Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

07-04-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT V MÙA CHAY năm C


07/04/2019
Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm C
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C

(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)
CHỦ ĐỀ: THIÊN CHÚA KHÔNG KẾT ÁN, NHƯNG XÓT THƯƠNG
“Tôi không lên án chị đâu.
Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi. Chỉ có tình yêu và lòng thương xót của người này mới có khả năng thúc đẩy người khác biến đổi cuộc sống. Thiên Chúa quên đi quá khứ u sầu của con người để mở ra cho họ một tương lai tươi sáng tốt đẹp và hạnh phúc bình an. Tiến trình này được đặt nền trên tình thương và tha thứ. Những ai có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống, người đó sẽ được biến đổi. Những ai cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời mình, người đó sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho tha nhân.
Bài đọc này được trích trong phần sách Ngôn Sứ Isaia đệ II (các chương 40-55), là phần nói về bối cảnh và tình trạng Dân Do-thái đang ở nơi lưu đày Babylon, từ năm 587-538 trước Công Nguyên. Lúc này, họ sống trong cảnh đau buồn, như lời Thánh vịnh 137 miêu tả: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion... Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại” (Tv 137,1.4-5). Bị mất nước và đưa đi lưu đày là biến cố đau buồn nhất đối với dân Do-thái. Trong cái nhìn đức tin, họ nhận biết đó là hậu quả của tội lỗi của chính họ.
Tuy nhiên, bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã quên đi quá khứ của họ: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm những việc thuở trước”, vì Người đã chuẩn bị cho họ một tương lai tươi sáng. Do tình thương hải hà, lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện những điều mới lạ cho dân Người: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.” Lời này rọi lên tia sáng hy vọng cho dân Do-thái, họ sẽ được trở về lại quê hương xứ sở của mình. Sự kiện này nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa: Người đã tha thứ tất cả lỗi lầm của họ trong quá khứ, để tái lập tương quan mật thiết với Người. Thiên Chúa sẽ khai mở một con đường trong sa mạc để dân lưu đày trở về, thoát khỏi ách nô lệ Babylon. Con đường địa lý đó cũng hàm chỉ đến con đường thiêng liêng. Đây là một cuộc xuất hành mới, một lối sống mới để Dân Do-thái trở về với Thiên Chúa.
Là một người Pharisêu, Phaolô tuân giữ Lề Luật rất tỉ mỉ và hãnh diện về việc tuân giữ Lề Luật và các truyền thống của cha ông. Cũng như nhiều người Do-thái cùng thời, Phaolô xem Lề Luật là cứu cánh, và với sự hiểu biết và nhiệt tình, ông có rất nhiều cơ hội thành đạt trong dân. Tuy nhiên, khi được Đức Kitô kêu gọi làm sứ giả loan báo Tin Mừng của Người, Phaolô đã xem những gì mình có trước đây không còn có giá trị nữa. Đối với Phaolô lúc này, chỉ Đức Kitô là cứu cánh và mối lợi duy nhất: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”. Đức Giêsu đã chiếm trọn hết con người của Phaolô:“bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”, nên Phaolô sẽ dành cuộc đời và sứ vụ để dấn thân cho Người.
Trong bài Tin Mừng, có một sự khác biệt rất lớn giữa Đức Giêsu với các Kinh sư và Pharisêu khi đứng trước một vấn đề cụ thể: xét xử một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo lề luật Môsê, người phụ nữ này sẽ bị ném đá. Tội của chị ấy quá rõ ràng. Chị bị bắt quả tang và các người lãnh đạo về tôn giáo đã đem chị đến với Đức Giêsu.
Trước hết, là thái độ của họ với Đức Giêsu: họ muốn gài bẫy để có cớ kết án Đức Giêsu, nên họ cứ hỏi quan điểm của Người về trường hợp ngoại tình của người phụ nữ này. Tuy nhiên, Đức Giêsu đọc được những gì sâu thẳm của con người và Người vạch trần thái độ giả hình của họ. Đức Giêsu đã không lên tiếng đáp trả, Người giữ thinh lặng, ngồi xuống và viết những dòng chữ trên đất. Không ai biết Đức Giêsu đã viết gì, nhưng có thể tác giả Tin Mừng ám chỉ đến lời Ngôn sứ Gr 17,13: “Ai tráo trở với Người sẽ có tên viết mặt đất, vì chúng đã bỏ Yavê, mạch nước hằng sống” (theo Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn).
Kế đến là thái độ của Đức Giêsu và của các Kinh sư và Pharisêu với người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Đức Giêsu đã chất vấn các Kinh sư và Pharisêu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném chết đi”. Khi nghe câu trả lời này, tất cả họ đã bỏ đi, vì họ biết không ai trong họ sạch tội cả. Các Kinh sư và Pharisêu đòi dựa vào Lề Luật Môsê (x. Đnl 22,23-27; Lv 20,10) để kết án mà ném đá người phụ nữ, nhưng lòng dạ họ không gắn bó với Đức Chúa. Còn Đức Giêsu lại muốn dựa vào lòng thương xót để tha thứ cho người phụ nữ đó, vì Người là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha. Các Kinh sư và Pharisêu chỉ xét theo hoàn cảnh bên ngoài. Còn Đức Giêsu lại chạm đến được những gì sâu thẳm trong lòng người.
Đức Giêsu đã không kết án chị, Người đã dùng tình thương để làm thay đổi cuộc đời của chị. “Tôi không kết án chị đâu”. Không phải Đức Giêsu chẳng lên án việc phạm tội, nhưng Người mong chờ người tội lỗi biết hoán cải, qua việc dốc lòng chừa, để được thứ tha. Vì thế, Người căn dặn: “Từ nay đừng phạm tội nữa”.
1. “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Thiên Chúa quên đi tội lỗi quá khứ của dân Do-thái. Người đi bước trước trong việc tha thứ và mở ra cho họ một viễn cảnh tốt đẹp. Chính Thiên Chúa sẽ mở một con đường trong sa mạc để họ quay bước trở về quê hương. Người khai mở một cuộc xuất hành mới, một lối sống mới để Dân Do-thái trở về với Thiên Chúa, để phục hồi những gì đã mất, để tái sinh những gì đã chết. Vậy, tôi có sẵn sàng để Thiên Chúa biến đổi quá khứ tội lỗi của tôi để phục hồi tình trạng sống trong ơn nghĩa Chúa?
2. “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”. Đối với tôi, giờ này Đức Giêsu là ai, Người có phải là mối lợi duy nhất trong cuộc đời của tôi? Tôi có dám hy sinh những giá trị trần thế, chóng qua nếu các thứ đó cản trở tôi sống những giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu đã dạy bảo tôi?
3. “Tôi không kết án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Tôi có cảm nhận một cách sâu sa về lòng thương xót và sự tha thứ mà Thiên Chúa đã dành cho tôi trong cuộc sống? Tôi có học cho biết xót thương và tha thứ cho người khác, như Chúa đã xót thương và tha thứ cho tôi?
4. Trong tông huấn “Christus vivit - Đức Kitô sống”, ban hành ngày 25/3/2019, gửi đến “người trẻ và toàn dân Chúa”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ: “Ngôn ngữ của sự gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu vị tha, tương hỗ, hiện sinh đụng chạm đến con tim”, gần gũi với những người trẻ “bằng lối nẻo của tình yêu, không bằng lôi kéo” (số 211). Tôi nói với những người trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống bằng thứ ngôn nào? Có phải bằng sự vị tha và lối nẻo của tình yêu để có thể giúp họ đổi thay cuộc sống?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là vị thẩm phán công minh nhưng đầy lòng từ bi nhân hậu, hết mực yêu thương những kẻ khốn cùng và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân. Tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, cộng đoàn chúng ta hãy chân thành dâng lời khẩn cầu:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo ơn tha thứ cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị mục tử trong Hội Thánh luôn mặc lấy tấm lòng thương xót của Thiên Chúa, hết tình yêu thương chăm sóc những người tội lỗi.
2. Đời sống gia đình trong xã hội hôm nay đang gặp nhiều khủng hoảng. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đã chọn bậc sống hôn nhân, luôn trung thành với cam kết của bí tích hôn phối, biết ý thức chu toàn bổn phận vợ chồng và trách nhiệm làm cha mẹ trong gia đình.
3. “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá trước đi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu biết ý thức mọi lỗi lầm và thành tâm sám hối qua việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải trong mùa Chay thánh này, để được hiệp thông với Thiên Chúa và làm hòa với mọi người.
4. Chúa nói với người phụ nữ: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúng ta cùng cầu xin cho tư tưởng, lời nói và việc làm của từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn thấm nhuần tinh thần bao dung rộng lượng theo gương Chúa Giêsu.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện, và giúp mỗi người chúng con biết rộng lòng trước lỗi lầm của anh chị em, để xứng đáng được Chúa yêu thương tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

SCĐ Chúa Nhật V Chay C
Chủ đề :
Ơn giải thoát

“Tôi không kết án chị đâu. Thôi chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11)
Sợi chỉ đỏ :
Chủ đề nổi bật của ngày hôm nay là Ơn Giải Thoát
– Trong bài đọc I (Is 43,16-21), ngôn sứ Isaia tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc xuất hành mới để giải thoát dân do thái khỏi cảnh lưu đày.
– Bài đáp ca trích Tv 125 được soạn sau khi cuộc lưu đày đã kết thúc. Tác giả ca tụng công cuộc giải phóng kỷ diệu ấy : “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ”.
– Bài Tin Mừng (Ga 8,1-11) kể chuyện Chúa Giêsu giải thoát người phụ nữ ngoại tình khỏi bị ném đá.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay với ý thức mình là người tội lỗi. Lời Chúa trong các Chúa nhật trước an ủi chúng ta rằng Chúa vẫn yêu thương chúng ta và sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Hôm nay, Chúa lại nói với chúng ta, như đã nói với người phụ nữ ngoại tình, rằng “Ta không kết án con đâu. Hãy về và đừng phạm tội nữa”.
Thiên Chúa thật là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta hãy đến với Ngài trong Thánh lễ này với trọn tâm tình tin yêu phó thác.
II. Gợi ý sám hối
– Mặc dù chúng ta đầy dẫy khuyết điểm, nhưng chúng ta hay bắt bẻ khuyết điểm của người khác.
– Mặc dù chúng ta tội lỗi rất nhiều, nhưng chúng ta hay lên án người khác.
– Chúng ta không đối xử khoan dung với người khác như Chúa đã khoan dung với chúng ta.
III. Lời Chúa
1.     Bài đọc I (Is 43,16-21)
Đoạn này được trích trong phần II sách Isaia. Hoàn cảnh lúc đó là dân do thái đang bị lưu đày bên Babylon.
Trước hết Isaia nhắc họ nhớ lại chuyện xuất hành ngày xưa : Thiên Chúa là Đấng giải thoát. Để giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập, Ngài đã rẻ đôi Biển đỏ, đã nhận chìm quân đội Pharaon trong Biển cả.
Tiếp đến, ngôn sứ hứa là Thiên Chúa sẽ thực hiện việc giải phóng đó một lần nữa, tức là giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày : “Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”
2.                 Đáp ca (Tv 125)
Ca tụng việc Thiên Chúa giải thoát dân khỏi cảnh lưu đày : “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ”.
3.                 Tin Mừng (Ga 8,1-11)
Câu chuyện về người phụ nữ này giống một bức tranh trong đó các hình ảnh đối chọi nhau nhưng lại làm nổi bật nhau lên :
– Một bên là một con người tội lỗi rõ ràng vì bị bắt quả tang đang phạm tội đáng chết, bên kia là Con Thiên Chúa thánh thiện vô cùng.
– Một bên là thái độ hung hăng của những người biệt phái đòi giết kẻ có tội, bên kia là thái độ nhân từ hiền hậu của Đấng cứu thế.
Bởi đó thánh Augustinô đã tóm ý nghĩa bức tranh này bằng một câu ngắn gọn rất súc tích : “Miseria et misericordia” (Sự cùng khốn và lòng thương xót).
4.                 Bài đọc II (Pl 3,8-14)
Thánh Phaolô đề cao sự công chính mà Chúa Giêsu ban. Đây không phải là sự công chính do Luật Môsê đem lại (như các người biệt phái trong bài Tin Mừng) mà nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô (như người phụ nữ ngoại tình).
IV. Gợi ý giảng
* 1. Tình cảm thứ tám
Người ta thường nói rằng con người chúng ta có 7 thứ tình cảm là Hỉ Nộ Ai Cụ Ái Ố Dục. Hỉ là vui, nộ là giận, ai là buồn, cụ là sợ, ái là thương, ố là ghét và dục là muốn. Tất cả gồm 7 tình cảm, “thất tình”. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết thêm một thứ tình cảm nữa, đó là Thương Xót.
Thương xót là gì ? Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào (thương) vừa đau đớn đắng cay (xót).
Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trổi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta thương nhưng người ấy vừa phạm một lỗi lầm.
Khi đó, chúng ta phải đối xử thế nào ? Lên án chăng ? Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng ? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. Vậy làm thế nào bây giờ ? Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu : Ngài nói với người phụ nữ ngoại tình “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nào nữa. Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Tại sao Chúa ban cơ hội cho người tội lỗi ? Chúng ta cũng hãy tìm lý do trong bài Tin Mừng này. Và chúng ta tìm gặp trong câu Chúa nói với những người muốn giết người phụ nữ ngoại tình ấy : “Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi”. Vậy lý do là bởi vì ai cũng có tội. Thân phận làm người là như thế, đã là người thì có tội. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành và thánh thiện, đúng lý ra Ngài có đầy đủ lý do để lên án loài người tội lỗi chúng ta, nhưng vì thương xót, Ngài đã ban cho chúng ta biết bao cơ hội : “Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. Trong dụ ngôn về hai con nợ, Chúa Giêsu cũng nói một câu đáng chúng ta suy nghĩ : “Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như Ta đã thương xót ngươi” (Mt 18,33)
Một quyển sách tựa đề “Tình trên non cao” kể rằng có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau và sống với nhau trên một ngọn núi cao, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đến nỗi nhiều lần họ hô to giữa trời lồng lộng “Chúa ơi, sao mà chúng con hạnh phúc quá !” Nhưng đâu phải chỉ sống với nhau mãi trên núi mà hạnh phúc. Người chồng thỉnh thoảng cũng phải xuống núi để làm ăn. Trong một chuyến xuống núi, người chồng đã lỡ sa ngã ngoại tình với một người đàn bà khác. Người vợ biết được, rất giận, từ đó không nói chuyện với chồng nữa. Phần người chồng thì cũng hối hận nhưng không thể nào xin lỗi được vì mỗi lần muốn nói lời xin lỗi với vợ thì vợ bỏ đi nơi khác. Một đêm kia người chồng trên đường lên núi về nhà thì gặp bão tuyết, chiếc xe ngựa bị gãy, con ngựa bị què, anh cũng bị thương nặng ở chân. Nhưng anh vẫn cố bò về tận cửa nhà. Người vợ ở trong nhà nhìn ra thấy chồng lết tới cửa, nhưng chị nhất định không mở cửa. Sáng hôm sau, người ta thấy xác người chồng đã cứng đờ ngay trước mái ấm gia đình của mình. Một mối tình rất hạnh phúc trên non cao đã kết thúc bi thảm như thế, chỉ vì người vợ không biết thương xót, không cho chồng mình một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Cuộc đời quả thật không đơn giản trắng là trắng, đen là đen, tốt là tốt xấu, là xấu. Trong một dụ ngôn, Chúa Giêsu cho chúng ta biết cuộc đời phức tạp như một mảnh ruộng có cả lúa và cỏ lùng lẫn lộn (Mt 13,36-43). Lòng người cũng thế, có khi tốt như thiên thần, có khi xấu như ác quỷ, có phần sáng có phần tối, dù lỡ phạm tội nhưng vẫn còn lương tâm. Bởi thế con người sống với nhau phải có lòng thương xót. Mà thương xót là, xin lặp lại một lần nữa, biết ban cho kẻ lỡ lầm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Chúa đã thương xót chúng ta cho chúng ta biết bao cơ hội. Chúng ta cũng thương xót chính mình nên tự cho mình rất nhiều cơ hội. Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta thương xót anh chị em chúng ta để ban cho anh chị em chúng ta những cơ hội làm lại cuộc đời.
* 2. Tội bắt quả tang
Vua Quang Vũ nhà Đông Hán có người chị là Hồ Dương, công chúa goá chồng. Nhà vua muốn tìm cho chị người bạn trăm năm, liền đem danh sách các quan của mình ra hỏi ý kiến chị. Công chúa nói : “Tất cả bá quan trong triều đình chỉ có Tổng Hoằng là người có tư cách khác thường, những người khác không sao bì kịp. Vua Quang Vũ biết ý chị đã vừa lòng Tổng Hoằng, liền bảo chị hãy ra ngồi phía sau tấm bình phong, rồi cho đòi Tổng Hoằng đến. Nhà vua bảo :
– Ta nghe tục ngữ có câu : “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” có phải thế không ? Tổng Hoằng liền quì xuống tâu :
– Bạn bè giao du với nhau còn nghèo hèn không nên quên nhau, người vợ trong cảnh hàn vi không nên cho xuống ở nhà dưới.
Vua Quang Vũ biết Tổng Hoằng là người thuỷ chung, nhân nghĩa, không thể nào lay chuyển được, nên càng đem lòng yêu mến hơn. Rồi nhà vua nói với chị : “Việc hôn nhân không thành được, con người này không thể đem danh lợi và phú quí để mê hoặc”.
*
Câu chuyện trên đây là một tấm gương cao đẹp về lòng chung thuỷ, khác hẳn với câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay.
Gia đình là nền tảng của xã hội, một khi vợ chồng đã đánh mất lòng chung thuỷ thì không những gia đình ấy bị đổ vỡ, mà còn băng hoại đến toàn xã hội. Vì thế, các kinh sư và nhóm Pharisêu dẫn người phụ nữ ngoại tình đến xin Chúa Giêsu xét xử là hợp lý, vì chính luật Môsê cũng truyền phải ném đá hạng người đó. Nhưng đó chỉ là cái bẫy để có bằng chứng tố cáo Người mà thôi.
Nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá chị ta thì lỗi luật Môsê, nếu Người truyền phải ném đá thì Người đã làm sai lời dạy của mình là “Các con hãy yêu thương nhau”. Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.
Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Người đang viết tội của họ ra hay Người đang suy nghĩ tìm câu trả lời, điều đó không ai biết nhưng có một điều chắc chắn là họ đang đắc thắng vì dồn được Người vào chân tường, họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Người đã trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ, và mũi dao ấy vẫn tiếp tục xoáy vào lương tâm mỗi người chúng ta khi nghe lại lời đó : “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi” (Ga 8,7).
Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.
Vâng, không ai dám tự hào mình vô tội. Có biết bao tội bất trung bất nghĩa còn xấu xa chẳng kém tội ngoại tình. Có những tội ngoại tình trong ước muốn, trong tư tưởng. Có những tột ngoại tình lén lút chẳng ai hay.
Dường như ngày nay người ta chỉ nhận mình phạm tội khi bị bắt quả tang, còn những tội phạm trong thầm kín thì kể như không có. Vì thế người ta tìm mọi cách để che đậy, dấu diếm những hành vi tội lỗi để không bị bắt quả tang. Và họ cứ an tâm thanh thản trong cuộc sống. Họ hoàn toàn đánh mất cảm thức về tội lỗi.
Có một điều trớ trêu là khi người ta thấy một ai đó bị bắt quả tang phạm tội, họ không ngại ngùng vung hòn đá ra ném vào người đó. Có lẽ là để gián tiếp minh chứng mình vô tội chăng ? Người ta dễ dàng bỏ qua cho mình, nhưng lại không buông tha cho kẻ khác. Tuy nhiên, Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân : “Tôi không lên án chị đâu ? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11). Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân.
*
Lạy Chúa, chúng cơn rất sợ bị bắt quả tang đang phạm tội. Nhưng có tội nào chúng con phạm mà Chúa chẳng am tường. Xin cho chúng con biết cởi bỏ những mặt nạ giả dối, để luôn sống chân thật và trong sáng trước mặt Chúa và anh em.
Nếu Chúa đã không lên án chúng con, thì xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ xét đoán anh em của mình. Amen.(TP)

3.                 Cái nhìn
“Tôi đứng dưới chân đồi,
Nhìn xa xa lên ngọn đồi, tôi thấy một cái bóng giống như một con vật.
Tiến lên nhìn gần hơn một chút, tôi nhận ra cái bóng ấy là một con người.
Tiến sát hơn nữa để nhìn cho thật kỹ, tôi nhận ra đó là người anh em của tôi.”
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta một bài học quý giá về cách nhìn người và nhìn việc : đứng trước một người vừa mới làm một việc gì đó lầm lỗi, ta đừng nhìn bằng cái nhìn của biệt phái mà hãy bằng cái nhìn của Chúa Giêsu :
a/ Đừng nhìn họ như nhìn một con vật mà hãy nhìn như nhìn một con người, hơn nữa, như người anh em của mình.
b/ Đừng chỉ nhìn những hoàn cảnh bên ngoài, mà hãy nhìn thấu những tình tiết, tâm trạng bên trong của người anh em đó.
c/ Và cũng nhìn đến sứ mạng của mình : sứ mạng đối xử nhân bản với một người anh em, sứ mạng cứu vớt người anh em đó.
4.                 Chuyện minh họa
Có chuyện kể rằng người ta bắt được một tên trộm cắp đưa đến nhà vua, và nhà vua đã hạ lệnh giết hắn. Tên trộm cắp này rất khôn ngoan, nên nói với đao phủ : “Tôi có một bí mật này rất quý. Nếu tôi chết thì bí mật ấy cũng bị mang theo. Thật là uổng. Cho nên tôi muốn giao nó lại cho nhà vua”. Người ta dẫn hắn tới nhà vua. Hắn nói : “Bí mật của tôi là tôi có một hạt giống kỳ diệu, đào lỗ chôn xuống đất thì nội trong một đêm nó sẽ mọc lên thành cây và trổ ra toàn những trái bằng vàng”. Nhưng hắn nói thêm : “Nhưng có điều kiện này là chỉ người nào chưa từng lấy gì của người khác thì mới trồng hạt giống đó được”. Sau đó hắn thú nhận : “Tôi thì là một thằng ăn cắp nên không thể trồng được rồi. Vậy trong số các quan đây, ai chưa từng lấy gì của người khác hãy trồng nó đi”. Các quan lần lượt viện cớ để từ chối, giống y những người biệt phái trong bài Tin Mừng này vậy. Cuối cùng tên trộm cắp nói với nhà vua : “Chắc là Bệ Hạ có thể trồng được”. Nhưng nhà vua đáp : “Nói ra thì thật xấu hổ. Hồi còn nhỏ, Ta cũng đã từng lấy của người khác vài lần”. Khi đó tên trộm nói : “Bệ hạ và các quan là những người có đầy đủ mọi thứ thế mà còn lấy của người khác mà không bị hình phạt gì cả. Phần tôi thì nghèo túng thiếu thốn mọi điều, thế mà lại bị xử tử vì tội lấy của người khác”. Nhà vua đành ra lệnh tha cho hắn.
5.                 Chuyện minh họa
a/ Lòng thương xót
Một người đàn bà đến với Vua Napoléon để cầu xin cho đứa con trai của bà khỏi bị xử tử. Nhà vua dựa vào Luật pháp và cho biết rằng theo luật thì con trai bà phải chết. Bà nói :
– Muôn tâu Bệ Hạ, tôi đến đây không phải để xin công lý mà xin lòng tho xót.
– Nhưng con bà không đáng hưởng lòng thương xót. Vua trả lời.
Nhưng bà lập luận :
– Nếu nó đáng thì đâu phải là lòng thương xót nữa.
Cuối cùng nhà vua phải chấp thuận :
– Được rồi. Ta sẽ tỏ lòng tương xót đối với nó.
Người con trai ấy đã được tha chết.
Lòng thương xót không phải là tiền công trả cho một điều gì xứng đáng, mà là một ơn ban miễn phí.
b/ Mù quáng
Từ xưa tới nay người ta vẫn coi vua Salomon là một người có tài xét xử khôn ngoan. Thế nhưng lại có một chuyện sau đây :
Vì đã xử nhiều vụ án quá nên nhà vua càng ngày càng trở nên vô cảm, vô tình. Nói cách khác, nhà vua càng ngày càng khô khan và khe khắt khi xử án.
Một hôm khi Salomon ngồi lên ngai và sắp sửa xử một vụ án, thì chiếc vương miện trên đầu vua bỗng tuột xuống che cả hai con mắt. Nhà vua lấy tay đẩy nó lên, nhưng chỉ một chút sau là nó lại sụp xuống. Sự việc tái diễn đến 8 lần như thế. Cuối cùng nhà vua bực quá nói với nó : “Tại sao mày cứ sụp xuống che mắt tao mãi như thế ?” Chiếc vương miệng trả lời : “Tôi phải làm thế để nhắc cho Ngài biết rằng : khi mà quyền hành đã mất đi sự cảm thông thì người cầm quyền sẽ bị che mắt như thế”. Nói cách khác, khi đó người ta sẽ thành mù quáng.
6.                 Mảnh suy tư
– Người nào càng thánh thiện thì càng ít xét đoán người khác.
– Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống.
– “Chị về đi, và đừng phạm tội nữa” : Chúa Giêsu không phủ nhận chị này có tội, nhưng Ngài muốn cho chị này một cơ hội để sám hối và làm lại cuộc đời. Chúa Giêsu không muốn chị này chối tội, bàu chữa tại sao chị phạm tội, hay đổ tội cho người khác, những cách làm này quá dễ nhưng không ích lợi gì. Ngài muốn chị can đảm nhìn nhận sự thật, không tuyệt vọng và khuyến khích chị sửa đổi. Đó mới là ơn giải thoát.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là vị Thẩm phán công minh đầy lòng từ bi nhân hậu. Tin tưởng vào tình thương hải hà của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1.     Hội thánh luôn nhắc nhở con cái mình hãy hòa giải với Thiên Chúa và với nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / mau mắn thực hiện lời mời gọi tha thiết này.
2.     Trong đời sống thường ngày / có những người lúc nào cũng thích phê bình chỉ trích / thậm chí lên án người khác cho thỏa lòng ganh ghét / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người Kitô hữu hiểu rằng / chỉ một mình Thiên Chúa là vị Thẩm phán công bằng / không bao giờ kỳ thị thiên tư.
3.     Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết : / Ai nói rằng mình không có tội / đó là người nói dối / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết ý thức thân phận tội lỗi yếu hèn của mình.
4.     Chúa Giêsu nói với người phụ nữ : / Tôi cũng vậy / tôi không lên án chị đâu / Thôi chị cứ về đi / và từ nay đừng phạm tội nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết lắng nghe lời Chúa dạy / và thực hiện lệnh Chúa truyền.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con : Anh em đừng xét đoán người khác, vì anh em xét đoán thiên hạ làm sao, thì Thiên Chúa sẽ xét đoán anh em làm vậy. Xin cho chúng con biết cố gắng sống lời Chúa để khỏi bị khiển trách khi ra trình diện trước tòa Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Nếu chúng ta thấy thái độ khắt khe của những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay là sai trái, chúng ta hãy sốt sắng khi đọc câu “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”
VII. Giải tán
Những lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng muốn nói với mỗi người chúng ta : “Chúng con hãy về, và đừng phạm tội nữa”.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật V Mùa Chay (C)
Chủ Nhật 7 Tháng Tư, 2019
Chúa Giêsu gặp một người phụ nữ sắp bị ném đá
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi!”
Lc 8:1-11


1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng hôm nay dẫn đưa chúng ta đến một suy niệm về cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu với các Kinh Sư và người Biệt Phái.  Bởi lời giảng dạy và cách hành động của Người, các luật sĩ và người Biệt Phái không ưa gì Chúa Giêsu.  Vì vậy, học tìm đủ mọi cách để buộc tội và trừ khử Người.  Họ dẫn đến trước mặt Người một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình để hỏi Người rằng họ có nên chiếu theo lề luật Môisen mà luật này dạy rằng hạng đàn bà như thế phải bị ném đá không.  Họ muốn khiêu khích Chúa Giêsu. Bằng cách làm ra vẻ như là những người quan tâm đến Lề Luật Môisen, họ đã dùng người đàn bà để tranh luận với Đức Giêsu.  Chuyện tương tự như thế đã thỉnh thoảng xảy ra.  Lấy cớ như là quan tâm đến Lề Luật Thiên Chúa, ba tôn giáo nhất thần:  Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đã lên án và sát hại nhiều người.  Điều này cũng còn tiếp tục cho đến ngày nay.  Dưới chiêu bài quan tâm đến Lề Luật Thiên Chúa, nhiều người đã bị tước mất sự hiệp thông và thậm chí còn bị loại trừ ra khỏi cộng đồng.  Lề Luật và phong tục đã được tạo ra để loại trừ và gạt ra ngoài lề một số loại người nhất định.
Khi chúng ta đọc đoạn Tin Mừng Gioan 8:1-11, chúng ta nên xem bản văn như là tấm gương phản chiếu lại chân dung của chính chúng ta.  Khi đọc, chúng ta hãy cố gắng lưu ý kỹ đến thái độ, lời nói và cử chỉ của những nhân vật trong câu chuyện:  các Kinh Sư, những người Biệt Phái, người đàn bà ngoại tình, Đức Giêsu và dân chúng.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 8:1-2:  Chúa Giêsu vào trong đền thờ để giảng dạy cho đám đông
Ga 8:3-6a:  Các đối thủ của Chúa đến khiêu khích Người
Ga 8:6b:  Phản ứng của Chúa Giêsu, Người ngồi viết trên đất
Ga 8:7-8:  Hành động khiêu khích thứ hai, và phản ứng của Chúa Giêsu giống như lần thứ nhất
Ga 8:9-11:  Lời kết sau cùng

c) Tin Mừng:
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. 10 Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” 11 Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào trong bản văn đã làm bạn cảm động hoặc hài lòng nhất?  Tại sao?
b) Có một số người và nhóm người xuất hiện trong câu chuyện này.  Họ nói gì và làm gì?
c) Bạn hãy thử đặt mình vào trong tình cảnh của người phụ nữ:  người đàn bà đã cảm thấy như thế nào?
d) Tại sao Chúa Giêsu lại bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất?
e) Cộng đoàn chúng ta có thể và phải làm gì để đón tiếp những kẻ bị hắt hủi?

5.  Ý chính của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh văn học:  
Các học giả cho rằng Tin Mừng của Gioan tăng trưởng dần dần, có nghĩa là, nó được viết từng đoạn một.  Sau một thời gian, cho đến cuối thế kỷ thứ nhất, các thành viên của cộng đoàn Gioan tại Tiểu Á, nhớ lại và thêm các chi tiết vào các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu.  Một trong những sự kiện này, mà một số chi tiết đã được thêm vào, là đoạn Tin Mừng của chúng ta, câu chuyện về một người phụ nữ sắp sửa bị ném đá (Ga 8:1-11).  Trước đoạn Tin Mừng của chúng ta một chút, Đức Giêsu đã nói:  “Ai khát, hãy đến với Ta, ai tin vào Ta, hãy đến mà uống!” (Ga 7:37).  Lời tuyên bố này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận (Ga 7:40-53).  Thậm chí những người Biệt Phái còn chế nhạo dân chúng, coi họ là ngu dốt vì tin vào Đức Giêsu.  Ông Nicôđêmô đã phản ứng lại, nói với họ rằng:  “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7:51-52).  Sau đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ gặp một lời tuyên bố khác của Chúa Giêsu:  “Ta là ánh sáng thế gian!” (Ga 8:12), một lần nữa lại gây ra cuộc tranh luận giữa những người Do Thái.  Câu chuyện người đàn bà mà Lề Luật sẽ kết án, nhưng lại được tha thứ bởi Chúa Giêsu (Ga 8:1-11), được lồng vào giữa hai lời tuyên bố này và các cuộc tranh luận sau đó của họ.  Những câu tuyên bố trước và sau này, cho thấy rằng câu chuyện đã được đưa vào đây để tỏa sáng về chân lý rằng Đức Giêsu, là ánh sáng thế gian, soi sáng đời sống người ta và áp dụng Lề Luật tốt đẹp hơn so với những người Biệt Phái.

b) Lời bình luận về văn bản:
Ga 8:1-2:  Chúa Giêsu và đám đông dân chúng
Sau cuộc tranh luận được ghi lại tại cuối chương 7 (Ga 7:37-52), ai nấy trở về nhà mình (Ga 7:53).  Đức Giêsu không có nhà trong thành Giêrusalem, vì vậy Người đi lên Núi Cây Dầu.  Người tìm thấy một khu vườn nơi mà Người có thể qua đêm ở đó trong cầu nguyện (Ga 8:1).  Qua hôm sau, vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại đền thờ lần nữa.  Đám đông dân chúng kéo đến gần để lắng nghe.  Thông thường, đám đông ngồi thành vòng tròn xung quanh Chúa Giêsu khi Người giảng dạy.  Mà Chúa Giêsu đã giảng dạy điều gì?  Bất cứ là điều gì đi chăng nữa, nó phải là tuyệt vời thích thú lắm bởi vì đám đông đã đến đó trước lúc bình minh mà lắng nghe Người!

Ga 8:3-6a:  Hành động khiêu khích của các đối thủ của Chúa
Đột nhiên, các Kinh Sư và người Biệt Phái đi đến và mang theo một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.  Họ đặt nàng ở giữa trước mặt Chúa Giêsu và đám đông dân chúng.  Chiếu theo Lề Luật Môisen, người đàn bà này phải bị ném đá (Lv 20:10; Đnl:22:22,24).  Họ hỏi:  “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và theo Luật Môisen ra lệnh cho chúng tôi phải ném đá hạng phụ nữ này.  Còn Thầy, Thầy dạy sao?”  Đây là một hành động khiêu khích, một cái bẫy.  Nếu Chúa Giêsu nói:  “ Hãy làm theo Lề Luật”, thì các Kinh Sư sẽ nói với đám đông dân chúng:  ông này chẳng tốt lành gì như người ta tưởng vì ông ấy đã ra lệnh cho người đàn bà này phải chết.  Nếu Chúa Giêsu đáp:  “Đừng giết nàng ta”, thì họ sẽ nói:  “Ông này cũng chẳng tốt lành gì như vẻ bề ngoài vì ông ta đã không tuân giữ Lề Luật Môisen!”  Dưới danh nghĩa trung thành với Thiên Chúa, họ thao tác Lề Luật Môisen và sử dụng người phụ nữ để cáo buộc Chúa Giêsu.

Ga 8:6b:  Phản ứng của Chúa Giêsu:  Người ngồi viết trên đất
Tình cảnh này giống như một cái bẫy sập chắc chắn.  Nhưng Chúa Giêsu chẳng sợ hãi, cũng chẳng lo lắng.  Trái lại là đàng khác.  Một cách lặng lẽ, như một người làm chủ tình hình, Người ngồi xuống và bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.  Hành động viết trên đất có ý nghĩa gì?  Có người nghĩ rằng Chúa Giêsu đang viết tội lỗi của những kẻ đang cáo buộc.  Một số người khác cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của người đang làm chủ tình hình và không màng đến những lời cáo buộc của kẻ khác.  Nhưng đây cũng có thể chỉ là một hành động tượng trưng, sự ám chỉ đến một điều gì đó phổ quát hơn nhiều.  Nếu bạn viết một chữ gì đó trên đất, thì qua sáng hôm sau nó sẽ không còn nữa, sẽ bị gió hoặc mưa cuốn đi, mất hút!  Chúng ta thấy một sự ám chỉ tương tự trong sách tiên tri Giêrêmia, trong đó chúng ta đọc thấy rằng tên của các thuộc tính của Thiên Chúa thì được viết trên đất, có nghĩa là chúng không có tương lai. Gió và mưa sẽ cuốn trôi chúng đi (xem Gr 17:13).  Có lẽ Đức Giêsu đang nói cho những kẻ xung quanh Người:  tội lỗi mà các ngươi đã cáo buộc người phụ nữ này, thì đã được Thiên Chúa tha thứ khi Ta đang viết những chữ này trên đất.  Từ giờ trở đi, những tội này sẽ không còn được nhớ đến!

Ga 8:7-8:  Hành động khiêu khích thứ hai, và phản ứng của Chúa Giêsu tương tự như lần thứ nhất
Đối diện với thái độ yên lặng này của Chúa Giêsu, thì chính những kẻ đối đầu lại trở nên lo lắng.  Họ cố nài và muốn biết ý kiến của Chúa Giêsu.  Khi ấy, Đức Giêsu đứng lên và bảo họ:  “Ai trong các ngươi sạch tội, thì hãy ném đá chị này trước đi!”  Và Người ngồi xuống lại viết trên mặt đất.  Người không tham dự vào cuộc tranh luận vô ích và không kết quả liên quan đến Lề Luật, bởi vì, trong thực tế, vấn đề nằm ở nơi khác.  Chúa Giêsu xoay chuyển tâm điểm của cuộc thảo luận.  Thay vì để cho ngọn đèn của Lề Luật bị tập trung vào người phụ nữ để lên án nàng, Người đề nghị các đối thủ của mình tự nghiệm xét bản thân mình dưới ánh sáng của những gì Lề Luật Môisen đòi hỏi nơi họ.  Chúa Giêsu không thảo luận những chữ trong Lề Luật.  Người tranh luận và lên án thái độ xấu xa của những kẻ lợi dụng dân chúng và Lề Luật để thủ đắc riêng cho họ, những điều trái ngược với Thiên Chúa, tác giả của Lề Luật.

Ga 8:9-11:  Lời kết sau cùng:  Chúa Giêsu và người phụ nữ
Câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho đối phương bối rối.  Những người Biệt Phái và Kinh Sư bẽ mặt rút lui từng người một, “bắt đầu với người lớn tuổi nhất”.  Trái ngược với những gì họ đã toan tính xảy ra.  Kẻ bị lên án bởi Lề Luật không phải là người đàn bà mà là những kẻ tin rằng mình là kẻ trung thành với Lề Luật.  Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ.  Đức Giêsu đứng dậy, và bảo nàng rằng:  “Hỡi chị, những người cáo chị đi đâu cả rồi?  Không ai kết án chị ư?”  Nàng đáp:  “Thưa Thầy, không có ai!”  Đoạn Chúa Giêsu bảo nàng:  “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị.  Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”  Chúa Giêsu sẽ không để cho bất cứ ai dùng Lề Luật Thiên Chúa để lên án anh chị em mình, khi mà chính người ấy cũng là kẻ tội lỗi.  Bất kỳ ai có cái đà trong mắt mình thì không thể cáo buộc người khác có cái dằm trong mắt họ.  “Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái xà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6:42).
Câu chuyện này, hay hơn bất cứ bài giảng nào khác, cho thấy rằng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian (Ga 11:12) Đấng tỏ lộ sự thật.  Nó phơi bày ra ánh sáng những chuyện riêng tư thầm kín nhất trong một người.  Trong ánh sáng Lời Chúa Giêsu, những kẻ có vẻ tự cho mình là người bảo vệ Lề Luật Chúa thì lại bị cho thấy là kẻ đầy tội lỗi.  Họ nhận ra điều này và rút lui từng người một, bắt đầu bằng người lớn tuổi nhất.  Và người phụ nữ, bị cho là tội lỗi và đáng bị án tử, đứng trước mặt Chúa Giêsu, thì được tha tội, được cứu chuộc, được làm cho xứng đáng (xem Ga 3:19-21).  Hành động của Chúa Giêsu mang lại cho nàng một cuộc sống mới và phục hồi phẩm giá của nàng là người phụ nữ và là con của Thiên Chúa.


c) Phần phụ chú:
Lề Luật liên quan đến phụ nữ trong Cựu Ước và phản ứng của dân chúng
Từ thời các tiên tri Étra và Nê-hê-mia, xu hướng chính thức là gạt bỏ phụ nữ ra khỏi mọi hoạt động nơi công cộng và xem họ là không thích hợp để thực hiện bất kỳ chức năng nào trong xã hội, ngoại trừ việc làm vợ và làm mẹ.  Điều mà góp phần rất lớn cho việc gạt bỏ người phụ nữ ra ngoài lề xã hội chính là lề luật thanh khiết.  Người phụ nữ bị xem là bất tịnh bởi vì làm mẹ, làm vợ và làm con gái, vì là phái nữ.  Bởi vì làm mẹ:  khi mới ở cữ, nàng đã trở thành ô uế (Lv 12:1-5).  Vì là con gái:  khi sinh con trai, người đàn bà bị coi là ô uế trong bốn mươi ngày (Lv 12:2-4); tệ hơn nữa, khi sinh con gái, nàng bị coi là ô uế trong thời gian tám mươi ngày! (Lv 12:5).  Vì làm vợ:  sự quan hệ tình dục làm cho cả người vợ lẫn người chồng trở thành ô uế cả ngày (Lv 15:18).  Bởi vì là phụ nữ:  việc kinh nguyệt đã làm người phụ nữ trở nên ô uế suốt một tuần lễ và làm lây những người khác cũng trở thành ô uế.  Bất cứ ai chạm vào một người phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt thì phải trải qua một nghi thức thanh tẩy (Lc 15:19-30).  Không thể nào một người phụ nữ có thể che dấu sự ô uế của mình, bởi vì lề luật bắt buộc người khác phải tố giác nàng (Lv 5:3).  Lề luật này khiến cho cuộc sống thường nhật trong nhà không thể chịu nổi.  Bảy ngày trong mỗi tháng, người mẹ trong gia đình không được phép nằm trên giường hay ngồi trên ghế, lại càng không được đụng chạm vào chồng con để cho họ không bị lây ô uế!  Lề luật này là hệ quả của trạng thái tâm lý, theo đó thì người phụ nữ bị xem là thấp kém hơn so với đàn ông.  Có một số ý kiến nói rằng điều này cho thấy sự kỳ thị đối với người phụ nữ (Hc 42:9-11; 22:3).  Việc gạt ra ngoài lề trở thành như thế bởi vì phụ nữ bị coi là nguồn gốc tội lỗi và sự chết và là nguyên nhân của tất cả các sự dữ (Hc 25:24; 42:13-14)  Vì vậy, các đặc quyền và sự chi phối của người đàn ông trên người phụ nữ vẫn tiếp tục được duy trì.
Trong bối cảnh thời đại, tình trạng người phụ nữ trong thế giới của Kinh Thánh thì chẳng khá hơn hay tồi tệ hơn so với những người khác.  Đó là nền văn hóa chung.  Thậm chí ngày nay, vẫn còn có nhiều kẻ tiếp tục sống theo lối suy nghĩ này.  Nhưng thời nay cũng giống như trước đây, từ lúc bắt đầu lịch sử Kinh Thánh, luôn luôn có những người chống đối lại việc hắt hủi này đối với giới phụ nữ, đặc biệt là sau thời gian lưu đày, lúc người phụ nữ dân ngoại, bị coi là thành phần nguy hiểm, đã bị đuổi đi (xem Et 9:1-3; 10:1-3).  Sự phản kháng của phụ nữ đã gia tăng khi việc hắt hủi họ ở lúc tồi tệ nhất.  Trong một số sách khôn ngoan, chúng ta khám phá ra tiếng nói của sự phản kháng đó:  sách Diễm Ca, sách Rút, sách Giu-đi-tha, sách Ét-thơ.  Trong những sách này, người phụ nữ không xuất hiện như các bà mẹ hay người vợ, mà như là những người có thể dùng vẻ đẹp và nữ tính của họ để tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo khó và do đó để bảo vệ cho Giao Ước của dân chúng.  Những người này không chiến đấu vì đền thờ, cũng không vì lề luật trừu tượng, mà là vì đời sống của dân chúng.
Việc đối kháng của phụ nữ chống lại việc loại bỏ họ tìm thấy tiếng vang và đáp ứng từ Chúa Giêsu.  Dưới đây là một số câu chuyện về phản ứng của Chúa Giêsu đối với phụ nữ:
*  Cô gái điếm:  Chúa Giêsu tiếp đón và bênh vực chị ta trước mặt các người Biệt Phái (Lc 7:36-50).
*  Chúa Giêsu bầu chữa người phụ nữ còng lưng trước mặt vị trưởng hội đường (Lc 13:10-17).
*  Người đàn bà bị coi là ô uế được đón tiếp không lời trách cứ và được chữa lành (Mc 5:25-34).
*  Người phụ nữ Samaritanô, bị coi là kẻ lạc giáo, là người đầu tiên nhận lãnh được bí mật của Chúa Giêsu rằng Người chính là Đấng Mêssia (Ga 4:26).
*  Người phụ nữ dân ngoại nhận được sự chữa lành của Chúa Giêsu và bà giúp Chúa khám phá ra sứ vụ của mình (Mc 7:24-30).
*  Các bà mẹ có con nhỏ, bị xua đuổi bởi các môn đệ, được chào đón bởi Chúa Giêsu (Mt 19:13-15).
*  Phụ nữ là những người đầu tiên mục kích Chúa Giêsu sống lại (Mt 28:9-10; Ga 20:16-18).

6.  Thánh Vịnh 36 (35)
Lòng nhân từ của Thiên Chúa sẽ lột mặt nạ bọn đạo đức giả
Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ;
hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời.
Hắn tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét.
Lời nói toàn xảo quyệt dối gian,
hết lẽ khôn ngoan, hết điều lương thiện!
Nằm trên giường, hắn bày ra chước độc mưu thâm,
hắn đứng lỳ trên nẻo đường bất hảo,
không còn chê ghét việc gian tà.
Lạy CHÚA, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
lòng thành tín vượt ngàn mây biếc.
Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,
quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.
Lạy CHÚA, Ngài tế độ con người và súc vật.
Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao!
Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.
Họ được no say yến tiệc nhà Ngài,
nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê.
Ngài quả là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.
Xin hằng thương những kẻ biết Ngài,
và hằng xử công minh với những ai có lòng ngay thẳng.
Đừng để quân ngạo mạn giày xéo thân này
và phường độc dữ đánh đuổi con đi.
Kìa bọn làm điều ác đã nhào xuống cả,
ngã quỵ rồi, không chỗi dậy nổi đâu.

7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét