06/05/2019
Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 6, 8-15
“Họ không thể đương đầu với sự
khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả
thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là “của những
người Tự Do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và
Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với
sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số người nói
lên rằng: “Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên
Chúa”. Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ tuôn đến bắt
Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian nói rằng: “Tên
này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề luật, vì chúng tôi
nghe nó nói rằng: ‘Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay đổi các tập tục
Môsê truyền lại cho chúng ta'”. Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn
Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 23-24.
26-27. 29-30
Đáp: Phúc cho ai
theo đường lối tinh toàn (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Dầu vua chúa
hội lại và buông lời đả kích, tôi tớ Ngài vẫn suy gẫm về thánh chỉ Ngài. Vì các
lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc
cố vấn của con. – Đáp.
2) Con đã trình bày đường
lối của con và Chúa nghe con, xin dạy bảo con các thánh chỉ của Ngài. Xin cho
con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của
Ngài. – Đáp.
3) Xin đưa con xa cách
con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. Con đã chọn con
đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia!
– Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà
về cùng Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 22-29
“Hãy ra công làm việc không phải
vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Hôm sau, đám người còn
ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà
Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi.
Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau
khi Chúa dâng lời tạ ơn. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ
cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển
bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp:
“Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy
những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công
làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc
sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên
Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là
làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là
các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Hoán cải nội
tâm
Ở thời đại nào, đám
đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi
cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn
Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng
tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy
gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh
Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy
niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm
sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ
tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát
vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không
phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm
Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của
họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài
không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái
đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm
bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài
và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm
sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm
tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô
có thể rơi vào.
Dĩ nhiên, nói đến đạo
là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống
và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để
nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến
việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc.
Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu
giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông
thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.
Nguyện xin Chúa Kitô
Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên
qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của
chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô:
"Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong
tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần III PS
Bài đọc: Acts
6:8-15; Jn 6:22-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tin vào Đấng
mà Thiên Chúa sai đến.
Cùng chứng kiến một sự
kiện, nhưng mỗi người nhìn dưới góc cạnh khác nhau: Có những người nhìn ra sự
thật ngay; có những người mất thời gian lâu dài mới có thể nhận ra sự thật;
nhưng cũng có những người cố giữ thái độ ngoan cố không chịu nhìn nhận sự thật.
Trong biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô cũng thế: Khi các Tông-đồ và nhiều
người Do-thái nhận ra lầm lỗi của họ, qua việc kết án và đóng đinh Con Thiên
Chúa, họ đã ăn năn sám hối và trở lại làm chứng cho Ngài; nhưng ngược lại, vẫn
có những người ngoan cố không chịu tin, họ tiếp tục dùng sức mạnh và mưu mô để
truy tố và luận tội các môn đệ của Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay vạch
ra những cái nhìn sai trái và hành động không đúng của con người. Trong Bài Đọc
I, Phó-tế Stephanô tranh luận với những người Do-thái thuộc Nhóm nô lệ được giải
phóng về giáo lý của Chúa Giêsu về Đền Thờ và Lề Luật. Dù họ không địch nổi với
ông, họ vẫn tìm người phao tin đồn thất thiệt để có cớ bắt ông trao cho Thượng
Hội Đồng. Trong Phúc Âm, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu, không phải vì nhận ra
Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng vì để có lương thực hàng ngày. Chúa Giêsu sửa sai
lối nhìn của họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực
Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã
ghi dấu xác nhận.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.
1.1/ Xung đột giữa Phó-tế
Stephanô và hội đường của Nhóm nô lệ được giải phóng: Ông
là một trong 7 Phó-tế
mới được chọn để phục vụ cho các bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Ông được đầy ân sủng
và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.
Đối thủ của ông là những
người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc
Cyrene và Alexandria. Họ cùng với một số người gốc Cilicia và Asia, đứng lên
tranh luận với ông Stephanô; nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thánh
Thần đã ban cho ông. Khi không dùng trí khôn ngoan để thắng ông được, họ quay
qua dùng những thủ đoạn hèn hạ. Họ bầy mưu tố cáo Stephanô bằng cách xui mấy
người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông
Moses và Thiên Chúa.”
1.2/ Phó-tế Stephanô bị bắt
và buộc tội: Những người này sách động dân
và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ
đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm
đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người
Nazareth sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Moses đã truyền lại
cho chúng ta.” Phó-tế Stephanô có lẽ đã tranh luận với họ về 3 điểm chính:
(1) Nơi Thánh (tức Đền
Thờ) phải qua đi để mọi người có thể thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý
(Jn 4:20-24). Sự thật hiển nhiên là tuy Đền Thờ Jerusalem đã bị phá hủy hoàn
toàn vào năm 70 AD, Dân Chúa vẫn tiếp tục thờ phuợng Chúa ở mọi nơi, mọi thời,
và mọi lúc.
(2) Lề Luật phải hướng
tới sự làm nên trọn vẹn của Đức Kitô, và Tin Mừng của Ngài cần được rao giảng
cho mọi người; chứ không phải để họ tự ý phiên dịch Lề Luật, rồi bóc lột dân
nghèo và đàn áp những người công chính.
(3) Ơn Cứu Độ dành cho
mọi người: Người Do-thái vẫn tự tôn nghĩ rằng chỉ có họ mới là con Thiên Chúa
và xứng đáng được cứu độ, mọi dân tộc khác chỉ xứng đáng làm nô lệ cho họ và tiền
định để sa hỏa ngục. Họ không biết rằng đặc quyền Thiên Chúa ban cho họ, là để
họ mang nhiều người về cho Thiên Chúa.
Họ biết ông vô tội qua
lời trình thuật: “Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông
Stephanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.” Nhưng họ vẫn ngoan cố buộc
tội ông như đã từng buộc tội Chúa Giêsu.
2/ Phúc Âm: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người
đã sai đến.”
2.1/ Dân chúng kéo nhau
đi tìm Chúa Giêsu vì muốn được ăn no: Trình
thuật hôm nay tiếp tục trình thuật Chúa làm phép lạ “Bánh hóa nhiều” cho dân
chúng ăn no nê; sau đó, họ muốn tôn Ngài làm vua. Chúa Giêsu truyền lệnh cho
các Tông-đồ chèo thuyền qua Capernaum trước, còn Ngài đi lên núi cầu nguyện.
Ngài đến cứu các ông khi Biển Hồ dậy sóng và đưa các ông cặp bến bình an.
Hôm sau, đám đông dân
chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và
Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông
đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tiberias đến gần nơi dân chúng
đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu
cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum tìm Người.
Khi gặp thấy Người ở
bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”
Đức Giêsu thấu hiểu những
gì trong lòng họ, nên Ngài đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”
2.2/ Chúa Giêsu khuyên họ
hãy tìm những giá trị vĩnh cửu.
(1) Lương thực hư nát
và không hư nát: Ngài khuyên bảo họ: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải
vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường
sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là
Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Lương thực mau hư nát Chúa Giêsu muốn
nói ở đây là của ăn uống nuôi dưỡng phần xác, chúng vào qua cửa miệng rồi tan
biến đi. Lương thực không hư nát là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa như sẽ được đề
cập đến gần cuối chương 6; những lương thực này sẽ nuôi dưỡng phần linh hồn của
con người, và giúp họ đạt đến cuộc sống vĩnh cửu sau này.
(2) Thi hành thánh ý của
Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc
Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là
tin vào Đấng Người đã sai đến.” Ngoài những lương thực mà Chúa Giêsu sẽ ban
cho, họ còn phải luôn mong muốn chu toàn thánh ý Thiên Chúa, như chính Chúa
Giêsu đã tuyên bố với các Tông-đồ khi các ông thúc giục Ngài ăn: “Của ăn Ta là
làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jn 4:34). Ý của Thiên Chúa muốn cho mọi người là
tin vào Chúa Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải giữ một
thái độ khách quan và thiện chí khi đi tìm sự thật, và cầu xin để Chúa Thánh Thần
soi sáng và hướng dẫn chúng ta nhận ra sự thật.
– Chúng ta phải dùng sự
khôn ngoan của Thiên Chúa ban để nhận ra và hướng dẫn người khác nhận ra và chấp
nhận sự thật. Đừng bao giờ dùng sức mạnh để bắt ép, và dùng những mưu mô thủ đọan
để truy tố những người công chính.
– Chúng ta hãy ra sức
tìm những của ăn không hư nát: Thiên Chúa, Lời Chúa, Mình Chúa, Ý Chúa, sự thật,
cuộc sống đời sau, công bằng và bác ái… Đừng để những lo lắng và cám dỗ thế
gian làm chúng ta quên đi hay không dám sống cho những giá trị vĩnh cửu này.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
06/05/2019 – THỨ HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29
HỒN AN XÁC MẠNH
“Các ông hãy ra công
làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn
đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27)
Suy niệm: Dù ý thức hay không
thì những hoạt động của chúng ta đều nhằm đến một tương lai tốt đẹp hơn: ăn uống,
học hành, thể dục, tích lũy của cải… Điều tốt đẹp lý tưởng không chỉ là tiến
lên từ chỗ “ăn no mặc ấm” đến chỗ “ăn ngon mặc đẹp,” mà phải là niềm hạnh phúc
của con người một cách toàn diện và vững bền, nghĩa là – như người ta thường
nói – được cả hồn an lẫn xác mạnh. Nếu thân xác cần được cung cấp đầy đủ thức
ăn thì linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng như vậy. Thường thì người ta dễ nhận
ra và lo lắng về sự tiều tụy của cơ thể, sự xuống cấp của nhan sắc hơn là sự èo
uột của linh hồn! Và do đó dễ đi đến chỗ thiên lệch “được phần xác, nhếch nhác
phần hồn.” Lời Chúa dạy chúng ta phải lo làm việc chăm lo cho phần xác nhưng
không phải chỉ vì “của ăn mau hư nát” mà để thân xác cũng được thánh hóa và
cùng với linh hồn hưởng phúc trường sinh.
Mời Bạn: Để có được của ăn nuôi sống
linh hồn luôn đòi chúng ta có những hy sinh đáng kể về mặt thể xác; chính những
nỗ lực này làm cho chúng ta trở nên cao cả hơn. Cái chết của Đức Ki-tô là để
chúng ta đạt được sự cao cả đó. Một Ki-tô hữu sống lè tè ‘sát đất’ là làm méo
mó hình ảnh của Đức Ki-tô vậy.
Chia sẻ: Nhận định xem những hoạt động nào của bạn chỉ phục vụ
thân xác mà không bồi bổ cho tâm hồn.
Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu gây cản
trở cho việc trưởng thành tâm linh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin
cho con khát khao những hoạt động đem lại lợi ích thiêng liêng để con dễ dàng từ
chối những đam mê ti tiện ở đời này. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát (6.5.2019 – Thứ Hai Tuần 3 Phục Sinh)
Suy niệm:
Xóa đói giảm nghèo, giảm số trẻ em suy dinh dưỡng,
nâng chiều cao của giới trẻ Việt Nam lên bằng các nước trong vùng,
đó là mối quan tâm của những người mang trách nhiệm,
vì sức khỏe thân xác cần thiết cho sự phát triển toàn diện con người.
Làm sao để con người lớn lên cân đối về mọi mặt,
đó là mục tiêu tối hậu của mọi công tác giáo dục.
Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông.
Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác họ.
Nhưng Ngài cũng biết rằng không thể làm phép lạ như thế mãi.
Hơn nữa, phép lạ này chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ,
và đây là cái đói của thân xác.
Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người,
vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn.
Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người.
Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần.
Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá,
mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua,
chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại.
Lúc nào cũng có bánh ăn no nê,
đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa dành độc lập.
Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị.
Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói
chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27).
Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban.
Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27).
Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.
Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh,
nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29).
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài,
vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…
Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG NĂM
Nhà Trồng Nho Cố
Vun Xới Để Có Một Mùa Bội Thu
Trong kết hiệp với
thân nho, mỗi cành đều có chỗ riêng của mình. Thật vậy, sự sống của Đức Kitô
truyền tới mỗi cành nho và nuôi dưỡng nó. Khi Đức Kitô tuyên bố: “Thầy là cây
nho thật, và Cha Thầy là Người trồng nho”, Người cũng cho biết: “Cành nào gắn
liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Ngài chặt đi; còn cành nào sinh hoa
trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15, 1 – 2).
Và Đức Kitô nói tiếp:
“Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (câu 3). Khi nói
“anh em”, dù sử dụng từ ngữ số nhiều, người cũng đang nhắm nói với từng người.
Người đang nghĩ đến từng cành nho.
Người tiếp: “Hãy ở lại
trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (câu 4). Rồi liền theo đó, Người xác
nhận: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với
cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”.
Khi nói “anh em”, Đức
Kitô có ý chỉ “từng người trong anh em”. Và hình ảnh mà Người trình bày xoáy
vào một thân nho duy nhất. Chỉ nơi Người, các cành nho mới nhận được sự sống.
Và mỗi cành nho đều tìm được sự sống nơi Người. Cây nho có nhiều cành, nhưng
“nhiều” ở đây không phải là một “mớ” hay “đống” tản mác rời rạc được chất lại với
nhau. Mỗi cành nho đều được nâng đỡ bởi cây nho. Mỗi cành nho đều được gắn kết
với cây nho bằng mối liên lạc độc đáo của riêng mình. mối quan hệ giữa từng người
chúng ta với Đức Kitô cũng có tính biệt vị như thế. và qua mối quan hệ với Đức
Kitô, chúng ta cũng được đi vào mối thông hiệp với Cha.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
06 Tháng Năm
Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm
Một vị đạo sĩ Ấn
Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: “Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và
ngày bắt đầu?”
Một người đệ tử trả
lời như sau: “Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là
con bò hay con ngựa”.
Câu trả lời trên
đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào…
Người đệ tử thứ hai
mới lên tiếng nói: “Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa vàta có thể nói nó là
cây xoài hay cây mít”.
Vị đạo sĩ cũng lắc
đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn
nói như sau: “Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người
anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta
không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi
sự không có gì thay đổi”.
Ngày 25 tháng 12, lễ
Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã
tàn và Ngày Mới bắt đầu.
Nhân loại đã chìm ngập
trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn
nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở
ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.
Quả thực, chỉ trong Ðức
Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước
từ Thiên Chúa và chóii bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ
đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính
mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.
Nhận ra người anh em
nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người
cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.
Nhận ra người anh em
nơi một người nào đó là nhìn thấya niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi
lầm của người đso như của chính mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.
Nhận ra người anh em
nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của
người đó.
Nhận ra người anh em
nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay
cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét