28/03/2019
Thứ năm tuần 3 mùa Chay
BÀI ĐỌC I: Gr 7, 23-28
“Này là dân không chịu nghe lời
Chúa là Thiên Chúa của họ”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Đây Chúa phán: Ta truyền cho họ
lời này: Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các
ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho
các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc.
Nhưng họ không nghe, họ không chịu
lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ
không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ
sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không
nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ
hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không
nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời
Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng
họ không còn nhắc đến nữa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn
nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng(c. 8).
Xướng:
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng
Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi;
chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Đáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và
sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là
Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
– Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe
tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng,
nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc
của Ta”. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6,
2
Đây là lúc thuận tiện, đây là
ngày cứu độ.
PHÚC ÂM: Lc 11, 14-23
“Ai không thuận với Ta là nghịch
cùng Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ
câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có
mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”.
Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người
biết ý của họ, liền phán:
“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt
vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ,
thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ
quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ?
Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay
Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
“Khi có người khoẻ mạnh và võ
trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có
người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng,
và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng
Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Nhận ra sự hiện diện
và tác động của Chúa
Một nhà truyền giáo nọ kể lại
sự kiện sau: một hôm tôi đang giảng dạy cho một nhóm người tại Nagasaki. Sau
bài giảng một người đứng lên hỏi tôi ba điều: “Tôi có tin Đức Mẹ đồng trinh
không? Tôi có vâng lời và hiệp thông với Đức thánh cha không? Tôi có giữ mình
trinh khiết và sống độc thân không?”. - Tôi xác nhận cả ba điều trên và hỏi lại:
“Tại sao ông lại đặt ra ba câu hỏi vừa rồi?”
Người đó trả lời: “Vì ông bà
chúng con trước khi chết có nhắn nhủ chúng con rằng sau này có ai đến giảng đạo,
chúng con phải lấy ba tiêu chuẩn ấy để đánh giá xem đó có phải là vị thừa sai
chân chính không. Nay chúng con vui mừng vì cha đích thực là người được Hội
thánh sai đến, chúng con sẽ nghe lời cha và giữ vững đức tin tổ tiên chúng con
truyền lại”.
Những giáo dân Nhật Bản đã dùng
ba tiêu chuẩn để thẩm định đâu là nhà truyền giáo đích thực. Ngược dòng thời
gian trở về thời Chúa Giêsu, chúng ta cũng được chứng kiến một biến cố tương tự.
Các tiên tri đã báo trước cho Dân Chúa là khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ thực hiện
những dấu lạ: cho kẻ câm được nói, kẻ què được đi, người bị quỉ ám được chữa
lành. Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên tri đó trước mặt nhiều thành phần trong
dân để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng muôn dân mong đợi. Tuy nhiên
có những người không nhìn nhận sự hiện diện và tác động của Chúa, họ cố tình giải
thích sự lệch lạc để khỏi phải tin và làm cho người khác đừng tin, như được
trình thuật trong Tin mừng hôm nay.
Quả thật, đứng trước Chúa Giêsu,
con người phải có thái độ hoặc tin nhận hoặc chối từ. Đó cũng là thái độ mà người
Kitô hữu chúng ta phải có đối với Chúa Giêsu. Ngài đến với con người qua Giáo Hội,
qua những sứ giả được tuyển chọn và sai đi làm chứng cho Ngài nhưng liệu chúng
ta có thành tâm và can đảm cộng tác với ơn soi sáng của Thánh Thần để tin nhận
Ngài không? Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
“Chúa hiện diện không phải là lý
thuyết. Ngài là Cha ở bên con với tất cả quyền năng và tình thương. Ngài là tất
cả của con, là cùng đích trong ý hướng, là lý do các quyết định, là động lực
các tình cảm, là gương mẫu các hành động của con. Hãy sống bên Chúa, con sẽ nên
thánh. Thiên đàng không gì khác hơn là Thiên Chúa hiện diện”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin
Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần III MC
Bài đọc: Jer 7:23-28; Lk 11:14-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết nghe lời
Thiên Chúa là điều kiện để đạt hạnh phúc.
Khi phải đối diện với Lời Chúa
hay những công việc Chúa làm, con người thường có ba thái độ chính: tích cực
vâng lời và làm theo những gì Thiên Chúa răn bảo; hay dửng dưng coi thường “khó
quá, ai làm nổi;” hoặc tiêu cực tìm lý do phê bình để khỏi phải làm như “ở Nazareth
nào có cái chi hay!”
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng
nhiều đến phản ứng sau cùng, con người không những không nghe lời Thiên Chúa, lại
còn phê phán buộc tội để khỏi phải nghe và làm theo. Trong Bài Đọc I, dân chúng
không chịu nghe tiếng Thiên Chúa và cũng chẳng chịu nghe Jeremiah, ngôn sứ của
Ngài. Đã vậy, họ còn mạ lỵ Jeremiah và còn tìm đủ cách để có cớ lọai trừ ông.
Trong Phúc Âm, chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu khai trừ quỉ câm, một số người đã
không tin uy quyền của Chúa Giêsu, lại còn mạ lỵ Ngài: “Ông ấy dựa thế quỷ
vương Beelzebul mà trừ quỷ.” Nói cách khác, họ có ý muốn nói: Chúa Giêsu là đồng
bọn của ma quỉ để dân chúng đừng tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đây là dân tộc không biết nghe tiếng Đức Chúa.
1.1/ Dân Chúa phải nghe tiếng Thiên
Chúa: Nghe tiếng Thiên Chúa là điều kiện trước
tiên để con người nhận ra sự thật hay ý định của Thiên Chúa cho con người. Con
người phải biết nghe thì mới biết cách làm; nếu con người không chịu nghe thì sẽ
không biết cách làm hoặc làm sai. Nếu làm sai, con người sẽ phải lãnh nhận mọi
hậu quả xấu. Nếu một người không nghe theo tiếng Thiên Chúa, người đó không còn
là con Thiên Chúa nữa. Vì thế, Chúa truyền cho con người: “Hãy nghe tiếng Ta
thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo
mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc.”
Không nghe tiếng Thiên Chúa là
lý do con người đã không tiến tới mà còn lùi bước. Con người không muốn nghe tiếng
Thiên Chúa vì họ kiêu ngạo nghĩ mình đã biết cách giải quyết vấn đề, hay nghe
theo tiếng của thần khác Thiên Chúa. Đây là tình trạng của dân tộc Israel trước
Thời Lưu Đày, như Jeremiah trình thuật: “Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai,
cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ
không tiến.”
1.2/ Dân Chúa phải nghe tiếng các
ngôn-sứ của Thiên Chúa: Vì tình thương,
Thiên Chúa không sửa phạt dân ngay; nhưng Ngài luôn sai các ngôn sứ của Ngài tới
để kêu gọi dân chúng ăn năn trở lại: “Từ ngày cha ông chúng ra khỏi đất Ai-cập
tới nay, ngày này qua ngày khác, Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của Ta là
các ngôn sứ đến với chúng; nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai, lại ra
cứng đầu cứng cổ. Chúng hành động còn xấu hơn cả cha ông chúng nữa.”
Chúa nói trước với Jeremiah về sự
cứng lòng của dân, để ông biết Ngài đã kiên nhẫn sửa dạy dân; và cũng để ông khỏi
ngạc nhiên khi chứng kiến sự cứng lòng của họ: “Vậy, ngươi sẽ nói với chúng tất
cả những điều ấy, nhưng chúng chẳng nghe đâu; ngươi sẽ gọi chúng, chúng chẳng
trả lời đâu.” Sau cùng, tiên tri Jeremiah phải đồng ý với Thiên Chúa: dân chúng
xứng đáng chịu hình phạt và thời chiến tranh và lưu đày phải xảy ra, vì “Đây là
dân tộc không biết nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của mình, không chấp nhận lời
sửa dạy: sự chân thật đã tiêu tan và biến khỏi miệng nó.”
2/ Phúc Âm: Thái độ tiêu cực của con người:
2.1/ Thái độ của con người trước
phép lạ Chúa Giêsu làm: Có 3 phản ứng của
con người khi họ chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu chữa một người khỏi quyền lực của
quỉ câm:
(1) Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
(2) Nhưng trong số đó có mấy người
lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ.”
(3) Kẻ khác lại muốn thử Người,
nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Vừa chứng kiến dấu lạ, lại đòi một phép lạ
khác trước khi có thể tin!
2.2/ Thái độ tích cực của Chúa
Giêsu: Ngài kiên nhẫn cắt nghĩa và muốn họ
nhận ra hai điều:
(1) Một người không thể dựa thế
quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ: Một người có thể dựa thế người khác để làm tất
cả mọi điều, nhưng không thể để khai trừ những người thuộc quyền họ; vì đòan kết
là điều kiện chính để sinh tồn: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự
chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước
nó tồn tại sao được? Bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ.” Hơn
nữa, có nhiều người trừ quỉ trong Israel trước thời Chúa Giêsu; ngay cả Vua Solomon
cũng trừ quỉ bằng các cây cỏ. Vì thế, nếu họ tố cáo Chúa Giêsu thuộc về ma quỉ,
họ cũng tố cáo tất cả những người này: “Nếu tôi dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ,
thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.”
(2) Chúa Giêsu đến để vô hiệu
hóa các quyền lực của ma quỉ: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,
thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” Ngài cắt nghĩa thêm: “Khi
một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người
ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy,
thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì
đã lấy được.” Ma quỉ chỉ có quyền lực trên con người, trong lâu đài của chúng
là thế gian này. Vương quốc của chúng được an tòan khi Chúa Giêsu chưa đến.
Nhưng khi Triều Đại của Ngài đến, mọi sự thay đổi. Vì Ngài có quyền lực mạnh
hơn ma quỉ, nên Ngài có thể khai trừ chúng khỏi con người như trình thuật hôm
nay. Ngài vô hiệu hóa các vũ khí chúng dùng để cai trị con người như: kiêu ngạo,
tham muốn, hưởng thụ vật chất … Một khi con người quyết tâm theo Chúa, ma quỉ sẽ
không dám đụng chạm tới họ. Ma quỉ chỉ có quyền trên những ai muốn ở lại với
chúng.
2.3/ Không thể giữ thái độ trung lập
trên bước đường theo Chúa: Truyền thống
Do-thái tin cuộc đời này là bãi chiến trường tranh chấp giữa quyền lực của
Thiên Chúa và của ma quỉ, giữa con cái của ánh sáng và của bóng tối. Trong cuộc
giao chiến này, con người không thể đứng trung lập: Họ phải chọn giữa Thiên Chúa
hoặc ma quỉ, giữa ánh sáng và bóng tối, như Chúa Giêsu tuyên bố: “Ai không đi với
tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” Một người chọn
đứng bên lề, chọn không tham gia những công việc hữu ích, là chọn để giúp cho
các công việc gây thiệt hại có cơ hội phát triển. Họ cũng không thể chọn cả hai
bên: vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi ma quỉ, vì hai bên không đội trời
chung.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nghe theo tiếng Chúa là điều
kiện tiên quyết để con người có hạnh phúc.
– Chúng ta cần có thái độ tích cực
để nhận ra và thi hành điều hữu ích trong cuộc sống. Cần tránh thái độ tiêu cực
chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân.
– Không cộng tác với Thiên Chúa
là cộng tác với ma quỉ. Không có thái độ trung lập và cũng chẳng có thái độ làm
tôi hai chủ trong cuộc đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
28/03/2019 – THỨ NĂM TUẦN 3 MC
Lc 11,14-23
TIN VÀO QUYỀN NĂNG CHÚA
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần các ngươi.” (Lc 11,20)
Suy niệm: Các trình thuật phép lạ
trong sách Tin Mừng, cách riêng các trình thuật về việc trừ quỷ, minh chứng quyền
năng tuyệt đối của Chúa: Không một thế lực nào, dù là con người hay ma quỷ, dù
là sức mạnh thiên nhiên có thể thắng được quyền năng Chúa. Trông thấy Chúa
Giê-su, ma quỷ hốt hoảng: “Ông đến đây tiêu diệt chúng tôi sao?” (Lc 4,34). Dù
quỷ có đông như cả một đạo quân, Ngài cũng chỉ cần nói một lời là đủ trục xuất
chúng ra khỏi người mà chúng đang khống chế (x. Lc 8,26-38). Oái oăm thay, khi
Đức Ki-tô tỏ quyền năng của Ngài để tiễu trừ ma quỷ và loan báo Nước Thiên Chúa
đã đến gần thì chính Ngài lại bị chối từ, bị qui chụp là “dựa thế quỷ vương
Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” Đáng tiếc thay!
Mời Bạn: Thái độ thường tình của
chúng ta cũng oái oăm không kém! Khi gặp cơn khó khăn hoạn nạn, chúng ta chạy
đôn chạy đáo tìm phương giải cứu. Thế nhưng lắm khi thay vì cậy dựa vào “ngón
tay của Thiên Chúa” chúng ta lại “dựa thế của Bê-en-dê-bun” qua những việc làm
mê tín dị đoan như cầu cơ, bói toán, v.v… Mời bạn xét lại: Bạn đã đặt trọn vẹn
niềm tin vào quyền năng Chúa, là đá tảng vững chắc, nơi Ngài bạn đặt tất cả niềm
trông cậy hay chưa?
Chia sẻ: Đâu là điểm khác biệt giữa một hành vi đức tin và một việc
làm mê tín?
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời tuyên
tín của thánh Phêrô: “Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin với
tất cả niềm xác tín; hoặc hát một bài ca diễn tả tâm tình xác tín vào Chúa:
“Tôi thâm tín rằng”, “Nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, chính là Chúa…”
(5 Phút Lời Chúa)
Người mạnh hơn (28.3.2019 – Thứ
năm Tuần 3 Mùa Chay)
Suy niệm:
Đức
Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm.
Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).
Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,
còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.
Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.
Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.
Người Do-thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).
Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).
Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,
dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.
Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).
Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,
còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.
Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.
Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.
Người Do-thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).
Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).
Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,
dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.
Đức
Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này.
Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).
Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,
nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.
Vả lại, có những người Do-thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.
Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).
Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).
Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,
nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.
Vả lại, có những người Do-thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.
Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).
Đức
Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ.
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,
thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).
Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,
thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).
Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.
Ngài
giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác.
Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.
Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.
Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.
Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.
Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.
Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.
Như thế là con người được thật sự tự do.
Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.
Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.
Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.
Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.
Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.
Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.
Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.
Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.
Như thế là con người được thật sự tự do.
Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.
Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.
Cuộc
chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn,
nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.
Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,
không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?
Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).
Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).
Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.
nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.
Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,
không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?
Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).
Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).
Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.
Trong
cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai.
Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,
vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,
ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).
Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.
Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,
vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,
ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).
Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.
LỜI NGUYỆN
Lạy
Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy
Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG BA
Vâng Phục Cho Đến Chết
Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức
Giê-su Kitô hàm chứa những gì? Nó bao gồm các biến cố của những ngày cuối cùng
Mùa Chay, nhất là những ngày cuối cùng Tuần Thánh. Các biến cố này có khía cạnh
nhân loại của chúng, được ghi lại trong các trình thuật thương khó của Chúa
trong các Sách Tin Mừng. Xuyên qua những biến cố này mà mầu nhiệm Vượt Qua mặc
lấy một chiều kích nhân loại đích thực. Nó trở thành lịch sử của chúng ta.
Nhưng các biến cố ấy còn có chiều
kích thần linh nữa. Thánh Phao-lô viết về Đức Kitô như vị Người Chúa: “Mặc dù
Người vốn là Thiên Chúa, Người đã không nghĩ phải giành cho được địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người đã hủy mình ra không, mặc lấy thân phận nô
lệ, trở thành giống hẳn phàm nhân” (Pl 2,6-7).
Chiều kích này của mầu nhiệm được
gọi là Nhập Thể: Chúa Con – chia sẻ cùng bản tính với Chúa Cha – đã trở thành
con người. Người trở thành người tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, người tôi tớ của
Gia-vê, như Sách Isaia đã nói. Nhờ sự tự hạ này của Con Người mà nhiệm cục cứu
độ thần linh đạt đến đỉnh điểm hoàn thành của nó.
Thánh Phao-lô tiếp tục nói với
chúng ta về mầu nhiệm này: “Người đã hạ mình, vâng phục cho đến chết – chết
trên thập giá” (Pl 2,7-8).
Chiều kích ấy của mầu nhiệm được
gọi là Cứu Chuộc. Sự vâng phục của Con Người – vâng phục cho đến chết trên thập
giá – đã vượt qua và đã xóa được món nợ tội lỗi của chúng ta.
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28/3
Gr 7, 23-28; Lc 11, 14-23.
LỜI SUY NIỆM: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là
phân tán.”
Trước việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm nói được, trong khi đám đông
ngạc nhiên và ca ngợi việc làm của Chúa Giêsu thì lại có những người cho việc
làm của Chúa Giêsu là do người dựa vào quyền năng của quỷ vương mà trừ quỷ. Điều
này cho chúng ta thấy khi con người đứng trước những giáo huấn, và những việc
làm của Chúa Giêsu; không ai có thể là người dửng dưng, hay là trung lập. Phải
nhận biết, ca ngợi, hợp tác trong vâng phục để thực thi, hay bất hợp tác, không
quan tâm và không thấy sự liên quan đến mình.
Lạy Chúa Giêsu. Với lời Chúa dạy hôm nay, Chúa cho chúng con biết: trong đời sống
của mỗi người không có chỗ nào là trung lập, kẻ nào đứng ngoài việc thiện,
đương nhiên đã tiếp tay cho việc ác.
Mạnh Phương
28 Tháng Ba
Ðem Lại Một Chút Bầu Trời
Ngày kia, tại miền Nam
TrungQuốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân chúng
sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn
rau cắt rốn của mình.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một
nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và khỏi
bị những viên gạch, những hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi,
dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”.
Với những dòng nước mắt lăn
tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những
giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: “Tại sao ông lại lo lắng cho
tôi?”. Nhà truyền giáo đáp lại: “Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta và
cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của con”.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất
tiếng hỏi: “Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của ông?”. Nhà truyền
giáo mỉm cười đáp: “Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng
nhiều càng tốt”.
Kể từ ngày ấy cho đến 3 năm
sau khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của
các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất
cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và các
bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau: “Bầu trời nhỏ bé của
chúng ta đã về trời”.
“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên
Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương
mến anh chị em như chính mình”.
Chúng ta cố gắng áp dụng luật
trên với niềm xác tín rằng: với những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, với sự trao
nhau một nụ cười, một lời thông cảm, một sự tha thứ, với những hành động chia
cơm sẻ áo, dù chỉ là một ly nước lã, với các lần thăm viếng các bệnh nhân: nấu
cho họ tô canh, chén cháo, quét nhà, giặt giũ quần áo cho họ v.v… là chúng ta
mang một chút thực tại Nước Trời đến trong xã hội trần thế.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Luca 11:14-23
Thứ Năm 28 Tháng Ba, 2019
Thứ Năm Tuần III Mùa
Chay
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng
con,
Nhiều người trong chúng con chưa
bao giờ có được những của cải như thế,
Nên chúng con đã trở nên tự mãn
và tự tôn,
Hạnh phúc trong thế giới nhỏ bé
của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho đôi tai của
chúng con vẫn còn mở ra để nghe Lời Chúa
Và trái tim chúng con vẫn dành
cho Chúa
Và cho anh chị em của chúng con.
Xin đừng để cho chúng con quên
lãng Chúa,
Hay là đặt niềm tin của chúng
con nơi chính mình.
Xin Chúa hãy làm cho chúng con
thao thức vì Chúa
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
con.
2. Phúc Âm – Luca
11:14-23
Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ
câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có
mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ.”
Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên
xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước
nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu
Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta
nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính
con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà
trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi. Khi có người khỏe mạnh
và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng
nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin
tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt.”
“Ai không thuận với Ta là nghịch
cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.”
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay trích từ sách Tin Mừng theo
Luca. Chúng ta đã suy niệm về đoạn tương tự trích từ sách Tin Mừng của Máccô
(Mc 3:22-27) vào tháng Giêng.
– Lc 11:14-16: Các phản ứng khác nhau trước việc trừ
quỷ. Chúa Giêsu đã trừ một quỷ câm. Việc trừ quỷ đã tạo ra hai phản ứng khác
nhau. Một mặt, đám đông dân chúng đều ngạc nhiên và bỡ ngỡ. Người ta chấp nhận
Chúa Giêsu và tin tưởng vào Người. Mặt khác, có kẻ không chấp nhận Chúa Giêsu
và không tin Người. Trong số những kẻ không tin, có người nói rằng Chúa Giêsu
đã nhờ vào danh của tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, và những kẻ khác lại muốn
có một dấu lạ từ trời. Thánh sử Máccô nói rằng đó là câu hỏi của các Kinh Sư đến
từ Giêrusalem (Mc 3:22), là những người đã không đồng thuận với sự tự do của
Chúa Giêsu. Họ muốn bảo vệ Truyền Thống đối lại với sự đổi mới của Chúa Giêsu.
– Lc 11:17-22: Câu trả lời của Chúa Giêsu được chia
ra làm ba phần:
Phần thứ nhất: Sự so sánh với
một nước tự chia rẽ (các câu 17-18a). Chúa
Giêsu lên án sự phi lý về những lời vu khống của các Kinh Sư. Nói rằng Chúa đã
xua trừ quỷ với sự trợ giúp của tướng quỷ có nghĩa là phủ nhận những bằng chứng.
Nó cũng tương tự như nói rằng nước thì khô ráo và vầng thái dương thì tối tăm.
Các Luật sĩ của Giêrusalem đã phỉ báng Chúa bởi vì họ đã không biết phải giải thích
ra sao về những lợi ích mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho người dân. Họ lo sợ bị mất
vị trí lãnh đạo của họ. Họ cảm thấy thẩm quyền của họ bị đe dọa trước mặt mọi
người.
Phần thứ hai: Con cái các
ngươi nhờ ai mà trừ quỷ? (các câu 18b-20). Chúa
Giêsu khích bác những kẻ tố cáo và hỏi họ: “Nếu các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút
mà trừ quỷ, thì môn đệ các ngươi nhờ ai mà trừ?” Hãy để họ trả lời và tự giải
thích! “Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa
đã đến giữa các ngươi rồi.”
Phần thứ
ba: nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết
khí giới hắn tin tưởng (các câu 21-22). Chúa Giêsu so sánh ma quỳ với một người mạnh mẽ. Không
ai, ngoại trừ người mạnh mẽ hơn, có thể xông vào nhà mà cướp của một người mạnh
mẽ: Chúa Giêsu là người mạnh nhất. Đây là lý do mà Người đã thành công trong việc
xua trừ ma quỷ. Chúa Giêsu đánh bại người mạnh mẽ và bây giờ làm tiêu tan những
gì hắn đã cướp đoạt, đó là, Chúa giải thoát những kẻ đã bị ức chế dưới quyền lực
của sự dữ. Tiên tri Isaia đã dùng sự so sánh tương tự để mô tả việc quang lâm của
Đấng Cứu Thế (Is 49:24-25). Đây là lý do tại sao thánh Luca nói rằng việc xua
trừ ma quỷ là một dấu chỉ rõ ràng rằng Nước Thiên Chúa đã đến.
– Lc 11:23: Bất cứ ai không thuận với Ta là nghịch cùng
Ta. Chúa Giêsu kết thúc câu trả lời của mình với câu nói này: “Ai không thuận với
Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.” Trong một dịp
khác, cũng liên quan đến việc xua trừ ma quỷ, các môn đệ đã ngăn cản một người
nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ bởi vì anh ta không phải là người thuộc nhóm của
họ. Chúa Giêsu bảo các ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại
chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9:50). Hai câu nói này dường như là mâu thuẫn
với nhau, nhưng không phải vậy. Câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay được nói cho
những kẻ đối nghịch, những người đã có một định kiến đối với Chúa Giêsu: “Ai
không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.”
Định kiến và việc không chấp nhận khiến cho cuộc đối thoại không thể xảy ra được
và phá vỡ tình đoàn kết. Câu kia thì được dành cho các môn đệ là những người
nghĩ rằng các ông được độc quyền với Chúa Giêsu. “Bất cứ ai không thuận với Ta
là nghịch cùng Ta!” Nhiều người không phải là Kitô hữu nhưng thực hành tình yêu
thương, lòng nhân ái, sự công bằng, trong cách tốt lành nhiều lần hơn so với
các Kitô hữu. Chúng ta không thể loại trừ họ. Họ là những anh em và là những
người thợ trong việc xây dựng Nước Trời. Kitô hữu chúng ta không phải là những
sở hữu chủ của Chúa Giêsu. Trái lại, Đức Giêsu là Chúa chúng ta!
4. Một vài câu hỏi gợi
ý cho việc suy gẫm cá nhân
– “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai
không thu góp với Ta là phân tán.” Điều này xảy ra như thế nào trong đời sống của
tôi?
– “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại
chúng ta là ủng hộ chúng ta!” Điều này xảy ra bằng cách nào trong đời sống của
tôi?
5. Lời nguyện kết
Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,
Tung hô Người là Núi Đá độ trì
ta,
Vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm
tạ,
Cùng tung hô theo điệu hát cung
đàn.
(Tv 95:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét