04/06/2019
Thứ Ba tuần 7 Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 20, 17-27
“Tôi đi cho hết quãng đường đời
và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, từ
Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với
ngài và hội họp, ngài nói với họ: “Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất
Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng
khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu
hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông,
tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho
người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà
không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành
khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở
Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là
tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi
đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây,
tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước
Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết
với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi
không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa”. Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 67, 10-11.
20-21
Đáp: Chư quốc trần
ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Ôi Thiên Chúa, Ngài
làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi
Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn
bị cho kẻ cơ bần. – Đáp.
2) Chúc tụng Chúa ngày
nọ qua ngày kia. Thiên Chúa là Đấng cứu độ, Ngài vác đỡ gánh nặng chúng ta.
Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát
khỏi tay tử thần. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia!
– Thầy sẽ xin cùng Cha, và Người sẽ ban cho các con Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở
với các con luôn mãi. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 17, 1-11a
“Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển
Con Cha”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước
mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để
Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để
con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời
chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã
sai, là Giêsu Kitô.
“Con đã làm vinh hiển
Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy
Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có
nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi
thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và
chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều
bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng
đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha
đã sai Con.
Con cầu xin cho chúng,
Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì
chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của
Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng
chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ngưỡng cửa
vào sự sống
Trong ngôn ngữ của
thánh Gioan, giờ của Chúa chính là lúc Ngài thể hiện việc cứu chuộc bằng cuộc
khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu có tột đỉnh là thập giá. Ðối
với Ngài, thập giá là đường dẫn đến vinh quang. Qua thập giá, Chúa Giêsu làm
vinh hiển Chúa Cha cũng như là vinh hiển Ngài.
Thập giá làm vinh hiển
Chúa Cha vì nơi thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha ủy thác.
Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình
yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết
trên thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa; và hướng
về thập giá con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi
đã ban Người Con Một cho thế gian.
Thập giá làm vinh hiển
Chúa Cha vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn
vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế,
Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi
danh hiệu. Như vậy, thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha mà còn làm vinh
hiển Chúa Giêsu vì thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu
không phải là một kết thúc bởi vì đã có sự phục sinh kèm theo, cái chết đó chỉ
là tỏ lộ cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận
khổ nhục và cái chết trên thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào
cõi sống vinh quang muôn đời.
Ngưỡng cửa Chúa Giêsu
bước qua đó vẫn được mở ngỏ chờ đợi những kẻ theo Ngài tiến vào. Theo Chúa
Giêsu, người Kitô không thể đứng ngoài con đường của Ngài. Ðường Ngài đi chỉ có
một cửa dẫn vào.
Ước gì chúng ta luôn
biết đón nhận mọi đau khổ hy sinh, kể cả cái chết để làm vinh hiển Thiên Chúa,
và nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài muôn đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần VII PS
Bài đọc: Acts
20:17-27: Jn 17:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhìn lại công
cuộc rao giảng Tin Mừng
Thiên Chúa không ngừng
gởi những mục tử tốt lành đến để dạy dỗ, yêu thương, và hy sinh cả cuộc đời cho
con người. Mục đích của Thiên Chúa khi gởi các sứ giả tới là làm cho con người
nhận ra và tin vào tình yêu của Ngài và của Đức Kitô. Điều quan trọng là con
người có biết nhận ra và đáp trả tình yêu Thiên Chúa qua những sứ giả đó không?
Nếu biết nhận ra, con người sẽ biết bảo vệ món quà đức tin vô giá mà những mục
tử này đã trao cho họ; nếu không biết nhận ra, họ sẽ tiếp tục đi trong tối tăm
và không đường biết hướng về đâu.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta hai mẫu gương tuyệt vời của hai người chủ chăn đã hy sinh cuộc đời
để làm trọn thánh ý Chúa và mưu cầu lợi ích cho tha nhân. Cả hai đều bình an và
hài lòng vì mình đã làm tất cả những gì Thiên Chúa trao, và sẵn sàng can đảm đối
phó với tương lai nguy hiểm đang tới. Trong Bài Đọc I, Phaolô triệu tập giới
lãnh đạo trong cộng đòan Ephesô để nói những lời từ giã tâm huyết với họ trước
khi lên đường về Jerusalem để chịu xiềng xích. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng tập
họp các Tông-đồ để nói những lời sau cùng và cầu nguyện cho các ông trước khi
vào Vườn Cây Dầu để bắt đầu Cuộc Thương Khó của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can.
1.1/ Phaolô nhìn lại các
hoạt động đã làm và từ giã Hội Thánh Ephesus:
Ông đã trung thành trong bổn phận rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa trao: “Anh em
biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng
cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. Tôi đã khuyến
cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức
Giêsu, Chúa chúng ta.” Ông đã vui lòng chịu gian khổ cho việc rao giảng Tin Mừng:
“Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp
bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái.”
1.2/ Phaolô nhìn thấy con
đường gian khổ sắp tới nhưng vẫn can đảm tiến tới: Ông luôn sẵn sàng sống theo những hướng dẫn của Thánh Thần:
“Giờ đây, bị Thần Khí thúc đẩy, tôi về Jerusalem, mà không biết những gì sẽ xảy
ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng
khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.” Tuy biết như thế,
nhưng ông sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng:
“Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng
đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho
Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.”
1.3/ Phaolô trao Hội
Thánh Ephesô lại cho các kỳ mục với lời răn dạy: Nói những lời trên, Phaolô không có ý kể công, nhưng muốn cho Hội
Thánh Ephesô nhìn thấy đức tin họ có được là do công lao khó nhọc của những nhà
rao giảng. Vì thế, ông nhấn mạnh họ có bổn phận phải gìn giữ và làm cho đức tin
ngày càng tăng trưởng: “Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi
đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa.
Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải
hư mất, thì tôi vô can. Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng
cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó.
2.1/ Chúa Giêsu kiểm điểm
Kế Hoạch Cứu Độ mà Chúa Cha đã trao cho Ngài để hoàn thành: Như một nhà lãnh đạo khôn ngoan luôn làm chủ tình thế,
Chúa Giêsu ngồi kiểm điểm những gì đã, đang và sẽ xảy ra.
(1) Nhìn về tương lai
sắp tới: Cuộc Thương Khó gần kề, nhưng Chúa Giêsu biết lúc Ngài bị treo trên Thập
Giá là lúc Kế Họach Cứu Độ được hoàn thành, nên Đức Giêsu ngước mắt lên trời và
cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh
Cha.”
(2) Mục đích của Kế-hoạch
là để mang lại ơn cứu độ cho con người: “Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền
trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã
ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất
và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” Biết Cha và biết
Con là điều kiện để đạt được cuộc sống đời đời. Động từ “biết” theo Do-thái
không chỉ lý thuyết, nhưng phải thực thi những gì Thiên Chúa đòi hỏi.
(3) Nhìn về quá khứ:
Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ biết Thiên Chúa và tin vào Ngài được Chúa Cha
sai đến: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ
biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời
Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì
con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết
thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.”
Chúa Giêsu biết Ngài
đã hoàn tất bổn phận mặc khải và dạy dỗ các môn đệ. Giờ đây, Ngài phải vượt qua
gian khổ cuối cùng để hoàn tất Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, là chấp nhận con
đường Tử Nạn và chịu treo trên Thập Giá.
2.2/ Chúa Giêsu cầu nguyện
cho các môn đệ: “Con cầu nguyện cho họ. Con
không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ
thuộc về Cha.” Các môn đệ là quà tặng của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu, và Chúa
Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban cho con người. Con người là sở hữu chung của
cả Chúa Cha và Chúa Giêsu.
Giống như học trò
thành công làm thầy dạy được nở mặt nở mày, hay bệnh nhân được chữa khỏi làm
vinh danh bác sĩ, con người là lý do Chúa Giêsu được tôn vinh: Vì con người,
Chúa Giêsu có cơ hội vâng lời Chúa Cha và chinh phục con người về cho Chúa Cha.
Khi còn sống trong thế
gian, Chúa Giêsu đã bảo vệ những kẻ Chúa Cha ban cho Ngài. Giờ đây, Ngài phải từ
giã họ, nên cầu xin với Chúa Cha để Ngài bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm của thế
gian: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần
con, con đến cùng Cha.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức tin của chúng ta
vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô bảo đảm cho chúng ta phần rỗi đời đời. Đức tin
này có được là do sự dạy dỗ và giá máu của Đức Kitô, của các Tông-đồ, của các
thánh, và của tổ tiên chúng ta qua các thời đại; chứ không phải tự nhiên mà
chúng ta có.
– Mỗi người chúng ta,
sau khi đã lãnh nhận đức tin, đều có hai bổn phận: (1) làm cho đức tin ngày một
vững mạnh, và (2) loan truyền Tin Mừng cho người khác.
– Chúng ta cần phải
năng nhìn lại hai bổn phận này để xét xem: đức tin của chúng ta đã tăng trưởng
tới đâu, và chúng ta đã hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa trao trong việc rao giảng
Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người trong gia đình và cộng đòan của
chúng ta chưa?
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
04/06/2019 – THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11a
CHO DANH CHA CẢ SÁNG
“Lạy Cha, giờ đã đến!
xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha!” (Ga 17,1)
Suy niệm: Chúa Giê-su đến trần gian
mạc khải cho nhân loại vinh quang của Thiên Chúa. “Ngài là phản ảnh vẻ huy
hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Tuy nhiên,
trong cuộc sống trần thế, Chúa Giê-su chỉ tỏ vẻ uy nghi sáng láng trong biến cố
hiển dung cho mấy môn đệ thân tín, còn bình thường, Ngài tự hủy, xóa nhòa mình
đi. Tất cả quyền uy phép tắc của vị Thiên Chúa ẩn dưới nếp sống “con bác thợ mộc”
nghèo khổ tầm thường. Ngài trốn đám đông khi họ muốn tôn Ngài làm vua sau phép
lạ bánh hóa nhiều. Rõ ràng Chúa Giê-su không tìm vinh trần thế cho mình. Ngài tỏ
bày vinh quang Thiên Chúa trong cuộc sống và sứ vụ hoàn toàn vâng theo thánh ý
Chúa Cha. Trong cuộc thương khó, Chúa như tên tử tội bị bắt, đánh đòn, đội mũ
gai, chịu lột trần và đóng đinh chết trần truồng ô nhục trên thập giá. Thế
mà Chúa Giê-su lại nói: đó là giờ Ngài được tôn vinh, giờ biểu lộ sức mạnh quyền
năng và vinh quang Thiên Chúa. Quả thật, từ cõi chết sống lại, Chúa chiến thắng
tử thần, ban sự sống mới cho nhân loại và đồng hiển trị với Chúa Cha trong vinh
quang trên trời muôn đời.
Mời Bạn: Con người được sinh ra để
tôn vinh Thiên Chúa. “Không ai trong chúng ta sống cho mình, chết cho mình. Chúng
ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa” (Rm 14, 7-8). Sống
cho vinh danh Thiên Chúa là an bình và hạnh phúc đời ta.
Sống Lời Chúa: Tôi làm việc cách tận tuỵ
hy sinh, với tinh thần trách nhiệm, và với ý hướng ngay lành: để cho Danh Chúa
cả sáng, Nước Chúa trị đến.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Danh.
(5 Phút Lời Chúa)
Con cầu nguyện cho họ (4.6.2019
– Thứ Ba tuần 7 Phục Sinh)
Suy niệm:
Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, trước khi bị bắt,
Đức Giêsu đã cầu nguyện trong xao xuyến ở núi Cây Dầu.
Đức Giêsu đã cầu nguyện trong xao xuyến ở núi Cây Dầu.
Còn trong Tin Mừng Gioan, Ngài đã cầu nguyện trước khi đến đó.
Hôm nay Giáo hội bắt đầu cho ta nghe lời nguyện long trọng này
mà Ngài dâng lên Chúa Cha, trước mặt các môn đệ trong bữa Tiệc ly.
Đức Giêsu không một chút xao xuyến trước cái chết gần kề.
Cả các môn đệ cũng như được nâng lên một tầm cao mới.
Đức Giêsu vẫn bắt đầu lời nguyện bằng tiếng Abba quen thuộc.
Ngài như muốn tóm kết công việc Cha giao phó,
đó là việc tôn vinh Cha qua cuộc sống trên trần gian này (c. 4).
Bây giờ đã đến giờ Ngài về với Cha, nên Ngài nài xin:
“Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (c. 1).
Cái chết tự hạ trên thập giá là cử chỉ vâng phục vì yêu thương của Con,
là cử chỉ cao nhất của Con nhằm tôn vinh Cha.
Nhưng tất cả không ngừng lại với thập giá,
vì Cha sẽ tôn vinh Con qua sự phục sinh vinh hiển.
Đức Giêsu được trao quyền năng trên mọi người (c. 2).
Ngài có thể ban sự sống đời đời
cho những ai nhận biết Cha và Con là người được Cha sai (c. 3).
Lời nguyện của Đức Giêsu đặc biệt hướng về các môn đệ
mà Ngài coi là quà tặng quý giá của Cha cho đời mình.
Nhiều lần Ngài nhấn mạnh họ là quà tặng (cc. 2. 6. 7. 9).
Đức Giêsu đã từng coi các môn đệ là những kẻ thuộc về Ngài (Ga 13, 1).
Nhưng Ngài lại không phủ nhận việc họ là người thuộc về Cha (cc. 6. 9).
Môn đệ thật là của chung giữa Cha và Con (c. 10).
Họ là những người được Cha chọn từ thế gian (c.6).
tuy họ vẫn ở trong thế gian (c.11).
Trong giây phút sắp đến cùng Cha, sắp được hưởng vinh quang bên Cha,
Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện cho họ (c. 9),
những người còn phải chịu nhiều gian nan thử thách ở đời.
Khi còn sống với họ, Ngài đã cho họ biết Danh Cha (c. 6),
Ngài còn ban cho họ lời mà Ngài đã nhận từ Cha.
Khi đón nhận những lời ấy, họ biết Ngài từ Cha mà đến
và tin Ngài là người Cha sai (c. 8).
Hãy đi vào tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu đối với các môn đệ.
Hãy nghe lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục lời cầu nguyện tha thiết ấy.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG SÁU
Một Quá Trình Suy
Tư Chậm Rãi
Chúng ta có cơ sở
Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng
diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống
và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà
cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.
Sự nhận hiểu này đã
phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có
trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy
nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các
tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện
Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác
con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định
chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa,
mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã
trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn
thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).
Trường phái suy tư do
Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể
giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với
thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục
sinh của thân xác.
Ngay cả dù các thuật
ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay
lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất
của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn
toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng
con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy
nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng
tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn
phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/6
Cv 20, 17-27; Ga
17, 1-11.
LỜI SUY NIỆM: “Con cầu nguyện
cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban
cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả
những gì của Cha đều là của con và con được tôn vinh nơi họ.
Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu. “Chúa Giêsu đang mạc khải và dạy chúng ta sự
“hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con. Sự hiểu biết ấy chính là mầu
nhiệm của đời sống cầu nguyện. (GL số 2752)
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban Thần Khí trên chúng con, giúp cho chúng con “hiểu
biết” để mỗi lần chúng con cầu nguyện như chúng con sống, và chúng con sống như
cầu nguyện.
Mạnh Phương
04 Tháng Sáu
Bóng Tối
Raoul Follereau đã
thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông
ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông
đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối
của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của
ông… Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông.
Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở
được nụ cười mãn nguyện.
Ngày tôi đến thăm,
người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều
tối tăm của mình… Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời
mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều
tăm tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn
ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi
căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: “Tôi thấy!”
Kể từ khi bóng tối
của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh
mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại,
người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi
người: Tôi thấy! Tôi thấy!
Có những người tự giam
mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối…
Vô tình hay hữu ý, có
lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một
cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô
đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm
bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta…
“Các con là ánh sáng
thế gian”. Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người Khô. Người Kitô chỉ là
Khô khi họ là ánh sáng thế gian… Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ
trở thành tăm tối.
Hãy chiếu ánh sáng bằng
những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi
an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là
bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta.
Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét