31/07/2019
Thứ tư tuần 17 thường
niên
Thánh I-nha-xi-ô
Lôi-ô-la, linh mục.
Lễ nhớ
* Sinh năm 1491 tại
Lôiôla miền Can-ta-bơ-ri-a. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục
vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với
mấy người bạn, người đã sáng lập dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là
Dòng Tên (1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho dòng lan rộng
khắp châu Âu và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội
Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng.
Phương pháp linh
thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm
cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn.
Người qua đời ở
Rôma năm 1556.
BÀI ĐỌC I: Xh 34, 29-35
"Thấy mặt ông Môsê, họ sợ không dám đến gần".
Trích sách Xuất
Hành.
Khi ông Môsê từ trên
núi Sinai đi xuống, ông mang hai bia đá chứng từ; và ông không biết do sự đàm đạo
với Chúa, mặt ông sáng láng rực rỡ. Nhưng ông Aaron và con cái Israel thấy mặt
ông Môsê sáng láng rực rỡ, thì sợ không dám đến gần. Ông Môsê gọi họ, thì cả
Aaron lẫn các thủ lãnh hội đường mới quay lại. Sau khi ông nói chuyện với họ, tất
cả con cái Israel mới đến gần ông. Ông truyền lại cho họ tất cả những điều ông
đã nghe Chúa phán trên núi Sinai. Nói xong, ông lấy khăn che mặt mình. Khi ông
vào trước mặt Chúa và đàm đạo với Người, thì ông cất khăn cho đến lúc ông trở
ra và bấy giờ ông thuật lại cho con cái Israel những điều Chúa đã truyền dạy
ông. Lúc ông Môsê ra đi, họ thấy mặt ông sáng láng rực rỡ; nhưng khi ông nói với
họ, ông che mặt ông lại. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 98, 5. 6. 7.
9
Đáp: Thiên Chúa,
Chúa chúng ta, là Đấng Thánh (c. 9c).
1) Hãy cao rao Chúa là
Thiên Chúa chúng ta. Hãy sấp mình dưới bệ kê chân Người; đây là bệ ngọc chí
thánh. - Đáp.
2) Trong hàng tư tế của
Người có Môsê và Aaron, và có Samuel trong số người cầu đảo danh Người. Các ông
kêu cầu Chúa và chính Người nhậm lời các ông. - Đáp.
3) Trong cột mây, bấy
giờ Người phán bảo; các ông đã nghe những huấn lệnh của Người, và chỉ thị Người
đã truyền cho các ông giữ. - Đáp.
4) Hãy cao rao Chúa là
Thiên Chúng chúng ta; hãy sấp mình trên núi thánh của Người: vì Thiên Chúa,
Chúa chúng ta, là Đấng Thánh. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự
sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 44-46
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng,
người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh
có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc
quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Kho
Tàng Quý Giá
Bài thơ "Viên
Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:
Sanathan cầu nguyện
đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành
khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã
cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".
Người thanh niên tiếp
tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể
giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.
Nhà hiền triết mới
sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã
tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp
ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.
Người thanh niên ra
đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người
thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng,
anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:
- Thưa ngài, xin
hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt
trên mọi thứ của cải.
Nói xong, anh ném
viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.
Bài thơ trên đây có thể
minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát
là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý
mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự
Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.
Trong Tin Mừng hôm
nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề
ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận
mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và
dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh
lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người
thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát
cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".
Hãy đi theo Ngài, vì
Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là
hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất;
nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói:
"Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu
gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm
lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Kitô giáo do đó thiết
yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp
và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa
là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ
việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng
chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống,
nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc
sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.
Dù sống trong hoàn cảnh
nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên
báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không
bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của
người Kitô hữu.
Nguyện xin Chúa Kitô,
Ðấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn gìn giữ chúng ta trên bước đường
theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi
lộc, cho là lãnh nhận, chết là được sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
31/07/2019
THỨ TƯ TUẦN 17 TN
Mt 13,44-46
Mt 13,44-46
VUI MỪNG BÁN TẤT CẢ
“Tìm được viên ngọc quý, thương gia ra đi, bán tất cả những
gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt
13,46)
Suy niệm: Phản ứng trước tiên của
người nông dân tình cờ khám phá ra kho báu, hay của người thương gia tìm ra
viên ngọc quý sau cả cuộc đời tìm kiếm là vui mừng. Không vui mừng sao được khi
biết kho báu hay viên ngọc quý từ nay nằm trong tay mình, cuộc đời mình sẽ thay
đổi! Đức giáo hoàng Phanxicô, qua các văn kiện, cũng luôn nhắc nhở ta về niềm
vui, niềm vui được biết Tin Mừng, niềm vui loan báo Tin mừng, niềm vui sống đời
thánh thiện. Ta phải vui mừng vì được có Nước Trời là kho báu, có Chúa Giê-su
là viên ngọc quý trong đời mình. Thế mà trên cuộc đời này, “không có đá
quý nào cho bằng nhân đức, không có tài sản nào sánh bằng hạnh phúc, cũng chẳng
có kho báu nào cho bằng đức tin, và không có ngọc quý nào cho bằng tình
yêu” (nhà văn M. Dhliwayo). Là môn đệ Chúa Giê-su, ta có tất cả nhân đức,
hạnh phúc, đức tin và lòng mến ấy.
Mời Bạn: Những kho tàng quý giá nhất
không thể thấy được bằng mắt, mà chỉ có thể cảm nhận bằng con tim. Nước Trời,
Chúa Giê-su là kho báu, viên ngọc quý thật đấy, nhưng không thể đánh giá bằng
đôi mắt, mà chỉ qua niềm tin và lòng yêu mến. Mong bạn, sống giữa những tiện
nghi, vật chất, thú vui cuộc đời, vẫn biết đâu là giá trị vĩnh cửu, quý giá,
đáng cho mình “bán tất cả những gì mình có,” để “tậu” cho bằng
được.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn vui mừng vì được
làm con cái Chúa, môn đệ Chúa Ki-tô, thành viên của Giáo hội. Tôi hạnh phúc vì
có Chúa trong cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, được biết Chúa là hồng ân lớn nhất đời con. Con luôn hãnh diện về hồng
ân này.
(5 phút Lời Chúa)
Vui mừng bán tất cả (31.7.2019 – Thứ tư Tuần 17
Thường niên)
Nếu ta còn ngần ngại
khi phải bán đi tất cả thì chỉ vì ta chưa thấy. Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,
ắt ta sẽ thấy. Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.
Suy niệm:
Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.
Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ
tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.
Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,
có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.
Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:
ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua...
Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc
hay ngần ngại giằng
co.
Tất cả diễn ra thật
nhanh
và tràn ngập niềm vui
thanh thản.
Ai cũng rõ họ hạnh
phúc biết chừng nào
khi chiếm được kho báu
và viên ngọc.
Cuộc đời họ chuyển
sang một giai đoạn mới.
Thái độ của hai người
trên được coi là bình thường.
Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.
Kho báu và viên ngọc
là những thứ thấy được,
có giá trị hiển nhiên
và hết sức hấp dẫn.
Chúng hứa hẹn một sự
giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,
nên người ta dễ bán tất
cả để mua được chúng.
Bị ảnh hưởng bởi não
trạng hưởng thụ vật chất,
chúng ta thường coi
kho báu duy nhất ở đời này
là tiền bạc, quyền uy
và khoái lạc.
Khi nói Nước Trời là
kho báu bền vững,
Ðức Giêsu là viên ngọc
quý đích thực,
chúng ta lại thấy đó
là cái gì mơ hồ,
xa xôi, ít lôi cuốn,
thậm chí không có thật.
Chính vì thế chúng ta
thường ngần ngại khi từ bỏ,
dè sẻ, nuối tiếc khi
phải hy sinh cho Chúa.
Vậy vấn đề là khả năng
thấy, nhờ lòng tin.
Bản thân tôi có thấy Ðức
Giêsu là viên ngọc quý,
và Nước Trời là kho
báu không?
Chỉ ai thấy được những
thực tại vô hình
và ngây ngất trước giá
trị của chúng,
người ấy mới hồn nhiên
và vui tươi
đánh đổi tất cả kho
báu phù phiếm của đời này
để lấy kho báu bất diệt
trên trời (x. Mt 6,20).
Có khi tình cờ, qua một
biến cố, một người bạn,
qua một cuốn sách, một
đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,
tôi chợt gặp Ðức Giêsu
như viên ngọc ngời sáng,
hấp dẫn, mời gọi tôi
bay lên khỏi cái tôi tầm thường:
tôi có dám bán nỗi đam
mê ích kỷ của mình
để mua lấy tình bạn với
Ngài không?
Nếu ta còn ngần ngại
khi phải bán đi tất cả
thì chỉ vì ta chưa thấy.
Nhưng nếu ta cứ can đảm
bán đi,
ắt ta sẽ thấy.
Niềm vui chỉ đến với
người dám bán tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của
kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được
phần nào
sự phong phú của
kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì
chúng con có,
để mua được viên ngọc
quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng
người trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG BẢY
Ngay Cả Sự Chết
Cũng Phục Vụ Cho Sự Sống
Chúng ta nhận thấy Cựu Ước – trong khi nhìn nhận sự có mặt của nhiều loại
sự dữ và đau khổ trong đời – đã làm chứng hùng hồn rằng sự khôn ngoan và lòng từ
ái của Thiên Chúa (biểu hiện qua sự quan phòng thần linh của Ngài) tất thắng
trên mọi sự dữ và đau khổ.
Cảm nhận này được trình bày trong Sách Gióp, cuốn sách xoáy trọn vào chủ
đề sự dữ và tiếng kêu ai oán thất vọng. Cuốn sách quan trọng này (về chủ đề sự
dữ) đôi khi được thấy như một kiểm nghiệm hùng hồn ‘đo lòng’ người công chính.
Nhưng đây chỉ là một khía cạnh phụ thuộc của quyển sách mà thôi. Cốt lõi của
quyển sách chính là sự đúc kết vừa rõ ràng vừa công phu của tác giả rằng Thiên
Chúa là Đấng tốt lành. Qua Sách Gióp, chúng ta nắm bắt những giới hạn và bản chất
phù du của mọi tạo vật. Chúng ta nhận ra rằng một số hình thức của sự dữ thể lý
có thể là do bản chất sa ngã của thế giới gây ra.
Chúng ta cũng ý thức rằng tất cả những gì thuộc vật chất đều ở trong một
mối quan hệ hỗ tương gần gũi nhau – như câu nói xưa: “Đây chết thì kia sống”.
Như vậy, xét một mức nào đó, ngay cả sự chết cũng phục vụ cho sự sống. Qui luật
này cũng không loại trừ con người – vì con người vừa là xác thịt vừa là tinh thần,
vừa khả diệt vừa bất tử.
Trong chiều hướng này, những ý tưởng của Thánh Phao-lô càng vén mở các
chân trời rộng hơn nữa: “Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì
con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4,16). Rồi ngài nói
thêm: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho
chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31 – 7; Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục
Xh 34, 29-35 ;
Mt 13,44-46.
Lời suy niệm: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia
gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mầng đi bán tất cả những gì mình có mà
mua thuở ruộng ấy.”
Gặp được kho báu là một niềm vui lớn, muốn chiếm hưởng kho báu này đòi hỏi
phải đánh đổi những gì mình đang có. Chúa Giêsu đưa ra câu chuyện này, Người muốn
con cái của Người cũng phải có sự khôn ngoan khi khám phá ra Nước Trời; Nước Trời
là một kho báu đối với bản thân mình, muốn được hưởng khó báu Nước Trời, mỗi
người cần phải biết hy sinh từ bỏ mọi sự của riêng mình; chấp nhận đi theo tiếng
gọi của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban Thần Khí trên chúng con để chúng con khám
phá ra Lời Chúa là kho báu của đời mình, giúp chúng con vui sống trọn đời của
chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 31-07: Thánh
IGNATIÔ LOYOLA
Linh Mục (1491 -
1556)
Don Inigo Lopez de
Recalde sinh khoảng năm 1481 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là
con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên
Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường
dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một
người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần,
Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một
cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là
những ngày lễ duyệt binh.
Trong cuộc chiến Pháp,
Tây Ban Nha tháng năm 1521 quân đội pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa
Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự.
Trong cơn bão tố tại pháo đài Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển
về lâu đài ỏ Loyola. Nơi dây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật,
phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau.
Thời gian dưỡng bệnh
lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc
hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói: -
Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phaxicô và Dominico đã làm chăng ?
Năm 1522, sau khi bình
phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc
xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên
bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã
một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài Ngài đã thoát
hiểm nhờ sự vâng phục hoàn tòan đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài
được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hứơng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc
đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một
người công giáo phải theo để "điều khiển đời sống mình" một đời sống
nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Ngài, để được cứu rỗi. Ngài phác họa một
giáo thuyết của mình về sự chọn lựa và đòi hỏi để làm mọi sự để "vinh danh
Chúa" (Ad Majorem dei gloriam)
Thánh nhân ở lại
Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng
lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về
Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các
em nhỏ, để sữa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp
tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, đã Ngài bị truy tố ra tòa
án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.
Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi
đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1534 bảy
anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và
trong sạch, tại đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi
Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại
giáo.
Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm 1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp
nhau ở Venitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền
Đông Địa Trug Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại
Venitia. Đức giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Ventia, họ mang theo
phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong linh mục.
Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng
ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh
hiệu "dòng Chúa Giêsu" dưới quyền xử dụng của toà thánh. Họ đi Roma
và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đầu vào dịp lễ Giáng sinh năm 1538 tại đền
thờ Đức Bà cả, Ngài soạn thảo hiến pháp của dòng mới và đến trình diện Đức giáo
hoàng Phaolô III. Đức giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ: - Đây là bàn tay
Thiên Chúa.
Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm
1540 Ngài đã chính thức công nhận hội dòng. Hội dòng thêm vào đó 3 lời khấn:
nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.
Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô
được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ
vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm
1543.
Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng hội dòng đã lan rộng tới
mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài
từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và
gần 1000 phần tử.
Thánh Ignatiô được suy tôn hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.
(daminhvn.net)
31 Tháng Bảy
Tiếng Kêu Của Ếch
Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai
khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một
con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung
ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố
gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên:
"Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?".
Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được
chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ
như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người
nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu
kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: "Tiếng kêu của ếch mà cũng làm
cho lỗ tai của Chúa vui được sao?". Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả:
"Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?".
Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm...
Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: "Nào, hãy hát lên đi". Tiếng
kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo
thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng
trở nên vui hơn.
Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng
trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là
cầu nguyện.
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không
gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu
nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành
cho cuộc sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà,
đó là mục đích của các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó
trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và
đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể
đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải
gặp gỡ ngay trên chợ đời.
Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người
có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng
tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên
trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả
một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống
"xin vâng" trong từng phút giây.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét