04/05/2019
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 2 Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 6, 1-7
“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, số
môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái,
vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ.
Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng
lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn
lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng
tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời
Chúa”. Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài và chọn Têphanô, một người đầy đức
tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna và Nicôla
quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện
và đặt tay trên các vị đó.
Lời Chúa lan tràn, và
số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức
tin. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 1-2.
4-5. 18-19
Đáp: Lạy Chúa, xin
tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Người hiền đức,
hãy hân hoan trong Chúa, ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen
Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. – Đáp.
2) Vì lời Chúa là lời
chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh
chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Đáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi
những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ
họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 19, 28
Alleluia, alleluia!
– Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà
về cùng Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 16-21
“Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt
biển”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Chiều đến, các môn đệ
Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng
Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi
lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ
thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người
nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng
ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Bến bờ bình
an
Biến cố Chúa Giêsu đi
trên mặt nước cũng được Phúc Âm theo thánh Matthêu và thánh Marcô mô tả nhưng với
vài chi tiết khác nhau. Sự khác nhau này làm cho chúng ta thấy được chủ ý khác
nhau của mỗi tác giả Phúc Âm. Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan không nói đến
chi tiết Chúa Giêsu đến để trợ giúp cho các tông đồ đang gặp khó khăn, cũng
không nói gì đến việc làm cho sóng gió im lặng, nhưng lại nhắc đến chi tiết
khác là thuyền của các tông đồ tới bến tức thì. Ðọc lại bài tường thuật về biến
cố, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điểm này, là tác giả chú ý và muốn cho người
đọc như chú ý đến Chúa Giêsu nhiều hơn.
Tác giả bài tường thuật
cho chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô đầy quyền năng thần linh và không tùy
thuộc vào những định luật giới hạn của thiên nhiên. Thường tình, con người tự
nhiên không thể nào đi trên mặt nước mà không bị té ngã. Trong cuộc sống, rất
nhiều khi người Kitô chúng ta cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ mặc cho bão táp
phong ba xô đẩy. Thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí tự do, ý
chí và ân sủng để có thể lướt qua sóng gió cuộc đời. Có thể đến khi thuyền cập
bến, chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng
Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ
làm.
Lạy Chúa, giữa những
phong ba thử thách cuộc đời, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào sự hiện diện
quyền năng và yêu thương của Chúa, nhờ đó, chúng con an tâm đi trọn cuộc hành
trình và đạt tới bến bờ bình an.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần II PS
Bài đọc: Acts
6:1-7; Jn 6:16-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để giải
quyết các khó khăn trong cuộc đời?
Khó khăn và xung đột ý
kiến xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; nói cách khác, hễ có sống chung, là có đụng
nhau. Làm thế nào để giải quyết khi phải đương đầu với những khó khăn hay xung
đột? Người khó khăn nóng tính sẽ la hét, chửi rủa, làm cho ra lẽ; rồi sau đó muốn
ra sao thì ra. Người thâm trầm ít nói sẽ lặng lẽ rút lui, và chép miệng thở
dài: thôi thì đường ai nấy đi cho đẹp cả đôi bên. Nhưng cả hai cách giải quyết
đều không đẹp ý Chúa và giúp ích cho tha nhân; vả lại, có đi đâu chăng nữa, con
người vẫn phải đương đầu với vấn đề “chung đụng.”
Các Bài Đọc hôm nay
giúp chúng ta giải quyết vấn đề cách đẹp lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân.
Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật các khó khăn của cộng đồng các tín hữu
sơ khai, họ cũng phải đương đầu với thiên vị và ghen tị giữa các tín hữu
Do-thái theo văn hóa Hy-lạp và các tín hữu Do-thái bản xứ. Thay vì trốn tránh vấn
đề, hay tìm cách ly khai, các Tông-đồ chọn thêm bảy Phó-tế để giúp các ngài lo
cho các bà góa Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Mọi người đều vui vẻ với giải quyết
khôn ngoan này. Trong Phúc Âm, khi phải đương đầu với phong ba bão tố, các
Tông-đồ hỏang sợ, và càng sợ hãi hơn khi thấy một bóng người lướt trên nước tới
thuyền của họ, vì các ông tưởng là ma; nhưng Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các
ông: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
1.1/ Vấn đề thiên vị và
ghen tị xảy ra trong cộng đòan: “Thời đó,
khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách
những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các
bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”
(1) Nhận định vấn đề:
Thói quen của con người là bảo vệ những người thân quen mình trước, rồi mới đến
những người xa hơn. Vấn nạn trên xảy ra giữa những người Do-thái, nhưng theo những
văn hóa khác nhau: các bà góa người bản xứ được cung cấp lương thực đầy đủ hơn
những bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Nếu không biết cách giải quyết vấn đề, tình
trạng thiên vị và ghen tị sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sẽ đưa đến việc tách rời
giữa hai nhóm, sẽ gây thiệt hại cho sự đòan kết, và sẽ làm gương mù cho các tín
hữu khác.
(2) Cách giải quyết:
“Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ
việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Hãy tìm
trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng
tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.”
Một người không thể
làm hết, và cũng không tốt để làm hết, vì sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp bằng
nhiều người cộng tác. Hơn nữa, việc mở mang Nước Chúa là bổn phận của tất cả mọi
người, chứ không phải chỉ là bổn phận của giới lãnh đạo mà thôi. Các Tông-đồ biết
sắp xếp các thứ tự ưu tiên: việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận hàng đầu không
thể xao lãng. Để có người lo cho các nhu cầu của cộng đoàn, cần tuyển thêm các
Phó-tế có những đức độ cần thiết. Các Tông-đồ để cho các tín hữu tham gia vào
việc tìm kiếm các ứng viên; sau đó các ngài sẽ chuẩn y bằng việc đặt tay, và hướng
dẫn họ trong việc phục vụ cộng đoàn.
1.2/ Phẩm trật Hội Thánh
dần dần được hình thành: “Đề nghị trên được
mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh
Thần, cùng với các ông Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và ông
Nicolaus, một người ngoại quê Antioch đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra
trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.”
Đây là 7 Phó-tế đầu tiên của Hội Thánh. Phó-tế Stephanô là thánh tử đạo đầu
tiên làm chứng cho Chúa Giêsu trong trình thuật mà chúng ta sẽ được nghe ít
ngày nữa.
Số các tín hữu càng
đông, phẩm trật của Hội Thánh càng phải được nới rộng để đáp ứng nhu cầu của cộng
đoàn và của các tín hữu. Dưới sự hướng dẫn của các Tông-đồ và hoạt động của
Chúa Thánh Thần, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ
tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”
2/ Phúc Âm: Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc
sống.
Khó khăn trong cuộc sống
không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và làm cho con người trưởng thành.
Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để thử thách đức tin hay do tha
nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh
đến trường hợp thứ nhất.
2.1/ Biển động làm các
ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi
phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa
Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện.
Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu có thể quan sát rõ ràng thuyền của
các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội
và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả trong hành trình
tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy
trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn
con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động
hôm nay.
Từ Tiberias, nơi các Tông
đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các ông muốn tới không xa lắm; nhưng
đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số,
các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Điều này
làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các ông chưa từng được chứng kiến một
con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ
các ông tăng gấp đôi.
2.2/ Chúa Giêsu trấn an
các ông: “Thầy đây! Đừng sợ!” Các ông muốn
rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.
Nhiều lần trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương
tự với các môn đệ: Khi hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với
các ông: “Đừng sợ!” (Mt 28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các
ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy
ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ
hãi.” (Jn 14:27).
Hay khi chọn Phêrô để
xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ
xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời và quyền lực của
hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18). Một khi sống trong sự bảo vệ của
Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi phải đương đầu với
khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi rủa và từ chối rút lui đều
phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ giúp tinh thần của Chúa và sự
tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề cách khôn ngoan và bác ái.
– Tất cả các tín hữu đều
có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết
khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy
khả năng và hoàn cảnh của họ.
– Khi những khó khăn xảy
đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm cách đối phó.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
04/05/2019 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Ga 6,16-21
“THẦY ĐÂY! ĐỪNG SỢ!”
Các ông hoảng sợ.
Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ.” (Ga 6,19-20)
Suy niệm: Các môn đệ hẳn đã mang tâm
trạng hoang mang và có khi bất bình nữa khi bị Chúa Giê-su “bắt buộc xuống thuyền
qua bờ bên kia” Biển Hồ Ti-bê-ri-a sau khi Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều
(Mc 6,45): Tại sao Thầy không nhân dịp rất tốt này để hiện thực giấc mơ phục
hưng thời hoàng kim của vương triều Đa-vít? Giờ đây, lênh đênh trên biển hồ, suốt
đêm vất vả chèo chống với sóng to gió lớn, họ đâm ra hụt hẫng. Những chỗ dựa tưởng
là vững chắc trên trần đời này: của cải, quyền lực… giờ đây giống như mây khói.
Thế nên, khi đối diện với Đấng thần linh – Chúa Giê-su đi trên mặt nước đến với
các ông – các ông lại tưởng là ma quái! Một lời trấn an của Chúa đã giúp họ trở
lại: “Thầy đây! Đừng sợ”. Và với Chúa, họ được bình an, cập bến an toàn.
Mời Bạn: Chúa Giê-su phục sinh
không ở xa hay thờ ơ nhưng Ngài đang hiện diện trong đời sống chúng ta, nhất là
trong những lúc chúng ta phải đương đầu với những cơn phong ba bão táp
trong đời, sự hiện diện âm thầm tinh tế nhưng đầy quan tâm và thân thiết. Chúa
không miễn trừ cho những ai đi theo Ngài khỏi những thử thách cam go. Ngài muốn
họ lớn lên trong tin yêu và trông cậy, với lòng dũng cảm và khiêm cung.
Sống Lời Chúa: Trong những hoàn cảnh khó
khăn, mời bạn bình tâm, cầu nguyện để nhận ra Chúa đang đồng hành với bạn và sẵn
sàng vâng ý Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
xin Chúa đồng hành với những gia đình đang gặp khó khăn. Xin cho họ giữ vững niềm
tin và biết cộng tác với nhau sống qua những tháng ngày gian khổ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM
Có bao giờ bạn cảm
thấy Chúa Giêsu xa cách bạn không?
Khi Thánh Gioan miêu tả lại cảnh các môn đệ ở một mình trên biển đang khi
trời bão, ngài đã diễn tả cảnh tượng vào lúc “tối” (Ga 6,17). Tối không
chỉ về thể xác mà cả về tinh thần. Mặc dù các tông đồ là những ngư dân giàu
kinh nghiệm, nhưng họ vẫn lo sợ cho mạng sống của họ. Sự hiện diện bất ngờ của
Chúa Giêsu, và khi Người dùng khả năng siêu nhiên của mình đi về phía họ trong
lúc biển động chỉ khiến họ thêm sợ hãi. Thánh Gioan mô tả rằng họ đã rất hoảng
sợ, và Chúa Giêsu đã phải trấn an họ rằng: “Thầy đây mà, đừng sợ!”
Chúng ta phải nhận thấy rằng kinh nghiệm này của các Tông đồ cũng chính
là kinh nghiệm mà rất nhiều người trong chúng ta gặp phải. Và những kinh nghiệm
này mang nhiều hình nhiều dạng khác nhau của “cơn bão đêm” trên biển.
Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều người, thường hay đối diện với nghịch
cảnh và trái ý, nhưng sau cùng không còn lại gì xung quanh khiến ta cảm thấy cô
đơn lạc lõng. Hoặc có đôi khi chúng ta đối diện với mọi việc bằng một khuôn mặt
vui tươi, và thể hiện mình gắn kết cùng tất cả mọi người, nhưng thực sâu trong
lòng ta đang đấu tranh nội tâm sâu sắc. Đó là những khi “cơn bão” đang nổi lên
trong lòng ta. Nhưng dù cho chúng ta đang ở trong trường hợp nào đi chăng nữa,
thì Chúa Giêsu luôn muốn đến với chúng ta và an ủi chúng ta.
Mời bạn hãy suy ngẫm Lời Chúa hôm nay, và dừng lại một chút để nhìn thẳng
vào “cơn bão” với “mưa”, “gió”, “sấm chớp” đang nổi lên trong lòng. Khi biển tối
đang vây quanh trong bạn, và lắng nghe Người thì thầm với bạn: “Đừng sợ”. Hãy lắng
nghe và nhìn sang, đón nhận lấy sự hiện diện của Người. Nếu chúng ta biết đặt
mình xuống trước mặt Chúa Giêsu, nỗi sợ hãi đó sẽ biến mất. Và chúng ta sẽ nhận
ra tận sâu trong tâm khảm mình rằng, Chúa Giêsu hiện diện ở đó và mọi chuyện sẽ
ổn thôi vì Người trông nom và điều khiển nỗi sợ hãi trong chúng ta. Hãy để Thầy
hiện diện với bạn, trong lòng bạn, ngay giữa “tâm bão”. Người đang đến với
bạn và đợi chờ sự đáp trả từ bạn
Đừng sợ, hãy mở lòng để đón tiếp Thầy!
Lạy Chúa, con ít khi nhận ra sự hiện diện thiêng liêng của Người trong
cuộc đời con. Vì vậy, Người bước đến với con mà con không hề hay biết. Xin
giúp con biết rằng Người luôn ở đó. Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi những nỗi
sợ hãi của dương thế và cho con ơn can đảm để đón Chúa trọn vẹn vào cuộc đời
con. Chúa ơi, con tín thác nơiNgài.
——–
Nhóm Bạn Đường Linh
Thao
Nguồn:
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG NĂM
Một Nơi Chốn An
Toàn Và Thảnh Thơi
Đức Kitô tuyên bố Người
không chỉ là “mục tử” mà còn là “cửa” cho chiên ra vào nữa (cf. Ga 10, 7). Như
vậy, Người sử dụng hai ẩn dụ khác nhau có sức diễn tả đặc biệt. Hình ảnh “người
mục tử” tương phản với hình ảnh “kẻ làm thuê”. Hình ảnh “mục tử” khắc họa rõ rệt
mối quan tâm sâu sắc của Đức Kitô đối với đàn chiên của Người, quan tâm đến độ
Người đã thí mạng mình để cứu độ chúng ta: “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống
mình cho chiên” (Ga 10, 11). Thư Ê-phê-sô cũng trình bày tương tự: “Đức Kitô đã
yêu mến Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội” (Ep 5, 25). Việc của chúng
ta là phải nhận hiểu ra rằng Người là Chúa duy nhất của mình và đi theo “tiếng
của Người” (Ga 10, 4), chứ không ngây ngô trao thân gửi phận cho kẻ làm thuê –
vì kẻ làm thuê rốt cục chỉ quan tâm đến tiền lương của mình, “không lo lắng đến
đàn chiên” (Ga 10, 13).
Suy tư này soi sáng
cho chúng ta hiểu ẩn dụ kia – ẩn dụ “cửa” hay “cổng cho chiên ra vào”. Đức
Giêsu nói: “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu; người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng
cỏ” (Ga 10, 9). Người mục tử dẫn chúng ta đến chỗ an toàn và nghỉ ngơi. Chúng
ta có thể vào qua cửa ra vào và gặp được sự an toàn và thư thái ấy.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/5
Cv 6, 1-7; Ga
6, 16-21.
LỜI SUY NIỆM:”Đức Giêsu đi trên
mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông:
Thầy đây đừng sợ.”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các Tông Đồ của Người
trong sóng gió của đêm khuya. Đều này giúp cho mỗi ngừi chúng ta hôm nay cũng
phải tin và cảm nhận sự hiện diện của Chúa, Người luôn quan tâm và đồng hành với
mỗi người trong chúng ta trong cuộc sống, để nâng đỡ bảo vệ che chở chngs ta
trong mọi nguy khốn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người rong chúng con luôn hiệp thông với sứ vụ của
Chúa, luôn tin Chúa hiện hữu và hằng cầu nguyện cho chúng con trước Chúa Cha và
đặt trọn niềm hy vọng là tất cả chúng con được Chúa cứu chuộc.
Mạnh Phương
04 Tháng Năm
Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi
Sau thời cách mạng
Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất
với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy
trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.
Người khách quen
thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng
thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và
giúp đỡ người hành khất.
Ngày nọ, vị linh mục
trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi
thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh
tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời
của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình
giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người.
Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và
hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy
nhất là thoát khỏi”.
Nghe đến đây, vị
linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu
chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên
theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu… Từ
đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp
các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ
trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng,
còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ… Xin Chúa tha
thứ cho tôi”.
Vừa nghe xong những
dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối
xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội,
ông đã nói như sau: “Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại
diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh
Cha và Con và Thánh Thần…”.
Câu chuyện tha thứ
trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi
nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những
hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của
lòng người…
Sự hiện diện của bà
Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô
cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha
chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường
thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên
từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên
chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử
nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.
Ali Agca, thủ phạm
chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ
này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi
đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người… Nhưng thế giới không chỉ được
nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến
và tha thứ…
Năm 1984, một biến cố
khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến
nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết
hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát
nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ,
của hòa giải…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét