ĐTC gặp thành viên hội nghị về
khai thác khoáng sản
Lúc 12 giờ trưa 3/5, ĐTC gặp khoảng 60 thành viên cuộc họp về
công nghiệp khoáng sản do Bộ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức.
Văn Yên, SJ
Trong diễn văn trước các tham dự viên, ĐTC kêu gọi “chúng ta
cần đáp lại tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo”.
Mô hình kinh tế khai thác triệt để trong thời gian dài nhắm
đến lợi nhuận và mơ tưởng về một sự phát triển kinh tế không giới hạn đã đẩy
ngôi nhà chung của chúng ta đến tình trạng bấp bênh. ĐTC nói: “chỉ một mình thị
trường thôi thì không đảm bảo cho sự phát triển toàn diện con người và hội nhập
xã hội” và “việc bảo vệ môi trường không thể được đảm bảo chỉ dựa trên tính
toán chi phí và lợi ích tài chính”. Chúng ta cần một sự thay đổi mô hình trong
tất cả các hoạt động kinh tế, bao gồm cả việc khai thác khoáng sản.
Đức Thánh Cha khuyến khích các tham dự viên: “Trong bối cảnh
này, chủ đề cuộc họp của anh chị em về ‘Khai thác khoáng sản vì lợi ích chung’
là rất phù hợp.” ĐTC diễn giải ba ý dựa trên đề tài của cuộc họp.
Trước tiên, khai thác khoáng sản, giống như mọi hoạt động
kinh tế, đều phải phục vụ toàn bộ cộng đồng nhân loại. Như thánh Phaolô VI đã
viết: “ "Thiên Chúa đã định trái đất và tất cả những gì trong đó cho tất cả
mọi người và mọi dân tộc sử dụng, hầu lợi ích của tạo thành phải được đến tay tất
cả mọi người một cách đồng đều”. Trong các cuộc thảo luận về giải pháp, người
dân địa phương phải có một đặc quyền, liên quan đến đòi hỏi của họ và của con
cái họ, đồng thời họ có thể xem xét các mục đích lâu dài với những lợi ích kinh
tế trước mắt.
ĐTC nói: “Dưới ánh sáng của Thượng hội đồng về Amazon sắp tới,
tôi muốn nhấn mạnh rằng điều nhất thiết là phải chú ý đặc biệt đến các cộng đồng
thổ dân với truyền thống văn hóa của họ. Họ không chỉ là thiểu số trong số những
người khác, nhưng họ phải trở thành người có tiếng nói chính, đặc biệt là khi
chúng ta tiến hành các dự án lớn ảnh hưởng đến không gian của họ”.
Điểm thứ hai, ĐTC nói đến việc khai thác khoáng sản phải phục
vụ con người chứ không phải ngược lại. Như Đức Giáo hoàng Benedictô đã viết,
“trong các can thiệp để phát triển, thì nguyên tắc con người là trung tâm phải
được tôn trọng. Đây là nhiệm vụ chính yếu của việc phát triển”. Mỗi người đều
quý giá trước mặt Thiên Chúa. Và các quyền căn bản của con người là thánh liêng
và không thể bỏ qua, bất kể địa vị xã hội hay kinh tế.
Điểm thứ ba, cần khuyến khích phát triển nền kinh tế tuần
hoàn, tái chế, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản. Chúng
ta phải tố cáo và tránh văn hóa vứt bỏ. Việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và
phương pháp “giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế” cũng rất phù hợp với Mô hình Sản
xuất và Tiêu thụ Bền vững được phát động trong Mục tiêu phát triển bền vững thứ
12 của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, các truyền thống tôn giáo cũng luôn thể hiện sự
tiết độ như một phần chính yếu của lối sống đạo đức và trách nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét