Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

31-03-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY năm C


31/03/2019
Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm C
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm C

(Gs 5, 9a. 10-12; 2 Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3. 11-32)
TÌNH THƯƠNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy.
Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”
 (Lc 15, 20)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Đoạn sách Gs 5, 9-12 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng từ giai đoạn hành trình trong sa mạc qua giai đoạn chinh phục Đất Hứa. Đứng trước cửa ngõ vào đất Canaan, Thiên Chúa truyền lệnh cho dân Israel thực hiện nghi thức cắt bì, mừng lễ Vượt Qua và dùng sản phẩm địa phương thay cho Manna.
Trước hết, trước khi bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt để chiếm lấy Đất Hứa, Thiên Chúa truyền lệnh cho dân Israel thực hiện nghi thức cắt bì để nhắc nhớ họ về giao ước mà Thiên Chúa ký kết với tổ phụ họ là Ápraham (x. St 17, 9-14). Nếu dân trung thành giữ giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, thì Người sẽ luôn trung tín bảo vệ dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sức mạnh chở che của Thiên Chúa cùng với sức mạnh từ sự đoàn kết của các nam nhân khi cùng đón nhận phép cắt bì tạo nên sức mạnh cho cuộc chiến đấu.
Sau nữa, tiếp nối sau phép cắt bì, dân Israel cử hành lễ Vượt Qua. Nếu cắt bì là dấu chỉ khởi đầu của giao ước, thì lễ Vượt Qua là dấu chỉ tiếp nối của giao ước. Quả vậy, lễ Vượt Qua nhắc nhớ dân về cuộc giải thoát vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện; trong thời khắc nguy nan nhất, Thiên Chúa đã vượt qua trước cửa nhà dân Israel nhưng lại đánh phạt các con đầu lòng Ai Cập để cứu họ khỏi cảnh nô lệ. Cuộc chiến thắng này là dấu chỉ rõ ràng việc Thiên Chúa giữ lời đã giao ước với các tổ phụ. Giờ đây, họ lại cử hành lễ này như một mong ước về một cuộc chiến thắng mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ tại đất Canaan như Thiên Chúa đã làm xưa kia tại Ai Cập.
Cuối cùng, dân Israel không còn nhận được Manna nữa; thay vào đó họ dùng sản phẩm địa phương vùng Giêricô. Đây là dấu chỉ rõ ràng biểu thị sự chuyển đổi từ giai đoạn sa mạc qua giai đoạn tiến vào Đất Hứa. Giai đoạn Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt để nuôi sống dân Chúa trong sa mạc đã qua rồi. Một giai đoạn mới được mở ra cho dân Chúa. Giờ đây họ có thể bắt đầu dùng sản phẩm địa phương. Lời hứa của Thiên Chúa về một vùng Đất Hứa đang được hiện thực hóa và ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước mà Người đã ký kết với dân Chúa. Nếu dân trung thành tuân giữ những điều họ đã ký kết với Thiên Chúa, Người sẽ từng bước thực hiện lời Người hứa từ ngàn xưa.
2. Bài đọc 2
Đoạn trích từ thư 2 Cr 5, 16-21 mô tả một hoàn cảnh mới, một giai đoạn mới. Vì Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người (5, 15), nên những ai ở trong Người, đều là thụ tạo mới (5, 17), khi người ta được hòa giải với Thiên Chúa.
Trước hết, sự đổi mới đến từ Thiên Chúa, Đấng “đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (5, 18). Quả vậy, sáng kiến hòa giải bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng “không còn chấp tội nhân loại nữa” (5, 19). Thiên Chúa không những không chấp tội của nhân loại, ngay cả khi tội lỗi đó đã dẫn đến cái chết của Đức Giêsu, mà còn dùng chính cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để tha thứ tội lỗi cho nhân loại, và cho nhân loại được hòa giải với Người.
Thiên Chúa đâu cần hòa giải với nhân loại; chính nhân loại mới cần hòa giải với Người. Nhưng Thiên Chúa lại đi bước trước trong việc bày tỏ tình thương tha thứ của Người ngay “khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8), “khi chúng ta còn thù nghịch với Người” (Rm 5, 10) để nhân loại được hòa giải với Người (5,18). Thật vậy, Thiên Chúa không lấy oán báo oán theo kiểu thế gian, nhưng dùng tình thương để hóa giải tội lỗi và ban sự sống mới.
Sau nữa, việc hòa giải với Thiên Chúa được thực hiện thông qua thừa tác vụ của “chúng tôi”, vì theo thánh Phaolô, Thiên Chúa đã “trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (5, 18) và “giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (5, 19). Điều này có nghĩa là việc việc hòa giải không phải dành riêng cho thánh Phaolô trong tư cách cá nhân mà là cho thừa tác vụ của Giáo hội. Hơn nữa, dù được trao cho thừa tác vụ hòa giải nhưng Giáo hội không phải là tác nhân của việc hòa giải nhưng chỉ công bố sự hòa giải mà Thiên Chúa đã thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu. Như thế, thừa tác vụ hòa giải của Giáo hội là “nhân danh Đức Kitô” mà “nài xin” nhân loại “hãy làm hoà với Thiên Chúa” (5, 20).
3. Bài Tin Mừng
Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” được thánh Luca thuật lại trong bối cảnh có những người tội lỗi đến với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, trong khi những người Pharisêu và các kinh sư lại phản đối việc Người tiếp đón và ăn uống với những người bị xem là “phường tội lỗi” (15, 1-3). Dụ ngôn này là câu trả lời cho sự phản bội và những vấn nạn họ đặt ra.
Tình thương và lòng nhân hậu vô bờ của người cha. Tình thương của người cha đối với đứa con hư hỏng thật quá lớn lao. Ông không hề thắc mắc hay gây khó khăn khi đứa con thứ đòi chia của cải. Ông không trách móc khi người con thứ bỏ nhà đi hoang và tiêu xài hết phần của cải được chia. Ông vẫn hằng chờ đợi và trông ngóng đứa con hư trở về đến nỗi khi cậu còn ở đàng xa thì ông đã trông thấy, chạnh lòng thương và chạy ra đón con. Những việc ông làm liên tiếp sau đó như “ôm cổ”, “hôn lấy hôn để”, “mặc áo đẹp”, “xỏ nhẫn”, “xỏ dép”, và “giết bê béo mở tiệc ăn mừng” đều thể hiện tình thương và sự tha thứ hoàn toàn vô điều kiện mà ông dành cho đứa con hư trở về vì đối với ông đó là đứa con “đã chết mà nay sống lại”.
Sự trở về miễn cưỡng của người con thứ. Người con thứ đòi chia gia tài, rồi từ bỏ cha đi ăn chơi mà không hề suy nghĩ cho tình cảm và sự lo lắng của cha. Anh ta chỉ trở về khi đã tiêu hết tiền bạc, không công ăn việc làm, không lương thực dằn bụng. Anh không trở về vì thương cha già ở nhà, nhưng chỉ mong cha chấp nhận mình như người làm công để có cái ăn. Sự trở về của anh chỉ như một sự chọn lựa để không phải chết đói. Dẫu muộn màng và miễn cưỡng, sự trở về của người con thứ vẫn luôn có giá trị và đáng vui mừng đối với người cha. Người cha không quan tâm vì sao anh trở về, vì đối với ông, sự trở về của người con, dù với lý do gì, đều rất đáng được hoan nghênh và đáng để mừng vui. Người con thứ đi hoang đánh mất phẩm giá làm con và tự thấy mình không xứng đáng là con, nhưng khi anh trở về, người cha không mảy may do dự phục hồi trọn vẹn tư cách làm con của anh.
Sự dửng dưng, lạnh lùng và vô cảm của người con cả. Người con cả là người chăm chỉ làm việc, sống đàng hoàng, ngoan ngoãn và chưa bao giờ làm gì trái lệnh cha. Dù tuân phục cha cách trọn vẹn, người con cả chỉ thấy mình như người làm việc để “hầu hạ” một người cha keo kiệt. Một đàng, anh tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ, đối với người em hư hỏng đến nỗi không còn coi đó là em mình, đàng khác, anh không nhận ra tấm lòng rộng lượng của người cha. Anh quên mất rằng trong tư cách là một người con thì “tất cả những gì của cha đều là của con”. Tuy anh ở trong nhà, nhưng lại tự đánh mất phẩm giá và quyền lợi làm con. Anh ở bên cha nhưng lại không cảm nhận được tình cha. Anh tự cho mình là người tốt lành, có tư cách đoán xét người em hư hỏng, nhưng chính anh lại quá hẹp hòi để mở lòng ra với tình cha, tình anh em.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Lời hứa từ xa xưa của Thiên Chúa về một vùng Đất Hứa nay sắp thành hiện thực. Trước khi bước vào cuộc chinh phục đất Canaan, dân Israel cử hành nghi lễ nhắc nhớ về giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân qua việc thực hiện việc cắt bì, và mừng lễ Vượt Qua. Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với giao ước, dẫn dân vào Đất Hứa, nếu dân đi trong đường lối của Người. Tôi có thường nhắc nhớ mình về những gì tôi đã cam kết với Người? Tôi có đang giữ những điều khoản của giao ước mà tôi ký kết với Người?
2/ Đối với thánh Phaolô, Thiên Chúa đi bước trước trong việc hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Qua Đức Kitô và nhờ cái chết của Người, Thiên Chúa không còn chấp tội con người. Việc hoà giải với Thiên Chúa được giao cho thừa tác vụ của Giáo hội. Chính Giáo hội, thừa hành thừa tác vụ được trao cho mình, công bố lời hoà giải. Thiên Chúa mời gọi tôi hoà giải với Người, tôi có mở lòng ra với Người? Tôi có sẵn sàng, thông qua thừa tác vụ của Giáo hội, thực hiện việc hoà giải với Thiên Chúa?
3/ Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” là câu trả lời thoả đáng cho những vấn nạn mà những người Pharisêu và các kinh sư đặt ra. Trước hết, tình thương của Thiên Chúa vượt lên trên những bất toàn tội lỗi của con người. Sau nữa, Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi con người trở về để tha thứ tất cả dù con người bất toàn, tội lỗi đến đâu. Cuối cùng, thật đáng trách cho những ai tự cho mình là công chính mà không nhận ra tình Chúa và hẹp hòi xét đoán anh em mình. Tôi có nhận ra tình thương mà Thiên Chúa vẫn luôn dành cho tôi? Tôi có nhận thấy mình là tội nhân cần trở về để xin Thiên Chúa thứ tha? Tôi có tự coi mình là tốt lành, công chính mà không cần đến tình thương của Chúa và hẹp hòi, khắt khe với anh em?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ luôn yêu thương hết thảy mọi người, sẵn sàng tha thứ và ban tặng sự sống đời đời cho những ai thành tâm sám hối. Ý thức thân phận tội lỗi của mình và tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ vụ giới thiệu cho con người một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Hội Thánh trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước, luôn tận tình phục vụ mọi người với tấm lòng bao dung quảng đại.
2. Lối sống ích kỷ và hưởng thụ đang gặm nhấm và làm băng hoại nhiều tâm hồn. Chúng ta cùng cầu xin cho những người có trách nhiệm luôn quan tâm đến việc giáo dục ý thức cộng đồng và tinh thần vị tha cho mọi lứa tuổi cũng như trong mọi môi trường.
3. Lòng bao dung nhân từ của Thiên Chúa phủ lấp mọi lỗi lầm của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết tận dụng cơ hội của mùa Chay thánh này, để quay về với Chúa qua bí tích Hòa Giải và có những quyết tâm sửa đổi đời sống cách triệt để.
4. Hạnh phúc đích thực là được sống trong tình thương của Thiên Chúa và anh chị em. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đoàn kết yêu thương nhau, biết chia sẻ nâng đỡ và giúp nhau đạt được niềm vui ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ và giàu lòng thương xót. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, giúp chúng con biết yêu thương tha thứ cho nhau, và luôn là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa giữa thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SCĐ Chúa Nhật IV Chay
Chủ đề :
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót


“Người Cha chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20)
Sợi chỉ đỏ :
– Vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã cho dân do thái vào Đất hứa (Bài đọc I)
– Vì lòng thương xót, người Cha đã đón đứa con hoang đàng trở về (bài Tin Mừng)
– Vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô mà cho thế gian được hòa giải với Ngài (Bài đọc II)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện đứa con hoang đàng hối hận trở về và được Cha mở rộng vòng tay tha thứ. Chúng ta là những đứa con hoang đàng và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn chờ đón chúng ta trở về để tha thứ và phục hồi tư cách làm con. Thánh lễ hôm nay là một dịp tốt để chúng ta trở về.
II. Gợi ý sám hối
Chúng ta hãy mượn lời đứa con hoang đàng để bày tỏ với Chúa tâm tình sám hối chân thành :
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã rời bỏ nhà Cha để chạy theo những cám dỗ của thế gian.
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã không yêu thương anh chị em của con.
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã nuông chìu xác thịt mà làm mất lòng Cha.
III. Lời Chúa
1.     Bài đọc I (Gs 5,9-12)
Giai đoạn thứ ba của lịch sử cứu độ : Thiên Chúa cho dân do thái được vào chiếm hữu đất hứa.
– Việc đầu tiên khi vừa vào Đất Hứa là cử hành Lễ Vượt Qua. Lễ này được ấn định sẽ cử hành hàng năm từ đó về sau vào ngày 14 tháng Nisan, nhằm giúp dân do thái luôn nhớ đến lòng tho xót của Thiên Chúa đối với họ.
– Sau khi dân đã vào Đất hứa rồi thì manna không còn rơi xuống nữa, vì từ nay họ sẽ sống bằng hoa màu của đất đai mà Thiên Chúa ban cho họ.
2.                 Đáp ca (Tv 33)
Ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa.
3.                 Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32)
Dụ ngôn người cha nhân từ : Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh họa rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.
11-12     – “Xin cha ban cho con phần gia tài thuộc về con” : Thông thường cha chỉ chia gia tài cho các con khi gần chết. Tuy thực tế có những trường hợp cha chia gia tài cho con ngay lúc ông còn mạnh khoẻ (x Tb 8,21), nhưng đó là tự ý người cha chứ không do đòi hỏi của con. Hơn nữa sách Huấn ca, 1 quyển sưu tập những lời dạy khôn ngoan, đã khuyên đừng bao giờ làm như thế bởi vì “nắm tiền là nắm quyền”, khi đã chia gia tài cho con rồi thì không còn điều khiển chúng nỗi nữa, trái lại có thể còn bị chúng ngược đãi (Hc 33,20-24). Người cha trong dụ ngôn này đã không khôn ngoan tính kỹ như vậy, vì ông quá thương con.
         – Người cha này là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhiều người trách Thiên Chúa sao quá hiền lành không trừng phạt “nhãn tiền” những người tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ Tự Do. Mà tự do nghĩa là có thể vâng lời hoặc không vâng lời Thiên Chúa. Vậy không nên trách Thiên Chúa mà chỉ nên cám ơn Thiên Chúa đã quá yêu thương loài người. Có trách là trách loài người đã xử dụng sai quyền tự do của mình.
13-20a   Sau khi lãnh gia tài, đứa con thứ liền ra đi sống bê tha phung phí hết của cải và rơi vào tình trạng khốn khổ.
         – “Chăn heo” : người do thái coi heo là đồ ghê tởm. Thịt heo họ còn không ăn. Thế mà đứa con này phải đi chăn heo. Tệ hơn nữa là muốn ăn thức ăn của heo mà còn không được. Nghĩa là tình trạng xuống dốc đến tột cùng.
         Trong lúc xuống dốc tột cùng như thế, nó muốn quay trở về với cha. Đây cũng là tâm lý của kẻ tội lỗi : khi sung sướng thì quên Chúa, quên đạo lý. Lúc khổ sở mới biết hối hận.
         Trước lúc quay về, nó soạn sẵn 1 bài tự thú. Ta hãy chú ý là bài tự thú này khá dài (2 câu 18-19)
20b   Câu này chứa nhiều chi tiết chứng tỏ tình thương vô bờ bến của người cha nhân lành :
         – “Khi cậu còn ở đàng xa, Cha cậu trông thấy” : Một người cha bình thường khi con bỏ nhà ra đi thì tức giận và có thể còn từ con luôn. Nhưng người cha này không như vậy. Chi tiết ông trông thấy con từ xa có nghĩa là sau khi nó ra đi ông rất thương tiếc nó, thường xuyên đứng trước ngõ trông chờ nó, nhờ đó mới thấy bóng dáng nó từ đàng xa. Ý nghĩa : khi con người đi đàng tội lỗi, TC không từ bỏ con người nhưng luôn trông chờ con người hối hận quay về.
         – “Liền động lòng thương” : Đối với những người cha bình thường, cho dù độ lương bao nhiêu đi nữa với đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, khi thấy nó về thì phản ứng đầu tiên là chửi mắng, hoặc ít ra là lạnh nhạt. Người cha này không thế, phản ứng đầu tiên của ông là “liền động lòng thương“.
         – “Chạy lại” : Ta nên hiểu chi tiết này theo tâm lý người phương đông. Những người phương đông (trong đó có do thái) giỏi kềm chế cảm xúc của mình, nhất là những người đàn ông. Đàn ông càng lớn tuổi càng phải đi đứng chửng chạc. Nhưng người cha phương đông trong dụ ngôn này chẳng những không kềm chế tình cảm mà còn “chạy” ! Vì tình cảm thương con quá lớn, ông không kềm chế nỗi nữa rồi.
         – “Ôm vào lòng hôn con tha thiết” : cử chỉ này không chỉ là biểu lộ một tình thương mãnh liệt mà còn có ý nghĩa tha thứ. Ôm hôn là biểu lô sự tha thứ (xem chuyện Đavít ôm hôn tha thứ cho Absalom ở 2Sm 14,33). Đáng chú ý là khi đó đứa con chưa mở lời xin lỗi.
21-24     – Khi đó đứa con bắt đầu đọc bài tự thú mà nó đã học thuộc lòng. Nên lưu ý là nó đọc chưa xong thì người cha đã không nghe nữa. Ông không cần lời lẽ của nó, nguyên việc nó quay về với ông đã đủ. Ông còn bận tổ chức tiệc mừng.
         – “Mau mau đi” : tha thứ nhanh chóng, nôn nóng mở tiệc mừng.
         – “Đem áo dài tốt nhất mặc cho cậu” : Áo chỉ thân phận của người mặc áo. Đứa con này đã đánh mất chiếc áo làm con để thay vào chiếc áo chăn heo. Nay nó được cho mặc “áo dài tốt nhất” tức là nó được trả lại quyền làm con. Chú ý là nó đã tự thú “Con không đáng cha nhận làm con cha nữa. Xin cha cứ coi con như đứa làm thuê”.
         – “Đeo nhẫn vào tay” : nhẫn là món chỉ có những người quý phái mới mang.
         – “Xỏ giầy vào chân cậu” : theo tục lệ do thái, đầy tớ không mang giầy (mà chỉ xách giầy cho chủ).
         – “Bắt con bò tơ chúng ta đã nuôi cho béo” : không phải bất cứ con bò béo nào, mà con bò “chúng ta đã nuôi cho béo“. Nghĩa là người cha đã dự trù sẵn bữa tiệc mừng này nên đã chỉ định một con bò phải nuôi cho béo. 1 chi tiết nữa cho ta thấy người cha lúc nào cũng trông con quay về.
c.29 Phần thứ hai của dụ ngôn nói về người anh
         – “Bao nhiêu năm trời tôi phục vụ ông” : biệt phái và thông giáo cũng nghĩ rằng họ “phục vụ” Thiên Chúa hết lòng bằng cách tuân giữ mọi lề luật không sai phạm chút nào.
c.30 “Thằng con của ông đó” : người con trưởng không coi người con thứ là em mình.
c.32 “Em con đây” : người cha sửa lại lời lẽ sai lầm của người con trưởng.
            Thật là 1 dụ ngôn cảm động. Những nét mô tả tình cảm của người cha trong dụ ngôn này khó mà có được nơi một người cha bình thường trong thế gian này mà chỉ có thể áp dụng vào Thiên Chúa nhân lành vô cùng.
4.                 Bài đọc II (2 Cr 5,17-21)
Chúa Giêsu Kitô đã hòa giải loài người tội lỗi lại với Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Giáo Hội có sứ mạng làm cho những ơn ích của sự hòa giải ấy được đến với mọi người.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Gandhi kể rằng khi ông 15 tuổi, ông đã ăn cắp của anh mình một đồng tiền vàng. Tuy nhiên sau đó ông rất áy náy nên quyết định thú tội với cha mình. Ông viết lên một tờ giấy những gì mình đã làm, sau đó xin cha tha thứ, và cuối cùng hứa sẽ không tái phạm nữa. Khi ấy cha ông đang bệnh phải nằm trên giường. Gandhi đến đưa tờ giấy cho cha và hồi hộp chờ Cha xét xử. Người Cha ngồi dậy, cầm tờ giấy, trong khi ông đọc thì hai dòng lệ từ đôi mắt ông chảy xuống. Gandhi cũng không cần được nước mắt mình. Cuối cùng khi đã đọc xong, người Cha không hề nổi giận và cũng chẳng trách móc Gandhi lời nào. Ông ôm chầm lấy con và sung sướng vì con mình đã biết hối hận.
Cảm nghiệm được yêu thương ngay khi mình còn tội lỗi là một cảm nghiệm vô cùng sâu sắc đối với Gandhi. Sau này ông nói : “Chỉ có người nào đã trải qua cảm nghiệm về loại tình yêu như thế mới có thể hiểu được nó thôi”.
Đó cũng là cảm nghiệm của đứa con hoang đàng trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta hiểu được lòng thương xót bao là của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài muốn nói với chúng ta rằng : Nếu chúng ta phạm tội thì Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Ngài không những không bớt thương mà còn thương nhiều hơn nữa. Không phải đợi chúng ta trở nên hoàn hảo thì Thiên Chúa mới thương, mà Ngài yêu thương chúng ta chính vì chúng ta tội lỗi, yêu thương ngay khi chúng ta còn trong tội lỗi.
Tất cả chúng ta, dù nhiều hay ít, đều là những người tội lỗi. Nhưng chính trong tội lỗi và qua tội lỗi mà chúng ta cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ tha hồ phạm tội. Nói như thế là để chúng ta càng hiểu được tấm lòng của Thiên Chúa. (FM)
* 2. Những con tim
Dụ ngôn này là một câu chuyện về những con tim :
– Con tim ích kỷ và con tim quảng đại.
– Con tim hẹp hòi và con tim rộng mở.
– Con tim lạnh lùng và con tim nồng ấm.
– Con tim tan vỡ và con tim vui mừng.
– Con tim sám hối và con tim không sám hối.
– Con tim biết tha thứ và con tim không thứ tha.
– Con tim oán giận và con tim biết ơn. (Theo FM)
* 3. Người con gái hoang đàng
Dụ ngôn người con trai hoang đàng đã khiến Anon liên tưởng tới hoàn cảnh của những người con gái hoang đàng. Anon có những dòng mà đại ý như sau :
Biết bao thi sĩ đã viết nên những bài thơ đẹp nói về tình thương tha thứ của người cha và hạnh phúc của người con trai hoang đàng khi nó trở về. Nhưng đối với những người con gái hoàng đàng thì sao ?
Người con gái hoang đàng cũng có thể quay về ngôi nhà mình đã bỏ đi. Nhưng không có gì còn giống như trước : Áng mây mờ vẫn còn nấn ná trên nét mặt những người thân ; lại còn những lời chế diễu dèm pha của bà con lối xóm.
Có lẽ vì thế mà khi người con gái hoang đàng còn đang bơ vơ trên những nẻo đường lưu lạc, chỉ cần nghĩ đến những môi miệng cong cớn đó là không còn chút can đảm nào để trở về.
Vậy, hãy mở rộng cửa để đón người con trai hoang đàng trở về ; hãy giết bò, hãy mở tiệc ăn mừng.
Nhưng xin đừng đóng sập cánh cửa trước mặt người con con gái hoang đàng trở về, bởi vì, hãy nhớ đừng quên, nàng cũng có một linh hồn.

* 4. Trừng phạt và tha thứ
Người con hoang đàng biết mình xứng đáng bị trừng phạt và sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt.
Thế nhưng người cha không trừng phạt, mà tha thứ.
Trừng phạt giống như dội một thùng nước lên que củi sắp tàn. Kết quả là ngọn lửa tắt ngúm.
Tha thứ giống như thổi hơi vào tàn lửa sắp tắt, giúp cho ngọn lửa lại bùng lên. (FM)
* 5. Trong đôi mắt cha
Một cô bé đang ngồi trên gối mẹ, chợt lên tiếng hỏi mẹ :
– Mẹ ơi, con có thể nhìn thấy lòng mẹ không ?
Bà mẹ đáp :
– Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem có thấy gì trong đó ?
Cô bé nhướng mắt nhìn chăm chú vào đôi mắt người mẹ, rồi sung sướng kêu lên :
– Mẹ ơi ! Con nhìn thấy lòng mẹ rồi, ở đó có một cô bé tí xíu là chính con đó mẹ ạ ?
*
Trong đôi mắt của cha mẹ, con cái là tất cả. Trong đôi mắt Thiên Chúa chỉ có con người, nhất là những con người tội lỗi đáng thương. Vua Đavít đã cầu nguyện cùng Chúa : “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17,8).
Vâng, tấm lòng yêu thương khôn tả của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu bày tỏ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Một người cha rất đỗi hiền từ, luôn tôn trọng tự do của con cái, sẵn sàng trao phần gia tài cho người con thứ. Sau khi anh ta đã “sống phóng đãng, phung phí hết tài sản” trở về, người cha ấy cũng không trách mắng, nghiêm phạt, từ con. Trái lại, khi thấy bóng dáng cậu từ xa, ông đã vội vã chạy đến ôm chầm lấy cậu hôn hít vui mừng đến chảy nước mắt.
Lòng nhân hậu, yêu thương, tha thứ đã khiến ông quên hết lỗi lầm của đứa con hoang đàng, mà chỉ còn thấy trước mặt ông, trong vòng tay âu yếm, là đứa con ông hằng mòn mỏi đợi trông. Đứa con mà ông tưởng đã mất vĩnh viễn nay lại tìm thấy được. Ông vui sướng mở tiệc liên hoan, đàn ca múa hát, ăn mừng người con trở về. Một cuộc đón tiếp quá sức nồng hậu, ngoài sức tưởng tượng của đứa con.
Người anh đi làm về, chẳng những đã không vui mừng mà con nổi giận, trách móc cha già, khiến ông lại phải nhẫn nhục ra tận cổng phân trần, năn nỉ, mời cậu vào nhà chung vui với ông và gặp lại đứa em “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Ông khẳng định với cậu rằng : “Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 13,31).
Đó là câu chuyện có thật về một Thiên Chúa yêu thương, quảng đại, và hay tha thứ. Một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt nhưng luôn tỏ lòng khoan dung. Một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135).
Chỉ tiếc một điều là người anh cả đã không chịu vào nhà. Anh không chịu vào vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào vì anh không hiểu được tấm lòng quá nhân hậu bao dung của người cha.
Hoá ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài : Anh không trái lệnh cha chỉ để tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “đứa con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con.
Anh chỉ nghĩ về mình, quyền lợi của mình, hạnh phúc của mình. Anh là người đại tiện cho nhóm Pharisêu và các kinh sư, luôn tự hào về đời sống đạo đức của mình, và muốn cho những kẻ tội lỗi phải chết hơn là được cứu chữa.
Vậy cả hai người con đều phải quay trở về vôi cha, cả hai đều phải bước vào nhà cha, cả hai đều phải rũ bỏ nếp sống cũ, nếp nghĩ xưa để về ẩn mình trong trái tim cha : Nhân hậu, bao dung, tha thứ và tròn đầy yêu thương.
Trở về với cha là giang tay ôm lấy người em lầm lỡ.
Trở về với cha cũng là về với anh em, con cùng một cha.
Trở về với cha để thấy mình là tất cả, trong đôi mắt cha.
*
Lạy Chúa. tình Chúa lớn hơn tội lỗi chúng con bội phần. Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha cũng biết rộng lượng tha thứ cho nhau, để mỗi ngày chúng con càng nên xứng đáng với Chúa. Amen. (TP)
* 6. Mảnh suy tư
– “Lúc đứa con hoang đàng quỳ gối xuống và khóc là lúc nó biến những khoảng thời gian phung phí cuộc đời với bọn đĩ điếm, với việc chăn heo, với việc ăn cháo heo cho đỡ đói thành những khoảng thời gian đẹp nhất và thánh thiện nhất trong đời nó. Dễ có mấy ai ý thức được như vậy. Tôi dám nói rằng cần phải vào tù mới hiểu được điều đó. Và nếu thế thì có vào tù cũng đáng lắm chứ” (Oscar Wilde)
– Chẳng có gì khó khi trở về nhà như một vị anh hùng với những chiến công hiển hách. Nhưng trở về nhà với vóc dáng tả tơi, hai bàn tay trắng và một con tim tan nát vì mặc cảm tội lỗi là một điều khó vô cùng.
– Đứa con hoang đàng biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.
– Các vị thánh làm chứng về ân sủng và lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn những người tội lỗi thì làm chứng và tình thương và lòng thương xót của Ngài.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng thương xót. Người không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó sám hối ăn năn để được sống. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1.     Hội thánh là một người mẹ hiền luôn thương yêu con cái của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn thể hiện tình thương trong cung cách xử sự thường ngày.
2.     Hiện nay / tình trạng thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi bụi đời rất đáng báo động / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / luôn sống hòa thuận yêu thương nhau / và nhất là quan tâm giáo dục con cái của mình.
3.     Phải từ bỏ nếp sống tội lỗi mà quay về với Chúa / là điều mà người Kitô hữu cần thực hiện trong mùa Chay thánh này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu biết đoạn tuyệt với tội lỗi / để xứng đáng đón mừng đại lễ Phục sinh.
4.     Ganh tỵ và ghen ghét gây ra biết bao đau khổ cho con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sống bác ái yêu thương như Chúa dạy / nhờ đó dẹp bỏ được những tật xấu đáng ghét này.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói : Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con có thể sống trọn vẹn lời Chúa đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta thật hạnh phúc vì được làm con của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Vậy chúng ta hãy dâng lên Ngài những tâm tình kính mến chân thành của chúng ta.
VII. Giải tán
Hôm nay chúng ta đã cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy là những sứ giả loan báo cho mọi người về lòng nhân từ thương xót bao la ấy. Chúc anh chị em luôn bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật IV Mùa Chay (C)
Chủ Nhật 31 Tháng Ba, 2019
Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng
Lc 15:1-3,11-32


1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:  
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy mặc khải cho chúng con mầu nhiệm của Chúa Cha và của Chúa Con được hiệp nhất trong tình yêu.  Xin hãy cho chúng con có thể thấy được ngày trọng đại của Thiên Chúa, rực rỡ với ánh sáng:  buổi rạng đông của một thế giới mới được sinh ra trong máu của Đức Kitô.  Người con hoang đàng trở về nhà, người mù được nhìn thấy ánh sáng, kẻ trộm lành được tha tội xóa tan nỗi sợ hãi cổ xưa.  Khi chết treo trên thập giá, Đức Kitô đã chiến thắng cái chết; cái chết mang lại sự sống, tình yêu chiến thắng nỗi sợ hãi và tội lỗi tìm kiếm sự thứ tha.  Amen.
b) Phúc Âm
1 Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:
11 “Người kia có hai con trai. 12 Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. 13 Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. 14 Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. 15 Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. 16 Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. 17 Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. 18 Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, 19 con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. 20 Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. 21 Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. 22Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. 23 Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: 24 vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
25 “Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, 26 anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. 27 Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khỏe’.28 Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. 29Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. 30 Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. 31 Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. 32Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.

c) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2. Suy Gẫm
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Dante cho rằng Luca là “người ghi chép sự dịu dàng của Chúa Kitô” (scriba mansuetudinis Christi).  Thật vậy, ông là vị Thánh Sử thích nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thầy Chí Thánh đối với những kẻ tội lỗi và cho chúng ta thấy những hình ảnh của sự tha thứ (Lc 7:36-50; 23:39-43).  Trong Tin Mừng của thánh Luca, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô.  Chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện ở giữa chúng ta.  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).  Luca tập trung vào hình ảnh Thiên Chúa đã mặc khải trong Cựu Ước (Hc 34:6), nhưng đáng tiếc thay, điều đó dường như đã bị bác bỏ bởi các Kinh Sư và người Biệt Phái là những kẻ muốn nhấn mạnh đến hình ảnh Thiên Chúa “Đấng ghé thăm tội lỗi của các người cha trên con cái” (Hc 34:7).  Thật vậy, những người Biệt Phái và Kinh Sư tự hào là công chính trong mắt của Thiên Chúa bởi vì họ đã không vi phạm Lề Luật.  Chúa Giêsu chỉ trích thái độ này trong lời giảng dạy của Người và qua hành động của Người.  Đức Kitô, “Đấng Công Chính” của Thiên Chúa (1Pr 3:18), “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2).  Hãy nghĩ về bài dụ ngôn người thu thuế khi từ Đền Thờ trở về nhà thì đã được nên công chính tương phản với người Biệt Phái tự khen ngợi mình trước mặt Thiên Chúa trong khi phê phán người bên cạnh mình (Lc 18:9-14).  Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy rằng đường lối suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt với của chúng ta.  Thiên Chúa thì khác biệt, và tính siêu việt của Người được mặc khải trong lòng thương xót tha thứ cho tội lỗi.  “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi khi nghĩ đến điều ấy.  Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận…  vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.  Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh và không có ý định tiêu diệt ngươi” (Hs 11:8-9).
Dụ ngôn “người con hoang đàng” này sẽ đưa ra khía cạnh về Chúa Cha đầy lòng thương xót.  Đó là lý do tại sao một số người đề cập đến câu chuyện này như là “dụ ngôn người cha của đứa con hoang đàng với lòng thương xót và tha thứ”.  Đoạn Tin Mừng là một phần của một loạt ba dụ ngôn về lòng thương xót và có lời mở đầu để hướng dẫn chúng ta suy niệm về “những kẻ thu thuế và tội lỗi” lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng dạy (Lc 15:1).  Những điều này được phản ảnh trong thái độ của người con thứ là kẻ hồi tâm và tự nhủ về tình trạng hiện tại của mình và về những gì anh ta đã đánh mất khi lìa bỏ nhà cha anh (Lc 15:17-20).  Thật là thú vị khi để ý đến cách dùng động từ “lắng nghe”, mà nhớ lại cảnh của bà Maria, em bà Máctha, “cứ ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người giảng dạy” (Lc 10:39); hay là đám đông dân chúng “tuôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật”  (Lc 6:18).  Chúa Giêsu thừa nhận thân nhân của mình, không phải bằng quan hệ huyết thống, mà qua thái độ lắng nghe của họ:  “Mẹ ta và anh em Ta, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8:21).  Dường như Luca đạt tầm quan trọng về thái độ lắng nghe này.  Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, được ca ngợi vì có một thái độ lắng nghe chiêm niệm, bà “hằng ghi nhớ tất cả những điều này trong lòng” (Lc 2:19,51).  Bà Isave tuyên xưng Đức Maria đầy diễm phúc bởi vì “bà đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với bà” (Lc 1:45), đã được mặc khải tại thời điểm Truyền Tin (Lc 1:26-38).
Lòng thương xót của người cha nhân từ (Lc 15:20), thì trái ngược với thái độ khắt khe của người con cả, kẻ sẽ không chấp nhận mình có người em như thế, và là kẻ trong lời đối thoại với người cha, gọi người con thứ là:  “còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về…” (Lc 15:30).  Trong bài này, chúng ta có thể thấy thái độ của các Kinh Sư và người Biệt Phái là những kẻ “lẩm bẩm” rằng:  “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.  Họ không kết giao với “kẻ tội lỗi”, những kẻ mà họ cho là ô uế, thà là họ lánh xa những kẻ ấy.  Thái độ của Chúa Giêsu thì lại khác hẳn và, trong mắt họ, đó là chuyện ô nhục.  Chúa thích giao tiếp với những kẻ tội lỗi và thỉnh thoảng Người còn nhận lời mời của họ vào nhà để cùng ăn uống với họ (Lc 19:1-10).  Lời lẩm bẩm của các Kinh Sư và người Biệt Phái đã khiến họ không lắng nghe được Lời Chúa.
Sự tương phản giữa hai anh em thì thật gợi lên nhiều ý tưởng.  Người em nhận ra sự khốn cùng và tội lỗi của mình và trở về nhà mà nói rằng:  “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa” (Lc 15:18-19,21).  Người anh thì lại có thái độ kiêu căng không chỉ đối với người em mà còn cả đối với cha mình nữa!  Lời nhiếc móc của người anh thì hết sức tương phản với sự dịu dàng của người cha là kẻ đã bước ra khỏi nhà và đi gặp người anh cả để “van nài” anh ta bước vào nhà (Lc 15:20,28).  Đây là hình ảnh của Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta hoán cải, trở về với Người:  “Trở về đi, hỡi Israel phản bội – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, và Ta giàu lòng xót thương – sấm ngôn của Đức Chúa – và Ta không giận dữ mãi đâu.  Có điều là tội ngươi, ngươi phải biết:  ngươi đã xúc phạm đến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, khi lang bạt khắp các nẻo đường tìm kiếm ngoại kiều dưới mọi lùm cây rậm; còn tiếng Ta gọi, các ngươi chẳng thèm nghe – sấm ngôn của Đức Chúa.  Trở về đi, hỡi lũ con phản bội – Sấm ngôn của Đức Chúa – vì Ta vẫn là chủ các ngươi” (Gr 3:12-14).


b) Một vài câu hỏi
 để quy hướng cho phần suy gẫm và thực hành của chúng ta.
i)  Luca chú trọng vào hình ảnh của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Cựu Ước (Hc 34:6), nhưng tiếc thay, dường như điều này đã bị lờ đi bởi các Kinh Sư và người Biệt Phái là những kẻ thà nhấn mạnh về hình ảnh một Thiên Chúa “Đấng ghé thăm tội lỗi của các người cha trên con cái” (Hc 34:7).  Tôi có hình ảnh gì về Thiên Chúa?
ii)  Những người Biệt Phái và Kinh Sư tự hào rằng họ là người công chính dưới mắt của Thiên Chúa bởi vì họ không phạm giới.  Chúa Giêsu chỉ trích thái độ của họ trong lời giảng huấn của Người và bằng hành động của Người.  Người, “Đấng Công Chính” của Thiên Chúa (1Pr 3:18), “đón tiếp phường tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng” (Lc 15:2).  Tôi có tự coi mình là công chính hơn những người khác không, có lẽ bởi vì tôi cố gắng giữ các điều răn của Chúa chăng?  Những động cơ khiến tôi muốn sống một cuộc sống “công chính” là gì?  Đó là vì tình yêu Thiên Chúa hay vì lòng thỏa mãn cá nhân?
iii)  “Những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng” (Lc 15:1).  Dường như thánh Luca đặt nặng tầm quan trọng về thái độ lắng nghe, suy gẫm, đi vào nội tâm, suy niệm và ghi nhớ Lời Chúa trong lòng chúng ta.  Tôi đã dành vị trí nào cho sự chiêm niệm Lời Chúa trong đời sống hằng ngày của tôi?
iv)  Các Kinh sư và những người Biệt Phái không giao tiếp với “phường tội lỗi”, những kẻ mà họ cho là ô uế, và tránh xa họ.  Thái độ của Chúa Giêsu thì khác hẳn, và họ cho đó là chuyện nhục nhã.  Chúa ưa thích gặp gỡ những kẻ tội lỗi và thỉnh thoảng lại còn nhận lời mời đến nhà họ để cùng ăn uống với họ (Lc 19:1-10).  Tôi có xét đoán người khác hay tôi có né tránh các cảm xúc về lòng thương xót và tha thứ không, vì điều đó phản ảnh sự dịu dàng của Thiên Chúa bậc Cha-Mẹ?
v)  “‘Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng:  vì con ta đây đã chết, nay sống lại; đã mất, nay lại tìm thấy’.  Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.” (Lc 15:23).  Trong hình ảnh người cha bày tiệc ăn mừng con ông nay đã sống lại, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi “đã ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Trong việc làm thịt “con bê béo”, chúng ta có thể thấy Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa, Đấng đã hiến tặng chính mình như một vật hiến tế đền tội để cứu chuộc tội lỗi.  Tôi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể với tràn đầy cảm giác biết ơn vì tình yêu vô biên này của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chính Con Một yêu dấu của mình chịu đóng đinh và đã sống lại.

3. Cầu Nguyện
a) Thánh Vịnh 32 (31):
Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.
Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.
Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.

b) Lời nguyện kết
Lạy Chúa, Đấng ban thưởng cho kẻ công chính và sẽ không chối từ tha thứ cho kẻ tội lỗi biết ăn năn, xin hãy lắng nghe lời khấn xin của chúng con:  xin cho việc khiêm hạ xưng thú những lỗi phạm của chúng con có thể nhận được lòng thương xót của Chúa.

4. Chiêm Niệm
Chiêm niệm có nghĩa là biết làm thế nào để gắn bó với tất cả tâm hồn và lòng trí của mình vào Chúa, Đấng mà qua Ngôi Lời của Người biến đổi chúng ta trở thành những con người mới, luôn tuân theo thánh ý Người.  “Bây giờ các con đã biết những điều này, nếu các con thực hành tương xứng, thì thật phúc cho các con!” (Ga 13:17)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét