, đó là thường tình
của loài người.
"Chúa đã thiết lập dân Israel làm dân Chúa đến muôn đời, và lạy Chúa,
chính Chúa trở thành Thiên Chúa của họ. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa,
xin hãy thực hiện mãi mãi lời Chúa đã nói về tôi tớ và về nhà của nó, và hãy
làm như Chúa đã phán, để danh Chúa được ca khen đến muôn đời, và được truyền tụng
rằng: 'Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Israel'. Xin cho nhà tôi tớ Chúa được
vững chắc trước nhan thánh Chúa. Lạy Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel,
vì Chúa đã mạc khải cho tôi tớ Chúa biết những lời này: 'Ta sẽ xây dựng cho
ngươi một ngôi nhà', vì thế, tôi tớ Chúa vững tâm thốt lên lời khẩn nguyện trên
đây. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, và lời Chúa thì chân thật, vì Chúa đã
tỏ ra cho tôi tớ Chúa những điều hạnh phúc ấy. Giờ đây, xin hãy khởi sự chúc
phúc cho nhà tôi tớ Chúa, để nhà tôi tớ Chúa tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời,
vì lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã phán và xin giáng phúc cho nhà tôi tớ Chúa đến
muôn đời". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 131, 1-2. 3-5. 11. 12. 13-14
Đáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu
Đavít tổ phụ Người (Lc 1, 32a).
1) Lạy Chúa, để thương
Đavít, xin Chúa nhớ đến mọi nỗi ưu tư của người: người đã thề như thế nào với
Chúa, người đã khấn hứa cùng Đấng toàn năng nhà Giacóp rằng: -Đáp.
2) "Tôi sẽ không
vào lều trại nhà tôi, tôi sẽ không bước lên giường nằm, tôi sẽ không nhắm mắt
ngủ, không để cho mi mắt tôi được nghỉ an, cho tới khi tôi gặp được nơi ngự điện
cho Chúa, gặp được cung lâu cho Đấng Toàn năng nhà Giacóp".
- Đáp.
3) Chúa đã thề hứa
cùng Đavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: "Ta sẽ đặt
lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi". -Đáp.
4) "Nếu các con
ngươi tuân giữ điều ước của Ta và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả
con cháu chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi". -Đáp.
5) Bởi chưng Chúa đã
kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: "Đây
là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa
thích". -Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân
lý của Ngài. – Alleluia
PHÚC ÂM: Mc 3, 13-19
"Người gọi những
kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người.
Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các
ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê
con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là
Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô,
Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô
là kẻ nộp Người. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: (Mc 3,20-21)Vai trò của gia đình
Tin Mừng hôm nay mời gọi
chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó
rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.
Chúa Giêsu đã sinh ra
và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm
với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem
trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài
vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai,
bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng
những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quí trọng gia đình; Ngài đề
cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu
không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia
đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối với Chúa
Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người
đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là
con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu
vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người
chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy,
ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng
Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể
là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất
cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người,
chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái nhìn trên đây của
Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một
cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình. Trong tuyển tập "Giới
Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích
của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
"Các bậc cha mẹ
muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy
xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu
sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những
cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu,
nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái
mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"
Mục đích đó là giúp
chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực
hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp
đất"... Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế
tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên
những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm
trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn
lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa
vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới,
đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Những suy tư của Ðức
Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi
hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải
lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng
về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng
ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia
đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang
theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật
và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 2 TN, Năm lẻ
(Dt 9,2-3.11-14 ; Mc 3,20-21)
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu vô biên của Chúa
Giêsu
Khi yêu, con người làm
những việc bị người khác coi là điên khùng; chẳng hạn, đứng chờ người yêu dưới
mưa, hay sẵn sàng chết vì người mình yêu. Nhưng đối với người đang yêu, nó được
thúc đẩy phải biểu lộ để chứng tỏ tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã từng rửa chân
cho các Tông-đồ và căn dặn các ông cũng phải rửa chân cho nhau. Ngài cũng đã
nói với các ông: “không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình của người chết vì
yêu.” Ngài không chỉ nói, nhưng đã vác Thập Giá lên Đồi Golgotha để chết cho
con người, để chứng tỏ tình yêu của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong những biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người. Trong Bài
Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái so sánh máu của Chúa Giêsu đổ ra để xóa tội cho con
người với máu của chiên bò rảy trên con người của Cựu Ước. Nếu máu chiên bò có
thể cất đi tội cho con người, huống hồ gì là máu của Con Thiên Chúa! Trong Phúc
Âm, vì quá yêu thương dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ làm việc không ngơi
nghỉ đến nỗi không có giờ ăn uống. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt
Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Máu của Đức
Kitô đổ ra có sức thanh tẩy hiệu quả hơn máu của chiên bò.
1.1/ Lều Hội Ngộ và Lều của
Đức Kitô: Sau khi đã so sánh phẩm trật
Thượng Tế và lễ vật hy sinh, tác giả Thư Do-Thái muốn so sánh nơi chốn mà Thượng
Tế dâng lễ vật. Lều Hội Ngộ, nơi mà các Thượng Tế dâng lễ hy sinh trong Ngày Đền
Tội mỗi năm, được dựng nên bởi con người theo kiểu mẫu Thiên Chúa mặc khải cho
Moses. Lều này chỉ là hình bóng của một thực tại, Lều lớn và hòan hảo hơn,
không do bàn tay con người xây dựng và không thuộc về thế giới này, nhưng do
chính Thiên Chúa tạo dựng.
(1) Lều Hội Ngộ: Trong
Cựu-Ước, Lều này được cấu trúc theo mô hình mà Thiên Chúa đã mặc khải cho
Moses. Tác giả mô tả vắn tắt như sau: “Lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây
đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều
gọi là Nơi Cực Thánh.” Các tư tế có thể vào Nơi Thánh để dâng lễ vật hàng tuần;
nhưng chỉ có Thượng Tế mới được vào Nơi Cực Thánh, mỗi năm một lần, để dâng lễ
vật cho mình và cho dân.
(2) Lều lớn và hòan hảo
hơn: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương
lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn,
không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo
này.” Có học-giả cho rằng, Lều này chính là thân xác Chúa Giêsu, nhưng thân xác
Chúa Giêsu được cưu mang và thành hình bởi Đức Mẹ, một con người. Lối giải
thích hợp lý hơn cho Lều này chính là con người Chúa Giêsu, kết hợp bởi cả
thiên tính và nhân tính, như Thánh Ambrosio nói: “Bàn thờ tượng trưng thân thể
Chúa Kitô, và thân thể của Chúa Kitô ở trên bàn thờ” (GLCG trưng Ambrosio,
Sacer. 4, 7). Hiểu như thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh, vừa
là Bàn Thờ.
1.2/ Máu của Đức Kitô và
máu của chiên bò: Tác giả đã so sánh lễ hy sinh của Cựu Ước với Lễ Hy Sinh
của Thượng Tế Giêsu; giờ đây, tác giả so sánh về hiệu quả của máu đổ ra của hai
lễ hy sinh này. Trong Cựu Ước, máu đổ ra là máu của chiên, dê, bò; trong Tân Ước,
máu đổ ra là chính máu của Thượng Tế Giêsu, Người Con của Thiên Chúa. Máu của Đức
Kitô đem lại cho con người những hiệu quả sau:
(1) Sự vững bền: Máu
súc vật phải đổ mỗi lần con người phạm tội. Máu Đức Kitô đổ một lần là đủ: “Người
chỉ đổ máu một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.”
(2) Hiệu quả: Theo
truyền thống Do-Thái, máu súc vật chỉ có thể lấy đi những tội phạm vì vô tình;
những tội cố ý phạm, không máu súc vật nào có thể lấy đi được. Máu của Đức Kitô
vì là máu của tự nguyện, của yêu thương, của Con Thiên Chúa, có thể tha thứ tất
cả các tội: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy
lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở
nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần
hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên
Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết,
để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu và
các môn đệ quên mình để lo cho dân chúng.
2.1/ Lòng yêu thương của
Chúa Giêsu dành cho con người: “Người
trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn
uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân
chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ
việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có
tình yêu mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ vào hòan cảnh này; tuy vậy, các
ngài vẫn vui vẻ phục vụ.
2.2/ Thân nhân không thể
hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm: “Thân
nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.”
Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các
thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành
cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một
điên khùng và thất bại, vì:
(1) Lang thang khắp
nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con
người phải có mái nhà an tòan và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.
(2) Kết bạn với những
người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao
trọng trong xã hội.
(3) Dám đương đầu với
quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo
họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhìn vào những gì
Chúa Giêsu đã, đang, và sẽ làm cho con người, chúng ta nhận ra tình yêu của
Ngài dành cho chúng ta.
- Không ai dám hy sinh
tính mạng cho người khác; họa chăng có người dám chết vì người công chính. Đức
Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.
- Vì Đức Kitô đã yêu
thương và hy sinh tất cả cho chúng ta, chúng ta không được ích kỷ để chỉ biết sống
cho mình; nhưng phải yêu thương và hy sinh cho người khác như Đức Kitô đã dạy
chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên OP
26/01/19 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục
Lc 10,1-9
Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục
Lc 10,1-9
CUNG CÁCH NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
“Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy
sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.
Vào bất cứ nhà ai, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó có ai
đáng hưởng bình an, thì sự bình an của anh em đã cầu chúc sẽ ở lại với người ấy…
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: “Triều đại
Thiên Chúa đã đến cùng các ông.” (Lc
10,1-9)
Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta về
cung cách sống của người được sai đi loan báo Nước Trời. 1/ Cung cách khiêm nhu, hiền lành
“như con chiên ở giữa bầy sói”, một sự hiện diện khích lệ chứ không áp đặt
niềm tin cho ai. 2/ Cung cách
nghèo khó, không ỷ lại vào phương tiện con người và các động cơ trần thế. 3/ Cung cách của người được Thánh Thần
sai đi mang bình an và niềm vui đến cho mọi người. 4/ Cung cách sứ giả phúc lành và an ủi, khử trừ những sự dữ,
đau khổ thân xác cũng như tinh thần. 5/ Cung
cách ưu tiên dành cho Thiên Chúa và sự hiển trị vinh quang Nước Ngài. Nước
Trời đã gần kề và đang tới rất nhanh. Việc loan báo Nước Trời quá cấp bách và
quá quan trọng, không được phí thời giờ vào những việc vô bổ!
Mời Bạn: Mời bạn đọc cẩn thận và suy
gẫm kỹ những lời tuyệt diệu trên đây của Đức Giê-su và dưới ánh sáng của Lời
Chúa, hãy kiểm điểm lại cung cách đời sống chứng tá của mình !
Chia sẻ: Cụ thể bạn làm gì để đạt được
một trong những cung cách trên ?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một cung cách
mà bạn tâm đắc nhất và áp dụng vào cuộc sống tông đồ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương huấn luyện và biến đổi các môn đệ Chúa trong
cung cách sống như lòng Chúa mong ước.
(5 phút Lời Chúa)
Vào nhà, vào thành phố
Thế giới hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật, một thế giới
thèm khát tự do, thèm được là mình. Chúng ta sẽ rao giảng gì cho 97% dân Châu Á
mà phần đông đã tin vào một Ðấng Cứu Ðộ?
Suy niệm:
Dân số Châu Á chiếm gần hai phần ba thế giới nhưng số người nhận biết Chúa
chưa tới 3%. Cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt. Ðức Giêsu
hôm nay vẫn có nhiều nơi Ngài muốn đến,
nhiều căn nhà, nhiều
thành phố Ngài muốn đặt chân. Ngài cần những người đi trước để chuẩn bị cuộc
gặp gỡ giữa
Ngài với con người. Khoa học càng tiến bộ, cuộc sống càng văn minh thì
càng có nhiều lãnh vực mới Ðức Giêsu cần vào.
Ðưa Ngài
vào thật là một thách đố cho chúng ta. Ngài phải vào cả những nơi tưởng
như bị cấm. Nhưng nếu chúng ta được Ngài sai vào trước, thì thế nào
cuối cùng Ngài cũng vào được. Nếp sống cao ở thành thị vừa gây cản trở, vừa
cung ứng cho ta nhiều phương tiện để đưa Ngài vào. Hãy chuẩn bị cho Ngài
vào thành phố của bạn, vào trường học, sân vận động, vào xí nghiệp, công
ty... Hãy chuẩn bị để Ngài vào từng nhà, gặp từng người. Mọi Kitô hữu
đều được mời gọi để làm việc đó. Ðâu là khuôn mặt của người được sai hôm
xưa?Hiền lành như chiên giữa bầy sói. Khó nghèo thanh bạch, không túi tiền,
giầy dép, bao bị. Khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở cơm ăn. Tôn
trọng tự do tha nhân, chấp nhận bị từ chối.
Người
Châu Á hôm nay dễ đón nhận người tông đồ sống khổ hạnh, thoát tục, sống
thư thái, trầm tư, sống nhân từ, phục vụ. Cuộc sống của họ phải tỏa
hương thơm của thế giới mai sau,
phải có khả năng nâng con người lên Ðấng Tuyệt Ðối. Ðâu là đóng góp của
người được sai hôm xưa? Vừa chữa người đau yếu và trừ quỷ, vừa loan
báo về triều đại Thiên Chúa gần đến. Việc làm chứng thực lời giảng, lời giảng
soi sáng việc làm. Cả hai đều đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Thế giới
hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật, một thế giới thèm khát tự do, thèm
được là mình. Chúng ta sẽ rao giảng gì cho 97% dân Châu Á mà phần
đông đã tin vào một Ðấng Cứu Ðộ?
Ðức Giêsu đem đến cho nhân loại quà tặng đặc biệt nào? Chúng ta phải tập
trình bày sứ điệp Kitô giáo, nên cũng phải học nhiều nơi các tôn giáo Á
Châu.Các giám mục Malaysia, Singapore và Brunei đã liệt kê những gì có thể
học được nơi họ. Học cầu nguyện, ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo. Học
suy niệm và chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học từ bỏ của cải và trọng sự sống
nơi người Phật tử. Học thái độ thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng. Học
sự đơn sơ, khiêm tốn nơi người theo đạo Lão.
Càng học,
ta càng dễ giới thiệu Ðức Giêsu, và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những
tôn giáo khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, xin
sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát,không chút cậy dựa
vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin
cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin
cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui, như người tìm được
viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin
ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và
sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của
bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật
bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ.Xin dạy chúng con biết nắm lấy
tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh
thoát.
Lm Antôn Nguyễn
Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
26 THÁNG GIÊNG
Nạn Thất nghiệp – Một
Tai Ương Xã Hội
Con người luôn luôn
là yếu tố quan trọng nhất trong mọi quá trình lao động, từ khởi sự cho đến hoàn
thành. Vì thế, trình độ văn minh của một dân tộc phản ảnh nơi chính thái độ của
họ đối với những người yếu kém trong xã hội, những người gặp khó khăn trong vấn
đề việc làm, những người phải đương đầu với tình trạng thiếu hay không có việc
làm. Thật vậy, một trong những bi kịch của thời đại chúng ta là tình trạng có
quá nhiều người thất nghiệp, nhất là những người trẻ. Chúng ta phải làm gì đây
trước tình hình này?
Cần phải nhận ra rằng
tình trạng ì do bắt buộc (nghĩa là muốn hoạt động nhưng không được hoạt động)
là một sự dữ . Nó tạo ra một sự ngưng trệ có chiều hướng làm tê liệt chính niềm
hy vọng của người ta. Những ước mơ và lý tưởng của người ta bị đe dọa, người ta
trở thành quờ quạng, lóng ngóng. Người trẻ, trong trường hợp này, nhận thấy
mình bị tước mất cơ hội xây dựng gia đình. Rồi, hậu quả xảy ra là những suy bại
khôn lường về đạo đức và tâm lý. Quả là một tình trạng đòi chúng ta phải dành
quan tâm một cách khẩn trương.
Tôi muốn nhắc đi nhắc
lại rằng “tình trạng thất nghiệp – trong bất luận trường hợp nào – cũng đều là
một sự dữ, và đến một mức nào đó, nó có thể trở thành một tai họa thực sự cho
xã hội” (Laborem exercens 8). Thất nghiệp là một ‘nạn dịch”. Dịch bệnh này phát
triển trong những cơ thể ốm yếu, suy nhược. Khi một xã hội cảm thấy mình đứng
trước sự đe dọa của nạn dịch này, xã hội ấy cần phải nghiêm túc xem lại ‘sức khỏe’
của mình.
Chúng ta cần sử dụng
mọi phương tiện để khảo sát và nghiên cứu vấn đề hệ trọng này – sao cho có thể
tìm ra một giải pháp. Chẳng hạn, khoa xã hội học và kinh tế học chắc chắn có thể
giúp ta hiểu rất nhiều về tình trạng thất nghiệp trong ánh sáng của những sự
thay đổi lớn lao về công nghệ – là điều đang dẫn tới những thay đổi về điều kiện
làm việc trong thời hiện đại của chúng ta.
Trong công cuộc tìm
kiếm những giải pháp, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng con người là yếu tố thứ
nhất mà chúng ta phải quan tâm. Sự đóng góp của con người là – và mãi mãi vẫn
là – yếu tố cốt lõi cho sự tiến bộ đích thực. Không có một máy móc nào – dù
tinh vi tới đâu đi nữa – có thể thay thế cho trí tuệ của con người.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26-01
Thánh Timôthêô và
Thánh Titô Giám mục; 2Tm 1, 1-8; Lc 10, 1-9.
LỜI SUY NIỆM: “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai
các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính
Người sẽ đến.” (Lc 10,1).
Ngoài Mười Hai Tông
Đồ của Chúa mà chúng ta đều đã thuộc tên. Tin Mừng còn cho chúng ta biết Chúa
Giêsu còn có một nhóm tông đồ khác gồm Bảy Mươi Hai người và giờ đây Chúa sai họ
đi vào các nơi mà Ngài sẽ đến. Điều này giúp cho chúng ta thấy được về vấn đề
nhân sự không bao giờ cho là đủ, luôn phải đào tạo liên tục lớp này nhóm nọ,
trong mọi lứa tuổi, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của Tin Mừng. Đồng thời khi sử dụng,
người quản lý phải có niềm tin vào những nhân sự đã được đào tạo để sai đi. Và
khi sai đi, thì phải sai từng hai người một đi với nhau trong cùng một công
tác, để nói lên sự gắn bó với nhau, có thêm sự khôn ngoan minh mẫn khi phải giải
quyết công việc, để đem lại thành quả tốt đẹp nhất.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 26-01:
Thánh TIMÔTÊÔ Và TITÔ
GIÁM MỤC
Thánh TIMÔTÊÔ (thế kỷ
I)
Là con của người
cha Hilạp và người mẹ Do thái, thánh TIMÔTÊÔ đã được theo đạo vào năm 47 khi
thánh Phaolô giảng đạo tại Lystra miền tiểu Á trong cuộc bách hại dữ dội khiến
thánh Phaolô bị mém đá đến gần chết (Cv 14,6-19) Trong cuộc viếng thăm lần thứ
hai vào năm 50 thánh Phaolô đã chọn Ngài như người bạn đồng hành thay thế cho
Marcô (Cv 13,13.15,38) và cùng với Silas lo việc truyền giáo tại Trung Á (Cv
16,1).
Như thế, Timotêô đã
chứng kiến việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho Âu châu. Từ đó Ngài thường được
sách Công vụ các sứ đồ và các thánh thư nhắc đến như một trong các "tông đồ"
hay thừa phái thánh Phaolô giữ lại hoặc sai đi quan sát các cộng đoàn Kitô hữu đã
được thiết lập. Khoảng năm 51 Ngài cũng ký tên với thánh Phaolô trong các thư gửi
tín hữu Thessalonica và chính Ngài đã từ Côrintô mang thư đến cho cộng đoàn mới
trở lại đạo.
Năm 57 Ngài trở lại
để mang thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô và năm sau, Ngài lại cùng với thánh
Phaolô gửi thư chào Giáo hội Rôma. Cuối cùng khi Phaolô bị điệu về Roma,
Timoteo vẫn còn ở bên cạnh Ngài, ký tên vào các thư gửi đi vào khoảng năm 62
cho dân Philêmon, dân Côlosê và Philippe (Ph 2,20)
Năm 65 hình như
Phaolô được thả và có dịp thi hành dự định rao giảng Tin Mừng ở thế giới tây
phương. Vắng mặt ở miền Đông. Thánh Phaolô vãn liên kết với các cộng đoàn Kitô
hữu, dầu không lên kết với một cộng đoàn nào với tư cách giám mục cả. Timotêô
thì ước hẹn với Á Châu và đặt địa điểm ở Ephesô. Ở đây Ngài nhận được hai lá
thư của Phaolô, một lá thư từ Macêdonia khoảng năm 65 và lá thứ khác khoảng hai
nămsau gửi từ Roma, là nơi Phaolô bị giam lần thứ hai.
Chính nhờ những lá
thư này mà chúng ta biết được nhiều về Timotêô. Chúng thường đề cập đến nguy hiểm
mà các Giáo hội ở Á châu phải đương đầu, nhưng chúng cũng đưa ra ánh sáng tính
khí mà con người Phaolô đã để lại chống đỡ với nguy hiểm. Rõ ràng là có tính
nhút nhát, e dè, nhưng Ngài cũng đủ nhiệt tâm trong công việc, đến nỗi cần được
nhắc nhở phải quan tâm tới sức khỏe của mình. Ngài cũng biết rõ những đau khổ
phải chịu để bảo vệ đức tin (2Tm 3,12) và những lời khuyên thánh Phaolô lặp lại
không được gợi lên, bởi rằng Timotêô yếu đuối, nhưng đúng hơn vì biết rằng ngày
cùng của mình đã gần, và rồi những người trợ giúp mình sẽ phải kề vai vác lấy
gánh nặng một mình. Cuối cùng Phaolô chỉ còn biết nhắc đến ước nguyện của mình
là Timotêô hãy giữ "đạo lý", đức hạnh, dự định, lòng tin, đại lượng,
mến yêu, kiên nhẫn" (Tm 3,10) như Ngài đã học được. Phaolô gọi Timotêô đến
an ủi mình trong những giờ phút cuối cùng, lời gọi chứng tỏ hùng hồn rằng
Timotêô là con rất thân yêu của thánh Phaolô.
Tân ước còn có một
ghi chú nữa về Timotêô trong thư Philip.13,23 trong đó có ghi nhận rằng: Phaolô
được thả ra khỏi cảnh tù tội lần 2 khoảng năm 67 và tác giả muốn có Timotêô
tháp tùng về Giêrusalem.
Một truyền thống
cho rằng thánh Timotêô đã ở lại Ephêsô cho tới hết đời. Sách "Công vụ
thánh Timotêô" thế kỷ IV mô tả cái chết của Ngài như là bị ném đá và bị
đánh đập cho đến chết, nhưng tài liệu quá ít nên không rõ được rằng điều đó có
đúng nguồn hay không.
Constantinople cho
rằng: mình giữ được các di tích của thánh nhân và lễ kinh nhớ Ngài được cử hành
này 26 tháng giêng, tiếp liền ngày kính nhớ thầy mình.
Thánh TITÔ (thế kỷ I)
Sinh ra là lương
dân, thánh Titô đã được thánh Phaolô cải hóa và được gọi là "người con
chân thành của tôi trong sự thông hiệp với đức tin". Titô nhận được những
sứ mệnh khó khăn. Ngài được thánh tông đồ gửi tới dân Côrintô để tổ chức giáo
đoàn và thu tiền quyên cúng ủng hộ Giáo hội ở Gierusalem.
Thánh Phaolô trong
một bức thư đã bộc lộ lòng yêu quý sâu xa đối với người bạn đời của mình:
"Tâm trí tôi không thảnh thơi chút nào vì xa cách bạn Titô đi Côrintô một
lần nữa để sửa chữa những bất hoà và thánh Titô đã mang lại cho Ngài những tin
tức tốt đẹp hơn.
Thánh Titô lãnh
trách nhiệm tổ chức giáo đoàn ở đảo Crêta. Ơ đó Ngài nhận thư mang danh mình,
thánh tông đồ truyền: "Hãy nói với các vị cao niên phải tiết độ đàng hoàng
điềm đạm, lành mạnh về đức tin, đức mến và kiên nhẫn... hạng thiếu niên cũng vậy,
hãy truyền dạy họ phải biết ở điềm đạm. Trong mọi sự anh em hãy tỏ ra là gương
mẫu về đức hạnh, tinh toàn và đoan trang trong giáo huấn (Tt 2,2-10).
Thánh Titô qua đời
khoảng năm 105.
(Daminhvn.net)
26 Tháng Giêng
Quốc Khánh Của
Australia
Hôm nay 26 tháng 01
là ngày quốc khánh của người Australia.
Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của
Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã
được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.
Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất
xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước.
Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này, thì đây là cơ hội
để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia chính hiệu ngày nay
không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được lhai sinh do những
con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.
Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có
lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù tông tích của họ
có là một quá khứ xấu xa đến đâu.
Câu chuyện lập quốc của nước Australiacó thể giúp chúng
ta hiểu được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của
thánh Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều,
nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.
Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi
những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên
Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm
cho một công trình mới tốt đẹp hơn.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người con tinh thần và
cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại
ngày hôm qua.
Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtêmang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái
xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến
cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những dân tộc ở
ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục vụ các
cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái
cao độ.
Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng
được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật.
Ôn lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này, chúng ta thấy động
tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng
trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó
ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì
chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét