25/05/2019
Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 16, 1-10
“Xin đi sang Macêđonia mà cứu
giúp chúng tôi”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Phaolô đến Đerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà
Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô
chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở
trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là
người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại
cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết
định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng
thêm đông số.
Các ngài đi qua
Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại
Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa
Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô
được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: “Xin đi sang
Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi”.
Vừa thấy vậy, chúng
tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng
tôi rao giảng Tin Mừng cho họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 5
Đáp: Toàn thể địa cầu,
hãy reo mừng Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể địa
cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên
nhan với lòng hân hoan khoái trá. – Đáp.
2) Hãy biết rằng Chúa
là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người.
– Đáp.
3) Vì Thiên Chúa, Người
thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn
muôn thế hệ. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia!
– Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để ở
cùng các con luôn mãi. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 15, 18-21
“Các con không thuộc về thế
gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ
đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc
về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi
thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với
các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ
các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh
Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng
đã sai Thầy”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Chấp nhận lội
ngược dòng.
Với cuộc thăm viếng
các nước Hy Lạp, Siri và Malta (từ ngày 4 đến 5/05/2001), Ðức cố Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã muốn đi lại cuộc hành trình của thánh Phaolô tông đồ. Ðặc biệt
tại Siri, Ðức Thánh Cha đã sống lại một trong những cảnh sống động nhất trong lịch
sử Giáo Hội là cuộc trở lại của thánh Phaolô.
Sách Tông Ðồ Công Vụ
thuật lại rằng: "Lúc ấy, Saolô vẫn còn hằm hằm giết các môn đệ của Chúa,
nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco để, nếu
thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về
Giêrusalem. Vậy, đang khi ông đi đường đến gần Damasco, thì bỗng nhiên có một
luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng
nói với ông: "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại ta?" Ông hỏi:
"Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang
bách hại". Kinh nghiệm này cho thánh Phaolô xác tín lại chính vì Chúa Kitô
mà các tín hữu Kitô bị bách hại. "Nếu thế gian có ghét các con, thì hãy biết
ra họ đã ghét Thầy trước". Nếu Chúa Giêsu là đối tượng của những chống đối,
loại trừ, và cuối cùng là thập giá, thì bị bách hại là phần số tất yếu của các
tín hữu Kitô. Những hình thức và cường độ bách hại có khác nhau qua những thời
đại và xã hội, nhưng lý do bị bách hại vẫn không thay đổi. Chính vì Chúa Kitô
mà các tín hữu bị bách hại. Nơi họ, mầu nhiệm bách hại của Chúa Kitô vẫn tiếp tục
tái diễn. Nếu các thủ lãnh Do Thái Giáo nhân danh đạo giáo và cấu kết quyền lực
của đế quốc để loại trừ Chúa Giêsu, thì qua các thời đại và ở bất cứ nơi đâu
Giáo Hội có mặt, bản án dành cho Giáo Hội vẫn luôn mang tính tôn giáo. Hoàng đế
Nêron của đế quốc Lamã đã ra lệnh tàn sát các tín hữu Kitô bởi vì niềm tin của
họ là một đối đầu và thách thức cho thứ tôn giáo đang được áp đặt trên toàn đế
quốc.
Nếu giáo huấn và cuộc
sống của Chúa Giêsu là một đe dọa cho trật tự mà Do Thái Giáo đã thiết lập, thì
niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng là một đe dọa không kém cho quốc giáo của
đế quốc Lamã. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, người ta thấy rằng lý
do của những cuộc bách hại cũng tương tự. Những vua chúa Việt Nam cũng ban hành
các dấu chỉ cấm đạo và bách hại các tín hữu Kitô, là bởi vì họ xem Kitô giáo
như một tà đạo, nguy hại cho đạo giáo vốn đang được thực hành trên đất nước.
Tựu trung, nếu các tín
hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô luôn là thách đố và tra vấn cho
lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế
độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các
chế độ độc tài bách hại Giáo Hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật
mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống
cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay
cách khác. Năm 1968, khi Ðức Phaolô VI công bố thông điệp Sự Sống Con Người,
trong đó ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con ngườ thời đại, người
ta đã có lý để gọi ngài là một người dám chống lại cả thế giới.
Sống cho sự thật, làm
chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy chay, bị loại trừ, bị
bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một chế độ xây dựng
trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung thành với Chúa
Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không bị bách hại.
Xét cho cùng, sống đạo,
dù trong xã hội và hoàn cảnh nào cũng đều chấp nhận lội ngược dòng. Và lội ngược
dòng có nghĩa là sẵn sàng mất tất cả, ngay cả mạng sống của mình để không đánh
mất chính bản thân.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần V PS
Bài đọc: Acts
16:1-10; Jn 15:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần
giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
Trong cuộc sống của
các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải hy sinh mạng
sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những trường hợp
và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống chết cho
sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin thưa các tín
hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài không hiện ra để
nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy hoàn cảnh; ví dụ:
nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những hoàn cảnh thuận tiện;
nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho cơ hội và gây ra những
trở ngại khó khăn.
Các Bài Đọc hôm nay
giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc I, thánh
Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ Giáo Hội
Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Chúng ta nhận
ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một người Hy-lạp,
khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và Bithynia, nhưng
cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa phương. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt bớ như họ
đã bắt bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng như các môn
đệ không thuộc về thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ
hai.
1.1/ Trở lại thăm các
giáo đoàn cũ: Khi có cơ hội, Phaolô luôn trở
lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã thành lập. Ông đến Derbe, rồi
đến Lystra.
(1) Tuyển thêm môn đệ:
Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong sứ vụ, khi Phaolô
đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa,
còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và Iconium chứng nhận là
tốt.
Tại sao Phaolô cắt bì
cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem? Xin thưa: Một khi
Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt bì không liên
quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả.
Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại quan trọng với người
khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì “Phaolô muốn ông ấy cùng lên
đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những
nơi ấy.”
(2) Trao sứ điệp của
Giáo Hội Jerusalem: “Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những
chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban bố, để họ tuân giữ.
Vậy các Hội Thánh được
vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số.”
1.2/ Sống theo sự hướng dẫn
của Thánh Thần:
(1) Không muốn cho rao
giảng Tin Mừng: “Các ông đi qua miền Phrygia và Galatia, vì Thánh Thần
ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh
giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu
không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa.” Trong trình
thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc “Thánh Thần ngăn cản” và “Thần
Khí Đức Giêsu không cho phép” vào những thành phố của Asia Minor. Tác giả
không nói rõ cách thức Thánh Thần cho Phaolô biết ý của Ngài: có thể trong thị
kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp những trở ngại từ phía địa phương.
(2) Muốn cho rao giảng
Tin Mừng ở Macedonia: “Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền
Macedonia đứng đó, mời ông rằng: “Xin ông sang Macedonia giúp chúng tôi!”
Sau khi ông thấy thị
kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa
kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.” Thánh Thần muốn mở rộng biên giới
trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không còn giới hạn
trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với các thành phố
Hy-lạp.
2/ Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế gian bắt bớ.
2.1/ Xung đột giữa Thiên
Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau
về chữ “thế gian” trong Tin Mừng Gioan; nhưng ở đây “thế gian” được hiểu là những
quyền lực chống lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các tay sai của nó. Giữa Thiên
Chúa và thế gian có rất nhiều xung đột về giá trị: ánh sáng và bóng tối, sự thật
và sự sai trá, điều thiện hảo và điều gian ác, yêu thương và giận ghét, đoàn kết
và chia rẽ, công bằng và bất công. Người Kitô hữu được kêu gọi để sống và làm
chứng cho những giá trị của Thiên Chúa, và những giá trị này luôn đối nghịch với
những giá trị của thế gian; hậu quả là thế gian sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa
Giêsu nói: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì
là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh
em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.”
2.2/ Nếu thế gian đã bắt
bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói
với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt
bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.” Cả cuộc
đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những điều tốt lành, chữa khỏi mọi bệnh
hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà thế gian còn truy tố, luận phạt,
đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ là ai mà có thể tránh khỏi các
cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử Giáo Hội, chúng ta đã nghe bao
cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của Chúa.
Nói tóm, thế gian chống
các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh Kitô hữu là chọn để thế
gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì không thuộc về họ, và
không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần mở rộng
tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một trong những dấu chỉ
để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần muốn, Ngài sẽ tạo cơ
hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những khó khăn tới.
– Có lúc chúng ta cần
bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn ngoan thích ứng để đạt
được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên trong của Ngài.
– Trở thành môn đệ của
Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Lý do
đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp nhận những tiêu
chuẩn của Tin Mừng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
25/05/2019 – THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Th. Bê-đa Khả Kính
Ga 15,18-21
THỰC TẾ PHŨ PHÀNG!
Đức Giê-su nói với
các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.
Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó”
(Ga 15,18-19)
Suy niệm: Có một điều hiển nhiên đó
là: làm người chẳng ai muốn mình bị thù ghét. Thế nhưng, một điều khác hiển
nhiên không kém đó là một khi đã đi theo Đức Ki-tô để thuộc về Ngài thì: “Nếu họ
đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Một thực tế phũ phàng
không có lựa chọn nào khác. Càng phũ phàng hơn, sự thù ghét lại xảy ra nơi
chính những người thân trong gia đình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người
ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ
phải chết” (Mt 10,21). Dĩ nhiên, Chúa Ki-tô không chọn cách sống để bị thù
ghét, mà là chọn sự thật, một sự thật đến từ Chúa Cha, và cũng trong chính sự
thật ấy người ta đã ghét Ngài. “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng
bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,19).
Mời Bạn: Mang thân phận là Ki-tô hữu,
bạn phải đối diện với sự thù ghét của thế gian, nếu không bạn chỉ là Ki-tô hữu
“hữu danh vô thực.” Vấn đề không phải sống làm sao để đừng bị ghét, mà phải ứng
phó với thực tế ấy thế nào? Chúa Ki-tô vẫn yêu thương con người đến cùng. Ngài
sẵn sàng đón nhận sự thù ghét, chấp nhận chết để thực hiện ơn tha thứ, kể cả với
kẻ ghét mình. Đó cũng là con đường Ngài mời gọi chúng ta bước theo, nếu muốn trở
thành môn đệ của Ngài, là Ki-tô hữu thực thụ.
Sống Lời Chúa: Làm một việc thể hiện sự
tích cực, thân thiện cho người tôi khó ưa hoặc cho người không ưa thích mình.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa
Bình.
(5 Phút Lời Chúa)
Thế gian ghét anh em (25.5.2019
– Thứ Bảy Tuần 5 Phục Sinh)
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.
Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,
vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống
cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).
Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.
Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,
và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.
Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.
Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.
“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu thế gian ghét anh em,
hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,
và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.
Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c.
19).
Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).
Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.
Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio
Socci,
có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,
nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG NĂM
Giấc Mơ Xa Vời Bỗng
Thành Hiện Thực
Kể từ ngày Lễ Hiện Xuống,
cuộc giao hòa của tất cả các dân tộc trong Thiên Chúa không còn là một giấc mơ
xa xăm nữa. Cuộc giao hòa ấy đã trở thành hiện thực – và mở rộng không ngừng
theo nhịp lan rộng của Giáo Hội mang trong mình Tin Mừng cứu độ. Chúa Thánh Thần,
Đấng là Thần Khí tình yêu và hiệp nhất, hiện thực hóa mục tiêu của cuộc hiến
thân cứu chuộc của Đức Kitô – bằng cách qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác
về một mối.
Khi Thánh Thần hiệp nhất
mọi người trở thành Dân Thiên Chúa, có hai điều quan trọng được ghi nhận rõ
ràng. Bằng cách dẫn đưa người ta gắn kết với Đức Kitô, Thánh Thần đem họ vào
trong mối hiệp nhất của Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô. Như vậy, Thánh Thần
giao hòa con người với nhau trong tình huynh đệ – dù giữa họ có những nét khác
biệt về địa dư và về văn hóa. Nói cách khác, Thánh Thần làm cho Giáo Hội trở
thành một nguồn hiệp nhất và hòa giải. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần hòa giải cả những
người bên ngoài Giáo Hội – bằng một cách nào đó. Ngài khơi lên trong mọi người
niềm khát vọng hiệp nhất sâu rộng hơn và Ngài thúc đẩy những cố gắng của người
ta để họ vượt qua những mối xung đột ngổn ngang vẫn còn phân rẽ thế giới.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25/5
Thánh Bêđa Khả
kính, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Thánh Giêgôriô VII
Giáo Hoàng
Thánh Maria
Madalêna
Cv 16, 1-10; Ga 15,
18-21.
LỜI SUY NIỆM: “Nếu thế gian
ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giá như anh em thuộc về
thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc
về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét
anh em.”
Khi Chúa Giêsu đã chọn và tách chúng ta ra khỏi thế gian, để chúng ta không
còn nô lệ thế gian, và yêu mến những gì thuộc về nó. Điều này Thánh Giacôbê
Tông Đồ cũng đã nhắc nhở chúng ta trong thư của ngài: “Hỡi những kẻ ngoại tình,
các ngươi không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Vậy ai muốn là
bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa.” (Giac 4,4)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con chúng con tránh khỏi những vẩn đục của thế
gian gây ra. Nên Chúa đã tách chúng con ra khỏi thế gian. Xin Chúa luôn gìn giữ
chúng con bằng những ân sủng của Chúa để chúng con khỏi bị Ác thần.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 25-05: Thánh
BÊ-ĐA Đáng Kính
Linh mục, Tiến Sĩ Hội
Thánh (673 – 735)
Chính thánh Beđa kể
cho chúng ta biết mọi điều về cuộc đời thơ ấu của Ngài. Trong vài câu thêm vào
cuốn lịch sử Giáo hội, thánh nhân sinh năm 673 hay là 674. Tên Bêđa theo từ ngữ
Saxon có nghĩa là cầu nguyện. Cuộc sống của Ngài rất gương mẫu nên người ta thêm
cho Ngài biệt danh Vênêrabilê có nghĩa là khả kính. Lên bảy tuổi Ngài bị mồ côi
cha mẹ và được giao phó cho tu viện trưởng Bênêdictô Biscop săn sóc giáo dục.
Lúc 18 tuổi Ngài được thụ phong chức phó tế và năm 702 hay 703 tức là lúc 29 tuổi
Ngài được thụ phong linh mục.
Cuộc sống của Ngài
trong tu viện rất cực nhọc. Chúng ta có thể tóm lược cuộc sống ấy bằng chính lời
Ngài: – “Tôi đã sống trọn đời nỗ lực học hỏi kinh thánh và trong khi tuân thủ
luật dòng cũng như bổn phận hàng ngày và hát thánh ca tại nhà thờ, tôi sung sứơng
được học hành, dạy dỗ và viết lách”.
Đây quả là tổng hợp
chính xác trọn cuộc sống của thánh Bêđa, Ngài rất ít rời bỏ nhà dòng. Chúng ta
chỉ nghe biết có hai chuyện du hành của Ngài. Một lần Ngài đi thu tập tài liệu
về đời thánh Cuthbert, Ngài ở lại Lindisfanne và từ đó đến viếng Farne Islanol
để khảo sát những di tích trong căn phòng của vị thánh. Một lần khác, Ngài đến
York để thăm Đức tổng giám mục Egbert, và để quan sát các trường học nổi tiếng ở
đó.
Dạy học, thánh Bêna tỏ
ra là một bậc thầy lỗi lac. Ngài không quan tâm suy tư và ao ước được nổi bật.
Tài năng của Ngài là cố gắng không cùng để tự đào luyện mình rồi truyền thông
không phải chỉ có những gì mình đã học mà còn cả cảm thức về giá trị của điều
đã được hiểu biết, đặt tầm quan trọng của việc giảng dạy. Tuy nhiên chúng ta
không thể nói nhiều về điểm này. Nhưng các sách đủ loại Ngài viết đều là kiểu mẫu
trong việc trưng dẫn các tài liệu. Chính cách trình bày cẩn thận và điều độ và
gắng để được chính xác và đúng đắn làm cho các sách ấy có thế giá. Các tác phẩm
của thánh Bêda có thể xếp thành ba loại. Các bút tích về thần học của Ngài
chính yếu gồm những phần dẫn giải thánh kinh của một thầy dạy phần lớn dựa trên
các sách giáo phụ Tây phương. Dầu thiếu sự độc sáng trong cách trình bày, nhưng
những dẫn giải của thánh Bêda ngày nay còn là phương tiện tốt đẹp nhất để hiểu
về các giáo phụ.
Các tác phẩm về khoa học
của Ngài một phần là những giải thích cổ truyền về các hiện tượng tự nhiên, một
phần bàn về niên lịch và cách tính của Đông phương. Cách tính niên lịch của
Ngài kể từ thời Chúa Giêsu Giáng sinh đã được Kitô giáo Tây phương chấp nhận rộng
rãi hơn cả.
Các tác phẩm về lịch sử
của thánh nhân có lẽ ngày nay được nhớ tới nhiều hơn hết. Cuốn “Lịch sử Giáo hội
của dân Anh” là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử về thời đầu
Trung cổ. Ngài đã viết cách khách quan và phê phán cách quân bình, dựa trên những
tài liệu và nhân chứng đáng tin cậy, Ngài cũng viết một tiểu sữ về các tu viện ở
Wearmonth và thơ văn về cuộc đời thánh Cuthbert.
Kể từ năm 679, Ngài ở
hai tu viện Wearmonth và Jarrow, chăm chú thi hành bổn phận thuộc đời sống tu
trì và vẫn không ngừng viết lách và dạy học. Lời kinh ở cuối cuốn “Lịch sử Giáo
hội” trình bày lý tưởng của Ngài: – “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con khẩn cầu Chúa,
khi đã cho con được vui hưởng những lời khôn ngoan của Chúa thì xin Chúa cho
con một ngày kia được đến gần bên thánh nhan Chúa”.
Đương thời, không ai
nghi ngờ sự thánh thiện của thánh nhân, nhưng Ngài đã không làm một phép lạ,
không được một thị kiến và không mở ra một đường lối tu đức mới mẻ nào. Mùa hè
năm 735 vào tuổi 63, sức khỏe suy giảm, Ngài còn bị đau khổ bị bệnh suyễn. Dầu
vậy, Ngài vẫn làm việc đến giây phút cuối cùng, đọc cho thầy thơ ký hoàn tất cuốn
sách Chú giải Phúc âm thánh Gioan và 48 giờ cuối cùng trên giường bệnh. Đúng
ngày lễ Thăng thiên 27 tháng 5 năm 735, thánh Beda từ trần.
(daminhvn.net)
25 Tháng Năm
Cái Bật Lửa
Ðể kỷ niệm một trận
chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ
quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.
Tong bữa tiệc, ông
dem kho một cái bật lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái bật lửa đã
được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.
Sau bữa ăn, mọi người
được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi
người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn
không tìm ra cái bật lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người
chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa. Lúc bấy giờ,
một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình
ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả
những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận
công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là
người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông
lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khóat
không mở túi áo ra cho mọi người xem.
Vài tuần lễ sau,
ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa
trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng
chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.
Nhà của viên cựu sĩ
quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công
đã hỏi viên sĩ quan: “Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở
túi ra cho mọi người xem?”.
Anh ta mới giải
thích như sau: “Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ
lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có
biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để
mang về cho vợ con tôi”.
Sau khi hiểu được
hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận
công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng
đáng.
Câu chuyện đáng thương
tâm trên đây có lẽ cũng diễn ra trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều cấp độ và
hình thức khác nhau. Nhưng tựu trung, có lẽ mẫu số chung của câu chuyện ấy thường
giống nhau: đó là chúng dễ nhìn và đoán xét người theo bề ngoài. Lại nữa, một
xã hội có quá nhiều lừa gạt đảo điên cũng khiến cho chúng ta có thái độ e dè,
nghi kỵ đối với những người thân thuộc.
Là tín hữu, chúng ta
hãy nhìn ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu. Ngài không nhìn người bằng nhãn
hiệu có sẵn. Ngài không đến với người bằng những định kiến. Bên kia bộ quần áo
sang trọng hay rách rưới, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy hình ảnh cao quý của chính
Thiên Chúa. Ngài dành yêu thương cho những người nghèo khổ, phường thu thuế, bọn
gái điếm, những kẻ tội lỗi, những ngwòi con bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài muốn
cho mọi người thấy rằng Ngài chỉ có một cái nhìn duy nhất về con người: đó là
cái nhìn của cảm thông, của tha thứ, của yêu thương.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét