Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

02-06-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH - CHÚA THĂNG THIÊN - LỄ TRỌNG


02/06/2019
Chúa Nhật 7 PHỤC SINH năm C.
CHÚA THĂNG THIÊN.
Lễ Trọng. Lễ HỌ.
NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 7 Phục Sinh năm C - Chúa Thăng Thiên
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53)
CHỦ ĐỀ:
SỨ VỤ CỦA KITÔ HỮU:
ĐƯỢC SAI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
“Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân,
bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48)

Các bài đọc hôm Lời Chúa hôm nay đề cập đến biến cố Chúa Giêsu Kitô Thăng Thiên (lên Trời) nhưng sứ điệp lại nhấn mạnh đến việc sai đi loan báo Tin Mừng ở dưới đất (truyền giáo). Đó là cách các Tông Đồ tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu. Nhờ đó, các Tông Đồ cùng với những ai đón nhận sứ điệp Tin Mừng sẽ được chung phần vinh quang của Chúa Giêsu Kitô trong Nước Trời.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC I (Cv 1,1-11)
Cv 1,1-11 với Lc 24,50-53 là hai đoạn văn Tân Ước, của cùng một tác giả Luca, minh nhiên trình thuật biến cố Chúa Giêsu Kitô lên Trời. Dầu vậy, bản văn Cv nhấn mạnh đến lệnh truyền Loan báo Tin Mừng. Đây là một sứ vụ tiếp nối chương trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Vì chủ đích này, ngay những câu đầu tiên, Sách Công vụ Tông Đồ đã tóm lược nội dung Tin Mừng theo Thánh Luca, đó là “tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho đến ngày Người được rước lên trời” (Cv 1,1-2a) mà các Tông Đồ đã tận mắt thấy tai nghe. Biến cố Chúa Giêsu Kitô lên Trời kết thúc giai đoạn “Công bố Tin Mừng” của Đức Giêsu từ Galilêa đến Giêrusalem; đồng thời, mở ra một giai đoạn mới, nhưng vẫn tiếp nối giai đoạn cũ của Đức Giêsu, đó là “Loan báo Tin Mừng” của các Tông Đồ từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Đức Giêsu đã được nhận Chúa Thánh Thần trong biến cố chịu Phép Rửa và để Người tác động trong suốt sứ vụ của mình thế nào, thì lúc này “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” để dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ được sai đi làm chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô “tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa, Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”.
Biến cố lên Trời của Đức Kitô làm cho tâm trí các Tông Đồ “hướng về trời”, nhưng phải được thực hiện bằng việc “trở lại mặt đất” để loan báo Tin Mừng. Nhờ thế, một ngày nào đó, Đấng vừa lên trời vinh hiển mà các Tông Đồ vừa chiêm ngưỡng lại đến trong vinh quang để đón các ông và những kẻ tin cùng lên trời.
2.  BÀI ĐỌC I (Ep 1,17-23)
Chúa Giêsu Kitô lên Trời là bảo chứng cho niềm hy vọng và là gia nghiệp cho những ai ra đi loan báo Tin Mừng, và cho cả những kẻ đón nhận Tin Mừng. Qua sự kiện này, quyền lực vô biên Thiên Chúa được biểu dương nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ nạn, chịu chết, đã phục sinh và nay lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Qua việc tôn vinh này, Đức Giêsu được tôn làm Chúa trên mọi quyền lực thần thiêng.
Khi được siêu thăng, Chúa Giêsu Kitô có quyền năng trên tất cả mọi sự và được đặt làm Đầu của Hội Thánh. Là thân thể có Chúa Giêsu Kitô là Đầu, Hội Thánh chính là sự viên mãn của Người. Đồng thời, vì Hội Thánh vừa là chứng nhân của các sự kiện liên quan đến cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, vừa được chia sẻ quyền năng của Người nên có sứ mạng loan báo Tin Mừng để làm cho tất cả mọi người được viên mãn trong Đấng vừa được siêu thăng.
3. BÀI TIN MỪNG (Mc 16,15-20)
Khác với các Tin Mừng theo thánh Mátthêu và thánh Máccô thuật việc Chúa Giêsu lên Trời tại Galilê, Tin Mừng theo thánh Luca thuật biến cố Đức Giêsu lên Trời tại một nơi gần Bêtania (Lc 24,50), vẫn thuộc Giêrusalem. Có sự khác biệt này là do chủ đích của từng Tin Mừng. Mátthêu và Máccô cố ý nhấn mạnh rằng các môn đệ sẽ nhận sứ vụ và bắt đầu tại nơi Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người tại Galilê. Sau này, đi tới đâu thì các ông sẽ nói những điều Đức Giêsu đã loan báo và thi hành những việc Đức Giêsu đã làm mà các ông đã nghe, đã chứng kiến khi theo Người. Còn Luca nhấn mạnh rằng sứ vụ của Đức Giêsu bắt đầu từ Galilê và đã kết thúc ở Giêrusalem. Đến lượt, các môn đệ sẽ nhận lãnh và tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất (Cv 1,8). Tuy nhiên, các trình thuật đều nhấn mạnh một điểm cốt yếu chung, đó là mệnh lệnh cuối cùng mà Chúa Giêsu Kitô truyền cho các môn đệ trước khi lên Trời là sứ vụ Loan báo Tin Mừng.
Vì thế, sứ vụ này rất quan trọng, mang tính chất sống còn của các môn đệ. Theo Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu Kitô đã truyền dạy: Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48). Lệnh truyền này khiến các môn đệ phải “đi ra” loan báo Tin Mừng (truyền giáo), hầu đem lại ơn cứu độ cho mọi người khắp nơi.
Như vậy, chính lúc Chúa Giêsu Kitô kết thúc sứ vụ của Người ở trần gian, các môn đệ lại bắt đầu sứ vụ của mình bằng cách đi khắp nơi loan báo Tin Mừng. Khi làm như vậy, các môn đệ tiếp nối sứ vụ cứu độ mọi người của Chúa Giêsu Kitô.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđê, Sammari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúa Giêsu Kitô thăng thiên nhưng Người truyền cho cộng đoàn các môn đệ, tức là Hội Thánh tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Người cho đến mọi miền trên trái đất. Thi hành lệnh truyền này là sứ vụ cốt yếu làm nổi bật căn tính của Hội Thánh và cũng là của mỗi Kitô hữu. Sự sống còn của Hội Thánh tùy thuộc vào sứ vụ này. Phải chăng điều cốt lõi nơi đời sống đạo của mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi đoàn thể và nhất là mỗi Kitô hữu phải liên quan đến việc làm chứng về cuộc khổ nạn, chết và phục sinh của Đức Kitô để cứu độ mọi người, nghĩa là đem Tin Mừng đến mọi người mọi nơi? Sứ vụ này bắt đầu từ “Giêrusalem”, phải chăng đó là bắt đầu từ môi trường mình đang sống, qua những lời nói và gương sáng trong đời sống hằng ngày, rồi sau đó lan tỏa sang môi trường rộng hơn, và cuối cùng “đến tận cùng trái đất”?
2. “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy” (Cv 1,8). Nếu các Tông Đồ đã được Đức Giêsu tuyển chọn nhờ Thánh Thần (Cv 1,2) thì cũng sẽ nhờ Thánh Thần để sai đi loan báo Tin Mừng và làm Phép Rửa (Cv 1,5.8). Việc loan báo Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần và có Chúa Giêsu Kitô cùng hoạt động. Phải chăng khi thực hiện sứ vụ truyền giáo, mỗi Kitô hữu chúng ta cần hành động theo sự tác động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có ý thức rằng mặc dù Đức Giêsu đã lên Trời nhưng Người vẫn đang “cùng hoạt động” với mỗi Kitô hữu chúng ta dưới thế khi chúng ta thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và Người sẽ dùng các “dấu lạ” để xác nhận công việc truyền giáo này của Hội Thánh (Mc 16,20)?
3. “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1,11). Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời, nơi mà Đức Giêsu đã lên để chuẩn bị và sẽ lại đến để đón chúng ta. Tuy nhiên, các Kitô hữu không thể cứ đứng đó “nhìn trời” mà chờ, nhưng muốn về trời thì trước hết phải “ra đi” sống đời chứng nhân trước đã. Đó là điều Đức Giêsu đã truyền “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Nếu niềm tin và niềm cậy khiến lòng trí chúng ta hướng về Trời, thì phải chăng đây là lúc đôi bàn tay của chúng ta cần thể hiện tình bác ái dưới mặt đất, bằng cách đến với những người bất hạnh. Phải chăng điều Chúa muốn là một Hội Thánh “nhập thế” hay “vào đời” trước khi về Trời?
4. Có nhiều cách để loan báo Tin Mừng, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Tân Phúc Âm hóa ngày hôm nay. Do đó, Hội Thánh hoàn vũ đã chọn lễ Thăng Thiên hằng năm làm Ngày Quốc tế về Truyền thông để loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lấy ngày này làm ngày Truyền Thông của Hội Thánh Việt Nam. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội 2019, ĐGH Phanxicô dùng hình ảnh “mạng/ network” để làm nổi bật hình ảnh “cộng đoàn” như một mạng liên đới. Qua đó, ngài kêu gọi chúng ta dùng các mạng xã hội để kiến tạo tình hiệp thông, với ý thức chúng ta cùng họp thành một thân thể và là chi thể của nhau, được mời gọi lắng nghe và đối thoại với nhau thay vì dùng các phương diện này để chia rẽ, gây oán ghét và thù hận, dựa trên sự dối trá. Vậy chúng ta đã sử dụng hợp lý internet, trang web, facebook để củng cố đời sống đức tin và gia tăng tình hiệp nhất trong giáo xứ, cộng đoàn hay nhóm, cũng như chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho người thời nay hay chưa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô đã khải hoàn và lên trời vinh hiển, đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha để chuyển cầu cho nhân loại. Cộng đoàn chúng ta hãy hoan hỷ tôn vinh Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Ðức Kitô phục sinh đã trao sứ mạng loan báo Tin Mừng cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa luôn ý thức và trung thành thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người bằng một đời sống chứng tá.
2. Truyền thông có vai trò và ảnh hưởng lớn trong xã hội loài người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với tinh thần bác ái và đạo đức, nhằm phục vụ hữu hiệu cho công cuộc loan báo niềm vui Tin mừng.
3. “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ thể xác hay bị áp lực tinh thần luôn cảm nghiệm được sự đồng hành và nâng đỡ của Chúa phục sinh trong cuộc sống hằng ngày.
4. “Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được đón nhận dồi dào ân huệ Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đấng phục sinh, và trở nên công cụ hữu hiệu của Người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã mở đường dẫn lối chúng con về quê trời qua cuộc phục sinh và lên trời của Con Một Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con luôn vững bước trên hành trình thiêng liêng về bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.


SCĐ LỄ THĂNG THIÊN
Chủ đề :
Chuyển sang một giai đoạn mới

“Hãy nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24,47)

Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (Cv 1,1-17) : Những lời dạy cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi thăng thiên.
– Đáp ca (Tv 46) : Chúa lên trời, tiếng hò reo dậy đất ; Chúa lên trời, nhịp kèn sáo trổi cao.
– Bài đọc II (Êp 1,17-23) : Thánh Phaolô giải thích ý nghĩa việc Chúa Giêsu “lên trời” : “Thiên Chúa đã tôn Đức Kitô lên”
– Tin Mừng (Lc 24,46-53) : Chúa Giêsu sai các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Việc Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Chúa Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã trao sứ mạng “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Hôm nay, sứ mạng này được trao cho thế hệ chúng ta. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ để chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa trao.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta có lỗi vì hay quên rằng Chúa Giêsu là Đấng đang sống và đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền. Do lỗi này nên chúng ta dễ chán nản và không cậy dựa vào Ngài.
– Chúng ta có lỗi vì chỉ hướng về trời mà quên trách nhiệm xây dựng thế giới của mình.
– Chúng ta có lỗi vì ít quan tâm loan báo Tin Mừng.
III. Lời Chúa
  1. Bài đọc I: Cv 1,1-11
Những lời dạy cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi thăng thiên :
– Chúa Giêsu dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ biết rằng sau khi đã chịu nạn chịu chết, Ngài vẫn đang sống.
– Ngài căn dặn họ chờ điều Thiên Chúa hứa ban, tức là ban Chúa Thánh Thần.
– Trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Ngài trên khắp thế giới.
2.                  Đáp ca: Tv 46
Tv này ca tụng vương quyền của Giavê Thiên Chúa. Phụng vụ hôm nay áp dụng Tv này cho Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa tôn lên làm vua và trao cho mọi quyền hành trên trời dưới đất.
3.                  Bài đọc II: Êp 1,17-23
Thánh Phaolô chúc cho các tín hữu được ơn khôn ngoan để lòng trí mở ra mà hiểu rõ đâu là niềm hy vọng mà họ đã nhận được.
4.                  Bài Tin Mừng: Lc 24,46-53
Bài Tin Mừng này có hai phần :
  1. Những lời căn dặn cuối cùng của Chúa Giêsu (cc 46-49) :
– Sự cần thiết của Thập giá : đã có chép từ lâu trong Sách Thánh rằng Đấng cứu thế phải qua chịu nạn rồi mới tới phục sinh.
– Môn đệ Chúa phải rao giảng và làm chứng về việc Ngài chết và sống lại.
– Chúa Giêsu sẽ ban Thánh Linh cho môn đệ.
2.                  Chúa Giêsu lên trời (cc 50-53) : Luca đã dùng cách viết của loài người để tạm diễn tả việc Chúa Giêsu siêu thăng. Ngài siêu thăng không có nghĩa là Ngài rời bỏ một nơi (trái đất) để đến một nơi khác (trời), mà là
– Ngài thay đổi tình trạng : không còn ở tình trạng loài người hèn hạ nữa, mà trở về tình trạng vinh quang của một vị Thiên Chúa.
– Ngài cũng thay đổi cách hiện diện : từ nay Ngài không thường xuyên hiện diện giữa chúng ta bằng thân xác hữu hình của Ngài nữa, nhưng vẫn hiện diện một cách vô hình dù chúng ta không thấy.
IV. Gợi ý giảng
  1. Thời kỳ sứ mạng của Giáo Hội
Thánh Lễ hôm nay có 2 bài đọc của cùng một tác giả là Thánh Luca : Bài đọc 3 trích phần cuối của quyển Tin Mừng Luca, và bài đọc 2 trích phần đầu của sách Công vụ. Mà chúng ta biết thánh Luca viết một tác phẩm gồm 2 tập : tập I là sách Tin Mừng viết về sứ mạng của Chúa Giêsu bắt đầu từ Galilê đến Giêrusalem, tập II là sách Công vụ viết về sứ mạng của Giáo Hội bắt đầu từ Giêrusalem đến toàn thế giới. Vậy nếu đặt 2 bài đọc của Thánh lễ này vào toàn bộ tác phẩm của thánh Luca thì chúng ta sẽ hiểu rằng tác giả muốn nói : việc Chúa Giêsu thăng thiên là cái bản lề giữa hai sứ mạng đó, hay nói cách khác, lúc Chúa Giêsu thăng thiên là lúc Chúa Giêsu bàn giao sứ mạng lại cho Giáo Hội. Bây giờ chúng ta hãy dựa vào một số chi tiết trong hai bài đọc ấy để tìm hiểu sứ mạng của Giáo Hội và cũng là của chúng ta.
Trước hết, sứ mạng ấy là gì ? Thưa là sứ mạng “làm chứng”, như lời Chúa Giêsu nói“Chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy”. Chứng nhân, hay người làm chứng, là kẻ nghe gì nói y lại như vậy, thấy sao thuật y lại như vậy, rất đúng, rất trung thực.
Chúng ta làm chứng cho ai ? Thưa cho Chúa Giêsu. Mà theo cách mô tả của thánh Luca, Chúa Giêsu nay đã lên trời, có một đám mây che khuất Ngài. Không biết có thực ngày xưa đã có một đám mây từ trời đáp xuống như một chiếc dĩa bay, rồi hai thiên thần mời Chúa Giêsu bước lên đứng trên chiếc dĩa bay đó, rồi sau đó chiếc dĩa bay bằng mây từ từ cất lên cao hay không. Điều này không chắc, vì 3 thánh sử kia, tức Matthêu, Máccô và Gioan đều không hề nói về đám mây đó. Thực ra, qua hình ảnh đám mây che khuất, thánh Luca muốn nói rằng Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa, mắt người phàm không còn trông thấy được Ngài nữa. Nhưng những kẻ làm chứng cho Ngài phải làm chứng thế nào để người ta như là thấy được Ngài thực sự.
Chúng ta làm chứng thế nào ? Sách Công vụ có ghi một chi tiết : Đang lúc các tông đồ cứ dõi mắt đăm đăm nhìn theo bóng dáng Thầy thì hai thiên thần nói với họ : “Hỡi người Galilê, sao còn mãi đứng nhìn trời”. Câu nói bỏ lửng nhưng có nhiều ngụ ý. Chúng ta có thể đoán ra được những ngụ ý sau :
– Đừng luyến tiếc nữa cái thời các ông có Chúa Giêsu ở bên cạnh một cách hữu hình và mọi sự đều do Chúa Giêsu làm hết. Bây giờ đã tới phiên các ông hoạt động, hãy tự mình hoạt động, dĩ nhiên là cũng có sự trợ giúp của Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện cách vô hình bên cạnh các ông, nhưng chính các ông phải hoạt động.
– Ngụ ý thứ hai là đừng chỉ mãi mê mơ tới ngày được lên hưởng thiên đàng với Chúa Giêsu, điều quan trọng trước mắt là phải quay về với thế giới hiện tại. Hạnh phúc thiên đàng phải được xây dựng ngay từ trần thế này.
Và chúng ta sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu ở đâu ? Chúa Giêsu đã nói rõ : “Chúng con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới”. Giêrusalem là nơi lúc ấy các tông đồ đang ở, Giuđê xa hơn một chút nhưng cũng quen thuộc vì có nhiều người đã tin Chúa, Samari tuy gần mà xa vì dân miền đó tuy biết Chúa Giêsu nhưng không có cảm tình với Ngài, đến tận cùng thế giới là mục tiêu xa nhất và bao quát nhất. Khi vẽ một bản đồ hành trình làm chứng như thế, ý Chúa Giêsu là hãy bắt đầu làm chứng cho Ngài ngay từ trong nội bộ của mình, rồi từ từ mới lan dần ra. Chúng ta thấy các tông đồ đã thực hiện đúng như thế : nhờ cộng đoàn Giêrusalem sống đoàn kết hiệp nhất, tương thân tương trợ mà người ngoài nhìn vào đã mến phục và xin gia nhập Giáo Hội, thế rồi từ Giêrusalem Giáo Hội lan sang Giuđê, lan sang Samari, lan sang Antiôkia và dần dần tỏa ra khắp thế giới.
Các chi tiết trong hai bài đọc Tin Mừng và sách Công vụ giúp chúng ta thấy được sứ điệp Lời Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay :
– Chúng ta đã quen dự Thánh Lễ, đọc kinh cầu nguyện và làm một số việc đạo đức khác. Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ mãi mê lo xây dựng hạnh phúc thiên đàng cho riêng mình, mà hãy biết lo xây dựng hạnh phúc thiên đàng cho người khác nữa.
– Nói là xây dựng hạnh phúc thiên đàng, nhưng không phải bằng cách chỉ lo đến những việc đời sau, hạnh phúc thiên đàng phải được xây dựng ngay tại cuộc sống trần thế này.
– Và ở trần thế này, nơi chúng ta phải ưu tiên xây dựng hạnh phúc là chính trong nội bộ của mình. Cộng đoàn chúng ta có hạnh phúc thì mới là một hình ảnh đẹp khuyến khích người ngoài đến chia xẻ niềm tin, chia xẻ cuộc sống và chia xẻ hạnh phúc của chúng ta.
– Đó chính là cách chúng ta làm chứng cho Chúa, làm cho người ta tuy bị một áng mây chia cách giữa hữu hình với vô hình nhưng cảm thấy như thực sự nhìn thấy Chúa. Thấy Chúa ở trong chúng ta, ở trong cộng đoàn chúng ta và Giáo Hội chúng ta.
2.                  Hiện diện và vắng mặt
Kể từ khi Chúa Giêsu Thăng thiên, Ngài không còn hiện diện cách hữu hình giữa các môn đệ nữa. Nhưng sự vắng mặt thể lý không có nghĩa là không còn hiện diện nữa.
Thực ra nhiều khi sự hiện diện thế lý chẳng là gì cả. Hai người sống chung một nhà, ăn chung một bàn, và thậm chí ngủ chung một giường nhưng vẫn cảm thấy xa nhau vạn dậm, bởi vì lòng và trí họ quá xa nhau. Như người ta nói “đồng sàng, dị mộng” (chung giường nhưng giấc mộng khác nhau).
Trái lại dù thể xác xa cách nhau vạn dậm nhưng người ta vẫn có thể cảm thấy rất gần nhau, miễn là người ta thương nhau và hiểu nhau. Có khi nhờ xa nhau một thời gian mà người ta lại thương nhau hơn và hiểu nhau hơn.
Hơn nữa, trong thời gian ta hiện diện bên cạnh một người thân, nếu đó là một sự hiện diện trọn vẹn thì khi xa nhau, chính sự vắng mặt ấy lại sinh nhiều hoa trái, bởi vì những kỷ niệm lúc gần nhau và tình nghĩa thắm thiết lúc sống bên nhau sẽ còn tiếp tục nuôi dưỡng người thân ấy. Như thế, đối với những người thân nhau thì cả sự hiện diện lẫn sự vắng mặt đều là những món quà.
Từ khi thăng thiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu không còn bị hạn chế về không gian và thời gian nữa, nhưng nhờ đó mà Ngài có thể hiện diện ở khắp nơi và trong mọi lúc.
Các kitô hữu đầu tiên đã hiểu rất rõ điều này. Họ biết Chúa Giêsu vẫn ở bên họ, tuy không cùng một cách như trước nữa. Họ tin rằng Ngài đang chia xẻ cuộc sống của họ ; họ còn tin rằng cái chết sẽ giúp họ được hợp nhất mãi mãi với Ngài trong vinh quang.
Có lẽ nhiều người cho rằng các tông đồ ngày xưa hạnh phúc hơn mình bây giờ, bởi vì các vị ấy đã được nhìn thấy Chúa Giêsu. Nhưng các sách Tin Mừng viết rằng dù mắt họ nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng họ vẫn chưa hiểu Ngài là ai. Họ chỉ hiểu được Ngài khi đọc sách Thánh và khi dự lễ bẻ bánh.
Đọc sách Thánh và dự lễ Bẻ bánh, đó là những phương tiện giúp nhận ra Chúa Giêsu. Mà những phương tiện này chúng ta ngày nay cũng có. Cho nên, xét về vấn đề nhận ra Chúa Giêsu bằng đức tin thì chúng ta ngày nay cũng chẳng thua thiệt gì hơn so với các tông đồ ngày xưa.
Ngày xưa Chúa Giêsu đã trông cậy vào các tông đồ để Tin Mừng được rao giảng khắp nơi và được mọi người sống theo Tin Mừng ấy. Ngày nay Chúa Giêsu cũng trông cậy nơi chúng ta như thế. Chúng ta phải làm chứng về Ngài cho mọi người trong thế giới hôm nay. (FM)
3.                  Loan Tin Mừng và học Tin Mừng
Thông thường, những lời cuối cùng của một người trước khi người ấy từ giã cõi đời, là những điều hết sức quan trọng mà người ấy muốn những người thân yêu ở lại thực hiện. Và những người ở lại thường coi những lời người sắp từ giã thế gian trăn trối như một điều linh thiêng cần thực hiện cho bằng được.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã căn dặc các tông đồ : “Phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem…” Như vậy, sứ điệp quan trọng nhất mà Đức Kitô muốn trao gửi lại cho các môn đệ, và cho mọi Kitô hữu là : hãy tiếp tục sứ mạng loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trước mọi người, mọi dân tộc trên thế giới.
Thế nhưng thế nào là loan Tin Mừng ?
Nhiều người nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là tỏ cho người khác biết mình là Kitô hữu, là làm dấu thánh giá nơi quán ăn, là can đảm xưng mình là người Thiên Chúa giáo trong các tờ lý lịch bất chấp những bất lợi sẽ xảy ra. Kẻ khác nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là cố gắng sống cho thật đạo đức, năng đi lễ, năng chịu các bí tích, với mục đích làm gương sáng cho người chung quanh, đồng thời khuyên mọi người làm như vậy. Người khác nữa thì gặp những người ngoại đạo mình quen biết, liền tìm cách gạ gẫm, thuyết phục họ vào đạo, bằng cách nói cho họ biết vào đạo thì được Chúa ban ơn này ơn kia, v.v…
Kết quả của những việc đó có thể là chúng ta lôi kéo được một số người vào đạo, hoặc làm cho nhiều người khô khan năng đi lễ, năng đến nhà thờ, năng chịu các bí tích hơn, hoặc làm cho đời sống gia đình của họ trở nên đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn, v.v
Tất cả những điều đó là những điều nên làm, cần làm, nhưng chưa phải là loan báo Tin Mừng đúng nghĩa. Muốn loan báo Tin Mừng cho đúng nghĩa, chính người loan báo phải biết Tin Mừng là gì, phải cảm thấy Tin mình loan báo là điều đã làm mình hạnh phúc, vui tươi, làm cho đời sống mình trở nên có ý nghĩa. Nếu không như thế, thì mình chỉ làm công việc «mù mà lại dắt mù», và kết quả là «cả hai sẽ lăn cù xuống hố» (Mt 15,14 ; Lc 6,39).
Thật vậy, nếu chính mình chưa cảm thấy Tin Mừng đã ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống mình, chưa thật sự thay đổi đời sống mình, mà mình lại đi rao giảng Tin Mừng, muốn Tin Mừng ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống người khác, thì có khác gì «cho đi cái mình chẳng có» ? Như thế thì người nhận sẽ nhận được gì ?
Vì thế, chúng ta cần phải năng học hỏi về Tin Mừng, nhất là suy gẫm Tin Mừng, để Tin Mừng thấm sâu vào tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của ta. Có như thế, việc loan báo Tin Mừng của ta mới có sức thuyết phục.
4.                  Cuộc sống chứng nhân
Báo “Le Figaro” mới đăng trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga Putin. Trong đó có câu hỏi như sau :
Hỏi – Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga, ông cho biết là đã đến cầu nguyện tại mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem, trong tay cầm thánh giá. Nhưng Ông lại là cựu sĩ quan của tình báo KGB. Ông nghĩ thế nào về sự trái ngược đó ?
Trả lời – Cuộc sống được tạo nên bằng những điều trái ngược. Khi không còn những điều trái ngược thì đó là cái chết. Nước Nga không phải là một quốc gia giả tạo mà nó có một lịch sử lâu đời. Thời kỳ còn là nước Liên Xô, đã có nhiều ý đồ làm thay đổi truyền thống, nhưng vẫn không sao tách nước Nga khỏi những giá trị văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa đó, cũng giống như cây cỏ mọc trên các đại lộ của thành phố, xuyên thủng nhựa đường để tồn tại.
Mẹ tôi là một phụ nữ theo đạo, mặc dù đi lễ nhà thờ không phải là không nguy hiểm thời Liên xô trước đây. Mẹ tôi đã bí mật làm lễ rửa tội cho tôi tại nhà thờ. Vậy tại sao các ông lại có vẻ ngạc nhiên khi tôi cầm thánh giá cầu nguyện tại mộ Chúa Giêsu ?
*
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ sứ mạng cao cả : “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24,47). Người muốn chúng ta làm chứng nhân cho Người đến tận cùng trái đất, rao giảng danh Người cho đến tận thế.
Tổng thống Nga Putin quả tà một chứng nhân anh dũng. Ông đã công khai tuyên xưng mình có đạo, tin đạo và sống đạo. Ông đã công bố trước báo chí : “Tôi tự hào là một người tín hữu… Niềm tin của tôi cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn”.
Khi Chúa về trời thì cũng là lúc các Tông đồ phải ra đi. Các ngài đi tuyên xưng niềm tin, tin vào Đấng đă chết nhưng nay đã phục sinh, đã chiến thắng tử thần và nay đang được tôn vinh. Người từ Cha mà đến và lại trở về với Cha.
Khi Chúa về trời thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi. Đi xây dựng một thế giới đầy tình yêu thương, huynh đệ, công bằng, văn minh ; xứng với trời mới đất mới mà Chúa Con đã cứu chuộc để hiến dâng lên Cha.
Thật là vinh dự cho chúng ta được tiếp nối các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa, và làm chứng nhân cho Người. Nhưng đó cũng là một thách đố nặng nề, vì còn 80% cư dân trên hành tinh này chưa đón nhận Tin Mừng.
Đã qua 2000 năm, nhưng dường như sứ điệp Phục Sinh còn quá nhiều người chưa biết tới ! Phải chăng chúng ta quên rằng Chúa về trời nhưng Người vẫn hiện diện rất sống động giữa chúng ta. Muốn rao giảng Đức Kitô cho thế giới, trước hết chúng ta phải đưa Người vào chính cuộc sống của mình ; sau đó, lời rao giảng về Người mới có sức chinh phục các tâm hồn. Albert Peyriguere đã viết : “Có nhiều tông đồ nói về Đức Kitô, nhưng Người lại muốn có những tông đồ quyết sống vì Người !”
Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, cũng như họ xác tín vào điều đã trông thấy tận mắt hơn là chỉ được đọc lướt qua. Họ không thích chúng ta chỉ làm chứng bằng lời nói, nhưng là bằng chính cuộc sống xả thân, phục vụ và yêu thương. Babin đã nói một câu đầy sắc bén : “Người ta chỉ có thể tin vào Đức Kitô, khi họ tin vào tình yêu của những kẻ loan báo Người”.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu Chúa. Amen. (TP, năm C)
5.                  Sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội
Đức Kitô phục sinh đã ở lại với các môn đệ của Ngài 40 ngày sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Việc Chúa phục sinh sống với các môn đệ 40 ngày là để Ngài có thời gian dậy bảo, động viên, an ủi và chỉ vẽ thêm cho các môn đệ trước khi Ngài ra đi về cùng Cha của Ngài (Cv 1, 3).Lần cuối cùng trước khi rời các ông, Chúa phục đang lúc đồng bàn với các ông, đã truyền cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần trước khi chia tay nhau đi khắp nơi giảng Tin Mừng cứu độ (Cv 1, 8).
Rồi hôm nay, Chúa phục sinh dẫn các môn đệ lên núi cây Dầu, trao sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho các ông và một cách nào đó cho toàn thể Giáo Hội (Mt 28, 16-20). Để ban ủi an, khích lệ các ông, Chúa phục sinh giơ tay chúc lành tức đổ ơn huệ xuống trên các ông, và Chúa cất mình lên trời trước mặt các ông (Cv 1, 9-12).
  1. Tại sao các ngươi cứ đứng đó mà nhìn lên trời :
Sự kiện Chúa về trời làm cho các môn đệ bỡ ngỡ, các Ngài không khỏi bàng hoàng dù rằng Chúa đã nói trước với các ông, đã căn dặn các ông, Ngài về với Chúa Cha, Ngài ra đi thì ích lợi hơn cho các ông. :”…Thầy ra đi thì Đấng bầu chữa mới đến với các con” (Ga 16, 6-7).Vì sứ mệnh của Chúa Thánh Thần là dậy dỗ, an ủi các tông đồ, soi sáng và thêm sức mạnh cho các ông để các ông có sức mạnh, lòng đại độ, sự quả cảm mà ra đi rao giảng Tin Mừng (Ga 14, 26 ; 15, 26-27).
Nhưng trước khi chia tay đi rao giảng, Chúa phục sinh đã căn dặn các tông đồ hết sức cẩn thận : “Đừng rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy ở tại đó cùng với Mẹ Maria để đón nhận Chúa Thánh Thần “.
Việc Chúa Lên trời hay nói một cách cụ thể hơn là Ngài ra đi, trở về, kết hiệp với Chúa Cha để thực hiện lời hứa ban Đấng phù trợ tới cho các môn đệ và cho toàn Giáo Hội là một mầu nhiệm của lòng tin vì hôm nay chấm dứt một giai đoạn Chúa phục sinh hiện diện, chứng minh cho các môn đệ thấy rằng mình vẫn sống giữa các ông (Cv 1, 3).
Thời gian 40 ngày là giai đoạn Chúa minh chứng cho các tông đồ, Ngài đang sống cách hữu hình, đang làm những việc cụ thể, cùng trao đổi, bàn bạc, cùng ăn, cùng sinh hoạt với các môn đệ. Giờ đây, Chúa về trời là để ban Thánh Thần cho các môn đệ, cho nhân loại và cho Giáo Hội. Đây không phải là lúc các môn đệ tiếc nuối cái mơ ước ám ảnh, Chúa của các ông sẽ khôi phục lại vương quốc Israen, để các ông ăn trên ngồi trước các người khác (Cv 1,6).
Cái thực tế mà các môn đệ phải thuộc nằm làu là ” Anh em Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Ai tin, anh em hãy làm phép rửa cho Họ nhân danh Chúa cha, Chúa Con và Chúa thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ những Điều Thầy đã truyền cho anh em ” (Mt 28, 16-20). Chúa về trời, các môn đệ vẫn còn bỡ ngỡ cùng với mọi người ở Galilêa. Nhưng, Chúa về trời là một mối phúc cho các Môn đệ, cho nhân loại và cho Giáo Hội vì Chúa có về trời Thánh Thần mới được ban xuống. Chúa về trời, nhưng dứt khoát các môn đệ sẽ không bơ vơ vì Chúa hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho tới tận thế
2.                  Chúa về trời là một mối phúc lớn lao :
Thật ra, Chúa về trời mang lại cho nhân loại, cho Giáo Hội và cho các tông đồ một mối Phúc lớn lao vì nếu Chúa không ra đi thì Đấng bàu chữa không đến. Chúa về trời, Ngài đã làm tròn lời hứa ban Thánh Thần và trao quyền năng cho các tông đồ, cho Giáo Hội :” Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dậy muôn dân…Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 17-20).
Lệnh truyền của Chúa phục sinh đã được thể hiện ngay nơi con người của Chúa, Chúa đã ban quyền năng cho các tông đồ, qua đó các Ngài có đủ mọi uy quyền thiêng liêng phục vụ mọi người. Chúa ban Thánh Thần để giúp các môn đệ kiên cường làm chứng cho Chúa phục sinh và loan báo Tin Mừng. Chúa ban Thánh Thần để Giáo Hội luôn bền vững, trung kiên làm tròn sứ mạng truyền giáo.
Dầu con người không thể nhìn thấy Chúa bằng xương bằng thịt, nhìn thấy Chúa cách hữu hình, nhưng Chúa vẫn có mặt với Giáo Hội ở khắp mọi nơi cho tới ngày cùng tận. Lời hứa của Chúa ở cùng môn đệ và nhân loại cho đến ngày tận thế là lời bảo đảm vững chắc nhất về sự hiện diện của Chúa trong Giáo Hội muôn muôn đời. Chúa Giêsu Phục sinh luôn đồng hành với Giáo Hội, với nhân loại, với các tông đồ trên vạn nẻo đường truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo, loan báo Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô Phục sinh cho nhân loại là lệnh truyền khẩn thiết nhất và quyết liệt nhất Chúa trao cho các môn đệ và cho Giáo Hội. Chúa đang trao, Chúa đang chuyền một cây gậy, một ngọn lửa đức tin để các tông đồ và Giáo Hội thay nhau liên tục chuyền gậy và đốt lên ngọn lửa tình yêu cho mọi người để mọi người nhận ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa cứu thế.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa lời Chúa :” Các con là muối ướp cho mọi người…Các con là ánh sáng cho toàn nhân loại, là thành phố xây trên ngọn đồi không thể giấu được…ánh sáng các con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen cha các con ở trên trời ” (Mt 5,13-16)
Lạy Chúa Giêsu, công việc cứu thế của Chúa được tượng trưng như một chiếc gậy, Chúa đã chuyền cho các môn đệ cách đây 2002 năm để các môn đệ tiếp tục chuyền đi. Và cứ như thế, chiếc gậy được chuyền đi cho tới ngày tận thế. (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT, Vietcatholic)
6.                  Sứ mệnh của người Kitô hữu
Tháng 7 năm 1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi ngài thi hành nghĩa vụ linh mục, cha Vania đã ngã gục dưới làn mưa đạn. Trong lá thư cuối cùng ngài viết cho cha mẹ già có những dòng sau đây :
“Cha mẹ yêu dấu ! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống được để trở về với cha mẹ nữa hay không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước kia rất nhiều. Thế nhưng con không lo sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng cũng đừng buồn phiền về số phận của con nữa. Lúc này con yếu và kiệt sức lắm rồi. Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều thử thách. Thế nhưng, con tuyên bố với họ là con sẽ không sợ rao giảng Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô. Đây là một sứ mệnh cao cả và con hãnh diện được tiến bước theo mệnh lệnh của Chúa. Con không xấu hổ rao giảng về Chúa Kitô. Các phép lạ Chúa Kitô làm đều minh chứng rằng có Thiên Chúa, do đó con sẽ mạnh dạn tiếp tục gieo vãi hạt giống Tin Mừng, vì đó là điều Chúa Thánh Thần phán bảo con.”
Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ Chúa Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Ngài, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Trước khi Ngài xa cách con cái Ngài, Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta lời di chúc qua các tông đồ : Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dậy bảo họ luôn giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mệnh đó. Mặc dù Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách ; nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin Mừng, vì Nước Trời. Lòng can đảm, chí trung thành đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mỗi người như lời Ngài đã phán : Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế. Chính tên Ngài cũng đã minh chứng điều đó, Em-ma-nu-en = Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Lạy Chúa, Lời Chúa đã nhắc nhở cho mỗi người chúng con ý thức về sứ mệnh Kitô hữu của mình. Xin cho chúng con biết hăng say thi hành mệnh lệnh đó trong cuộc sống hằng ngày để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa khắp nơi. (Sr Margareta Maria Hiền, Vietcatholic)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã phải trải qua con đường thập giá rồi mới bước vào vinh quang phục sinh. Với ước mong sống trọn vẹn vai trò chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện :
  1. Chúa Giêsu hứa ban Thánh thần cho các tông đồ / để các ngài làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cũng ban Thánh thần / giúp chúng ta trở nên những chứng nhân can trường cho Thiên Chúa là tình yêu.
  2. Rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho hết thảy mọi nước mọi dân / đặc biệt cho các dân tộc tại lục địa châu Á mênh mông / là một việc khẩn cấp trong thiên niên kỷ thứ ba này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều người / dám xả thân cho công cuộc rao giảng Tin mừng cứu độ.
  3. Đức tin Kitô giáo hội nhập vào văn hóa Châu Á / là một việc làm hết sức quan trọng trong việc giới thiệu Đức Kitô cho một châu Á đa chủng tộc / đa tôn giáo và đa văn hóa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà truyền giáo / luôn quan tâm đặc biệt đến công việc hệ trọng này.
  4. Học hỏi Tông huấn Giáo hội tại Châu Á là bổn phận quan trọng của người Kitô hữu Á Châu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tận dụng mọi cơ hội thuận tiện để học hỏi sâu rộng Tông huấn này / nhờ đó có thể tham gia tích cực vào công cuộc rao giảng Tin mừng.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, trước khi được rước lên trời, Chúa đã dạy chúng con phải rao giảng Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con có thể thực hiện đến nơi đến chốn lệnh truyền quan trọng này. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu phục sinh đang ở bên cạnh Chúa Cha để làm trung gian cho chúng ta. Chúng ta hãy nhờ Ngài và với Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại với anh chị em lời Ngài đã bảo các môn đệ ngày xưa : “Anh em hãy đi đến với muôn dân…”, “Anh em hãy làm chứng cho Thầy”. Chúc anh chị em bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Lễ Chúa Thăng Thiên (C)
Chủ Nhật 2 Tháng Sáu, 2019
Sứ vụ của Giáo Hội:
Đi làm chứng cho sự tha thứ mà Chúa Giêsu ban cho tất cả mọi người 
Lc 24:46-53


Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa là Đấng đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin Chúa hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con.
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.

1.  Phụng Vụ
 a)  Tin Mừng:
46 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, 47 và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem. 48 Các con là nhân chứng cho những sự việc này. 49 “Thầy sẽ sai đến với các con Đấng mà Cha Thầy đã hứa.  Vậy các con hãy ở lại trong thành này, cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. 50 Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. 51 Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. 52 Các ông thờ lạy Người và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng; 53 các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

b)  Giây phút thinh lặng:
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

2.  Suy Niệm
a)  Một vài câu hỏi gợi ý:
–  Nhân danh Thiên Chúa:  Trong cuộc sống hằng ngày của tôi, tôi đã sống nhân danh ai?
–  Cho muôn dân:  Liệu tôi có đủ khả năng để tiếp đón tất cả mọi người không, hay tôi lại đối xử phân biệt một cách dễ dàng theo cảm quan của mình?
–  Ở lại trong thành:  Tôi đã có ở lại trong những tình huống khó khăn nhất hay tôi có cố gắng ở lại, ngay cả trước khi tôi hiểu được ý nghĩa của các việc này, mà loại bỏ chúng không?
–  Lời cầu nguyện của tôi:  Tôi đã có chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những việc Chúa đã làm trong đời sống của tôi không, hay tôi chỉ biết đòi hỏi những việc cho riêng bản thân mình thôi?

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Ít dòng chữ nói về đời sống, việc di chuyển, hành trình, hội họp … Đây là mục đích của việc như đã ghi chép và cho muôn dân.   Đời sống được đánh dấu bằng việc làm chứng.  Các môn đệ đã được sai đi, các ông không mang theo trên mình vật gì ngoại trừ trở thành đời sống, cử động, hành trình, hội họp, một cách mang lại sự sống ở bất cứ nơi nào các ông đi đến.
Câu 46:  “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại.”  Điều gì đã được ghi chép?  Ở đâu?  Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết là có cuộc gặp gỡ.  Có vẻ như là công trình của Thiên Chúa không thể hoàn tất nếu không có nhân loại, và vì vậy Thiên Chúa đi tìm kiếm nhân loại ở mọi nơi và sẽ không bỏ cuộc cho tới khi Thiên Chúa có thể ấp ủ họ.  Đây là điều đã được ghi chép:  một tình yêu trường cửu, có khả năng chịu đựng được mọi đau khổ, uống hết chén thương đau cho đến giọt cuối cùng, để có thể nhìn được một lần nữa khuôn mặt của những người con thân yêu.  Trong sâu thẳm của cái chết, Chúa Giêsu đã xuống thế để nắm lấy bàn tay của nhân loại và dắt dìu họ về quê trời.   Ba ngày!  Ba thời điểm:  cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh!  Đây là những gì đã được viết về Chúa Kitô và cho tất cả những ai thuộc về Người.  Cuộc thương khó:  bạn đầu hàng một cách thành tâm, và để người khác có thể làm cho bạn bất cứ điều gì người ấy muốn, họ có thể đối xử tử tế với bạn hoặc ngược đãi bạn, họ có thể tiếp đón bạn cách ân cần hoặc xua đuổi bạn … nhưng bạn sẽ tiếp tục yêu thương cho đến cùng.  Cái chết:  một đời sống không thể lấy lại … chết, không còn gì nữa … nhưng không phải là mãi mãi, bởi vì cái chết có quyền năng trên xác thịt, thế nhưng linh hồn vì bởi Thiên Chúa mà có thì sẽ trở về với Thiên Chúa.  Sự Phục Sinh:  Mọi việc đều có ý nghĩa dưới ánh sáng của sự sống.  Tình yêu một khi đã cho đi sẽ không chết nhưng sẽ luôn luôn sống lại.
Câu 47:   và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem.   Lời của Chúa Giêsu được phán ra, đúng lúc, không chấm dứt.  Chỉ cần có người công bố những lời ấy.  Các thánh tông đồ đã được sai đi rao giảng nhân danh Thiên Chúa.  Họ đi đến tất cả mọi dân tộc.  Bây giờ không một dân tộc nào còn được gọi là dân riêng của Chúa nữa, nhưng tất cả được đều được gọi là dân được chọn.   Các môn đệ đi đến đặt tay trên vai của anh chị em mình và chuyển đổi họ, thay đổi họ hoàn toàn và nói với họ rằng:  Tất cả mọi người đều được tha thứ, anh chị em có thể sống một đời sống thiêng liêng một lần nữa, Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại vì anh chị em!  Đức tin không là một sự sáng chế.  Tôi đến từ Giêrusalem, chính mắt tôi đã trông thấy Người, tôi đã gặp gỡ Người trong đời tôi.  Điều tôi đang nói với anh chị em không vượt quá câu chuyện của tôi, một câu chuyện về sự cứu rỗi.
Câu 48:  Các con là những nhân chứng cho sự việc này.  Chúng ta biết Thiên Chúa từ kinh nghiệm.  Trở thành những nhân chứng có nghĩa là mang Lời Chúa mà Đức Kitô đã viết trên da thịt của người ấy, đan từng chữ một.  Khi một người đã được Chúa Kitô đụng chạm đến, người ấy trở thành một ngọn đèn sáng rực, ngay cả chính người ấy cũng không biết!  Và nếu có ai đó muốn dập tắt ngọn lửa thì nó lại được thắp sáng trở lại, bởi vì ánh sáng không đến từ cây đèn mà là đến từ Chúa Thánh Thần đã đổ vào trong tâm hồn và chiếu soi sự thông hiệp đời đời không bao giờ dứt.
Câu 49:  “Thầy sẽ sai đến với các con Đấng mà Cha Thầy đã hứa.  Vậy các con hãy ở lại trong thành này, cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”.  Lời phán hứa của Chúa Giêsu luôn luôn được thực hiện.  Người đã về trời, nhưng Người không để cho các bạn hữu của Người mồ côi.  Người biết rằng họ cần sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa.  Và Thiên Chúa đã trở lại với loài người.  Lần này không còn bằng thể xác, nhưng vô hình trong ngọn lửa của một tình yêu không thể hiểu thấu được, trong lòng nhiệt thành của một sự ràng buộc không bao giờ bị tách rời, cầu vòng của sự giao ước đã được phê chuẩn, nụ cười rạng rỡ của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần.  Được bao phủ bởi Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, các thánh tông đồ sẽ không còn sợ hãi và cuối cùng có thể ra đi!
Câu 50:  Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông.  Giây phút từ biệt thật là trang nghiêm.  Bêtania là nơi của tình bạn.  Chúa Giêsu giơ tay và chúc phúc cho các môn đệ của Người.  Đây là một lời chào và một món quà tặng.  Ra đi không có nghĩa là tách rời hẳn với các môn đệ, Chúa chỉ rời các ông để trở lại dưới một hình thái khác.
Câu 51:  Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời.  Mỗi cuộc chia ly đều mang lại nỗi buồn.  Nhưng trong trường hợp này, sự chúc phúc là một di sản của ân sủng.  Các tông đồ được sống trong sự hiệp thông nồng nhiệt với Chúa của mình đến nỗi mà các ông không nhận ra được sự chia cách.
Câu 52:  Các ông thờ lạy Người và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng.  Điều lớn nhất là nỗi vui mừng của các tông đồ, niềm vui mừng khi đi qua các đường phố của Giêrusalem với kho tàng vô tận, hân hoan vì được thuộc về nước Chúa.  Bản xác loài người của Chúa Kitô đã lên thiên đàng, để mở cánh cổng mà sẽ không bao giờ đóng lại nữa.  Niềm vui mừng về đời sống dư thừa mà giờ đây Chúa Giêsu đã đổ tràn đầy vào cuộc sống của các ông sẽ không bao giờ dứt…
Câu 53:  Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.   Ở lại …. là một động từ rất quan trọng đối với người Kitô hữu.  Ở lại bao hàm một sức mạnh đặc biệt, khả năng không trốn chạy trong những tình huống khó khăn nhưng để sống trọn vẹn với những tình huống ấy, thưởng thức chúng đến tận mọi chiều sâu.  Ở lại:  một chương trình rao giảng Tin Mừng được chia sẻ với tất cả mọi người.  Khi ấy lời chúc tụng được tuôn ra một cách chân thành, bởi vì khi sống trong thánh ý của Thiên Chúa thì giống như được uống một loại rượu bổ dưỡng và say sưa của hạnh phúc.

c) Suy Niệm:
Chứng kiến lòng nhân đức trong đời sống của Giáo Hội thì không còn nghi ngờ gì vì đó là tấm gương rõ ràng nhất cho việc truyền bá Tin Mừng.  Đó là một dụng cụ dùng để làm tơi đất ra để cho những hạt giống của Lời Chúa rơi xuống có thể kết tụ nhiều hoa trái.  Tin Mừng không thể chọn cách nào khác hơn để đụng chạm đến trái tim người ta hơn là tình yêu thương lẫn nhau, một phương cách dẫn thẳng đến nguồn:  “Đây là điều răn của Thầy:  các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:12).  Chúng ta tìm thấy tất cả điều này trong thời Giáo Hội sơ khai:  “Đây là bằng chứng tình yêu, đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3:16).  Người môn đệ đã gặp gỡ và biết Chúa Giêsu, người môn đệ Chúa yêu, biết rằng ông không thể nói về Chúa mà không đi theo con đường Chúa đã đi.  “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống”(Ga 14:6).  Còn từ ngữ nào tốt đẹp hơn để có thể diễn tả con đường cao quý cho việc truyền bá Phúc Âm hơn là từ ngữ tình yêu nhưng không?  Chúa Kitô là con đường của việc rao giảng Tin Mừng.  Đức Kitô là sự thật để chuyển tải Tin Mừng.  Chúa Kitô là đời sống Phúc Âm hóa.  Và tình yêu mà Người đã yêu chúng ta là sự công bố Tin Mừng, một tình yêu cho đi không có điều kiện, tình yêu này sẽ không bao giờ bị lấy lại mà sẽ tiếp tục cho đến tận thế, một cách trung thành, ngay cả phải trả cái giá bằng cái chết nhục nhã trên thập giá, để hiển thị khuôn mặt của Chúa Cha là Chúa của Tình Yêu, một tình yêu tôn trọng quyền tự do của con người, ngay cả khi sự tự do này đồng nghĩa với chối bỏ, xúc phạm, phỉ báng và tử vong.  “Tổ chức từ thiện của các Kitô hữu có một sức mạnh rao giảng Tin Mừng rất lớn.  Đến mức mà việc bác ái được xem như là một dấu chỉ và cửa sổ của tình yêu Thiên Chúa, nó mở tâm trí và trái tim cho việc công bố Lời của Chân Lý.  Như Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã nói:  con người trong thời đại này đi tìm kiếm tính xác thực và sự cụ thể, coi trọng nhân chứng hơn là thày dạy, và tựu chung họ chỉ cho phép mình được hướng dẫn để khám phá ra chiều sâu và nhu cầu của tình yêu Thiên Chúa nếu họ cảm động bởi dấu hiệu hữu hình của việc từ thiện”.  (CEI, Việc Rao Giảng Tin Mừng Và Nhân Chứng Của Việc Từ Thiện, trích trong Enchiridion CEI,Tập 1-5, EDB, Bologna 1996 n. 24).  Mọi nỗ lực mục vụ mà muốn cho thấy mối liên hệ sâu xa giữa đức tin và việc bác ái trong ánh sáng của Tin Mừng, và nên lưu ý rằng đặc tính của tình yêu Kitô giáo là sự gần gũi và chăm sóc, có nhiệm vụ thúc đẩy và duy trì sự cởi mở với những người khác trong việc phục vụ.  (xem Lc 10:34).

3.  Cầu Nguyện
 Thánh Vịnh 22:22-31
 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
Và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương:
“Hỡi những ai kinh sợ Đức Chúa,
hãy ca tụng Người đi!
Hỡi toàn thể giống nòi Giacóp, nào ta hãy tôn vinh Người!
Dòng dõi Ít-ra-en tất cả,
nào một dạ khiếp oai!”

Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường,
Chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ,
Cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ,
Nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.

Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng,
Ngày đại hội toàn dân.
Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn
trước mặt những ai kinh sợ Người.
Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thê,
Người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng,
“Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.”

Toàn thế giới, muôn người nhớ lại
Và trở về cùng Chúa,
Mọi dân tộc dưới trần
phủ phục trước Tôn Nhan.
Bởi vì Chúa nắm quyền vương đế,
Người thống trị chư dân!

Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất
sẽ đều bái lạy một mình Người,
Phàm những ai trở về cát bụi
sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan.
Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,
con cháu tôi sẽ phụng sự Người.
Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa
Cho các thế hệ tương lai;
Và truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người:
Rằng:  “Đức Chúa đã làm như vậy!”

4.  Chiêm Niệm
Lạy Chúa, con biết rằng việc rao giảng Lời Chúa đòi hỏi một đời sống tâm linh sâu xa, chân thật và thánh thiện cho việc làm nhân chứng.  Những người có đức tin trưởng thành, có thể sống hòa đồng một cách tốt đẹp để tạo cơ hội cho kinh nghiệm bản thân về đức tin, một nơi gặp gỡ và môi trường tăng trưởng cho việc tiếp xúc với tha nhân để từ đó xây dựng những mối liên hệ sâu xa hướng về Giáo Hội, thế giới và lịch sử.  Nhưng thưa Chúa, con cảm thấy bất xứng.  Trong một bối cảnh mà các hình ảnh, chữ nghĩa, dự án, kế hoạch và tài liệu nối tiếp nhau một cách hàng loạt và không thứ tự, gần như làm hỗn loạn các ý nghĩ và cảm giác.  Làm chứng tá là một chữ đặc biệt dành cho giây phút suy tư, cho thời khắc ngẫm nghĩ lại.  Nhưng con có phải là người đã bị lôi cuốn bởi các hình ảnh, chữ nghĩa và kế hoạch không?  Có một điều con chắc chắn, và điều này an ủi con.  Ngay cả người chứng tốt đẹp nhất, trong một thời gian dài sẽ trở thành không có khả năng, nếu người ấy chưa thông suốt, thiếu biện minh, chưa xác nhận bằng lời công bố rõ ràng minh bạch về Chúa Giêsu.  Tin Mừng, được công bố bởi một nhân chứng sống, chẳng chóng thì chầy cần phải được công bố bởi lời của đời sống.  Con sẽ biện minh cho sự hy vọng của con bằng cách công bố tên của Chúa, lời giáo huấn của Chúa, cuộc đời của Chúa, lời hứa của Chúa, mầu nhiệm của Chúa là Giêsu Nagiarét chính là Con Thiên Chúa.  Điều này dường như đối với con là cách đơn giản nhất để khơi dậy sự chú ý đi tìm hiểu và gặp gỡ Chúa, thưa Thầy và thưa Chúa, Đấng đã sống như Con Thiên Chúa để cho chúng con được thấy thiên nhan của Chúa Cha.  Mọi nỗ lực mục vụ ngày hôm nay cho thấy là nó gắn liền với đức tin, lạy Chúa, để chúng con sẽ có thể khẩn cầu cùng Chúa, xin cho cánh cổng rao giảng được mở lại để chúng con công bố mầu nhiệm của Chúa Kitô, loại rao giảng mà Lời của Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi những ai có lòng tin.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét