ĐTC gặp Hàn Lâm Viện Giáo hoàng về
Khoa học Xã hội
Lúc 12h trưa 2/5, ĐTC gặp 50 thành viên của Hàn Lâm Viện
Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. ĐTC đã có một bài diễn văn dài trước các tham dự
viên. Ngài nói: “Chúng ta đang chứng kiến tình trạng một số quốc gia thực hiện
chính sách ngoại giao dựa trên tinh thần đối lập hơn là hợp tác.”
Văn Yên, SJ
ĐTC nhắc lại giáo huấn của ngài cả trong Thông điệp Laudato
sì lẫn trong bài phát biểu năm nay trước các thành viên của Ngoại Giao
Đoàn, về việc chú ý đến những thách đố toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt,
như phát triển toàn diện, hòa bình, chăm sóc ngôi nhà chung, biến đổi khí hậu,
nghèo đói, chiến tranh, di cư, nạn buôn người, buôn bán nội tạng, bảo vệ lợi
ích chung, các hình thức nô lệ mới.
Yêu đất nước nhưng cũng mở ra với các dân tộc khác
Giáo hội luôn ca ngợi tình yêu của người dân dành cho đất nước
của họ trong việc tôn trọng kho tàng văn hóa, phong tục và tập quán khác nhau của
dân tộc. Đồng thời, Giáo hội đã cảnh giác người dân và chính phủ về những sai lệch
liên quan đến việc loại trừ và thù hận đối với người khác khi nó trở thành dân
tộc chủ nghĩa gây ra xung đột, dựng nên những bức tường, thậm chí là chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc.
Nhiệm vụ của Nhà nước vì lợi ích chung
Một hiểu biết chung về Nhà nước là phục vụ con người và các
nhóm tự nhiên như gia đình, nhóm văn hóa, quốc gia khi diễn tả ý chí và truyền
thống của một dân tộc cũng như vì lợi ích chung và hòa bình. Tuy nhiên, thường
xảy ra tại các quốc gia, nhóm thống trị chỉ tìm lợi ích riêng, chủ yếu vì lợi
ích kinh tế, đã áp bức những người khác, trong đó có các nhóm thiểu số về dân tộc,
ngôn ngữ hoặc tôn giáo.
Vấn đề di cư
Cách mà một quốc gia chào đón người di cư cho thấy tầm nhìn
của nước đó về phẩm giá con người và tương quan với toàn thể nhân loại. Mỗi con
người là một thành viên của nhân loại và có cùng phẩm giá. Khi một người hoặc
gia đình bị buộc rời khỏi đất nước của họ, thì họ cần được chào đón trong tình
nhân loại.
Đức Thánh Cha nhắc đến việc nhiều lần ngài nói về nghĩa vụ
đón tiếp người di cư với bốn động từ: chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hoà nhập.
Người di cư không phải là mối đe dọa đối với văn hóa, phong tục và giá trị của
quốc gia tiếp nhận. Nhưng họ cũng có nghĩa vụ hòa nhập vào quốc gia tiếp nhận.
Hòa nhập không có nghĩa là đồng hóa, mà chia sẻ cuộc sống của quê hương mới,
trong khi vẫn là mình với tư cách là con người, người mang câu chuyện của chính
mình. Bằng cách này, người di cư có thể diễn tả được bản thân và được xem như
là cơ hội để làm phong phú cho dân tộc mà họ hòa nhập. Còn nhiệm vụ của nhà cầm
quyền là bảo vệ và điều hành những người di cư theo sự khôn ngoan để giúp họ hội
nhập.
Cái nhìn toàn cầu
Nhà nước quốc gia không thể được coi là tuyệt đối, như một
hòn đảo đối với hoàn cảnh xung quanh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì
không chỉ về kinh tế mà còn cả về trao đổi công nghệ và văn hóa, nhà nước quốc
gia không thể tự mình kiến tạo lợi ích chung cho dân tộc của mình. Lợi ích
chung đã trở nên toàn cầu và các quốc gia phải liên kết để có được lợi ích
riêng.
Tìm kiếm hoà bình thay vì xung đột vũ trang
Về các cuộc xung đột vũ trang, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến
việc loài người phải tránh nguy cơ phải dùng đến xung đột vũ trang để giải quyết
tranh chấp giữa các quốc gia, cũng như tránh nguy cơ thực dân hóa về kinh tế và
tư tưởng của các siêu cường quốc, tránh sự áp bức của kẻ mạnh nhất đối với kẻ yếu
nhất. Cần chú ý đến chiều kích toàn cầu mà không mất đi chiều kích địa phương,
quốc gia và khu vực.
Hy vọng những đòi hỏi đa phương có thể làm thay đổi logic trả
thù, thống trị, áp bức và xung đột bằng đối thoại, hòa giải, điều đình, hòa hợp
và nhận thức về một nhân loại trong cùng một ngôi nhà chung. Chắc chắn, các cơ
quan này phải đảm bảo rằng các quốc gia hiện diện một cách hiệu quả, với quyền
và nghĩa vụ ngang nhau, để tránh sự bá quyền ngày càng tăng của các nhóm lợi
ích và áp đặt quan điểm họ, cũng như các hình thức thực dân tư tưởng mới, thường
không tôn trọng về bản sắc, phong tục và tập quán, nhân phẩm và sự nhạy cảm của
các dân tộc liên quan.
Kiên trì tìm kiếm giải pháp
ĐTC khuyến khích các thành viên của Hàn Lâm Viện kiên trì
tìm kiếm giải pháp để vượt qua những chia rẽ giữa các quốc gia và đề xuất những
con đường hợp tác mới, đặc biệt là liên quan đến những thách đố mới về biến đổi
khí hậu và hình thức nô lệ mới; đồng thời kiên trì trong việc tìm kiếm ích lợi
xã hội trổi vượt đó là hòa bình. Đặc biệt trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân
đa phương.
ĐTC kết thúc bài phát biểu với lời kêu gọi: “Anh chị em, với
tư cách là cư dân của thời đại chúng ta, là Kitô hữu và là học giả của Hàn Lâm
Viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, tôi đề nghị anh chị em cộng tác với tôi
trong việc phổ biến nhận thức về tình liên đới quốc tế đổi mới, tôn trọng phẩm
giá con người, tôn trọng lợi ích chung, tôn trọng hành tinh và thiện ích tối
thượng của hòa bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét