Trang

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

25-04-2019 : THỨ NĂM - TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


25/04/2019
Thứ năm tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

BÀI ĐỌC I: Cv 3, 11-26
“Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, khi người què được chữa lành cứ theo sát Phêrô và Gioan, toàn dân bỡ ngỡ chạy đến hai ngài đang ở hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: “Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được? Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta, đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em.
“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các tiên tri mà báo trước rằng Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thư thái, và sai Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Chúa đã phán hứa cùng anh em trước, Đấng phải về trời cho đến thời kỳ phục hồi vạn vật, như Chúa đã dùng miệng các thánh tiên tri Ngài mà phán từ ngàn xưa. Môsê đã nói rằng:
“‘Vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ cho xuất hiện giữa anh em các ngươi một tiên tri như ta, các ngươi hãy nghe tất cả những điều Ngài sẽ nói với các ngươi’. Vậy, tất cả những ai không chịu nghe theo vị tiên tri đó, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng.
“Và tất cả các tiên tri, từ Samuel và các vị kế tiếp, đều đã nói và tiên báo về ngày này. Anh em là con cháu các tiên tri và con cháu của giao ước mà Chúa đã thiết lập với các tổ phụ chúng ta, khi Người phán cùng Abraham rằng: “Chính nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Chính vì anh em trước tiên mà Thiên Chúa đã cho Con của Ngài xuất hiện và sai đi chúc phúc cho anh em, để mỗi người từ bỏ tội ác”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9
Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Nhân loại là chi mà Chúa để ý chăm nom?- Đáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! – Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48
“Đấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Ðau khổ là một hồng ân
Trong ánh sáng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Khi hiện ra cho hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu đã dẫn giải cho các ông về ý nghĩa của đau khổ trong tương quan với sự phục sinh của Ngài. Ngài đã trải qua đau khổ để tiến vào vinh quang. Cuộc khổ nạn là tiền đề bắt buộc của sự sống lại. Như Phêrô có lần đã can ngăn, các môn đệ khách cũng không chấp nhận được sự kiện Chúa Giêsu phải chết, và vì thế các ông cũng không tin ở sự phục sinh của Ngài.
Trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi để nhìn vào nỗi cay cực khốn khổ hiện tại của chúng ta. Trong huấn thị về việc làm cho chết êm dịu công bố năm 1990, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã viết:
"Sự đau khổ, nhất là trong những giây phút cuối đời, mang một ý nghĩa đặc biệt trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thực, đau khổ là tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và kết hợp với Hy Tế cứu rỗi của Ngài. Hy Tế mà Ngài đã dâng hiến như của lễ đẹp lòng Chúa Cha".
Mẹ Têrêsa Calcutta thì coi đau khổ như một hồng ân của Chúa, Mẹ nói:
"Tôi tự hỏi thế giới này sẽ ra sao, nếu không có những người vô tội đang đền bù cho tất cả chúng ta. Mỗi ngày, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc sống của những người đau khổ. Ðau khổ không phải là một trừng phạt. Ðau khổ là một hồng ân. Chính vì thế cần có tâm hồn trong sạch để nhận ra bàn tay Chúa, để cảm nhận tình yêu của Ngài trong đau khổ của chúng ta".
Ước gì ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu dọi vào tăm tối của những đau khổ thử thách của chúng ta, để trong mọi sự chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa và làm chứng cho tình yêu ấy bằng thái độ phó thác và yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I BNPS
Bài đọcActs 3:11-26; Lk 24:35-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để biết và tin chắc Chúa đã sống lại?
Mỗi năm, vào dịp các Kitô hữu chuẩn bị kỷ niệm cuộc Thương Khó, cái chết, và sự sống lại của Chúa Giêsu, các tuần báo Mỹ như Times và Newsweek luôn đặt những câu hỏi giật gân chung quanh việc sống lại của Chúa như: Chúa Giêsu có thực sự sống lại không? Không một nhân chứng nào thấy tận mắt lúc Chúa sống lại và ra khỏi mộ! Ngành khảo cổ không tìm thấy vết tích gì cả về ngôi mộ của Chúa. Tại sao lại có hai nơi đều nhận là “mộ Chúa” bên Jerusalem? Mục đích của họ là để con người đặt lại niềm tin vào sự sống lại đời sau, đúng như thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta vô ích.”
Nhưng đi tìm những dữ kiện quanh ngôi mộ trống là cách thấp nhất để chứng minh sự kiện Chúa sống lại. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những bằng chứng cao hơn. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô minh chứng sự kiện Chúa sống lại bằng việc làm cụ thể: Ngài dùng quyền năng của Chúa Kitô phục sinh để chữa lành một người què từ lúc mới sinh, và minh chứng sự kiện phục sinh đã được các ngôn sứ đề cập đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trực tiếp hiện ra với các tông đồ, và Ngài đã ăn uống trước mặt các ông để chứng minh Ngài là người thật, chứ không phải là ma hay ảo ảnh mà các ông đang sợ hãi. Ngài cũng dùng lời Kinh Thánh để chứng minh Ngài phải chịu đau khổ và được sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phêrô và Gioan chứng minh Chúa đã sống lại thật.
1.1/ Phêrô làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng việc chữa lành: Phêrô muốn chứng tỏ với dân 2 điều:
(1) Quyền chữa lành không đến từ con người: Ông Phêrô lên tiếng nói với dân: “Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?”
(2) Quyền chữa lành đến từ Đức Kitô:
– Đức Kitô, Người mà anh em giết đi, đã sống lại: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
– Đức Kitô ban cho Phêrô uy quyền chữa lành: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.”
1.2/ Phêrô làm chứng cho Chúa bằng việc giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu phải chịu khổ hình: Việc các thủ lãnh Do-thái giết Chúa Giêsu không phải là chuyện ngẫu nhiên xảy ra; nhưng đã được sắp đặt trước bởi Thiên Chúa, và được loan báo trước bởi hầu hết các ngôn sứ của Người (Isaiah, Jeremiah, Hoseah). Ông Phêrô trấn an dân: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Đức Giêsu.”
(2) Chúa Giêsu làm trọn lời loan báo của các ngôn sứ: Những gì xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài sống trên trần gian, đã được loan báo trước bởi các ngôn sứ; mỗi ngôn sứ loan báo một khía cạnh của cuộc đời Ngài. Tổng hợp tất cả lời loan báo của các ngôn sứ cho chúng ta sự hiểu biết về cuộc đời của Ngài. Ông Phêrô liệt kê 3 ngôn sứ trong trình thuật hôm nay:
– Lời chứng của Moses: “Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân” (Deut 18:15-20).
– Lời chứng của Samuel và các ngôn sứ khác: Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Samuel đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống (Lk 1:70).
– Lời chứng mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham: “Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Gen 22:18, 26:4). Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.
2/ Phúc Âm: Chúa hiện ra với các tông đồ.
2.1/ Chúa chứng minh cho các tông đồ biết Ngài là người thật: Khi một người nhìn thấy hồn người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng như các tông đồ: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” Để chứng minh Ngài là người thật, Chúa Giêsu làm hai việc:
(1) Cho các ông sờ vào thân thể Ngài: Người nói với các ông: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
(2) Ăn uống trước mắt các ông: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
2.2/ Chúa chứng minh cho các tông đồ những lời Kinh Thánh đã nói về Ngài.
(1) Toàn bộ Kinh Thánh cần thiết để hiểu Đức Kitô: Chúa Giêsu nhắc lại những lời dạy dỗ của Ngài cho các ông khi Ngài còn ở với các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Các ông không thể hiểu những lời này mà không có Đức Kitô; đồng thời các ông cũng không thể hiểu cuộc đời Chúa Kitô mà không được soi sáng bởi những lời này.
(2) Tiên-tri Hosea đã nói về sự sống lại của Ngài: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Hos 6:2).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng bao giờ để các báo chí lung lạc niềm tin vào Chúa sống lại của chúng ta.
– Có nhiều bằng chứng về sự kiện Chúa sống lại: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ nhân danh Ngài là làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ, Kinh Thánh, và những cuộc trở lại của nhiều người. Chúng ta không chỉ có 2 nhân chứng như Luật đòi, nhưng ức triệu nhân chứng cho sự sống lại của Chúa Giêsu.
– Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua là bằng chứng hùng hồn Chúa Giêsu vẫn đang họat động và ở lại trong Giáo Hội giữa bao chống đối, bắt bớ, và tù đày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP



25/04/2019 – THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG
Đức Giê-su bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ, Người mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh. (Lc 1,30-32)

Suy niệm: Đối với các môn đệ, những gì xảy ra cho Đức Giê-su tưởng như là bất ngờ, ngoài ý muốn; thực ra những điều ấy đã Ngài được tiên báo và chờ ứng nghiệm nơi chính Ngài. Vì thế, để giúp các môn đệ ‘nuốt trôi’ cuộc Khổ nạn quá khó hiểu của Ngài, Đức Giê-su bắt đầu bằng việc giải thích Kinh thánh cho hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24,23), và giờ đây cho “Nhóm Mười Một và các bạn hữu” (x. Lc 24,33.45). Kể cả khi hứa ban Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su cũng cho biết nhiệm vụ của Thánh Thần ấy là “lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Vậy, Kinh Thánh chính là chìa khóa giúp người môn đệ khai thông bế tắc hầu có thể đón nhận những vấn đề khó hiểu đang xảy ra. Quả thật, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (Tv 119,105).
Mời Bạn: Giáo Hội đang trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn do các cáo buộc liên quan đến hàng giáo sĩ. Liệu rằng câu Kinh Thánh “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” có giúp ta vững vàng khi đối diện với những gì đang xảy ra không?
Sống Lời Chúa: Dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để đọc và suy gẫm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng sáng tạo và an bài mọi sự. Tất cả xảy ra đều không ngoài ý Chúa. Xin cho chúng con tâm hồn biết lắng nghe, để nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng con có thể hiểu được thánh ý hầu dễ dàng đáp lời “Xin vâng.” Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Anh em là chứng nhân (25.4.2019 – Thứ Năm trong Tuần Bát nhật Phục sinh)
Suy niệm:
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG TƯ
Phục Sinh Trong Hiện Tại
Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết tại một thời điểm nhất định trong thời gian. Tuy nhiên, Người vẫn đang đợi chờ sự Phục Sinh của Người tác động biến đổi mọi người. Người vẫn đang đột phá vào cuộc sống của mỗi cá nhân và vào lịch sử của mọi dân tộc. Nhưng tác động chuyển hóa của cuộc Phục Sinh đối với xã hội và cá nhân còn tùy thuộc vào sự hợp tác của con người nữa.
Trong cuộc Phục Sinh này, người ta phá vỡ sự ràng buộc của tội lỗi và sự chết. Người ta sống lại trong Đức Kitô như chính Người đã sống lại vào buổi sáng Phục Sinh cách đây hai mươi thế kỷ ấy. Vâng, bất cứ ở đâu có một trái tim thắng vượt ích kỷ, bạo lực, và đố kỵ – bất cứ ở đâu có một trái tim mở ra cho một ai đó đang cần đến mình – thì ở đó Đức Kitô được Phục Sinh từ cõi chết, được Phục Sinh trong hiện tại hôm nay. Bất cứ ở đâu có người theo đuổi công lý và hòa bình đích thực, thì sự chết bị đánh bại và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô được khẳng định lại. Bất cứ khi nào một người lìa đời sau khi đã sống một cuộc sống đầy tràn tin, yêu, và đau khổ vì Đức Kitô … thì ở đấy và lúc ấy có sự Phục Sinh.
Cuộc Phục Sinh này – được định liệu cho mọi người – là chiến thắng tối hậu. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa cho những đau buồn và thử thách của con người. Đó không phải là sự chết mà chính là sự sống. Đó không phải là thất vọng mà chính là hy vọng. Và Giáo Hội mời gọi mọi con người hôm nay đón nhận niềm hy vọng này.
Giáo Hội nhắc lại với chúng ta, với mọi người, lời công bố khó tin nhưng rất thật rằng: Đức Kitô đã sống lại! Mong sao cả thế giới cùng sống lại với Người! Alleluia!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25/4
Thứ Năm Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Cv 3, 11-26; Lc 24, 35-48.

LỜI SUY NIỆM:  “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Môsê, các sách ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
          “… Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi sự từ Đức Kitô, các hình bóng được biểu lộ ra, Chẳng hạn, cơn lụt Hồng Thủy và con tàu Noe là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ Bí Tích Rửa Tội; Cột mây và vượt qua Biển Đỏ cũng cùng một ý nghĩa đó; Nước từ tảng đá là hình bóng của hồng ân thiêng liêng của Đức Kiô; Manna trong hoang địa là hình bóng tiên báo Thánh Thể. “Bánh bởi trời, bánh đích thực.”(Gl 1094)
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn tin vào Kinh Thánh, để nhận ra Chúa và ơn cứu độ, để chúng con được rỗi linh hồn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 25-04
THÁNH MARCÔ THÁNH SỬ
(Thế kỷ I)
Marcô là ai ? Chắc chắn Ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một “Gioan cũng gọi là Marcô” (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba.
Các học giả thường đồng ý rằng: Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:
– Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.
Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).
Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.
Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.
Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng: Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 – 117).
Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của Ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa Ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, Ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.
Người ta có thể cho rằng: Ngài không có đau khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, Ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh: “Lòng họ ra như chai lại” ( Mc 6,51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9,34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn: “Ông không biết phải đáp ứng làm sao” (Mc 9,6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là Ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.
Chẳng hạn đối với Ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ “vượt các thiên thần” (3,32) “có quyền tha tội” (2,10). Nhưng rồi Ngài không ngần ngại viết rằng: “Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào” (6,5) Ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3,21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11,13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì Ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.
Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX. Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của Ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan tẩy giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử “Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người”.
(daminhvn.net)


25 Tháng Tư
Sư Tử Có Ðôi Cánh
Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.
Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
“Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống”.
Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là “Marcô, người con của tôi”.
Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.
Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.
Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: “Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm”. Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!
Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.
Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét