02/02/2019
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 3 thường niên
DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ nến).
Lễ kính.
* Dâng Chúa trong Đền
Thánh, Chúa Kitô gặp gỡ dân thánh nơi con người cụ già Simêon, Đức Maria được
thanh tẩy theo luật Môsê, lễ Nến, đó là những tên gọi khác nhau để chỉ ngày lễ
hôm nay, bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc
Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người nơi Ngôi Lời mặc xác phàm
BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4
“Đấng Thống Trị mà các ngươi
tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”.
Trích sách Tiên tri
Malakhi.
Này đây Chúa là Thiên
Chúa phán: “Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Đấng
Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước,
đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”. Ai có
thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì
Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ
đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch
như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của
Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Đó
là lời Chúa toàn năng phán. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9.
10
Đáp: Vua hiển vinh
là ai vậy? (c. 8a)
Xướng: 1)Các cửa ơi,
hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự
qua. – Đáp.
2) Nhưng Vua hiển vinh
là ai vậy? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh. –
Đáp.
3) Các cửa ơi, hãy ngẩng
đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua. –
Đáp.
4) Nhưng Vua hiển vinh
là ai vậy? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Đế hiển vinh. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18
“Người phải nên giống anh em
Mình mọi đàng”.
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Vì các con trẻ cùng
chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần
điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma
quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng
Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi
thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người
trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân.
Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể
cứu giúp những ai sống trong thử thách. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 2,32
Alleluia, alleluia!
– Ánh sang đã chiếu soi muôn dân, và là vinh quang của Israel dân Chúa. –
Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 2, 22-32 hoặc
22-40
“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh
tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến
dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ
được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có
nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem,
có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi
chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần
trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh
Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi
hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và
chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, giờ đây,
Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt
con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là
Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh
ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với
Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong
Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống
đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn
được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà
tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ,
bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi.
Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ
ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những
người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất
mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và
con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng
Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Trinh nữ hiến
dâng
Mừng kính biến cố Mẹ
dâng Chúa vào đền thờ, chúng ta cùng nhau chia sẻ về tâm tình dâng hiến của Mẹ.
Thực vậy, trong tông huấn “Marialis Cultus”, bàn về lòng tôn sùng kính mến Mẹ,
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi Mẹ là “Trinh nữ hiến dâng Virgo offerans”. Chỉ cần
nhìn vào cuộc đời của Mẹ, chúng ta sẽ thấy ngay được sự dâng hiến ấy.
Trước hết, theo truyền
thuyết thì năm lên ba, Mẹ đã theo cha mẹ lên đền thờ, rồi ở lại đó một thời
gian. Trong thời gian này, Mẹ đã học hỏi Kinh thánh, tập luyện các nhân đức và
khấn giữ mình đồng trinh, một nhân đức rất hiếm người Do thái hiểu và giữ lúc bấy
giờ. Mẹ đã dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thể xác cho Thiên Chúa.
Tiếp đến trong hoạt cảnh
truyền tin, Mẹ đã dâng hiến cõi lòng của Mẹ, làm thành như một chiếc nôi hồng
cho Ngôi Lời giáng thế. Và hôm nay, Mẹ đã dâng hiến người con yêu dấu của Mẹ
cho Thiên Chúa theo như lề luật qui định, để rồi sự dâng hiến này đạt tới cao
điểm của nó trên đỉnh đồi Canvê, khi Mẹ đứng dưới chân cây thập giá nhìn
Chúa chịu sát tế làm của lễ đền tội cho nhân loại.
Nhìn vào mẫu gương của
Mẹ, chúng ta rút ra được một kết luận như sau:
Dâng hiến và đau khổ luôn đi liền với nhau.
Thực vậy, không một sự
dâng hiến nào mà lại không có khổ đau. Và hơn thế nữa, chính những khổ đau này
sẽ làm cho việc dâng hiến trở nên cao cả và có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Tại
sao thế?
Tôi xin thưa vì dâng
hiến là gì nếu không phải là lấy đi phần cao quí nhất để trao cho người mình
thương mến. Mà đã cho đi thì phải mất mát. Mà mất mát thì phải tiếc xót. Chính
vì thế, sự dâng hiến nào cũng đòi buộc phải chấp nhận hy sinh và khổ đau.
Nhìn vào Mẹ, chúng ta
sẽ thấy được sự thật ấy. Một khi đã cúi đầu xin vâng, Mẹ cũng sẵn sàng chấp
nhận mọi khổ đau sẽ xảy đến.
Chúng ta hãy nghĩ tới
bàu khí ngột ngạt và căng thẳng trong gia đình, khi thánh Giuse nhận ra Mẹ đã
mang thai không bởi hành động của mình. Mẹ đã âm thầm chịu đựng, mặc cho Thiên
Chúa hành động và làm sáng tỏ vấn đề.
Chúng ta hãy nghĩ tới
việc Mẹ lên đường trở về Bêlem để đăng ký hộ khẩu giữa lúc bụng mang dạ chửa,
việc sinh Chúa trong cảnh nghèo túng của máng cỏ giữa nơi đồng vắng, việc trốn
chạy giữa đêm khuya và những cực nhọc nơi đất khách quê người bên Ai Cập cũng
như những lao động vất vả tại Nagiarét.
Rồi trong ngày hôm
nay, Mẹ đã phải đón nhận lời tiên báo đầy cay đắng của ông già Simêon:
- Một lưỡi gươm sẽ đâm
thâu qua lòng bà…
Lời tiên báo này đã được
thực hiện qua từng biến cố cuộc đời và đã trở nên trọn vẹn trên đỉnh đồi Canvê.
Tại đây, sự dâng hiến trở nên tuyệt hảo nhất, thì hy sinh và đau khổ cũng đáng
cay và chua xót nhất. Mẹ đã kết hiệp với Đức Kitô trong máu và nước mắt, để
dâng hiến cho Thiên Chúa một của lễ cao cả nhất.
Nhìn vào Chúa, chúng
ta lại càng thấy rõ sự thật này hơn nữa.
Thực vậy, mục đích của
việc xuống thế làm người là gì nếu không phải là để cứu chuộc nhân loại. Nhưng
đâu là giây phút quan trọng nhất trong chương trình cứu độ, nếu không phải là
giây phút Ngài hiến dâng trên bàn thờ thập giá. Tất cả cuộc đời của Ngài chỉ là
một sự chuẩn bị cho giây phút trọng đại này. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm
của Ngài đều hướng tới đỉnh cao thập giá, chính tại đây Ngài đã chấp nhận những
đớn đau và tủi nhục. Ngài đã sinh ra trong khó nghèo, lớn lên trong vất vả và
chết đi trong nhục nhã. Thế nhưng, chính nhờ việc tự hạ này, mà Thiên Chúa đã
nâng Ngài lên và tôn vinh Ngài.
Còn chúng ta thì sao?
Nếu muốn sống tâm tình
dâng hiến như Chúa và Mẹ, chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh và khổ đau trong
cuộc sống hằng ngày. Đúng thế, chúng ta vốn thường ngại hy sinh và chạy trốn
đau khổ, nhưng làm sao có thể lẩn tránh vì chúng được chất đầy trong cuộc sống
chúng ta, chi bằng hãy can đảm chấp nhận.
Hy sinh va khổ đau
không phải là một cái gì làm cho chúng ta sợ hãi, những là một phần của đời sống
chúng ta. Nếu biết đón nhận, nó sẽ thanh tẩy và làm cho chúng ta trở nên tinh
ròng, như tục ngữ cũng đã nói: lửa thử vàng, gian nan thử đức.
Hơn thế nữa, nếu chúng
ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì những hy sinh và khổ đau ấy sẽ trở
nên công phúc cho chúng ta, bởi vì lòng yêu mến là như chiếc đũa thần biến những
hy sinh và khổ đau trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên tấm vải cuộc đời và
làm cho cuộc đời chúng ta thực sự có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Chính vì thế,
thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Anh em hãy hiến dâng thân xác anh em làm của lễ đẹp
lòng Thiên Chúa, bởi vì Ngài yêu thích những ai trao ban một cách vui vẻ.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Dâng Con Trong Đền Thờ (Ngày 2 tháng 2)
Bài đọc: Mal
3:1-4; Heb 2:14-18; Lk 2:22-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu vào Đền Thờ để gặp
gỡ dân Người.
Đền Thờ là dấu chỉ sự
hiện diện của Thiên Chúa giữa con người: bắt đầu với Lều Hội Ngộ khi con cái
Israel vẫn còn lang thang suốt 40 năm trường trong sa mạc; sau khi ổn định
trong Đất Hứa, vua Solomon đã xây dựng một Đền Thờ và di chuyển Hòm Bia vào nơi
Cực Thánh, để con người đến cầu nguyện và dâng lễ hy sinh đền tội; khi Đền Thờ
Jerusalem bị phá hủy toàn bộ vào năm 70 AD, sự hiện diện của Thiên Chúa không
chỉ còn giới hạn tại Jerusalem, nhưng lan tràn mọi nơi, bất cứ nơi nào có nhà
thờ, nơi đó có Chúa Giêsu hiện diện với con người cho đến Ngày Tận Thế.
Các bài đọc hôm nay muốn
nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ để gặp gỡ dân Ngài.
Trong bài đọc I, tiên-tri được coi như cuối cùng của Cựu Ước, Malachi, nhìn thấy
trước ngày Thiên Chúa thân hành hiện đến thăm viếng dân Người để thanh tẩy họ
khỏi mọi tội lỗi; một sứ giả sẽ đi trước chuẩn bị đường cho Ngài. Trong bài đọc
II, tác giả Thư Do-thái mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Ngài sẽ mặc lấy
xác phàm của con người để ở với con người, để con người có thể trông thấy Ngài
bằng xương thịt. Ngài sẽ trải qua tất cả những đau khổ của kiếp người để cảm
thông, để trợ giúp, và để xóa sạch tất cả tội lỗi của con người. Trong Phúc Âm
Lucas, cụ già Simeon là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha mẹ mang Ngài
đến để gặp gỡ dân Người. Simeon sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã được nhìn thấy
ơn cứu độ bằng xương thịt như lời các tiên tri loan báo.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến.
Sách tiên-tri Malachi
được viết sau Thời Lưu Đày, khoảng 515 BC. Cũng như nhiều các tiên-tri khác,
tiên-tri Malachi tin triều đại của Đấng Thiên Sai đã gần đến: “Này Ta sai sứ giả
của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng
mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của
giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, Đức Chúa các đạo binh phán.” Theo lời
tiên-tri Malachi, một Sứ-giả sẽ đến trước để dọn đường trước khi Đấng Thiên Sai
tới; và khi đã dọn đường xong, Đấng Thiên Sai sẽ đến bất cứ lúc nào.
1.1/ Vai trò của Sứ-giả: Truyền thống Do-thái tin Ngày Đấng Thiên Sai tới sẽ là
ngày kinh hoàng của kẻ dữ, nhưng sẽ mang hy vọng cho những người Israel còn
sót. Tiên-tri Malachi nói về Ngày này như sau: “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai
đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như
thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy
con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.”
Hai nhiệm vụ chính của
Sứ-giả dọn đường cho Đấng Thiên Sai là thanh tẩy và tinh luyện tâm hồn dân
chúng để họ sẵn sàng cho Ngày của Thiên Chúa. Hai chất liệu được dùng là lửa của
người luyện kim và thuốc tẩy của người thợ giặt. Lửa được dùng để thử cho biết
vàng nào là vàng thực và tinh luyện nó khỏi mọi vết dơ bẩn. Thuốc tẩy được dùng
để tẩy sạch những vết dơ bám vào trong quần áo. Điều Sứ-giả cần thanh tẩy và
tinh luyện chính là tâm hồn con người, sao cho xứng đáng để có thể đứng vững
trong Ngày của Đức Chúa.
Tiên-tri Malachi lên
án những lỗi lầm của hàng tư tế vì họ lười biếng và khinh thường Thiên Chúa
trong việc thờ phượng. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa không nhận lễ vật của họ,
Ngài sẽ chọn lễ vật trong sạch hơn (Mal 1:1-2:17). Vì thế, đối tượng chính mà
tác giả nhắm tới là hàng tư tế Levi và tâm hồn của họ: “Bấy giờ, đối với Đức
Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. Lễ vật của
Judah và của Jerusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những
năm thuở trước.”
1.2/ Tiên-tri Elijah là Sứ-giả
dọn đường cho Đấng Cứu Thế: “Này Ta sai
ngôn-sứ Elijah đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, Ngày trọng đại
và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn
con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án
tru diệt.”
Song song bổn phận của
con người đối với Thiên Chúa là bổn phận của con người đối với tha nhân; nhất
là những người trong gia đình. Một khi mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa bị
lơ là thì mối liên hệ chiều ngang với tha nhân cũng bị thiệt hại. Sứ-giả dọn đường
cho Thiên Chúa cũng phải chú trọng đến sứ vụ hòa giải giữa con người với con
người, trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
2/ Bài đọc II: Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.
Khi Kitô Giáo lan tràn
vào thế giới La-Hy, hai vấn nạn khó khăn Giáo Hội phải đương đầu với là phải giải
thích cho người Hy-lạp biết:
(1) Tại sao Thiên Chúa
phải nhập thể: Đối với người Hy-lạp, Thiên Chúa hòan tòan là Thần Khí, nơi Ngài
không có một chút vật chất nào cả. Để được giải thóat và kết hợp với Thiên
Chúa, con người phải cố gắng làm sao để thóat khỏi ngục tù thân xác đang giam
hãm linh hồn con người, để chỉ còn thần khí mà thôi. Kitô Giáo đi ngược lại,
Con Thiên Chúa phải nhập thể để cứu chuộc con người!
(2) Tại sao Thiên Chúa
phải chịu đau khổ: Người Hy-lạp và người Do-thái không tin Thiên Chúa phải chịu
đau khổ; chỉ có con người mới phải chịu đau khổ mà thôi. Một Thiên Chúa phải chịu
đau khổ không còn là Thiên Chúa nữa. Họ lý luận: Nếu Thiên Chúa không có uy quyền
để vượt thóat đau khổ, làm sao Ngài có thể giúp người khác vượt qua đau khổ được?
Kitô Giáo cũng đi ngược lại, không thể có Ơn Cứu Độ nếu con Thiên Chúa không chịu
chết trên Thập Giá!
Tác giả Thư Do-thái cố
gắng trả lời hai vấn nạn này như sau:
2.1/ Chúa Giêsu phải nhập
thể để mang lấy thân phận con người: Để có
thể tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu phải mang lấy thân xác con người để
có thể chịu chết và đền tội cho con người. Nếu không có thân xác, làm sao chết?
“Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết
nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây
ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống
trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên
thần, mà là con cháu Abraham.” Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chết muôn đời; Ngài
đã sống lại vinh quang, và trở nên hoa quả đầu tiên của những người từ trong
cõi chết sống lại. Ngài là “người tiên phong” đi mở đường, để tất cả các anh em
của Ngài cũng được đi con đường đó.
2.2/ Chúa Giêsu phải trở
nên con người về mọi phương diện: Tác giả
Thư Do-thái nhận ra sự cần thiết của việc Chúa Giêsu phải trở nên con người về
mọi phương diện, ngọai trừ tội lỗi: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em
mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín
trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” Mục đích của việc “hòan
toàn trở nên con người” là để:
(1) Ngài có thể thực sự
được coi là một con người: Đã là con người, ai cũng phải chịu đựng đau khổ và ngang
qua cái chết.
(2) Ngài có thể thông
cảm và đồng cảm với thân phận con người: Nếu một người không ngang qua những
kinh nghiệm đau khổ và sự chết, người đó sẽ không thể hòan tòan hiểu và thông cảm
những ai bị ở trong hòan cảnh đó.
(3) Ngòai ra, Ngài có
thể giúp đỡ một cách hiệu quả cho những ai ở trong hòan cảnh đó: “Vì bản thân
Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị
thử thách.”
Nói tóm, Thiên Chúa có
uy quyền trên cả sự sống và sự chết. Ngài có thể cho Con của Ngài nhập thể, chịu
đau khổ, ngang qua sự chết, và phục sinh vinh hiển. Chẳng có gì là không thể đối
với Thiên Chúa; chúng ta đừng áp dụng cách thức suy nghĩ của con người cho
Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Các mẫu gương của những người sống theo đường lối của Thiên
Chúa.
3.1/ Gia Đình Thánh tuân
giữ Lề Luật của Thiên Chúa: Khi đã đến ngày
lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, bà Maria và ông Giuse đem con lên
Jerusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con
trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa,” và cũng để dâng của lễ
theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
3.2/ Ông Simeon tin vào Lời
Thiên Chúa hứa và sự thúc đẩy của Thánh Thần.
(1) Ông Simeon là người
công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần
hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy
cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy,
ông lên Đền Thờ.
(2) Lúc cha mẹ Hài Nhi
Giêsu đem con tới, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra
đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là
ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài.”
3.3/ Ông Simeon nói tiên
tri:
(1) Về con trẻ: “Thiên
Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng
dậy. Cháu còn là mục tiêu cho người đời chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ
thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Nhiều người bị ngã xuống hay được đứng dậy là
hòan tòan tùy thuộc vào phản ứng của họ đối với Đức Kitô. Trong cuộc đời của
Chúa, người bị ngã xuống là phần đông là các Kinh-sư và Biệt-phái, vì họ từ chối
không tin và luôn tìm cách bắt bẻ và tiêu diệt Ngài. Những người được đứng dậy
là các người thu thuế, gái điếm, và dân ngọai; tuy bị coi là tội lỗi, nhưng khi
được Chúa tỏ lòng thương xót, họ đã ăn năn và tin vào Ngài.
(2) Về Mẹ Maria: “Còn
chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc
đời của Mẹ; đau khổ của Con là của Mẹ. Mẹ Maria đã đồng hành với con từ lúc
sinh ra trong máng cỏ cho tới lúc sinh thì tên Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nhà thờ là nơi con
người gặp gỡ Thiên Chúa để bàn chuyện, để được hướng dẫn, và để lãnh nhận những
ơn thánh cần thiết cho cuộc sống con người.
– Chúng ta cần phải
chuẩn bị tâm hồn mỗi khi đến nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu chúng ta đến nhà
thờ với một tâm hồn khô khan, vội vã và bất kính, chúng ta sẽ không thể gặp gỡ
Thiên Chúa và lãnh nhận những hồng ân của Ngài.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
02/02/2019 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 TN
DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THÁNH
Lc 2,22-32
HIẾN DÂNG ĐỜI MÌNH CHO CHÚA
“Hôm ấy, bà Ma-ri-a
và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép
trong luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến dành riêng
cho Chúa.” (Lc 2, 22b)
Suy niệm: Theo luật Cựu Ước thì mọi
con trai đầu lòng phải được “thánh hiến cho Thiên Chúa” (x. Xh 13,2) vì “Đức
Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa dân ra khỏi Ai Cập” (Xh 13,14).
Nhưng việc Chúa Giê-su được tiến dâng trong đền thờ không chỉ có ý nghĩa đó. Việc
đó còn báo trước rằng mỗi người Ki-tô hữu, qua Bí tích Rửa Tội, đều được thánh
hiến cho Thiên Chúa và trở thành con cái của Ngài. Hành vi dâng hiến này được
thực hiện cách trang trọng và triệt để qua lời khấn dòng của các tu sĩ nam nữ
trong đời sống tu trì. Và như vậy, mọi Ki-tô hữu và cách riêng các tu sĩ, đều
được hiến dâng cho Chúa và từ đây chỉ sống cho Chúa và phụng sự Chúa mỗi người
theo cách thế riêng của bậc sống mình.
Mời Bạn: Một khi đã lãnh nhận Bí
tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu được thánh hiến để thuộc về Chúa. Và vì thế, mọi
tín hữu đều được mời gọi sống thánh thiện: mọi tư tưởng, lời nói và việc làm đều
phải thấm đầy sự thánh thiện mình đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa. Mỗi ngày sống
của người Ki-tô hữu từ nay trở nên một hiến lễ kính dâng lên đẹp lòng Thiên
Chúa.
Chia sẻ: Là Ki-tô hữu, bạn có ý thức mình là con cái Chúa và nỗ lực
sống đẹp lòng Ngài không?
Sống Lời Chúa: Ý thức mình là con cái
Chúa, tôi quyết tâm thực hiện những điều Chúa Giê-su dạy trong Kinh Lạy Cha để
sống theo thánh ý Chúa và làm sáng danh Cha chúng ta trên trời.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy
Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
Ánh sáng và vinh quang (2.2.2019
– Thứ Bảy Tuần 3 TN - Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh)
Suy niệm:
“Thứ bốn thì ngắm, Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh,
ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.”
Đức Mẹ đã muốn giữ Luật Chúa một cách nghiêm chỉnh.
Luật trong sách Lêvi (12, 2-8) đòi buộc người mẹ 40 ngày sau khi sinh con
trai
phải lên đền thờ để được thanh tẩy và phải dâng lễ vật nữa.
Nếu không đủ khả năng dâng một con chiên và một bồ câu non
thì phải dâng một cặp bồ câu non hay một đôi chim gáy.
Ngày nay chúng ta không thể hiểu tại sao Đức Mẹ phải dâng lễ tạ tội
và phải được thanh tẩy sau khi sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
Tại sao việc sinh nở lại bị coi là ô uế?
Dù sao Mẹ Đấng Cứu Thế đã vâng theo Luật dạy.
Hơn nữa, cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dâng Con cho Chúa trong đền thờ.
Điều này Luật không buộc, nhưng Mẹ đã làm vì lòng sốt sắng.
Thật ra để chuộc lại con trai đầu lòng,
chỉ cần trả cho tư tế gần 60 gam bạc (Ds 18, 15-16).
Mẹ sung sướng đem Con lên đền thờ dâng cho Thiên Chúa
vì hơn ai hết Mẹ biết rằng Hài Nhi Giêsu này là quà tặng Chúa ban cho
mình.
Dâng Con là nhìn nhận Con mình mãi mãi thuộc trọn về Chúa,
ở với Chúa và làm việc cho Chúa suốt đời,
dù mình đã chuộc Con về bằng một số bạc được ấn định theo Luật dạy.
Bài Tin Mừng hôm nay có 4 lần nói đến “Luật” (cc.23.24.27.39).
Về việc giữ Luật, Đức Maria đã không đòi một ngoại lệ hay đặc ân nào.
Hãy nhìn ngắm Thánh Gia lên đền thờ.
Một đôi vợ chồng nghèo bồng một đứa con còn rất nhỏ.
Ai có thể nhận ra đứa bé này là Đấng Kitô, là ơn cứu độ cho muôn dân?
Đó là cụ Simêon, một người đạo hạnh, luôn mong chờ điều Chúa hứa.
Hơn nữa cụ là người có Thánh Thần hằng ngự trên (c.25),
người được Thánh Thần linh báo (c. 26), và thúc đẩy lên đền thờ (c. 27).
Chính Thánh Thần làm cụ nhận ra điều mắt thường không thấy,
Và cụ sung sướng, mãn nguyện bồng Hài Nhi trên tay.
Cụ bà ngôn sứ Anna cũng nhận ra Đấng Cứu chuộc đến với mình.
Cụ là người đạo đức, ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.
Cụ bà Anna đã công khai giới thiệu Hài Nhi cho những người chung quanh.
Để gặp được Chúa trong đời thường, chúng ta cần có lòng mong ngóng,
cần sống đời sống đẹp lòng Chúa và cần được Thánh Thần mách bảo.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG HAI
Uy Quyền Ẩn Giấu
Trong Cái Đơn Sơ
Thiên Chúa, Đấng Tạo
Thành của muôn loài, Đấng toàn năng của trời và đất, Đấng là Vua Vinh Hiển, đã
đến trong hình hài một đứa bé nhỏ nhoi. Biến cố Thiên Chúa vào đền thờ của dân
Ngài được bao phủ trong mầu nhiệm của sự yếu đuối và bất lực. Tuy nhiên, uy quyền
của Ngài ẩn giấu trong vẻ đơn sơ và yếu đuối ấy của một em bé.
Tất cả biến cố này là
một mầu nhiệm. Rất tình cờ, ngay chính giữa mầu nhiệm này, một tiếng nói đã cất
lên. Đó là ông già Si-mê-on. Thánh sử Luca cho biết Thánh Thần hằng ngự trên
ông già này (cf. Lc 2, 25).
Nghĩa là, Si-mê-on đã
lên tiếng trong tư cách một nhà tiên tri. Lời ông nói khiến người ta sửng sốt.
Ông chúc tụng Thiên Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để
tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ mà Chúa
đđành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của
It-ra-en dân Ngài” (Lc 2, 29 – 32).
Kỳ lạ biết bao khi đó
là những lời nói về một em bé. Nhưng sấm ngôn của Si-mê-on hoàn toàn chân thực.
Và lời thánh vịnh xưa đã được ứng nghiệm. Đấng vào đền thờ Giê-ru-sa-lem hôm
nay đây chính là ánh sáng và là ơn cứu độ của toàn thế giới. Ngài đã mang ánh
sáng và ơn cứu độ đến trong cung cách như thế đấy. Ngài chính là Vua Vinh Hiển.
Nhưng, vị vua vinh hiển
này sẽ thiết lập triều đại vinh quang của Ngài trên trái đất bằng cách nào đây?
Bằng cách nào đây, em bé Giê-su sinh hạ ở Bê-lem ấy sẽ trở thành ánh sáng và ơn
cứu độ của trần gian? Ông già Si-mê-on đã trả lời cho những vấn nạn trên khi
ông tiên báo: “Cháu bé này sẽ là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2, 34).
Những lời ấy bộc lộ
toàn bộ con đường cứu độ của Đức Kitô từ khi chào đời cho đến lúc chết trên thập
giá. Người là ánh sáng của các dân tộc; nhưng Người cũng là một dấu chống đối của
mọi thời đại, một dấu khơi lên sự thù địch, sự mâu thuẫn.
Các ngôn sứ của
It-ra-en ngày xưa, trước Người, cũng đã từng như thế. Đó là số phận của Gio-an
Tẩy Giả, và cũng sẽ là số phận của bất cứ ai nối gót theo Người. Giê-su đã thực
hiện biết bao dấu lạ lớn lao. Người chữa lành các bệnh nhân, Người hóa bánh và
cá ra nhiều để phân phối cho đám đông dân chúng, Người truyền cho giông tố im lặng,
và thậm chí Người cho kẻ chết được sống lại.
Đám đông tuôn đến với
Đức Giêsu từ khắp mọi nơi, họ lắng nghe Người vì Người giảng dạy với uy quyền.
Thế nhưng, Người gặp phải sự chống đối kịch liệt của những kẻ không chịu mở
lòng trí ra để đón nhận Người.
Rốt cục, sự chống đối
của người ta leo lên đến tột đỉnh trong cuộc khổ nạn và cái chết thập giá của Đức
Giêsu. Sấm ngôn ngày ấy của ông già Si-mê-on hoàn toàn ứng nghiệm.
Sấm ngôn ấy ứng nghiệm
cho cuộc đời của Đức Giêsu – và ứng nghiệm cho cuộc đời của các môn đệ Người mọi
nơi và mọi thời.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/2
Dâng Chúa Giêsu vào
trong Đền Thánh
Ml 3, 1-4; Dt 2,
14-18; Lc 2, 22-32.
LỜI SUY NIÊM: “Khi đã đến ngày
lễ thanh tẩy của các ngài, theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên
Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: Mọi con
trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa”
Trong ngày mừng lễ: “Dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh” Tin Mừng cho chúng ta biết:
Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, điều này giúp cho mỗi
gia đình trong chúng ta một ý niệm mới: “Con cái là phúc lộc của Chúa ban” Cần
phải biết tạ ơn Ngài và hiến dâng lại cho Ngài. để Ngài ban ơn và thánh hóa con
trẻ. Đối với các gia đình Công Giáo tại Việt nam có một thói quen tốt là khi
đem con trẻ đến nhà thờ để lânh nhận phép Rửa Tội xong, thì lại dâng con cái mình
cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.
Lạy Chúa Giêsu. Trong ngày mừng lễ Chúa được dâng trong Đền Thánh, đã đem lại
niềm vui cho ông Simêon: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Chúa đã hứa, xin để
tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã
dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của
Ítraen Dân Ngài.” Xin cho chúng con luôn có tâm tình vui tươi, tạ ơn Chúa, là:
đang được sống bình an trong ơn cứu độ của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 02-02
ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA
GIÊSU
trong Đền Thánh
Kể từ cuối thế kỷ IV,
Giáo hội Gierusalem đã mừng kính lễ này, hướng tới việc dâng Chúa Giêsu vào đền
thánh và việc thanh tẩy Đức Trinh Nữ. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một
số lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Roma lại thường kể
lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ.
Trong thông điệp về
lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Đức Phaolô VI viết: “Lễ mùng 2 tháng 2, được
cải tên là lễ “dâng Chúa vào đền thánh”, cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong
phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu
nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một
sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn
luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy” (Lc 2,21-35)
(Marialis Cultur, số 7b).
Sự kiện dâng Chúa
Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc
2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước
(Lv 12,8). Theo luật Môisê, phụ nữ sau khi sanh con thì bị coi là nhơ uế trong
40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái. Trong những ngày ấy
họ không được vào đền thờ và không được chạm đến vật dụng nào đã thánh hiến cho
Thiên Chúa.
Hết những ngày kiêng cữ
trên, họ đến đền thờ để được thanh tẩy. Họ phải mang theo một con chiên nếu là
nhà giàu hay hai con chim gáy hoặc bồ câu non làm của lễ. Ngoài ra để ghi nhớ dịp
vượt qua đất Ai cập. Lúc các con đầu lòng của loài người hay là của loài vật đều
phải dâng cho Thiên Chúa (Xh 13,2). Vậy, trung tín với lề luật, Đức Maria và
thánh Giuse “khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế cho các đấng theo luật
Môsê, thì ông bà đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” và các Ngài
“dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay hai con bồ câu” (Lc 2,22-24).
Như vậy sự kiện dâng
Chúa Giêsu vào đền thánh diễn ra một cách bình thường dưới mắt người đời. Nhưng
trong lịch sử cứu độ, đây là việc thực hiện lời tiên báo của tiên tri Malaki:
“Thình lình sẽ đến nơi đền thờ của Người, vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi, và
thần sứ giao ước mà các ngươi ước nguyện, này vị ấy đến” (Ml 3,1). Chúa đã đến
trong đền thờ Người. Bao nhiêu người đã ngóng chờ biến cố cứu độ này. Nhưng như
chính tiên tri Malaki trước tự hỏi: “Ai chịu đựng nổi ngày Người đến ? Ai đứng
vững được khi Người hiện ra ?” (Ml 3,2).
Dĩ nhiên khó ai nhận
biết được Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta.
Phải có sự soi sáng của Thánh Thần mới biết được. Siméon và Anna là những người
công chính và mộ đạo đã được hường đặc ân này. Được linh cảm, Siméon “đến đền
thờ, khi cha mẹ bồng hài nhi Giêsu đến để làm theo điều lề luật dạy về Người”
(Lc 2,27).
Am lấy Hài nhi trên
tay, Siméon đã chúc tụng Chúa và nói:
“Mắt tôi đã thấy ơn
Người cứu độ,
Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân,
Anh sáng mạc khải cho dân ngoại
và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,30-32)
Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân,
Anh sáng mạc khải cho dân ngoại
và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,30-32)
Còn nữ tiên tri Anna,
“không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa đêm ngày trong chay kiêng và cầu nguyện.
Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ
ngóng đợi phúc cứu chuộc của Gierusalem” (Lc 37-38).
Ngày lễ Dâng Chúa
Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Hôm nay Giáo hội làm phép những cây
nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường,
mọi người lặp lại Thánh Ca mà tiên tri Siméon đã hát khi Đức Mẹ và thánh Giuse
dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Chúa Giêsu quả là ánh sáng muôn dân, dẫn lối
chúng ta vào trong cung điện Người. Những “cây nến phép” này sẽ được cất giữ
trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi
hài người quá cố trong gia đình.
(daminhvn.net)
02 Tháng Hai
Người Mẹ Bồng Con
Một buổi trưa hè
nóng bức. Những người hành khách trên chuyến xe đò lặng lẽ nhìn con đường độc
điệu. Cái nắng chói chang và cuộc sống buồn tẻ như giam hãm mọi người trong một
thứ thinh lặng nặng nề.
Nhưng ở một trạm dừng
nào đó, mọi người bỗng ra khỏi sự thinh lặng của mình để đưa mắt nhìn về một
người thiếu phụ trẻ vừa mới bước lên xe. Chuyến xe từ từ chuyển bánh trở lại.
Người thiếu phụ bắt đầu cười và đùa giỡn với đứa con thơ dại chị đang bế trên
tay. Cử chỉ của người thiếu phụ, tiếng cười hồn nhiên của đứa bé đã thu hút sự
chú ý của mọi hành khách. Trong phút chốc một ngọn gió mát của hiếu kỳ của liên
đới, của tham dự và của chính sức sống đã đem lại một bầu khí tươi mát cho mọi
người. Mọi người như bừng tỉnh từ nỗi thinh lặng của oi bức, của ngái ngủ. Nơi
đây, người ta nghe có tiếng người bắt đầu nói chuyện. Nơi kia có tiếng người cười.
Sự đối thoại như một dòng điện chạy xuyên qua mọi người. Giờ thì chuyến đi
không còn là một cuộc độc hành buồn tẻ nữa.
Trên chiếc xe già cỗi
và buông tẻ của thế giới, một người đàn bà đã bước lên: Tình Yêu và Sự Sống đã
bừng dậy. Người đàn bà đó chính là mẹ Maria. Thế giới bắt đầu đi vào một gia đoạn
lịch sử mới kể từ giây phút ấy. Mẹ đã bước lên chiếc xe cằn cỗi của thế giới
cùng với Chúa Giêsu để biến nó trở thành một cuộc hành trình vui tươi và đầy ý
nghĩa.
Thiên Chúa đã không ngừng
tạo dựng Mẹ Maria như biểu tượng cao vời nhất của người đàn bà, của người vợ, của
người mẹ, Ngài còn muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Mẹ con đường lý tưởng, mẫu
gương lý tưởng mà môic người phải noi theo để đạt đến cứu cánh vĩnh cửu.
Mẹ đã sinh ra như mọi
người, Mẹ đã lớn lên như mọi người, Mẹ đã sống cuộc sống con người như mọi người,
nghĩa là Mẹ cũng đã trải qua những tháng năm của buồn vui, của thử thách, của mất
mát, cuộc hành trình đó là bởi vì lúc nào Mẹ cũng sống kết hiệp với Chúa và tin
tưởng ở quyền năng Yêu thương của Ngài. Mang Chúa Giêsu đến cho trần thế, Mẹ đã
biến cuộc hành trình buồn tẻ của thế giới thành một Ðại Lễ của gặp gỡ, của chia
sẻ, của hân hoan và tin tưởng. Từ nay, tuyến đường mà nhân loại đang đi kết
thúc bằng một điểm đến rõ rệt là chính Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh
Thứ Bảy 2 Tháng Hai,
2019
Dâng Chúa Giêsu
trong Đền Thánh
Lc 2:22-40
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Thiên Chúa, Đấng Tạo
Hóa và là Cha của chúng con, Chúa đã muốn Con Chúa, Đấng đã sinh ra trước khi
thế gian được tạo dựng, phải trở thành một thành viên của gia đình nhân loại. Xin
Chúa hãy nhen nhúm lại trong chúng con lòng biết ơn về ân sủng của sự sống, để
các bậc cha mẹ có thể tham dự vào sự sinh sản của tình yêu Chúa, để người già
có thể truyền lại cho thế hệ con cháu sự khôn ngoan trưởng thành của họ, và thế
hệ con cháu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan, đạo đức và ân sủng, tất cả mọi
người ca tụng tôn vinh thánh danh Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng
con.
2. Bài Đọc: Lc
2:22-40
Khi ấy, đủ ngày thanh
tẩy theo luật Môisen, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến
dâng cho Chúa, như đã chép trong lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai
đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để
dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong luật Chúa, là “một đôi chim gáy, hay
một cặp bồ câu con”.
Và đây, ở Giêrusalem,
có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi
chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong
ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết,
trước khi ông thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục,
ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người
những tục lệ của lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc
tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi
bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà
Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân. Ánh sáng đã chiếu soi các lương
dân. Vinh quang cho Israel dân Chúa.”
Cha mẹ Người đều kinh
ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà
và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho
nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu
cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn
bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ.”
Lúc ấy, cũng có bà
tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời
trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến
nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn
chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền
chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu
chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất
mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là
Nagiarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn
nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
3. Giây phút
thinh lặng cầu nguyện
– Để Lời của Chúa có thể ngự thấm trong chúng
ta và để soi sáng đời sống chúng ta.
– Để trước khi chúng ta đưa ra bất kỳ một ý kiến
nào, xin cho ánh sáng Lời Chúa được tỏa sáng và chiếu soi với mầu nhiệm về sự
hiện diện sống động của Chúa.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong
việc suy gẫm cá nhân.
a)Tại sao Đức Giêsu, Con Một của Đấng Tối Cao, và Đức Maria
mẹ Người, đã được thụ thai không vướng tội lỗi, mà lại tuân theo các lề luật của
Môisen? Có phải bởi vì Đức Maria chưa nhận thức được sự vô nhiễm và
thánh thiện của bà không?
b)Lời nói và thái độ của ông Simêon và bà tiên tri Anna có
ý nghĩa đặc biệt nào không? Hành động và sự vui mừng của họ có làm gợi
nhớ lại phong thái của các tiên tri ngày xưa không?
c)Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được câu “một
lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn”: đó có phải là việc xé nát lương
tâm trước những thách thức và sự phong phú của Chúa Giêsu không? Hay
đó chỉ là nỗi đau lòng của Đức Mẹ?
d)Cảnh này có thể có một ý nghĩa nào đó cho các bậc phụ
huynh ngày nay không: về ý thức tôn giáo của con cái họ; về kế hoạch
của Thiên Chúa dành cho mỗi con cái của Người; về những nỗi sợ hãi và đau khổ
mà cha mẹ mang trong tâm tư họ những khi họ nghĩ về thời điểm khi con cái họ lớn
khôn?
5. Chìa khóa
dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào văn bản.
a) Như
đã chép trong lề luật Môisen hay lề luật của Chúa. Đây là một loại điệp khúc được lặp lại nhiều lần. Thánh
sử Luca hòa lẫn hai hệ thống lề luật mà không có sự phân biệt. Luật
thanh tẩy của người mẹ đã được viết trong sách Lêvi (12:2-8) và được diễn ra bốn
mươi ngày sau khi sinh con. Cho đến lúc đó, người phụ nữ không được
phép đến gần những nơi thiêng liêng, và buổi lễ được kèm theo với của lễ dâng là
một con vật nhỏ. Việc thánh hiến con đầu lòng đã được quy định
trong sách Xuất Hành 13:11-16, và được coi như là một loại “tiền chuộc” để tưởng
nhớ đến hành động cứu chuộc của Thiên Chúa đã giải thoát dân tộc Israel khỏi
ách nô lệ ở Ai-Cập. Vì lý do này lễ vật dâng tiến là một
con vật nhỏ. Trong mọi trường hợp, các bậc cha mẹ có vẻ như
trong thủ tục hiến dâng con trai của họ như đã được làm với vật hiến tế và tư tế
Lêvi, trong khi ấy qua các nhân vật như ông Simêon và cụ bà Anna, dường như
Thiên Chúa lại là Đấng dâng hiến Con của Người để cứu độ nhân loại.
b) Ông Simêon
và bà Anna: Đây là những nhân
vật với đầy đủ giá trị biểu tượng. Vai trò của họ là một sự công nhận,
xuất phát từ việc soi sáng lẫn hành động của Chúa Thánh Thần và một đời sống
trong sự mong chờ và đức tin. Đặc biệt ông Simêon được mô tả như là
một người hoàn toàn đắm chìm trong sự chờ đợi (prodekòmenos), và là kẻ
bước tới để chào đón. Ông cũng xuất hiện để tuân giữ lề luật, lề luật
của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn ông về phía con trẻ trong đền thờ. Bài
ca vịnh ông công bố biểu lộ khuynh hướng sống cho người khác của ông, ông đã sống
để chờ đến thời điểm này và giờ đây ông rút lui để cho những người khác có thể
nhìn thấy ánh sáng và ơn cứu độ đến cho dân tộc Israel cũng như dân ngoại. Bà
Anna hoàn thành bức tranh, bằng vào số tuổi của bà (con số tượng
trưng: 84 = 7 x 12; mười hai chi tộc Israel; hoặc 84 – 7 = 77, con số
toàn thiện kép), nhưng hơn hết cả là bằng lối sống của bà (ăn chay và cầu nguyện)
và bằng lời công bố của bà cho tất cả những ai “nhìn về tương
lai”. Bà được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần về việc nói tiên tri, phụng
thờ Chúa và sự trinh khiết trong lòng của bà. Ngoài ra, bà thuộc về
một chi tộc nhỏ bé nhất, chi họ Asê, một dấu chỉ cho thấy rằng những người nhỏ
bé và mong manh là những người có khuynh hướng nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu
Thế hơn. Cả hai ông bà lão này – trông có vẻ như là một cặp đôi
nguyên thủy – là những biểu tượng đẹp nhất của Do Thái giáo, của thành
Giêrusalem trung thành và hiền lành, đang chờ đợi và vui mừng và rằng từ bây giờ
sẽ để cho nguồn ánh sáng mới lan tỏa.
c) Một
lưỡi gươm sẽ đâm thấu: thông thường
những chữ này được hiểu như có nghĩa là Đức Maria sẽ chịu đau khổ, một cảnh được
thấy rõ ràng là hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi. Thay vào đó, chúng ta cần
xem Đức Mẹ như là một biểu tượng của dân tộc Israel. Ông Simêon linh
cảm được cảnh tượng dân tộc của ông sẽ bị chia rẽ sâu xa bởi lời sắc bén và hằng
sống của Đấng Cứu Thế (xem Lc 12:51-53). Đức Maria đại diện cho đường
đi: bà phải tín thác, nhưng sẽ phải trải qua những thời gian đau
thương và đen tối, sự im lặng đớn đau và những thử thách. Câu chuyện
của Đấng Mêssia đau khổ sẽ làm cho mọi người đau đớn, ngay cả đối với Đức Mẹ. Người
ta không thể đi theo ánh sáng mới của toàn thế giới mà không phải trả giá, mà
không phải bị khích động để chọn các quyết định đầy rủi ro, mà không phải được
tái sinh từ trời và trong sự mới mẻ. Nhưng hình ảnh của “lưỡi gươm
đâm thấu” này, về một hài nhi sẽ “làm vấp ngã” và giao động những trái tim khỏi
sự thờ ơ của họ, thì không thể bị tách rời khỏi hành động đầy ý nghĩa của hai
người già lão: một người là ông Simêon, kẻ đã bế Chúa Hài Đồng trên
tay mình để cho thấy rằng đức tin là một sự gặp gỡ và vòng tay ôm, chứ không phải
là một lý thuyết suông; còn người kia, cụ bà Anna, đảm nhận vai trò công bố và
nhen nhóm lại ánh sáng rực rỡ trong lòng tất cả những ai “đã nhìn về phía” Người.
d) Đời sống hằng
ngày, sự hiển linh của Thiên Chúa: Cuối cùng, thật là thú vị khi nhận thấy rằng toàn bộ câu
chuyện nhấn mạnh đến hoàn cảnh giản dị và chất phác nhất: một cặp vợ
chồng trẻ với một đứa con trong tay, một ông già vui mừng và ôm ấp đứa bé, một
bà lão cầu nguyện và nói tiên tri, những kẻ lắng nghe dường như là những người
đang gián tiếp tham gia. Ở phần cuối của đoạn Tin Mừng, chúng ta
cũng có một cái nhìn thoáng qua về làng Nagiarét, về sự phát triển của đứa trẻ
có năng khiếu khác thường với sự khôn ngoan và tốt lành. Chủ đề của
sự khôn ngoan được đan dệt vào trong tấm vải của đời sống bình thường và lớn
lên trong một bối cảnh của ngôi làng, để cho câu chuyện dường như treo lơ lửng,
và nó sẽ được nhắc lại lần nữa đúng với chủ đề sự khôn ngoan của cậu bé ở giữa
các luật sĩ trong đền thờ. Thật vậy, đây là cảnh kế tiếp ngay sau
đây (Lc 2:41-52).
6. Cầu Nguyện: Thánh
Vịnh 122:
Vui dường nào khi
thiên hạ bảo tôi:
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! ”
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! ”
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Giêrusalem khác nào đô
thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Israel.
được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Israel.
Cũng nơi đó, đặt ngai
xét xử,
ngai vàng của vương triều Đavít.
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,
rằng: “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong lũy ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
ngai vàng của vương triều Đavít.
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,
rằng: “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong lũy ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
Nghĩ tới anh em cùng
là bạn hữu,
tôi nói rằng: “Chúc thành đô an lạc.”
Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.
tôi nói rằng: “Chúc thành đô an lạc.”
Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.
7. Lời
nguyện kết
Lạy Cha, chúng con ngợi
khen và chúc tụng Cha bởi vì nhờ Con Cha, được sinh ra bởi một người phụ nữ do
việc làm của Chúa Thánh Thần, được sinh ra theo lề luật, đã cứu chuộc chúng con
khỏi lề luật và Cha đã làm đầy cuộc sống chúng con với ánh sáng và niềm hy vọng
mới mẻ. Nguyện xin cho gia đình chúng con hân hoan chào đón và trung
thành với chương trình của Cha, nguyện xin cho những người trong gia đình chúng
con giúp đỡ và duy trì trong con cái họ những giấc mơ và sự nhiệt tình mới, xin
Cha ấp ủ chúng trong sự dịu dàng khi chúng yếu ớt mong manh, xin Cha dạy dỗ
chúng trong tình yêu cho Cha và cho tất cả tha nhân. Lạy Cha, tất cả mọi
danh dự và vinh quang đều quy về Cha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét