19/06/2019
Thứ Tư tuần 11 thường niên
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 9, 6-11
“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho
cách vui lòng”.
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, ai
gieo ít, thì gặt ít. Ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như
lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương
kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc:
để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc
phúc đức, như đã chép rằng: “Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức
công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời”. Đấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ
gieo, và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy,
và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em. Như thế, anh em được
giàu có mọi bề, để thi hành mọi việc bác ái; qua tay chúng tôi, phúc đức đó sẽ
làm phát sinh lời cảm tạ Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 111, 1-2.
3-4. 9
Đáp: Phúc đức thay
người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Phúc đức thay người
tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu ngươi sẽ hùng
cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Đáp.
2) Trong nhà người có
tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất
hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. – Đáp.
3) Người ban phát và bố
thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người
được ngẩng lên trong vinh quang. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia!
– Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6.
16-18
“Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi
bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước
mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha
các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước,
như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả
thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm
sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín,
và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu
nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội
đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã
được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà
cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn,
sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay,
thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn
chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi.
Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết
con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt
mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Đó là lời Chúa
Suy Niệm : Ý định
và cách thức thể hiện
“Sống như kẻ công
chính” có nghĩa, vào thời Chúa Giêsu, là trung thành với ba việc làm căn bản của
đời sống tôn giáo: bố thí, kinh nguyện và chay tịnh. Một cách mặc nhiên Chúa
Giêsu nói: các việc làm này quan trọng, và vì thế phải tránh đừng làm giảm giá
chúng. Phải thực thi chúng không phải “trước mặt người ta”, nhưng trước mặt
Thiên Chúa.
Một đàng con người có
thể xác; vì vậy, thật là hợp lý khi thân xác được liên kết với cách thức diễn tả
của đời sống thiêng liêng, tôn giáo. Điều này đưa đến những cử chỉ bên ngoài,
có thể xem thấy được, thuộc về thể xác.
Người ta gọi là những
việc làm. Đàng khác, thân xác là phương thế, là trung gian, là điểm tựa cho những
tương quan xã hội. Những sinh hoạt thể xác, trông thấy được không thể là dửng
dưng, nhưng được xem xét, lượng giá. Vì thế các việc làm tôn giáo là đối tượng
của xem xét và lượng giá. Chúa Giêsu đề phòng chúng ta khỏi việc sử dụng những
việc làm tôn giáo để lôi kéo sự xét đoán nịnh bợ và đánh giá khen ngợi của những
kẻ trông thấy.
Phải làm gì? Hãy làm
sao cho các việc làm này bớt tính cách thể xác, bớt dễ dàng cho người ta xem thấy
tới mức tối đa. Vấn đề không phải là phát động một tôn giáo thoát xác và hoàn
toàn bên trong. Bố thí, cử chỉ có tính cách vật chất; kinh nguyện đi đôi với
thân xác; chay tịnh, kiêng cử thể xác. Tất cả những cái đó đều tốt và nên thực
hành cách trung tín. Nhưng còn cách thức thực hiện: phải làm sao cho những việc
làm có sự tham dự của thể xác và có thể thấy được, bớt tính cách phô trương. Phải
làm cho chúng trở nên kín đáo tới mức tối đa, và hãy luôn ước muốn chỉ một mình
Thiên Chúa xét đoán thôi. Tóm lại Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu điều này: đời
sống tôn giáo là một việc làm giữa chúng ta và Thiên Chúa; vì thế điều hệ trọng
là cái nhìn của Thiên Chúa trên ta, một cái nhìn thấu suốt được mọi bí nhiệm.
Dùng những việc làm tôn giáo để được nhân loại tán dương thay vì muốn làm đẹp
lòng Thiên Chúa, là sự giả hình ghê tởm nhất. Ngày nay chúng ta có thể thêm:
khinh dể bố thí, kinh nguyện, chay tịnh mà Chúa Giêsu đã làm gương thi hành, và
lớn tiếng tuyên bố cổ võ một Phúc Âm giải thoát nhưng rỗng tuếch nhựa sống, điều
này cũng là một sự giả hình không kém.
Việc từ bỏ mình của
tôi, mà Thiên Chúa biết có tỏa rạng niềm vui không?
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 11 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: 2
Cor 9:6-11; Mt 6:1-6, 16-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận làm
việc lành phúc đức
Đã vay, phải trả; đã
nhận lãnh, phải cho đi. Vì con người đã nhận lãnh quá nhiều từ Thiên Chúa (mọi
sự đều là của Ngài) và tha nhân (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quốc gia, thầy cô …),
nên họ có bổn phận phải cho đi. Vì con người không thể cho lại Thiên Chúa, nên
họ cho đi bằng các giúp đỡ các anh chị em cần thiếu. Đó là lý do tại sao đôi
khi chúng ta thấy có những người dám hiến cả tài sản họ đã vất vả tạo được cho
những dòng tu hay các cơ quan từ thiện, mà không để lại cho con cháu hay người
thân.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong bổn phận con người phải làm các việc lành phúc đức. Trong Bài Đọc
I, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô bổn phận phải đóng góp và cách
đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem: Vì họ đã lãnh nhận nhiều từ Thiên Chúa
và Giáo Hội, nên giờ họ cũng phải rộng lượng trả lại và cho đi. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu cảnh cáo những người làm phúc, cầu nguyện, và ăn chay để được tiếng
khen. Họ đã được con người trả ơn rồi, và sẽ không được phần thưởng từ Thiên
Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì Ngài ban tặng.
1.1/ Thái độ cần có về của
cải: Trước tiên, chúng ta cần nhận định: mọi
sự chúng ta có là thuộc về Thiên Chúa, chúng ta không phải là chủ của, mà chỉ
là những người quản lý. Nếu chúng ta chỉ là người quản lý, chúng ta phải biết
cách tiêu pha làm sao cho đúng; chứ không phải tiêu xài hoang phí của cải do
Thiên Chúa ban.
Thứ đến, của cải Thiên
Chúa ban là để xây dựng cho bản thân, cho gia đình, và cho xã hội, như thánh
Phaolô nói hôm nay: “Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ
ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc
thiện, theo như lời đã chép: Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công
chính của Người tồn tại muôn đời.”
Khi đã có của cải dư
thừa, người quản lý phải biết cách đầu tư để sinh lợi cho Thiên Chúa, cho tha
nhân, và cho chính mình. Anh phải biết rộng lượng cho đi, vì càng cho đi bao
nhiêu anh sẽ càng được cho lại bấy nhiêu. Thánh Phaolô dùng hình ảnh nhà nông:
“Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều.” Điều này
quá hiển nhiên, nếu người quản lý biết đầu tư đúng cách, anh sẽ thu về gấp bội.
Sau cùng, một trong những
điều ngăn cản con người không dám cho đi là sợ không có đủ của để lo cho mình
trong tương lai khi phải đối diện với thất nghiệp, tuổi già, bệnh tật … Thánh
Phaolô trả lời những người có mối lo này như sau: ”Đấng cung cấp hạt giống cho
kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho
anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào.”
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn cảnh cáo anh nhà giàu xây những vựa lúa to để tích trữ
của cải: “Đồ ngốc! ngay đêm nay Ta gọi ngươi, ngươi mang theo mình được gì?”
1.2/ Thái độ cần có khi
cho đi: Cách cho quan trọng hơn là của cho;
vì thế, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô: ”Mỗi người hãy cho tuỳ theo
quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ
dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.” Có ít nhất là ba thái độ khác nhau
khi con người làm phúc:
(1) Cho để được tiếng
khen: Đây là thái độ của những người làm phúc để được người ta khen ngợi. Một
thái độ như thế sẽ không được phúc lành của Chúa, vì họ đã được trả ơn rồi.
(2) Cho cách miễn cưỡng,
buồn phiền: Đây là thái độ của những người bị bắt buộc phải làm, bị gài vào
tình thế không thể từ chối, nên bắt buộc phải cho.
(3) Cho cách tự nguyện,
vui vẻ, và rộng lượng: Đây là thái độ của những người biết bổn phận của mình,
biết nhu cầu của người xin, và vui vẻ góp phần dâng hiến. Những người như vậy sẽ
được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.
2/ Phúc Âm: Cách thức đúng đắn khi làm phúc, cầu nguyện, và ăn chay.
Đây là ba bổn phận con
người phải làm để sinh lợi ích cho mình, chứ không phải những việc thặng dư:
làm cũng được hay không làm cũng được. Vì các kinh-sư, biệt-phái, và nhiều người
giả hình chú trọng đến hình thức bên ngoài để được người ta khen ngợi, Chúa dạy
các môn đệ hãy chú trọng đến ý hướng bên trong. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi
bí ẩn trong tâm hồn, Ngài sẽ cho lại phần thưởng.
2.1/ Làm phúc: Chúa Giêsu dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải
coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.”
(1) Thái độ không nên
làm: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu
diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh
em, chúng đã được phần thưởng rồi.”
(2) Thái độ nên làm:
”Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố
thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại
cho anh.”
2.2/ Cầu nguyện
(1) Đừng cầu nguyện
cho người ta thấy: Chúa dạy: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức
giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã
tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.”
(2) Cầu nguyện với
Thiên Chúa: ”Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện
cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những
gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
2.3/ Ăn chay
(1) Đừng ăn chay để lấy
tiếng khen: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng
làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh
em, chúng đã được phần thưởng rồi.”
(2) Ăn chay để người
khác có của ăn: ”Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,
để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín
đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Biết cho đi là biết
cách đầu tư cho mình và cho gia đình. Chúng ta chú trọng rất nhiều đến cách đầu
tư để lo tương lai vật chất cho con cái; mà rất ít khi để ý đến đầu tư để sinh
lợi ích tinh thần cho mình và cho những người trong gia đình của mình.
– Cùng một việc thiện
chúng ta làm có thể sẽ không sinh lợi ích thiêng liêng gì cho chúng ta cả nếu
chúng ta chú trọng đến tiếng khen của người đời. Chúng ta hãy làm tất cả vì
lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, để chính Thiên Chúa ban tặng phần thưởng
cho chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
19/06/2019 – THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Th. Rô-moan-đô, viện phụ
Mt 6,1-6.16-18
TRÁNH THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có
phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em,
Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí…, khi cầu nguyện…, khi ăn chay…,
chớ làm như bọn đạo đức giả …” (Mt 6,1.2.5.16)
Suy niệm: Những lời Chúa dạy trên
đây sao mà gắt gao quá, phải không bạn? Khi làm việc lành phúc đức tôi đã hy
sinh cái lợi, cái thú rồi thì ít ra tôi cũng được phép kiếm chút danh chứ? Câu
trả lời của Chúa là ‘KHÔNG!’ Chúa nói rõ: làm việc đạo đức mà cầu danh thì đấy
là đạo đức giả. Điều Chúa muốn, đó là chúng ta thực thi thánh ý Ngài với ý thức
rằng “chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy
thôi” (x. Lc 17,10). Các Sách Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su đã gặp gỡ, tiếp xúc
với rất nhiều loại người; nhưng gặp rắc rối là với những kẻ đạo đức giả – chứ
không phải với những người tội lỗi thật!
Mời Bạn: Nhìn lại các việc lành
phúc đức của mình xem có còn pha phôi ít nhiều các động cơ vị kỷ và các hình thức
khoe khoang (đôi khi rất tế nhị) hay không. Chúa mời gọi chúng ta tinh lọc tất
cả những chất cặn ấy, để cuộc sống đạo của chúng ta phản ảnh ĐẠO của Chúa Ki-tô
cách trung thực hơn.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành 5 phút kiểm
điểm cuối ngày, trước khi đi ngủ, để đặc biệt rà soát xem: Ngày hôm nay tôi đã
đạo đức giả trong những việc nào, những trường hợp nào? Bạn xin lỗi Chúa và rút
lấy bài học kinh nghiệm cho chính mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
xin giúp chúng con biết sốt sắng làm các việc lành phúc đức, và biết làm với một
tấm lòng khiêm tốn, đơn sơ, chân thành. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Đấng thấu suốt những gì kín đáo (19.6.2019
– Thứ Tư Tuần 11 TN)
Suy niệm:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.
Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
(R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG SÁU
Tình Yêu Hôn Nhân
Và Gia Đình Kitô hữu
Nơi người Kitôhữu, vai
trò làm cha làm mẹ trước hết là một thực tại luân lý và tâm linh. Người ta chỉ
cần có mấy tháng để đưa một em bé vào đời, nhưng trọn cả đời người cũng không đủ
để hoàn thành việc nuôi dạy đứa con. Thật vậy, có rất nhiều giá trị – cả nhân bản
lẫn siêu nhiên – mà cha mẹ phải truyền đạt cho con cái mình. Bởi vậy, hành vi
trao ban sự sống của cha mẹ có một chiều kích hoàn toàn nhân bản. Và điều này
đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn, trí phán đoán, sự khéo léo và tình yêu
thương mấy cũng không vừa. Đó là nẻo đường mà cả gia đình được mời gọi cùng
nhau bước đi từ ngày này sang ngày khác. Trong đó, mọi thành viên của gia đình
– cả cha mẹ lẫn con cái – sẽ trưởng thành ngày càng hơn. Quả vậy, các bậc cha mẹ
sống tư cách làm cha làm mẹ một cách đầy trách nhiệm sẽ khám phá thấy rằng
trong tình yêu hôn nhân của họ có những khía cạnh rất tuyệt vời mà họ vốn không
ngờ.
Những khía cạnh thâm
sâu ấy của tình yêu hôn nhân cho phép chúng ta nhìn thoáng thấy chân trời rộng
lớn ấy. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu giữa người nam và người nữ siêu vượt
trên kinh nghiệm về thời gian và nó tự mở ra tới viễn tượng sự phục sinh vinh
quang của thân xác, ở đó sự sinh sản thể lý sẽ không còn, nhưng mối kết hợp tâm
linh của hai tâm hồn sẽ vẫn tồn tại.
Trong ánh sáng này,
hình ảnh của Giu-se được nhận thấy có một ý nghĩa phi thường. Vì trong cuộc hôn
nhân trinh khiết giữa ngài với Đức Trinh Nữ Maria, một cách nào đó ngài báo trước
kinh nghiệm trọn vẹn về thiên đàng. Ngài cho chúng ta thấy sự phong phú của
tình yêu phu phụ được xây dựng trên những hòa điệu thâm sâu của linh hồn và được
nuôi dưỡng bằng nguồn mạch yêu thương không bao giờ cạn kiệt.
Đây là một bài học rất
có ý nghĩa cho thời đại chúng ta – một thời đại mà gia đình thường lâm vào khủng
hoảng chỉ vì tựa vào một thứ tình yêu thiếu hẳn chiều sâu và sự phong phú này.
Đàng khác, gia đình hôm nay in hằn những rối rắm, những nhấn mạnh thái quá đến
bản năng và những sự lôi cuốn bên ngoài. Đành rằng bản năng và những lôi cuốn
bên ngoài rất quan trọng, nhưng chúng không thể là nền tảng của tình yêu hôn
nhân đối với các đôi vợ chồng Kitôhữu. Chúng ta hãy học lấy gương mẫu của Thánh
Giu-se.
“Này con, sao con nỡ
làm thế? Kìa cha con và mẹ đã lo lắng tìm con” (Lc 2,48). “Cha con” – đó là
Thánh Giu-se, chồng của Mẹ Thiên Chúa, và trước mặt người đời là cha của Giê-su
Na-da-rét, Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa. Câu nói trên là một lời khiển trách rất
bình dị, rất ‘người’. Nhưng, trên tất cả, câu nói ấy bày tỏ mối ưu tư. Nỗi ưu
tư này chính là đặc trưng của vai trò làm cha làm mẹ, từ khoảnh khắc thụ thai đứa
con trong cung lòng người mẹ, xuyên qua tuổi ấu thơ và cả cho đến tuổi trưởng
thành. Mối ưu tư ấy của cha và mẹ há không phải là phản ảnh của sự quan phòng
thần linh đó sao?
Và rồi, một câu nói
khác nữa, lần này là của Đức Giê-su: “Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong
nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu nói của Giê-su, người con, nói với cha mẹ mình
– là Giu-se và Maria. Câu nói ấy vén mở cho thấy rằng ở giữa mối ưu tư nói trên
của cha và mẹ, vẫn có những khả năng cho đứa con lớn lên, vẫn luôn có khả năng
cho tiếng gọiđến từ Thiên Chúa: “Con phải ở trong nhà Cha con…”
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19/6
Thánh Rômualđô, viện
phụ
2Cr 9, 6-11; Mt 6,
1-6. 16-18.
LỜI SUY NIỆM: “Khi làm việc
lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng
không, anh em sẽ chẳng đươc Cha của anh em Đấng nự trên trời ban thưởng.”
Những lời căn dặn của Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy trong việc làm phúc
đức như bố thí, ăn chay và cầu nguyện đều phải quy hướng về Chúa Cha, Đấng ngự
trên trời; Đấng thấu suốt những gì kín đáo, khác với những gì muốn được người
ta thấy.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tâm trí chúng con trong các việc đạo đức luôn hướng đến
phần thưởng đời đời mà chính Chúa ban thưởng; chứ đừng trông cậy vào lời khen
ngợi của thế gian.
Mạnh Phương
19 Tháng Sáu
Thế Ư?
Hakuin là một thiền
sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ
con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng
chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng,
do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ
la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều…
Nhưng vốn điềm
tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: “Thế ư?”. Ai cũng nghĩ đó là một cách
chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu
nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc
chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính
đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm
sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người
cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe tin này, ai ai
trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng
kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến
chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh
danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội
và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: “Thế ư?”.
Hai tiếng ” Thế ư?” của
thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng “Xin
vâng” của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và
chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể
hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu
không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương
trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con
người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có
nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người
vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một
chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có
nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn
luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục
mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét