Trang

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

James Carroll: “Hãy hủy bỏ chức linh mục”, ''Thầy ở đó''


James Carroll: “Hãy hủy bỏ chức linh mục”, ''Thầy ở đó''
Vũ Văn An


V. “Thầy ở đó” 

Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ sự “xấu hổ và đau buồn” về việc lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, nhưng theo bản năng, ngài bảo vệ các kẻ phạm tội, chống lại những kẻ buộc tội họ. Ngài gọi chủ nghĩa giáo sĩ trị là “một sự đồi bại của Giáo hội”. Nhưng thực ra, ngài muốn nói gì? Ngài tố cáo nền văn hóa giáo sĩ trong đó lạm dụng tìm được chỗ đứng của nó nhưng không làm gì để phá bỏ nó. Trong các phản ứng của mình, ngài là hiện thân của nền văn hóa đó. Tôi không bao giờ ngạc nhiên khi các tiền nhiệm giáo hoàng của ngài xử sự cách này, ví dụ, Hồng Y Ratzinger, trước khi trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cấm các giám mục chuyển các trường hợp linh mục săn mồi cho chính quyền dân sự, buộc các ngài theo điều ngài gọi là “bí mật giáo hoàng”. Ngay cả lúc này, với tư cách là một vị giáo hoàng hưu trí, giả thiết phải đứng bên lề, Ratzinger vẫn đang bảo vệ trật tự cũ. Hồi tháng Tư, ngài đã cho công bố, trên một tạp chí định kỳ của vùng Bavaria, một bài đả kích khá bất thường vì cả sự phù phiếm của nó cũng như sự thiếu hiểu biết của nó. Đức Bênêđictô đổ lỗi việc lạm dụng tình dục của các linh mục cho sự lỏng lẻo về đạo đức của những năm 1960, sự vô thần của nền văn hóa đương thời, sự tồn tại của những nhóm đồng tính luyến ái trong các chủng viện - và cách các trước tác của chính ngài bị làm ngơ. Việc ngài khiếu nại cho thấy một phản bác hầu như không che giấu đối với triều giáo hoàng của người kế vị, và chắc chắn lên sinh lực cho các nhà phê bình cánh hữu của vị đương kim giáo hoàng. Nhưng than ôi, vị giáo hoàng hưu trí và các đồng minh của ngài có thể có đủ lý do thực sự để khỏi phải lo lắng. Vì việc một giáo hoàng cách mạng khác như Đức Phanxicô đã đích thân chứng minh tính không thể phá hủy của giáo sĩ trị đã nói lên tất cả rồi.

Đức Phanxicô đã kiên quyết bảo vệ hai trụ cột của chủ nghĩa giáo sĩ trị - việc loại phụ nữ ra ngoài chức linh mục theo chủ nghĩa bài phụ nữ của Giáo hội, và việc Giáo Hội yêu cầu các linh mục giữ luật độc thân. Ngài đã thất bại trong việc đưa giáo dân vào vị trí quyền lực thực sự. Sự bình đẳng để phụ nữ được giữ các chức vụ trong Giáo hội đã bị phản đối chính vì, giống như việc chấm dứt luật độc thân linh mục, nó sẽ mang theo nó một sự biến đổi rộng rãi đối với toàn bộ triết lý sống Công Giáo: (đó là) chấp thuận quyền tự trị tình dục của nữ giới; chấp thuận tình yêu và khoái cảm, không chỉ sinh sản, như một mục đích của tình dục; chấp thuận cho các giáo sĩ kết hôn; chấp thuận ngừa thai; và, thực sự, chấp thuận hoàn toàn những người đồng tính luyến ái. Không chấp thuận việc nam giới thống trị; không chấp thuận thẩm quyền tối cao của các giáo sĩ; không chấp thuận tiêu chuẩn hai mặt.

Mô hình biến đổi có tiềm năng đối với vị giáo hoàng này hoặc bất cứ vị giáo hoàng nào vẫn là việc, sau thời Diệt Chủng, phải triệt để duyệt lại giáo huấn Công Giáo về người Do Thái – đỉnh cao của Vatican II. Việc chính thức từ bỏ lời vu vạ “giết Chúa Kitô” bởi một công đồng long trọng của Giáo hội, cùng với việc khẳng định tính chính trực của Do Thái giáo, đạt tới độ sâu hơn trong giáo lý và truyền thống Công Giáo hơn bất cứ điều gì liên quan đến việc lật đổ chủ nghĩa giáo sĩ trị, bất kể điều này liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ, việc linh mục kết hôn, hoặc các vấn đề khác về tình dục. Việc lên khuôn lại mối liên hệ của Giáo hội với người Do Thái, theo tôi, là việc duyệt lại lớn nhất mà thần học Kitô giáo từng hoàn thành. Thói quen chống Do Thái giáo của Công Giáo (hay Kitô giáo) chưa bị bẻ gẫy hoàn toàn, nhưng việc biện minh nó về thần học đã bị xóa bỏ. Dưới sự lãnh đạo quyết đoán của một giáo hoàng, sự thay đổi sâu sắc có thể xảy ra, và nó có thể xảy ra nhanh chóng. Đây là điều phải xảy ra bây giờ.

Nhưng có phần chắc chuyện ấy không xẩy ra. Đức Phanxicô gần như chắc chắn đến rồi đi mà không bao giờ lưu ý đến những tha hóa đầy bạo lực của chức linh mục. Các giáo sĩ cánh hữu quyết tâm đánh bại ngài, bất kể ngài làm gì. Những người bảo thủ trong Giáo hội biết rõ hơn hầu hết mọi người rằng việc đối lập với chủ nghĩa giáo sĩ trị, điều mà họ nhắm để bảo vệ, không phải là một việc mơ hồ nâng người giáo dân lên phường hội bàn thờ hoàn cầu mà là nền dân chủ - một việc lật nhào quyền lực sẽ làm họ và bè lũ mất ghế.

Nhưng chủ nghĩa giáo sĩ trị Công Giáo cuối cùng sẽ tận số, bất kể những kẻ phản động cương quyết cố gắng củng cố nó ra sao. Vatican, với hàng giám mục kiểu tổng trấn, là đỉnh cao của một cơ cấu quản trị mắc nợ nhiều nơi các hoàng đế hơn là các tông đồ. Sự mất uy tín sâu xa của hàng giám mục đó đang diễn ra. Tôi muốn trở thành một phần của phong trào sẽ mang lại sự giải phóng để Giáo Hội Công Giáo thoát khỏi thứ đế chế đã giam hãm nó 1,700 năm trước.

Tôi biết rằng nhiều điều đang bị đe dọa ở đây hơn là nỗi xao xuyến lắng lo của một người đàn ông đơn độc chỉ biết qùy gối. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, sự suy giảm của hàng giáo dân Công Giáo đối với việc thực hành đức tin bình thường đã rất cảm kích trong những năm gần đây, một hiện tượng được phản ánh trong việc giảm sút dần hàng ngũ giáo sĩ: Nhiều giáo xứ không có linh mục nào cả. Tại Hoa Kỳ, Công Giáo đang mất các thành viên nhanh hơn bất cứ tín phái tôn giáo nào khác. Cứ mỗi người trưởng thành không theo Công Giáo gia nhập Giáo hội qua việc trở lại, thì có sáu người Công Giáo bỏ đạo. (Có những nơi trong thế giới đang phát triển đang có sự phát triển của Công Giáo, nhưng những khu vực đó phải đối mặt với các vấn đề riêng của họ về giáo sĩ trị và tai tiếng - và cả thách thức của Thệ Phản Tin lành nữa).

Nhưng đơn giản rời bỏ Giáo hội là để cho những xung động tồi tệ nhất của nó không bị thách thức và những phần tử tốt nhất của nó không được hỗ trợ. Khi kẻ vỡ mộng ra đi, những kẻ phản động Công Giáo là những kẻ vui mừng khôn xiết. Họ mong muốn một định chế nhỏ hơn, nhưng chính thống một cách cứng ngắc hơn. Sự co cụm này chính là điều có tên là giải pháp Bênêđíctô (Benedict option) đặt theo người sáng lập đan viện thế kỷ thứ sáu, chứ không theo Đức Bênêđíctô XVI, mặc dù vị giáo hoàng hưu trí có thể chấp thuận nó. Việc can thiệp vào tháng Tư của vị này đã mô tả một thế giới ảm đạm (dystopia) đầy tưởng tượng hiện đại - ấu dâm được hợp pháp hóa, nội dung khiêu dâm được trình diễn trên máy bay – những điều Giáo hội vô ngộ phải chống đối. Công Giáo của Đức Bênêđíctô sẽ trở thành một nền văn hóa phản bác (counterculture) tự khuếch đại, nhưng cái thứ sống sót thanh giáo khắt khe (puritanical), căm ghét thế giới ấy sẽ không được hoàn cầu lưu ý.

Sự đổi mới do Vatican II đưa ra có thể đã bị cản trở, nhưng một Giáo Hội Công Giáo cải cách, giác ngộ và đầy hy vọng là điều chủ yếu đối với thế giới của chúng ta. Đối với các vấn đề cấp bách từ biến đổi khí hậu, tới xung đột tôn giáo và sắc tộc, bất bình đẳng kinh tế, chiến tranh thảm khốc, không một định chế phi chính phủ nào có nhiều sức mạnh để cổ vũ sự thay đổi cho tốt hơn, khắp thế giới hơn Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, hãy để tôi trực tiếp ngỏ lời với người Công Giáo, và biện hộ cho một cách khác để đối phó với cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay hơn là bỏ đi.

Điều gì sẽ xảy ra nếu quần chúng tín hữu, kinh hoàng trước điều mà cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã cho thấy giới lãnh đạo của Giáo hội đã trở thành, phải tự tách mình khỏi – và từ bỏ - cơ cấu quyền lực của Giáo hội hiện bị các áo dòng thống trị và giành lại chủ trương của Vatican II cho rằng cơ cấu quyền lực không phải là Giáo hội? Giáo hội là dân Chúa. Giáo hội là một cộng đồng vượt không gian và thời gian. Người Công Giáo không nên nhường cho tập đoàn bạo chúa giáo sĩ thẩm quyền cuối cùng đối với mối liên hệ bản thân của chúng ta với Giáo hội. Tôi từ khước để một linh mục săn mồi hoặc một giám mục đồng lõa xé toạc niềm tin của tôi khỏi tôi.

Phong trào Cải cách, nổ ra cách đây 500 năm, đã rút gọn thành cuộc xung đột về quyền lực của linh mục. Dịch kinh thánh sang tiếng bản ngữ, như Martin Luther và những người khác đã làm, là xóa bỏ sự độc quyền của hàng giáo sĩ đối với trái tim thánh thiêng của đức tin. Tương tự như vậy, đưa các cơ cấu dân chủ vào việc quản trị tôn giáo, nâng cao vai trò của giáo dân, là lật nhào phẩm trật theo đó người thụ phong mới chiếm được vị trí ưu việt.

Trên đây, tôi đã nhắc đến James Joyce và lời tuyên bố của ông rằng Công Giáo có nghĩa là “mọi người đến đây”. Nhưng, khi đề cập đến hàng ngũ giáo sĩ, chứ không phải “mọi người”, James Joyce cũng nói một cách ít dịu dàng hơn: “Tôi khai chiến công khai với nó bởi những gì tôi viết, nói và làm”. Tinh thần đề kháng đó là điều phải lên nghị lực cho những người Công Giáo có đầu óc cải cách hiện nay - một chủ nghĩa chống giáo sĩ từ bên trong. Đó là lập trường tôi quyết định chọn. Nếu có những linh mục cùng chí hướng, chống giáo sĩ, và thậm chí một giáo hoàng chống giáo sĩ, thì chúng tôi sẽ thực hiện chính nghĩa chung với họ.

Joyce là một người tự mô tả mình như người lưu vong, và lưu vong có thể mô tả vị trí của nhiều người cựu Công Giáo, những người đã tìm nơi ẩn náu trong một đức tin khác, hoặc không có đức tin nào cả. Nhưng lưu vong loại này không phải là điều tôi đề nghị. Thay vào đó, tôi đề nghị một loại lưu vong nội bộ. Người ta có thể tưởng tượng các tù nhân lưu vong nội bộ này là những nhân vật ngồi ở phía sau nhà thờ, nơi, trên thực tế, một số linh mục bất đồng chính kiến và nhiều nữ tu có tinh thần tự do cũng có thể có mặt. Hãy nghĩ đến chúng tôi như những người phản đối lương tâm của Giáo hội. Chúng tôi không phải là những người đào ngũ.

Thay thế mô hình bệnh hoạn về Giáo hội bằng một điều lành mạnh có thể bao hàm, trong một thời gian, sự vắng mặt có chủ ý khỏi việc phục vụ hoặc cuộc sống ở bên lề - Ít ở trong các hàng ghế nhà thờ cho bằng ở trong bóng tối phía tít đàng sau. Nhưng sẽ luôn bao hàm việc thực hiện có chủ ý các công việc thương xót: cho người đói ăn, chăm sóc người nghèo, thăm người bệnh, phấn đấu cho công lý. Đây có thể là những hình thức được chọn cho đức tin ngày nay. Đối với nhiều người, nó bao hàm những biểu thức cầu nguyện và thờ phượng không được phép - bình đẳng, chân thực, đại kết; không có gì liên quan đến biên giới giáo phận, ranh giới giáo xứ, hoặc bí tích truyền chức thánh. Điều này có thể đặc biệt đúng trong các cộng đồng tự gọi là có chủ ý nhằm nâng cao sự lãnh đạo của phụ nữ. Những cộng đồng này đã hiện hữu, ở khắp nơi. Bất kể ai chủ tọa tại bất cứ hình thức bàn thờ nào, các thích nghi như vậy của việc tuân giữ Thánh Thể đều đã trở lại với yếu tính thần học của bí tích. Chúa Kitô được cảm nghiệm không phải qua người hành lễ (officiant) mà qua đức tin của cả cộng đồng. Chúa Giêsu từng nói “vì nơi nào hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, Thầy ở đó ở giữa họ”.

Người ta có thể hỏi việc tách rời định chế như thế làm cách nào phù hợp với bản sắc Công Giáo thực sự được? Nhờ những việc tôn sùng, những lời cầu nguyện và những nghi thức vốn duy trì truyền thống Công Giáo dưới nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện bởi một loạt các tín hữu theo lương tri (commonsensical), tất cả đều nhấn mạnh tới đặc điểm Công Giáo của những gì họ đang làm. Hàng ngũ của họ sẽ bao gồm các nhà tổ chức đặc nhiệm (ad hoc organizers) các giáo xứ không có linh mục; các cha mẹ kết hợp với nhau để huấn giáo về đạo cho con em; các nhà hoạt động xã hội tranh đấu bất công nhân danh Chúa Giêsu; và cả các thiên tài truyền thông xã hội có thể phát động, thí dụ, #ChurchResist. Giống như bao giờ, biến cố tổ chức chính của Giáo Hội vẫn sẽ là cảm nghiệm Thánh lễ cộng đồng, mà cơ cấu của nó - đọc Lời Chúa, bẻ bánh - sẽ vẫn có tính phổ quát; nó sẽ không cần phải được cử hành bởi một thành viên của một đẳng cấp tư tế nào đó. Sự thăng tiến dần dần của các nhà lãnh đạo giáo dân trong Giáo hội trong mọi trường hợp trở thành một sự kiện của cuộc sống, do sự thiếu hụt về nhân sự và chuyên môn quyết định. Đây là lúc để làm cho sự thăng tiến này trở thành có ý hướng, và tăng tốc nó. Các trụ cột của Đạo Công Giáo - tụ tập quanh cuốn sách và tấm bánh; những lời cầu nguyện và bài hát truyền thống; các buổi tĩnh tâm xoay quanh sự khôn ngoan của các thánh; hiểu cuộc sống như một hình thức làm môn đệ - sẽ không bị lung lay.

Chính Vatican có thể thực hiện các bước, dù muộn màng, để bắt kịp nơi Giáo hội đi mà không cần có nó. Tốt thôi. Nhưng theo những cách không thể dự đoán được, không có định hướng trung tâm và sẽ mở ra từ từ theo thời gian, chính những người lưu vong sẽ trở thành cốt lõi, vì những người lưu vong vốn là cốt lõi vào thời Chúa Giêsu. Họ sẽ đảm nhận trách nhiệm và quyền sở hữu, và như trách nhiệm và quyền sở hữu được chuyển giao vào các đơn vị nhỏ hơn, tập chú sẽ chuyển từ định chế trần đời sang ý nghĩa siêu việt của nó. Đây là điều đang xảy ra, ngay trước mắt chúng ta. Hàng chục triệu quyết định luân lý và hành động bản thân đang được thông tri bởi sự lựa chọn làm người Công Giáo theo cách của chúng tôi, hết bị trói buộc vào một giàn giáo xưa cũ mục nát. Sự lựa chọn phát xuất không cần ghi chú (with no asterisk). Chúng tôi sẽ là người Công Giáo, chấm hết. Chúng tôi không cần bất cứ ai cho phép. Việc chúng tôi “ăn chay và kiêng thịt” các thực hành được chính thức ra lệnh sẽ tiếp diễn bao lâu việc tái sinh của Giáo Hội yêu cầu, bất kể chúng ta có sống để thấy nó hoàn tất hay không. Là người Công Giáo phản giáo sĩ, chúng tôi sẽ đơn giản từ khước chấp nhận rằng các thái độ làm ăn như thường lệ của hầu hết các linh mục và giám mục nên mở rộng ra cho chúng ta, khi các bức tường của đền thờ họ đang sụp đổ xung quanh họ.

Tương lai sẽ đến với chúng tôi một cách vô hình, từng khung một, như nó luôn luôn làm như thế – chỉ có thể hiểu được khi cùng chạy với nhau và phóng chiếu trở lại một thời điểm xa xôi. Nhưng nó đang đến. Một trăm năm nữa, sẽ có một Giáo Hội Công Giáo. Hãy tin điều đó. Nếu, trong các thời đại qua, người ta coi là thích hợp việc Giáo hội tiếp nhận các cấu trúc chính trị của nền văn hóa rộng lớn hơn – Rôma đế quốc, Châu Âu phong kiến, thì nay, tại sao Công Giáo không nên hấp thụ triết lý sống và hình thức dân chủ tự do? Điều này có thể không là điều tất yếu, nhưng là điều khả hữu hơn. Giáo hội tôi thấy trước sẽ được cai quản bởi giáo dân, mặc dù động từ cai quản có thể ít được áp dụng hơn động từ phục vụ. Sẽ có những nhà lãnh đạo tập hợp các cộng đồng để thờ phượng, và vì truyền thống rất phong phú, hằn sâu vào lịch sử con người, những người thực hành bí tích như vậy có thể được gọi là linh mục. Họ sẽ có thể là phụ nữ và những người đã kết hôn. Họ sẽ bình đẳng về mặt hữu thể với mọi người khác. Họ sẽ không nợ lòng trung thành với một cấp trên phong kiến. Các trường học và đại học Công Giáo sẽ qui phục (submit) đức tin vào lý trí - và ngược lại. Các bệnh viện Công Giáo sẽ là phần chủ yếu của cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe hoàn cầu. Các dòng tu nam nữ, một số tự nguyện độc thân, sẽ tiếp tục bảo vệ và bảo tồn hàng loạt các thực hành chiêm niệm và Tin Mừng xã hội khác nhau. Các tu sĩ dòng Tên và dòng Đaminh, dòng Bênêđíctô và dòng Phanxicô, Phong trào Công nhân Công Giáo và các cộng đồng thần học giải phóng khác - tất cả các định chế này sẽ tồn tại dưới những hình thức chưa tưởng tượng được. Giáo hội sẽ hoàn toàn sống động ở bình diện địa phương, dù đức tin được thực hành nhiều hơn trong phòng sinh hoạt gia đình hơn là trong các vương cung thánh đường. Và Giáo hội vẫn sẽ có một phạm vi hoạt động trên toàn thế giới, với một loại trung tâm tổ chức, thậm chí có thể ở Rôma vì thói quen thời xưa cũ. Nhưng trung tâm đó sẽ được bảo vệ khỏi chủ nghĩa háo thắng Công Giáo bằng cách bắt tay cởi mở với các giáo phái Kitô giáo khác. Giáo hội tưởng tượng của tương lai này sẽ có nhiều điểm chung với truyền thống cổ xưa hơn đạo Công Giáo thần tượng hóa giáo hoàng của thời hiện đại. Và như tất cả những điều này hàm ngụ, chủ nghĩa giáo sĩ trị sẽ chết từ lâu. Thay vì phá hủy tình yêu của người Công Giáo đối với Giáo hội, ưu thế lưu vong nội bộ có thể củng cố nó - làm cho yếu tính đức tin trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tôi bắt đầu việc tính toán lâu dài này bằng một cảm thức nhẹ nhõm không mong muốn rằng mẹ tôi đã không sống để thấy bức tranh kỳ cục về Giáo hội này được khai mở, nhưng nay tôi hiểu rằng nếu bà còn sống để nhìn thấy nó, cả bà cũng sẽ nhận ra tiềm năng thanh tẩy trong cái đau lòng này.

Điều gì còn lại từ mối liên kết với Chúa Giêsu khi bộ máy tổ chức biến mất? Đây là điều tôi đã tự hỏi mình hồi mùa hè trước khi tôi từ bỏ chức linh mục nhiều năm trước đây - một mùa hè tại một đan viện Bênêđíctô trên một ngọn đồi giữa Giêrusalem và Bêlem. Tôi nhận ra rằng câu hỏi đó tự trả lời lấy nó. Giáo hội, dù có thể là gì đi nữa, không phải là bộ máy tổ chức. Nó là một cộng đồng hoài niệm, giữ cho câu chuyện của Chúa Giêsu Kitô sống động. Giáo hội là một mối liên kết bằng xương bằng thịt với Người hoặc không là gì cả. Giáo hội là mối hiệp thông của những người theo Người, của những người tìm cách bắt chước Người - một mối hiệp thông, nói theo những lời đầu tiên từng được sử dụng để chỉ về chúng ta, của “những người yêu Người trước hết và không chịu buông bỏ tình âu yếm đối với Người".

Kỳ tới: B. Phản ứng đối với “Hãy bãi bỏ chức linh mục” của James Carroll

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét