30/06/2019
Chúa Nhật 13 Thường Niên năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: 1 V 19, 16b. 19-21
"Êlisê đi theo Êlia".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng
Êlia rằng: "Êlisê, con ông Saphát, người Abel-Mêhula, ngươi hãy xức dầu
phong y làm tiên tri thế ngươi".
Êlia ra đi tìm gặp Êlisê con ông
Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười
hai. Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông. Lập tức ông bỏ bò
lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: "Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi
theo ngài". Êlia nói với ông: "Ngươi đi đi, rồi trở lại, ta có làm gì
ngươi đâu?" Êlisê rời Êlia, rồi bắt một đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi đốt
quay thịt cho dân ăn. Ðoạn ông đi theo làm đầy tớ Êlia.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp
của con (c. 5a).
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa,
vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con; Chúa là phần
gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho
con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con
luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao
núng. - Ðáp.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn
con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng
bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều
hư nát. - Ðáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối
trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu
Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Gl 4, 31b - 5, 1. 13-18
"Anh em được kêu gọi để được tự
do".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín
hữu Galata.
Anh em thân mến, chính để chúng ta được
tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt
dưới ách nô lệ một lần nữa.
Hỡi anh em, anh em được tự do, nhưng đừng
lấy nê tự do mà sống theo xác thịt; trái lại, anh em hãy lấy bác ái của Thánh
Thần mà phục vụ lẫn nhau. Vì chưng, tất cả lề luật tóm lại trong lời này:
"Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Nhưng nếu anh em cắn
xé và phân thây nhau, anh em hãy coi chừng kẻo huỷ diệt nhau. Tôi nói điều này
là: Anh em hãy sống theo thần trí, và đừng tìm thoả mãn theo đam mê xác thịt nữa.
Vì đam mê xác thịt thì chống thần trí, và thần trí thì chống lại xác thịt; giữa
đôi bên có sự chống đối nhau, khiến anh em không thi hành được những điều anh
em mong muốn. Nhưng nếu anh em được thần trí hướng dẫn, anh em không còn sống
dưới lề luật nữa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin
hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 51-62
"Người cương quyết lên đường đi
Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất
khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa
tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị
mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên
Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy,
Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng
Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào
xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người
ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng:
"Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng:
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu".
Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin
cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ
chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người
khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ
giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày
mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Làm nên một thân thể Chúa
Giêsu
Tiếp theo chương trình giáo dục đời
sống Kitô hữu của chúng ta, sau khi đã cho chúng ta thấy rõ các mầu nhiệm của
Chúa chịu chết, sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống, Lời Chúa hôm nay gợi
lên nhiều tư cách mà người tín hữu phải có. Chúng ta hãy quy nhiều điều lại
thành một mối và bảo rằng: người muốn theo Chúa phải biết từ bỏ tất cả để được
tự do như những con cái Thiên Chúa.
Ðó cũng chỉ là theo gương Chúa
Kitô, kết hợp với mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Người, để trở thành Kitô hữu
và trở nên Kitô hữu hoàn toàn hơn. Ðòi hỏi từ bỏ này đã được câu chuyện Êlisê
báo trước; rồi được chính Ðức Giêsu xác định, và thánh Phaolô trong thư gởi
giáo đoàn Galát khuyến khích chúng ta đem ra thi hành.
1. Êlisê Nêu Gương Từ Bỏ
Bài Sách Các Vua đọc trong thánh
lễ hôm nay đưa chúng ta trở về một giai đoạn đen tối trong lịch sử dân Chúa.
Vua Israen bấy giờ cấu kết với dân ngoại cưới một công chúa dân ngoại về làm
hoàng hậu. Bà này đem tà giáo vào cung điện, cổ võ việc sùng bái ngẫu tượng và
đàn áp chính giáo. Tiên tri Êli đứng ra phản đối, kêu gọi dân chúng đừng đi vào
con đường tội lỗi ấy. Nhưng ảnh hưởng của kẻ có quyền vẫn thắng. Êli phải
"liều lĩnh" thách đố, xin một dấu hiệu bởi trời xuống xác nhận đạo nào
là chân thật. Và chúng ta biết câu chuyện xảy ra trên núi Camêlô. Bàn thờ tà
giáo vẫn nguội lạnh; còn bàn thờ của Êli đã lập tức được lửa trên trời xuống
thiêu đốt lễ vật. Êli thắng... Nhưng để trả thù, hoàng hậu ngoại đạo sai người
lùng bắt. Êli phải vội vã trốn đi. Ông lên núi Horeb chỉ muốn chết đi cho rồi
vì thấy sứ mạng tiên tri của ông chẳng đi đến đâu trước sức mạnh của vua quan
thời bấy giờ.
Thiên Chúa an ủi ông. Không những
Người cho Thiên Thần mang lương thực đến bồi dưỡng ông, mà còn sai ông đi xức dầu
cho Êlisê làm tiên tri kế nghiệp ông, làm chứng rằng sứ mạng của ông sẽ được tiếp
tục và sẽ thành công.
Như vậy câu chuyện này trước hết
có giá trị đem lại tin tưởng cho Êli, cho mọi ngôn sứ và tông đồ của Chúa, cho
mọi người công chính mà đôi khi bị cám dỗ nản lòng. Thiên Chúa không bỏ rơi những
người như vậy. Người chúc phúc cho tương lai của họ vì sứ mạng của họ sẽ tiếp nối
cho đến khi hoàn tất.
Áp dụng câu chuyện này vào mùa
sau Tử nạn - Phục sinh, chúng ta có thể coi đây như là lời cam kết của Thiên
Chúa đối với công việc cứu thế của Ðức Giêsu Kitô. Thập giá Người đã chịu không
phải là một thất bại, nhưng là khí cụ cứu độ. Sứ mạng của Người sẽ được tiếp tục
trong Hội Thánh... nhưng phải có những người như Êlisê.
Ông này là một nông dân đang cày
ruộng, có bản dịch nói ông có 12 cặp bò và đang dẫn cặp bò thứ 12. Có bản lại bảo:
Ông phải cày 12 "công" ruộng và vừa xong công đất cuối cùng. Thực ra,
ý tưởng chỉ là một vì người ta quen tính mỗi cặp bò phải làm một công đất, và
như thế là Êlisê là một nông dân có đất và làm việc chăm chỉ. Ông lại vừa làm
xong công việc vất vả để có thể nói, bây giờ sắp được ngồi hưởng huê lợi.
Nhưng chính lại là lúc Êli đi
qua. Cũng như sau này Ðức Giêsu sẽ đến gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khi họ
vừa kéo lưới đầy cá vào bờ để sắp sửa đem bán trên chợ. Họ sẽ phải lập tức bỏ tất
cả mọi sự để đi theo Chúa. Vậy thì hôm nay Êlisê cũng phải làm như vậy.
Thái độ của Êli hơi khó hiểu. Ông
đi qua thấy Êlisê vừa cày xong, ông tung áo khoác phủ lên Êlisê, rồi cứ tiếp tục
đi. Nhưng Êlisê đã hiểu. Áo khoác của nhà tiên tri tung lên và rơi xuống trên
con người của ông là dấu hiệu nhà tiên tri muốn chụp lấy con người và đời sống
của ông, để trối sứ mạng tiên tri cho ông; hơn nữa, để trối chính tinh thần của
Êli cho ông. Êlisê hiểu như vậy nên vội vã chạy theo, xin phép được về thăm nhà
đã, rồi sẽ đi với Êli.
Chúng ta hãy để ý đến sự việc tiếp
theo. Êlisê ngả bò thui trên đống lửa vừa nhóm lên bằng chính các thân cây cày
bừa ông đã dùng để cày bừa ruộng đất. Ông muốn thết bà con một bữa ăn trước khi
lên đường. Cử chỉ của ông sau này một phần nào cũng được Lêvi tức Mátthêu bắt
chước. Ông này đang ngồi thu thuế. Ðược Chúa gọi, ông đứng lên từ bỏ tất cả, rước
Chúa về nhà tiếp đãi bạn bè, rồi đi theo Người.
Cử chỉ đãi ngộ này nói lên sự vui
mừng gặp được ơn gọi. Nhưng khi lấy chính các thân cày bừa đốt đi làm lửa thui
các con bò mình vẫn dùng để cày bừa ruộng đất, Êlisê muốn làm chứng đã dứt
khoát từ bỏ nghề cũ, từ bỏ mọi sự, từ bỏ chính cả những phương tiện vẫn nuôi sống
mình, để từ nay, hoàn toàn chỉ sống cho lý tưởng. Ông thật sự đã từ bỏ con người
và nếp sống cũ để mặc lấy con người và nếp sống mới. Ông còn mãi mãi treo cao tấm
gương sáng ngời cho mọi thế hệ những người muốn theo Chúa, trong đó có tất cả
chúng ta. Ðức Giêsu muốn làm hoàn tất mọi lời tiên tri; nên hôm nay Người đã
xác định với chúng ta trong bài Tin Mừng về những gì chúng ta phải từ bỏ.
2. Chúa Giêsu Dạy Phải Từ Bỏ Những
Gì
Luca viết rằng: đã đến buổi Ðức
Giêsu siêu thăng, Người liền quả cảm đi lên Giêrusalem. Người biết đã đến lúc sẽ
bị treo lên thập giá, đồng thời cũng sẽ là lúc được cất nhắc về Trời. Người
cương quyết đi lên Giêrusalem để chịu chết cũng như để vượt qua. Người chấp nhận
đau khổ, chứ không trốn tránh. Nhưng các môn đệ có như vậy không?
Họ đã từ bỏ mọi sự mà theo Người.
Nhưng có thể nói họ mới chỉ đã bỏ cái bề ngoài thôi. Còn tâm hồn họ thì chưa quả
cảm và quyết liệt đâu. Và như vậy sẽ rất nguy, vì họ có thể đã từ bỏ những sự
này để mong được những sự khác to lớn hơn, quý giá hơn mà họ tưởng cũng chỉ nằm
trên bình diện của cuộc đời trần gian này. Bề ngoài họ đã là những Êlisê, vì họ
cũng đã từ bỏ lưới thuyền và bà con thân thuộc để đi theo Ðức Giêsu. Nhưng, Người
còn đòi họ phải từ bỏ chính bản thân họ nữa, như Người đang đi lên Giêrusalem
đây để từ bỏ mạng sống mình.
Các môn đệ chưa sẵn sàng như Người.
Thái độ của Gioan và Giacôbê làm chứng điều này. Hai ông có óc muốn được
"ngồi" tức là "được cai trị" ở hai bên tả hữu Ðức Kitô
trong vinh quang của Người. Họ muốn đưa mình lên chứ đâu có muốn rơi mình xuống
thành hạt lúa gieo xuống đất như Ðức Giêsu đã có lần ví sự chết của Người. Và
các môn đệ khác cũng vậy thôi. Ngồi ở bàn tiệc ly, họ sẽ tranh luận ai là người
lớn nhất trong Nước Trời. Tức là người nào cũng muốn "vinh thân". Thế
nên hôm nay thấy dân Samari không muốn tiếp rước Ðức Giêsu, họ muốn xin lửa trời
xuống đốt cả thành này.
Có việc gì mà họ phải tức đến như
vậy? Danh dự của Thầy mình bị xúc phạm ư? Không phải thế. Nếu chỉ có một mình
Người đến, thì cần gì Người phải cho báo trước? Và dân Samari sẽ chẳng để ý đến
việc Người đi qua và ở lại ít ngày. Sách Tin Mừng Gioan kể đã có lần Người đã
tiếp chuyện một phụ nữ ở Samari và dân thành đã mời Người với môn đệ ở lại hai
ngày (4,40).
Hôm nay có những lý do khác thường.
Ðức Giêsu lên Giêrusalem để dự lễ Vượt qua. Người đi công khai và rõ ràng với mục
đích đó. Người còn đi với cả một đoàn đông đảo. Dân Samari ghét những cuộc hành
hương như thế này. Có thể nói cả năm, không khi nào họ khó chịu với người Do
Thái bằng các dịp những người này hành hương lên Giêrusalem chầu lễ. Mối bất
hòa sâu xa giữa hai dân được khơi lại vì một bên thì bảo chỉ có Giêrusalem là
có phụng tự chân thật; còn bên kia thì bảo thờ phượng ở núi Samari đây cũng được...
Chưa đến lúc Chúa Giêsu leo lên cây thập giá để kéo hai dân lại gần nhau, trong
một phụng vụ duy nhất nơi thân thể của Người.
Do đó Người chấp nhận thái độ của
dân Samari hôm nay. Người đi sang làng khác khi không được tiếp rước.
Còn các môn đệ thì không chịu được.
Họ không thể chấp nhận có những người dám cản trở bước đường họ đi.
Dĩ nhiên, họ không dám nghĩ đây
là bước đường của họ. Họ đang đi theo Chúa. Họ đang làm việc cho Người. Họ đang
đưa đường lối của Người đi xa hơn. Họ tức giận "Vì Chúa" và muốn thay
thế Người, bắt chước Êli xưa, xin lửa trời xuống đốt thành thù nghịch này, làm
như thể Người cũng chỉ là một Êli hay một tiên tri nào khác. Nhưng Chúa không
phải như thế. Người đến để cứu rỗi chứ không phải để sát phạt. Và con đường Người
đang đi là con đường từ bỏ bản thân để cứu thế. Môn đệ và những ai muốn theo
Người phải hiểu như vậy và phải đi vào đường hẹp của mầu nhiệm thập giá.
Lợi dụng có kẻ xin đi theo Người,
Chúa Giêsu đem bài học ấp ủ trong lòng ra để dạy môn đệ. Người nói: "Con
cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có nơi tựa đầu". Người cho
môn đệ biết họ sẽ không thấy Người ngự trên ngai và họ đừng mong được danh vọng
thế gian khi đi theo Người. Có thể Ðức Giêsu đã muốn gợi lên số phận của Người
khi bị treo trên thập giá sẽ không có nơi dựa đầu.
Ðối với Luca, câu nói đây còn diễn
tả đúng cuộc đời "truyền giáo không ngừng" của Chúa (và của Phaolô
sau này) không bao giờ dừng lại nơi nào có thể gọi là nhà riêng của mình. Dù
sao Lời Chúa nói hôm nay cũng mạnh mẽ và quyết liệt. Những người đi theo Chúa
phải dứt khoát từ bỏ mọi sự và không được có ý tưởng được yên thân, huống nữa
là vinh thân ở đời này.
Hai câu chuyện sau dường như chỉ
diễn tả thêm ý tưởng của câu chuyện vừa xảy ra. Một người khác xin Ðức Giêsu
cho phép về nhà làm lễ an táng cha rồi sẽ đi theo Người. Nhưng Người bảo hãy để
kẻ chết chôn kẻ chết, còn "anh cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa".
Câu trả lời làm chúng ta sửng sốt.
Ðức Giêsu tàn nhẫn đến như vậy sao? Chắc không phải như thế. Trước hết câu chuyện
phải làm chúng ta bỡ ngỡ. Vì sao một người có cha vừa nằm xuống có thể có mặt
trong đám đông đi theo Ðức Giêsu để Người nhìn thấy và gọi anh? Hay là ở đây,
Luca muốn công kích tục lệ hủ lậu làm ma chay cả tháng trời và tốn phí rất nhiều?
Ðúng hơn tác giả muốn nhấn mạnh và đối chọi việc rao giảng Nước Thiên Chúa là sứ
mệnh vinh quang cao cả không được đem gắn liền vào việc tang chế là hình ảnh gợi
lên hình phạt của tội lỗi. Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, tức là để người thế
gian lo việc thế gian. Người đi rao giảng Nước Trời phải để hết lòng lo việc Nước
Trời. Không nên lấy bình cũ đựng rượu mới; không được giữ não trạng cũ khi đi
theo Chúa.
Câu chuyện thứ ba cũng phải hiểu
như vậy. Có người xin về thăm gia đình trước khi đi theo tiếng Chúa gọi. Rõ
ràng Luca có vẻ muốn nhớ lại chuyện Êlisê như bài đọc sách các Vua hôm nay kể.
Bấy giờ Êlisê được phép về thăm nhà.
Còn ở đây, Ðức Giêsu từ chối và
tuyên bố: "Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lại sau là người không xứng đáng
với Nước Thiên Chúa". Chắc chắn Luca muốn nói rằng: Tân Ước đòi hỏi hơn Cựu
Ước. Nước Trời đã đến, không thể chậm chạp được nữa. Không được có một bận tâm
nào khác khi muốn đi theo Chúa. Người đang quả cảm lên Giêrusalem làm công việc
cứu thế. Ai làm chậm bước chân Người đều bị bỏ lại đàng sau. Những môn đệ muốn
đi theo Người phải từ bỏ tất cả và hy sinh tất cả để đi vào con đường thánh
giá, con đường Người đang đi.
Mấy câu chuyện ở đây đã dùng hình
thức táo bạo nhất để khẳng định tính chất khẩn trương và đòi hỏi của ơn gọi.
Hiểu như vậy, chúng ta dễ chấp nhận
những hình thức kia; và thấy rằng quả thật Ðức Giêsu đòi hỏi người ta không được
vịn vào cớ nào, lý nào, luật nào để cản trở Nước Thiên Chúa.
Ðó cũng là điều mà Phaolô muốn
nói với chúng ta trong bài thư hôm nay.
3. Phaolô Kêu Gọi Chúng Ta Hãy Giải
Thoát Mình Khỏi Mọi Cầm Giữ
Người nhắc nhở giáo dân Galát nhớ
rằng tất cả chúng ta đã được Chúa Kitô giải thoát để thật sự sống tự do như con
cái Thiên Chúa, thế mà có những người để mình lại rơi vào những thứ kìm kẹp cũ.
Ở thời Phaolô không thiếu gì giáo dân lại mắc mưu người Do Thái. Họ tưởng lại
phải chịu cắt bì và giữ luật Môsê mới được cứu độ. Trong bài thư hôm nay,
Phaolô nhắc lại việc Ðức Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi luật pháp cũ và các
tục lệ của Do Thái giáo.
Chúng ta không phải lo về phương
diện này. Nhưng áp dụng lời Phaolô rộng rãi ra, chúng ta cũng hãy nhớ rằng Chúa
Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi những quan niệm sai lầm về đời sống. Những
Kitô hữu nào còn tin nhảm nhí và sợ hão huyền là những người lại đã rơi vào những
trò ma chước quỷ của thời trước khi chịu thánh tẩy. Và Công đồng Vatican II có
những giáo lý soi sáng hướng dẫn chúng ta sống đạo một cách mới mẻ và chân thật.
Thế mà nhiều người vẫn không chịu tìm hiểu và nghe giảng để canh tân tâm hồn và
đời sống cho mới mẻ. Họ còn bị cầm giữ trong những lề lối cũ và chưa biết sống
theo đà tiến của Ơn Thánh Thần hằng làm việc trong Hội Thánh.
Nhưng trong bài thư này, Phaolô
cũng nói đến những sự ràng buộc khác là xác thịt. Khi chịu phép rửa tội, chúng
ta đã đóng đinh xác thịt vào thánh giá Chúa Kitô. Chúng ta đã từ bỏ nếp sống có
nhiều ham muốn không chính đáng của xác thịt. Thế mà rồi chúng ta lại để cho
xác thịt đòi hỏi lại. Chúng ta lại làm những việc của xác thịt mà tựu trung chỉ
là những hình thức ích kỷ muốn vinh thân chứ không muốn phục vụ, gây ra nếp sống
xã hội chèn ép nhau chẳng hạnh phúc gì. Ðang khi lẽ ra chúng ta phải sống theo
tinh thần và Thần Khí Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Chúng ta phải tiếp tục cứu thế
bằng việc xả thân xây dựng hạnh phúc chân thật cho xã hội loài người được cứu vớt.
Nhưng tiếc thay, chúng ta lại bỏ đường lối Phúc Âm đã giải thoát chúng ta khỏi các
đòi hỏi xác thịt. Chúng ta trở về suy nghĩ, ham muốn, hành động y như thể chưa
bao giờ chịu phép rửa tội. Và như vậy chúng ta lại rơi vào vòng tội lỗi, bỏ phí
ơn giải thoát của Ðức Giêsu Kitô.
Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta đã
cầm cày thì đừng ngó lại đằng sau nữa, đã đi theo Chúa thì đừng trở về những
hành động của thế gian xưa nữa, kẻo không những không được như Êlisê và các môn
đệ ngày xưa của Chúa, mà còn làm mất uy tín đạo vì nếp sống xã hội ích kỷ thiếu
lòng thương yêu nhau. Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi là để
chúng ta sống theo Thần Khí của Người là Thánh Thần yêu thương đang thúc đẩy
con cái của Chúa phải xả thân cứu thế.
Ðiều này thật rõ ràng trong thánh
lễ. Chính ở đây chúng ta phải họp để cùng với mọi anh chị em dự lễ làm nên một
thân thể Chúa Giêsu. Mình Thánh Chúa chúng ta dâng và lãnh nhận rõ ràng muốn
xây dựng tình hiệp nhất. Nhưng chúng ta chỉ tham dự thánh lễ chân thật và hiệu
nghiệm khi bằng lòng đi vào mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh, muốn chôn vùi, từ bỏ
con người cũ và nếp sống cũ để mặc lấy con người và nếp sống mới do Thánh Thần
ban cho. Ai thực hành như vậy sẽ thấy rõ ràng được nhẹ nhõm giải thoát. Các đòi
hỏi xác thịt hết giam hãm họ và họ sẽ được tự do của con cái Thiên Chúa. Chúng
ta hãy cố gắng trở nên những con người như vậy.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa
Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: 1 Kgs 19:16b, 19-21; Gal
4:31b-5:1, 13-18; Lk 9:51-62.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ơn gọi và các điều
kiện phải có
Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta
có mặt trong cuộc đời là cho một lý do, vì Ngài không làm chuyện vô ích. Từ việc
chọn Mẹ Maria để cưu mang Con Chúa, Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đức Kitô, đến
cha sở họ Ars đưa tội nhân về cho Chúa, Mẹ Terêxa giúp đỡ các người nghèo, chị
Terêxa nhỏ chuyên cầu nguyện cho Giáo Hội. Mỗi người chúng ta đều có một ơn gọi
đặc biệt; ơn gọi đó là một phần quan trọng, dính liền với sự hiện hữu của chúng
ta. Chúng ta phải xin Chúa Thánh Thần soi sáng tìm cho ra và hoàn thành sứ vụ
Chúa trao phó.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu lên
những ơn gọi khác nhau của mỗi người và các điều kiện phải có để chu toàn ơn gọi
ấy. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah vâng lời Đức Chúa đi tìm Elishah và xức dầu
tấn phong cho ông làm người thay thế mình để tiếp tục sứ vụ ngôn sứ. Khi
Elishah nhận ra điều đó, ông xin phép về nhà giã từ cha mẹ, giết bò làm của lễ
hy sinh, và đập tan cày bừa làm củi thiêu của lễ, rồi lên đường theo Elijah.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Galat ý thức về ơn gọi làm
Kitô hữu của họ. Khi chịu Phép Rửa, họ được gọi quên mình để sống cho tha nhân,
họ được gọi để chết cho xác thịt và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Trong Phúc Âm, qua những hoàn cảnh khác nhau, Đức Kitô liệt kê những điều kiện
căn bản người môn đệ cần có. Họ được mời gọi để sống yêu thương, không quá lo lắng
của cải vật chất, hay lo cho cha mẹ và gia đình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ơn gọi ngôn sứ: Elishah đứng dậy đi theo ông Elijah và phục vụ
ông.
1.1/ Theo lời Đức Chúa, Elijah chọn
Elishah làm người thay thế mình.
Trình thuật hôm nay tường thuật
ơn gọi của Elishah. Theo lời của Đức Chúa, ngôn sứ Elijah chọn Elishah và huấn
luyện ông thành người tiếp tục công việc ngôn sứ. Mười hai cặp bò chứng tỏ
Elishah thuộc gia đình rất giàu có; vì gia đình giầu chỉ có một hay hai con.
Khi ngôn sứ Elijah ném tấm áo choàng của mình lên người ông Elishah, ông
Elishah hiểu ngay cử chỉ này. Nó tương đương với lễ nghi mặc áo và vào nhà tập
của các dòng tu ngày nay. Lời yêu cầu của ông Elishah bình thường, vì ông
Elishah phải từ giã cha mẹ. Câu trả lời của Elijah hơi khó hiểu; nhưng có lẽ muốn
nói “Tôi không ngăn cản anh làm chuyện đó!”
1.2/ Thái độ dứt khoát của Elishah:
Hành động của Elishah là một hành
động can đảm. Ông không tiếc nuối của cải vì ông biết đó là ơn lành Đức Chúa đã
ban cho gia đình ông. Ông “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt
đãi người nhà.” Việc làm này chứng tỏ ông sẵn sàng chấm dứt nghề nghiệp của
mình để lên đường theo ngôn sứ Elijah trong sứ vụ mới. Ông cũng chẳng hỏi
Elijah về nơi ăn chốn ở, nhưng sẵn sàng theo vì ông tin tưởng Thiên Chúa sẽ
quan phòng mọi sự cho những kẻ làm việc cho Ngài.
Chúng ta có thể học tấm gương anh
hùng của Elishah. Một khi đã quyết định theo Chúa, chúng ta phải dứt khoát và mạnh
dạn khước từ tất cả: cha mẹ, sự nghiệp, tài sản... Nếu không dứt khoát, chúng
ta sẽ bị cám dỗ để trở về. Thái độ “chân trong, chân ngoài” rất khó để một người
có thể trung thành theo Chúa đến cùng.
2/ Bài đọc II: Ơn gọi Kitô hữu: Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.
2.1/ Người Kitô hữu được kêu gọi làm
con cái của tự do.
Thánh Phaolô viết: “Thưa anh em,
chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do.
Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em
hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”
Quan niệm của thánh Phaolô về tự
do hơi khó hiểu vì nó liên quan đến Lề Luật. Trong Thư Rôma, người cắt nghĩa rõ
ràng hơn: Đức Kitô đã đến để giải phóng chúng ta khỏi làm nô lệ cho Lề Luật,
cho tội lỗi, và cho sự chết. Ba điều này liên quan chặt chẽ với nhau: Để một điều
thành tội phải có luật cấm vi phạm, và nếu đã cố ý phạm tội, cái chết là điều
không thể tránh khỏi.
Nhiều người định nghĩa sai: “Tự
do là muốn làm gì thì làm,” rồi “lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt.”
Khi đã làm nô lệ cho xác thịt, con người sẽ thấy ngay họ không còn tự do nữa.
Ví dụ, một người có tự do để chơi
bài; nhưng khi đã nghiền chơi bài, họ không còn tự do để không chơi nữa. Họ biết
lấy tiền của vợ dành nuôi con để dùng đánh bài là điều không phải; nhưng không
thể đè nén lòng ham muốn để đừng làm chuyện ấy.
Tự do đích thực phải hướng con
người tới sự thật, tới yêu thương, tới điều thiện hảo, và tới sự sống. Nếu một
người nhân danh tự do để cắn xé nhau, người đó đã trở thành nô lệ cho tính xác
thịt, cho tội lỗi và sự chết.
2.2/ Người Kitô hữu được kêu gọi để
sống theo Thánh Thần.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em là hãy
sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính
xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí,
còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình
địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần
Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.”
Đây là những lời dạy phải được cắt
nghĩa đúng. Nhiều người đã buộc tội thánh Phaolô xúi dân phá bỏ Lề Luật mà
chính Ngài phải nhận là tốt lành vì Luật được Thiên Chúa trao ban qua Moses. Có
phải khi người tín hữu được Rửa Tội là họ không cần phải vâng phục Lề Luật nữa
không? Thánh Phaolô muốn chúng ta phân biệt hai lối sống:
(1) Sống theo tính xác thịt: là sống
theo sự dối trá, làm điều xấu xa (tội lỗi), ghét bỏ nhau, và đem lại sự chết.
Như đã nói ở trên tội và Lề Luật có liên quan mật thiết với nhau; nếu chúng ta
sống theo Lề Luật là chúng ta sống theo tính xác thịt. Một ví dụ sẽ làm sáng tỏ
vấn đề: Luật chỉ đòi con người làm những cái tối thiểu (ví dụ: xưng tội một năm
ít là một lần). Nếu chỉ làm những cái tối thiểu, làm sao tiến bộ trên đường
nhân đức và nên trọn lành được? Luật đòi bảo vệ công bằng; nhưng nếu chỉ làm
theo công bằng đòi hỏi, làm sao có bác ái yêu thương?
(2) Sống theo Thánh Thần: là sống
theo sự thật, làm điều tốt lành, yêu thương nhau, và đem lại sự sống. Khi sống
bác ái yêu thương, chúng ta không chỉ làm những điều tối thiểu Luật đòi hỏi,
nhưng còn vượt xa Luật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy các môn đệ con đường
trở nên trọn lành trong Matthew 5: “Người xưa dạy (Lề Luật): Mắt đền mắt răng đền
răng, còn Thầy dạy: Ai vả má bên phải, hãy đưa má bên trái nữa...”
Vì vậy, nếu một người sống theo
Thần Khí, họ chu toàn tất cả Lề Luật, vì họ làm những điều tốt lành mà Lề Luật
không đòi hỏi.
3/ Phúc Âm: Ơn gọi làm môn đệ: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn
anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
3.1/ Mục đích của việc theo Chúa:
Nếu một người muốn đi từ Galilee
lên Jerusalem, họ có 3 cách: Cách thứ nhất, đi theo đường ven biển. Cách này dễ
đi, nhưng phải leo núi rất dốc lên Jerusalem (3600+ ft). Cách thứ hai, băng qua
các làng mạc của người Samaria. Cách này dễ đi; nhưng sẽ gặp sự chống cự của
các người Samarians như Chúa Giêsu và các môn đệ gặp hôm nay. Cách thứ ba, đi dọc
theo sông Jordan tới Jericho, rồi leo núi lên Jerusalem. Cách này tương đối dễ
đi hơn cách thứ nhất, vì đường lên núi đỡ dốc thẳng hơn.
Hai môn đệ Giacôbê và Gioan chỉ dừng
lại ở mức độ công bằng: Các ông ghét bỏ ai ghét bỏ các ông, và yêu thương ai
yêu thương các ông. Nếu chỉ làm như thế, làm sao các ông có thể đem Tin Mừng
cho tất cả mọi người? Đó là lý do Chúa Giêsu quở trách các ông, Ngài huấn luyện
các môn đệ không phải để luận tội nhưng là để đem mọi người về cho Chúa.
3.2/ Thái độ phải có của người môn đệ
Đức Kitô:
(1) Không quá lo lắng đến nhu cầu
vật chất: Ngày xưa, giảng đạo từ thành này qua thành khác cách phổ thông và rẻ
tiền nhất là đi bộ: đi đến đâu giảng đến đó. Người môn đệ không thể “đi đến đâu
làm nhà đến đó” vì rất tốn thời gian mà tiền cũng chẳng có nhiều.
Chúa Giêsu không dấu những ai muốn
trở thành môn đệ của Ngài: Họ phải chấp nhận lối sống của khách lữ hành nay đây
mai đó. Họ phải chấp nhận lối sống đơn giản vì không thể mang nhiều đồ đạc theo
mình trên đường. Người ít đồ đạc nhất là người có thể đi xa nhất. Họ phải tin
tưởng Thiên Chúa sẽ nuôi những ai làm việc cho Ngài. Nếu tính toán chi li, họ sẽ
không thể lên đường. Đó là lý do Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời
có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
(2) Không quá lo lắng đến cha mẹ:
Trước tiên, chúng ta cần xác định Chúa Giêsu không dạy bất hiếu với cha mẹ vì
nó đi ngược lại giới răn thứ tư của Thập Giới, và chính Ngài cũng không bất hiếu
với cha mẹ Ngài. Ngài đã giao Đức Mẹ cho Thánh Gioan để có người chăm sóc khi
Ngài chết đi. Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là sự khẩn cấp của việc loan báo
Tin Mừng để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau tới.
Chúng ta không thể hiểu câu này
theo nghĩa đen, vì kẻ đã chết làm sao chôn kẻ mới chết? Điều Chúa muốn nhấn mạnh
ở đây: Nếu việc chôn cất cha mẹ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng, đừng cố gắng
để về. Thiên Chúa sẽ quan phòng cho có người chôn cất cha mẹ. Hơn nữa, đối với
những người có niềm tin, báo hiếu cha mẹ có thể làm qua những việc quan trọng
hơn như: dâng lễ, đọc kinh, và làm những việc lành phúc đức chỉ cho cha mẹ. Nếu
chỉ vì sợ tai tiếng “bất hiếu” mà về dự đám tang, người ấy không xứng đáng làm
môn đệ của Đức Kitô.
(3) Một khi đã theo Chúa, phải dứt
khoát và theo đến cùng: Một lần nữa, Chúa không khuyến khích việc bất hiếu. Nếu
gia đình ở gần, khoảng cách chỉ một thời gian ngắn có thể về tới như Elishah
trong bài đọc I, Chúa sẽ không ngăn cản. Điều Chúa ngăn cản ở đây dành cho những
người còn do dự và gia đình ở khoảng cách xa. Nếu về, người đó sẽ mất nhiều thời
gian, và nhất là sẽ bị ngăn cản bởi gia đình. Một khi đã quyết định theo Chúa,
một người phải dứt khoát như Elishah thì mới theo nổi: giết bò cày, phá cày làm
củi. Nếu còn lưỡng lự giữ lại để nếu đổi ý về sẽ còn việc để làm, người ấy sẽ
khó lòng vượt mọi khó khăn để theo Chúa đến cùng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa cho mỗi người chúng ta vào
cuộc đời là cho một mục đích. Chúng ta phải tìm ra và thi hành thánh ý Chúa.
- Ơn gọi căn bản nhất là ơn gọi
làm Kitô hữu. Ơn gọi này đòi chúng ta phải luôn sống theo sự hướng dẫn của
Thánh Thần để thực sự có tự do.
- Nếu Chúa gọi chúng ta trở thành
môn đệ làm việc cách riêng cho Ngài, chúng ta hãy khước từ tất cả: tài sản, gia
đình, ý riêng để chỉ chú trọng đến việc làm cho con người nhận ra và tin tưởng
nơi Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
30/06/2019
CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – C
Lc 9,51-62
Lc 9,51-62
LOAN BÁO TÌNH YÊU THƯƠNG
“Còn anh, hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa.” (Lc 9,60)
Suy niệm: “Hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa!” Đó là lệnh truyền, nhưng làm thế nào để loan
báo Triều Đại Thiên Chúa trong thế giới hôm nay? Làm thế
nào để thuyết phục nhân loại thời nay rằng thực tại được tuyên xưng trong niềm
tin của chúng ta là có thật? Thiên Chúa dường như ở xa khuất, còn chúng ta, những
con người sống với nhau, mặt chạm mặt hằng ngày, ít nhất có một việc chúng ta
có thể làm ngay, đó là yêu thương nhau, tha thứ cho nhau như Chúa yêu thương,
tha thứ cho chúng ta; là đối xử với nhau có tình có nghĩa, nhẫn nại và bao
dung. Sống như thế là chúng ta đã rao giảng cho thế giới biết rằng Thiên Chúa
là tình yêu và chân lý rồi đó. Sống yêu thương, chúng ta cho thấy rằng gương
sáng duy nhất đủ sức thuyết phục người khác kính thờ Thiên Chúa chính là thực
thi bác ái huynh đệ.
Mời Bạn: Nói như thế thì thật là dễ, nhưng thực hành được như thế mới là giá trị
đích thực. Mời bạn bắt mạch cuộc sống mình xem mình đã thực sự sống bác ái
huynh đệ hay chưa. Một trong những triệu chứng đó là: khi có ai đó làm phiền
lòng bạn, gây thiệt hại cho bạn, làm bạn tổn thương danh dự, bạn có tiếp tục
vui vẻ, yêu thương đối với người ấy không?
Chia sẻ cảm nhận của bạn khi bạn làm hoà hay đối xử tử tế với một
người đang có ác cảm với bạn? Bạn có thấy ơn Chúa đang hoạt động trong bạn
không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ với ý hướng loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin ban cho con sức mạnh của tình yêu Chúa, để con luôn có một con tim
trong sáng, một thái độ chân thành đối với mọi người.
(5 phút Lời Chúa)
TRƯỚC ĐÃ
Ðức Giêsu dạy ta can đảm
tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã. Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một? Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho
đúng
Suy niệm:
Theo một tôn giáo thường
được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một
con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng
đối với Kitô giáo (x.Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là
theo Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co
trong xứ Palestine
hay con đường đầy
chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy
Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x.Ga 14,6).
Theo đạo là theo một
ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như
Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Phần cuối của đoạn Tin
Mừng hôm nay
thuật lại chuyện ba người
muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối
cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta
dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải
đưa ra lời đáp trả của mình.
Người thứ nhất hăng
hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu
anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời
phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong
tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là
chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ
khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng
có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là
máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm
Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất
ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận
theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất
người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn
phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc
hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh
dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài
làm chúng ta bị sốc thực sự.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần
gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp
ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận
thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống
thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống
đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ
giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt
khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những
kỷ niệm quá khứ,
không bị cản trở bởi
những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo
cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều
lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận
hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta
sống vô cảm hay bất hiếu...
Ngài dạy ta can đảm
tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước
đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu
tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại
thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi
hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để
làm cái gì đó trước đã không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng,
khoái lạc
là những điều hấp dẫn
chúng con.
Chúng trói buộc
chúng con
và không cho chúng
con tự do ngước lên cao
để sống cho những
giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng
chúng con
khỏi sự mê hoặc của
kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được
phần nào
sự phong phú của
kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau
mắn và vui tươi
bán tất cả những gì
chúng con có,
để mua được viên ngọc
quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con
không bao giờ quay lưng
trước những lời mời
gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh
mặt
để tránh cái nhìn
yêu thương
Chúa dành cho từng
người trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn
Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG SÁU
Để Sống Trọn Vẹn, Chúng Ta Phải
Ký Thác Chính Mình Cho Thiên Chúa
Đức tin vào sự quan phòng thần
linh vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với chính ý nghĩa của đời sống con người. Người
ta có thể đối diện với cuộc sống khi họ nắm chắc rằng mình không phó mặc cho định
mệnh mù quáng. Thay vào đó, người ta có thể cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng Sáng
Tạo và là Cha của mọi người. Như vậy, đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa
giải phóng chúng ta khỏi sự sai lầm của thuyết định mệnh. Đức tin này được tóm
tắt trong phần mở đầu Kinh Tin Kính: “Tôi tin vào Thiên Chúa, là Cha Toàn
Năng.”
Đức tin ấy được nhấn mạnh trong
giáo huấn của Giáo Hội, nhất là nơi Công Đồng Vatican I và II. Chẳng hạn, Công
Đồng Vatican II dạy rằng Thiên Chúa là Đấng “có lòng quan tâm từ phụ đối với mọi
loài” (MV 24), cách riêng “đối với loài người” (MK 3). Một biểu hiện của mối
quan tâm từ phụ này chính là “luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên
Chúa – qua luật này, Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như
các hướng đi của cộng đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và yêu thương
của Ngài” (TDTG 3).
“Con người hiện hữu chỉ là do
Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà
luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa, con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý
một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Đấng tạo dựng mình” (MV 19).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30 – 6
Chúa Nhật XIII Thường
niên
1V 19,16.19-21; Gl
5,1.13-18; Lc 9,51-62.
Lời suy niệm: Đức Giêsu bảo:
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước
Thiên Chúa.”
Đối với Chúa Giêsu,
Người đặc biệt yêu thương những người tội lỗi và những người bị xã hội bỏ rơi,
và luôn mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận bất cứ ai đến với Người. Nhưng đối
với những người tự nguyện cọng tác với Người trong sứ mạng, thì Người đòi hỏi
phải có sự dứt khoát, từ bỏ mọi sự.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa
nghiêm khắc đòi hỏi người đi theo Chúa phải có sự dứt khoát từ bỏ tất cả; đứng
trước sự đòi hỏi này của Chúa, chúng con tin có ơn ban của Chúa trợ giúp để
chúng con có quyết định. Xin cho chúng con tin vào tình thương và ơn gọi của
Chúa để sẵn sàng dấn thân theo lời mời gọi của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 30-06: CÁC
THÁNH TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
CỦA HỘI THÁNH RÔMA
Các Thánh tử đạo tiên
khởi của Hội Thánh Rôma là nạn nhân của Bạo chúa Nêrô. Lệnh bách hại được ban
hành tiếp ngay sau vụ cháy ngày 18 tháng 7 năn 64. Không hiểu đâu là nguyên
nhân của tai hoạ khủng khiếp, lan rộng tới biên thùy Dalatin và Celius, tàn phá
thành đô suốt trong 6 ngày 7 đêm.
Nhưng Nêrô đã qui
trách nhiệm cho các Kitô hữu, phần lớn là nô lệ, những nô lệ đã được giải phóng
và những kiều bào ngoại quốc. Cuộc đàn áp thật bất công và tàn bạo. Các nạn
nhân bị bắt làm mồi cho thú dữ sâu xé hay bị thiêu đốt như những ngọn đuốc sống.
Thảm cảnh gây bất mãn đối với cả các lương dân như Tacite chẳng hạn.
Giáo hội đã muốn dành
ngày hôm nay, ngay sau lễ trọng kính hai thánh Tông đồ của Phêrô và Phaolô để
kính nhớ con số đông đảo các vị thánh tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Roma như
những bông hoa đầu mùa mà dâng lên Chúa.
Các Ngài cũng là những
nền tảng xây dựng cho Giáo hội bằng gương trung kiên với đức tin, bằng chính
dòng máu làm cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái.
(daminhvn.net)
30 Tháng Sáu
Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ
Vào khoảng năm
1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh
niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường
đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng
khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu
đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn
nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc
cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm
thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc
cầu ấy.
Ông giáo sư cầu
cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai
đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ
sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi
đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có
tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng
của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ
trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn
hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua
dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho
con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người
thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu
nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau.
Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ
nhau.
Ngài sinh ra trong một
gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại
thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người
cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu
của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc
trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét