James Carroll: “Hãy hủy bỏ chức linh mục”
Vũ Văn An
Tờ bìa số tháng Sáu, 2019 của tập san The Atlantic có cho chạy tít lớn bài báo của James Carroll: “Hãy Hủy Bỏ Chức Linh Mục”. Theo tác giả này chỉ có thế, Giáo Hội Công Giáo mới có thể tự cứu được mình.
The Atlantic là một tập san Hoa Kỳ, đặt trụ sở ở Boston, được thành lập từ năm 1857. Hiện nay, tập san này xuất bản 10 số mỗi năm bàn về đủ thể tài từ văn chương qua chính trị tới ngoại giao. Số lượng phát hành sấp sỉ nửa triệu (478,534).
Song song với bài báo, The Atlantic còn phát hành một công bố báo chí cổ động cho việc đọc và phê phán nó.
James Carroll vốn là con trai vị tướng không quân Hoa Kỳ Joseph F. Carroll, từng gia nhập Dòng Thánh Phaolô (Paulist Fathers), thụ phong linh mục năm 1969, nhưng đã hồi tục sau đó không lâu, và hiện không còn thực hành đạo. Nhưng ông lại “tha thiết” với tương lai đạo bằng cách “chỉ đường” nói không với những tín điều căn bản của Đạo trong đó có việc hủy bỏ chức linh mục.
Trong công bố báo chí ngày 17 tháng 5, 2019, tờ The Atlantic cho hay động lực khiến Carroll viết bài báo là tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục các vị thành niên và ông cùng quan điểm với Đức Phanxicô rằng nguyên nhân cội rễ là chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Nhưng khác với Đức Giáo Hoàng, ông cho chủ nghĩa ấy gần như đồng hóa với chức linh mục Công Giáo, nên không thể làm gì loại bỏ nó cho bằng loại bỏ hẳn giai cấp giáo sĩ, trả Giáo Hội về cho “dân Chúa”. Nghĩa là người Công Giáo nên bác bỏ phẩm trật, lấy lại đức tin của họ bằng cách tổ chức các buổi phụng vụ riêng. “Như bao giờ hết, biến cố tổ chức chính của Giáo Hội sẽ là trải nghiệm cộng đoàn của Thánh Lễ, mà cấu trúc của nó – đọc Lời Chúa, bẻ bánh – vẫn sẽ có tính phổ quát; nó sẽ không cần phải cử hành bởi 1 thành viên của một thứ đẳng cấp linh mục nào”. Nhờ rút lui khỏi hàng ghế nhà thờ, người Công Giáo có thể tự nhắc nhở mình rằng Giáo Hội không phải là cơ cấu quyền lực của nó. Thay vào đó, “Giáo Hội là dân Chúa”.
Dĩ nhiên, báo chí Công Giáo có rất nhiều phản ứng tiêu cực đối với bài báo. Tuy nhiên, để công bằng, chúng tôi xin trình bầy trọn bài báo của James Carroll trước, sau đó, một số phản ứng của báo chí Công Giáo.
A. "Hãy bãi bỏ chức linh mục" (James Carroll)
Muốn cứu Giáo Hội, người Công Giáo phải tách xa phẩm trật giáo sĩ và nắm lại đức tin trong tay mình.
I.“Kẻ sát hại linh hồn”
Cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy mẹ tôi sắp sửa qua đời là điều trước đây không ai có thể nghĩ tưởng, nhưng rồi có tin phát xuất từ Ái Nhĩ Lan. Điều này có thể hạ gục bà. Là con gái một di dân, mẹ tôi sống mà mắt luôn hướng về quê hương xưa, mảnh đất bà dùng đo lường mọi nhân đức. Ái Nhĩ Lan là thiên đàng đối với bà, và Giáo Hội Công Giáo là ca đoàn thiên quốc. Rồi Tường Trình Ryan được công bố.
Không lâu trước khi tờ Boston Globe bắt đầu đăng tải loạt bài của họ về các linh mục săn mồi, năm 2002 – loạt bài “Spotlight” sau trở thành một cuốn phim cùng tên – chính phủ Ái Nhĩ Lan thiết lập một Ủy Ban, cuối cùng được Chánh án Sean Ryan chủ tọa để điều tra các tường thuật và tin đồn về việc lạm dụng tình dục trẻ em trong các viện nuôi trẻ em tại Ái Nhĩ Lan, gần như tất cả đều do Giáo Hội Công Giáo điều hành.
Ủy ban Ryan đã công bố báo cáo 2,600 trang vào năm 2009. Mặc dù có sự thanh tra và giám sát của chính phủ, các giáo sĩ Công Giáo, trong nhiều thập niên, đã hành hạ dữ dội hàng ngàn trẻ em. Báo cáo cho thấy trẻ em bị giam giữ trong các viện mồ côi và trường cải tạo bị đối xử không khác gì nô lệ, trong một số trường hợp, còn là nô lệ tình dục. Hiếp dâm và quấy rối trẻ em trai là “chuyện cố hữu”. Các báo cáo khác được đưa ra về các định chế khác, bao gồm nhà thờ và trường học của giáo xứ, và các nhà dành cho những người mẹ không có chồng – “các nhà giặt ủi Thánh Mađalêna” đầy tai tiếng, nơi các cô gái và đàn bà buộc phải sống nô bộc cưỡng bức. Sự ghê tởm của các định chế này đã được đặt thành các vở kịch và phim tài liệu, và trong cuốn Philomena, cuốn phim do Judi Dench đóng, dựa trên một câu chuyện có thật. Vụ tai tiếng tại các nhà dành cho phụ nữ lên đến đỉnh cao vào năm 2017, khi một báo cáo của chính phủ tiết lộ rằng từ năm 1925 đến 1961, tại Nhà Mẹ và Bé Thơ Bon Secours, ở Tuam, Quận Galway, những bé thơ đã chết, gần 800 em, đã bị vứt trong các ngôi mộ tập thể hoặc hố nước thải. Không chỉ các linh mục đã cư xử đáng trách. Các nữ tu cũng vậy.
Vào tháng 8 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một chuyến thăm công khai tới Ái Nhĩ Lan. Việc định ngày giờ đến đó của ngài thật quá tệ. Vì ngay lúc đó, một làn sóng thứ hai các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục Công Giáo đã diễn ra. Tại Đức, một cuộc điều tra của các giám mục bị rò rỉ đã tiết lộ rằng từ năm 1946 đến 2014, 1,670 giáo sĩ đã tấn công 3,677 trẻ em. Chính quyền dân sự ở các quốc gia khác đã phát động các cuộc điều tra, tiến hành mạnh mẽ để đánh phủ đầu Giáo hội. Tại Hoa Kỳ, cũng vào năm 2018, một đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania đã cáo buộc rằng trong suốt 70 năm, hơn 1,000 trẻ em đã bị hơn 300 linh mục trên toàn tiểu bang lạm dụng. Các thẩm quyền Giáo Hội đã bịt miệng thành công các nạn nhân, làm chệch hướng các cơ quan chấp pháp và che chở những kẻ săn mồi. Báo cáo Pennsylvania được coi là một xét xử có tính thuyết phục, nhưng kết quả của đại bồi thẩm đoàn không phải là bản án. Tuy nhiên, hồ sơ về lời khai và điều tra này quả gây choáng váng. Những lời buộc tội kể về một nhóm linh mục ấu dâm: những người này đã cho nhiều mục tiêu trẻ của họ món quà là một thánh giá bằng vàng để đeo, để các linh mục săn mồi khác có thể nhận ra một đứa trẻ được kết nạp và do đó không chống lại lời gạ gẫm. Đây là “một việc sát hại linh hồn”, một nạn nhân đã khai trước đại bồi thẩm đoàn như thế.
Các bộ trưởng tư pháp tại ít nhất 15 tiểu bang khác tuyên bố việc mở các cuộc điều tra về tội ác của Giáo hội, và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã làm theo. Chẳng mấy chốc, ở một số tiểu bang, các nhóm nhân viên chấp pháp được trang bị lệnh khám xét sẽ xông vào văn phòng các giáo phận và hồ sơ bảo mật. Các Thanh Tra Texas đã đột kích các văn phòng của Tổng giáo phận Galveston-Houston, do Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chủ trì. DiNardo đã được Giáo hội trình bày như một gương mặt mới về trách nhiệm giải trình và minh bạch khi ngài đến Galveston-Houston năm 2004. Các thanh tra đã thu giữ một văn khố lạm dụng - các hộp đựng hồ sơ tố cáo lạm dụng cùng với máy tính, bao gồm cả máy tính của Đức Hồng Y DiNardo. Đức Hồng Y bị buộc tội bảo vệ một linh mục săn mồi đặc biệt nghiêm trọng.
Những cuộc điều tra này và các cuộc điều tra khác sẽ tạo ra một cơn lốc tai tiếng trong nhiều năm tới. Khi tất cả những điều này đang diễn ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp lại bằng một việc triệu tập một cuộc họp nhẹ ký bốn ngày gồm các giám mục cấp cao, được tổ chức tại Rôma dưới tựa đề “Che Chở Các Vị Thành Niên trong Giáo hội”. Điều này giống như đặt các tay anh chị của Mafia đứng đầu một ủy ban tội phạm.
Trước, trong và sau chuyến đi Ái Nhĩ Lan, Đức Phanxicô đã bày tỏ, như chính ngài nói, “rất xấu hổ và đau khổ”. Nhưng ngài không tỏ dấu hiệu nào cho thấy ngài hiểu sự cần thiết Giáo hội phải tự cải tổ đáng kể hoặc thực hành các hành vi đền tội thực sự.
Một trong những điều ngạc nhiên về cuộc hành hương Ái Nhĩ Lan của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là lời tuyên bố, với các phóng viên trong chuyến trở về Rôma, rằng cho đến lúc đó ngài không biết gì về Các Nhà Giặt Ủi Thánh Mađalêna hay những vụ tai tiếng của chúng: “tôi chưa bao giờ nghe nói về các bà mẹ này – họ gọi là tiệm giặt ủi của phụ nữ, nơi một phụ nữ không chồng đang mang thai và nhập các bệnh viện này”. Chưa bao giờ nghe nói về các bà mẹ này. Khi tôi đọc điều đó, tôi tự nhủ: Một lời nói dối. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nói dối. Ngài có thể không nói dối, mà ngài có thể chỉ không biết gì thôi. Nhưng không được thông tri về vụ tai tiếng Mađalêna ầm ĩ đã lâu cũng tồi tệ không kém. Khi tôi đọc những lời của vị Giáo hoàng, một sợi dây căng trong tôi bị gãy cái đốp.
Sợi dây đã bắt đầu kéo căng ra ở một phần tư thế kỷ trước đây, khi tôi bắt đầu viết chuyên mục cho tờ Boston Globe. Hai mươi năm trước, tôi đã từng là một linh mục Công Giáo, bận tâm với chiến tranh, công bằng xã hội và cải tổ tôn giáo, các vấn đề được trao cho tôi phụ trách cho tờ Boston Globe. Một trong những cột đầu tiên của tôi, được ấn hành vào tháng 9 năm 1992, là một suy tư về tội ác lạm dụng tình dục trẻ em của một linh mục ở Massachusetts tên là James Porter. Tôi lập luận rằng việc săn mồi của Porter đã được nền văn hóa rộng lớn hơn của Giáo hội về sự im lặng bảo vệ linh mục làm cho khả hữu. Phản ứng trước các câu chuyện thoạt đầu của tờ Globe về Porter, Đức Hồng Y Bernard Law, Tổng Giám Mục Boston, đầy tức giận đã phát ra lời kết án dường như phát xuất từ thời Trung cổ: “Chúng tôi xin Thiên Chúa giáng sức mạnh xuống các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tờ Globe”. Phải mất một thập niên, nhưng cuối cùng, sức mạnh của Thiên Chúa đã giáng xuống Đức Hồng Y Law.
Song hành với loạt bài “Spotlight” và sau đó, hơn một chục chuyên mục của tôi về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục đã xuất hiện trên trang đối diện với trang xã luận (“op-ed”), với các tiêu đề như “Các nạn nhân của các linh mục bị thành Nạn nhân Hai lần” và “Tan chẩy trong Giáo Hội Công Giáo”. Tôi đã trở thành một kỷ lục bị phá vỡ về chủ đề này.
Tôi đưa ra tất cả những điều này để nhấn mạnh rằng, đến mùa hè năm 2018, vẫn còn là một người Công Giáo hành đạo, tôi không nuôi dưỡng ảo tưởng nào về sự phản bội kỳ cục của Giáo Hội. Vì vậy, cần phải có một số hành động mới đem tôi đến điểm nguy kịch, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người mà theo nhiều cách tôi ngưỡng mộ, và nơi ngài tôi từng đặt niềm hy vọng gần như tuyệt vọng, vẫn không hẳn là người đưa tôi đến đó.
Lần đầu tiên trong đời, và không hẳn là một quyết định có ý thức, tôi đơn giản ngưng việc tham dự Thánh lễ. Tôi bắt đầu một phiên bản không hẳn do tự ý của truyền thống Công Giáo về “việc ăn chay và kiêng thịt”, trong trường hợp này, là nhịn ăn Thánh Thể và kiêng thực hành đức tin của tôi cách công khai. Tôi không ảo tưởng cho rằng phản ứng này của tôi có ý nghĩa đối với bất cứ ai khác. Bất cần? Đây chỉ là vấn đề thời gian! Nhưng với tôi thời điểm này là một dấu ấn cuộc sống. Tôi đã không dự Thánh lễ trong nhiều tháng. Tôi mang trong mình một đại dương đau buồn.
II. Những mũ mãng cân đai của đế quốc
Các nhân đức của đức tin Công Giáo từng hiển nhiên đối với tôi suốt cả đời. Thế giới tốt hơn nhờ các nhân đức đó, và tôi trân trọng vô số đàn ông và đàn bà mang niềm tin sống động. Giáo Hội Công Giáo là một cộng đồng hoàn cầu với hơn 1 tỷ người. Bắc và Nam, giàu và nghèo, trí thức và mù chữ - nó là một định chế duy nhất vượt qua mọi biên giới như vậy trên bất cứ điều gì giống như cán cân này. Như James Joyce đã viết trong Finnegans Wake, Công Giáo có nghĩa là “mọi người đến đây”. Trên toàn thế giới có hơn 200,000 trường Công Giáo và gần 40,000 bệnh viện Công Giáo và các cơ sở chăm sóc sức khỏe, phần lớn ở các nước đang phát triển. Giáo hội là định chế phi chính phủ lớn nhất trên hành tinh, qua đó các phụ nữ và đàn ông vị tha chăm sóc người nghèo, dạy dỗ những người mù chữ, chữa lành bệnh tật và làm việc để bảo tồn các tiêu chuẩn tối thiểu của lợi ích chung. Thế giới cần Giáo hội của các quân đoàn hợp lý, có đầu óc lịch sử, đa nguyên, cam kết với hòa bình này, một quán quân về quyền bình đẳng của phụ nữ và một diễn đàn công lý.
Đó là Giáo hội mà nhiều người chúng ta hy vọng sẽ xuất hiện từ Công đồng Vatican II, được triệu tập trong gian chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô từ năm 1962 đến năm 1965. Sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời vào năm 1958 - và sau 11 lần bỏ phiếu bế tắc – một người không có bản sắc xuất thân từ Venice tên là Angelo Roncalli đã được bầu làm giáo hoàng, để giữ cho ngai tòa Phêrô đủ ấm trong ít năm, để vị này hoặc vị khác trong số các ứng cử viên giáo hoàng xứng đáng có thể củng cố được số phiếu ủng hộ. Thay vào đó, Roncalli - Giáo hoàng Gioan XXIII, đã phát động một cuộc lên khuôn lại trí tưởng tượng Công Giáo về phương diện thần học. Vatican II đã thúc đẩy nhiều cải tổ phụng vụ và thần học, từ việc bỏ Thánh lễ Latinh đến việc khẳng định hậu Diệt Chủng về sự chính trực của Do Thái giáo. Một cách dứt khoát, công đồng định nghĩa Giáo hội như “Dân Thiên Chúa”, và định vị phẩm trật giáo sĩ trong cộng đồng này như các đầy tớ, chứ không phải đứng trên cộng đồng này như những người cai trị. Tuyên bố này, mặc dù kết quả ít có tác dụng thực tế đối với hàng giáo sĩ, được biểu tượng bằng cải cách phụng vụ đưa bàn thờ từ trên cao xuống, vào giữa cộng đoàn.
Lúc đó tôi là một thiếu niên, sống với gia đình tại một căn cứ quân sự ở Đức, nhưng tôi rất chú ý đến ấn tượng mà Đức Giáo Hoàng Gioan đang tạo ra ở Rôma. Ngài dừng xe khi đi qua hội đường chính của thành phố vào một ngày thứ bảy và xuề xòa chào thăm các tín hữu Do Thái giáo, lúc đó đang còn nán ở lại sau buổi phụng vụ. Ngài ra lệnh cho tĩnh từ bất tín (perfidious) bài Do Thái bị xóa khỏi phụng vụ Công Giáo. Là sứ thần tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong Thế chiến II, ngài đã cung cấp giấy rửa tội giả cho hàng trăm hoặc có lẽ hàng ngàn người Do Thái, giúp họ trốn thoát; giờ đây, trong tư cách giáo hoàng, ngài đã gặp một nhà sử học người Do Thái nổi tiếng, người vốn buộc tội Giáo hội, một cách rất đúng, tội đồng lõa trong chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc xã, và tán thành công trình của nhà sử học. Khi triệu tập công đồng, Đức Giáo Hoàng Gioan đã chỉ thị cho các nhà tổ chức đặt mối liên hệ của Giáo hội với người Do Thái lên cao trong chương trình nghị sự - kết quả của trải nghiệm cận kề của ngài với sự thất bại của Giáo hội trong việc thẳng thắn bảo vệ người Do Thái trong thời kỳ Diệt Chủng. Khi tiếp một phái đoàn Do Thái tại Vatican, ngài bước xuống khỏi bục cao của mình để chào hỏi các thành viên của nó, nói rằng, “Tôi là Giuse, em trai của các anh đây” – có ý nói đến ông Giuse trong Kinh thánh chào đón gia đình đã thất lạc từ lâu của ông.
Hết lần này đến lần khác, công đồng nêu lên những câu hỏi căn bản về triết lý sống (ethos), sự trung thực và công lý, khởi động một cuộc kiểm tra lương tâm định chế sâu sắc. Tôi rất thuộc về thế hệ Vatican II. Đến lúc thuận lợi, tôi cũng đã trở thành một linh mục, một thành viên của một hội dòng cấp tiến Hoa Kỳ, được gọi là Dòng Các Cha Thánh Phaolô (Paulist Fathers). Các cha dòng này tự xác định lại mình xung quanh viễn kiến của Đức Giáo Hoàng Gioan, và làm tôi trở thành người cổ vũ viễn kiến đó.
Điều Vatican II đã không làm, hoặc không thể làm được, ngoại trừ một cách tượng trưng, là bàn đến vấn đề giáo sĩ trị - việc trao quyền lực vào tay một hàng giáo sĩ toàn nam và độc thân. Năm năm của tôi trong chức linh mục, dù trong phe tự do nhất của nó, đã cho tôi một hương vị không thơm tho gì đối với của hệ thống đẳng cấp này. Chủ nghĩa giáo sĩ trị, với vệc tôn sùng bí mật, ghét phụ nữ về phương diện thần học, ẩn ức về tình dục, và quyền lực có tính phẩm trật của nó dựa trên các đe doạ sẽ trầm luân ở đời sau, là căn nguyên cội rễ của việc Công Giáo Rôma rối loạn chức năng. Sự ám ảnh của hệ thống giáo sĩ về vị thế đã phá ngang cả công đức của các linh mục tốt lành và làm sai lệch thông điệp Tin Mừng về tình yêu vị tha, mà Giáo hội được thành lập vốn là để công bố nó. Giáo sĩ trị là cả nguyên nhân căn bản lẫn là kẻ liên tiếp làm cho thảm họa Công Giáo hiện nay thành khả hữu. Tôi rời chức linh mục đã 45 năm rồi, trước khi biết đầy đủ điều làm cho tôi ra chua chát, nhưng chủ nghĩa giáo sĩ trị quả là lý do.
Nguồn gốc chủ nghĩa giáo sĩ trị không nằm trong Tin mừng mà nằm trong thái độ và sơ đồ tổ chức của cuối thời đế quốc Rôma. Lúc ban đầu, Kitô Giáo rất khác. Việc đầu tiên nhắc đến phong trào Giêsu trong các nguồn không phải Kinh Thánh phát xuất từ nhà sử học Rôma gốc Do Thái, Flavius Josephus; ông này viết vào khoảng cùng thời gian với việc hình thành các sách Tin mừng. Josephus mô tả những người theo Chúa Giêsu chỉ đơn giản như “những người yêu mến Người lúc đầu và không để mất tình yêu của họ đối với Người”. Lúc ấy, không có chức linh mục gì cả, và phong trào này hoàn toàn bình đẳng. Các Kitô hữu thờ phượng và bẻ bánh trong các ngôi nhà của nhau. Nhưng dưới thời Hoàng đế Constantinô, vào thế kỷ thứ IV, Kitô giáo thực sự trở thành tôn giáo của đế quốc và tiếp nhận các mũ mãng cân đai của đế quốc. Một giáo phận khởi nguyên là một đơn vị hành chính Rôma. Một vương cung thánh đường, tức một hội trường hoành tráng nơi hoàng đế ngự cách uy nghi, trở thành nơi thờ phượng. Một nhóm các Giáo Hội đa dạng và phân quyền đã được biến đổi thành một định chế gần như đế chế - tập trung quyền hành và có phẩm trật, với giám mục Rôma trị vì như một vị vua. Các công đồng Giáo Hội định nghĩa một tập hợp tín điều là chính thống, và mọi thứ khác là dị giáo.
Đặc điểm trên được củng cố gần cùng một lúc nhờ nền thần học về tình dục của Thánh Augustinô, vốn dẫn khởi từ việc ngài đọc truyện Ađam và Eva trong sách Sáng thế. Thánh Augustinô đã mô tả hành động bất tuân đầu tiên ấy là một tội về tình dục, dẫn đến việc đổ cho người đàn bà tội quyến rũ chết người và vì thế, mọi con người phải chịu đựng qua các thế hệ. Điều này dẫn tới chỗ duyệt lại phần lớn các giả định và thực hành bình đẳng của phong trào Kitô giáo sơ khai. Nó cũng đặt tình dục, và bất cứ điều gì liên quan đến nó, dưới một đám mây, và cuối cùng dưới một chế độ kiểm soát chặt chẽ. Sự đè nén ham muốn đã đẩy sự thôi thúc dục tính bình thường vào một thế giới cấm kỵ có tính xã hội và tâm lý.
Sự độc thân của các linh mục, phát triển từ thực hành các đan sĩ và ẩn sĩ khổ hạnh, có thể, từ lúc đầu, được đưa ra như một cách thế sống thân mật với Thiên Chúa, rất thích hợp với một số ít người. Nhưng với thời gian, việc sùng bái sống độc thân và trinh khiết đã khai triển ra một khía cạnh phi nhân bản - một sự hạ giá và nghi ngờ bao quát hơn đối với cảm nghiệm cơ thể. Nó cũng có một lý lẽ thực dụng. Vào thời trung cổ, khi việc sở hữu những lãnh thổ và kho báu khổng lồ vào tay kiểm soát của Giáo hội, việc độc thân linh mục đã trở thành bắt buộc để ngăn chặn các yêu sách thừa kế của con cháu các giáo phẩm. Nhìn cách này, độc thân không phải là vấn đề linh đạo cho bằng là vấn đề quyền lực.
Đặc điểm phò nam giới và ghét nữ giới của Giáo Hội trở nên không thể tách rời khỏi cấu trúc của nó. Nền tảng khái niệm giáo sĩ trị có thể được trình bầy một cách đơn giản: Phụ nữ là người phụ thuộc vào đàn ông. Giáo dân là những người phụ thuộc các linh mục, những người được định nghĩa như đã được bí tích truyền chức thánh làm cho có giá trị cao hơn “về hữu thể học”. Được việc độc thân loại ra ngoài các ràng buộc và nghĩa vụ có tính cạnh tranh của gia đình, các linh mục được nhét vào một phẩm trật giáo sĩ mô phỏng theo trật tự phong kiến thời trung cổ. Khi tôi trở thành linh mục, tôi đặt hai bàn tay của tôi vào đôi bàn tay của giám mục phong chức cho tôi - một cử chỉ phong kiến bắt nguồn từ sự tôn kính của một chư hầu đối với lãnh chúa của mình. Trong trường hợp của tôi, vị giám mục là Terence Cooke, tổng giám mục của New York. Theo lễ qui của bí tích này, tôi đã hứa trung thành với ngài, chứ không phải với một bộ nguyên tắc hay lý tưởng, hay thậm chí với Giáo hội. Chúng ta có nên ngạc nhiên khi những người đàn ông được mời nghĩ về bản thân họ trên cán cân quyền lực như vậy - ngay cả như một alter Christus, “một Kitô khác” - có thể rối trí trong một vùng hoang địa tự lấy mình làm trung tâm không? Hoặc là họ có thể thấy khó thoát khỏi trật tự phong kiến vốn cung cấp cộng đoàn và việc đề bạt thăng cấp, chưa kể một địa vị cao qúy mà người không được thụ phong sẽ không bao giờ được hưởng? Hoặc luật của Giáo hội dự liệu việc tuyệt thông cho bất cứ người phụ nữ nào muốn cử hành Thánh lễ, nhưng lại không qui định một hình phạt nào như vậy đối với một linh mục ấu dâm? Giáo sĩ trị tự hoàn thành và tự duy trì lấy mình. Nó phát triển mạnh nhờ tính bí mật, và nó tự chăm sóc lấy nó.
Những người kế vị Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nằm dưới sự kìm kẹp của chủ nghĩa giáo sĩ trị, đó là lý do tại sao các cải cách từ công đồng của ngài đã bị chết yểu. Chẳng hạn, Đức Gioan khởi xướng việc xem xét lại việc Giáo hội lên án biện pháp ngừa thai nhân tạo - một ủy ban do ngài thiết lập đã bỏ phiếu áp đảo để bãi bỏ lệnh cấm - nhưng khả năng thay đổi đó đã bị ngăn chặn bởi người kế nhiệm, là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chủ yếu như một cách bảo vệ thẩm quyền giáo hoàng. Ngày nay, với trẻ em vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng, sự thối nát của ách linh mục thống trị đã được phô bầy vì sự xấu xa mà chính nó là. Giáo sĩ trị giải thích cả cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục có thể xảy ra như thế nào lẫn việc làm thế nào nó có thể đã được che đậy quá lâu. Nếu cơ cấu giáo sĩ trị không bị phá bỏ, Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ không sống còn, và sẽ không đáng để sống còn.
Tôi biết vấn đề này từ bên trong. Chức linh mục của tôi đã bị cuốn vào cơn bão của những năm 1960 và 70. Trớ trêu thay, Giáo hội, nơi vốn tài trợ cho công trình dân quyền của tôi và thúc đẩy tôi tham gia phong trào phản chiến, đã khiến tôi trở thành một người cấp tiến. Tôi là tuyên úy Công Giáo tại Đại học Boston, làm việc với những người chống đối và biểu tình chống việc đăng ký quân dịch, và chẳng mấy chốc sau đó, tôi thấy mình mâu thuẫn với phẩm trật Công Giáo bảo thủ. Chỉ dần dần, tôi mới vỡ lẽ nhận nhận ra rằng có một sai lầm bi thảm khá sâu bên trong định chế mà tôi đã hiến mình cho, và điều này có liên quan với chính chức linh mục. Vâng, chức linh mục của tôi. Tôi đã nghe các lời xưng tội của những người trẻ tuổi bị tan nát vì mặc cảm tội lỗi không phải vì tội lỗi đích thực mà vì chủ trương đè nén tình dục do Giáo hội áp đặt mà tôi có bổn phận phải củng cố. Chỉ bằng việc cử hành Thánh lễ, tôi đã giúp chấp pháp việc loại bỏ phụ nữ một cách bất công khỏi tư cách thành viên bình đẳng trong Giáo hội. Tôi coi trọng cuộc sống cộng đồng mà tôi đã chia sẻ với các linh mục đồng bạn, nhưng tôi cũng cảm nhận sự cô đơn què quặt có thể phát sinh từ một cuộc sống thiếu sự thân mật bản thân sâu sắc mà con người nhân bản khác vốn được hưởng. Mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa bị cột chặt vào việc làm linh mục đến nỗi tôi sợ mất hết đức tin nếu tôi rời bỏ. Chính nỗi sợ hãi đó đã biểu lộ một sự hạ giá hàng giáo dân và minh họa vấn đề thiết yếu. Nay tôi thấy nếu tôi cứ ở lại làm một linh mục, đức tin của tôi, như nó là lúc đó, sẽ bị hủy hoại.
Kỳ tới: III. “Một khai mở nhỏ nhoi”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét